Đời Ngược gió

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Phước Huy

Hoàng hôn dốc xuống một thửa ruộng, cánh cò sải rộng, ánh vàng ngập một vùng đất phù sa, cái hương sáng sớm trút đều những giọt sương và rớt mình xuống dòng kênh hiền như lòng mẹ.

Tôi ngồi trên cái ghe nhỏ nhỏ của chú Thách, chen chúc với tụi trong xóm để chạy dọc một con sông, nghe đều nhưng âm thanh sống nhịp nhàng từng hơi một, những tiếng chim rộn ràng sáng sớm, tiếng nước chạy rào rào qua cái đập xả nước, tiếng xuồng máy tạch tạch qua lại buổi hoàng hôn, nôn nao, vội vã hay cái tiếng lá rất nhẹ, rất khẽ xuyên qua những rặng dừa nước bùi ngùi nhìn thời gian trôi lặng. Và kết lại bằng cái tiếng Thị Trấn nhộn nhịp, ồn ào.

Ký ức của tôi về những ngày đến trường đẹp hơn bao giờ hết, chả hiểu tại sao, tôi thích suy nghĩ rằng ngày mai mình sẽ…chết, điều này đồng nghĩa với việc từ ngày mai tôi sẽ không còn cơ hội lắng nghe những âm thanh mà mình thường nghe hằng ngày, không được thấy những màu sắc rộn ràng của cánh đồng quê, không được ngửi những hương mạ non thoang thoảng như hương sắc thoáng qua của một đứa con gái mới lớn, hay đơn thuần hơn là tôi sợ không kịp nói một điều gì đó mà tôi cảm thấy cần thiết! Cứ thế, vì vậy mà từ khi nào, tôi tập cho mình một thói quen hưởng thụ, hưởng thụ tất cả những sự lặp đi lặp lại một cách mới mẻ!

Cho đến khi tôi được dạy ở một ngôi trường cấp ba mà ngày xưa tôi học, ký ức ấy cứ tràn về trong từng tiết học, bóng dáng của thằng Tâm khờ khạo luôn ẩn hiện đâu đó trong góc lớp, để rồi, hôm nay, khi tụi nhỏ (nói tụi nhỏ cho sang chứ tôi cũng có hơn tụi nó là bao, cũng sấp xém vài tuổi chứ mấy) lén phén gọi tôi bằng cái tên “Thầy Tâm” làm tôi bỗng giật mình và hình như có phần mãn nguyện.

Thằng Biền cứ lầm lì mãi trong tiết, cái hôm nó mặc chiếc áo thun vào lớp, tôi hỏi, sao em không mặc sơ mi? đồng phục của trường mà! Thằng nhỏ lặng thinh, có lẽ với nó lời của tôi như một giọt nước trên chiếc lá môn, lăn tăn óng ánh rồi rớt cái rụp xuống nền đất, tan đi mất, chẳng đọng lại trong đầu thêm một tí gì của sự sống. Tôi lặp lại vài ba lần câu hỏi rồi đuổi nó hẳn ra khỏi lớp. Đầu gì mà cứng ngắc.

Năm đầu chủ nhiệm, thầy cô trong trường biểu “tội nghiệp thằng Tâm, gặp ngay thằng Biền, chắc cuối năm nay nó bỏ nghề quá”. Chính vì những điều đó mà tôi càng cảm thấy hứng thú hơn với những khó khăn trước mắt, và tôi thường nói với những học sinh của mình “rèn đời rèn trong lửa, càng nóng càng khổ thì đời mới sắc, mới khôn”. Vậy mà có lúc tôi đã tự nghĩ, có khi nào mình sai khi ở cùng những rặng mù u tờ mờ tối như thế này.
Tuần trước khi thằng Biền đem mớ ốc sên vô lớp, chúng nó bò tán loạn, tụi con gái xách chiếc áo dài chạy ra khỏi lớp, tự dưng sân trường nhộn nhịp trong tiết học, tôi thấy mình có lỗi ghê gớm, lỗi gì thì cũng không rõ nữa, chỉ thấy đôi tay mình bất lực, không điểm đặt.

Nhưng đó là một trong những cách thằng Biền đem lại cho tụi trong lớp những cơn thịnh nộ đáng tức giận dễ dàng nhất, có hôm nó đem hẳn một con rắn hổ đất vào lớp, chú bảo vệ phải đập ba phát con rắn mới chịu nằm yên. Hay cái thân lấm tấm mùi sình non, giữa trưa nắng hừng hực phát lên cái mùi khó chịu đến phát cáu. Còn người nó thì lúc nào cũng tèm nhèm mùi rượu…

Hôm họp phụ huynh, má nó cho cái ghe lớn đậu trước bờ sông đối diện cổng trường, người phụ nữ mập mạp, khuôn mặt lịch bịch những vết phấn, mặc chiếc áo bà ba tím sẫm lấp lánh vài đường pha lê sang trọng,…Trong suốt buổi họp, bà ta chỉ nói một câu “tui về được chưa thầy?”

Ngày họp hội đồng kỷ luật cuối tháng, lớp tôi chủ nhiệm được hai tờ kiểm điểm, một của Biền và một của…tôi. Điều mà làm tôi cảm thấy tức giận không phải là vì tôi không làm để thay đổi, mà là tôi đã cố, từ khiển trách trước lớp, đuổi ra khỏi lớp, mời phụ huynh,… nhưng thằng nhỏ miền miệt im lặng, như đời chưa từng cho nó một cái miệng để nói với một ai khác, dù lời nói đó là cay nghiệt… Chẳng lẽ tôi quay qua và biểu nó như cái hồi đi học viết kiểm điểm “tại mày mà tao phải viết tờ giấy này…mày thấy mày hại bạn bè hông”.

Trường của tôi mà một ngôi trường nhỏ, xung quanh có những hàng cây bạch đàn rì rào, cái hương bạch đàn vào mùa xồng xộc lên mũi làm người ta khó cưỡng lại cái tình yêu dào dạt nơi đây, yêu như một thói quen muốn chối từ cũng không từ chối được, bờ sông trước trường là một con sông trôi miên không điểm đầu cũng không điểm cuối, nhưng nó là sự khởi tạo của yêu thương, khởi tạo của nguồn sống dân quê. Hôm qua khi chiếc ghe bán kem ghé ngang trường giờ ra chơi, tụi học trò ùa ra và thét lên Cà-rem cà-rem…làm tôi thương hơn cái nghiệp mà tôi đã đi theo nó. Thấy mọi thứ giản đơn, mộc mạc đến ngọt ngào cay nghẹn.

Hồi trưa rồi ở trần lặn xuống mò cái nồi nhôm của ngoại, tôi thấy cái hương phù sa ôm chặt người mình, bỗng không thèm nghĩ tới tiền bạc, công danh mờ ảo nữa,….

Đường từ nhà ra thị trấn chỉ có một con sông bắt ngang như mái tóc của đứa con gái, uốn lượn và mượt mà. Vậy mà cái hôm chú Tư đồn “người ta sắp làm đường bê tông vô tới nhà luôn bay”, thế là tôi buồn thiu, sợ mọi thứ đang cố gắng níu giữ sẽ tan biến mất theo sự len lõi của hiện đại từ thị trấn vào.

Kết thúc học kỳ một, tôi tâm đắc cho Biền một hạnh kiểm Trung Bình với một ghi chú nhỏ trong vở liên lạc “cần cố gắng học tập và rèn luyện đạo đức” (dù rằng tôi biết thế nào sổ liên lạc này cũng không được quan tâm), nó xé toang tờ giấy trước mặt tôi. Cả lớp tách biệt với thằng nhỏ, cũng bởi thằng Biền còn quá khờ khạo, hành động theo bản năng và có những tác phong mà người ta không thể nào tưởng tượng được. Cái danh điển hình đến mức chưa dạy Biền mà nhiều giáo viên trong trường đã cảm thấy ghét. Chắc cũng là tôi trong số đó khi trong lớp càng ngày càng phản ánh về sự luộm thuộm, nhớt nháp, mùi rượu hừng hực của Biền.

Nhưng mọi thứ dừng lại trước mắt tôi, dừng lại hẳn hoi với trái tim của một người thầy giáo và dừng lại như một chiếc xuồng đong đưa trước gió đột nhiên tấp vào bờ…dừng lại trước tờ giấy kiểm tra của thằng Biền. Bài làm văn về nhà với nội dung “điều em tâm đắc nhất về mẹ và quê hương của mình”…

Tôi đến nhà Biền vào một sáng Chủ nhật, nắng đẹp và gió lồng lộng len lén đùa trên những nhành cây. Đường vào nhà là hai hàng đước bao quanh dọc hai bờ sông hiền khô như mái tóc mẹ (trích lời văn của Biền). Qua con đường này là những mớ sình lầy khó đi, phải kéo ống cao quá gối, xóm Bến Củi không có nhiều xuồng máy vì ở đây ai cũng nghèo, mọi người đều tự lội đất và gió ra tới tận thị trấn. Qua con đường này, sẽ đến một chiếc cầu khỉ, chiếc cầu làm bằng tre ống to, phía dưới là một làn nước trong suốt, ngọt lịm, bầy lòng ròng lượn là qua mặt, tôi thốt lên “trời đất ơi, đẹp dữ vậy nè”.

Thằng nhỏ ở trần, nước da đen nhám ngồi lựa tỉ mỉ những con ốc bưu trên xuồng ba lá, hồi lâu lại nhảy xuống nước, lặn ngụp và kéo lên vài con ốc hoặc cái lưới chỉ giăng ngang bờ nắng.

Tôi cứ đứng đó, tưởng tượng về câu văn nguệch ngoạc qua bàn tay của Biền, về má ruột đang nằm trong kia, mắt mở trân trân, nhìn đời đã hơn bốn năm nay mà không chịu cười một phút. Tôi lại nghĩ về cái tình yêu đơn thuần mà Biền đem lại cho những nhành cây trước nhà, giàn mướp tươi nguyên nặng trình trịch qua cái ao, mớ củi được xếp đều đặn, ngăn nắp trước mái nhà lá lộc cộc vẹo xiêu, hàng dừa ngọt lịm xào xạc trước khung cảnh của một làng quê miền Tây đậm đà như một bài hát.

Tôi hỏi “sao em không chia sẻ với mọi người”, thằng nhỏ còn nửa người dưới nước, nửa người vẫn ôm bẹ xuồng ba lá, nó biểu “sao thầy đến được đây?”. Thằng nhỏ khác với Biền trên lớp, nó chạy lên bờ, bỏ mặc mớ ốc bưu vừa cố đào bới tỉ mỉ, nó vô bếp nướng con khô cá lóc thơm phức, rồi để trước mặt tôi biểu, hạnh kiểm trung bình uống rượu được mà thầy heng. Nó lấy chai rượu trắng, để trước mặt tôi cái ly nhỏ xíu rồi nói, nhà em có nhiêu đây à thầy.

Tôi tỏ vẻ không bằng lòng, “rượu của tía em hả”, nó cười sặc sụa, tay vẫn xé con cá lóc to bằng hai lòng bàn tay “tía đâu mà tía, của em đó, em nấu rượu mà thầy, ông tía ổng bỏ má con em mấy đời rồi, cái bà hôm nọ họp phụ huynh là vợ ổng đó… còn má em nằm đằng kia kìa”.

Người phụ nữ hốc hác nằm bên chiếc giường tre, đôi mắt nhìn trân trân lên trần nhà, đôi tay đan vào nhau từng ngón một. Tôi nhớ bài văn của Biền, tự dưng thấy đời gì mà tối om. Chợt chỉ muốm im lặng, thằng nhỏ cười hớn hở biểu “thầy tưởng em bỏ học hả, hông có đâu, tại má hổm rài sốt quá, thấy bả ở nhà một mình đâu có yên tâm, em nghỉ mà hổng biết gửi giấy phép cho ai nữa”…

Suốt buổi hôm đó, tôi chỉ ngồi lừ thừ nghe thằng nhỏ miên man trong hơi rượu, mùi nếp nhỏ giọt đằng sau bếp đôi lúc làm tôi say. Tôi thấy nó lớn hơn mình nhiều quá, và cái hạnh kiểm trung bình cho cả đời nuôi má thật ra là ích kỷ, cũng có thể là sự trả thù của tôi cho một năm thi đua bị cắt giảm. Đời ích kỷ, tôi cũng thế.
Tôi hỏi “tiền đâu em đóng học phí”, thằng nhỏ cười biểu “tía em ổng có gởi cho em một ít, nhưng để dành tiền đó mua thuốc cho má thôi, tội bả, đời bạc quá nên cứ nằm đó hoài, còn em thì tiền bán rượu với mấy thứ bắt được ngoài ruộng cũng đủ tiền học mà”. Tôi nhìn qua mớ cây mù u bên nhà thắc mắc “ruộng nhà em hả”, nó kêu “ông tía ổng bán rồi, bán đời nào rồi, giờ người ta chuẩn bị đào bới gì nó, nghe nói năm sau hổng trồng lúa nữa”…

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc khi mặt trời tới đỉnh điểm, tôi ra về, câu hỏi trong đầu thì vô số, nhưng đáp án lẫn lộn của nó thì nằm ở đâu đây, miên man giữa những mùa gió cuốn. Thằng Biền dặn “thầy đừng có nói chuyện của em cho người khác nhen, mắc công chúng nó thương hại, mệt lắm”. Tôi cười và biến mất qua những hàng đước rì rào trong tiếng gió.

Thằng nhỏ nghỉ học cả tuần rồi, hôm qua tôi có lội ngược gió qua những hàng đước để tìm Biền, đi cùng lớp trưởng. Con bé lớp trưởng hỏi tôi “nhà Biền đây hả thầy?”

Phía trước trống hoang, giàn mướp, hàng bắp, căn nhà lá vẹo xiêu,… tất cả đều biến mất, như một giấc mơ vậy. Chiếc xuồng ba lá trước nhà ngập nước, bị chìm mất một phần hơn, chắc do cơn giông đêm qua lớn quá.

Hỏi xung quanh người ta không ai biết Biền ở đâu cả, thậm chí họ không biết được rằng cái nhà đó có thằng nhỏ tên Biền học ngoài thị trấn, người ta biểu “thằng Út bán rượu hả, tội nó, chắc khổ quá nó đi rồi chứ gì, mò ốc nuôi má nó ba năm trời chứ đâu phải chơi thầy”…

Tôi quay qua lớp trưởng, con bé biểu, có mùi nhang trầm ở đâu âm ấm vậy thầy?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro