(6)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Thế nào là thuyết thông tông chẳng thông?

- Nói và làm trái nhau, tức là thuyết thông tông chẳng thông.

- Thế nào là tông thông thuyết cũng thông?

- Nói và làm không sai biệt, tức là thuyết thông tông cũng thông.

- Kinh nói: "Pháp đến chẳng đến, chẳng đến đến" là thế nào?

- Nói đến mà làm chẳng đến, gọi là đến chẳng đến. Làm đến mà nói chẳng đến, gọi là chẳng đến đến. Làm nói đều đến, gọi là đến đến.

*

- Phật pháp chẳng hết hữu vi, chẳng trụ vô vi. Thế nào là chẳng hết hữu vi?

Thế nào là chẳng trụ vô vi?

- Chẳng hết hữu vi là từ mới phát tâm cho đến ở dưới cội Bồ-đề thành Đẳng chánh giác, sau đến Song lâm vào Niết-bàn, trong khoảng giữa đó tất cả pháp đều không bỏ. Ấy là chẳng hết hữu vi.

Chẳng trụ vô vi là tuy tu vô niệm mà chẳng dùng vô niệm làm chỗ chứng.

Tuy tu Không mà chẳng lấy Không làm chỗ chứng. Tuy tu Bồ-đề Niết-bàn vô tướng vô tác, mà chẳng dùng vô tướng vô tác làm chỗ chứng. Ấy là chẳng trụ vô vi.

*

- Có địa ngục hay không có địa ngục?

- Cũng có cũng không.

- Tại sao cũng có cũng không?

- Vì tùy tâm tạo tất cả nghiệp ác thì có địa ngục. Nếu tâm không nhiễm, vì tự tánh Không thì không địa ngục.

*

- Chúng sanh chịu tội có Phật tánh chăng?

- Cũng đồng Phật tánh.

- Đã có Phật tánh thì chính khi vào địa ngục Phật tánh đồng vào chăng?

- Chẳng đồng vào.

- Vậy chính khi chúng sanh vào địa ngục Phật tánh ở chỗ nào?

- Cũng đồng vào.

- Đã đồng vào thì khi chúng sanh chịu tội Phật tánh cũng đồng chịu tội chăng?

- Phật tánh tuy theo chúng sanh đồng vào, mà chúng sanh chịu tội khổ, Phật tánh xưa nay vẫn không chịu.

- Đã đồng vào nhân đâu chẳng chịu?

- Chúng sanh là có tướng, có tướng thì có thành hoại, Phật tánh là không tướng, không tướng thì tánh Không. Thế nên, tánh chân không không có hoại. Ví như có người chất củi trong hư không, củi lâu ngày bị mục, hư không chẳng mục. Hư không dụ Phật tánh, củi dụ chúng sanh. Vì thế, nói đồng vào mà không đồng chịu.

*

- Chuyển tám thức thành bốn trí, rút bốn trí thành ba thân, vậy mấy thức chung thành một trí, mấy thức riêng thành một trí?

- Mắt tai mũi lưỡi thân, năm thức này chung thành Thành sở tác trí. Ý thức thứ sáu riêng thành Diệu quan sát trí. Tâm thức thứ bảy riêng thành Bình đẳng tánh trí. Thức hàm tàng thứ tám riêng thành Đại viên cảnh trí.

- Bốn trí này là khác hay đồng?

- Thể đồng mà tên khác.

- Thể đã đồng tại sao tên khác?

- Vì tùy sự đặt tên (Câu đáp này trong bản văn thiếu, dịch giả thêm cho đủ nghĩa.)

- Đã tùy sự đặt tên thì khi một thể, cái gì là Đại viên cảnh trí?

- Yên tịnh không lặng tròn sáng chẳng động là Đại viên cảnh trí. Đối các trần không khởi yêu ghét tức là hai tánh Không, hai tánh Không là Bình đẳng tánh trí. Hay vào cảnh giới các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) khéo phân biệt mà chẳng khởi loạn tưởng, được tự tại là Diệu quan sát trí. Hay khiến các căn tùy sự ứng dụng, thảy vào Chánh định, không có hai tướng là Thành sở tác trí.

- Rút bốn trí làm ba thân, bao nhiêu trí chung làm một thân, bao nhiêu trí riêng làm một thân?

- Đại viên cảnh trí riêng thành Pháp thân. Bình đẳng tánh trí riêng làm Báo thân. Diệu quan sát trí cùng Thành sở tác trí chung làm Hóa thân. Ba thân này cũng giả lập tên để phân biệt, cốt cho người chưa hiểu xem. Nếu người liễu đạt lý này cũng không có ba thân ứng dụng. Vì sao? Vì thể tánh không tướng, từ gốc không trụ mà lập, cũng không có gốc không trụ.

*

- Thế nào là thấy chân thân Phật?

- Chẳng thấy có không, là thấy chân thân Phật.

- Thế nào là chẳng thấy có không, là thấy chân thân Phật?

- Có nương nơi không mà lập, không nương nơi có mà hiển bày, vốn chẳng lập có thì không đâu còn. Đã chẳng còn không thì có từ đâu mà có. Có với không làm nhân cho nhau mà có. Đã làm nhân cho nhau mà có thì thảy đều sanh diệt. Chỉ lìa hai cái thấy này, tức là thấy chân thân Phật.

- Có Không còn không thể được, huống là dựng lập chân thân, thì căn cứ

vào đâu mà lập?

- Vì có hỏi nên lập. Nếu khi không hỏi thì tên chân thân cũng không thể lập.

Vì sao? Ví như gương sáng nếu khi đối vật tượng tức hiện hình tượng, nếu khi chẳng đối vật tượng trọn chẳng thấy hình tượng. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro