GHI LỜI SƯ ĐÁP CÁC NGƯỜI ĐẾN HỎI VÀ DẠY CHÚNG (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Sư bảo học chúng:

- Tôi chẳng hội thiền, trọn không có một pháp có thể dạy người, không phiền các ngươi đứng lâu, hãy tự đi đi!

Tuy vậy mà học chúng dần dần thêm đông, ngày đêm thưa hỏi. Sư bất đắc dĩ vì hỏi giải đáp, biện tài không ngại.

*

Có vài vị Pháp sư đến hỏi:

- Định hỏi một câu, thầy có vui lòng đáp chăng?

Sư bảo:

- Bóng trăng dưới đầm sâu, mặc ý mò bắt.(Thiền gia cho ngôn ngữ không thể nói đến chân lý, chỉ nương ngôn ngữ để thấy chân lý ngoài ngôn ngữ. Vì thế lời giải đáp như bóng mặt trăng hiện dưới đầm. Người muốn thấy mặt trăng thật, phải nương bóng mặt trăng ấy, mà nhìn ngược lên trời thì mới thấy. Cố chấp bóng mặt trăng dưới đầm, thì suốt kiếp không khi nào thấy bóng mặt trăng thật.)

- Thế nào là Phật?

- Hồ nước trong đối diện, chẳng phải Phật là gì? (Tâm thanh tịnh là Phật. Nếu đối cảnh mà tâm không sanh, chẳng phải Phật là gì? Vì thế, Sư bảo "Hồ nước trong đối diện", tức là tâm đối cảnh chẳng động như hồ nước trong, khi ấy chẳng phải Phật là cái gì? Thiền tông chỉ tâm là Phật, chẳng đi cầu Phật bên ngoài. Nếu đem tâm đi cầu Phật, ấy là vác Phật đi cầu Phật, không bao giờ thấy Phật.) Các vị ấy đều ngơ ngác, không biết gì cả. Giây lâu có vị lại hỏi:

- Thầy nói pháp gì độ người?

- Bần đạo chưa từng có một pháp gì độ người.

- Thiền sư nhà tối như thế?

- Đại đức nói pháp gì độ người?

- Giảng Kinh Kim Cang Bát-nhã.

- Giảng được bao nhiêu lần?

- Hơn hai mươi lần.

- Kinh này ai nói?

Pháp sư tằng hắng lên giọng gắt:

- Thiền sư khéo nói đùa, há không biết Phật nói sao?

- "Nếu nói Như Lai có nói pháp là chê bai Phật, người ấy không hiểu nghĩa ta nói" (kinh Kim Cang). Nếu nói kinh này không phải Phật nói tức là phỉ báng kinh. Thỉnh Đại đức nói xem?

Pháp sư im lặng không đáp được.

Chốc lát, Sư lại hỏi:

- Kinh nói: "Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai". Đại đức hãy nói cái gì là Như Lai?

- Đến chỗ này tôi mê hẳn.

- Từ trước đến giờ chưa từng ngộ nói cái gì là mê?

- Thỉnh Thiền sư vì tôi nói.

- Đại đức giảng kinh hơn hai mươi lượt, lại chưa biết Như Lai?

Pháp sư lễ bái cầu xin chỉ dạy.

Sư bảo:

- Như Lai là nghĩa Như của các pháp, đâu thể quên được.

- Phải là nghĩa Như của các pháp.

- Đại đức nói, phải cũng chưa phải.

- Văn kinh rõ ràng đâu thể chưa phải?

- Đại đức Như chăng?

- Như.

- Cây đá Như chăng?

- Như.

- Đại đức Như, đồng cây đá Như chăng?

- Không hai.

- Đại đức cùng cây đá đâu khác?

Pháp sư không đáp được. Lại khen: "Đây là thượng nhân khó đối đáp được". Giây lâu lại hỏi:

- Thế nào được đại Niết-bàn?

- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.

- Thế nào là nghiệp sanh tử?

- Cầu đại Niết-bàn là nghiệp sanh tử, bỏ nhơ lấy sạch là nghiệp sanh tử, có đắc có chứng là nghiệp sanh tử, không vượt khỏi môn đối trị là nghiệp sanh tử.

- Thế nào là được giải thoát?

- Vốn tự không phược (trói buộc) chẳng cần cầu giải thoát, dùng thẳng, hành thẳng là Vô đẳng đẳng (Phật không ai so bằng gọi là vô đẳng, chư Phật đồng nhau gọi là đẳng. Vô đẳng đẳng là chỉ cho Phật).

Pháp sư khen:

- Thiền sư như Hòa thượng thật là ít có.

Khen xong, Pháp sư lễ tạ lui ra.

*

Có vị cư sĩ đến hỏi:

- Tức tâm tức Phật, cái gì là Phật?

Sư bảo:

- Ông nghi cái gì không phải Phật chỉ ra xem?

Cư sĩ lặng thinh.

Sư nói tiếp:

- Đạt thì khắp cảnh là Phật, chẳng ngộ thì hằng trái xa.

*

Có Luật sư hiệu Pháp Minh đến nói:

- Các Thiền sư phần nhiều rơi vào không.

Sư bảo:

- Trái lại, các Tọa chủ phần nhiều rơi vào không.

Pháp Minh hoảng sợ hỏi:

- Tại sao rơi vào không?

- Kinh luận là giấy mực văn tự, giấy mực văn tự đều là không (duyên hợp không thể), dù là trên tiếng dựng lập danh, cú, văn, thân đâu chẳng phải là không. Tọa chủ bám chặt vào giáo thể, đâu chẳng rơi vào không.

- Thiền sư rơi vào không chăng?

- Chẳng rơi vào không.

- Sao lại chẳng rơi vào không?

- Văn tự v.v... đều từ trí tuệ mà sanh, đại dụng hiện tiền đâu thể rơi vào không.

- Cho biết một pháp không đạt, chẳng gọi là "Tất- đạt".

- Luật sư chẳng những rơi vào không, lại còn dùng lầm danh ngôn.

Pháp Minh đổi sắc mặt hỏi:

- Lầm chỗ nào?

- Luật sư chưa rành âm Trung Hoa và Phạn làm sao giảng thuyết?

- Thỉnh Thiền sư chỉ ra chỗ lầm của Pháp Minh.

- Đâu chẳng biết "Tất-đạt" là tiếng Phạn sao? (Tất-đạt là tiếng Phạn, nói đủ là Tất-bà-hạt-thích-tha-tất-đà. Trung Hoa dịch là Nhất thiết nghĩa. Xưa dịch âm Tất-đạt là sai, không đủ âm.)

Pháp Minh tuy nhận thấy lỗi, mà tâm vẫn còn giận, lại hỏi:

- Phàm Kinh, Luật, Luận là lời Phật, đọc tụng, y giáo phụng hành, sao chẳng thấy tánh?

- Như chó điên đuổi bóng, sư tử cắn người. Kinh Luật Luận là tự tánh dụng, người đọc tụng là tánh pháp.

- Phật A Di Đà có cha mẹ và họ chăng?

- Phật A Di Đà họ Kiều Thi Ca, cha tên Nguyệt Thượng, mẹ tên Thù Thắng Diệu Nhan.

- Xuất phát từ kinh điển nào?

- Xuất phát từ tập Đà-la-ni.

Pháp Minh lễ tạ khen ngợi lui ra. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro