TAI NẠN HAY LÀ DUYÊN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

                Hai lăm tuổi, Hằng chưa có nổi một cuộc tình vắt vai, cuộc sống không tẻ nhạt ngày nào nhưng thoang thoảng đâu đó trong tâm hồn cô chất chứa những giây phút cô đơn. Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, phải cố gắng 200% sức lực, Hằng mới có thể vươn ra thành phố, học hành và có công ăn việc làm ổn định. Cái thời sinh viên cực nhọc biết bao nhiêu, quay cuồng bài vở, làm thêm và ... đổi phòng trọ. Cũng cái tội ít tiền, thương bố mẹ không muốn xin nên Hằng luôn luôn trong tình trạng phải kiếm người ở chung. Năm đầu tiên, chúng bạn vẫn ngây ngô nên đứa nào cũng chăm chăm ghé phòng. Tới năm thứ hai, chúng nó có người yêu hết, lũ lượt kéo nhau đi "ở riêng", Hằng thành ra phải đi tìm các em khối dưới hoặc trường khác, cùng quê để kết bạn. Giai đoạn ấy , ngoài việc "dịch chuyển" ra, Hằng không có gì hay ho để kể với chúng bạn thì đã hết thời sinh viên.

                Ra trường, Hằng nhảy qua hàng chục công ty từ spa chăm sóc làm đẹp, tới BKAV pro, .... từ vị trí receptionist tới office manager .... Chốt lại tại thời điểm hai lăm tuổi, cô làm kế toán cho một công ty kinh doanh hàng nội địa Nhật, vị trí sale. Với Hằng vị trí không quan trọng, cô chỉ cần nơi nào cho cô sự năng động, kiếm ra nhiều tiền và được thể hiện bản thân. Có lẽ, vì quá cá tính nên không anh nào dám "tấn công" Hằng? Cô đâu có ăn to nói lớn? ít khi hoa chân múa tay, cùng chằn khi nào phượt phiệt như chúng bạn. Vậy thì có lẽ là duyên chưa tới mà thôi???

               Dưới Hằng còn một em gái và một em trai, cả hai học hành không được tới nơi tới chốn cho lắm. Thằng Quân chỉ đủ kiên nhẫn theo một lớp dạy nghề rồi đi làm sơn điện cho các công trình, nay đây mai đó. Cái Hiên đang học lớp trung cấp y dược Thái Bình, một nghề mà cả họ hàng Hằng không có mối quan hệ xã hội nào để xin việc. Vậy là nhà Hằng có năm người thì ở bốn tỉnh khác nhau, họa hằn lắm một năm mới có được hai, ba lần tập hợp về thăm bố mẹ. Nghĩ cũng thương hai cụ, bươn chải tỉnh ngoài thì chị em cô không biết lấy gì mà sống trên mảnh đất nghèo chôn nhau cắt rốn ấy.

               Cùng với đứa bạn thân, Hằng thuê một phòng trọ khoảng 12m2, có gác xép và công trình phụ khép kín ở khu Đền Lừ vừa tiện cho cả hai đứa đi làm và học thêm. Quỳnh đã có người yêu rồi, nhưng tính nó hay sợ mang tiếng nên không bao giờ ở riêng. Chơi với nó lâu, Hằng cũng hiểu tính nó, hai đứa không chỉ hợp cạ mà còn cực kì đồng điệu trong suy nghĩ và tâm hồn. Sợ bạn buồn lúc nào Quỳnh cũng về nhà tắm rửa, ăn cơm, buôn chuyện thật lâu rồi mới đi chơi với bạn trai. Thi thoảng nó còn mua quà về làm vui cho Hằng nữa. Biết tấm lòng của bạn, Hằng luôn "động viên" nó "an tâm mà hôn bạn trai đi, đừng có vừa hôn chàng lại vừa nghĩ về tao là không được đâu"

              Thời gian rảnh rỗi có nhiều, Hằng nhờ đứa bạn dưới Quảng Ninh gửi lên ít đặc sản cho cô buôn bán thêm. Đầu tiên là bán cho đồng nghiệp, anh em, bạn bè, hàng xóm, rồi dần dần Hằng mang cả ra chợ vào cuối ngày để ngồi. Mấy lần Hằng dậy từ sớm mon men ra chợ đầu mối gần đó tính kiếm xem buôn bán gì khác nhưng cô chưa đủ "trình" và cũng không đủ sức khỏe lẫn thời gian mà bon chen. Lương kế toán cũng tương đối ổn định rồi, nên Hằng chỉ coi "kinh doanh" là thú vui lúc rảnh rỗi.

              Hằng nhớ hôm đó là thứ bảy, một ngày giữa mùa đông rét buốt, cô được nghỉ nên đi chợ cả sáng cả chiều. Mải buôn dưa lê với mấy bác bán rau, nhá nhem tối cô mới trở về phòng trọ. Căn bản là Hằng không việc gì phải vội, cái Quỳnh luôn tít mít tới khuya vào cuối tuần mà. Đội chiếc mũ áo phao trên đầu, một tay xách đống măng khô, cá mực khô, một tay đút túi áo Hằng mải miết đi, đang định rẽ vào đầu ngõ thì một thanh niên đi xe máy chạy vụt qua. Để né chiếc ô tô đối diện đang đi lấn làng, cậu ta phi cả lên vỉa hè, lao sượt qua người Hằng vướng vào cái túi kéo cô ngã dúi bụi, đống mực khô đổ tung tóe ra đất. Chàng thanh niên cũng suýt ngã, xe chắn ngang ra đầu ngõ. Vội vàng dựng xe gọn lại, cậu ta chạy tới đỡ Hằng dậy, cuống quýt nhặt đồ cho cô. Cái túi dứa chắc chắn vậy mà còn bị đứt phựt cái quai, rách một đường dài. Tay Hằng bị miết vào cạnh nhôm chìa ra của một cửa hàng đồ điện gần đó, toạch một đường khá sâu phía bên ngón tay cái bên trái. Máu túa ra, cộng thêm cái rét buốt mùa đông, Hằng thấy xót phát khóc. Mắt cô rơm rớm, mặt phừng phừng vì tức giận.

           - Cậu đi kiểu gì thế ?

          - Em xin lỗi chị, em đang vội quá, nhà em có việc. Chị có sao không ạ? Có thấy bị gãy xương ở đâu không?

          - Đau quá là đau....

          - Chết thật, chảy máu rồi, làm sao giờ?

         - Cậu còn hỏi làm sao à? Không khéo chỗ này phải khâu đấy

         - Em thành thật xin lỗi, bây giwof nhà em đang có việc gấp lắm, em phải đi, nếu chị thực sự không bị gãy xương đâu đó, chị chịu khó cầm chút tiền bắt taxi vào viện khâu tay họ em.

           - Thôi, chắc không sao đâu, tôi vào hiệu thuốc ...., có việc gấp thì đi đi, có gì thì cũng từ từ mà đi kẻo lại gây tai nạn cho người khác.

          -  Vậy chị cho em xin số điện thoại, có gì em hỏi thăm ạ.

          - Thôi thôi, không cần đâu, đi đi

          - Vâng, vậy chị thông cảm, em cảm ơn!

         - Uh....

        Trong lòng tức lắm, cũng muốn cào mặt ra ăn vạ đấy, nhưng Hằng không nỡ. Nhiều lúc gia đình cô cũng có việc gấp, cô rất hiểu tâm lí vội vàng hấp tấp. May mắn tay chân lành lặn, Hằng chỉ mất khoảng ba tuần cho vết thương ăn da non. Tuy nhiên, trên tay Hằng mãi không hết vệt màu nâu sẫm hình móc câu. Tổn thất về sức khỏe và tinh thần thì ít tổn thất về mặt thẩm mĩ lại quá nhiều. Giá mà lúc đó cô đòi tiền có phải bớt ấm ức không? Cái tính thương người của con gái thật là một điều quá sức phi lí giữa chốn đô thị này.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lanrua