Chương 9 :

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chiếc xem mười lăm chỗ ngồi chở đoàn khách du lịch chạy từ từ ra cổng. Nó rẽ sang trái và khuất dạng sau rặng cây xanh. Mọi đứng trước hiên nhìn theo rồi ai nấy cùng thở phào nhẹ nhõm.


Ông Đặng nói to:


- Báy giờ chúng ta lại tổng vệ sinh, sau đó, các con được tự do.


Bà Phương mỉm cười thêm vào :


- Cho tới sáng mai.


Bốn bạn trẻ lên cầu thang. Họ bước vào căn phòng đầu tiên, lột drap giường quăng xuống đất, lột áo gối quăng xuống đất... Nói chung, họ quăng xuống đất tất cả những thứ mà khách đã sử dụng: khăn mặt, khăn tắm, mền chỉ. Sau đó, Châu khệ nệ ôm hết chúng xuống để bà Phương bỏ vào máy giặt. Trong lúc chờ đợi, Phan và Thùy phụ nhau trải tấm drap giường mới và tròng áo gối mới.


Rồi Châu trở lên, nhập bọn với Châu và Thùy trong căn phòng số hai.


Thùy nói:


- Em thấy mỗi tua kéo dài ba ngày hai đêm là vừa đủ. Hai ngày một đêm thì hơi gấp gáp. Mà bốn ngày ba đêm thì...


Phan tỉnh bơ nói tiếp:


- Thì cho họ lên Đà Lạt sướng hơn.


Châu phản đối:


- Sao cậu nói vậy? Đà Lạt hơn gì ở đây? Thiên nhiên của họ bị "nhân tạo hóa" nhiều quá. Trong khi ở đây thiên nhiên mới đúng nghĩa là thiên nhiên. Cậu chưa đi sâu vô trong rừng chồi mà! Cậu tưởng mới đi vài trăm bước chân là đủ sao? Phải sâu vô nữa. Cậu phải nhìn thấy một thế giới thiên nhiên hoang dã.


Phan nói nhỏ:


- Lần này thì giống Bửu Điền hay Mạnh Linh (*) quá.


(*) Tên các phát thanh viên ở đài truyền hình TP.HCM


Thùy tủm tỉm cười:


- Còn phải nói.


Khi Châu trở lên lần thứ ba, cậu nói:


- Mẹ đang trả lời điện thoại. Không biết có thêm đoàn khách nào đăng ký nữa hay không? Ngày mai có mười lăm người khác tới rồi.


Phan thắc mắc:


- Giả sử không đủ phòng ngủ cho khách thì sao?
Thùy tỏ ra có nhiều kinh nghiệm:
- Mẹ em sẽ tính toán chứ. Nếu đủ chỗ mẹ em mới nhận. Nếu không đủ, hoặc mẹ dời họ qua vài ngày sau hoặc từ chối thẳng. Làm dịch vụ nhà nghỉ mà không đủ chỗ cho du khách nghỉ, coi sao được?


Ba bạn trẻ kéo nhau xuống dưới phòng tiếp tân. Bà Phương đang ngồi tính sổ sách, ngẩng lên nói:


- A, chúng ta có tin vui. Dì Ngọc sắp tới. Dì đang trên đường ra bến xe.


Thùy hỏi:


- Có cần tụi con ra đường lộ cái đón dì Ngọc không?


Bà Phương cất giấy tờ vào trong ngăn tủ, đứng lên :


- Không cần đâu. Tháng trước dì ghé qua đây một lần rồi.


Châu ngạc nhiên :


- Ủa? Sao con không biết?
Bà Phương vừa đi vào bếp vừa trả lời:
- Lúc đó con và Thùy đi ra suối chơi với Vân. Dì Ngọc chỉ ghé vào khoảng một tiếng rồi "bốc hơi". Mẹ ước gì lần này dì đừng "bốc hơi " quá nhanh .Mẹ cần có dì phụ trách công việc tiếp tân và trực điện thoại.

Ông Đặng đứng nơi của phòng khách chung nói vọng vào:

- Đứa nào đi với ba? Chúng ta cần mua thêm bia và nước uống đóng chai.

Bốn bạn trẻ cùng giơ tay cao nhao nhao tình nguyện xin đi.

Ông Đặng cười hà hà:

-Thôi, ra xe hết đi. Một công đôi ba chuyện. Các con vừa biết mặt mũi chợ Bình Dương ra sao, vừa phụ ba chất hàng lên xe luôn.

Ông Đặng có chiếc xe Jeep cũ dùng để làm phương tiện chuyên chở rất hợp lý. Máy xe rất mạnh. Loại xe Jeep này "chuyên trị" mấy cái dốc trong rừng chồi. Ông Đặng hứa có một ngày chở bốn bạn trẻ thám hiểm khắp khu rừng bằng xe Jeep.

Chuyến đi chợ Bình Dương với ông Đặng chiếm gần hai tiếng đồng hồ vàng ngọc của bốn bạn trẻ. Xe vừa dừng lại trong sân, bà Phương và một phụ nữ lạ mặt vội vàng đi ra đón ông Đặng và bốn bạn trẻ.

Bà Phương giới thiệu:

- Đây là dì Ngọc của các con. Còn đây là Phan, Châu và Thùy. Còn cô bé này là bạn thân của Thùy lâu lâu có đến phụ giúp gia đình em.

Bốn bạn trẻ hết hồn khi nghe nói người phụ nữ này là dì Ngọc. Trời, người trần hay ma quỷ? Sao mà kinh khủng quá vậy?

Bốn bạn trẻ gật đầu chào dì Ngọc rồi mạnh ai nấy lo bưng thùng La Vie chai vô trong.

Bà Phương đon đả nói thêm vào:

- Tụi nó mong chờ dì Ngọc từ sáng sớm.

Dì Ngọc cười ha hả:

- Thiệt hả? Chà. Mấy đứa lớn bộn hén. Hôm nay tao mới biết mặt mũi thằng Phan đó. Giống Sáu Đặng hết sức. Tướng tá của nó cao ráo coi cũng đỡ. Còn con Thùy với nhỏ bạn nó, để mai mốt rảnh, tao nhuộm tóc cho hai đứa nó. Ai lại để lùi xùi nhìn quê mùa hết sức. Nè, Sáu Đặng, ai trang trí cái phòng khách chung xấu quá? Sao hổng hỏi ý kiến tui?

Ông Đặng thủng thỉnh nói:

- Công chuyện của tui, mắc mớ gì tui phải hỏi ý kiến chị? Mỗi người một "gu". "Gu" của tui nó dzậy đó.

Dì Ngọc cười ha hả.

Tiếng cười làm mấy khung cửa sổ phải giật mình.

Phan nhướng mắt hỏi Châu:

- Dì ruột của cậu đó hả?

Châu chối lia chối lịa:

- Ai biết? Nghe nói bả là chị họ của mẹ mình chớ mình chưa bao giờ gặp bả hết. Mình đâu ngờ bả... kinh dị dữ vậy.

Thùy lăc đầu:

- Thất vọng quá. Bả làm tiếp tân ở đây chắc khách du lịch chắp tay vái hết.

Dì Ngọc là một điển hình còn hơn cả kinh dị. Mái tóc tém cắt ngắn sát ót được nhuộm thành mười mấy chùm màu sắc khác nhau. Khuôn mặt trét kem hơi bị nhiều, thành ra nó bóng lên như chảo mỡ phơi dưới nắng. Cặp mắt vẽ đen thui, ngược lại đôi môi dày được tô màu tím rịm, cứ như diễn viên Hàn Quốc nào đó. Dì mặc cái áo thun dây màu vàng chanh ngắn ngủi. Vạt phía trên phô ra vòng số một cực kỳ đồ sộ, còn vạt phía dưới chỉ chực hở rốn, mà cái vốn nằm giữa vòng số hai cũng''phì nhiêu'' không kém. Một cái quần thun lửng màu xanh là cây bó sát mông, là dấu chấm hết dành cho dì Ngọc. Tức là không còn gì để nói thêm về khiếu thẩm mỹ của một người phụ nữ sồn sồn tuổi bốn mươi... mà vẫn còn thích ''quậy''.

Tiếng dì Ngọc nói rổn rảng trong phòng tiếp tân:

- Bây giờ tao quyết định ở lại đay giúp mày vài tháng. Tao chán cảnh phiêu lãng lắm rồi. Mày muốn tao tiếp khách và trực quầy điện thoại phải không? Nhưng cái quầy nó không hợp với sự sang trọng của tao. Mày biểu Sáu Đặng mua một cái quầy mới thay vào.

Bà Phương nhỏ nhẻ trả lời:

- Chuyện cái quầy nó xấu hay đẹp không thành vấn đề. Ổng mới mua nó cách đây mười ngày đó. Tụi tui đang bắt đầu nhận hợp đồng, chưa có khách nhiều. Chị cứ ngồi làm việc ở đó đi . Từ từ rồi tính sau.

Dì Ngọc cong môi lên làm điệu:

- Thôi cũng được. Nhưng bàn làm việc gì mà trống trơn. Ngày mai sắm cho tao một máy vi tính.

Bà Phương chưng hửng:

- Để làm gì vậy? Có mấy người khách mà cũng phải xài máy vi tính hả?

Dì Ngọc chống nạnh:

- Trời ơi, mày còn quê hơn nhiều người tao quen biết nữa. Máy vi tính để ở đây, thỉnh thoảng tao vô mạng tao chát. Biết không?

Bà Phương xua tay:

-Thôi đi. Không có thời gian cho chị chát chiếc đâu. Chị muốn gì thì hỏi thằng Châu đó. Máy vi tính của nó, nó để trong phòng riêng rồi.

Dì Ngọc chúm môi huýt sáo rồi nói:

- Làm ăn vậy sao phát triển nổi hả cưng?

Bà Phương bực mình quá, bỏ đi vô bếp.

Dì Ngọc đứng ngó ngang ngó ngửa rồi tà tà lượn lờ quanh phòng khách chung. Sau đó, dì lôi trong va li ra một mớ tạp chí in toàn hình các nguời mẫu thời trang và cắm đầu xuống đọc.

Chợt dì ngẩng phắt lên, tay chỉ vào một bài báo, miệng nói to:

- Ê, Phương ơi! Phương ơi!

Bà Phương lật đật bước ra:

- Có chuyện gì vậy?

Dì Ngọc làm ra vẻ quan trọng:

- Nè, bài báo viết, có một cửa hiệu bán đồ cổ đang cần mua rất nhiều cổ vật nè. Càng cổ nó càng có giá. Mày coi chung quanh đây có thằng cha nhà quê nào cần bán bình cổ, chén cổ không? Họ mới mua một chục cái chén cổ, đời vua Đồng Khánh, với giá một lượng vàng mỗi cái chén. Mày hỏi dọ(*) đi, tao làm trung gian cho.

(*) Hỏi dò

Bà Phương chép miệng:

- Tưởng gì. Thôi đi chị ơi, chị đừng mơ mộng viển vông. Ở vùng này chỉ có nhà quê mần ruộng thôi. Bình cổ, chén cổ đâu mà bán cho chị?

Dì Ngọc lắc đầu, trề môi:

- Mày không thức thời gì hết. Thị trường đồ cổ đang sôi động đó.

Nói xong, dì tiếp tục dán mắt vào cuốn tạp chí.

Thùy hoảng hồn nói với hai anh:

- Đừng cho dì Ngọc biết chuyện thanh kiếm Bảo Long. Nếu dì biết, dì sẽ qua bển ăn cắp thanh kiếm cho coi.

Phan trấn an em gái:

- Không sao đâu. Chắc dì không biết đó là chiếc gương thời gian đâu.

Châu đồng tình với Phan:

- Có thể dì sẽ không có thời gian mò mò lên trên gác xép. Với lại, tụi mình thường xuyên quanh quẩn ở đây, nếu dì tỏ ý muốn lên đó, tụi mình tìm đủ mọi cách để ngăn cản.

Thùy than thở:

- Chúng ta nên hạn chế qua bển bớt. Khi nào cần qua, chúng ta phải canh chừng trước sau cho kỹ. Trời ơi, sao em chán cái dì Ngọc này ghê! Em không hiểu sao mẹ em lại mời dì tới đây làm việc. Em có cảm tưởng dì sẽ quấy rầy tụi mình lắm.

Phan đổi đề tài:

- Chiều nay tụi mình được rảnh rỗi, đi đâu chơi không?

Thùy reo lên:

-A, ra suối chơi đi hai anh. Mình ra suối nha Vân.

Vân bình thản :

- Tao thì sao cũng được nhưng còn phải chờ ý kiến của hai ngườ kia nữa.

Châu phản đối kịch liệt :

- Thôi thôi. Ra suối hoài chán lắm. Tụi mình vô sâu trong rừng đi. Anh muốn kiểm tra mấy cái hang thỏ mà hôm trước anh đã phát hiện ra.

Phan thích thú:

- Ừ, mình chưa biết cái hang thỏ như thế nào. Coi chừng lộn tiệm với hang rắn.

Thùy cười cười:

- Ai chớ anh Châu thì không lộn đâu. Ảnh rành cuộc sống hoang dã lắm. Thỉnh thoảng ảnh chụp hình thú vật gửi lên báo và được đăng đó. Tiền nhuận bút của một tấm hình là một trăm ngàn! Ác chiến chưa?

Thế là bốn bạn trẻ thống nhất sẽ đi thám hiểm khu rừng sau giờ ngủ trưa.

Khoảng hai giờ chiều, dì Ngọc xông vào phòng riêng của Châu và Phan mà không thèm gõ của.

Dì nói rổn rảng bằng giọng ra lệnh:

- Châu nè, cháu bưng cái máy vi tính ra đặt ở quầy tiếp tân cho dì đi. Dì rất cần tới nó. Dì phải sử dụng nó ngay lập tức.

Châu giả nai:

- Để làm gì vậy dì?

Dì Ngọc làm ra vẻ quan trọng:

- Chiều nào dì cũng phải chát với đám bạn vài tiếng đồng hồ mới đã ghiền. Cháu bưng ra đi. Tới giờ dì gặp các ''chiến hữu'' rồi đó.

Châu thủng thỉnh từ chối:

- Không được đâu dì ơi. Thứ nhất, cái máy tính này là của ba mẹ cháu mua cho cháu, nó là sở hữu riêng của cháu, nó không phải thiết bị văn phòng. Thứ hai, cháu chưa nối mạng. Nếu không có mạng thì làm sao dì chát được?

Dì Ngọc ngoe nguẩy đi ra:

- Tao tưởng cái máy của mày ngon, ai ngờ quê hết sức. Thời buổi này mà không nối mạng thì còn làm ăn được gì? Sáu Đặng dở quá! Đi trước thời đại mới là bản lĩnh của người đàn ông thời nay.

Phan và Châu nhìn theo dì, lắc đầu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#đn