Cúi xuống che chung

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chưa bao giờ cố Tám chịu nhận là mình hiu quạnh trong ngôi nhà lún giữa cây vườn và bóng nắng. Ra vô mình một nhưng trên gương mặt cố không có vẻ gì buồn. Ngày hai lượt con cháu đi tắt qua vườn thăm chừng, thỉnh thoảng bắt gặp quả tang cố đang nói chuyện. Ngó quanh không thấy ai, hỏi thì cố Tám cười, nói " tụi bay sợ tao phát khùng nói một mình hả? không có đâu".

Cố nói có một con ong bầu đục ổ ngay chỗ buộc day giăng mùng, cố kêu nó dời đi chỗ khác. Trong ngôi nhà coi bộ cũ kỹ này, ngoài những người thân đã mất đã xa vẫn còn váng vất, có rất nhiều thứ mà cố Tám gộp gọi chung: "tụi nó". Tính luôn con Vện hay cào móng 

dưới gầm giường, "tụi nó" còn có những sinh vật có hoặc không tên. Cứ nhà tranh vách lá là đám nhỏ này kéo tới ăn ké ở nhờ, nhưng không phải ai cũng coi chúng là bạn, cũng nhận được những hơi ấm từ nhau.

Sau này, một trong những đứa cháu của cố Tám vẫn nghĩ chẳng phải vì thiếu vắng con ngời mà cố làm bạn với tụi bốn chân, côn trùng, mà bà già đó thực sự đã thấy và nghe chúng. Không gian sống giữa người và mớ sinh vật nhỏ nhoi dưới một mái nhà hai gian một chái, đứa cháu tự hỏi hai chữ "cộng sinh" có trơ quá, có tả hết tình không.

Cây ven vách bằng tre, trúc cũng đúng loại ong bầu mê thích. Chỉ cần đục cái lỗ đầu hay giữa lóng, con ong đen dềnh dàng có ổ. Thằn lằn lang thang trên vách lá ngậm mưa tiếc rẻ những huy hoàng, đôi lúc rơi xuống đoạn đuôi còn giãy. Giấu nhwgnx cái trứng trong chân vách ẩm mục, một đôi rắn mối chờ đợi một thế hệ mới sẽ ra đời. Trên đòn tay tràm không tróc vỏ, con tắc kè bông khệnh khạng xác định lãnh địa. Dưới mái nhà cố Tám, tiếng dế gáy vang kẹt mê bồ và những mùa hè, và bậu cửa đầy dấu chân chim. Mưa lại, sân vườn ngập nước, kiến động ổ đi lang thang từng đàn, rồi rúc vào mớ lá dứa khô cố Tám để dành nhen lửa. 

Và trên mái ngói hỏa tiễn là rêu mọc lẫn trong những thứ cỏ dại đi hoang. Mấy hạt diệp hạ châu nương theo gió chướng đậu lại trên ngói, mưa xuống nảy mầm, thành cây, sống ương bướng giữa đất trời. Lâu lâu một dây mướp leo lên mái nhà, ra hoa kết trái điềm nhiên không ai hái. Cố Tám kệ bìm bìm giăng, nhưng con cháu nhổ gốc, kếu thứ bông ấy buồn lắm. Túi nó nói nhà cũ, người già, thêm hoa bìm bìm tím nữa là đủ bộ điêu tàn. Không ai biết lúc ấy cố Tám âm thầm hẹn. Mười hai năm sau, trên mộ cố bìm bìm lợp xanh, và ai đó quả quyết mấy con thằn lằn quanh quẩn bên chỗ nằm của cố là bọn đã từng sống trên nóc mùng trong nhà cũ.

Từ chối làm phiền người thân  khi tự thấy vẫn còn mạnh giỏi, cố Tám từ chối luôn sự cô đọc khi mở lòng thương hết thảy, nếu ghét bọn mối mọt, chuột bọ thì cũng là do tụi nó phá hoại nhà. Bầy ong vò vẽ đóng tổ đầu song, cố buộc phải hun khỏi đuổi đi để bảo vệ đám con nít nghịch ngợm, lỡ đứa nào bắn nạng thun làm vỡ tổ khiến ong phải đáp trả bằng nọc độc cho hả tức.

Chủ rộng lòng, căn nhà cũng mở với đất trời cho dù có khép bao nhiêu cửa. Vách có phải là để ngăn mưa gió không mà mùa nào lưng võng nằm cũng mát rượi những gió trời, nền đất in bóng nắng. Những khi yên ắng, tĩnh lặng nhất vẫn cảm giác sự sống chảy ngầm, trong tiếng mọt gặm bộ ngựa. Nằm ở trong buồn cố cũng nghe đám nhỏ giỡn nước ngoài mương, nhà bên xúc gạo chuẩn bị nấu cơm chiều. Một đứa luồn từ cửa sau, kêu " Tám ơi, má kêu con bưng cho cố tô bí hầm dừa. Nóng thấy mụ nội". Không cần tụi nó lên tiếng, chỉ bước chân thôi cố cũng gọi đúng tên đứa cháu mình. Chúng vốn coi nhà cố như nhà chúng, hay lấy cớ qua hủ hỉ với bà già để khỏi bị sai vặt, trốn ngủ trưa. Cái tâm thế cúi xuống che chở cho những sinh vật nhỏ của một người già, theo cách nào đó cũng gần suy nghĩ của trẻ con. Nên cố Tám gần với chúng hơn với những người lớn đã qua thời mơ mộng.

Giờ cố nằm cách nền nhà cũ chừng năm chục bước chân, một nấm mộ nhuần nắng mưa cùng gió. Giun dế cũng lấy đó làm nhà, người ta nhận ra cố Tám đi đâu cũng không cô độc. Giống như hồi còn sống, sàn nước cố Tám ngồi vo gạo luôn có bầy chim sẻ đứng chơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro