Trả nắng cho ngày về (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa hè nơi Thủ Đô là một thứ khiến con người ta bực bội đến phát điên. Trời trong vắt rạng ngời, không vướng nổi một gợn mây, đồng nghĩa với việc không một vật cản nào ngăn trở cái ánh sáng vàng chói lọi mang theo hơi nóng bỏng rát chiếu xuống, thiêu đốt mọi con đường, mọi ngóc ngách, thiêu luôn chút kiên nhẫn, bình thản cuối cùng lưu lại trong người dân đất Hà thành.

Đỗ Hải Đăng kéo va li, vai phải đeo túi đồ to tướng, nặng nề lê bước trong con ngõ gồ ghề do lâu ngày chưa tu sửa. Anh đi sát vào ven tường, nhường đường cho vài cái xe máy thỉnh thoảng sẽ bất chợt phi ra từ ngách nhỏ khuất tầm mắt. Dù sao, ngõ chỉ đủ lớn cho hai chiếc xe máy đi song song, anh không đi nép vào tức là tự tăng khả năng hiến thân cho các thần tốc độ. Nghĩ thôi đã sợ rồi.

Lại đi thêm một đoạn, Hải Đăng dừng chân trước một cánh cửa sắt màu xanh đen hơi gỉ. Anh mở cửa đi vào khoảng sân khiêm tốn, thầm nghĩ mấy ngay nay sẽ giúp sơn lại cánh cửa cho đều màu. Đặt tạm đồ đạc lên hiên nhà, nhìn bao quát ngôi nhà xây theo kiến trúc kiểu cũ một vòng, không thấy ai.

- Mẹ ơi.

Hải Đăng dồn lực, hô to, đáp lại anh không phải giọng nói nội lực, vang dội mà anh quen thuộc thay bằng tiếng vật nặng nện mạnh xuống nền gạch và tiếng hét phát ra từ sau nhà. Hải Đăng nhanh chân chạy hết khoảng sân ngắn, nhìn vào phần trống giữa nhà chính và gian bếp nối liền nhà vệ sinh. Anh nhìn chiếc thang gỗ nằm la liệt trên sàn gạch lát đỏ cam bám rêu xanh, từ chân thang lướt dần lên trên cửa sổ tầng hai.

Anh chống nạnh, đầu ngẩng lên, cau mày nhăn mặt, có nghĩ thế nào cũng không lí giải nổi hành động leo lên bậu cửa sổ đứng ôm thanh chắn của thanh niên lạ mặt kia.

- Cậu là ai? Sao leo lên cửa sổ nhà tôi? Ăn trộm à?

Hoàng Hùng bị ba câu chất vấn liên tiếp làm hoảng hồn, lòng bàn chân chấp chới trên bậu cửa sổ nhỏ bằng lòng bàn tay trẻ em run lên, trượt một cái khiến cậu suýt ngã, hốt hoảng siết chặt vòng tay ôm thanh gỗ chắn của cửa sổ mới tạm thời ổn định được cơ thể. Sự cố bất ngờ doạ cả người trên lẫn dưới tầng sợ hết hồn, Đỗ Hải Đăng há miệng thở mạnh một cái, cánh tay vỗ bộp bộp lên lồng ngực phập phồng, an ủi quả tim đang trực nhảy ra khỏi cổ họng.

- Ôm cho chặt vào. - Hải Đăng hét lên.

Chẳng biết trộm hay gì, anh dựng thang lên bên cạnh cửa sổ, nắm chặt, chắc chắn nó không đổ liền nói vọng lên:

- Trèo xuống, tôi giữ chặt rồi.

Hoàng Hùng run rẩy nhìn anh rồi nhìn cái thang, điều khiển cơ thể như mắc bệnh Parkinson di từng bước nhỏ đến gần thang.

- Từ từ thôi, đúng rồi, cứ thế.

Hải Đăng đứng dưới đã bình tĩnh trở lại, cất giọng nói ôn hoà trấn an Hoàng Hùng. Cậu nhích một chút, anh liền cổ vũ một câu.

- Ôm thanh ngang bên dưới, đặt chân lên thang trước.

Anh tiếp tục hướng dẫn:

- Chính xác, chậm thôi. Tôi giữ chặt rồi, cậu cứ bước từng bước một thôi.

Hai tay anh giữ thang đến mức nổi gân, thang gỗ dùng lâu, chất liệu cũng không tốt tróc thành từng sợi châm chích khắp lòng bàn tay. Thấy người còn vài bước là đáp đất, Hải Đăng buông tay, đỡ eo nhấc cả người thanh niên, ôm xuống.

Hoàng Hùng cứng người, đờ đẫn đứng trước mặt Hải Đăng. Anh quan sát cậu, thanh niên nhìn còn rất trẻ, mặt non choẹt, trắng bóc chẳng thua gì con gái, không, có khi còn trắng hơn. Đàn ông nhìn mặt trước, điều này áp dụng với cả Hải Đăng, anh xem xét khuôn mặt ưa nhìn của Hoàng Hùng, thấy "vào mắt" vô cùng, thiện cảm với chàng trai trước mắt tăng lên kha khá, trong đầu thậm chí hiện ra suy nghĩ "mặt đẹp thế chắc chắn không phải ăn trộm". Nhưng hỏi cung theo thủ tục thì vẫn phải hỏi:

- Cậu trèo lên tầng hai nhà tôi làm gì?

Hồn vía Hoàng Hùng giờ đã trở về, dáng vẻ sợ sệt biến mất, sinh viên năm tốt của xã hội chủ nghĩa online. Hoàng Hùng thẳng lưng, rành mạch đáp trả:

- Nhà nào của anh? Chủ nhà này tên Hồng, là phụ nữ kìa.

- Hồng là tên mẹ tôi.

(Vì để truyện tách biệt hẳn đến thực tế thì mình lấy tên người thân khác ngoài đời nhé).

Hoàng Hùng chưa tin tưởng lắm, mày nhăn tít nhìn kĩ từ đầu đến đuôi Hải Đăng đưa ra nhận xét:

- Trong ảnh con cô Hồng không đen thui giống anh.

Hải Đăng bị câu nói thẳng thừng kia làm cho tức cười. Anh học trường quân đội, bốn năm liền không phải tập huấn, hành quân thì là canh gác, thậm chí kiêm luôn trồng trọt, chăn nuôi, không đen đi mới là lạ đấy.

- Tôi đây không cần giải thích với người ngoài như cậu.

Đoạn, anh quay người đi thẳng về phía hiên cửa chính, xách đồ hiên ngang vào nhà, lên phòng của mình trên tầng 2.

Thực tế chứng minh, bất ngờ luôn không đến một mình. Ngoài sân gặp bất ngờ một mém tí tự tử tại nhà, vào phòng va vào bất ngờ hai luôn được. Đỗ Hải Đăng đứng trước cánh cửa gỗ, buông thõng hai tay, mặc đồ đạc rơi tự do bên chân. Không gian riêng thuộc về mình giờ lấp kín đồ đạc của người khác, xa lạ tựa như nó vốn không phải của anh.

Hoàng Hùng chạy chân trần đuổi kịp Hải Đăng, bắt gặp bộ dạng thất thần quá lố kia, tí cười ra tiếng, may mắn phép lịch sự rèn luyện hơn hai mươi năm ngăn cậu phản ứng, nhưng cậu vẫn phải quay đầu đi mím chặt môi để trấn tĩnh lại.

- Alo, chị Hồng. Con cần một lời giải thích từ chị.

Hải Đăng day trán, gọi điện giục mẹ về nhà nhanh.

- Vâng, chị đừng tám nữa, con chị về đến nhà rồi ạ.

Đầu kia đáp lại rồi nhận được phản hồi từ người đàn ông:

- Dạ chị. Chị nhanh nhanh hộ con.

Cúp máy, Hải Đăng đá túi đồ xanh lá đậm sang một bên, khoanh tay dựa ván cửa, hếch cằm trỏ về phía trong căn phòng:

- Đồ của cậu à?

- Vâng, đúng rồi.

- Dọn ra đi.

Hoàng Hùng sửng sốt, vội vã nói:

- Sao lại bắt tôi dọn ra. Tôi đóng cọc, đóng tiền phòng để thuê phòng đàng hoàng mà.

- Lát chị Hồng về trả cậu.

Hoàng Hùng bối rối, cậu luống cuống tay chân, túm vội vạt áo lính của người đang tính bỏ đi, xuống nước:

- Anh... Bây giờ anh bắt tôi dọn đi đâu được?

Hải Đăng nhìn bàn tay thon dài, trắng hồng tinh tế hơn hẳn tay đàn ông con trai bình thường, ý nghĩ hất tay cậu ra mới xuất hiện đã bị đá bay, nhưng sĩ diện thì không bay ngay được.

- Không phải chuyện của tôi, tôi không quan tâm.

Hoàng Hùng mếu máo, mặt mũi ỉu xìu, cố làm vẻ mặt trông đáng thương nhất có thể, mềm giọng thuyết phục:

- Anh đừng đuổi tôi mà, giờ dọn ra là tôi chỉ còn nước đứng đường thôi.

Hải Đăng ngó cái mặt trông cũng hơi tội nghiệp, mím môi không tỏ vẻ gì.

- Xin anh đấy. Nhé?

"Bùm" Hải Đăng nghe thấy tiếng đầu mình nổ tung, lỗ tai bị giọng nói mềm mềm, nhẹ hều như bông kia đốt cho đỏ bừng, mặt cũng nóng lên. Anh thầm cảm thấy may mắn vì da mình sạm đi nên che được màu đỏ dần lấp kín hai gò má. Anh hắng giọng:

- Vậy để... để mẹ tôi về rồi tính.

Nhìn bàn tay thu về, xoa lên ngực tự an ủi, anh hơi tiếc nuối. Nhưng cảm giác này không đọng lại quá lâu, anh đá va li và túi xách vào phòng, ngồi xổm xuống lấy bộ quần áo nói:

- Tôi để tạm đồ ở đây trước, cậu đừng động vào.

Hoàng Hùng gật đầu lia lịa, mỉm cười tiễn con chủ nhà chưa xác nhận nhưng chắc đến 80% quay lưng đi vào buồng tắm.

- Vậy cách giải quyết của mẹ là phòng vẫn cho thuê, con kê thêm giường ngủ ở phòng thờ?

Đỗ Hải Đăng nghi ngờ tai mình có vấn đề, nhìn mẹ ruột thân yêu hỏi lại, nhận được cái gật đầu chắc nịch của mẹ Hồng.

- Phòng thờ trống không, không quạt không điều hoà, mẹ bảo con sống qua hai mươi mốt ngày kiểu gì?

Hoàng Hùng giơ tay, lí nhí phát biểu:

- Điều hoà phòng em hỏng rồi.

Đỗ Hải Đăng quay phắt sang trừng cậu. Hoàng Hùng bỏ tay xuống, cúi đầu nói nốt nửa câu sau:

- Nên nãy em mới trèo lên kiểm tra.

- Vậy chiều cô gọi thợ vào sửa, không phải lo.

- Chị Hồng, còn con. Con có phải con trai ruột mẹ không?

Mẹ Hồng vỗ cái bốp lên lưng Hải Đăng dạy dỗ:

- Bình thường ở trường, kí túc xá có điều hoà gì đâu, sao không thấy anh phản đối bộ quốc phòng.

- Ở nhà phải khác.

- Mẹ không biết, mẹ nhận tiền rồi.

Thấy hai mẹ con tiếp tục đấu khẩu, Hoàng Hùng không biết làm sao, đầu loé lên một ý nghĩ, cậu chen vào khe hở cuộc trò chuyện:

- Không thì anh chung phòng với con một tháng cũng được ạ. Phòng cũng rộng mà cô.

- Chốt.

Hải Đăng đồng ý ngay lập tức.

- Vậy cô giảm một nửa tiền phòng cho con.

Hùng xua tay:

- Không cần đâu ạ, cô để con giá thuê rẻ lắm rồi.

- Thế tháng này miễn tiền điện nước. Coi như để cục nợ kia chia tiền với con, dù sao tháng nào trợ cấp nhà nước dư, nó đều gửi cho cô cả. Thế nhé, cô ra xem hàng quán đây.

Sau ngày đó, Hải Đăng và Hoàng Hùng bất đắc dĩ trở thành bạn cùng phòng. Nói là cùng, nhưng thực ra không chạm mặt nhiều, Hùng đi học đi làm cả ngày, Đăng cũng giúp mẹ rồi gặp bạn cũ nhân mấy ngày nghỉ hè trước khi được chia đơn vị công tác. Đụng chạm duy nhất chỉ là lúc hai người nằm chung một chiếc giường mét tám nhân hai mét.

Nhưng cuộc sống mà, không thiếu nhất là những lần "bất chợt"...

Ngày đó, Hải Đăng vẫn đi gặp bàn bè, khác là anh bị chuốc cho say mèm, phải dùng hết sức lực lẫn may mắn mới an toàn về đến con ngõ nhỏ thân thuộc. Trời đã đổ về khuya, con ngõ không một bóng người, chỉ lác đác ánh đèn vàng chợt sáng chợt tắt. Hải Đăng chậc một tiếng, khép chặt áo sơ mi khoác ngoài, liêu xiêu lảo đảo bước đến cánh cửa sắt màu xanh đen. Anh nghĩ chắc phải đứng dưới nhà, gọi điện mất một lúc mới khua được chị Hồng dậy mở cửa cho con trai yêu dấu, nhưng thần kì ghê, trước cửa có bóng người chờ sẵn. Bóng hình chiếu vào mắt anh thon dài, mảnh khảnh, rõ ràng bình thường như thế nhưng cũng bất thường như vậy. Ánh mắt anh bị bóng dáng kia lấp kín, nó bắt đầu xâm nhập, rồi chiếm lĩnh cả cõi lòng anh.

- Sao em xuống đây?

Giọng Hải Đăng lơ lớ, Hoàng Hùng phải nghe kĩ mới hiểu được.

- Cô Hồng ngủ rồi, nghe thấy tiếng nên em xuống xem thử có phải anh về không để đỡ phải gọi cô dậy.

Hải Đăng gật gù, chân lảo đảo, Hoàng Hùng nhanh mắt thấy thế vội tiến lên đỡ anh. Cơ thể hai người không còn chút khoảng cách.

Cách gần thế này, hơi rượu bay vào mũi, không quá khó chịu. Hoàng Hùng đã nghĩ vậy. Ở khoảng cách này, cậu mới biết người kia hơn cao hơn cậu một chút, đô hơn cậu nhiều chút. Cậu còn nghe thấy tiếng quần áo ma sát phát ra âm thanh sột soạt, và tiếng "meo meo" nho nhỏ ở giữa hai người.

- Hửm?

Hải Đăng cúi đầu, mở một bên áo sơ mi ra:

- Mày muốn ra à?

Hoàng Hùng cũng nhìn theo, ra là chẳng biết Hải Đăng nhặt ở đâu một con mèo cam nhỏ, ủ nó vào giữa lớp áo, mang về. Mèo con bé xíu, gầy nhom, bộ lông chỗ trắng chỗ cam lởm chởm không đều càng không mượt nhưng kêu đặc biệt đáng yêu.

- Anh nhặt nó ở đâu vậy?

- Hình như chỗ cột điện ở lối rẽ đằng kia kìa. Nó cứ đòi theo anh bằng được.

- Cô có cho nuôi không?

- Chị Hồng không thích mèo.

- Thế làm sao bây giờ? - Hoàng Hùng băn khoăn.

- Anh xin mẹ, em nuôi giúp anh nhé?

- Được ạ.

Giây ấy, ánh mắt Hoàng Hùng cong cong, ý cười bên môi nở rộ. Hải Đăng thầm nghĩ thì ra uống nhầm một ánh mắt không phải lừa người. Người anh say có cả ánh mắt lẫn nụ cười, anh cảm thấy bản thân xong rồi.

Bé mèo tên Cá Mập vì được nhặt ở cột điện, theo ngôn luận của ai đó thì nó hẳn là hậu duệ của con cá mập từng cắn cáp năm nào. Mèo nhỏ rất giỏi làm nũng, nửa ngày đã dỗ được chị Hồng đồng ý cưu mang, còn dỗ được hẳn một cái chậu vệ sinh với nguyên cái ức gà luộc.

Căn phòng nho nhỏ trên tầng hai đón thêm một thành viên mới, dễ thương nhưng ồn ào. Người đưa thành viên mới về chắc cảm thấy đứa nhỏ quá phiền nên tự giác chăm ở nhà, cố gắng bỏ chút sức lực ngăn cái loa con kia phát huy hết khả năng.

- Cá trật tự, để nhà giáo nhân dân tương lai học tập vì tương lai Tổ quốc.

Hoàng "nhà giáo nhân dân tương lai" Hùng thở dài không buồn đáp.

- Con còn nghịch, mai bố sẽ ném con ra đường.

Chốc chốc lại nghe thấy Hải Đăng tự nói chuyện trong tiếng meo meo đứt quãng, thậm chí kéo cả Hoàng Hùng vào câu chuyện vô nghĩa của hai bố con khác loài này.

- Thầy Huỳnh dạy con em đi, nó láo kinh khủng khiếp.

Hoàng Hùng bật cười, không biết sao mình lại thành bố một con rồi.

- Em là bố nó từ lúc nào đấy?

- Anh với em cùng nhặt, trách nhiệm chia đôi.

Hải Đăng đương nhiên nói.

- Sao em nhớ là anh nhờ em nuôi hộ nhờ?

- Em đồng ý nuôi rồi. Đừng hòng phủi bỏ.

Hải Đăng hai tay bế con mèo nhỏ, hua hua trước mặt Hoàng Hùng:

- Em là một người bố của nó mà.

Cá Mập phối hợp "meo" một tiếng vang dội.

Nhà ba người ngủ trên một giường. Cá Mập làm ổ trên gối Hoàng Hùng, cậu phải nằm nghiêng về phía Hải Đăng, thân thể hai người chỉ chút nữa là dính vào nhau. Khoảng trống nhỏ được thu hẹp bởi ai kia xoay người, mặt đối mặt với Hoàng Hùng. Anh mở miệng, cố ép giọng xuống thật nhỏ:

- Bố Cá Mập có lạnh không?

Hoàng Hùng nhìn cái điều hoà trên trần nhà, nó vẫn đang bật, không hiểu người nằm cạnh ảo tưởng kiểu gì ra từ "lạnh" giữa cái đêm hè oi ả này.

- Mùa hè lạnh cái gì?

Ai kia nghe vậy lập tức cầm khiển điều hoà, chỉnh xuống nhiệt độ thấp nhất, đợi cả căn phòng đầy hơi cộng thêm chiếc quạt cạnh giường liền thấy không khí mùa đông tràn về. Anh kéo cái chăn mỏng vắt bên hông, kéo lên đến vai cho cả hai người, dí sát vào người Hoàng Hùng thì thầm:

- Lạnh rồi này, anh ủ ấm cho em nhé bố Cá.

Hoàng Hùng cảm nhận rõ hơi thở ấm nóng của Hải Đăng vờn qua gò mà khiến gò má cậu bất giác ấm theo, vạt hồng bị bóng tối trong căn phòng trộm giấu kín. Cậu hơi rụt vai vào trong chăn, muốn giấu cả người lẫn cõi lòng bồn chồn ở nơi không ai chạm đến được. Nhưng thân thể vừa co lại đã rơi vào vòng tay xa lạ mà cũng quen thuộc. Anh vòng tay qua lưng cậu, kéo cậu vào lòng.

- Không thể để thầy giáo tương lai ốm được, chú bộ đội hi sinh sưởi ấm cho thầy vậy.

Hoàng Hùng hơi cạn lời, mắng:

- Chắc người để điều hoà lạnh toát không phải chú bộ đội đâu nhỉ?

- Nên chú bộ đội chuộc lỗi nè, đây ấm lắm, thầy ôm chặt vào.

Hoàng Hùng chưa hành động nhưng người đề xuất ý kiến đã tự siết chặt vòng tay, như muốn khảm cả người cậu vào người anh. Cái ôm nồng nhiệt, chặt chẽ nhưng chẳng mang cảm giác áp bức chỉ đầy an toàn, khiến cậu muốn dựa vào mãi thôi.

- Thầy Hùng, có đồng ý trở thành bố Cá Mập, hứa sẽ luôn yêu thương, tôn trọng bố lớn của Cá Mập suốt đời không?

Hoàng Hùng hai mươi tuổi, lần đầu tiên nhận được lời tỏ tình kì lạ thế này.

- Có ai tỏ tình như anh không? Em không đồng ý thì sao?

Hải Đăng nghe ra ý cười trong câu nói kia, lòng phấn khởi như có pháo hoa đang nổ, anh cúi đầu mổ một cái lên môi Hoàng Hùng, nhận được cái lườm yêu thương của người yêu tương lai, cười híp mắt:

- Đã là bố Cá Mập rồi làm gì được từ chối.

- Ơ hay, anh ép duyên người ta.

Hải Đăng dụi mặt lên mái tóc bồng bềnh của Hoàng Hùng, ngứa ngứa nhưng dễ chịu, thoải mái đến mức thở dài:

- Thầy Huỳnh mau nói "em đồng ý" theo đúng thủ tục đi. Em nỡ để Cá Mập có một gia đình không trọn vẹn à?

Hoàng Hùng cãi không nổi cái người kia, cậu rúc sâu trong lòng anh, nhéo thắt lưng anh, đợi nghe thấy tiếng xuýt xoa mới hài lòng buông tay, ôm eo anh.

- Được rồi, nể tình Cá Mập, em đồng ý.

Người yêu tương lai thành người yêu hiện tại khiến đầy lòng Hải Đăng như xuân về hoa nở, đang muốn ôm mặt người yêu thực hiện động tác có độ khó cao thì một cục lông nhỏ xuất hiện, tặng cho anh đường cong tròn vo xinh xắn. Đầu Hải Đăng mới nâng lên bất lực phịch một tiếng hạ cánh về gối đầu:

- Con cái đúng là sự cố mà.

Hoàng Hùng lấy chăn che miệng, khúc khích cười:

- Ngủ đi, mệt với anh lắm luôn rồi đấy.

- Được rồi, thầy Hùng ngủ ngon.

- Chú bộ đội ngủ ngon.

====================================

Hie: Ai bảo sếp Đăng sang học tập chú bộ đội đi, người ta cỡ này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro