Năm: Sinh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Bẩm Thái úy, bẩm Hiển Đạo Vương, bệ hạ đã dùng thuốc xong, người cho gọi hai ngài vào chầu ạ.

Tên nội thị hướng về hai cha con họ Trần, khúm núm thưa. Cái lưng già của gã còng cả xuống, trông vô cùng khổ sở. Hình như gã đang bệnh, giọng gã tù bí không nghe rõ lời. Trần Tự Khánh đi thẳng vào trong mà không liếc đến gã. Trần Hải theo sau cũng nhỉ nhìn gã một cái rồi đi. Cánh cửa đóng lại sau lưng Hải, mùi thuốc nồng nặc khiến hắn lợm giọng. Trần Tự Khánh nhìn mặt con trai, ném một chiếc khăn dày cho hắn, cười:

- Bịt vào, không... đấy.

Ông làm một động tác khó hiểu, nhìn Trần Hải đang buộc khăn qua đầu mới quay người vào trong. Nhưng nụ cười của Trần Tự Khánh không giữ được lâu, nó từ từ biến mất khi đối diện với vị Hoàng đế đang dựa lưng vào tường. Khuôn mặt ngài nặng nề đầy mỏi mệt, biết có người vào nhưng mi mắt cũng chẳng buồn nhấc lên. Ông cúi đầu hành lễ đã xong mà Kiến Gia cũng không thèm đáp lại. Ngài chỉ ngồi đó, tựa như không còn ở lại trần thế khổ đau này. Trần Tự Khánh chột dạ, vội đưa tay ra sờ mạch của Kiến Gia.

- Trẫm chưa chết, ái khanh có lòng rồi.

Ông giật mình khi nhìn thấy mắt rồng đang nhìn mình chăm chú, tuy đã trũng sâu và mất đi uy Hoàng đế, nhưng nó vẫn nghiêm một cách lạ lùng. Trần Tự Khánh không biết nói gì, chỉ thu tay lại. Vị Hoàng đế gầy gò trước mặt chẳng thể làm hại đến ông, nhưng không rõ vì sao ông lại không muốn nhìn vào đôi mắt ấy. Phải mất một lúc Trần Tự Khánh mới nhớ ra mình nên làm gì. Ông nghiêng người, chỉ tay về phía Trần Hải:

- Bẩm bệ hạ, thần đưa con cả Trần Hải đến thăm hỏi người.

Kiến Gia nhướn mày, sau đó nhàn nhạt đáp:

- Hiển Đạo Vương đấy à.

- Bẩm bệ hạ, hạ thần Hiển Đạo Vương chúc bệ hạ long thể an khang.

An khang? Kiến Gia bật cười, họ Trần miệng nói ra câu này nhưng lòng hẳn đang thấy hoang đường lắm. Ngài lắc đầu im lặng. Hiện giờ, từng câu chữ bọn chúng nói với ngài nào có khác chi những lời giễu cợt? Họ chúc ngài khỏe mạnh bình yên, nhưng lại thả độc vào từng đĩa thức ăn của ngài. Họ chúc ngài thái bình thịnh thế, nhưng lại âm mưu cướp đi ngôi báu mà ngài coi trọng nhất. Họ chúc ngài sống lâu trăm tuổi, nhưng lại âm thầm chửi rủa, chỉ mong ngài chết đi. Họ còn chúc cái gì nữa? Họ còn mỉa mai cái gì nữa? Liệu ngày mai họ có chúc ngài cả đời hạnh phúc hay chăng?

Trần Hải lén lút nhìn khuôn mặt đầy tâm sự kia của Hoàng đế. Ngài không giống lắm với những gì hắn đã vẽ ra. Trút bỏ lớp long bào, hình như Kiến Gia không còn lại gì cả. Ngài trở thành người đàn ông bình thường, sẽ ốm và sẽ bệnh. Hắn hơi khó chịu, một vị đế vương thậm chí không kiêng kị cả từ chết thì phải tuyệt vọng tới mức nào? Dẫu Trần Hải không thấy thương cho phận đời ấy, hắn cũng cảm nhận được sự thê lương đến tận cùng của tẩm điện tăm tối kia. Vậy mà Kiến Gia vẫn làm như chẳng có gì, ngài quay lưng về phía họ, mặc ý, ngài chẳng còn để tâm nữa. Trần Tự Khánh cau mày, định nói gì mà cuối cùng lại thôi, chỉ trầm giọng chào Kiến Gia một tiếng rồi bước thẳng không nhìn lại. Cuộc "thăm hỏi" kết thúc bằng tiếng đóng cửa nặng nề, còn ánh mắt của Kiến Gia cũng thay đổi sau khi biết hai kẻ họ Trần đã rời đi. Ngài đưa tay vào áo trong, lấy ra một tờ giấy mỏng mà vị cung nữ ngự tiền, hay chính là Nguyệt Sinh, đã nhét vào khi lau rửa. Tờ giấy nhỏ, trên ghi mấy chữ không rõ ràng. Vậy mà Kiến Gia vẫn cười, chừng như hiểu, rồi chầm chậm ném vào ngọn đèn dầu, bình thản nhìn nó

cháy

rụi.

Giang sơn của ngài không cháy, nhưng nó sẽ bị nước

nhấn

chìm.

Kiến Gia bật dậy, đôi mắt ngài tối đi. Ngài đến trước gương đồng, nhìn kẻ gầy gò thảm hại, khuôn mặt hốc hác, tóc tai rối bù bên trong mà giễu cợt. Ai mà tin kẻ ấy là Hoàng đế của Đại Việt? Còn những người ngoài mặt tin, trong lòng họ có tin không? Kiến Gia lần thần, ngài bệnh, nhưng không lẫn. Ngài thừa biết đằng sau tiếng "bệ hạ" mà người người kính gọi kia ẩn chứa những điều gì. Ngài hận, nhưng thân xác ngài lại bị giam giữ trong lớp tường này, trong một tiếng "bệnh" và trong con mắt của bè lũ ngoại thích không đội trời chung. Vậy nên ngài mới tìm đến Nguyệt Sinh, ngài gửi cái chí lớn không thành và cả tâm tư của mình vào ấy. Nàng là cặp mắt của Kiến Gia, là đôi cánh của Kiến Gia, là hy vọng của Kiến Gia. Ngài biết mạng mình rồi sẽ tận, nhưng ngài tin chỉ cần trên đời còn một kẻ mang dòng máu của họ Lý thì mối hận dai dẳng này còn mãi mãi trường tồn. Kiến Gia cắn chặt môi, xô ngã tấm gương vô tội rồi ngã về sau mà bật cười như điên dại.

Lý Hạo Sảm là Hoàng đế Đại Việt! Lý Hạo Sảm là Hoàng đế Đại Việt!

Ngày nào Lý Hạo Sảm còn ngồi trên ngai vàng, ngày nào người họ Lý còn nuôi mộng phục quốc, thì Lý triều vẫn chưa tận, Lý triều sẽ không tận!

Vĩnh viễn!

Sẽ! Không! Tận!

Kiến Gia siết chặt tay, tiếng tuyệt vọng trong lòng ngài ngày càng lớn, nó như tiếng chuông đồng, vọng từng hồi ám ảnh về vàng son quá vãng. Kiến Gia là Hoàng đế, nhưng "trời" giờ chẳng còn thương đến ngài nữa. Người chấm nét bút tiếp theo vào bức hoạ giang sơn sẽ là một kẻ nào đó họ Trần. Số trời đã định, có vẫy vùng thế nào cũng chỉ đến đó được thôi.

*

Thì giờ ngựa chạy tên bay, Hoàng cung trong mấy tháng nay dường như không có gì quan trọng lắm. Hoặc giả là cũng có, nhưng Lý Oánh nào được biết đâu. Thoắt cái, sen trong hồ đã trút bỏ lớp áo xơ xác để khoác lại trên mình màu mươn mướt xinh tươi. Tháng sáu đến, sinh nhật trưởng công chúa cũng sắp đến rồi.

- Sinh nhật thì nên mặc màu tươi sáng, Công chúa thích màu nào? Hồng phấn, màu đào hay màu tía?

- Vú này, còn chưa đến ngày nữa kia mà.

- Còn chưa đến ngày, nhưng Công chúa điểm tô một chút thì càng xinh.

Lý Oánh nhìn vú San, nét mặt hơi nũng nịu.

- Ta không thích!

Năm ngoái vào mấy ngày này Lý Oánh còn được trông thấy mặt phụ hoàng. Năm nay người bệnh, chắc chắn không thể đến chơi với em nữa. Vú San biết em buồn, bà không nói gì, chỉ vào phòng trong lấy ra một bộ áo gấm màu đào đỏ, trên thêu hình hoa sen đang khép cánh ôm hương. Bà ghé tai Lý Oánh, nhẹ nhàng khuyên nhủ:

- Ngày vui sắp đến, Công chúa ủ rũ là mất xinh đấy. Hay thần chọn cho người bộ áo gấm này, màu đào đỏ với màu xanh lục của vòng tay mà lệnh bà ban cho người phối với nhau nhìn rất hợp.

Nhắc đến mẹ, nét mặt của Lý Oánh lại thấy rất dịu dàng. Vú San biết mình đã thành công, bà cười vui vẻ:

- Hôm nay Công chúa có muốn đi ngự uyển chơi không?

Em gật đầu.

Hoa chi tử trong ngự uyển đã tàn từ lâu, tháng sáu đến chúng bắt đầu đậu quả. Màu vàng cam treo ngang màu xanh mát, từ xa trông nịnh mắt vô cùng. Một nhóm nữ tì đang lúi húi hái quả, họ quay lưng về phía em, không hề để ý là em tới. Thấy em cứ chăm chú ngắm nhìn, vú San nhẹ nhàng giải thích:

- Bẩm, hoa chi tử rất đẹp, khi đậu quả cũng có nhiều công dụng, họ đang hái quả về phơi khô làm thuốc.

Thắc mắc được hóa giải, Lý Oánh cũng chẳng nhìn đến lũ thị tì đó nữa. Em bước thẳng, nhưng lúc đi qua lại vô tình nghe thấy chúng đang xôn xao chuyện gì, nhỏ lắm, mà vẫn có vài chữ lọt đến tai:

"Hoàng đế từng bị điên đấy."

Lý Oánh giật mình, bọn chúng đang nói cái gì thế? Phụ hoàng từng bị điên? Sao lại có thể phạm thượng đến như thế! Lý Oánh cúi gằm, sau ngẩng mặt lên chỉ thấy bừng bừng giận dữ. Em rút trâm ngọc trên tóc xuống, mái tóc dày không còn được giữ cứ thế tung ra, đoạn em ném cây trâm vào lũ cung nữ nhiều chuyện, nạt:

- Bọn mày đang nói cái gì đó, hả?

Chúng giật mình, chưa rõ người mắng là ai nhưng đoán chừng cũng là nhân vật nào hiển hách lắm. Bọn cung nữ đầu dập xuống đất, chen nhau vội vã xin lỗi không ngừng. Nhưng bàn luận về thiên tử là tội chết, Lý Oánh là Công chúa làm sao mà không biết việc này? Em siết chặt tay, gằn giọng:

- Nói lại cho ta nghe!

Lũ thị tì run rẩy, không đứa nào dám thưa. Vú San bên cạnh sẵng giọng nạt:

- Công chúa hỏi, bọn bay không ai nghe thấy gì hết hay sao?

Rồi xôn xao, chúng đùn đẩy nhau mãi mới có một ả lí nhí trả lời:

- Bẩm, chúng con nghe người ta nói năm xưa... năm xưa... bệ hạ từng bị...

Mấy chữ cuối nhỏ quá, Lý Oánh không nghe rõ ả ta nói cái gì. Nhưng không phải nghe, em cũng đã rõ ý của câu nói ấy. Lửa giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt, Lý Oánh ra lệnh:

- Phạt!

Nói đoạn, mặc chúng xin tha, Lý Oánh bỏ về cung trước. Đám binh lính lôi từng ả ra khỏi ngự uyển của Cấm cung, vú San theo sau chỉ thấy quả vàng rơi bừa bãi dưới đất. Cả một đoạn đường Công chúa không hé răng nói nửa lời, vừa về đến cung đã lao vào phòng khóc nức nở. Tiếng khóc đau đớn như cứa vào lòng vú từng chút một, bà định vào khuyên nhủ nhưng chưa biết mở lời ra sao thì Lý Oánh đã gắt lên:

- Phụ hoàng không điên!

Câu này, em không gắt với vú San, bà biết, em đang gắt với cả Đại Việt.

- Phụ hoàng không điên! Phụ hoàng không điên!

Lý Oánh đấm tay xuống thành giường, tiếng kêu vang lên khiến vú San giật mình. Bà ôm chặt lấy Công chúa đang kích động, nghẹn ngào:

- Năm xưa bệ hạ chỉ bị bệnh một chút thôi, giờ người đã khỏi, Công chúa đừng tự làm đau mình nữa.

Lý Oánh vùi mặt vào lòng vú San, khóc đến mức hụt hơi, chỉ có thể nấc lên khe khẽ. Phụ hoàng của em ở ngôi cửu ngũ chí tôn, đứng đầu trăm họ, em kính trọng người hết mực, vậy mà tại sao đám cung nữ kia dám bàn luận về người bằng ngôn từ bất kính đó? Em giận thay người, cũng buồn thay cả phần người. Lâu không gặp, nhưng phụ hoàng trong lòng Lý Oánh vẫn là người uy nghiêm nhất. Lý Oánh thấy sợ hãi, một nỗi sợ không tên. Người em run lên, đôi mắt mở to, ầng ậng nước.

Kì thực, Lý Oánh không biết đằng sau sự phồn hoa chốn Cấm cung đang ẩn giấu những gì. Cũng giống như em không biết sau khi lũ cung nữ bị lôi đi đã gặp Thái úy ra sao, và được ông thả đi như thế nào. Em ngây thơ với tất thảy những binh biến chính sự, trong mắt em, mọi thứ vẫn đẹp và nguyên vẹn như hoa sen trong hồ. Nở rồi sẽ tàn, tàn rồi lại ra hoa, không thay đổi suốt bao nhiêu năm ấy. Đêm hôm đó, Lý Oánh ngủ không được ngon. Những giấc mộng rời rạc về phụ hoàng và mẫu hậu cứ vây lấy em. Chập chờn. Thổn thức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro