Mùa cháy

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trời nhá nhem tối, tiếng ếch ồm ộp râm ran hoà cùng với tiếng vo ve của lũ muỗi cứ hoài dập dờn ở bên tai. Sương đêm giăng lối và lã chã đổ dài trên tàu lá chuối non hẳn vẫn còn đám dơi con đang thiêm thiếp.

Như mọi đêm, Kiên và Lang ngồi lì ở phía sau nhà mỗi khi ngày tắt, tha thiết mãi về cánh đồng từng ươm vàng hương gạo nay lại cọc còi, mục nát dần màu lúa tươi.

Lang ôm chân co ro trên mảnh đất khô cằn, nghiêng người dựa vào Kiên, chẳng buồn lấy lá chuối khô Kiên đã hái sẵn để lót dưới mông cho đỡ bẩn quần. Kiên cũng không động đậy, thinh lặng để Lang lười nhác tựa mấy mươi cân thịt lên người anh.

- Mày bán sợi dây chuyền rồi sao Kiên? – Lang ngả đầu trên vai Kiên, nó cất giọng buồn buồn giữa tàn cảnh mịt mờ, lặng yên.

Vầng trăng lưỡi liềm của đêm mồng ba chao nghiêng trên miền trời tối mịt, quấn quýt đùa nghịch với những tán lá cao cao, và rồi chấp vá thành từng làn sóng bàng bạc trên mặt hồ.

- Ừm. Tao bán rồi. – Kiên thản nhiên đến lạ, tựa như sợi dây chuyền mà má để lại trước khi mất chỉ là cái chi rất đỗi cỏn con, không đáng phải bận lòng. Mà Lang thì thừa sức biết Kiên quý trọng sợi dây chuyền đó đến nhường nào.

Song, Lang cũng không hỏi thêm điều gì, chỉ bùi ngùi dựa vào Kiên. Cầu mắt ngập ngụa những muộn phiền và cõi lòng đã chóng lao đao thật sâu dưới lớp bùn ở đáy biển. Mặn chát, ngợp ngạt.

Lúc nào cũng như thế, Kiên luôn cố dành cho Lang một kiếp sống không bận lòng, để rồi cuối cùng mình anh gánh vác hết thảy long đong. Lang thương Kiên quá. Hẳn là Kiên cũng trầy trật với quyết định bán sợi dây chuyền lắm, vậy mà vẫn gượng gạo tỏ ra cái vẻ chẳng sao. Mà Lang thì nào có muốn Kiên cứ khư khư gánh vác một mình như thế.

Nó muốn trách Kiên cớ sao lại bán sợi dây chuyền của má để lại, nhưng rồi lại lặng thinh, bở lẽ Lang biết, nếu không bán sợi dây chuyền thì chỉ có nước chết đói. Vì khoai sắn đã chẳng còn để mà đào, còn gạo thì đã hết sạch từ lâu. Và cả, chúng nó cần tiền để chi trả cho thuốc thang của nội.

Bệnh tình của nội đã dai dẳng cả năm nay, thuốc thang bao nhiêu cũng không dứt nổi, nhưng nếu không có mấy thang thuốc thì đêm dài chỉ có tiếng nội mệt nhọc thở, rồi lại mệt nhọc ho.

Kiên thương nội, Lang cũng thương nội không kém chi Kiên. Cứ mỗi lần thấy nội bị cơn lao hành hạ và tiếng thở thì thào mỏi mệt, tụi nó xót lắm mà không biết phải làm cách chi. Vì nhà nghèo quá, đã vậy năm nay còn mất mùa, thêm cả ruộng lúa đang dần bị phá hết để lấy đất trồng thầu dầu, trồng đay – thứ không bỏ vào miệng cho no bụng được.

Chợt, Lang nghĩ về lúc nó còn nhỏ, lúc đó nội đi cày thuê, đi cuốc đất mướn cho người ta để nuôi nó lớn. Mà tuổi tác của nội có còn trẻ trung chi đâu, hồi ấy nội cũng đã năm mươi có lẻ, vậy mà vẫn đội nắng phơi sương vì Lang, dầu rằng cả hai ông cháu chẳng phải là máu mủ ruột rà.

Chừng mười chín, hai mươi năm trước, nội tìm thấy Lang dưới gốc bụi tre đầu làng khi nó đang khóc inh ỏi giữa ban trưa nắng cháy thịt da. Nó gầy nhom, đỏ hỏn đâu chừng vài ba tháng tuổi, đàn kiến đen từ gốc cây tua tủa ra cắn thằng nhỏ sưng cả người, may là chưa chết.

Lúc nhặt được nó cũng là lúc bà nội mới mất mấy hôm, ông với bà đã sống với nhau mấy mươi năm mà không có được một mống con nên nội nghĩ trời thương ban cho nội đứa cháu để hủ hỉ đỡ buồn, với cả nhìn nó nội thấy thương quá nên cứ vậy mà mang nó về nhà luôn, nuôi lớn cho tới bây giờ.

Nhưng dù sao cũng là lần đầu tiên được làm "cha", nội đâu có biết chăm Lang như nào, đành ôm thằng nhỏ sang nhờ má thằng Kiên chăm nom giùm. Sẵn tiện đưa lá thư được kèm theo trong lớp chăn bông quấn thằng Lang cho cha Kiên đọc.

Nội không biết chữ, mà đa số người dân ở cái làng này đều không biết chữ, còn cha Kiên thì là người ở xứ khác đến.

Tấm thư cụt lủn có hai dòng, chữ viết xiêu xiêu vẹo vẹo không tròn trĩnh: "Lạy ông bà có lòng nuôi giúp thằng con tôi. Sau này tôi quay lại đón nó, tôi trả ơn."

Cha thằng Kiên chật lưỡi, có giận mà cũng có thương. Rồi ông trả lá thư lại cho nội, chậm rãi đi lấy cái túi vải vợ mới may đưa cho nội để cất tấm thư với cái vòng vàng đeo trên tay thằng Lang. Để nó mang, nội rồi bị cướp mất, sau này má nó quay lại tìm không có gì để đưa ra làm chứng.

Lúc ấy Kiên cũng ngấp nghé mới một tuổi, thằng nhỏ nằm trên chõng trơ mắt nhìn thằng nào lạ hoắc đang nằm trong tay mẹ nó. Nhưng Kiên không đòi, không khóc, chỉ có cái miệng bi bô bi ba nhiều chuyện không ngưng, không biết là đang muốn nói cái gì.

- Rồi bác Tác định đặt tên cho thằng nhỏ là gì? – Cha Kiên châm trà mời nội, nước trà lợt lạt, chắc hẳn đã là nước thứ hai.

- Lang, gọi nó là Lang đi.

Bà nội từng thủ thỉ với nội, nếu có con gái thì đặt tên Lan, còn con trai thì là Lang. Tại bà nội yêu hoa Lan lắm, còn ông Tác thì thương bà nội.

Rồi cứ thế Lang với Kiên lớn lên cùng nhau, trong tình thương của nội, của cả cha má Kiên. Và hai đứa nó cũng thương nhau hết mực, thương đến mức vượt xa tình "bạn bè", "anh em".

Tụi nó thương nhau theo cái kiểu cứ mỗi đêm ngồi trước mặt hồ, Kiên đều nắm tay Lang, thỉnh thoảng vân vê mấy vết chai trên tay nó, đời nhọc nhằn quá mà Lang cứ cười mãi, huyên thuyên đủ thứ chuyện cho anh nghe với cái điệu cười giòn hơn cả cơn nắng ngày hè. Chúng nó thơ ngây lắm, và cái thương của hai đứa càng thơ ngây hơn.

Nhưng dần dà, Kiên không còn nghe giọng Lang lanh lảnh cười như đã từng nữa, em buồn vì nhiều lẽ mà Kiên thì cũng âm ỉ đau vì nhiều nỗi. Nhưng mỗi tối Kiên vẫn ghì chặt tay Lang, miết dài theo đường ngón tay nó và thì thầm nó nghe về đời này muôn vẻ, nên chớ có để cõi lòng chết héo bởi sầu thương, chớ có để mi mắt vương đầy buồn khổ.

Mà thực ra, Lang đâu phải là người cần nghe những lời ấy! Nhiều lần Lang nhìn Kiên, ngậm ngùi mà rằng:

- Mày mới là người cần phải sẻ san và được ủi an, không phải tao đâu Kiên.

Hồi năm chúng nó mười ba, mười bốn, cha Kiên bị giặc bắt đi phục vụ chiến tranh ở tận bên kia địa cầu, từ đó không còn về nữa. Một năm sau thì má Kiên đổ bệnh, nhà nghèo không lo thuốc thang nổi. Lang từng bao lần cầm cái vòng vàng của nó đem bán nhưng lần nào cũng bị Kiên bắt gặp rồi xách nó về nhà, và má cũng không cho. Má nói bệnh của mình không qua khỏi, thuốc thang làm chi chỉ tốn phí bạc, huống hồ cái vòng đó còn cần để Lang nhận mẹ. Rồi tới khi má sắp đi, má mới thì thào với Kiên rằng má có sợi dây chuyền do cha Kiên tặng làm sính lễ cất trong tủ, sau này có phải lòng ai thì mang đi hỏi cưới người ta, má sợ Kiên đòi bán để lo cho má nên má giấu, rồi má thiếp đi, dưới lòng đất lạnh.

Từ lúc đó Lang bắt đầu tắt dần nét cười trên môi, nó thương má, thương cha, thương cả Kiên. Mà nó biết, Kiên mới là người buồn khổ nhiều nhất. Có những ngày tỉnh giấc giữa đêm, Lang thấy Kiên cầm sợi dây chuyền của má, buồn rũ rượi. Hoặc có những ngày nó vờ như mình đã say giấc trong vòng tay Kiên, để rồi lặng lẽ siết chặt cánh tay đang ôm lấy anh hơn mỗi khi trên vai thấm vị nước mắt Kiên nóng hổi, đắng chát.

Vậy mà Kiên cứ hoài bảo Lang đừng để ngọn lửa lòng tắt vụt vì cuộc đời não nề ủ dột, trong khi Kiên mới là kẻ cần đốt sáng ánh đuốc đang dần tàn trong cõi hồn trầy trật bao vết thương còn chưa kéo da non.

Rồi thời gian cứ trôi, có nhiều thay đổi nhưng chúng nó vẫn trọn vẹn một chữ thương. Và thay vì ngụp chìm mãi trong đau sầu nhem nhuốc, Kiên với Lang chọn để lại muộn phiền vào một cõi riêng, sống cho trọn vẹn đã. Bởi ít nhất chúng nó vẫn còn có nội, vẫn còn có nhau.

- Sau này, mày lấy gì hỏi cưới người ta? – Lang cất tiếng khi tay em đang được ủ ấm trong lòng tay Kiên, ý muốn nhắc về sợi dây chuyền.

- "Người ta" đã ở đây rồi. – Anh cong khóe môi, nghiêng đầu nhìn Lang mà bàn tay vẫn hoài sờ nắn những đốt ngón tay thon gầy của nó. – "Người ta" hẳn là chỉ cần Tự Kiên thôi nhỉ?

Lang xì một tiếng, cười anh nói khoác không biết ngượng:

- Ai mà thèm!

- Vạn Thứ Lang thèm. – Nói rồi Kiên rướn người tới, hôn cái chóc lên đôi gò má Lang, đáy mắt chan chứa niềm thương.

.

.

.

Bẵng đi một thời gian, thuốc của nội hết và số tiền Kiên kiếm được sau khi bán sợi dây chuyền cũng chẳng còn. Hằng ngày Kiên với Lang lân la khắp chốn để tìm việc, ai thuê ai mướn gì cũng làm, có những ngày trời âm ỉ sấm rền và mưa tầm tã mà hai đứa vẫn phơi thân giữa ruộng lúa, hay những hôm nắng cháy rát da và mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng chúng nó vẫn miệt mài kéo đẩy những chuyến xe nặng trịch.

Cuộc đời có lẽ chưa bao giờ ngừng khốn khó, và càng nhọc nhằn hơn khi bệnh của nội trở nặng. Đứa nào cũng lo sốt vó, nhưng mấy đồng đi cày thuê cuốc mướn không đủ để mua thuốc cho nội.

Rồi một ngày trời âm u không có nắng, Lang lén tìm cái vòng vàng nội giấu dưới đáy lu, nó định đem đi bán. Nhưng chỉ vừa cầm được cái vòng trên tay, còn chưa kịp nhét vào túi áo thì đã bị giọng nói từ phía sau lưng làm cho giật mình.

- Mày làm cái gì vậy Lang? – Là Kiên, và chắc chắn anh biết Lang muốn làm gì, dầu sao anh cũng đã năm lần bảy lượt cản ngăn không cho Lang bán cái vòng, nên cũng rõ lòng cái tính của nó.

Lang thở mạnh sau một hồi nín nghẹn, tự hỏi vì sao lúc nào cũng bị Kiên thấy, và mỗi lần như thế nó đều có cảm giác như thể mình là một tên trộm bị bắt tại trận. Song cũng chẳng thèm giấu giếm, nó đưa cái vòng vàng ra trước mắt Kiên, tay còn lại vẫn giữ cái túi vải cũ kỹ từ năm nào.

- Bán. – Nó cụt lủn đáp.

Kiên nhìn nó, chẳng nói chẳng rằng chỉ xòe bàn tay ra, ý muốn nó đưa cái vòng cho anh. Nhưng sau hồi lâu Lang vẫn đứng lì một chỗ, Kiên thở dài bảo nó:

- Đưa đây cho tao, không bán được đâu Lang.

- Tại sao không? Mày cũng bán sợi dây chuyền của má rồi, tại sao tao thì không được? – Không đợi Kiên lên tiếng, Lang đã vội tiếp lời. Nhưng giọng nó dịu lại, ngậm ngùi: – Kiên, tao lớn rồi, mày để tao làm cái gì đó với. Tao biết mày thương tao, nhưng tao cũng thương mày mà Kiên. Mày không nỡ nhìn tao buồn, nhưng tao cũng đâu có nỡ nhìn mày gánh vác một mình mãi như thế? Huống chi đây là cho nội, bệnh của nội không có thuốc là đâu có được. Mày để tao bán cái vòng nha Kiên?

Kiên lặng thinh, anh muốn phản bác nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu. Anh biết Lang thương anh, cũng biết Lang không phải là đứa trẻ không thể đội nắng, không thể dầm mưa... nhưng cái vòng, cái vòng đó là để Lang tìm mẹ.

- Ừ. – Đột nhiên Kiên trầm giọng đồng ý, bởi lẽ tiếng ho của nội ở cái chõng phía trước nhà vừa lọt vào tai anh.

Nhưng Lang còn chưa kịp mừng rỡ thì nội đã đứng ngay phía sau lưng Kiên, và điều ấy khiến mặt mày nó tái xanh, cả Kiên cũng ngỡ ngàng khi nghe thấy tiếng ho của nội ở ngay phía sau mình, lúc nãy anh đâu có nghe ra nội ở gần đến thế?

- Không có bán! Không có được bán!!! Sau này má bây đến tìm thì biết lấy cái gì cho má bây nhận ra? – Nội phản đối kịch liệt, bởi ngoài cái vòng tay ra thì mấy món đồ của Lang hồi mới được nội nhặt về đều đã bị lũ cuốn trôi hết. Giờ bán cái vòng, lỡ mẹ nó quay về tìm thì biết làm sao?

Vẫn như những lần khốn khổ quá đỗi Lang len lén lấy cái vòng bán, không chỉ mỗi Kiên can ngăn mà nội cũng chẳng đồng ý (trừ lần má thằng Kiên bệnh). Nội cứ hoài cứ mãi nhắc về hai dòng chữ đã bị cơn lũ làm cho tan rã, rằng má Lang sẽ đón nó, nhưng vò võ hai mươi năm, đâu có ai đến tìm Lang. Huống chi ngay bây giờ cái vòng có thể cứu sống cả nhà, cớ gì phải khư khư giữ nó rồi ấp iu niềm mộng tưởng về một điều sẽ chẳng bao giờ xảy ra?

- Hơn hai mươi năm rồi nội, má đâu có đến tìm con? Mà con cũng không cần!!! – Lang vẫn luôn đinh ninh là nó chẳng cần mẹ cha ruột thịt, vì nó cũng đã có cha có má rồi đó chứ, nó có cả nội và có cả Kiên. Vậy còn cần chi những người đã từng bỏ rơi nó?

- Lang! Không được nói vậy về má bây. Khổ cực mới đứt ruột gửi gắm con mình cho người ta, chứ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau ai đành đoạn đâu con? – Giọng nội run run, rồi tràng ho dài lại ập tới, lẫn cả máu. Nội vịnh vào vách nhà, Lang với Kiên hoảng loạn chạy đến đỡ lấy cơ thể ốm yếu sắp ngã của nội, Lang sợ đến mức sắp khóc đến nơi, mắt nó đỏ ngầu, và Kiên thì tái ngắt mặt mũi, từ trước tới nay nội đâu có ho ra máu bao giờ.

Hai đứa vội dìu nội ra cái chõng sau nhà để cho thoáng khí, Lang chạy đi lấy cái khăn ướt và tìm cốc nước để nội súc miệng, còn Kiên thì đỡ nội lên chõng nằm rồi vội chạy đi gọi thầy lang.

Nội thấy tụi nó xanh xám mặt mày mà thương quá, đợi cơn ho qua đi và súc miệng cho bớt mùi máu, nội mới nặng nhọc bảo với Lang là nội không sao, rồi không biết nội nghĩ gì, thì thào hỏi nó:

- Ở với nội khổ không Lang? – Nội nhìn ra cánh đồng đã khô cằn, tơi tã và đen xám những tàn tro. Cái mùi khen khét của rơm rạ cháy thoảng qua ngang mũi, cánh đồng sau nhà mới gặt xong hôm qua nhưng hôm nay đã vội đốt, chắc do trời hôm nay ủ dột quá, người ta sợ trời đổ mưa rồi mai mốt khó bắt lửa.

Vậy là mùa cháy lại tới, cái mùa lửa bén cả cánh đồng và nắng thì như thiêu rụi xác thịt, nhưng cái mùa này làm người ta sung sướng lắm, vì có gạo trắng, vì có cơm ăn. Nhưng năm nay thất bát quá, chẳng thu được bao nhiêu, nhà nhà đói khổ nên chẳng còn ai tươi cười trong cái mùa cháy này nữa. Huống chi nội thấy ở những thửa đất xa xa là xanh ngát thân đay cao gầy đã thay chỗ cho cánh đồng lúa vàng ươm. Và nội nghĩ nếu cứ thế này mãi thì một ngày nào đó Kiên với Lang với cũng sẽ chết mục ở cái làng này như mấy cọng cỏ đã khô cháy.

Thôi nhìn áng đồng đang bén lửa, nội lại tiếp lời:

- Phải mà hồi đó nội không ôm con về, biết đâu nhà nào giàu có đón con về ăn sung mặc sướng. – Điều này nội nói thật, nhiều lần nội nghĩ biết đâu chừng Lang được nhà nào khá giả hơn tìm được, lúc đó đời nó cũng bớt khổ.

Lang ngồi lên chõng sau một hồi lặng thinh, nó quay lưng về phía nội để nội không nhìn thấy mặt nó. Trời hôm nay không có lấy một vạt nắng, nhưng cánh đồng mãi hừng hừng ánh lửa có nóng thua gì những buổi trưa hè đâu.

- Con cần gì ba cái ăn sung mặc sướng? Ở với nội đã là sung sướng nhất rồi.

Nội nhìn tấm lưng chẳng to rộng chi cho cam của Lang, nó gầy nhom, cũng không cao lớn hơn bao nhiêu người, rồi kêu nó, giọng nhẹ hẫng, buồn tênh:

- Lang... - Nhưng cơn ho đã cắt ngang những gì nội định nói. Lang giật mình xoay người về phía nội, may mà lần này không có máu. Nó sốt ruột không biết sao Kiên còn chưa về, vừa chăm nội nó vừa ngóng trông ra phía cửa tìm bóng anh, không biết Kiên có tìm được thầy lang hay không. Và sau một hồi lâu cố hít thở cho thông, nội lại tiếp, khi tràng ho đã ngưng: - Đi đi con.

- Đi đâu nội?

- Đi đâu cũng được. Miễn là có thể thoát khỏi cái đói, miễn là không phải chết rục ở cái làng này. – Nội ngậm ngùi, nội biết mình đã làm khổ Lang với Kiên cả năm nay và cũng vì thương nội mà hai đứa vẫn ở lì tại cái nẻo này. Nhiều người trong làng đã vứt lại nhà cửa, ruộng vườn để trôi dạt đến xứ khác kiếm miếng ăn, nhưng Kiên với Lang vẫn phải đóng cọc tại đây vì bệnh tình của nội không thể lang bạt tha phương cùng chúng nó, mà Kiên với Lang cũng chưa bao giờ có suy nghĩ để nội ở lại một mình, nên chưa bao giờ cả ba nhắc đến chuyện bỏ làng mà đi. Nay nội nói, coi như là mở ra một con đường cho hai đứa nó đi, chứ đâu có thể nào làm gánh nặng cho tụi nó hoài được. – Nội ở lại tự lo cho mình được, con với Kiên đi đi Lang.

- Ở làng mình vẫn sống được mà nội, đến nơi đất khách quê người biết đâu lại càng thêm khổ. Con với Kiên ở đây với nội, có gì thì ăn nấy. – Lang thà là chết mòn chết mỏi tại đây, mà Kiên thì cũng thế, còn hơn là để nội bơ vơ ở lại cái làng này. Nên nó lắc đầu, không chịu. Và chưa kịp đợi nội khuyên răn thêm thì Kiên đã về cùng thầy lang, chuyện này bị gác sang một bên nhưng đã trở thành nỗi canh cánh trong lòng nội, còn Lang thì giận, giận nội lắm. Trách thầm cớ chi mà nội biểu nó với Kiên đi, bỏ nội lại.

.

.

.

Chiều ấy trời chớp nháy đầy những tia lửa, tiếng rầm của sấm dữ vang mãi và mây đen kéo về tối mù. Tu hú kêu trên những cánh đồng, lượn lờ đôi cánh giữa bầu trời đặc quánh màn khói, may là đống rơm rạ đã được đốt xong.

Lang không ở nhà, em thui thủi một mình trong cái chòi của chị Sơ – nơi cả đám choai choai trong làng vẫn thường tụ tập, đặc biệt vào mỗi dịp mùa cháy đến sẽ càng rôm rã hơn khi cả lũ ùa nhau ra đồng bắt chuột, xuống mương kiếm cá, và cả mót hột vịt với xin ba má ít gạo để nấu nồi cháo. Hồi ấy vui lắm, nhưng giờ thì vắng bóng chẳng thấy ai. Vì đa số đã đến xứ khác hết, chị Sơ cũng vừa bỏ làng đi cách đây mấy tháng, mấy đứa còn ở lại thì phải lăn lộn sáng tối, có còn ai rỗi hơi để đến cái chòi này nữa đâu. Và Lang cũng không rảnh rang đến thế, nhưng hôm nay nó không muốn Kiên thấy mình, anh sẽ thấu tỏ những nỗi riêng nó cố giấu mất, và nếu như thế Kiên sẽ chỉ thêm lắng lo, nhọc nhằn.

Mà cuối cùng thì cái vòng vàng của má nó cũng bán rồi, và số tiền đó đều dùng để bốc thuốc cho nội. Lúc cầm cái vòng đi bán, Lang chẳng chút bận lòng, bởi lẽ Lang chẳng ngóng vọng chi về ngày nó được má đón. Như đã nói trăm ngàn lần, Lang chỉ cần nội và chỉ cần Kiên, thế là đã đủ.

Rồi trời nổi cơn giông, quật ngã những ngọn lúa trĩu bông còn chưa kịp thu hoạch. Lang thinh lặng để cằm lên hai đầu gối, ông trời đang cố cảnh báo nó bằng tiếng sấm rền vang rằng đêm nay sẽ mưa to lắm, vậy mà nó vẫn cứng đầu ngồi bần thần trên cái chõng bên trong cái chòi, ngắm mãi những thửa đất đã úa nhàu màu cỏ cháy, nát bấy cả màu rơm rạ xám đen. Bởi nó đương đằm mình trong trăm ngàn nghĩ suy để rồi vỡ vụn trong cõi đơn côi chỉ còn mỗi đau sầu khắc khoải. Lang sợ nội bỏ nó lại...

Vì thầy lang đã bảo rằng bệnh của nội trở nặng quá, sợ là không thể cầm cự thêm được lâu hơn, và vì cả những lời nội nói đến giờ vẫn khiến nó lùng bùng hai tai, vẫn khiến nó đau đáu mãi.

Và rồi trời đổ cơn mưa, mưa tầm tã, mưa ướt nhèm cả rèm mi mắt, rệu rã.

Mưa xối xả lên mái nhà, tưới ướt mảnh đất khô cằn và cả thân đay tròng trành trong bão giông. Tiếng tu hú kêu vang đã ngưng bật từ lâu và cánh chim cũng đã thôi chao liệng giữa miền trời chết giấc. Chợt tiếng cành khô bị dẫm gãy vang lên, gần sát bên tai và Lang ngước mắt nhìn người trước mặt.

Vai áo Kiên ướt đẫm, anh nội cái nón lá cũ hèm đã dãi nắng dầm sương đi qua bao mùa cháy, phía sau Kiên sấm rền chớp nháy và bão giông càng thêm cuồng nộ. Dầu vậy, dầu tàn cảnh có khiến lòng người ra nứt toạc, rạn vỡ, thì Kiên vẫn trao Lang ánh nhìn in đậm niềm thương chưa từng vơi cạn, và lẫn lộn cả nỗi xót cay, dỗi hờn cớ sao Lang lại nức nở ở cái chốn này một mình mà không dựa dẫm vào anh.

Lang nhìn Kiên, đáy hồn ruộm đẫm những tái tê rất mực, để rồi chẳng thể nín dứt mà càng thêm thổn thức khôn nguôi, ướt nhèm cả đôi gò má. Kiên chẳng nói chẳng rằng, chỉ hôn lên mi mắt Lang nhoèn vị sầu thương, buồn khổ. Anh ôm nó, vỗ nhè nhẹ lên tấm lưng gầy, để nó ngã đầu trên vai anh, khóc nức.

Và đêm đó, trong cơn giông mỏi mòn, hon héo, Lang khóc ướt cả lồng ngực Kiên.

.

.

.

Làng bên có cánh đồng của bà bá hộ đang vào mùa gặt, nhờ vậy mà Kiên với Lang mới đỡ cực nhọc đi kiếm việc. Hai đứa lại chăm nên được bà trả hậu hỉnh hơn chút đỉnh, với cả cái bà ấy tính tình phóng khoáng, không có hạch sách người làm kẻ mướn như mấy cái nhà giàu khác, nên hai đứa nó cũng vui. Ngày nào gà vừa gáy hai đứa cũng dậy để sắc thuốc cho nội, có hôm tụi nó nấu cháo, cũng có hôm chỉ có mấy cũ khoai, xong xuôi rồi lại lật đật chạy sang làng bên.

Nội thấy tụi nó đi từ sáng tinh mơ cho đến chiều đêm tối mịt mới về, nội lại càng thêm trách mình đã làm khổ sấp nhỏ. Và nội chẳng muốn trì kéo cái viễn cảnh này dài thêm nữa.

Chiều đó Kiên với Lang về sớm, nói là về sớm nhưng màu trời cũng đã nhập nhoạng sập tối. Ba ông cháu quây quần bên mâm cơm thơm nức mùi gạo trắng, bà bá hộ mới cho hai nắm gạo nên Kiên nấu nồi cháo, rồi trút ra ít muối để ăn cùng.

Lang kể nội nghe bao điều ở cánh đồng làng bên, còn Kiên chỉ gật đầu đệm theo từng lời Lang nói, nội nhìn hai đứa, thương yêu tràn ngập đáy mắt. Song, nội nheo mắt cười, cố giấu sự xúc động rơm rớm đang muốn trào dâng.

.

.

Vẫn như mọi hôm, Kiên và Lang dậy từ khi trời còn chưa hửng sáng rồi lại chạy sang làng bên như thường lệ. Và khi nắng sớm vươn cao len lỏi qua kẻ lá, nội cũng rời khỏi nhà sau chừng ấy lâu chỉ luẩn quẩn quanh cái mảnh đất này, trên tay xách theo mấy thang thuốc chẳng biết đang định đi đâu.

Rồi trời sập tối, Kiên với Lang dắt nhau về, môi Lang nhoẻn nụ cười tươi rói, hai đứa nó mới được trả công nên vui lắm. Nhưng sao hôm nay đã gần tới cửa mà vẫn không thấy bóng dáng nội đâu, thường ngày nội hay bắt cái ghế ra trước nhà ngồi đón tụi nó lắm. Vốn dĩ trong làng đã heo vu, nay lại càng thinh lặng đến lạ. Và điều ấy khiến nhịp trống nơi ngực trái của Lang và Kiên đập mạnh, có cái gì đó vô hình đang ghì chặt cổ chúng nó xuống hố sâu.

Chúng nó bước vào nhà, thắp lên cái đèn dầu đã lâu ngày không dám đốt, và rồi chết lặng.

Nội nằm co quắp trên cái chõng, ngón tay rỉ máu vì cào vào tấm chiếu và tròng mắt đỏ ngầu nhìn chòng chọc lên mái lá. Mái tóc nội bạc phơi luôn được búi gọn nay rũ rượi ngang ngổn, áo quần nát nhàu chẳng còn tươm tất vì đã quằn quại kịch liệt trong cơn đau, và miệng thì đã sủi đầy bọt mép. (*)

Nội tự vẫn, nội để đau đớn giày vò mình trong mấy giờ đồng hồ và rồi sẽ không còn làm khổ hai đứa cháu của nội nữa. Nội thà là giết mình bằng bả chó, còn hơn là giết hai đứa nhỏ bằng cái xác già bệnh tật dai dẳng mãi mà không chịu chết.

Không biết nhờ được ai biết giùm mấy con chữ, nội để tấm giấy với hai đồng tiền trên chiếc bàn con (mà khi thầy lang biết tin nội chết, thầy mới nứt lòng mà rằng hôm ấy nội đem mấy thang thuốc đến để xin đổi lại tiền và thầy cũng là người viết giùm nội dòng chữ ấy, thầy đâu có ngờ đấy là lời trăng trối của một lão già sẽ kết liễu đời mình vì thương hai đứa cháu cực nhọc đâu.)

"Kiên, Lang, bây đừng có giận nội nghen bây."

Rồi cứ thế tàn một kiếp người chỉ luôn thương sầu khắc khổ.

Hôm ấy Lang khóc nức, nó ôm nội mãi không chịu buông và suốt cả đêm cứ chìm lỉm trong nỗi khổ đau, vỡ lòng. Kiên cũng chẳng khá khẩm chi hơn, chỉ là anh không để lộ sự vỡ vụn đến sắp kiệt quệ của mình cho Lang thấy, bởi anh sợ nếu anh cũng ngã quỵ thì Lang biết phải làm sao đây.

Và chúng nó cứ ngụp lặn trong bể thương đau như thế cho đến sáng hôm sau. Mặt trời vẫn thức giấc như những hôm nào, vậy mà sao nội lại không còn dậy nữa.

.

Sau ngày hôm ấy, Kiên với Lang mai táng nội ở phía sau nhà, ngay bên cạnh nấm mộ đã xanh màu cỏ của bà nội - người vợ mà nội vẫn luôn yêu rất nhiều.

Đứng trước phần mộ vừa được lấp đất, mắt Lang ráo hoảnh, hong khô, nó đã chẳng còn khóc sau một đêm dài đau xé ruột gan. Nhưng lòng nó vẫn âm ỉ cơn quặn thắt xiết chặt, và khắc khoải mãi nỗi cay xót bén nhọn xuyên tim. Nó bần thần bên nấm mộ của nội suốt mấy ngày liền, chẳng buồn ăn uống, chỉ ngồi một chỗ ôm gối và để cõi hồn lạc đến nẻo đường tan thương.

Còn Kiên, Kiên cố dằn lại nỗi đắng cay, cố giấu hết tất thảy những nỗi thổn thức ai hoài đang bóp nghẹn cả linh hồn đã gần như đứt gãy. Nhưng anh vẫn gượng dậy vì anh biết một mình Lang thì nó không chịu đựng nổi, và vì anh đã hứa với nội rằng sẽ chăm lo cho Lang suốt cả đời còn lại.

Hồi gần đây, có một lần nội trêu Kiên, nội nói là đã thương người ta thì phải giữ cho chặt, chứ thằng Lang nó bay nhảy lắm, nhắm có giữ nó nổi hay không. Đó cũng là lúc Kiên vỡ lẽ ra rằng nội đã tỏ tường tất cả, vậy mà anh với Lang cứ giấu mãi, không dám nói. Cũng hôm ấy, khi nói về mai này, nội biểu Kiên hãy thương Lang thay cho cả phần của nội, và bảo Kiên đừng mãi ôm đồm hết thảy mọi chuyện, hãy sẻ san cho Lang đôi phần để nó được cùng gánh vác. Và Kiên đã chẳng thể nào ngờ rằng những lời ấy là những lời căn dặn cuối cùng của nội.

.

Dần dà, Lang nguôi ngoai phần nào buồn khổ vì nhờ có Kiên luôn túc trục cạnh bên, nó thấy Kiên nhọc lòng vì nó quá nên cũng chẳng nỡ khiến anh phải thêm bận lòng. Rồi hai đứa quyết định sẽ để lại nội ở đây, để lại cả cái làng heo hắt này... lang bạt đến xứ khác để kiếm miếng cơm như lời nội từng thì thào bên tai Lang vào cái ngày cánh đồng cháy rực.

Trưa hôm ấy, chúng nó dìu dắt nhau trên con đường mòn thân thuộc, lũy tre làng xanh rì liêu xiêu kêu xạc xào vì cơn gió quần quật vồ lấy, hoà lẫn với tiếng tu hú vẫn còn kêu vang trên khoảng trời xa xăm.

Cánh đồng lại cháy, tro bay cùng khắp, lửa bừng lên hừng hực đốt rụi rơm rạ thành đống lọ đen, xám ngắt. Những cánh chim đã thôi hiu hắt trên miền trời đỏ rực màu lửa, mà thay vào đó là chao liệng đưa mắt tìm về nẻo đường sực màu nắng mai.

Còn Kiên với Lang vẫn cứ như vậy mà đi mãi, dầu rằng chẳng quay đầu lại, nhưng hình ảnh của nội vẫn luôn kín đầy cả đáy lòng.

Và có lẽ, trên khắp cánh đồng mênh mông, đây đã là ngọn lửa cuối cùng của mùa cháy.


Hết.

[20.03.22]


(*) Đoạn này mình có tham khảo "Lão Hạc".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro