Chương 1: Cái ghế của "Đại ca"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Ngày 28 tháng 7 năm 2010, vệ tinh nhân tạo VINASAT 5 đã được thành công phóng vào quỹ đạo, trở thành vệ tinh mới nhất do Việt Nam tự sản xuất và đưa vào vận hành. Nhiệm vụ chủ yếu của VINASAT 5 là đảm bảo thông tin liên lạc viễn thông trong nước và kết nối với các nước khác.

Tổ dự án của VINASAT 5 gồm các kỹ sư thuộc tập đoàn viễn thông Vietttel cùng các giáo sư của Học viện kỹ thuật vũ trụ quốc gia. Gồm…”

Bản tin từ loa phát thanh ra rả vang lên, phát đi những thông tin xa vời mà chẳng mấy ai trong số những con người nơi lao động nghèo này thèm bỏ vào tai. Cái gì mà vệ tinh, cái gì mà quỹ đạo, cái gì mà vũ trụ… Bọn họ mỗi ngày cắm mặt cắm mũi chỉ để lo ba bữa cơm đầy bụng và giấc ngủ ngon mỗi tối mà thôi.

Tính đi tính lại, chắc chỉ có mỗi Châu Kha Vũ là ngồi nghe như nuốt lấy từng chữ từ bản tin này, đầu óc đã theo tên lửa phóng đến một nơi xa xôi nào đó.

Kha Vũ bắt cái ghế nhựa ngồi trước sân nhà, trong tay là cuốn sổ ghi chép số cân phế liệu thu mua mỗi ngày vừa được mẹ cậu giao phó. Cây quạt máy sau lưng vừa nặng nhọc xoay vừa kêu rè rè như sắp bốc cháy tới nơi, chẳng thổi ra được bao nhiêu gió mát. Xế chiều một ngày cuối hè, trời vẫn oi ả như là giữa trưa. Kha Vũ ngáp một cái rõ to, từ lúc cậu nhận nhiệm vụ trông vựa thì cũng chẳng thấy ai lui tới bán phế liệu cả. Mẹ cậu mà đi cả ngày thì cái vựa ve chai này có khi dẹp tiệm mất.

Bản tin kết thúc rồi, tiếp theo là mấy bài hát cũ rích phát đi phát lại mỗi ngày. Kha Vũ ngửa lưng ra ghế, dùng cuốn sổ che mặt, định ngủ một giấc cho sướng cái thân thì một tràng tiếng leng keng lịch kịch kéo đến. Có người đến bán ve chai! Kha Vũ bật ngay dậy, chuyên nghiệp nhặt cây bút đang lăn lóc dưới chân ghế lên, tay còn lại với lấy cái cân kéo đến sát chỗ mình. Cậu không thể che giấu được chuyện bản thân có chút tự hào phấn khích, dù sao cũng là người khách đầu tiên trong “ca làm việc” của cậu hôm nay.

“Đại ca! Hôm nay tới anh trông vựa hả?”

Một cái đầu bồm xồm xuất hiện, thằng An ló ra kéo theo hai bao tải to hơn cả người của nó, nhe răng ra cười với Kha Vũ. Cũng là khách hàng, còn là khách quen, nhưng khi thằng An xuất hiện thì sự phấn khích của Kha Vũ cũng lập tức bốc hơi theo cái nắng bên ngoài luôn. Sống lưng vừa thẳng lên tức thì còng xuống, Kha Vũ chán nản ghi chép vào sổ, hất đầu hỏi, “Có gì đấy?”

Thằng An lần lượt dốc ngược từng cái bao, chai nhựa lon bia còn có sắt vụn ồ ạt đổ ra bên ngoài. Đấy! Lý do Kha Vũ chán nản đấy. Trăm lần như một, cậu nhăn mặt cằn nhằn, “Sao mày không ở nhà phân loại ra trước? Mẹ tao về mà thấy thì hai đứa chết chùm. Bày hết cái sân của bả rồi!”

“Cái này đổ ra chắc ngập luôn phòng trọ em á. Đại ca thông cảm, giờ em đếm nè!”, thằng An cười khổ, ngồi thụp xuống bơi trong đám phế liệu của mình.

Kha Vũ cằn nhằn thế thôi nhưng cũng mủi lòng mà đặt cuốn sổ xuống ghế, chạy lại ngồi giúp thằng bé một tay. An nó bé xíu người, thấp hơn Kha Vũ tận một cái đầu nhưng tuổi cũng xêm xêm cậu, mười lăm mười sáu gì đấy. Trong đám choai choai đi nhặt ve chai thì nó đã là đứa ngoan ngoãn nhất rồi, thấy Kha Vũ cao hơn nó nhiều thì tự mặc định gọi cậu bằng hai tiếng “đại ca”.

Không chỉ một mình thằng An, những đứa ngang tuổi nó hay cả mấy thằng bé chín mười tuổi đến bán ve chai cho vựa nhà Kha Vũ cũng nhất trí gọi cậu là đại ca. Kha Vũ thường vỗ ngực cười to mỗi khi được bọn nhỏ vây xung quanh vâng vâng dạ dạ, cho đến khi ba hay mẹ cậu xuất hiện rồi phát cho “đại ca” một cái tát vào đầu. Châu Kha Vũ nhận hai tiếng “đại ca” tất nhiên cũng chăm lo cho bọn nhóc này nhiều hơn một chút. Ví dụ như là hiện giờ cậu đếm lon bia thằng An gom được sẽ cộng cho nó thêm vài lon cho tròn, chai nhựa cũng sẽ tăng vài cái.

Kha Vũ kiểm tra lại tiền trong tay, đưa cho thằng An rồi nhìn cái miệng cười muốn toét cả ra của nó thì cũng muốn cười theo. Lại một ngày nó không bị ăn đòn từ ba mẹ.

“À, đại ca! Em nhặt được cái này, trông cũng còn mới lắm, đại ca xem thử coi có dùng được không?”, thằng An vỗ vỗ vào cái túi quần cộm to của mình, lôi ra một cục gì đó bé hơn cục gạch một tí, đen thui.

Nó dùng áo lau qua lau lại rồi mới trưng thứ đó ra trước mặt Kha Vũ, hai mắt sáng rực tò mò nhìn cậu. Kha Vũ chép miệng, cầm cái cục gạch đó đưa lên săm soi. Mắt cậu cũng lập tức phát sáng theo. Không phải cục gạch! Là một cái bộ đàm hàng thật giá thật, dù bám đầy vết ố nhưng cũng không sứt mẻ đi miếng nào, có khi còn dùng được đấy chứ. Kha Vũ phấn khích đến mức muốn ôm thằng An hôn một cái rõ kêu nhưng nhìn cái mặt lấm lem mồ hôi của nó thì nụ hôn nồng cháy tự động rút ngược trở về. 

Cậu moi túi riêng của mình, lấy ra tờ mười nghìn có chút nhàu nhĩ, nhét vào tay thằng nhỏ, “Nè. Cái này xem như mày bán cho tao. Tiền ăn quà mẹ tao cho ít lắm, sợ tao cầm đi cắm net hết nên là chỉ còn nhiêu đây thôi. Mày lấy đỡ đi. Hôm nào có tao trả thêm.”

Thằng An xua tay, lắc đầu như cái máy. Nó muốn đem tới tặng cho đại ca chứ không hề có ý muốn đem bán kiếm tiền. Nó mà muốn bán thì sẽ chạy ra tiệm sửa đồ điện tử ngoài thị trấn cho được giá rồi. Kha Vũ biết tính thằng An, chộp lấy cổ nó kẹp lại, nhét tiền thẳng vào cái túi lúc nãy đựng bộ đàm của nó rồi đẩy thằng nhỏ ra về.

“Đại ca! Đại ca!”, thêm một đứa khác hớt hải từ bên ngoài chạy vào, suýt thì đâm thằng An té bật ngửa. 

Kha Vũ nhìn thằng Ngố xuất hiện, khẽ thở dài. Lý do nó xuất hiện ở đây đảm bảo khác xa thằng An vì thằng Ngố có phải cực khổ đội nắng đội mưa đi nhặt ve chai gì đâu. Ba má nó ở cuối xóm, buôn bán trái cây trong chợ công nhân, tính ra cũng thuộc hàng đủ ăn đủ mặc rồi. Nhưng nó cũng gọi Kha Vũ là đại ca, đơn giản vì Kha Vũ thật sự là đại ca của nó, đúng hơn là của cái nhóm cà lơ phất phơ, giang hồ ẩn nấp ở trường cấp ba Trưng Vương trong khu.

“Lại có chuyện gì mà mày chạy tới tận đây? Muốn mẹ tao chặt giò tao hả?”, Kha Vũ nhét luôn cái bộ đàm vào túi quần, lôi thằng Ngố vào trong.

Đính chính lại là thằng này không phải tên Ngố, nó họ Ngô, tên là Vũ Hằng, năm nay vừa vào lớp mười trường Trưng Vương. Nhưng cái tính nó ngáo ngơ như đứa mất não, ai nói gì cũng tin nên cả bọn thống nhất gọi nó là Ngố. Kha Vũ đến giờ vẫn không hiểu vì sao lúc đó cậu lại đồng ý cho thằng này vào nhóm nữa… Có khi bệnh ngáo ngơ truyền qua đường không khí cũng không chừng.

Người sợ bị chặt giò là Kha Vũ, nhưng cái đứa mặt trắng toát lắp ba lắp bắp nói không ra lời lại là thằng Ngố. Nó vuốt vuốt ngực mình, nuốt nước bọt cái ực rồi mới nói rõ thành tiếng, “Đại ca, chết rồi.”

“Gì? Ai chết?”, Kha Vũ nhảy dựng lên, hốt hoảng bấu hai vai thằng Ngố mà lắc.

Thằng Ngố xua xua tay, “Không có. Không phải ai chết. Nhưng mà chắc cũng sắp. Thằng AK với thằng Cup bị người ta đánh rồi. Người ta còn đòi gặp đại ca. Nói đại ca không ra lãnh đàn em thì chuyến này tụi nó khó sống!”. Thằng Ngố nói xong thì mặt méo xệch, ôm cánh tay Kha Vũ mà lắc, “Đại ca. Cứu tụi nó đi đại ca. Thằng đánh tụi nó dữ lắm. Cup nó khỏe như trâu vậy mà thằng kia vật ngon ơ à.”

Trán của Kha Vũ nhăn lại, liếc nhìn cuốn sổ ghi chép đang cô đơn tọa lạc trên ngai vàng, lại nhìn thằng Ngố sắp khóc tiếng mẹ đẻ tới nơi, không biết phải làm sao mới đúng. Rồi cậu nhìn thấy thằng An vẫn ngoan ngoãn đứng ở cửa, lối thoát đã được mở ra. Kha Vũ đẩy thằng Ngố ra, bước tới kéo thằng An vào, dúi cuốn sổ và cây viết vào tay thằng nhỏ.

“Mày biết chữ, biết giá thu mua nhà tao rồi. Đại ca tin tưởng mày, nhờ mày trông vựa hộ tao một xíu. Tao chạy đi vớt hai thằng kia rồi trở về ngay. Mày đừng bỏ đi đâu nha!”

Kha Vũ ấn thằng An vào cái ghế nhựa của mình, rành mạch căn dặn nó. Mặt thằng An ngu ra luôn, mở miệng ú ớ gì đó nhưng cuối cùng cũng gật mạnh đầu. Kha Vũ hài lòng vỗ bôm bốp vào bả vai nó, “Tao đi nhanh về nhanh. Tí về tao moi ống heo trả thêm cho mày. Mẹ tao mà có về sớm rồi hỏi tao đi đâu thì mày cứ nói không biết nha!”

“Dạ!”

Tiếng thằng An nào có kịp lọt vào trong tai Kha Vũ, cậu đã xách thằng Ngố chạy đi được một đoạn rồi, vừa chạy vừa tra khảo tình hình để dễ bề mà hành động. 

“Sao lại bị đánh ở xóm dưới? Chỗ đó toàn khu trọ của công nhân nhập cư, nghèo còn hơn xóm mình. Tụi nó nói đi đòi tiền mấy đứa giàu giàu học buổi chiều bên khối cấp hai của Trưng Vương mà? Mò qua xóm dưới làm gì?”

Kha Vũ ghìm lại bước chân, khó hiểu nhìn thằng Ngố. Nhóm bọn cậu gồm mấy thằng quậy phá chuyên trấn lột học sinh trong trường đã là chuyện cả khối đều biết nhưng trước giờ chỉ chọn mấy đứa vừa giàu vừa thích khoe mẽ thôi. Khu xóm dưới toàn công nhân từ miền Tây và miền Trung đến, ai ác nhân mà tới đó kiếm chuyện chứ? 

Thằng Ngố đưa tay quệt mồ hôi trên trán, thành thật trả lời, “Thì bọn em từ trường Trưng Vương về phải đi qua khu xóm dưới mà. Tự dưng thằng AK trông thấy hai đứa nào lạ hoắc, mặt non choẹt trắng bóc mặc đồ trường khác đang kéo nhau vào đó thì muốn chặn lại hỏi chơi mấy câu.

“Hỏi chơi mấy câu?”, Kha Vũ nhại lại, “Tụi mày hỏi cái quần què gì để tới mức bị đánh? Mà hai đứa mặt non choẹt đó đánh lại được thằng Cup hả?”

“Trời ơi đại ca. Anh tới đi rồi biết!”

Ngố bị hỏi tới rối luôn, trong bụng còn đang sợ hãi mình tới trễ thì đồng bọn bị người ta ép thành bã mía mất. Nó vòng ra sau đẩy vào lưng Kha Vũ, hướng về phía xóm dưới.

Làm gì có chuyện hỏi chơi mấy câu rồi bị người ta bắt lại mà đánh. Trọng điểm là thằng AK hỏi một câu thì lại muốn hỏi thêm một câu, càng hỏi càng quá đáng, cười hềnh hệch như biến thái, chọc thằng bé nhỏ con hơn khóc luôn. Đứa còn lại cao hơn một chút, cũng trắng như cục bột, đeo cặp kính tròn trên mặt, xông lên chửi thằng AK um trời. 

Ngố vừa nhớ lại vừa bàng hoàng, trong đời nó lần đầu tiên gặp được người chửi nhau thắng được cái mỏ của thằng AK. AK nó tắt đài nhưng thằng Cup thì không, thằng này nó nói chuyện bằng vũ lực. Cup thấy đồng bọn bị chửi cho toe mỏ thì máu nóng tràn lên đầu, làm gì còn nhớ ý định “hỏi chơi mấy câu”, tiến lên đẩy thằng nhãi đeo kính ngã ngửa ra phía sau, đồng phục dính hết bùn đất.

“Em thấy không xong định kéo tụi nó về rồi. Ai ngờ từ trong xóm dưới có một đứa lao ra, đạp thằng Cup lăn quay luôn. Bọn em chưa kịp nhìn xem là đứa nào thì thằng đó đã lôi cổ thằng Cup lên, tay còn lại kẹp luôn thằng AK. Nó nói nó là anh của hai đứa kia. Động vô em nó thì chết mẹ với nó.”

Hai tiếng “chết mẹ” kia là thằng Ngố sao y bản chính, dùng giọng điệu hung hăng diễn tả lại. Châu Kha Vũ nuốt nước miếng, xoay đầu nhìn đàn em, “Rồi sao mày chạy được? Thằng đấy to con không?”

Cả hai vừa chạy vừa nói thì cũng tới đầu ngõ dẫn vào xóm dưới rồi. Thằng Ngố chạy chậm lại núp sau lưng Kha Vũ, “Nó thả em đi, kêu em chạy đi tìm đại ca. Nó thấp hơn đại ca một xíu, cũng trắng trắng mềm mềm. Đại ca… Anh cứu hai đứa kia đi.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro