du hi vuong menh 237-239

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 237 : DI DÂN CHU SƠN

Lại nói, nhìn thấy Mizu lăng xăng chạy ra chạy vào, Giang Phong khẽ cười, lấy ra một đạo phù chú, đưa cho Mizu, nói :

- Hiền muội hãy thu tiểu ấp lại đi.

Mizu nhận đạo phù, ngạc nhiên hỏi :

- Đây là gì vậy ca ca ?

Giang Phong nói :

- Thiên thôn phù.

Trong nhiều game trước đây vẫn có những vật phẩm có chức năng tương tự, như "Thiên Thành Phù" chẳng hạn. Nhưng trong "Vương Mệnh", từ cấp trấn, cấp thành trở lên xem như đã trở thành đại đô thị, không thể di dời được nữa. Chỉ có cấp Hương trở xuống mới có thể tiến hành di dời. Hệ thống quy định, di dời thôn cần 1 đạo "Thiên thôn phù", di dời làng cần 2 đạo, và di dời Hương cần 3 đạo. Đương nhiên quy định nào cũng có kẽ hở. Người chơi vẫn có cách đối phó. Đơn giản nhất là tạm thời di dân sang một nơi khác, để thành trấn giáng cấp, sau đó di dời xong rồi lại di dân trở lại và thăng cấp lên. Tuy nhiên, nếu không thật sự cần thiết thì chẳng ai làm thế làm gì, rất mất thời gian.

Mizu nhìn đạo phù, hỏi :

- Tại sao lại phải dùng nó vậy ca ca ?

Giang Phong mỉm cười nói :

- Nơi này không thích hợp để kiến thôn. Hiền muội không thấy thôn dân bỏ đi hết, thôn ấp trở nên hoang phế đó sao ? Chúng ta cần di dời đến nơi khác thích hợp hơn.

Mizu nói :

- Phải đó nha. Nhưng nơi nào mới thích hợp vậy ca ca ?

Giang Phong nói :

- Thứ nhất, không quá gần các khu vực phồn hoa, nhưng cũng không nên quá xa. Thứ hai, phải tiện cho việc phòng thủ, tránh bị người khác đến phá hoại, xâm chiếm. Nếu suốt ngày cứ phải lo đánh nhau với người khác, đề phòng người khác thì còn tâm trí đâu mà phát triển được nữa. Tiểu huynh có nghĩ đến một nơi thích hợp, nhưng phải đích thân đến nơi xem đã.

Cả bọn đồng thanh khen phải. Masashi nói :

- Phải đó Mizu. Bọn Akihiro mới vừa rồi cũng bị tấn công đó. Nếu không được Thiếu Quân ca ca giúp cho thì đã mất cả Thiên Diệp trấn rồi.

Mizu liền đi vào trong tiểu ấp, dùng "Thiên thôn phù" biến tiểu ấp thành một Bản vẽ. Sau đó mọi người trở về thuyền, tiếp tục hành trình. Thuyền đi về phía bắc, khi đến khu vực vịnh Hàng Châu thì gặp quần đảo Chu Sơn. Quần đảo này bao gồm 1339 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài từ vịnh Hàng Châu cho đến đông nam cửa sông Giang, trên một vùng biển rộng 22.200 kilômét vuông, và bị chia cắt với đất liền chỉ bằng một khu nước hẹp, khoảng cách hẹp nhất là 9,1 kilômét.

Đối với Giang Phong, nơi này là thích hợp nhất để kiến thôn. Khu vực sông Tiền Đường, Chiết Giang và vùng vịnh Hàng Châu tập trung rất nhiều lãnh địa và tiểu quốc, là một trong những khu vực phồn hoa nhất của đạo Đông Việt. Cả "Thiên hạ đệ nhất đại bang" Linh Sơn Bang cũng kiến quốc tại đây, quốc thổ gần năm nghìn dặm vuông, tức khoảng 800 kilômét vuông. Diện tích này thật ra không rộng, còn chưa bằng một huyện nhỏ ở Trung Quốc ngày nay (mỗi tỉnh có đến hơn chục địa cấp thị, mỗi địa cấp thì có hơn chục, thậm chí đến hàng chục huyện thị). Thường thì một huyện sẽ có diện tích vài nghìn kilômét vuông, chỉ có các khu (quận) nội thành mới có diện tích vài trăm, còn khu ở ngoại thành có khi cũng đến hơn nghìn. Ví dụ thành phố Hàng Châu ngày nay có 8 khu (quận), 3 huyện cấp thị (thành phố cấp huyện), và 2 huyện; trong đó huyện Đồng Lư diện tích 1.780 kilômét vuông (gần bằng thành phố Hồ Chí Minh, rộng hơn tất cả các tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trừ thành phố Hà Nội mới được mở rộng) và huyện Thuần An còn rộng hơn, có diện tích 4.452 kilômét vuông.

Chiết Giang là một trong những cái nôi văn hóa quan trọng của người Việt. Thời cổ, người Tàu gọi các dân tộc sống ở phía nam bằng một cái tên chung là Việt. Sử sách thời nhà Hán thường nói đến cái tên "Bách Việt" với nghĩa "một trăm bộ lạc Việt". Hán Thư viết : "trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ đến Cối Kê (thuộc vùng bắc Chiết Giang) ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình". Các nhà ngôn ngữ dân tộc học cho rằng phát âm của từ 越 (Việt, Yue, Yueh) có thể có liên quan đến một loại sợi cây gai dầu (hemp) được làm tại nơi mà nay là Chiết Giang. Chính chữ Việt (越) có liên quan đến chữ "việt" (鉞 - cái rìu lớn, một thứ binh khí thời xưa), thường được coi là biểu tượng của hoàng gia hoặc quyền lực hoàng đế. Nhiều rìu đá đã được tìm thấy tại vùng Hàng Châu, và còn có bằng chứng rằng loại rìu đó là một phát minh của vùng đất phía Nam.

Người Hán vẫn luôn cho rằng mình là "Viêm Hoàng tử tôn", rằng Hoàng đế đã đánh bại Viêm đế, khiến hai bộ tộc sát nhập làm một mà thành người Hán ngày nay. Có điều, ngày nay có rất nhiều bằng chứng (cũng do người Hán tìm ra) phủ nhận điều đó, chỉ là người Hán vẫn tự khi khi nhân, không chịu thừa nhận mà thôi. Đừng nói từ thời xa xưa, ngay cả thời nhà Chu, nước Sở vẫn bị xem là man di, không thuộc "Trung Quốc". Dân nước Sở gồm hai loại : bình dân là dân bản địa, tức người Kinh, tên nước Sở trước đó cũng gọi là Kinh (荆), rồi sau là Kinh Sở (荆楚); và quý tộc là người phương bắc được nhà Chu phái đến cai trị. Và quan trọng nhất, lãnh thổ của nước Sở nằm ở khu vực Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Giang Tô; kinh đô nước Sở lần lượt đặt tại Đan Dương, Dĩnh, Trần, Thọ Xuân, toàn ở lưu vực sông Hoài. Trong khi đó, các nhà khảo cổ học người Hán cũng tìm được các di tích nơi sinh sống của Thần Nông (tên gọi khác của Viêm Đế) ở Liệt Sơn, Hồ Bắc. Đồng thời còn có di tích mộ Thần Nông ở gần Trường Sa, phía nam Động Đình Hồ. Thật ra Hoàng đế chỉ đánh bại được Khương tộc, một nhánh của Thần Nông thị sinh sống ở lưu vực Hoàng Hà. Họ xem Khương tộc là Thần Nông thị, rồi xem tộc trưởng Khương tộc là Viêm đế. Thật ra Khương tộc chỉ là một bộ tộc thuộc Thần Nông thị, giống như Dung tộc, Miêu tộc, Lê tộc, Kinh tộc, ... vậy.

Tóm lại, Hàng Châu là một địa điểm quan trọng của người Việt cổ. Bộ tộc hùng mạnh nhất nơi đây là Ư Việt tộc. Và Giang Phong đã chọn kiến thôn tại đây.

Đổ bộ lên hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chu Sơn, Giang Phong bảo Mizu kiến thôn tại đấy, đương nhiên là chọn vị trí lý tưởng nhất, nằm bên một bờ vịnh nhỏ, gần đó còn có nhiều bãi biển rất đẹp, xa xa còn có một dòng suối nhỏ. Thiếu Quân tiểu ấp được di dời thành công và bắt đầu tiếp nhận những cư dân đầu tiên. Ngoài 30 kỵ binh, còn có 8 thuyền phu (nguyên phụ trách chèo Lâu thuyền), 3 thợ mộc, 1 thợ may, 1 thợ rèn, 1 dược sư, 1 đầu bếp, 2 nông dân, 1 mục dân, 2 ngư dân, 1 thầy đồ, 1 sư gia, và 1 Thống lĩnh. Sư gia và Thống lĩnh sẽ là văn quan võ tướng phụ trách trấn thủ trang ấp một khi bọn Mizu không có ở đấy (bọn Mizu không thể lúc nào cũng có mặt trong ấp). Toàn bộ đều được tuyển chọn từ Hải Châu. Giang Phong cũng không quên vật tư, tạm thời lương thực, gỗ, đá mỗi loại 1 vạn đơn vị, đủ dùng một thời gian rồi. Tiểu ấp không có mấy cư dân (sĩ binh chiếm quá nửa), chưa đủ sức tự túc tự cấp.

Danh xưng : "Thiếu Quân tiểu ấp" (không hiểu hệ thống thêm chữ "tiểu" vào làm gì, Mizu rất bất mãn, nhưng cũng đành chịu, bao giờ hệ thống cũng lớn nhất mà).

Cấp độ : 1

Chính trị : 60

Kinh tế : 0

Văn hóa : 0

Xã hội : 50

Dân số : 54 (53 NPC quân dân + trưởng ấp Mizu)

Thuế : 0

Tín phục độ : 66

Binh lính : 30

Tướng lĩnh : 1 (viên thống lĩnh)

Quan viên : 2 (Mizu và lão sư gia)

Nori và Masashi trở thành Trưởng lão, có được một số quyền hạn, nhưng không được tính vào dân số của ấp. Cũng như những nơi khác, địa bàn quản hạt của tiểu ấp cũng là 10x10 dặm, tức 100 dặm vuông (tương đương 16 kilômét vuông), nhưng khu vực chính được rào tre bao quanh chỉ chiếm 100x100 thước (tương đương 40x40 mét). Trong ấp ngoài Trưởng ấp thất, còn có 10 căn Nhà, 1 Lò rèn, 1 Tiệm tạp hóa, 1 Giếng, 1 Kho.

Sau khi chuyển một số vật tư từ dưới thuyền lên bờ, việc kiến thiết tiểu ấp bắt đầu. Đương nhiên mọi việc sẽ do bọn Mizu chỉ huy, Giang Phong chỉ ở một bên "cố vấn". Đầu tiên là xây dựng Bến thuyền để có chỗ cho thuyền neo đậu, cũng như tiện vận chuyển vật tư lên bờ. Mizu đích thân chỉ huy 3 gã thợ mộc khẩn trương xây dựng Bến thuyền.

"Bến thuyền : diện tích 20x20; gỗ 300, đá 500, ngân tệ 20."

Sau khi Bến thuyền xây xong, Nori và Masashi chỉ huy toàn thể quân dân khẩn trương vận chuyển vật tư từ dưới thuyền lên bờ. Trong khi đó, Mizu chỉ huy thợ mộc sửa sang lại Kho và các kiến trúc hiện có trong tiểu ấp. Ngoài ra còn phải xây dựng thêm một số căn Nhà nữa để đủ nơi ở cho cư dân. Toàn ấp biến thành một đại công trường.

Có thể bà con chưa biết :

Phân cấp hành chính của "Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc" (phần 2)

Phần này sẽ giới thiệu về cấp tỉnh, khá là phức tạp, bao gồm : tỉnh, tự trị khu, trực hạt thị và đặc biệt hành chính khu.

- Tỉnh (省) : là một loại đơn vị hành chính địa phương cấp thứ nhất (tức là chỉ dưới cấp quốc gia) của Trung Quốc. Có tất cả 22 tỉnh.

- Tự trị khu (自治區) : là các đơn vị hành chính tương đương tỉnh và là nơi các sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc có số lượng lớn trong đó có một sắc tộc thiểu số nào đó có số lượng vượt trội. Theo hiến pháp Trung Quốc, các tự trị khu có quyền lập pháp cao hơn so với các tỉnh, song trên thực tế chính quyền các khu này không có nhiều quyền lực hơn so với chính quyền các tỉnh. Hiện Trung Quốc có 5 khu tự trị là: khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, khu tự trị Nội Mông Cổ, khu tự trị Tây Tạng.

- Trực hạt thị (直轄市) : tức thành phố trực thuộc trung ương, là thành phố cấp cao nhất. Đây là đơn vị hành chính có quy mô tổ chức hoàn toàn giống địa cấp thị (thành phố thuộc tỉnh), nhưng vì do trung ương trực tiếp quản lý nên có địa vị tương đương cấp tỉnh. Trực hạt thị là các thành phố lớn, có tầm quan trọng về mặt chính trị, văn hóa, kinh tế, giao thông. Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc hiện có 4 trực hạt thị là: Bắc Kinh (thủ đô), Thượng Hải (thủ đô kinh tế), Trùng Khánh (thành phố có diện tích lớn nhất và đông dân nhất, dân số 31,4 triệu người, diện tích 82.300 km²) và Thiên Tân (xuất hải khẩu của Bắc Kinh).

- Đặc biệt hành chính khu (特別行政區/特别行政區; tiếng Anh viết tắt SAR) : là các đơn vị hành chính có quyền tự trị cao theo thể chế "Một quốc gia hai chế độ", chịu sự quản lý trực tiếp của Chính quyền Nhân dân Trung ương như nêu trong Điều 12 của Bộ luật cơ bản của cả hai đặc khu hành chính. Đặc biệt hành chính khu ngang cấp với tỉnh, tự trị khu hay trực hạt thị, nhưng khác với các địa phương đó, nơi luật cơ bản căn cứ vào Điều 30 của Hiến pháp 1982, các đặc biệt hành chính khu áp dụng các căn cứ trong Điều 31. Hai đặc khu hành chính được thành lập lần lượt vào các năm 1997 và 1999 khi chủ quyền của hai lãnh thổ này được Anh quốc và Bồ Đào Nha lần lượt trao trả cho Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc. Cả hai đặc biệt hành chính khu này đều do Chính quyền Nhân dân Trung ương trực tiếp quản lý. Khác với các đơn vị hành chính cấp tỉnh khác, các đặc biệt hành chính khu được bảo lưu quyền tự trị cao hơn với các quy định riêng về courts of last resort, hệ thống pháp luật, passports, đơn vị tiền tệ, chính sách hải quan, chính sách nhập cư, chính sách dẫn độ, ... ngoại trừ các quy định về ngoại giao và quốc phòng. Khi tham gia vào các tổ chức quốc tế hay các sự kiện thể thao, các đặc biệt hành chính khu là các thành viên độc lập đối với Trung Quốc. Cả hai đặc biệt hành chính khu đều nhỏ và không sử dụng hệ thống phân cấp hành chính của Trung Hoa đại lục. Hong Kong được chia thành 18 quận, mỗi quận có một Hội đồng quận. Ma cao được điều hành duy nhất bởi Chính quyền đặc khu mà không chia ra các cấp hành chính sau khi các municipality kiểu Bồ Đào Nha bị bãi bỏ.

Xem ra hệ thống hành chính ở Việt Nam đơn giản hơn nhiều.

Chương 238 : PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Lại nói, Thiếu Quân tiểu ấp hiện tại đã biến thành một đại công trường. Bọn Mizu chỉ huy cư dân sửa sang xây dựng nhà cửa kiến trúc, ổn định nơi ăn chốn ở cho mọi người. Người ta vẫn nói : An cư lạc nghiệp. Muốn lạc nghiệp tất phải an cư, muốn phát triển được thì cần phải có chỗ ăn ở ổn định, giống như một doanh nghiệp mà không có trụ sở cố định, cứ ngày đây mai đó, thì khó nhận được sự tín nhậm của đối tác, khó phát triển được. Mục tiêu trước mắt của bọn Mizu là phải đảm bảo nơi ăn chốn ở cho cư dân trong ấp.

Hệ thống phân các kiến trúc thành 3 loại chính. Phổ thông kiến trúc : là những loại kiến trúc cần thiết trong sinh hoạt của cư dân, và cũng cần thiết phải có để thăng cấp lãnh địa, như Lò rèn, Dược điếm, Tiệm tạp hóa, Hiệu y phục, Giáo trường, Học hiệu, Khách điếm, Tửu điếm, Kho ... Phụ trợ kiến trúc : là những loại kiến trúc làm phong phú thêm sinh hoạt của cư dân, nhưng không cần thiết khi thăng cấp, ví dụ Giếng nước, Công viên, Đại lộ, Vườn cây ăn trái, Bến thuyền, ... Đặc thù kiến trúc : đương nhiên là những loại kiến trúc đặc biệt, không có trong danh mục các kiến trúc thông thường, như Học Viện, Văn Tổ Thần Miếu, Từ đường chẳng hạn. Trong đó còn lại được phân nhỏ ra thành : sinh hoạt loại hình, quân sự loại hình và văn hóa loại hình.

Hiện tại trong tiểu ấp ngoại trừ Nhà dân và Trưởng ấp thất, còn có các phổ thông kiến trúc có thể sử dụng : Lò rèn, Tiệm tạp hóa, Kho; và phụ trợ kiến trúc : Giếng. Muốn thăng cấp lên "Trại" cần phải có thêm 2 kiến trúc nữa, và phải đạt dân số 101 người. Giang Phong chưa từng được hưởng cảm giác tự mình kiến thôn, nên lần này định để cho tiểu ấp tự nhiên phát triển. Những người chơi khác đều mong muốn lãnh địa phát triển thật nhanh, còn Giang Phong thì ... Giang Phong khẽ lắc đầu, không nghĩ nhiều nữa. Miễn sao vui vẻ thì thôi.

Nhìn thấy bọn Mizu lăng xăng chạy ngược chạy xuôi mãi, Giang Phong gọi lại bảo :

- Các vị hiền muội phân công công việc được rồi, không cần phải thân tự chỉ huy, hãy giao lại cho sư gia chấp hành là được. Chúng ta còn cần bàn về phương hướng phát triển của tiểu ấp nữa.

Mizu vâng dạ, gọi lão sư gia lại bảo lão chỉ huy cư dân làm việc, sau đó mọi người đi vào Trưởng ấp thất. Như thường lệ, Giang Phong vẫn ngồi ở chủ vị; bọn Mizu, Nori và Masashi ngồi ở bên phải; Giang Thạch Khê và Giang Hưng ngồi ở bên trái. Nam tả nữ hữu mà. Xong đâu đấy, Giang Phong mỉm cười nói :

- Tiểu ấp đã kiến lập. Bước thứ nhất đã hoàn thành. Tiếp theo các vị hiền muội muốn phát triển theo hướng nào nè ?

Bọn Mizu đều chưa hề có kinh nghiệm trong chuyện này, nên đều ngơ ngác. Mizu hỏi :

- Có mấy phương hướng phát triển vậy ca ca ?

Giang Phong nói :

- Có quân sự loại hình, trang viên loại hình, chế tạo loại hình, lữ du loại hình. Quân sự loại hình là tập trung phát triển quân đội, các hành nghiệp khác chỉ cần thỏa mãn nhu cầu là được, hoặc thậm chí có thể dĩ chiến dưỡng chiến; như Thiên Diệp trấn chính là 1 quân sự trọng trấn, quân đội quá đông, còn nông nghiệp rất kém phát triển, không đủ đáp ứng nhu cầu lương thực của bản trấn nữa. Trang viên loại hình thì tập trung phát triển nông nghiệp, "dân dĩ thực vi thiên" mà. Chế tạo loại hình thì tập trung phát triển thủ công nghiệp, rồi thông qua thương mại trao đổi những thứ cần thiết. Còn lữ du loại hình thì chủ yếu phát triển các kiến trúc phục vụ du khách, như Khách sạn, Tửu quán, Trà lâu, ...

Mizu suy nghĩ một lúc, rồi nói :

- Ca ca. Phát triển lữ du loại hình đi. Ở đây có núi, có biển, có suối, có rừng, còn có nhiều bãi tắm đẹp nữa nha.

Masashi nói :

- Du khách đến đây nhiều sẽ khiến tình hình thêm hỗn loạn đó. Hơn nữa dân chúng không thể thiếu thức ăn được. Phát triển trang viên loại hình đi.

Mizu nói :

- Phát triển trang viên loại hình chán lắm.

Masashi nói :

- Phát triển lữ du loại hình nguy hiểm lắm.

Cả hai đều giữ ý kiến của mình nên đều đưa mắt nhìn Nori. Mizu hỏi :

- Nori. Ý cậu thế nào ?

Mori lắc đầu nói :

- Tớ thấy trang viên loại hình cũng được, mà lữ du loại hình cũng được.

Nori không có ý kiến rõ ràng, cả ba liền nhìn Giang Phong. Mizu hỏi :

- Ca ca thấy sao ạ ? Lữ du tốt hơn phải không ạ ?

Masashi không chịu nói :

- Trang viên tốt hơn phải không ca ca ?

Giang Phong khẽ cười, nói :

- Cả trang viên và lữ du đều tốt cả, vậy thì phát triển cả hai. Có thể phát triển trang viên phục vụ du lịch. Còn sợ hỗn loạn thì có thể chỉ tiếp nhận nữ thôi. Các nơi khác chiến hỏa liên miên, người chơi nữ không có chỗ chơi, các vị hiền muội có thể biến nơi đây thành thiên đường của nữ giới.

Bọn Mizu ánh mắt sáng rỡ, đồng thanh nói :

- Phải đó nha.

Giang Phong nói :

- Trước mắt chúng ta có thể xây dựng Nông trường, Mục trường, Trại mộc, Dược điếm, Hiệu y phục.

Mizu nói :

- Ca ca. Nên sửa sang đường phố và xây thêm Công viên nữa.

Masashi hỏi :

- Muốn thăng cấp thì cần điều kiện gì vậy ca ca ?

Giang Phong nói :

- Có ít nhất 5 phổ thông kiến trúc và dân số đạt 101 người.

Masashi nói :

- 5 kiến trúc thì dễ. Còn cư dân thì khó nha.

Giang Phong mỉm cười nói :

- Có hai cách tăng dân. Gia tăng tự nhiên : tùy vào Tín phục độ mà tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên sẽ cao hay thấp, tối đa mỗi ngày 5%. Cách thứ hai là đưa dân số từ nơi khác đến, như bọn Akihiro đã làm. Hiện giờ nhiều lãnh địa phát động chiến tranh với nhau chủ yếu là để tranh đất giành dân.

Mizu nói :

- Tiểu muội không muốn phát động chiến tranh đâu.

Giang Phong cười nói :

- Vậy thì hãy cố gắng gia tăng Tín phục độ để thu hút lưu dân đến đây.

Mizu gọi "bảng chức năng" ra xem, rồi nói :

- Tín phục độ hiện giờ đạt 71 rồi nha. Lúc trước hình như có sáu mươi mấy hà.

Giang Phong nói :

- Đương nhiên rồi. Nhà cửa tốt hơn rồi mà.

Mizu hỏi :

- Làm cách nào để gia tăng Tín phục độ vậy ca ca ?

Giang Phong nói :

- Chỉ cần lo cho dân chúng việc ăn ở thật tốt là được. Ngoài ra Tế tự còn có thể cúng tế để Cầu An cho lãnh địa. Hiền muội là Tế tự đó nha.

Mizu cau mày nói :

- Tiểu muội đã lỡ học kỹ năng khác rồi. Ca ca phải giúp tiểu muội đó nha.

Do trước đây Mizu chưa có ý định kiến thôn nên đã học phụ trợ chiến đấu kỹ năng "Hồi phục thuật", hiện giờ chưa đủ điều kiện theo quy định để học thêm tân kỹ năng, đương nhiên có Kỹ năng thư trừ ngoại. Giang Phong an ủi :

- Hiền muội yên tâm. Tiểu huynh sẽ kiếm cho hiền muội một số Kỹ năng thư.

Nori và Masashi cũng lập tức nói theo :

- Cả tiểu muội nữa nha. Tiểu muội cần cung tiễn kỹ năng thư.

- Tiểu muội nữa. Tiểu muội cần pháp thuật kỹ năng thư.

Giang Phong gật đầu nói :

- Được rồi, được rồi. Để tiểu huynh kiếm cho.

Ba người họ chỉ mới hơn 30 cấp, chỉ có thể học được trung cấp kỹ năng trở xuống. Mà với Giang Phong, trung cấp Kỹ năng thư không thành vấn đề, "đại thủ nhất huy, kỹ năng thư vô số", mỗi ngày Giang Phong có thể chế tạo được 16 trung cấp Kỹ năng thư, lại còn thêm Giang Thạch Khê nữa. Đang nói chuyện, Mizu chợt nhớ ra, vội nói :

- Tiểu muội phải đi xây dựng Đường phố và Công viên để tăng Tín phục độ mới được.

Nói rồi đứng dậy chạy vội ra ngoài. Giang Phong lắc đầu, cùng mọi người đi theo. Mizu tính rất phải. Cũng rất cần cải thiện điều kiện sống của cư dân để tăng Tín phục độ, nhằm thu hút thêm nhiều lưu dân đến định cư. Giang Phong cũng rất hiếu kỳ muốn biết hệ thống sẽ cho lưu dân đến đây bằng cách nào.

Sau khi sửa sang mở rộng Đường lộ, trải đá toàn bộ, đồng thời xây thêm một số Công viên nhỏ bên cạnh các Giếng nước trong khu dân cư, diện mạo tiểu ấp khác đi thấy rõ, đã phần nào có chút hình ảnh của phố thị. Mizu lại phát cho cư dân ngoài khẩu phần ăn mỗi ngày, còn có thêm 2 đồng tệ mỗi người, xem như là sinh hoạt phí. Quân đội và quan viên có lương nên khẩu phần ăn gấp đôi. Do vậy mà Tín phục độ đã tăng lên đến 78, một chỉ số khá cao rồi. Thế nhưng Giang Phong vẫn chưa hài lòng, cho lập hương án, rồi thân tự tiến hành tế lễ. Do là Hiền giả, hiệu suất cực cao, nên sau khi tế lễ Tín phục độ đã tăng thêm 10 điểm nữa, đạt đến 88.

Trong lúc mọi người tuần thị quanh tiểu ấp thì được tin báo binh sĩ tuần tra phát hiện có nạn dân ở ngoài bờ biển gần tiểu ấp. Nạn dân chứ không phải lưu dân, Giang Phong rất ngạc nhiên. Mọi người cùng nhau ra bờ biển xem thử.

Có thể bà con chưa biết :

Phân cấp hành chính của "Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc" (phần 3)

Cấp hành chính thứ nhất là "cấp Tỉnh", còn cấp hành chính thứ hai thì gọi là "cấp địa khu" (地区级, địa khu cấp hay 地级, địa cấp), gồm có : Địa cấp thị, tự trị châu, phó tỉnh cấp thành thị, minh.

- Địa cấp thị (地级市) là một đơn vị hành chính cấp địa khu tại Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc. Đây là cấp hành chính thứ hai trong thứ bậc các cấp hành chính, dưới cấp tỉnh nhưng trên cấp huyện. Ở Việt Nam không có cấp tương đương với cấp địa khu. Địa cấp thị nghĩa là thành phố cấp địa khu, cũng có khi được gọi là thành phố trực thuộc tỉnh (省辖市, tỉnh hạt thị, tiếng Anh: provincial city) nhưng không phải là khu vực thành thị theo nghĩa hẹp của từ này. Địa cấp thị thường là một khu vực hành chính có một thành phố làm nòng cốt, xung quanh là các đơn vị cấp huyện nông thôn có diện tích và dân số lớn hơn rất nhiều so với thành phố trung tâm đó. Lý do là trước đây, địa khu bao gồm các thành phố, thị trấn và các huyện, nay được thay thế gần hết bằng địa cấp thị. Muốn nói đến khu vực thành thị thực sự, người ta dùng chữ thị khu (市区), để phân biệt với khu vực nông thôn. Mỗi địa cấp thị có thể bao gồm các khu (quận) nội thành, huyện và thành phố cấp huyện (huyện cấp thị).

Các địa cấp thị đầu tiên được lập ra ngày 5 tháng 11 năm 1983. Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2005, cả nước Trung Quốc có 283 địa cấp thị. Các địa cấp thị lớn nhất như Bảo Định (tỉnh Hà Bắc), Chu Khẩu và Nam Dương (tỉnh Hà Nam), Lâm Nghi (tỉnh Sơn Đông) có số dân vượt cả thành phố trực thuộc trung ương (trực hạt thị) Thiên Tân.

- Phó tỉnh cấp thành thị : Hiện nay đã có 15 địa cấp thị lớn của Trung Quốc đã được nâng cấp thành thành phố cấp phó tỉnh (副省级城市, phó tỉnh cấp thành thị; tiếng Anh: sub-provincial city), nghĩa là được nhiều quyền hạn tự quản hơn. Như vậy thành phố cấp phó tỉnh là những trường hợp đặc biệt của địa cấp thị. Phó tỉnh cấp thành thị ngang với các địa cấp thị nhưng có mức độ đô thị hóa cao hơn, và đặc biệt có nền kinh tế phát triển hơn. Cấp hành chính này được phân cấp nhiều quyền tự chủ hơn về mặt quản lý ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quản lý đô thị. Ngày 25 tháng 12 năm 1994, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thành lập 16 Phó tỉnh cấp thành thị. Tuy nhiên, hiện chỉ có 15 Phó tỉnh cấp thành thị vì Trùng Khánh đã được nâng cấp Trực hạt thị.

Cấp địa khu này, ngoài địa cấp thị, còn bao gồm:

- Địa khu (地区; tiếng Anh: prefecture). Hiện nay các địa khu đã được thay thế gần hết bằng thành phố trực thuộc tỉnh. Cả nước chỉ còn 17 địa khu, chủ yếu chỉ tồn tại ở Khu tự trị Tây Tạng (6 địa khu) và Khu tự trị Tân Cương (7 địa khu), ngoài ra tỉnh Quý Châu có 2 địa khu, Thanh Hải và Hắc Long Giang mỗi tỉnh có 1 địa khu.

- Châu tự trị (自治州, tự trị châu; tiếng Anh: autonomous prefecture) là các đơn vị hành chính cấp địa khu (thấp hơn tỉnh, lớn hơn huyện) nơi mà các sắc tộc thiểu số ở Trung Quốc được hưởng những quyền tự trị nhất định. Hiện Trung Quốc có 30 châu tự trị như vậy nằm trong 9 tỉnh và khu tự trị.

- Minh (盟; tiếng Anh: league). Đơn vị hành chính này chỉ tồn tại ở Nội Mông Cổ: hiện chỉ có 3 minh, còn lại là địa cấp thị. Minh tồn tại từ thời kỳ nhà Thanh như là một cấp chính quyền. Người đứng đầu mỗi minh được chọn từ các jasagh (札薩克, trát tát khắc)) hay khoshun của các kỳ thuộc về minh đó. Ban đầu có sáu minh là Triết Lý Mộc, Chiêu Ô Đạt, Trác Tác Đồ, Tích Lâm Quách Lặc, Ô Lan Sát Bố và Y Khắc Chiêu. Sau đó mới lập thêm các minh mới. Hiện nay, minh thuộc về cấp địa khu trong trật tự phân cấp hành chính Trung Quốc. Trong số 9 minh còn tồn tại đến cuối thập niên 1970 thì tới nay chỉ còn 3, do 6 minh khác đã được tổ chức lại thành địa cấp thị.

Đặc biệt, khác với ở Việt Nam, nơi mà thành phố trực thuộc tỉnh có cấp dưới là phường xã, và thành phố trực thuộc trung ương có cấp dưới là quận huyện. Ở Trung Quốc, địa cấp thị (thành phố trực thuộc tỉnh) và trực hạt thị (thành phố trực thuộc trung ương) có cách tổ chức, quy mô và hình thức hoàn toàn giống nhau, bên dưới cũng đều là khu (quận), huyện, huyện cấp thị (thành phố cấp huyện); chỉ khác ở chỗ chức quyền, bởi địa cấp thị do tỉnh quản lý, địa vị dưới tỉnh 1 bậc (cấp hành chính thứ hai), còn trực hạt thị do trung ương trực tiếp quản lý, địa vị ngang tỉnh (cấp hành chính thứ nhất). Một địa hạt thị có lúc sẽ được chuyển đổi thành trực hạt thị và ngược lại.

Ví dụ, trước năm 1997, Trùng Khánh là địa hạt thị do tỉnh Tứ Xuyên quản lý, từ năm 1997 trở thành trực hạt thị. Nam Kinh trước đây là địa hạt thị do Giang Tô quản lý, có một thời gian trở thành trực hạt thị, rồi sau lại trở thành địa hạt thị.

Chương 239 : TÂN LĨNH ĐỊA

Lại nói, khi nghe tin báo phát hiện có nạn dân ở ngoài bờ biển gần tiểu ấp, mọi người cùng nhau ra bờ biển xem thử. Ở sát mép biển, một đội sĩ binh đang vây quanh hai NPC nạn dân. Cả hai y phục rách nát, run rẩy nép sát vào nhau, có vẻ rất sợ hãi. Bên cạnh hai người họ còn có một chiếc Tiểu thuyền đã hư hỏng khá nhiều. Hai NPC này thật dũng cảm, dám dùng Tiểu thuyền đi lại trên biển. Có sẽ sóng biển đã phá hỏng thuyền, và bọn họ bị trôi dạt vào đây. Hóa ra hệ thống cho lưu dân đến đây bằng cách này.

Bọn Giang Phong đến nơi. Cả hai NPC nạn dân thấy các vị đại nhân đã đến, vội sụp xuống vái lạy. Trong "Vương Mệnh", những người có quan chức đều có "quan oai" tương ứng, NPC dựa vào đó mà phân biệt đại quan, tiểu quan. Trong cả bọn, Giang Phong đương nhiên có "quan oai" mạnh nhất, thậm chí so với tổng hợp những người còn lại cũng còn mạnh hơn. Do vậy mà cũng như mọi khi, Giang Phong vẫn luôn chiếm vị trí chủ đạo. Giang Phong nghiêm giọng hỏi :

- Các ngươi vì nguyên nhân gì mà dám dùng Tiểu thuyền đi trên biển. Không biết là nguy hiểm lắm sao.

Nạn dân gồm một người gã trai trẻ và một lão già. Giang Phong chỉ hỏi cầu may vậy thôi, chứ cũng không hy vọng có được lời hồi đáp hợp lý, bởi phổ thông NPC có trí tuệ không cao lắm. Nào ngờ lão già nạn dân run rẩy hồi đáp :

- Hồi đại nhân. Chỗ bọn tiểu dân gặp phải chiến loạn, bọn tiểu dân đành phải bơi thuyền ra biển cầu sinh, nào ngờ gặp phải sóng lớn nên trôi dạt đến đây.

Thấy lão già này có trí tuệ khá cao, xem ra cũng là đặc thù NPC, Giang Phong hài lòng, gọi lão sư gia đến cho bọn họ nhập cư vào tiểu ấp. Mizu nhìn thấy dân số tăng lên đến 56, hoan hỉ nói :

- Hai người đó là lưu dân phải không ca ca ?

Giang Phong mỉm cười :

- Phải rồi. Tín phục độ là 88 nên tỷ lệ lưu dân khoảng 4%. Nếu qua 95 sẽ tăng lên 5%.

Mizu nói :

- Vậy bọn tiểu muội phải cố gắng hơn nữa.

Chỉ đáng tiếc, khi Giang Phong tế lễ ở thôn ấp mới có thể tăng Tín phục độ lên 10 điểm, bởi ở đây ít dân, dễ thỏa mãn các nhu cầu. Còn nếu là thành trấn, dân số quá đông, xã hội phức tạp, mỗi lần tế lễ bất quá tăng được 1, 2 điểm mà thôi. Masashi tính toán một hồi, rồi nói :

- Ca ca. Nếu thế này thì phải qua 20 ngày nữa mới có thể thăng cấp lên Trại được.

Giang Phong mỉm cười nói :

- Ngay cả "Thiên hạ đệ nhất bang hội" khi mới kiến thôn, mỗi ngày mà có được 1 lưu dân là đã mừng rỡ lắm rồi.

Bọn Mizu nhớ lại trước đây bọn Akihiro cũng đã từng như thế, thậm chí có nhiều ngày mà không có lưu dân nào đến hết. Mizu lắc đầu nói :

- Nhưng lâu quá hà.

Nori góp ý :

- Hay là chúng ta mua dân đi. Nghe nói giá thị trường là 3 kim tệ một người đó.

Mizu và Masashi đều khen phải, bọn họ đều là quý tiểu thư, không thiếu tiền, nhưng Giang Phong lại bảo :

- Vấn đề là có ai chịu bán hay không thôi. Hiền muội không thấy các thế lực vì tranh giành dân mà phát động chiến tranh đấy sao. Bọn Akihiro vì sợ thiếu dân, không thăng cấp lên Hương trấn được nên mới không chịu chia cho hiền muội một trang ấp đấy. Trước đây có người bán dân là vì có Bình Nguyên chiến dịch, có thể dễ dàng nhận dân từ Viêm triều. Nhưng lúc này thì đã chấm dứt rồi.

Masashi chép miệng than thở :

- Dân quý hơn vàng a !

Mizu cũng than vãn một hồi, rồi chợt nắm chặt tay Giang Phong, sử tuyệt chiêu :

- Ca ca ! Ca ca ơi !

Giang Phong khẽ mỉm cười. Tình cảnh này thật phù hợp với câu nói của cổ nhân : "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". Hiện giờ, các vị quân chủ là người chơi hầu như đều phải xuất tiền túi ra cung phụng cho thần dân trong nước, chăm lo cho thần dân từng ly từng tí, luôn luôn lo sợ thần dân bất mãn bỏ đi. Thành ra ai cũng thành minh quân, hiền quân cả. Nghĩ cũng thật hay.

Thấy Mizu năn nỉ, Giang Phong bật cười nói :

- Được rồi mà. Không mua được thì dụ vậy.

- Dụ ?

Cả ba đều ngơ ngác. Giang Phong giải thích :

- Gần bờ biển hẳn sẽ có cư dân làm việc, đôi khi trên biển cũng có. Hiền muội chỉ cần tìm cơ hội tiếp cận, dụ bọn họ đến đây định cư.

Bọn Mizu đưa mắt nhìn nhau. Mizu thỏ thẻ nói :

- Ca ca. Dụ dỗ người ta là không tốt nha.

Giang Phong cười nói :

- Có gì mà không tốt. Chỗ bọn họ chiến hỏa liên miên, còn chỗ chúng ta thì yên bình. Bọn họ di cư đến đây là tốt hơn đấy chứ !

Mizu gật đầu nói :

- Cũng phải nha.

Tiếp đó, bọn Mizu đi xem xét công việc trong ấp. Hiện cư dân đang khai khẩn Nông trường, Mục trường và xây dựng Trại gỗ, bắt đầu các hoạt động sản xuất đầu tiên của tiểu ấp. Tuy chưa đủ khả năng tự cấp tự túc, nhưng dù sao sản xuất được chút nào hay chút đó. Nông dân, mục dân hay thợ mộc, thợ rèn, ... chức nghiệp kỹ năng đều phải đạt đến cao cấp thì mới có thể truyền nghề được.

Giang Phong thì đi dọc theo bờ biển, vừa đi dạo vừa suy nghĩ công việc. Tiếp theo nên thế nào đây ? Thế lực đã đạt bình cảnh, có lẽ tạm thời chỉ nên củng cố thành quả hiện tại, và nếu muốn phát triển thì chỉ có thể mở mang ảnh hưởng ra các nơi. Vì thế, hai tân lãnh thổ : Hoài An và Kiến Uy, sẽ là trọng điểm phát triển sau này.

Đang mải suy nghĩ, đột nhiên Giang Phong cảm giác có nhiều luồng hơi ấm truyền vào người, rồi nhiều đạo tin tức tiếp cận ý thức hải. Giang Phong bất chợt nhắm mắt lại. Từ ý thức, Giang Phong "nhìn thấy" một buổi tế lễ. Hình ảnh là từ trên không trung nhìn xuống. Giang Phong "nhìn thấy" hàng nghìn người phục lạy trước một Điện thờ, một lão già thống lĩnh các chức sắc, tất cả đều vận tế phục toàn trắng, hướng vào Thần tượng trong chính điện hành lễ. Và Giang Phong lại "nhìn thấy" Thần tượng trên chính điện lại là chính mình. Giang Phong đã được dân chúng tôn làm "thần", tạc tượng để thờ phụng. Nhìn quang cảnh xung quanh, Giang Phong nhận ra nơi đó chính là Kiến Uy trấn - với quy mô và dân số hiện tại, đã là cấp trấn. Từ người dân bên dưới có vô số tia mảnh như tơ, thông trực tiếp đến Giang Phong.

Tiếp đó là nghe hệ thống thông báo :

- Đinh. Chúc mừng Thiếu Quân hoàn mỹ hoàn thành đặc thù nhiệm vụ "Tín ngưỡng", trực tiếp nhận tín ngưỡng lực từ tín đồ, "tín ngưỡng trung tâm" khải động, đặc tưởng lệ 1 Bản vẽ đặc thù kiến trúc.

Hóa ra những tia mảnh như tơ kia chính là tín ngưỡng lực. Trước đây Giang Phong chỉ được chia tín ngưỡng lực chứ không có tín đồ của riêng mình, nên "tín ngưỡng trung tâm" vẫn chưa khải động. Lần này Giang Phong đã có tín đồ của riêng mình rồi. Và hệ thống thanh âm lại tiếp :

- Đinh. Chúc mừng Thiếu Quân khải động "tín ngưỡng trung tâm", đủ điều kiện tiến giai, tiếp nhận tân lĩnh địa hoặc tân kỹ năng. Xin lựa chọn.

Giang Phong do dự. Tân lĩnh địa ? Quốc thổ rộng mênh mông rồi. Tân kỹ năng ? Giang Phong học được kỹ năng vô số, nhiều kỹ năng chưa hề có cơ hội sử dụng. Chọn thứ nào đây ? Giang Phong suy tính thật nhanh, chợt nghĩ đến Bản vẽ đặc thù kiến trúc lúc này vẫn chưa sử dụng được. Có lẽ nào ... ? Có khi đặc thù kiến trúc chỉ có thể kiến thiết trên đặc thù lĩnh địa chăng ? Hơn nữa, Giang Phong không chủ chiến đấu, kỹ năng không quan trọng lắm. Giang Phong nghiến răng quyết định :

- Tân lĩnh địa.

- Đinh. Chúc mừng Giang Phong nhận được tân lĩnh địa. Không gian chi môn có thể khai khải.

Tiếp đó, bảng thuộc tính của Giang Phong hiện ra trước mắt, bên dưới hình ảnh Giang Phong xuất hiện một thanh công cụ mới, đề "Không gian chi môn". Giang Phong điểm thử vào đó. Ngay lập tức, phía trước xuất hiện một cánh cửa không gian. Giang Phong mở cửa, bước qua.

Sau khi bước qua, "Không gian chi môn" biến mất, Giang Phong xuất hiện tại một vùng hoang vu, bốn phía đồng cỏ trải dài, xa xa có một cánh rừng nhỏ, địa thế bằng phẳng. Chính lúc Giang Phong đang quan sát địa hình hoàn cảnh thì phía sau có tiếng người nói :

- Đại nhân. Chúng ta kiến thiết Cung điện ở đây ạ ?

Giang Phong giật mình, vội quay lại nhìn, chỉ thấy có một nam một nữ đứng trước mặt, đang nhìn Giang Phong, có vẻ chờ đợi ý kiến. Kiến thiết Cung điện ... tân lĩnh địa ... Đây có lẽ là "thôn dân" của Giang Phong chăng ? Nhưng sao không phải kiến thôn mà là kiến thiết Cung điện, và sao "thôn dân" lại xuất hiện trước ? Giang Phong kiểm tra trong Không gian giới chỉ, không thấy gì lạ, rồi lại kiểm tra trong Hành trang thì thấy quả nhiên có 1 Bản vẽ Cung điện, bên cạnh còn có 1 Túi tài nguyên nữa, chỉ đáng tiếc là Túi sơ cấp mà thôi. Giang Phong suy nghĩ một hồi. Kiến thiết thì kiến thiết, nhưng phải chọn vị trí thật tốt đã. Thế là Giang Phong nói với hai "thôn dân" thuộc hạ :

- Chúng ta đi một vòng, tìm nơi thích hợp đã.

Đoạn Giang Phong cùng hai thủ hạ đi tuần thị một vòng lĩnh địa.

Có thể bà con chưa biết :

Phân cấp hành chính của "Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc" (phần 4)

Phần trước nói về sự giống nhau của địa cấp thị và trực hạt thị. Hai đơn vị hành chính này có quy mô tổ chức hoàn toàn giống nhau, chỉ khác về cấp quản lý. Ví dụ :

- Tp. Trùng Khánh : là trực hạt thị do trung ương trực tiếp quản lý, dân số 31.442.300 người, diện tích 82.300 km². Được chia thành 19 khu (quận), và 21 huyện, trong đó có 4 huyện tự trị. Trước năm 1997, Trùng Khánh là địa hạt thị do tỉnh Tứ Xuyên quản lý.

- Tp. Thành Đô : là địa hạt thị do tỉnh Tứ Xuyên quản lý, dân số 11.000.670 người, diện tích 12.390 km². Được chia thành 9 khu (quận), 4 huyện cấp thị và 6 huyện.

- Tp. Thượng Hải : là trực hạt thị do trung ương trực tiếp quản lý, dân số 19.210.000 người, diện tích 6.340,5 km². Được chia thành 18 khu (quận) và 1 huyện.

-Tp. Hàng Châu : là địa hạt thị do tỉnh Chiết Giang quản lý, dân số 3.931.900 người, diện tích 16.847 km². Được chia thành 8 khu (quận), 3 huyện cấp thị, và 2 huyện.

Qua đó ta thấy dù là trực hạt thị (Thành phố trực thuộc trung ương) hay địa cấp thị (thành phố trực thuộc tỉnh) thì bên dưới đều chia thành các quận huyện như nhau. Sở dĩ tui giải thích rõ phần này là vì gần đây đọc một số tài liệu, thấy nhiều người Việt lại bắt đầu "tự khi khi nhân", hài lòng với hiện tại, và "chiêm chiêm tự hỉ" rằng vị thế của Việt Nam đang rất cao, mà không biết rằng trong mắt các nước lớn (như Pháp, Mỹ, Trung, Nhật, ...), nước Việt Nam không ngang hàng với nước họ. Cái này tui sẽ dẫn chứng rõ hơn ở phần sau. Giờ đây tiếp tục cho phân cấp hành chính của Trung Quốc :

Cấp huyện : gồm có huyện, huyện cấp thị (thành phố cấp huyện), tự trị huyện, khu (quận), phó địa cấp thị, kỳ, tự trị kỳ.

- Huyện (县) là cấp hành chính thứ ba trong phân cấp hành chính của Trung Quốc. Có 1467 huyện ở Trung Hoa Đại lục trong tổng số 2861 đơn vị cấp huyện. Huyện đã tồn tại từ thời Chiến Quốc, và đã được thành lập trên khắp quốc gia trong thời nhà Tần.

- Tự trị huyện (自治县) là một dạng đặc biệt của huyện ở Trung Hoa Đại lục dành cho những khu vực dân tộc không phải người Hán sinh sống và các huyện này có thẩm quyền lớn hơn các huyện thông thường theo quy định của pháp luật. Huyện tự trị có thể nằm trong một châu tự trị hoặc một địa cấp thị nào đó. Hiện Trung Quốc có 117 huyện tự trị. Tương đương huyện tự trị có tự trị kỳ (自治旗). Nhưng loại này chỉ có trong khu tự trị Nội Mông. Có 3 kỳ tự trị.

- Huyện cấp thị (县级市; thành phố cấp huyện, hoặc thị xã) là một đơn vị hành chính ở Trung Hoa đại lục. Huyện cấp thị thường thuộc địa cấp thị (thành phố thuộc tỉnh) và các đơn vị cấp địa khu, nhưng có một số ít trực thuộc các đơn vị cấp tỉnh mà không qua cấp địa khu. Các huyện cấp thị không phải là các đô thị theo nghĩa đúng nhất của nó vì chúng thường có vùng nông thôn có khi rộng gấp nhiều lần so với vùng đô thị. Để phân biệt huyện cấp thị và khu vực đô thị (nghĩa truyền thống của "thị"), thuật ngữ "thị khu" (市区) đã được sử dụng.

- Khu (phồn thể : 區; giản thể: 区) là một đơn vị hành chính của Trung Quốc, người Nhật và Hàn Quốc cũng dùng khu, người Việt gọi là quận.

- Kỳ là một đơn vị hành chính tại khu tự trị Nội Mông Cổ. Các kỳ lần đầu tiên được sử dụng vào thời kỳ nhà Thanh, trong đó người ta tổ chức người Mông Cổ thành các kỳ, ngoại trừ những ai thuộc về Bát kỳ ở Mãn Châu. Mỗi kỳ có tô mộc là các đơn vị hành chính trực thuộc. Tại Nội Mông Cổ, một vài kỳ lập ra một minh. Tại các khu vực khác, như Ngoại Mông Cổ, miền bắc Tân Cương và Thanh Hải, aimag (аймаг) là các đơn vị hành chính lớn nhất. Tuy nhiên, hiện nay aimag chỉ còn lại ở Mông Cổ và nó có địa vị tương đương cấp tỉnh. Trong khi vai trò của kỳ là để hạn chế người Mông Cổ vượt ra khỏi ranh giới của mỗi kỳ thì ngược lại nó cũng giúp cho nhà Thanh bảo vệ Mông Cổ trước áp lực dân số từ những người Trung Hoa chính hiệu. Hiện nay, kỳ là đơn vị hành chính cấp huyện trong trật tự phân cấp hành chính tại Trung Quốc. Tổng cộng hiện nay còn 49 kỳ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro