Phần I: Đưa âm nhạc gửi lời xin lỗi (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Gió đang tràn về trong thành phố. Gió đưa nước mắt rải rác khắp nơi làm mọi ngóc ngách trở nên ảm đạm, u buồn. Trời sáng nhưng chẳng chút nào rạng rỡ. Mây tựa như một cục kẹo bông pha tạp những thứ phẩm màu kém chất lượng xám xịt bao phủ cả một bầu trời rộng lớn bỗng như thu nhỏ lại dần, làm tầm mắt của con người chỉ toàn mệt mỏi, muộn phiền. Ở góc cuối phố, một bông tulip sáng màu cũng bắt đầu ngả mình chìm vào góc tối, chờ người đến đưa lên xe.

Bây giờ là tầm trưa, lão vẫn đang nằm trên giường. Thời tiết này khiến lão ta đau nhức hết cả mình mẩy. Từng khớp đầu gối, đầu ngón tay và lưng dưới của lão kêu lên răng rắc khi bắt đầu ngồi dậy. Lão với lấy cái điện thoại để kiểm tra tin nhắn. Không một ai cả. À, có tin nhắn của bọn quảng cáo gói thuê bao điện thoại hòa mạng. Bọn chúng gửi tin nhắn liên tục mỗi ngày khiến lão cũng chẳng thèm buồn xóa đi. Buông điện thoại xuống gối, lão bắt đầu vỗ vào những phần cơ thể đau nhức. Lão đưa tay chầm chậm, chầm chậm. Những ngón tay thuôn dài nắm lại vỗ vào đầu gối thành từng tiếng đứt quãng dài tạo thành thứ âm thanh thô kệch đến phát sợ.

Mãi lão mới thoát khỏi giường. Lão xỏ đôi dép đi trong nhà vào rồi bước lại gần chiếc bàn nhỏ để ngay gần đó. Trên bàn là một đống thuốc lộn xộn, bên cạnh có bức ảnh chân dung của một người đàn bà. Đó là một người phụ nữ với đôi mắt màu xanh sâu thẳm quyến rũ. Bà tầm bốn mươi tuổi nhưng vẫn đẹp mê hồn. Lão tính với tay lấy đống thuốc nhưng lại thôi, bèn vào bếp. Cái dáng lão khom lưng đi chậm như đang lết đôi chân mảnh khảnh thành tiếng lạo xạo như tiếng chổi tre quét trên nền bê tông khô cứng. Thứ đầu tiên lão lấy ra từ trong tủ lạnh chính là một chai rượu đang uống dở vào thứ ba tuần trước. Hôm bữa say kinh khủng khi một mình lão nốc hết tận ba chai rưỡi. Và bây giờ, lão sẽ tiếp tục hoàn thành nốt những giọt rượu cuối cùng.

Trong cơn ngà say lão nghe thấy tiếng chuông cửa, bèn loạng choạng bước ra. Tay trái lão vẫn cầm chai rượu. Chân nam đá chân chiêu, đoạn đá cả vào chân bàn khiến lão kêu lên đau nhói. Mở cửa, trước mặt lão là một nhân viên giao hàng gửi ông bức thư và một chiếc hộp. Anh nhân viên với khuôn mặt tươi tắn trông thật năng động khiến lão thấy muốn nôn mửa. Lão ghét nhìn khuôn mặt như vậy vào những lúc đang say bởi lão cảm thấy mình như một kẻ thất bại chỉ biết đắm mình vào men cồn. Giật lấy món đồ rồi đóng sầm cửa lại luôn. Tên đó đã làm phiền đến bữa nhậu của lão. Lão cầm hai món đồ trên tay ngắm nghía một lúc thì chợt nhận ra trên bức thư đó có ghi tên người gửi: Lucy White.

Năm năm trước có một người đàn ông lịch lãm vô cùng. Dù đã đạt đến độ tuổi gần năm mươi nhưng ông vẫn mang đầy khí chất. Ông là một nhạc công, một tay piano nhưng không chuyên. Công việc của ông chính là tham gia những buổi tiệc trà hay những quán bar nhỏ để kiếm tiền. Hơn nữa ông cũng thích những nơi như vậy. Những không gian nhẹ nhàng yên ắng với những con người thanh lịch và duyên dáng. Họ thường đến đây để thoát khỏi xô bồ của cuộc sống khắc nghiệt, ngồi xuống thưởng thức ly rượu ngọt rồi thả mình vào âm nhạc. Ngoài công việc đó ra, về đêm ông vẫn thường lọ mọ ngồi sáng tác những bản nhạc mới và đôi khi cũng sử dụng nó để thể hiện trong các quán bar. Ông luôn ước mơ rằng rồi một ngày mình sẽ có thể chơi một bản độc tấu của riêng ông tại nhà hát nổi tiếng để rồi lưu danh với đời, sánh ngang với những Mozart, Beethoven huyền thoại. Trong khoảng thời gian đó, ông gặp được người phụ nữ của đời mình, một ca sĩ không chuyên khác. Ông gặp bà khi làm tại một quán ở phố số mười ba. Ông được thuê để đệm đàn cho người phụ nữ ấy hát và đã say mê giọng hát này ngay từ lần đầu bắt gặp. Một vẻ đẹp quyến rũ trong từng lời ca và điệu bộ. Mái tóc vàng hơi xoăn buông xõa óng ả làm tôn lên đôi mắt xanh sâu thẳm cuốn hút. Sau buổi hôm đó, ông đã đến bắt chuyện với bà. Hai người đã quyết định đi đến kết quả rằng họ sẽ cùng nhau phát triển đam mê. Đây là một mối quan hệ đối tác. Ông viết ra những bài hát dành riêng cho bà và bà sử dụng giọng hát của mình để thử thách tài năng sáng tác và kỹ năng piano của ông.

Dần dần ông được mời tham gia vào những buổi hòa nhạc lớn hơn và các bản nhạc ông viết cũng được giới phê bình để ý. Còn người cộng sự của ông, giọng ca của bà cũng đã đến tai được với nhiều người nghe. Các bài hát của hai người được nhiều hãng thu âm mua lại khiến cho danh tiếng càng ngày càng tăng cao. Họ đã dần thành công như vậy.

Vào tháng mười hai, bốn năm trước, cơ hội đã đến. Hai người biết đến một chuyến lưu diễn cuối năm trên khắp cả nước. Họ đã nhờ người quen giới thiệu mình cho nhà sản xuất. Sau rất nhiều lần nói chuyện, cuối cùng họ mới có một chân trong chuyến đi đó. Tuy nhiên có những điều kiện như họ sẽ chỉ được biểu diễn trong khi các nghệ sĩ khác đang nghỉ ngơi hay tổ chức sẽ không tài trợ bất kì chi phí nào cho hai người. Vậy nên họ phải tự sắp xếp lịch trình, tự di chuyển cũng như tự bảo quản hành trang và nhạc cụ. Ông đã bỏ ra một khoảng tiền lớn để đánh cược cho chuyến đi này. Tất cả những điều đó đã trở thành một phần áp lực. Nhưng đây là lần đầu họ được đứng trên sân khấu lớn cũng như trong một buổi lưu diễn, họ nghĩ mình cần phải tận hưởng điều này khiến mọi áp lực bỗng chốc biến mất. Cả hai đều đã rất cố gắng cho những màn trình diễn đầy cảm hứng cũng như nhiệt huyết gửi đến cho khán giả.

Giây phút đứng trên sân khấu chính là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, đặc biệt là với bà. Được đứng ở trên đó, nhìn thấy ánh đèn chiếu sáng cả một vùng trời đêm, nghe được khán giả hô to tên mình và cảm nhận sức nóng của nhiệt huyết và đam mê của tuổi trẻ bà từng mong muốn, đó là một giấc mơ. Thế nhưng vào đêm biểu diễn cuối, bà đã chạm đến giới hạn của bản thân.

Khi tiến vào khúc cao trào của bài hát do ông sáng tác, một bài hát mang cảm xúc buồn da diết, ông đặt tay mình vào từng phím đàn để cùng hòa vào giọng hát của bà. Ông nâng tông của bài hát lên cao khiến khán giả nín thở theo dõi. Đột nhiên, bà dừng hát, hai cánh tay buông xuống thả rơi cái mic, từ trên bục sân khấu ngã thắng về phía dưới khán đài. Mọi người đều nhốn nháo lên hết cả. Bảo vệ an ninh đều lao tới ngăn khán giả xúm lại gần. Còn ông, ông dừng phím ngay tức khắc mà lao thẳng về phía người cộng sự. Ông bế bà trên tay và chợt nhìn thấy một khuôn mặt trắng bệch khác thường cùng vết bầm trên trán do cú ngã. Một giọt máu bắt đầu chảy xuống từ mũi, lăn dài, nhỏ giọt chạm vào chiếc váy trắng dài tao nhã.

Họ đã đến bệnh viện ngay trong đêm. Bác sĩ đã gọi ông đến và nói rằng bà trong khi hát đã xảy ra tai biến, máu không lên não kịp. Một phần là vì thời tiết lạnh lẽo cùng với sức nóng của sân khấu đã làm cho cơ thể của bà không hòa nhập kịp cùng những áp lực khi phải liên tục làm việc trong một khoảng thời gian dài. Với lại, cú ngã từ trên sân khấu cũng đã tác động đến sức khỏe. Bà đã mất đi phần nào khả năng ca hát, bị một vết sẹo trên trán và gãy chân. Bác sĩ cũng nói thêm những kết quả trên là một may mắn bởi lẽ còn sống chính là điều tuyệt vời nhất mà bà vẫn còn giữ được bên mình. Ngồi bên ngoài phòng hồi sức, ông suy sụp hoàn toàn. Có lúc ngó qua tấm kính trên cửa, là một người phụ nữ với làn da trắng toát cùng những vết băng bó và dây rợ y tế gắn khắp người. Máy thở đặt ngay bên cạnh và máy điện tâm đồ kêu lên từng tiếng tít tít đáng sợ. Ông sợ rằng cái tiếng đó sẽ dừng vào một giây nào đấy khiến ông gào thét trong đầu. Ông tự trách bản thân vì đã không để ý tới sức khỏe của người ông yêu quý.

Sau đêm định mệnh, tin tức nhanh chóng chạm đến tai cả nước. Mọi người ai cũng truyền nhau câu chuyện có ca sĩ ngã từ sân khấu xuống trong một buổi trình diễn lớn. Nhất là bọn phóng viên và lũ báo lá cải, bọn chúng mò đến tận bệnh viện nơi bà nằm để bới móc thông tin. Lợi dụng điều đó, tay sản xuất và tay tài trợ tự xưng cũng đến gặp ông và đòi bồi thường vì đã phá hỏng buổi diễn. Tiền phải trả lên đến hàng triệu( và tất nhiên ông cũng cần phải chi trả viện phí nữa). Tất cả đều khiến não ông như muốn nổ tung. Ông đã phải bán đi hết nhạc cụ mà ông đem theo trong buổi lưu diễn gồm cả cây đàn ông mà ông yêu thích để chỉ trả những sau đó ông mới nhận ra rằng hai gã kia đều là lừa đảo. Có lẽ ông đã gần như chạm ngưỡng phá sản. Tất cả đã sụp đổ chỉ sau vài ngày.

Năm ngày sau, bà cũng tỉnh dậy. Ông hết sức vui mừng khi thấy bà dần hồi phục. Còn bà thì lại không hề cảm thấy như vậy. Dù rằng vẫn có người mình thương yêu bên cạnh nhưng bà vẫn không cảm thấy ổn. Bà yêu nghệ thuật, yêu ca hát. Bà yêu những bản ballad lãng mạn hãy những khúc nhạc bùng cháy. Bà yêu cảm giác được mọi người hô hào hưởng ứng dưới sân khấu nồng nhiệt. Và bà yêu giây phút được cất lên tiếng ca trời ban, đặc biệt là hát giai điệu mà ông viết riêng cho bà. Bà yêu những khoảnh khắc ấy. Để rồi giờ đây nghe tin mình không thể hát được nữa, nói chuyện còn phải thều thào, bà tuyệt vọng phát khóc. Bà cố gào lên để ai oán cho sự đánh thương của bản thân nhưng cũng chỉ thành từng tiếng đứt hơi yếu ớt. Nước mắt cứ ứa ra thành dòng. Bà nhớ lại lần đầu được mẹ dẫn đi thi cuộc thi hát đầu tiên đạt giải nhì năm bảy tuổi, rồi lần đầu tiên trình diễn trước toàn trường với ban nhạc của bà hồi đại học và cả lần đầu tiên ngân nga theo giai điệu nơi quán bar lần đầu gặp ông, bà đã nghĩ mình từng hạnh phúc đến nhường nào. Bà khóc nhiều khiến đôi mắt xanh sâu thẳm thường quyến rũ bây giờ lại nhạt đi vì nước mắt làm đỏ hoe hai hàng mi nặng trĩu. Mái tóc bù xù, chân tay khô lạnh với áo bệnh trông thật đáng thương.

Vào một đêm, bà thều thào:

" Này, ông còn ở đây làm gì?"
" Tôi ở đây chăm bà chứ còn gì nữa, sao thế?", ông cười.
" Ông nhìn lại bản thân mình xem. Mặt thì nhăn nheo, râu thì không cạo, tóc tai lởm chởm. Ông như này thì còn chăm được ai. Dần dần mất phong độ rồi đấy, ông à".
" Kệ tôi chứ, tôi chả cần chăm lo cho vẻ ngoài mình đâu. Tôi có bao giờ bận tâm đến mấy thứ đó".
" Thế còn âm nhạc thì sao? Ông có còn bận tâm không?". Ông chưa kịp nói gì, bà tiếp tục: " Ông có yêu tôi không?"
"Tất nhiên là có rồi. Không yêu bà thì còn ở đây làm gì nữa"
"Nếu vậy thì đi về nhà đi. Nếu ông yêu tôi thì hãy về nhà đi. Đừng có ở đây nữa. Tôi sắp khỏi rồi. Và tôi nghĩ rằng ông nên tiếp tục đam mê của mình đi. Cứ ở lại đây thì bao giờ nữa ông mới hoàn thành được ước mơ của mình".

Bà đặt một tay lên đôi bàn tay của ông đang ngồi bên cạnh giường. Bà đưa mặt qua, nở một nụ cười mỉm. Trăng sáng chiếu thẳng vào phòng bệnh một màu xanh lam nhạt mờ ảm đạm. Nước mắt ông bắt đầu rơi xuống chạm bàn tay. Ông đặt một nụ hôn vào bàn tay ấy. Ông không biết mình nên làm gì nữa.
" Không phải còn rất nhiều bài hát viết dở ông vẫn còn để ở nhà sao? Về đi, thật đấy. Tôi năn nỉ ông mà. Hãy để tôi ở lại đây. Hãy về đi".

Bà cầu xin. Bà muốn ông bỏ mình lại và tiếp tục phát triển. Bởi lẽ bà cũng yêu ông rất nhiều. Bà không muốn trở thành một gánh nặng trong sự nghiệp của ông.

Cuối cùng, bà cũng thắng. Mãi một lúc sau ông mới gật đầu. Ông đưa tay vào túi áo vest lấy ra một chiếc nhẫn vàng rồi xỏ vào tay của bà. Ông đặt thêm một nụ hôn lên nữa:
" Anh sẽ quay trở lại cầu hôn em một cách đúng nhất. Lúc đó chắc chắn em sẽ là người phụ nữ hạnh phúc nhất trần đời".

Đêm hôm đó, họ trao cho nhau một nụ hôn tạm biệt. Đó là một nụ hôn của tình yêu cũng như là một lời hứa, một sự kì vọng và cả những tin tưởng mà họ dành cho nhau. Trong màn đêm xanh của ánh trăng sáng, có lẽ tình yêu đã nở rộ khiến cho con người càng trở nên quyết tâm hơn nữa vì người mình yêu thương.

Trở về nhà ngay sáng hôm sau, ông bắt vội chuyến tàu hỏa đi thẳng về nhà mà không một lần lưỡng lự. Có lẽ ông thực sự đã có những cảm xúc để bản thân tiếp túc công việc sáng tác. Bà chính là nguồn cảm hứng của ông. Ông lao vào cây đàn, xấp giấy và ngòi bút. Không ăn không ngủ, ngày đêm tìm đến những giây phút thăng hoa mà chuyển hóa nó thành âm thanh. Từ vui vẻ, hạnh phúc đến đau buồn, thất vọng, ông dồn trọn tâm huyết vào từng khuôn nhạc. Căn hộ của ông không dừng cất tiếng một lúc nào. Liên tục hàng giờ không ngừng khiến hàng xóm sang phàn nàn nhiều vô kể. Nhưng ông cũng không hề màng đến mà tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. Sau một tháng trời, cuối cùng ông đã hoàn thành sáu bản nhạc piano độc tấu. Ông liền gửi tất cả đến cho nhà hát của thành phố. Họ báo cho ông đợi chừng hai tuần nhưng rồi lại từ chối tất cả. Lí do là họ "chưa" cần thiết phải  dụng và những bài hát của ông không phù hợp với những gì họ đang làm hiện tại. Họ còn nhận xét thêm bài kết không thực sự mang lại cho họ cảm xúc. Nói tóm lại là tác phẩm của ông đã bị từ chối.

Kết quả này đem đến cho ông sự thất vọng tràn trề. Tất cả dồn nén và áp lực đã chạm đến đỉnh điểm. Ông nghĩ mình cần xả cho ra bằng hết rồi lao mình vào rượu chè, cờ bạc và thuốc lá. Ông tìm đến những hộp đêm lớn để nốc rượu. Khác với các quán bar ông từng làm, nơi này xập xình hơn và rất nhiều tệ nạn. Họ nhảy múa và uống, rồi lại nhảy múa và hút, rồi lại nhảy múa và tán tỉnh nhau. Tất cả chìm trong thứ nhạc nhẽo tăng âm lượng đến cao nhất, rung lắc như muốn nổ tung bộ não và trái tim con người. Ông quay cuồng trong đó mà quên đi toàn bộ những ước ao của mình cùng cả niềm tin của bà ấy. Ông chửi thề, gây gổ với gã bán rượu để rồi bị mấy tên bảo vệ đô con ném ra khỏi quán. Lao ra khỏi sự hỗn loạn, ông nôn thốc nôn tháo rồi ngất ngay tại bên vệ đường. Sáng hôm sau thức dậy, ông lại bỏ đống tiền trong túi áo ra để mua thêm rượu và thuốc lá. Ông rơi vào một vòng xoáy của sự thất vọng và rượu chè cũng như không còn muốn mình trở thành người ông muốn nữa. Tóc ông dài ra và xoăn tít lại, chỗ trắng chỗ đen lởm chởm không thèm cắt. Khuôn mặt thì tăng thêm nhiều vết nhăn và sần sùi hẳn. Đôi mắt ông nhèm đi, híp lại cau có. Men cồn, nicotin đã biến một người đàn ông lịch lãm ngày nào đã dần trở thành một lão già bất cần, xấu xí.

- Còn tiếp -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro