Đứa con...út mót của ngoại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đã viết nhiều về những người con mến yêu nhưng lại chưa một lần đặt bút viết về bà ngoại của mình. Con cứ nghĩ suy, đắn đo rồi để đó, ngoảnh lại mới nhận ra thời gian sẽ chẳng còn nhiều cho con bên ngoại bằng xương bằng thịt... Con tự nhủ phải viết ít nhất một lần với lòng thành kính, biết ơn nhất về ngoại- về hình ảnh một người vừa là bà vừa là mẹ của con !

Con nhớ ! Mẹ gửi ngoại nuôi khi con còn rất nhỏ. Ngoại đã thay mẹ yêu con, chăm con như một « đứa con ...út mót ». Một tuổi, con thỏa cơn thèm sữa bằng nhúm vú đã deo của người bà 60. Tối tối, con rúc vào nách ngoại như chú gà con tìm hơi ấm mẹ. Làm sao con quên được mùi vị cay nồng từ miếng trầu tối tối ngoại bỏm bẻm nhai ! Với con, đó là mùi ...nước hoa diệu kì nhất ! Nó thơm ngai ngái, âm ấm. Con mê nó như mê ngoại vậy ! Bây giờ ngoại đã 83, trái gió trở trời có thể không ăn cơm nhưng nhớ miếng trầu giống như con ở xa nhớ về ngoại vậy ! Con ước lại được về hái trầu, quẹt vôi, cạo vỏ chay thay cau cho ngoại như hồi còn bé. Chắc phải đợi tới hè ngoại ạ !

Con vô tư lớn lên giống bao đứa trẻ cùng làng mà không chút mảy may buồn tủi.

            Con nhớ hoài những chiều thứ 7 miền Trung, mưa dầm dề, nhão  nhoét, ngoại bấm chặt 10 đầu ngón chân xuống bùn cõng con qua hai cánh đồng làng ra đường lớn để ngóng mẹ. Ngoại không muốn con khóc trong mỏi mòn vì nhớ mẹ. Có thể ngoại biết đôi lúc mẹ không về nhưng vẫn chiều con, trầy trật trên bờ ruộng ngoại vẫn thủ thỉ con nghe kho tàng cổ tích « ngày xửa, ngày xưa ». Ngoại vun đắp cho con niềm tin yêu vào cuộc sống tốt đẹp : ở hiền thì gặp lành, mở rộng trái tim con bằng tình yêu, lòng nhân ái, gieo những mơ ước trong lành như bình minh mỗi buổi mai trong con...

Con nhớ, từ khi còn bé tí, con chưa hiểu thế nào là « chín bỏ làm mười, ba bốn cũng bỏ làm mười », « chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa một đời không khê »...nhưng con đã thuộc làu làu những lời ngoại nói. Dần dần, con hiểu ra, « thẩm thấu » trong tiềm thức. Tự nhiên thế. Lớn lên, con cũng có « biệt tài...nhún nhường », dễ tha thứ cho người khác, vì như ngoại nói « con người không ai được cả 10 điểm, 5, 6 điểm cũng tốt rồi, ai cũng có lúc sai lúc đúng...Trong mắt con, mọi người đều có điểm tốt.

Con nhớ, ngoại thương con hơn thương cậu và dì, ngoại giữ con như sợ ra ngoài kia đất trời làm con buồn khổ vậy...

Nhà ngoại làm ruộng, đến ngày mùa ai cũng ra đồng. Con theo dì, mự đi cấy, đi gặt lúa nhưng ngoại luôn dặn về sơm sớm.

-         Ở nhà nấu cơm, quét nhà, ra đồng mần chi, ốm, bà thương.

Ở nhà con chỉ chăm chăm kiếm thứ gì cho vào miệng chứ không làm được việc gì cho ra việc. Chỉ là một « chân sai vặt » của ngoại. Đại loại như nhen  lửa, ra vườn nhổ vài cây hành tăm,  lên đồi bẻ chè về om cho ông hay ra quán mua mì chính, nước mắm...Ngoại sai việc gì con cũng « dạ » ran nhưng làm thì vô cùng chậm chạp .

Có thể là do « trời sinh tính » như ngoại  vẫn thường nói hoặc do con được cưng chiều.

-         Con Chắt nhà mình đi cấy thua con Nhung, cắt cỏ cũng không bằng nó – Dì Út chê con, ngoại mắng :

-         Có tài giỏi thì lo học mà kiếm cái nghề, đi cấy, đi cắt cỏ thì mù chữ cũng làm được. Con Chắt không cần giỏi việc đồng áng, bà nuôi con là muốn con ra khỏi cái làng nghèo khổ này...

May mà ông trời bù đắp cho con chút trí tuệ. Đêm đêm, ngoại thức khâu vá đồ áo, đợi con học xong mới đi ngủ. Mỗi lần họp phụ huynh cho con, về đầu làng con đã thấy nụ cười của ngoại rạng rỡ, sáng tươi khoe hàm răng ăn trầu đen nhánh. Ngoại tự hào đứa cháu gái bé bỏng, chậm chạp nhưng ngoan, học giỏi...

Con nhớ. Ngoại thường vắt bánh sắn, bánh khoai, bánh nếp rồi rán lên cho con ăn. Chiều nào cái miệng của con cũng láng bóng vì mỡ. Ăn cả ngày nên người con tròn quay. Ngoại bảo như thế mới khỏe mạnh. Ngoại luôn dành quả na mở mắt đầu tiên cho con. Lâu lâu, ngoại cho con vài đồng đi mua kẹo. Ngoại dặn « kẹo có đường hóa học, ăn nhiều không tốt ». Nghe lời ngoại nên đôi lúc có tiền con vẫn không mua...

Con nhớ là con thích mì tôm. Hồi đó mì tôm mới xuất hiện ở quê, bất kể đứa con nít nào cũng mê tít. Người ta chỉ dám mua một hai nghìn loại mì tôm rời về chia dăm ba bữa để bỏ trong canh. Thế cũng sang lắm cho bữa ăn miền quê nghèo. Nhà ngoại cũng giống bao nhà khác...Bữa nọ, nhỏ Nhung bị ốm được mẹ nấu cho một tô mì tôm thơm lừng. Con thèm thuồng, ao ước mình ...được ốm. Con háo hức kể cho ngoại nghe, ngoại mắng dài một hơi :

-         Thích thì bà mua nấu con ăn, đừng dại dột nói chuyện ốm đau, có tội chết.

Ngoại đã yêu con bằng tình yêu của bà và của mẹ. Bạn bè con ai cũng nghĩ ngoại đẻ mót con ra nên cứ chê « mẹ Hương già mà nghiện trầu đáo để ». Con nghe hay nên chỉ cười, không sửa đổi lời nhận xét ...đặc biệt ấy !

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro