Chương một

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi quyết định trở về nhà sau khoảng thời gian dài sinh sống tại Nga. Tôi ghét phải mở đầu câu chuyện theo cách này, thật đấy; vì trước tiên, nhà là nơi tôi chẳng bao giờ muốn nhắc đến nhất. Sau nữa, tứ thời tôi thường thích thú với việc kể cho bạn nghe chuyện tôi buộc phải từ giã nơi này, hoặc chia tay chốn nọ, hơn là việc phải quay về nơi mà đấng sinh thành tuyệt diệu kia đã nuôi nấng và dạy dỗ tôi nên người thế nào.

Tôi chẳng nhớ gì nhiều về nơi này, nhưng tôi vẫn nhớ những cơn mưa rào vào mùa đông. Thời tiết xứ này nó lạ thế đấy. Nhân tiện, tôi sinh ra và lớn lên tại quận Bingerston, chỉ cách trạm ga Werverlin có một đoạn. Hồi trước, độ tôi còn chưa rời Na Uy để sang Nga công tác, tôi làm soát vé ngay tại ga này. Một công việc cực nhọc, nhưng chí ít vẫn kiếm được chút đỉnh, đủ để tôi trang trải cuộc sống khi ấy. Độ nọ, tôi còn phải ba chân bốn cẳng chạy theo để khua hành khách lên tàu, rồi còn cả phụ giúp bác Sigern khuân hành lí cho từng đợt khách. Còn độ nay, hai năm tính từ khi tôi sang Nga làm việc, tôi rủng rỉnh hơn đợt trước nhiều. Mấy tên người Nga, tên nào tên nấy trông cũng hợm hĩnh lắm; ấy vậy mà mến khách kinh khủng, đâm ra chỉ mất có hơn một tháng là tôi tìm được một công việc mới. Một công việc bàn giấy chán ngắt, được cái, kiếm gấp bảy lần khi trước, nên tôi cũng chẳng buồn than vãn gì nhiều. Mà kể ra, tôi cũng chẳng phải loại bảnh trai hay ưa nhìn gì cả, thật đấy, nếu chỉ nhìn thì chẳng ai nghĩ là tôi gốc gác Na Uy chính hiệu cả, nhưng được cái tôi làm việc gì việc nấy đều ra trò! Thành thử, họ mến tôi lắm, nên được dịp tôi về nước, ai ai cũng tứ thời hỏi thăm suốt, nào là, liệu sau này anh còn quay lại không?, nào là, anh đi bao lâu thì về vậy?. Họ còn giúi cho tôi một đống quà, đều là đặc sản Nga cả, nhưng tôi từ chối hết. Dù gì thì họ hàng thân thuộc của tôi cũng đều đã không liên lạc từ tám đời, nên tôi cũng chẳng định biếu ai quà cáp gì, sau nữa tôi cũng chẳng tính nán lại nơi này lâu. Tôi chỉ định về viếng mộ cha mẹ và dành một tuần an dưỡng tại chốn này. Một tuần, chà, chỉ nghĩ thôi là tôi lại nóng lòng muốn trở về xứ ấy. Vốn dĩ tôi cũng chẳng còn gì lưu luyến với nơi này cả.

Cha mẹ tôi mất kể từ khi tôi sang nga được năm tháng. Độ mới nghe tin, ba giờ mười lăm phút chiều thứ sáu, tôi vẫn thản nhiên như chưa có chuyện gì. Tôi vẫn hoàn thành công việc như bình thường, thậm chí còn tính tăng ca như mọi ngày, nhưng ông Osipov, ông sếp già của tôi, khuyên tôi nên về sớm. Lúc lên xe buýt để về nhà, trong đầu tôi còn nghĩ đủ thứ chuyện trên đời, đại để như thứ bảy tuần này tôi có nên làm một chuyến xuống dưới quận Sokoloa để mua thêm nước xả vải và thức ăn khô cho con cún Perky nhà tôi không. Nhưng ngay khi về đến nhà, chỉ mới bước chân vào cửa thôi, tôi đã khóc cạn hết nước mắt. Có lẽ, phải mất một lúc tôi mới chấp nhận được sự thật đấy. Tôi chưa từng khóc nhiều đến vậy. Khoé mắt tôi đỏ hoe hết lại như muốn rỉ máu. Hai ngày cuối tuần ở nhà, tôi chỉ nằm ỳ trong phòng chứ chẳng béng mảng đi đâu. Tôi chỉ dậy tắm rửa, ăn sáng, rồi lại nằm dài cả ngày trên giường khóc lóc. Tôi cứ nghĩ mai về chuyện đó trong suốt cả tuần lễ sau. Thú thực, chỉ nghĩ lại thôi là khiến tôi muốn bật khóc lần nữa. Vốn dĩ tôi là loại uỷ mị thế đấy!

Thật lòng, tôi rất ghét phải nhắc lại chuyện đó, nhưng tôi không thể nào khơi dậy trí tò mò của bạn rồi lại bỏ mặc bạn tại đây cả. Chỉ những kẻ mạt hạng như lão tác giả Ghauwld ưa thích của tôi mới làm trò vậy! Và vâng tôi biết bạn thắc mắc, nhưng bạn muốn giữ ý, và để trả lời cho câu hỏi trong đầu bạn thì bố mẹ tôi mất do tai nạn giao thông. Một tay trung niên bơm rượu đã vượt đèn đỏ và húc thẳng vào đầu xe hai ông bà. Điều khiến tôi đau lòng hơn cả là trên xe còn một bó hoa đính kèm dòng chữ: chào mừng con trở về nhà, Adrian Kolstad!. Tôi có dịp hẹn với bố mẹ sau nửa năm sẽ trở về thăm cả gia đình, nhưng ngờ đâu cuộc đoàn tụ gia đình lần đấy lại trở thành một bi kịch như thế. Vốn dĩ, tôi chẳng ưa gì bố mẹ tôi cả, đó là sự thật, thậm chí có lần tôi còn định từ mặt gia đình sau khi bị mắng chửi thậm tệ; nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ ngừng yêu thương họ được. Tôi yêu họ, và giờ, vĩnh viễn tôi không còn có cơ hội nói điều đó ra nữa.

Tôi nghĩ đã đến lúc khép lại câu chuyện về cha mẹ tôi tại đây. Xe lửa sắp cập bến, chỉ đâu đó khoảng chừng năm mười phút nữa thôi, tôi sẽ lại trở về cái ga chết bằm Werverlin kia. Tôi có nhờ thằng bạn thân chí cốt Ramdall đến đón tôi ngay tại ga, bởi lẽ tôi có xách theo một đống đồ lỉnh kỉnh. Tôi mang đầy đủ quần áo, giày dép, nói chung đủ thứ đồ để tôi có một tuần an dưỡng tuyệt vời nhất, và dĩ nhiên, không thể thiếu cuốn sách mà tôi tâm đắc nhất: Moskva.

Moskva, moskva, moskva. Chà, tôi phải đọc nó chán vạn lần rồi, thật đấy. Một đợt, tôi cứ kè cuốn sách đấy bên mình: nào là lúc trong giờ nghỉ giải lao, hay là khi ăn điểm tâm, hoặc là lúc chờ xe buýt. Nói chung, nhiều đếm không xuể. Moskva là người bạn thân thiết nhất tôi có được kể từ khi sang Nga. Có điều, hễ cứ khi nào đọc được quá nửa cuốn sách là tôi lại cất nó vào một xó xỉnh nào đó. Không phải do tôi lười, càng không phải là vì thứ của nợ đó khiến tôi ngán ngẩm tới độ đọc một hồi chỉ muốn quẳng nó đi, mà đơn giản là vì tôi buộc phải làm vậy. Rồi một ngày đẹp trời, hoặc có khi là mưa giông dữ dội, tôi lại lập tức bới tung cả gian phòng lên chỉ để tìm cuốn sách trời đánh đó. Bởi công tâm mà nói đó thực tình là một cuốn sách khá, rất khá. Nó khá đến độ mà tôi sẽ lấy làm tiếc đến não nề nếu như chẳng may vô tình biết được cái kết, vì có lẽ tôi sẽ chẳng đời nào tìm được cuốn sách khác hay đến vậy. Nhưng khổ nỗi, nhiều khi tôi vẫn tò mò kinh khủng về nửa cuối cuốn truyện. Thành thử, tôi cứ nghĩ về nó mãi, ngay cả khi tôi đang nghiền ngẫm một cuốn sách khác. Đại để là sau này liệu anh chàng Fred trong câu chuyện Moskva sẽ thế nào, xoay xở ra làm sao. Liệu sao này Fred với Olivia có đến được với nhau hay không, và Olivia liệu có đi thêm bước nữa hay không. Nói chung, đấy chỉ là một mớ bòng bong chẳng đáng để bạn phải bận tâm quá nhiều, nhưng tôi không tài nào ngừng nghĩ về nó được.

Mặt khác, tôi lại chẳng muốn đọc nửa còn lại của cuốn truyện lắm. Nghe thì hết sức phi lý, nhưng cứ thử nghĩ mà xem: biết đâu nửa còn lại của nó lại chẳng hay bằng một góc phần trước? Đâm ra, tôi cũng chẳng còn hứng khởi gì mấy. Mà chưa kể, tay tác giả của cuốn sách đấy cũng chỉ là gã mạt hạng hợm hĩnh. Tứ thời, hắn khoe khoang về việc chắp bút Moskva từ năm mười lăm tuổi, nào là, tôi đã ấp ủ về cuộc chuyện tình lâm li bi đát này từ rất lâu, nào là, đây chắc chắn là câu chuyện tình vĩ đại nhất thế kỉ, và nó càng vĩ đại hơn khi được sáng tác bởi một đứa trẻ mười lăm tuổi; nhưng phải đến độ năm ba lăm hắn mới xuất bản được cuốn sách đấy! Hai mươi năm cho một cuốn sách trời đánh! Tôi thà chết còn hơn là phải chờ lâu đến vậy. Kể ra, số tôi đen đủi lắm mới đầu thai làm độc giả gã ấy. Chưa kể, năm lão bốn mươi tuổi, lão còn bán mình cho xi-nê và trở thành một vị đạo diễn rồi quyết định từ giã sự nghiệp làm tiểu thuyết gia nữa. Ấy vậy mà năm hai lăm tuổi lão lại thẳng thừng tuyên bố: nếu có thứ gì tôi ghét nhứt trần đời thì chính là xi-nê!

Chà, chưa gì xe đã cập bến rồi. Cứ nghĩ đến lão tác giả đấy là tôi lại thấy tức, mà mỗi khi tôi tức thì thời gian lại trôi nhanh lắm. Có lẽ, tôi sẽ tạm phải gác lại câu chuyện tại đây để giúp thằng Ramdall giỡ đồ lên xe trước. Sớm thôi, tôi sẽ kể bạn nghe tiếp về đợt an dưỡng tại quận Bingerston này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro