Chương 25. Công Phượng và Toàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I.

Công Phượng ở trong nhóm từ năm mười một tuổi, cũng sớm biết bản thân đang sống cùng người xấu, thế nhưng nghĩ mình đằng nào cũng không có đường trở về nhà, thôi cũng đành mặc cho ra sao thì ra. Tối thiểu thì ở đây cũng được ăn uống ngủ nghỉ, cuối tháng còn được phát cho chút tiền tiêu. Công Phượng và Minh Vương có một cái hộp thiếc cũ, lúc nào cũng mang theo bên người, là tất cả tài sản của hai thằng dành dụm được. Đến một ngày, hai thằng bắt đầu mang số tiền tích cóp được bấy lâu để cùng nhau nuôi một thằng nhóc.

Thằng nhóc nhỏ xíu, gầy nhom, mái tóc xơ cứng, da nó trắng xanh giống như thường bị nhốt trong nhà nhiều ngày. Nó nhìn Công Phượng với đôi mắt của một con vật nhỏ bị bỏ rơi, ngây ngô và hoảng loạn. Công Phượng đảo mắt sang nơi khác, cứng rắn bỏ đi, nó cũng chỉ im lặng nhìn theo chứ chẳng hề nhúc nhích. Minh Vương đi ba bước ngoái nhìn một lần, đi thêm sáu bước thì xoay người quay lại. Công Phượng níu tay thằng bạn gầm gừ:

- Mày định làm gì? Mang nó về cho mấy lão già kia hả?

- Nhưng mà tội nó quá. - Minh Vương nhìn thằng nhóc với ánh mắt thương cảm - Hôm qua tao cũng thấy nó ngồi đây.

- Bao nhiêu thằng ngồi đây từ đó tới giờ mày đều tội nghiệp hết hay sao? - Công Phượng gắt gỏng, kéo cánh tay Minh Vương lôi đi - Đi, kệ nó!

Buổi chiều trở về ngang qua khu lồng chợ, vẫn thấy thằng nhóc ngồi đó, trong tay cầm mấy đồng bạc lẻ, khuôn mặt trắng nhợt còn có mấy vết cào. Minh Vương nhìn Công Phượng, lại nhìn thằng nhóc, lầm lũi cúi đầu bước đi nhanh hơn. Công Phượng đi hai bước, sau đó nghĩ gì lại đến bên thằng nhóc, lôi trong túi một tờ mười nghìn đồng đưa ra trước mặt. Thằng nhóc nhìn nó, lắc lắc đầu, Công Phượng bực bội cau mày, nhét tờ bạc vào túi, quay phắt người đi. Được vài bước lại xoay người, thằng nhóc kia bất chợt nở một nụ cười ngốc nghếch, sau đó lại cụp mắt cúi đầu vòng tay ôm lấy hai đầu gối, mệt mỏi gục xuống.

II.

Minh Vương hỏi thằng nhóc đang nằm vắt vẻo trên lưng Công Phượng:

- Mày tên gì?

- Toàn ạ.

- Mày ở đâu tới?

- Từ nhà ạ.

- Nhà mày ở đâu?

- Ở...em cũng không biết. Bác dẫn em ra chợ, nói em đợi, em đợi ba ngày rồi mà bác không quay lại.

- Vậy là mày bị bỏ ra đường rồi, ngu thế!

- Mày mới ngu ấy, lanh mồm vừa thôi. - Công Phượng hằn học nói - Ồn ào quá, hai thằng im hết.

Minh Vương rụt cổ nín thinh, thằng nhóc trên lưng Công Phượng cũng im thin thít. Ngay cả lúc Công Phượng nhét nó vào khe hở giữa hai vách tường, dặn dò nó không được đi đâu, nó cũng chỉ ngoan ngoãn gật đầu. Minh Vương nhét cho thằng nhóc một ổ bánh mì còn nóng hổi, lại căn dặn thêm một lần rồi mới cùng Công Phượng rời đi. Chẳng đứa nào biết tối hôm đó, thằng nhóc vốn ngồi cả ngày trong lồng chợ không hề rơi một giọt nước mắt, thế nhưng ở trong cái hốc nhỏ lót mấy lớp giấy thùng carton, tay vẫn cầm ổ bánh nguội lạnh, khuôn mặt lại lem đầy nước. Toàn nằm khóc rưng rức, nó biết hai thằng nhóc kia sẽ không trở lại đâu, cũng như mẹ, cũng như bác, lần nào cũng nói nó hãy chờ đợi, nhưng chẳng một ai quay trở lại cả.

Đêm khuya lạnh lẽo, Minh Vương nép sát mình vào Công Phượng, nhỏ giọng nói:

- Sao tự nhiên mày lại dắt nó theo?

- Là mày ấy!

Minh Vương toan lên tiếng tranh cãi, thế nhưng lại sợ làm ồn những người xung quanh, mím môi không nói. Một hồi lâu sau, thằng nhóc mới lên tiếng thỏ thẻ:

- Tao thấy nó giống thằng út nhà tao hồi còn ở quê.

- Ờ...

Đứa em út của Minh Vương đã không còn nữa.

Sớm ngày hôm sau, Công Phượng và Minh Vương quay lại bến xe, thấy Toàn nằm co cứng, cả hai đều một phen hoảng hồn, cũng may thằng nhóc không bị làm sao.

Toàn run rẩy mở mắt, nó nhìn thấy khuôn mặt của Công Phượng đầu tiên.

III.

Toàn nghe nói Công Phượng và Minh Vương ở trong một khu nhà trọ dưới chân cầu, nhưng chưa bao giờ hai thằng cho nó tới đó. Nó sống hơn nửa năm ở bến xe, công việc chỉ là ngồi một góc cầm cái mũ vải cũ sờn, ngắm ông đi qua bà đi lại và giương đôi mắt trong veo nhìn theo dòng người. Nó không làm gì ai và cũng không ai làm khó nó, vì nó là của Công Phượng, mà Công Phượng là lính thằng cha mặt sẹo nổi tiếng khu gầm cầu.

Có một ngày, Minh Vương mang đồ ăn đến cho nó, bảo rằng Công Phượng bị bệnh không tới được. Văn Toàn ăn một nửa cái bánh bao, nửa còn lại nhất định bảo Minh Vương mang về cho Công Phượng. Nó nói nó no rồi. Buổi tối nằm lăn lộn trong cái hốc tường với tấm chăn mỏng, Toàn mãi không ngủ được, nó quyết định bỏ qua lời hai thằng anh luôn dặn dò, xỏ dép tìm đường đến khu nhà trọ khi trời còn chưa sáng hẳn.

Sáng dậy, Công Phượng cũng hạ sốt, bị bắt phải ra ngoài. Nó đi cùng một đám, có cả Minh Vương, vừa đi vừa nói chuyện linh tinh. Bất chợt hai thằng đứng sững lại, khuôn mặt tái dại đi. Thằng Toàn sao lại ở đây?

- Anh... - Toàn nở nụ cười rạng rỡ, vui vẻ chạy đến.

Bốp!

Công Phượng vung tay tát thẳng vào mặt Toàn, trước mặt đám người cùng nhà, quát lớn:

- Thằng chó, chưa biết sợ hả mày!

Minh Vương sững sờ đứng run rẩy một chỗ, không biết phải làm gì. Công Phượng đánh xong còn vung chân đạp một cái khiến Toàn ngã lăn quay, sau đó quắc mắt nhìn sang thằng nhóc bên cạnh:

- Thằng này là em thằng Hải thọt trong chợ đó, nó dựa hơi anh nó hôm qua đánh tao, bị tao đập cho còn không biết sợ.

Một thằng khác trông lớn tuổi hơn vội vàng níu vai Công Phượng, lắc lắc đầu:

- Thôi mày, thằng Hải thọt dữ lắm, đừng đụng vào nó mày.

- Sợ con mẹ gì, mày coi chừng tao! - Công Phượng chỉ thẳng vào Văn Toàn rồi quát - Cút!

Toàn gắng gượng ngồi dậy, đứng lên rồi đi lùi mấy bước, một tay ôm cái má đỏ au, một tay nắm chặt cái gói gì đó bọc mấy lớp giấy rất kỹ.

- Biến mau không mày, tao đập chết mẹ bây giờ! - Công Phượng lại vung tay lên.

- Thôi, thôi đi...

Minh Vương run run níu Công Phượng lại, mấy thằng xung quanh cũng góp vài câu, chỉ sợ Công Phượng lao vào bóp cổ "em thằng Hải thọt" kia. Thằng nhóc cũng sợ hãi vội vàng quay đi, chạy hết tốc lực. Đến tận trưa cũng không thấy nó trở về cái hốc nhỏ giữa hai bờ tường, Công Phượng và Minh Vương cắn môi nhìn nhau, không biết phải tìm thằng Toàn ở đâu. Công Phượng chưa bao giờ cảm thấy hoảng sợ hơn thời khắc ấy, lúc mà nó phát hiện nó có lẽ sẽ mất đi đứa nhóc mà mình đã ra sức bảo vệ bấy lâu nay.

- Sao mày đánh nó. Mày có giả vờ thì cũng đánh nhẹ thôi. Sao mày đánh nó... - Minh Vương hoảng loạn nói năng lộn xộn, nói với Công Phượng mà như tự mắng bản thân mình, tại sao lúc đó lại không đuổi theo thằng Toàn.

Công Phượng không trả lời, khuôn mặt vẫn không bộc lộ cảm xúc gì, nhưng nhìn dáng vẻ thất thần của nó, Minh Vương biết thằng bạn cũng đang tự trách mình.

Công Phượng đi khắp các nẻo đường trong thành phố, dưới cái nắng chói chang, ngay khi vừa khỏi cảm, nó bỗng thấy đầu váng mắt hoa, ngồi phịch xuống bên vệ đường. Trời nóng như thế này, Toàn lại yếu ớt như vậy, nhỡ nó ngất xỉu thì làm sao? Sáng giờ nó đã ăn gì chưa? Nó đi bằng cái gì để tới được khu nhà trọ, cách bến xe rất xa kia mà? Nó bị thương rồi, phải bôi dầu cho nó, mà không, phải đắp đá lạnh cho nó chứ. Nó có đi về chỗ cũ trong chợ không? Nó ngu lắm, chắc chắn sẽ lại bị bắt nạt. Không được rồi, phải đi tìm nó thôi!

Cuối ngày, Công Phượng thất thểu quay trở lại bến xe như đã hẹn với Minh Vương, nhưng Minh Vương không ở đó, trong cái hốc nhỏ lót đầy những tấm bìa carton cũ nát, một cục tròn vo nhỏ xíu đang nằm co ro giữa tấm chăn mỏng. Trong hai bàn tay vẫn ôm chặt cái gói giấy mà ban sáng nó cầm đến. Công Phượng bất chợt chảy nước mắt, trước khi nó kịp nhận ra.

- Toàn...

Tiếng gọi khô khốc bật ra, thằng nhóc đang nằm yên lặng giật mình nhổm dậy, một bên má vẫn còn đỏ au, nhưng khóe môi lại vẽ ra nụ cười như nắng mới.

- Anh.

Nó đứng phắt dậy, lao đến ôm chầm lấy thằng anh của mình, ghì thật chặt, không nói thêm tiếng nào nữa. Công Phượng đưa tay vuốt ve mái tóc thằng nhóc, vòng tay ôm nó, lại khó nhọc nói:

- Xin lỗi.

- Anh xin lỗi.

- Anh xin lỗi.

- Xin lỗi em.

Công Phượng vừa nói vừa khóc nấc lên, Toàn ôm nó, cả người cũng run rẩy, áo của Công Phượng cũng thấm ướt một mảng trước ngực.

Đó là lần đầu tiên Minh Vương nhìn thấy đứa bạn thân của mình khóc.

IV.

Công Phượng đưa tờ bạc năm nghìn đồng cho ông chú ở tiệm bánh mì, nhỏ giọng nói:

- Cho con như cũ nha.

Ông bác lớn tuổi nhìn Công Phượng, gật đầu nhưng không nhận tiền của nó, hai bàn tay thoăn thoắt cắt bánh mì, cho thịt và chả vào, thêm mấy miếng rau dưa rồi gói vào tờ giấy báo. Minh Vương nuốt cái ực, nhìn một lượt những thứ sắp trên chiếc tủ kính, nghe bụng mình sôi lên một cái, nhưng vẫn nhanh chóng quay mặt đi. Công Phượng nhận túi giấy nóng hổi, lại đưa tờ bạc ra, ông chủ vẫn lắc đầu:

- Khỏi, hôm nay là rằm, tao phát bánh từ thiện.

Công Phượng đâu có biết hôm nay có phải ngày rằm hay không, vừa nghe không cần trả tiền, mặt nó đã sáng bừng, vội vàng gật đầu cám ơn. Minh Vương đứng kế bên hai mắt cũng sáng rực, cười toe toét:

- Vậy...vậy con có được phát không bác?

- Được. - ông chủ lò bánh cười ha hả, lại bắt đầu làm thêm một ổ bánh cho Minh Vương.

Vừa nhận bánh, Minh Vương đã nhanh chóng bẻ làm đôi, đưa một nửa cho Công Phượng, hai thằng nhóc vui vẻ vừa ăn vừa rời đi, ổ bánh của Công Phượng vẫn được ôm chặt trong tay, không hề động đến. Ông bác nhìn theo hai đứa nhỏ một quãng xa, dường như buông một tiếng thở dài.

Đêm đó vầng trăng treo chỉ có một nửa, Toàn ngồi trong cái hốc giữa hai bờ tường, lại ăn một ổ bánh mì nóng hổi. Từ sáng tới giờ nó đã ăn ba ổ bánh mì đầy thịt chả, mà nghe anh Phượng của nó bảo là chẳng hề tốn xu nào, vì hôm nay là ngày rằm.

V.

Toàn không dám ra ngoài vào ban ngày, nó sợ gặp Công Phượng sẽ không tự chủ mà cười toe rồi chạy đến ôm. Công Phượng dặn kỹ rồi, tuyệt đối không được léng phéng đến mấy chỗ chợ búa hay khu gầm cầu, Toàn cũng chỉ đi lang thang ở bến xe như mấy thằng nhóc ăn xin, người ta cho cái gì thì cầm, về đưa lại hết cho Công Phượng. Có khi được ít đồng bạc lẻ, Công Phượng nói Toàn cứ giữ lấy mà mua cái gì mình thích ăn, vì không phải ngày nào Công Phượng hay Minh Vương cũng ghé qua chỗ của nó được. Toàn cũng có những ngày rong ruổi khắp các con phố, tò mò nhìn dòng người qua lại, ngắm những đứa trẻ trạc tuổi nó nhưng quần áo sạch sẽ, tay nắm tay cha mẹ, nụ cười trong trẻo sáng bừng. Nó đi rồi lại đi, lầm lũi bước qua tất cả, cuối cùng vẫn phải quay trở về bến xe.

Những ngày trời mưa, Toàn ngồi thu lu dưới mái hiên, quấn quanh người là cái chăn cũ sờn, khẽ run cầm cập. Đôi dép nó mang cũng tả tơi, nhựa cứng tróc từng mảng, tưởng như sắp đứt làm đôi. Nước tràn lênh láng, Toàn vội vàng đi vào bên trong nhà chờ, ngồi trên một băng ghế, nhìn người qua kẻ lại, thỉnh thoảng có vài ánh mắt tò mò hướng vào nó, nhưng cũng đảo đi rất nhanh. Toàn ngồi co người trên ghế rồi ngủ gục lúc nào không hay, còn mơ một giấc mơ rất thực. Nó thấy anh Phượng chạy đến bên cạnh mình, ôm nó hỏi có lạnh có ướt không, rồi khoác lên người nó một cái chăn mới tinh. Trong mơ thằng nhóc cười thật tươi. Lúc Toàn mở mắt, đã là rất khuya, bến xe cũng không còn mấy người, bên cạnh nó càng không có ai. Nhìn ra màn đêm âm u bên ngoài, Toàn cảm thấy cái lạnh thấm vào từng lớp da thịt, nó lại gục đầu xuống, lại nhớ đến Công Phượng, miệng vẫn lẩm bẩm gọi tên.

Có rất nhiều thứ phải học, phải luyện tập để có thể tiếp tục sống trong thế giới này. Điều quan trọng nhất mà bọn Công Phượng Minh Vương phải nhớ, đó là phải kiếm đủ tiền mang về cho đại ca. Điều quan trọng nhất mà Toàn phải nhớ, là phải tập quen với cái đói và lạnh.

Mùa xuân đó, Công Phượng bất ngờ mang đến cho Toàn một cái chăn mới, một bộ quần áo mới, một đôi dép mới. Toàn cười đến rạng rỡ, thay đồ xong còn chạy tới chạy lui, liên mồm hỏi Công Phượng với Minh Vương rằng em có đẹp trai không. Công Phượng phì cười xoa đầu nó, Minh Vương thì cười tít mắt bảo đẹp lắm. Toàn lúc đó không để ý, Công Phượng vẫn mặc cái áo thun cũ mèm, còn đôi dép của Minh Vương cũng đứt quai hơn phân nửa.

Lớn lên rồi Toàn mới hiểu được rõ ràng, ngày đó dù cậu không phải là anh em ruột thịt của Công Phượng hay Minh Vương, nhưng luôn là người được dành cho những điều tốt đẹp nhất. Và cũng hiểu rằng, dù có những lúc không thể ở cạnh bên nhau, nhưng trong suy nghĩ của họ vẫn luôn có cậu. Rằng từ lúc gặp được họ, Toàn chưa từng có phút giây nào bị bỏ quên.

VI.

Thỉnh thoảng, Công Phượng sẽ đến gặp Toàn với nhiều vết thương, điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống của những kẻ không có điểm tựa, chẳng một ai bảo vệ. Toàn sẽ lo lắng, sẽ không ăn gì mà nhường hết tất cả cho Công Phượng, sẽ dùng chai dầu nhỏ mà Công Phượng đưa cho nó, chậm chạp bôi lên từng chỗ bầm. Công Phượng chỉ cười cười, chẳng tỏ ra đau đớn hay khó chịu, mặc kệ Toàn thổi phù phù lên mấy vết thương.

Công Phượng thường ở cùng Toàn đến tối rồi lại phải quay về, thế nhưng có một ngày, Công Phượng nói, tối nay anh ngủ ở đây với em. Toàn vô cùng kinh ngạc, cũng vô cùng vui mừng. Nó loay hoay cả buổi chỉ để phủi sạch bụi trên mấy tấm carton, giũ chăn phẳng phiu, còn hào phóng nhường chỗ êm ái nhất cho Công Phượng. Công Phượng bật cười nhìn thằng nhóc, sau đó ôm ghì nó rồi nằm lăn ra, kéo chăn phủ lên cả hai thằng. Đêm đó Công Phượng không ngủ, chỉ nằm tỉ tê kể chuyện cho Toàn nghe. Kể về gia đình, về những gì nó đã trải qua, tờ mờ sáng, Công Phượng đột nhiên hỏi Toàn:

- Nếu anh trở về nhà, em có đi cùng anh không?

Mãi không thấy Toàn trả lời, Công Phượng biết là thằng nhóc đã ngủ say, bản thân cũng mệt mỏi, dần dần chìm vào giấc ngủ sâu. Khi Toàn thức dậy, nó nghe Minh Vương chạy đến báo tin, đại ca bị bắt rồi.

VII.

Nếu đứa nào trở lại Hà Nội trước, sẽ đến tiệm bánh mì mà tụi nó hay được cho ăn miễn phí, gửi một mẩu giấy ghi chỗ ở hiện tại của mình cho đứa kia biết. Đó là lời hứa giữa Công Phượng và Minh Vương, cùng sự chứng kiến của ông chủ lò bánh. Toàn mếu máo ôm Minh Vương khóc nấc, hỏi rằng tại sao anh không đi cùng bọn em về nhà anh Phượng. Hai thằng anh dỗ dành mãi thằng nhóc mới bịn rịn chia tay với Minh Vương, còn bắt Minh Vương phải gặp lại nó thật sớm. Không ngờ lần gặp lại đầu tiên ấy, đã là ba năm sau.

Công Phượng gặp lại Minh Vương sớm hơn Toàn, nhưng cũng đã hai năm trôi qua, khi mà Công Phượng đã trở thành nhân viên của tiệm bánh. Minh Vương tìm đến nơi hẹn cũ, vốn định gửi lại địa chỉ hiện tại của mình, không ngờ lại gặp thằng bạn chí cốt tất bật bên lò nướng bánh. Khi ấy hai thằng đã mười sáu tuổi, Công Phượng cao lớn hơn rất nhiều còn Minh Vương cũng chẳng còn mang ánh mắt rụt rè sợ hãi nữa. Gặp lại nhau cũng chỉ ôm một cái, siết vai một cái, cười một cái. Rồi sau một vài chuyện xảy ra, Minh Vương cũng về làm ở lò bánh mì cùng Công Phượng, cho đến tận sau này.

Vốn dĩ Công Phượng và Minh Vương định sẽ về Nghệ An thăm gia đình và Toàn, đứa em trai yêu thương của cả hai, thế nhưng chưa về thì Toàn đã đến gõ cửa nhà trọ Công Phượng. Đó là một buổi tối mùa thu, trời se lạnh, Minh Vương đi làm thêm còn Công Phượng đang loay hoay nấu cơm. Khi mở cánh cửa ra, một luồng gió mát lạnh phả vào người Công Phượng, liền sau đó là hơi ấm cùng nụ cười quen thuộc sáng bừng. Toàn nói như reo:

- Nhớ anh quá!

Khi ấy Công Phượng thấy tim mình thắt lại, nhìn đứa nhóc mình chăm sóc ngày nào nay đã sắp cao bằng mình, cơ thể vẫn gầy nhom nhưng rắn rỏi, ánh mắt nhìn anh trong veo nhưng vẫn lẩn khuất những vệt màu đen của quá khứ. Ba năm qua, Công Phượng không hề gặp Toàn, chỉ thỉnh thoảng gọi điện thoại về nói chuyện vài câu, dặn dò vài chuyện. Nghe nó nói nhớ mình, Công Phượng cũng chỉ cau mày bảo lớn rồi đừng nhõng nhẽo nữa. Công Phượng không biết, từ lâu cái nhớ của Toàn đã là một nỗi nhớ rất khác rồi, Công Phượng càng không biết, bản thân không muốn về gặp Toàn là vì anh sợ nhìn thấy đứa nhóc ấy đã không còn là đứa nhóc nữa. Dù Công Phượng luôn nói Toàn lớn rồi phải chững chạc lên, nhưng cũng chính anh là người sợ phải đối mặt với sự trưởng thành của nó nhất.

Khi không còn là những đứa trẻ, khi đã nhận thức được quá nhiều điều, khi thấu hiểu được cảm xúc của bản thân, mỗi người thường có hai xu hướng: hoặc thu mình lại và che giấu đi, hoặc phô bày ra tất thảy để chứng minh tình cảm. Toàn ban đầu là giấu kín, đến một ngày không còn chịu đựng được nữa thì mặc sức mà bung ra. Nó khi ấy cũng không để tâm lắm tình cảm của mình được gọi là gì, Toàn chỉ muốn ở bên cạnh Công Phượng, chăm lo cho Công Phượng, yêu thương và bảo vệ cho Công Phượng như cái cách anh đã từng đối với nó.

Cho đến khi Toàn gặp Tiến Dũng cùng Văn Đức.

VIII.

Năm Công Phượng mười chín tuổi, nghe được một lời tỏ tình. Đương nhiên không phải là Công Phượng được tỏ tình, mà là từ thằng em cùng nhà của anh dành cho chủ nhà của anh. Lúc đó Tiến Dũng đang ngồi trong vườn, Văn Đức ôm anh rồi nói em yêu anh. Tiến Dũng khi đó không cười.

Công Phượng thầm nghĩ, đúng là hai đứa ngốc, tình cảm dành cho nhau rõ ràng đến thế rồi, vậy mà năm lần bảy lượt hết đứa này tới đứa kia đẩy người còn lại ra. Ngày trước Tiến Dũng một mực giữ Văn Đức ở bên cạnh mình, Văn Đức lại chỉ muốn chạy thật xa. Đến bây giờ Văn Đức một mực chỉ muốn dính chặt Tiến Dũng, anh lại ngoảnh mặt làm ngơ chẳng nói một lời.

Thế nhưng, Công Phượng lại tự cười bản thân mình, không phải cũng y hệt như hai đứa ngốc kia sao? Từ lâu vốn dĩ biết Toàn đối với mình không còn là tình anh em đơn thuần nữa, tại sao vẫn cố lẩn tránh sự thật đó. Biết cha mẹ vẫn mong một ngày mình trở về cùng một cô con dâu ngoan hiền, tại sao nhìn cô gái nào cũng cảm thấy không vừa mắt. Thậm chí có một lần về thăm nhà, nghe mẹ kể trong xóm có cô bé thích thằng Toàn nhà mình lắm, thế là ngay hôm sau Công Phượng viện đủ thứ lý do lôi Toàn cùng trở về Hà Nội.

Rồi đến một ngày, Công Phượng bàng hoàng khi chính tai mình nghe câu nói yêu từ chính miệng Nguyễn Văn Toàn thốt ra. Anh không thể nào chấp nhận nổi. Đối với Công Phượng khi đó, câu nói ấy đã đạp đổ tất cả những gì cả hai đã đắp xây trong quá khứ. Công Phượng là anh trai của Văn Toàn, trên giấy tờ là như vậy, trong thâm tâm Văn Toàn càng phải nhớ kỹ điều đó. Thứ tình cảm không nên có kia, Công Phượng đã có thể chôn sâu đến tận cùng, tại sao Văn Toàn lại không chịu hiểu điều đó.

- Thằng điên này, mày nói gì vậy hả?!

Công Phượng quát lên rồi đùng đùng trở về phòng, sập mạnh đến nỗi cánh cửa gỗ muốn long lên. Văn Toàn trái lại không hề hoảng hốt hay sợ hãi, cậu bình tĩnh chấp nhận nó như một chuyện hiển nhiên. Văn Toàn mỉm cười nhìn cánh cửa phòng đóng kín, đứng bên ngoài nói vọng vào từng tiếng rõ ràng:

- Anh ơi, em yêu anh thật mà. Em chỉ cần anh biết vậy thôi.

Ngày đó, Văn Toàn mười chín tuổi.

Ngày đó, Văn Đức cuối cùng cũng nhìn thấy Tiến Dũng mỉm cười trở lại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro