Toàn văn lười tách chương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Ti Hí không ở cạnh tôi nữa. Nhưng tôi đã lỡ hứa sẽ không đi tìm em.

Ngày cuối cùng gặp nhau, trời ngừng cơn mưa rào. Em níu tay tôi, chân bước lẹp bẹp tránh những vũng nước đọng. Giữa lúc tôi càm ràm vì nước bắn vào giày, em liên tục ngoái đầu lại nhìn tôi. Cuối cùng em nói:
“Anh ơi, anh hứa với em một chuyện được không?”

“Chuyện gì em?”

“Anh nhớ đừng tìm em nha!”

“Nói gì vậy, em định trốn đi đâu?”

Tôi vừa hỏi vừa phì cười. Ti Hí lại nghịch ngợm nói.

“Em không định đi đâu cả, nhưng mà anh hứa đi, hứa đừng đi tìm!”

“Tìm chứ, sao không tìm. Em trốn chỗ nào anh cũng tìm được, tìm ra thì thôi.”

“Nếu không tìm ra thì cũng… thôi nhé. Được không anh?”

“Là sao?”

Tôi bắt đầu sốt ruột, giọng em nghẹn ngào. Đôi mắt em cất chứa điều gì tôi không hiểu, đến nỗi lời thì thầm nài nỉ của em cũng mơ hồ như nói mớ. Nhưng em tỉnh táo. Chúng tôi mới bước ra khỏi tiệm cà phê Khói Chiều, em đang ôm lấy áo khoác của tôi trong tay, siết lấy vải áo nilong trơn lạnh như siết trái tim mình. Nắng đổ thẳng đứng trên đầu, ve đang kêu và khi có bóng xe vụt qua, em còn nhớ kéo tôi lên vỉa hè, tránh khỏi lòng đường nhốn nháo. Em nhìn tôi với hai hàng lệ im tiếng, em sợ xấu hổ với người khác, cũng sợ tôi xấu hổ. Nhưng tôi nhìn Ti Hí đau đớn như thế bỗng luống cuống vô cùng, nước mắt cũng chảy theo em.

2. Tôi đành phải nghĩ rằng em chỉ đang đùa thôi. Rằng Ti Hí của tôi nhìn thì vui vẻ vậy chứ hay nghĩ lung tung lắm. Em muốn thì tôi hứa là được, em đừng khóc. Tim chịu sao nổi cảnh em buồn.

Những trưa dài em nằm đọc tiểu thuyết linh tinh. Tôi ngồi bên cạnh, vừa gõ phím vừa ngắc ngứ trò chuyện cùng em. Em chỉ vào một đoạn, nói em ghét đoạn này. Cúi xuống mới thấy, câu thoại của cô nàng nào cũ rích: “Em không cho phép anh quên em!”. Hình như đến đoạn cô gái nhảy lầu. Những tình tiết như thế hay có trong phim. Người ta giành nhau chết để chứng tỏ tình yêu. Ai sẵn sàng chết và chết được ngay hẳn mới là yêu sâu đậm. Tôi vẫn không hiểu nổi, trong khi tôi chỉ mong mình được sống, được ở cạnh tình yêu của mình lâu thật lâu.

Tuy thế, tôi vẫn ngước lên hỏi em, hình như người ta đều viết thế mà. Em cũng đang nhìn tôi, một đôi mắt to mở ra như hai hồ nước, hàng mi như hàng dương khẽ chập chờn.

“Nếu em chết, em sẽ không để anh nhìn thấy đâu. Ai sẽ sống vui nếu có ai đó chết vì mình?”

Tôi ôm hai má em, khẽ nhấn vào hai lúm đồng tiền sâu hoắm.

“Lại sến nữa, anh không muốn em buồn.”

Ti Hí bật cười, dụi nước mắt vào áo tôi, rồi ừ khẽ, sao mà giống con mèo mướp của mẹ tôi.

Hồi đó chúng tôi đã ở bên nhau được hơn một năm. Mỗi ngày đều trao cho nhau những lời ngọt ngào như mật.

3. Sau này tôi mất em, thật nhiều lần nghĩ đến chuyện không nên. May sao nghĩ tới lúc em buồn rơi nước mắt, tôi từ bỏ, thực sự trái tim tôi chẳng thể chịu thêm một chút đau đớn nào nữa. Nó đã sắp vỡ tung rồi.

Làm sao dám phụ lòng em đây? Khi mà Ti Hí vẫn nhớ tôi ghét không chào mà đi nên đã chầm chậm từ biệt tôi vô số lần trong quá khứ. Những khi em chào tôi đi học, những khi chào nhau đi ngủ, những lần mở cửa ra, đóng lại, bỏ ngôi nhà sau lưng, em luôn chào thật thành kính và cẩn thận. Những tiếng chào ấy trải rộng đường đi, xếp thành cây cầu nhỏ đưa tôi qua miền khác, tránh khỏi đau thương.

Nhưng làm sao để hết thương?

Thế nên tôi không đi lên cầu. Tôi vẫn đứng chờ em, giả vờ không nghe, không biết.

Ngày em biến mất trời chẳng biết có nắng hay không. Tôi cũng không nhớ được đang vào mùa nào. Ngủ dậy trong căn phòng trọ không gác của mình như mọi ngày, tôi lò dò đi rửa mặt. Em không có trong phòng. Ly nước uống dở vẫn để trên nóc tủ. Quần áo phơi khan ngoài ban công. Nhắn tin ba tin em không trả lời, điện thoại không đổ chuông, tôi vẫn tin chắc em quên sạc pin rồi. Tối qua, tôi tan làm về mệt quá, quên sạc cho em. Đành chờ em quay lại vậy.

Thế là tôi chờ. Tôi chỉ chờ thôi. Dù lòng nóng cháy. Em đi đâu mới được? Chúng tôi nào có quen ai đất này. Em thường đi đâu giờ này? Sao em không nói với tôi một tiếng?

Tôi hình như đã chờ em như vậy qua mấy thiên niên kỷ đằng đẵng. Có bữa ngủ dậy, tôi bỗng không sao nhớ được mặt em, đành ngồi khóc. Nhà em ở dưới quê đổi chủ tháng trước rồi. Cứ tưởng rằng gốc rễ người mình cắm ở đấy, muốn tìm là tìm thấy. Biết đâu bứt rễ, em tan thành bụi, thành lá mục, thành sỏi đá trên đường. Tôi tìm em, dù lật tung hết đất cát xóm Cựu, làng Trung cũng không thấy.

Phải chăng em là chàng tiên ghé lại bên tôi ít năm tháng dạo chơi, nay mỏi mệt em khoác áo cánh phép bay về trời?

4. Đúng 100 ngày trước hôm em đi, thím mất. Bà gặp tai nạn khi băng qua đường tàu. Em nghe tới hai chữ đường ray đã chết ngất, chẳng còn biết gì nữa. Chúng tôi về trong đêm, bằng máy bay. Lần đầu trong đời leo lên thứ phương tiện xa xỉ ấy nhưng chẳng ai tỏ ra tò mò. Chúng tôi rối đến độ quên mang hành lý. Em đi tay không, về với mẹ trần trụi như lúc chào đời.

Nhớ mấy năm trước mỗi lần về nhà, em lúc nào cũng mang lỉnh kỉnh nào sách vở rau quả, nào bánh trái cá tôm. Thím - mẹ em đứng ôm cái ba lô vải dù, tay xách bịch đồ to bằng nửa thân người bà, chờ em cúi người xỏ dép. Trong lúc nhìn người ta chất đồ lên xe, tôi thầm nghĩ giá mà được, có khi thím sẽ nhét vào túi cả ngôi nhà có bà đi theo. Nhưng tôi cũng chẳng dám nói ra. Bà ít nói lắm. Ngay cả câu chào cũng tiếc. Thậm chí không hiểu sao mỗi lần thấy tôi đứng chờ em bà còn tỏ vẻ hơi khó chịu. Xe nổ máy, thím mới lùi khỏi làn khói hắc mùi xăng, chúng tôi bước vội lên xe, cũng không nhìn lại.

Thế mà bây giờ bà chẳng còn, em tôi quay đầu bơ vơ.

Ngày Ti Hí về cờ trắng rũ rượi trong cái nắng như thiêu như đốt. Kèn trống nổi từ ngày sang đêm, nhức nhối ruột gan. Tai tôi ong lên khi bước vào sân, chỉ nghe được tiếng khóc rất khàn, còn lại chẳng nghe được gì nữa. Mẹ đón tôi với một khuôn mặt buồn và dặn tôi ngày mai hãy sang viếng. Tôi bước vào phòng, để cửa hé, rồi cứ đứng giữa phòng như thế, đơ người thật lâu mà óc chẳng nghĩ được gì.

5. Cúng tuần đầu xong, nửa hồn em cũng mất. Nỗi nhớ dằn vặt em như ai gí mũi chân giày xéo con giun vừa lìa mình khỏi đất mẹ. Tôi ngồi với em nhiều ngày trong căn nhà trống. Không có nước mắt, không nói chuyện, không có nắng, không có gió, không cả tiếng chân người. Những buổi chiều cứ đến rồi đi. Ánh bình minh lại tới, đong đầy những hang cửa mở rộng. Cơm tối em ăn chung với nhà tôi, rồi thui thủi trở lại nhà mình, kêu thế nào cũng không lại. Đêm xuống mẹ bảo tôi sang nói chuyện với em. Chúng tôi ngồi dưới đèn thờ, nhang cháy sáng nhấp nháy ngang tầm mắt, mũi tôi tê liệt trong mùi trầm thơm ấm như hơi thở người.

Em bảo chắc đành bỏ học nhưng em lại yêu việc học của mình. Nỗi tủi thân và cả niềm khát khao cứ quấn lấy nhau đập vào lồng ngực em đau đớn. Em đã mất mẹ, chẳng còn ai lo lắng hay khen ngợi em, chẳng còn ai quan tâm em hay quản lý em nữa. Em còn cố học để chứng minh với ai. Nhưng nếu không học ai sẽ thay em theo đuổi ước mơ, ai sẽ là em trong một tương lai, vốn vô cùng hứa hẹn. Ti Hí dầu gì cũng là một người con trai, em chẳng chịu đâu, nếu trở thành kẻ thua kém trong đời.

Tôi ngồi nghe em khóc, đầu em sụp xuống như sắp rơi khỏi hai vai, thấy bất lực của em như dây leo cứ vươn ra, rồi bủa vây lấy cả bản thân mình. Biết nói gì đây với em, biết làm sao để cùng em vượt qua đau đớn, biết làm gì cho em để em mau nguôi ngoai vết thương? Tôi bỗng thấy tức em vì em quá cứng đầu, em đã có câu trả lời của riêng mình. Ai lại cho lời khuyên cho một người không cần lời khuyên? Tôi chỉ nhìn em, nuốt mọi lời khuyên lại, bàn tay đặt trên vai gầy siết nhẹ.

Không ngờ rằng hai hôm sau em đã tươi tỉnh trở lại, hệt như được uống nước thần. Đôi mắt của em lại sáng như những ngày nắng hôm xưa, như những khi cười đùa lúng liếng. Em lại như một cái hoa bìm bìm, nở lung lay trên khung cửa, căng tràn niềm yêu cuộc sống.

Hình như nhanh quá! Cái cách mà em vượt qua nỗi đau mang nét bất thường điên dại. Tôi đâm lo lo, cứ dò hỏi mãi.

"Em tìm được sổ của mẹ. Mẹ dặn em rất nhiều. Em muốn làm theo lời mẹ dặn."  Em vứt cho tôi một câu cộc ngốc như thế kèm một ánh nhìn thật lạnh, tôi hiểu em sẽ không kể thêm gì nữa.

6. Chúng tôi trở lại thành phố, sau một tuần dằng dặc, cuộc sống lại tiếp diễn bình thường. Em vẫn đi học, tôi đi làm. Sáng sáng chúng tôi nấu bữa sáng cùng nhau, tối về thỉnh thoảng xem phim hoặc dọn dẹp. Thật ra cũng có vài thay đổi nho nhỏ. Em ít gặp bạn bè hơn, chắc để tránh nhắc tới chuyện buồn. Mạng xã hội em cũng bỏ, hoàn toàn không đăng tranh ảnh gì nữa.

Có một lần tôi thấy em dọn dẹp phòng, cất giá vẽ và bảng màu quý báu vào nhà kho chung. Em bảo muốn nghỉ ngơi. Lúc bị tôi bắt gặp em còn cười.

Tôi thấy buồn và tiếc lắm nhưng chỉ gật đầu, không nói gì. Chính tôi trước đã nhìn thấy em suy sụp thế nào nên giờ chỉ cần em tươi tỉnh trở lại là tôi đã mừng lòng, không dám ép buộc em. Em trầm lặng hơn nhưng biết đâu thời gian sẽ khiến nỗi đau phai mờ. Ai rồi cũng phải tiến về phía trước, Ti Hí cũng sẽ thế.

Tôi không biết phía trước đã đào sẵn hố sâu.

Em xây cho tôi cây cầu, còn mình nhảy xuống hố. Biệt tích biệt tăm.

Phải chăng vì tôi yếu hèn, chỉ mới hai ngày mà không chịu nổi, cứ phải đi tìm em nên tìm không thấy?

Hay chỉ vì tôi bạc nhược đi tin câu đùa của em nên mới không kịp tìm thấy?

7. Trần đời phải đăng tin tìm người một lần mới biết những tờ rơi dán xiên xẹo trên cột điện chứa đựng nỗi tuyệt vọng đến nhường nào. Cứ mỗi một ngày trôi qua, chữ trên tờ rơi mờ dần, niềm hi vọng cũng xói mòn như đụn cát trong gió lốc, để lại trong tim người ở lại vô số hố sâu thấu xương.

Trước đó, tôi vẫn tưởng mình có thể vừa tìm em vừa sống cuộc đời nguyên vẹn. Tôi muốn giữ gìn cuộc sống của hai đứa. Giữ gìn thói quen nấu bữa sáng cho hai người, giặt  quần áo phải giặt vào ban ngày, mỗi tối viết nhật ký cho nhau, cuối tuần dọn dẹp phòng một lần… Ly nước, quần áo, bàn chải của em vẫn ở đó, ngay chỗ cũ, như mọi ngày. Khi em đẩy cửa, dép trong nhà để chéo nhau trong góc vẫn chờ em dẫm lên thay giày.  Tôi muốn khi em quay lại, em không thấy lạ lẫm cũng không bỏ lỡ khoảnh khắc đáng giá nào. Bất hạnh đã xảy ra, nhưng tôi định sẽ nhốt hạnh phúc ở đây, chờ em về nhấm nháp cùng.

Đáng ra là thế, tôi thật đã định thế. Nhưng không phải chỉ có mình tôi chờ em. Rất nhiều bạn bè của em liên lạc cho tôi. Rất nhiều láng giềng hỏi thăm. Mỗi lần một câu hỏi rơi ra liền ngã chồng lên khối đá đè trong lòng tôi, nặng nề, tê tái.

Tôi nhận ra mình biết về em sao quá ít ỏi. Rằng sao tôi không biết em đã bỏ học suốt mấy tuần rồi, đến ngày thi cũng không tới. Rằng em lâu nay không thể cầm cọ lên để vẽ gì nữa. Rằng trong lúc tôi vắng mặt em đã gọi cho mẹ tôi nhiều lần, chỉ để hỏi về mẹ em lúc sinh thời. Tôi tìm thấy lá thư tỏ tình của tôi trong ngăn bàn em. Giấy tập học sinh ố vàng, chữ đã nhoè đi vì dính nước lốm đốm. Bên dưới những dòng tạm biệt của tôi là hàng chữ ngắn, viết bằng bút bi nét lớn: "Mẹ đã đọc rồi"

Giấy trắng sáng loá nhoè đi trong nước mắt sao nhìn giống một ánh dao. Lưỡi dao đã giết chết em tôi.

8. Bác ba tôi kể hồi năm 2000 xóm này có 5 cái chuyện ly kỳ. Thứ nhất, bò nhà ông Hoà đẻ ra con nghé có hai cái đuôi. Rồi nửa đêm có ăn trộm lẻn vào nhà bà Chín bắt hết gà mái trong chuồng. Suốt tháng bảy, con nít cứ hù lái xe suốt trên Cầu Ván lúc rạng sáng. Chuyện thứ tư là ông già Tư Nậu xây một cái lầu gỗ ngay cạnh trên cái nhà đang ở, để nuôi chim và uống nước trà, kêu là lầu Tư Nậu. Dân khắp xứ kéo tới coi, than dư của. Chuyện thứ năm nghe bình thường hơn nhiều, có hai thằng cha dắt nhau đi hoang, bỏ vợ con, nghe đồn đâu là đồng tính luyến ái. Cha mẹ hai nhà biết được từ mặt con, chực bỏ dâu lấy cháu, xóm giềng đều biết.

Bà Tư Nậu là mẹ đẻ của một trong hai người đàn ông bỏ đi. Bà có cả thảy năm người con, hai trai ba gái. Lúc nhỏ đứa lạc đứa chết mất hai người, về già một người bỏ đi. Bà cố chết cố sống giành lấy cháu. Sáng sáng, người ta thấy bà ngồi lì ở cửa trước nhà con dâu, vừa trông cháu về vừa lầm rầm rủa chết cái kẻ dụ dỗ con trai bà. Mặt đường nóng ran, vắng ngắt. Nhà kia ở đối diện đứng thù lù, trơ trơ hứng lấy phẫn nộ, chẳng đáp lại tiếng nào. Mẹ ngồi trong nhà chằm nón như người điếc, bảo tôi cứ đi chơi đi, mặc bà. Nhưng tôi không mặc kệ được. Nhà bà chửi là nhà Ti Hí mà. Bà chửi ba Ti Hí thì thôi đi, sao còn chửi cả thím, chửi cả Ti Hí. Hai người đó có gây thù với nội đâu. Nội là người lớn mà vô lý hơn con nít, bảo tôi kính trọng nội sao được.

Mà nội cũng chẳng thèm để ý tôi có kính quý nội hay không. Suốt đời nội chỉ cần một người thắp hương lên bàn thờ, thế là đủ. Những năm cuối mắt mờ, nội vẫn nhận được tôi là cháu nhưng không nhớ nổi tuổi, nội cứ nghĩ tôi còn đi học, thi thoảng lại nhầm tên tôi với tên của ba. Nội hỏi tôi mấy mẫu đất của nhà giờ trồng gì, gà heo trong chuồng năm nay đẻ được mấy lứa, đã bán được hay chưa. Nhìn hai bàn tay sạm đen, như cành củi khô bám lấy hai bàn tay to của tôi, tự nhiên tôi không biết phải đáp thế nào. Mấy năm nay tài sản cả đời nội tích cóp đã bị chú tôi phá tan tành trong sới gà rồi. Những gì còn lại cô tôi đem giấu đi chỉ đủ để phụng dưỡng bà đủ ăn đủ mặc. Tư Nậu giàu nhất làng Trung đã trở thành chuyện đồn hết thời. Cái lầu vẫn còn nhưng ông nội đã mất từ mấy năm trước, giờ chẳng ai dư hơi mà trèo lên đó uống nước trà. Chỉ có bà nội vẫn ngồi nhìn, ngày ngày pha một ấm trà, quấn khăn ngồi bên cửa, hỏi người đi đường những chuyện bán mua vu vơ. Cái thói quen con nhà buôn vẫn còn trong nội, dù giờ người đã nghèo như thời trẻ, như thời nội mới hai mươi. Chắc tại cả đời, phàm cái gì nội ráng giữ cho lắm, cuối cùng cũng mất.

8. Thật ra người ta đâu biết, hồi tôi còn nhỏ, nội đã hay qua nhà tôi ngồi ngay lối đi, giữ cửa. Nghe đâu nội không cho ba tôi mua đất cất nhà chỗ này. Mà cái nòi cứng đầu di truyền từ đời ông nội, ba tôi nào biết ngại ai. Ông cứ nhất định phải đi vay để xây nhà gạch ở ngay mặt đường ấy, bên cái vườn dừa ấy, không chịu đi đâu khác. Khi đó mẹ theo ba về trong áo không có cắc bạc, tôi còn ẵm ngửa trên tay. Nội thì dứt khoát không giúp đỡ một li, tận đến khi tôi đến tuổi đi học bà mới nguôi ngoai mà lại nhà, chỉ để ngồi trước cửa, canh giữ. Phía đối diện, một căn nhà lá tường trát bằng bùn trộn rơm đứng tần ngần dưới trăng, trước sân chỉ có một cái bóng sợi tóc vàng choé. Ba Ti Hí ngồi gục đầu trong ánh đèn, hai vai nhô lên như hai cái bướu cặm cụi vá lưới cá, ngó lơ một người đàn bà nhỏ con cứ ngồi bên cạnh nhìn chằm chằm.

Rồi Ti Hí ra đời. Nội tôi bớt nói lời hằn học, cũng bớt qua nhà canh cửa. Khi bóng đêm hạ xuống, mẹ dọn cơm ra, tôi kể về trường học, ba tôi vừa ăn vừa nghe. Ông lúc nào cũng ít nói trong bữa ăn, miệng nhai rất nhanh, ít kén chọn. Thường tôi còn đang líu ríu thì ông đã buông đũa sang hàng xóm uống nước trà tới giờ ngủ mới mò về. Mười đêm như một. Ngày qua ngày, tháng lại tháng.

Tôi lớn lên. Biết tự chạy đi chơi sau giờ cơm, biết chơi trốn tìm trong bóng tối, còn biết trong lúc chúng tôi đuổi nhau ba vẫn ngồi ở đối diện. Hai người hai cái bóng, ấm trà ở giữa, phần lớn thời gian chẳng nói năng gì.

Rồi ba đi. Người kia cùng đi. Không một lời làm dấu. Bốn người chúng tôi, hai đôi mẹ con, không biết đi đâu nên phải ở lại.

9. “Tôi biết hết, nhưng tôi vẫn theo người ta về. Đấy là cái tội của tôi. Còn chị, chị không biết mà không ai nói đó là cái tội của tất cả bọn tôi”

Trong lúc uất ức, mẹ tôi vẫn không quên lãnh phần tội. Bà không dám chạm vào vợ của tình địch mà chỉ ngồi chồm hỗm bên hè như một gốc tre già cứ bị chừa lại bên xó bếp. Bà đuổi tôi đi khỏi chỗ người lớn, trong phút ấy, hai người đàn bà không muốn ai biết họ đã nói với nhau những gì.

Mẹ Ti Hí giấu mặt trong bóng tối ngay cả khi chúng tôi đứng tần ngần bên chân, khi mẹ khóc, khi mẹ ỉ ôi, khi mẹ cười. Ánh đèn sợi tóc đã quá mờ. Bóng những người đàn ông cũng mịt mờ.

Nghĩ đến mẹ, đến thím, tôi cảm thấy thôi thì mình chờ em cũng được, để mình tôi ở lại cũng được. Dẫu sao những dày vò này không nỡ để em gánh vác.

Trong suốt nhiều năm qua, chúng tôi đã bàn với nhau, cố gắng giúp hai người phụ nữ quan trọng nhất đời mình vơi đi tổn thương. Chí ít, hãy tin vào tình yêu, không cần tin vào đàn ông. Nhưng có lẽ chính chúng tôi, ở phút này, đã gây cho họ tổn thương sâu sắc nhất, chỉ bởi không thành thật.

Ti Hí đã không còn cơ hội để thành thật.

Em chẳng thể tha thứ cho mình.

10. Có lẽ mẹ em không thất vọng như em nghĩ, mẹ vẫn thương em và thấu hiểu cho em. Bà đang chờ được nghe em thổ lộ. Bởi mẹ em chưa từng ghét ba tôi hay trách mẹ tôi không nói thật cho mình. Bà bảo, người chứ có phải là cái bánh cái kẹo đâu mà giành giật, mà giữ trong túi. Nhưng bà cũng chẳng nói rằng bà thích tôi. Có lẽ, em đang đi tìm sự đồng tình của mẹ, chỉ một câu thôi - “Mẹ mừng cho con” - chỉ như thế, suốt đời chỉ cần thế. Em tìm được rồi em sẽ quay trở lại bên tôi.

Tôi nghĩ tới đấy lòng bỗng nhẹ như không. Trời nắng vẫn gay gắt đổ bên kia đường. Cái bóng cây hoa giấy thật tròn. Cuối khúc cua, xe khách chưa tới. Mẹ ngồi sau lưng tôi, mắt mẹ thôi khổ sở. Những nếp nhăn trên trán bà đong đầy sự trầm lặng. Mẹ đang đợi tôi. Tôi đợi em. Chúng ta đợi nhau, đến trăm năm cũng được.




















Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro