Tiền truyện (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiền truyện (1)

Ả nhìn lên trời.

Hôm nay không mây cũng chẳng sao, trăng thì tròn, lại ngả sang màu vàng nữa, trông như cái bánh đa. Vừa nghĩ đến đấy bụng ả liền sôi lên ùng ục. Đói thật, cả ngày rồi ả có bỏ gì vào bụng ngoài khoai lang và nước lã đâu.

Trong nhà vẳng ra tiếng ngáy của mẹ. Ả tiếp tục vừa nhìn mặt trăng vừa ôm cái bụng đói. Hít vào, thở ra. Tự dưng ả thấy mình đang hít thở cùng nhịp với tiếng ngáy trong kia. Coi bộ mẹ ngủ rất ngon, chả bù với ả, không ngủ được vì đói.

Ả ôm sát chân vào người, lắc lắc vài cái hoặc xua tay để đuổi đám muỗi vo ve xung quanh. Hừ, tụi mày thì no rồi, còn tao đang đói chết đây này! Ả vừa oán hận nghĩ vừa đập tay. Tay ả dinh dính, chắc là đập được một hai con. Ả liền chùi vô áo rồi tiếp tục đập. Tấm ván gỗ cũ ả ngồi lên không ngừng kêu kẽo kẹt.

- Im coi!!!

Mẹ sẵn giọng quát ra, nhừa nhựa vì buồn ngủ. Ả vội thu người lại, lén liếc vào căn buồng tối om. Tim ả đập thình thịch, át luôn cả tiếng mấy con muỗi. Ả không dám cục cựa gì thêm. Lũ muỗi bèn thừa cơ lao vào hút chít ả. Tay chân, đầu cổ ả ngứa ngáy kinh khủng, ả thậm chí còn nhận thấy tụi nó đang bay lên đáp xuống trên da ả, để lại cái ngứa khó chịu và vài cục u nho nhỏ. Không thể chịu đựng được nữa, ả quày quả đứng lên, quyết định chui vào trong mùng.

Đúng lúc đó, ả không biết mình có bị ảo giác hay không, ả thoáng thấy một cái bóng ở cổng. Ả ngẩng ra, dụi con mắt khô khốc vài lần rồi nhìn kỹ lại. Trời phật ơi! Ả suýt đứng tim khi phát hiện có người đang đứng sát cái cây ở cổng rào.

Ả không biết đó là đàn ông hay đàn bà, nhưng dáng vóc xem ra cao hơn ả. Người đó mặc đồ đen, có điều vì hôm nay trăng sáng nên ả cũng thấy được lờ mờ. Hèn chi cái cây mập mập sao ấy, té ra là có người đứng kế bên nó! Ả ngó cái người nọ lom lom, tự nhủ chắc không phải ma đâu, vì theo như mọi người kể thì ma phải màu trắng mà.

Tiếng của mấy con muỗi, con dế, ễnh ương và con quỷ gì đó nữa từ từ to lên. Ả vẫn tiếp tục dán mắt vào người nọ. Sao chả thấy động đậy gì cả nhỉ? Mà ả cũng không dám ra đó để xem xem thế nào. Buổi tối thì tốt nhất là ở yên trong nhà, mẹ dặn như vậy miết.

Ả gãi đầu, chẳng thèm quan tâm nữa. Lũ muỗi vừa chích ả thêm mấy cái đau điếng. Ả đập bốp lên trán, gãi gãi, khép cửa lại và bò lên giường. Xoa hai chân vào nhau cho sạch cát, ả thận trọng chui vào trong mùng, nằm úp mặt xuống chiếu, cái gối chèn dưới cái bụng lép. Rốt cuộc, cơn buồn ngủ cũng đánh gục được cơn đói để rước ả đi.

- Dậy! Dậy cái con kia!

Đầu ả lúc lắc khi ả thức giấc. Ả thấy mẹ đang cật lực lay người ả. “Dậy ngay, cái con trời đánh này!” Giọng mẹ cao lanh lảnh, “Trời sáng bảnh rồi kìa!” Ả ngóng ra ngoài cửa, đúng là đã sáng thật, nhưng chưa có sáng bảnh, vẫn còn sương kia mà. Có điều ả không dám nói, ả chỉ ngoan ngoãn ngồi dậy. Ngáp dài trong mùi khói lửa ấm áp, ả đưa cái nhìn thèm thuồng về phía vách, chỗ ả biết có một nồi khoai luộc và một nồi bắp luộc đang sôi sùng sục ở đằng sau.

Ả xuống giường, vươn vai bước ra ngoài sân, tới chỗ cái giếng. Mẹ đã kéo sẵn cho ả một thùng nước. Nước lạnh làm ả tỉnh hẳn. Đánh răng rửa mặt, uống vội một gàu nước mưa trong lu, ả lật đật chạy lại phụ mẹ đặt nồi vô gánh. “Ăn đi cho có sức.” Mẹ nhét củ khoai be bé vào tay ả, chải tóc và che mặt cho ả trong khi ả ăn ngấu nghiến. Mẹ còn chèn thêm cho ả một cái khăn dày trên vai chỗ đặt gánh. “Đừng có la cà đó!” Mẹ dặn lại trước khi tiễn ả ra cổng. Ả dạ rõ to rồi quẩy gánh đi.

- Cô Bỏng, hôm nay ra trễ!

- Cô Bỏng, dậy trễ hả?

- Cô Bỏng!

Ả mỉm cười với tất cả mọi người và lui cui bước qua chỗ thường nhật, kế bên gánh bánh bèo của cô Bông và gánh tàu hủ của cô Hai. Lấy cái ghể đẩu kẹp trong gánh ra lót dưới mông, ả vừa lột nón phe phẩy quạt vừa quệt lau mồ hôi trên trán. Gật đầu với mấy người quen lần nữa, ả cất tiếng mời chào. Phiên chợ đã bắt đầu rồi. Trong tiếng rôm rả của buổi chợ sớm, ả lơ đễnh quạt và rao. Có người hỏi mua củ khoai, trái bắp. Ả gói nhanh cho họ rồi vội vã nhận tiền. Tất cả đều có vẻ thật tất bật, ngập trong cái nóng, hơi ẩm và mùi mồ hôi, mùi thịt, mùi cá lẫn với mùi rau cải. Hơi nước từ nồi, hơi khói từ lò trong hai cái gánh ập lên người ả. Dù quạt hết sức ả vẫn thấy nóng hầm hập và ngộp thở. Ngột ngạt quá! Ả vén cái khăn che một bên mặt lên, quạt mạnh tay hơn, vô tình khiến cái khăn bị hất tung.

Có đứa nhỏ đầu trọc lóc được mẹ dắt theo, đưa đôi mắt tròn xoe, đen như hai hột nhãn nhìn ả chằm chằm. Gương mặt bầu bĩnh của nó đực ra, rồi nó chau mày, siết chặt tay mẹ nó, bắt đầu mếu máo. Người mẹ liếc xuống, hỏi có chuyện gì. Nó chỉ vào ả. Người mẹ sau khi thấy ả, bèn mắng nó một câu rồi lôi đi.

Ả ngại ngùng cúi đầu, che khăn lại thật kỹ.

- Bắp bao nhiêu một trái?

Một người đàn ông bước tới trước gánh của ả hỏi. Ả thấy giầy người đó mới, rất đẹp và sạch, liền vội ngước lên cười tươi, lễ phép báo giá. Câu nói của ả chợt ngưng bặt lại giữa chừng. Trời đất quỷ thần ơi, người này sang trọng quá! Ngực ưỡn, tay chắp sau lưng, cằm thì hất cao, dáng đứng thẳng tắp, tướng oai phong lẫm liệt. Đã vậy, ả thoáng nóng mặt, người này còn trẻ và thật tuấn tú. Gương mặt cân đối, tóc đen nhánh, ánh mắt rất sâu. Mặc dù da ngăm đen nhưng nhìn kĩ sẽ thấy láng mịn, không giống làn da thô ráp của những người như ả. Từ góc độ của mình, ả thấy một nốt ruồi nhỏ khuất dưới cằm bên trái của ông ta.

- Bắp bao nhiêu một trái?

Người đàn ông hỏi lại lần nữa, trông không có vẻ khó chịu hay vội vàng của những người đi chợ. Ả lúng túng trả lời, hỏi muốn mua bao nhiêu. Ông ta lấy hai trái nhưng trả tiền cho ả đến mười trái. Ả cầm mấy đồng tiền mới sáng bóng trong tay, đờ ra khi ông ta rời đi. Bóng ông ta vừa khuất khỏi cổng chợ, mọi người xung quanh liền nhào tới. Cô Bông và cô Hai dù bận vẫn liến thoắng hỏi han rối rít. Ồ, ai thế? Người quen của cô Bỏng à? Có vẻ giàu có nhỉ? Cô Bỏng may mắn thật. Sao chưa thấy ai như vậy bao giờ nhỉ?… Ả bị quay như chong chóng, nhưng tất cả những việc ả có thể làm là nghệch mặt và lắc đầu. Dù vậy, trong bụng ả vẫn mừng lắm. Thế là hôm nay ả kiếm thêm được một mớ. Mẹ sẽ vui hơn cho xem!

Nắng lên gay gắt cũng là lúc chợ vãn người. Ả phẩy nón thêm vài cái nữa rồi đội lên đầu, nhổm người cài lại ghế vào gánh. Lau mồ hôi, xếp khăn trên vai, ả cẩn thận khênh gánh lên chào mọi người trong chợ. Bây giờ là lúc đi bán dạo.

Lết dép trên con đường đất, một điều mà mẹ đã dặn bao nhiêu lần là không được, ả bước thoăn thoắt qua các ngõ quen thuộc, vừa đi vừa rao. Ghé qua mấy chỗ “mối”, gánh cũng nhẹ đi kha khá. Bụng ả bắt đầu sôi sục khi mặt trời xuống dần. Ả đặt gánh dưới gốc mít ngồi nghỉ. Dạo này trời nóng thật, đi mới có một chút mà mồ hôi đã ra như tắm. Ả lau quanh đầu cổ, cái khăn chẳng mấy chốc đã ướt nhẹp.

- Xuân, uống miếng nước không?

Trầu ở hàng nước gần đó nhác thấy ả, liền ngoắc tay gọi. Ả cười, lắc đầu bảo không. “Miễn phí đó, uống miếng đi!” Trầu nhiệt tình rót một ly đầy đem ra. Ả từ chối hoài không đặng, đành phải nhận lấy. Dòng nước mát tươm xuống cái cổ khát khô của ả, khoan khoái vô cùng. Ả trả ly, bẽn lẽn cám ơn Trầu bằng một trái bắp.

- Thiệt tình, có gì đâu chứ!

Trầu nhận bắp, xua tay, quay về quầy tráng cái ly rồi úp lên giá. Chú Khánh ngồi uống nước thấy vậy, cười tít mắt hớp một ngụm nói:

- Anh Trầu này, ngày nào cũng nhiệt tình cả! Thôi anh xem nếu được thì rước người ta về đi.

- Chú Khánh, tụi con chỉ là bạn từ nhỏ thôi mà. – Mặt Trầu đỏ ké.

- Trời, chứ anh không nghe câu “Thanh mai trúc mã” sao? Mà tui thấy, ngoài anh ra còn ai cưới được con bé nữa đâu…

- Chú Khánh!

Trầu kêu lớn. Chú Khánh vội bụm miệng, liếc sang ả. Ả không nói gì, chỉ cười chào tạm biệt rồi quẩy gánh đi. Trầu dặn với lại, ngày mai nhớ ghé qua nữa. Ả gật đầu qua quýt, bước nhanh về nhà. Trong nồi chỉ còn một hai củ khoai và bắp còi.

Mẹ đang xắt rau khi ả về. Ả vui vẻ kể cho mẹ nghe chuyện ban sáng. Mẹ khá ngạc nhiên, nhưng cũng gạt nó đi rất nhanh bằng cách sai ả ra sau vườn cho heo ăn. Mấy con heo kêu inh ỏi khi ngửi thấy mùi cám tràn vào trong máng, tụi nó chồm lên, vừa ăn vừa kêu ụt ịt. Ả bâng quơ nói vài câu với lũ heo, rồi thấy chuồng đã bắt đầu bốc mùi, ả bèn ra ao múc nước vào dội rửa.

- Xuân, vô ăn cơm!

Ả dạ một tiếng, đặt chổi xuống, tất tả chạy ra. Rửa sạch chân chỗ sàn nước, ả háo hức trèo lên phản. Mẹ hơi nhăn mặt khi nghe mùi bốc từ ả. “Này, ăn xong rồi thì đi tắm đi.” Ả gục gặt đầu, hao háo nhìn mẹ giở nắp nồi. Khói trắng phả ra, mùi khoai nồng nặc. Ả xìu xuống khi thấy mười phần trong nồi chỉ có hai phần cơm.

- Nhăn nhăn cái gì, ăn lẹ còn đi nghỉ!

Mẹ xới cho ả, hơn nửa nồi mà vẫn chưa lên được tới miệng chén. “Chờ mấy con heo tới lứa, đem bán thì sẽ được ăn no, nên mày ráng chăm tụi nó đi.” Mẹ lầm bầm. Ả nhún vai, gắp thêm miếng rau muống luộc. Mùa này hơi hẻo nên đành bấm bụng vậy, hy vọng mùa sau sẽ đỡ hơn. Bữa ăn trôi qua với những câu chuyện trò của mẹ, chẳng hiểu sao lại xoay ra một vấn đề:

- Hầy, mẹ lo cho mày quá con ạ! Mà mẹ thấy thằng Trầu cũng tốt lắm, hay mày theo nó luôn đi.

Ả suýt đánh rơi chồng chén trên tay. Mẹ tỏ vẻ không hài lòng hết sức nhìn ả lắc đầu quầy quậy. Với tay lấy cái giẻ, mẹ vừa lau phản vừa nói:

- Mày còn chê gì nữa? Còn mỗi nó là gọi đúng tên mày thôi, mà nó cũng hay lo cho mày lắm, lại lễ phép, biết trên biết dưới…

Ả lén chuồn ra ngoài trước khi mẹ kết thúc lời giảng. Loay hoay đun sẵn một nồi bồ kết trước khi rửa chén, nồi sôi cũng là lúc ả rửa xong. Xách hai thùng nước vào nhà tắm, ả cẩn thận gội đầu với bồ kết, không để nó văng trúng mắt, và tận hưởng cái mát lạnh khi đổ thật chậm từng gáo nước lên người. Tắm xong, ả vuốt ve mái tóc dài thẳng mượt của mình bằng chiếc khăn mềm nhất, kiên nhẫn hong nó dưới mái hiên. Mẹ tắm ra, thấy ả ngồi hong tóc, bèn lấy cây lược chải đầu cho ả.

- Tội nghiệp mày, con ạ!

Mẹ thở dài thườn thượt theo từng nhát chải. Ả quay lại cười với mẹ. Mẹ lần tay lên mặt ả, nửa bên phải mà ngày nào ả cũng phải che. Ả có thể thấy mắt mẹ từ từ đỏ lên và lóng lánh. Ả nắm tay mẹ, cười ngờ nghệch.

Không sao đâu mà.

Thật đấy. Không lấy chồng thì đã sao? Ả sẽ toàn tâm toàn ý lo cho mẹ đến cuối đời, mẹ cũng không phải sợ cảnh ả đi làm dâu khổ trăm bề nữa. Ả ôm mẹ, dụi đầu vào bụng mẹ, bảo, ả chỉ muốn ở bên mẹ mãi thôi.

- Cái con này, hai chục tuổi đầu rồi mà còn…

Mẹ vỗ nhẹ lên đầu ả. “Thôi được rồi, ngủ sớm đi, mai còn dậy sớm.” Mẹ đẩy ả ra, bước nhanh vào buồng trong. “À mà, hôm nay bán được nhiều, để hôm sau mẹ mua thêm gạo.” Mẹ nói vẳng ra. Ả nhe răng cười sung sướng, tiếp tục ngồi hong tóc cho khô. Tay vô thức đưa lên mặt, ả lần dò trên lớp da sần sùi. Mẹ bảo, ngày xưa ả xinh lắm, nên cha mới đặt tên là Xuân. Nhưng từ ngày được cứu ra từ trận hỏa hoạn đã lấy mạng cha đó, người ta lại gọi ả bằng cái tên khác – cô Bỏng – như thể nhắc nhở ả rằng, suốt cuộc đời này hạnh phúc lứa đôi là cái gì đó rất xa xôi với ả.

Nghĩ đến đấy, chẳng hiểu sao ả lại nhớ đến người đàn ông trẻ lúc sáng. Moi đồng xu ả xin mẹ cho giữ lại ra, đặt nó giữa lòng bàn tay và ngắm nghía. Ánh mắt người đó nhìn ả lạ quá, thật kì cục, làm ả mất hết cả tự nhiên. Rồi ả nghĩ, không biết hôm sau người ta có ra mua nữa không. Nếu có, ả nhất định sẽ lấy cho mấy trái bắp ngon nhất, coi như để cảm ơn vì đã quá hào phóng. Ả cười, cảm thấy xốn xan trong lòng. Giấc ngủ hôm ấy dễ chịu hơn thường ngày dù bụng ả vẫn đói meo.

Mấy hôm nay, người trong chợ đồn rằng, cô Bỏng được người ta để ý rồi.

Chuyện là thế này, cô Hai xắn tay áo kể, ngày nào cũng như ngày nào, cứ sáng ra là có một người đàn ông trẻ, đẹp trai đến mua hai trái bắp. Mua có hai trái thôi đấy, mà trả tiền đến mười trái cơ. Con Bỏng đòi trả tiền thừa thì không chịu, còn ép giữ lấy, làm con Bỏng phải trốn hết mấy bữa nay, vậy mà hôm nào cũng lượn qua một vòng, còn hỏi thăm nó nữa chứ. Thử nghĩ xem, nếu không phải để ý rồi, thì làm gì mà phải làm ba cái chuyện đó?

Ôi thôi! Cô Bỏng may thật, may thật! Đáng ganh tị làm sao!

Ả có thể nghe tiếng cảm thán của mọi người từ tận ngoài cổng chợ. Cúi đầu quảy gánh tiến vào trong, ả ngại ngùng chẳng dám nhìn ai, càng kéo cái khăn che mặt kỹ hơn. Mọi người thấy ả liền tản ra, nhưng vẫn chào hỏi chọc ghẹo. Ả càng ngượng hơn, chỉ dám gật đầu qua quýt. Ả có thể cảm nhận được mọi tia nhìn đều đang bắn vào ả, vừa tò mò vừa thích thú, cũng có ganh tị, thậm chí là ganh ghét nữa. Ả nghe đâu đó giọng nói chua ngoa của hàng cá vẳng lại: “Con cùi đó hả, chỉ được nửa cái mặt, nửa còn lại, nhìn mà phát khiếp!”

Ả tấm tức lầm bầm, có phải lỗi của ả đâu cơ chứ!? Là ai kia cứ làm ra mấy chuyện mờ ám khiến ả mang tiếng. Ngày thứ hai nhận được số tiền quá lớn như thế, ả đã vội gọi lại để trả thì ông ta bảo cứ giữ lấy. Ả không chịu, nhất quyết trả, nhưng ông ta đi nhanh quá khiến ả chạy theo không kịp. Hôm sau nữa ả định không nhận tiền, thì ông ta lại nhét tiền vào trong gánh làm ả moi ra gần chết, còn bị mẹ mắng vì hậu đậu. Ả uất ức kể với mẹ. Mẹ trầm ngâm lâu lắm, tối đó cũng nằm thao thức, rồi sáng hôm sau mẹ nắm tay ả bảo, thôi mày tạm đừng ra chợ mấy ngày đi.

Mẹ bảo, một người như vậy, lại để ý đến mày, thật không tin được. Mẹ bảo, đừng vì mấy đồng tiền mà mờ mắt, con ạ. Nghĩ lại xem, mày có gì chứ? Mẹ nói mà mắt đỏ hoe. Ả cũng hiểu, nên mấy bữa rồi ả chỉ toàn đi bán dạo lanh quanh. Ngang qua hàng nước của anh Trầu thì bị gọi lại hỏi han. Trầu có vẻ rất lo cho ả, dặn ả hãy cẩn thận. Anh dặn tới dặn lui, còn đòi đi theo bảo vệ ả. Ả cảm động lắm, nhưng cũng chỉ cười nói không cần đâu, mình có gì cho người ta lợi dụng chứ, chán rồi họ sẽ bỏ thôi. Trầu nhìn ả thật lâu, ấp úng nói, Xuân à, hay là…

Hay là…

Trầu đỏ bừng mặt rồi ngậm tăm. Ả cũng lờ mờ đoán được Trầu định nói gì. Ả biết, Trầu là người tốt, ả cũng thương Trầu lắm, thương như một người bạn thanh mai trúc mã. Mẹ nói đúng, có lẽ ả nên theo Trầu đi. Ấy thế mà, trong thâm tâm lại có gì đó không nắm bắt được cứ ngăn cản ả, không cho ả theo Trầu. Thôi vậy, coi như là không có duyên nợ gì.

Ả miên man nghĩ đến quên mất rằng, ả đang ở chợ, và không biết cái kẻ mờ ám đó vẫn ngày ngày ra tìm ả.

- Bán cho hai trái bắp.

Ả giật mình nhìn lên. Vẫn dáng đứng hiên ngang đó, vẫn ánh mắt sâu kì lạ đó. Ả thở dài, gói hai trái bắp to và ngon nhất, nhưng trước khi đưa cho người ta, ả đột nhiên hỏi, thật ra ông muốn gì.

Muốn gì ư?

- Chỉ là muốn ăn bắp.

Ả cau mày, rồi bất ngờ, ả đứng lên, vạch tấm khăn che mặt ra.

Mẹ nói hồi còn nhỏ ả xinh lắm. Thật ra bây giờ ả vẫn xinh. Mắt to, trong sáng, cái mũi tẹt hơi hếch lên bướng binh, vành môi cong cong ẩn cái cười tình. Ả rất xinh. Nhưng xinh có nửa khuôn mặt thì được gì chứ? Nửa bên còn lại, bảo xấu xí e là còn đỡ. Để nửa cái mặt đó đi trong đêm, người ta gặp rồi sợ rằng phải kêu lên là quỷ. Làn da đỏ tấy ôm sát vào xương mặt, lốm đốm trắng xác, nổi từng cục. Mắt lồi ra, trắng sữa, đục ngầu. Phần trên trán trọc lóc, chỉa lưa thưa mấy sợi. Phần mặt phải của ả đã hoàn toàn bị hủy.

Người đàn ông trợn mắt nhìn ả. Cả khu chợ lặng hẳn đi. Ả đứng đó, trừng trừng nhìn ông ta. Nửa trái và nửa phải, hai thái cực trên cùng một gương mặt, trừng trừng nhìn ông ta.

Một thoáng khó chịu lướt qua người đàn ông. Ả đã lên đến đỉnh điểm của sự chịu đựng, ném hai trái bắp trên tay xuống đất và chạy đi. Ả lao khỏi khu chợ như một con điên, vừa chạy vừa tháo tung mấy cái khăn quấn trên đầu. Nước mắt nhoe nhoét khắp mặt ả. Ả chạy qua cây cầu, loạng choạng thế nào lại té xuống sông. Ả lóp ngóp bơi bám vào khúc cây gần bờ, rồi ả đứng đó, ụp mặt xuống nước. Ả gào lên trong nước. Bọt nước sôi sùng sục ập vào đầu ả, xổ tung mái tóc ả. Ả ước gì mình cứ đứng đấy mà chết quách đi cho xong.

Rồi đột nhiên có một đôi tay lôi ả lên bờ. Ả vùng vẫy gạt ra, nhưng đôi tay vẫn kềm giữ ả, kéo ả khỏi mặt nước.

- Xuân, bình tĩnh lại đi!

Xuân, không sao đâu.

Xuân!

Người đó ôm chặt ả vào lòng, thì thầm, dỗ dành ả. Ả tấm tức khóc, kêu gào như một đứa con nít. Người đàn ông dìu ả đứng lên, đưa ả về nhà. Mẹ sợ tái mặt khi thấy ả ướt mem và rũ rượi. Mẹ gào khóc, mắng ông ta, thét lên rằng hãy để họ yên. Họ đã làm gì ông ta chứ? Đi đi, để họ yên đi!

Người đàn ông không nói gì, lặng lẽ bỏ về, nhưng giữa trưa có người mang chiếc gánh đến trả cho nhà ả.

Mẹ ôm ả, nhìn chiếc gánh. Hai cái nồi đã trống không, bên trên đặt một bọc tiền nhỏ, xem ra vừa đủ số tiền bán hết khoai và bắp trong nồi. Ba hôm rồi mẹ nhìn chiếc gánh, ả cũng đã khóc đủ ba hôm. Rốt cuộc, mẹ thở dài thật dài:

- Con à, mày có thích người ta không?

Ả run run khóc, gật đầu.

Ừ, ả thích mất rồi, thích hơn cả Trầu, thích đến mức muốn làm vợ người ta. Mới gặp một lần thôi đã thích. Nhưng ả cũng biết thân biết phận mình lắm, mình có gì xứng với người ta cơ chứ? Ả không muốn trở thành trò cười nữa.

- Con à, mẹ thấy người ta cũng có lòng, thôi thì, tùy duyên đi. Ngày mai quảy gánh ra chợ, gặp thì mời người ta về nhà cho mẹ hỏi chuyện, được không?

Ả suy nghĩ thật lâu, cuối cùng, gật đầu.

Ừ thì, tùy duyên.

Mấy hôm nay, người trong chợ đồn rằng, cô Bỏng sắp lấy chồng, đi xa rồi.

Biết chồng con Bỏng là ai không? Cô Hai lắc đầu. Ôi thôi, nghe nói khá giả đấy, là thương buôn đấy, mà vừa trẻ vừa đẹp trai. Tiếc thật, lại nhắm trúng con Bỏng! Ước gì mình chưa có chồng nhỉ… Nhưng thôi, coi như cho mẹ nó chút an ủi lúc tuổi già vậy. Chồng mất, con gái lại ra cái dạng đó, giờ gả được nó đi rồi chắc cũng an tâm.

Mà không hiểu sao lại nhìn trúng con Bỏng nhỉ? Hàng cá đối diện nhăn mặt. Xem đi, cái mặt như thế, cái người chắc cũng chẳng hơn, đem về làm quái gì?

Ha ha, cay cú rồi sao?

Ôi, cô Bỏng may mắn quá đi thôi!

Tiếng bàn tán râm ran suốt trong chợ, phiên chợ sớm không còn bóng dáng một cô gái hay bán khoai.

Đám cưới ả trở thành sự kiện gây xôn xao nhất trong thôn, lại diễn ra một cách chóng vánh đến không ngờ. Không chỉ Thọ – người đàn ông đó – mà cả mẹ con ả cũng muốn vậy.

Nghe đâu, lễ hỏi và lễ cưới tổ chức luôn một lượt, vì Thọ không lưu lại được lâu, mà cũng chẳng muốn lỡ ngày lành. Tuy vội nhưng mọi thứ đều tươm tất cả. Sáng sớm nhà trai đã tới, lễ vật nhìn theo số người nhà gái mà mang: mấy mâm quả đầy vung, một con lợn cưới béo mập. Nhà trai không đòi hỏi của hồi môn, nhưng mẹ ả vẫn có. Suốt bao nhiêu năm mẹ đã gói ghém để dành được một ít, thêm vài món trang sức truyền cho con gái. Mẹ bảo, lúc nhà khó khăn nhất vẫn không nghĩ đến việc đem bán, như một tia hy vọng rồi ả sẽ tìm được hạnh phúc. Ả cảm động lắm, lại không dám khóc, vì sợ lớp hóa trang sẽ trôi đi mất. Nửa mặt phải của ả đã bị được che đi cẩn thận, chỉ chừa ra nửa trái được trang điểm công phu. Nếu nhìn bên trái thôi, ai dám bảo ả sẽ một mình đến tận lúc này chứ? Xinh như thế, đẹp như thế, tại sao ông trời lại tàn nhẫn như vậy? Rốt cuộc mẹ ả bật khóc.

Được rồi mà, ả vỗ lưng mẹ an ủi, con sắp lấy chồng rồi đấy thôi. Chồng con vừa đẹp vừa giàu, người cũng tốt nữa, mẹ yên tâm rồi chứ?

- Làm sao mà yên tâm được? – Mẹ ả nghẹn ngào. – Mẹ thì có lúc nào thôi lo lắng về con cái, nhất là một đứa con gái như mày? Mày đó, qua nhà người ta rồi nhớ lanh lợi một chút, cẩn thận một chút, giữ kẻ một chút, không được tự nhiên như ở nhà đâu, nhớ chưa?

Mẹ dặn ả thêm nhiều lắm, rối rắm, nhắc đi nhắc lại như thể sợ vừa bước ra khỏi cửa buồng kia thôi ả sẽ quên hết. Ả đều ngoan ngoãn vâng dạ. Mẹ chỉ ngừng khi có tiếng người gõ cửa nhắc đã đến lúc ra.

Đồ lễ đã được đặt lên bàn thờ. Ả không có cha, cũng không có anh em trai, nên cậu ả đảm nhận việc thắp hương. Thọ và ả chia nhau mấy cây nhang, cùng bái lạy tổ tiên. Mùi hương trầm hòa quyệt mùi khói, khiến ả cảm thấy hơi khó thở.

Khách khứa đến ngày càng nhiều, phần vì tình thân, phần vì tò mò. Nhà ả nhỏ, mà khách lại đông quá, nên mọi người phải ngồi tràn ra đường. Ả nhìn một lượt, toàn người quen cả, ở cái thôn này thì có ai xa lạ chứ. Chú Hai hàng xóm, cô Bông, cô Sáu, cả anh Trầu nữa. Trầu đứng một góc khuất ở đằng xa, gần cuối đám người, đầu cúi gằm, vẻ mặt là hối tiếc. Ả không nhìn Trầu lâu, chỉ lướt qua, gửi một ánh mắt có lỗi rồi quay đầu.

Trời xẩm chiều cũng là lúc ả được rước đi. Mẹ nắm tay ả quyến luyến mãi không buông. “Con à, thỉnh thoảng nhớ nhờ người ta viết về cho mẹ vài dòng.” Mẹ dặn trong làn nước mắt, “Có gì mẹ kêu thằng Trầu, hay ông Khánh đọc giùm. Nhớ nghe con, đừng mải chỉ biết có chồng mà quên mẹ.”

Mẹ nói gì chứ, ả lắc đầu quầy quậy, con làm sao mà quên mẹ chứ? Mẹ chờ xem, con sẽ gửi về nhiều đến nỗi mẹ phải bảo bớt lại cho mà xem.

- Nào, đi thôi.

Thọ kéo nhẹ tay ả. Hai mẹ con buông nhau ra. Ả bước theo chồng mà đầu cứ ngoảnh lại. Chiếc xe ngựa cọc cạch lăn đi. Trầu ngóng theo bóng chiếc xe khuất dần, choàng tay lên đôi vai gầy của mẹ đang run rẩy trong cơn nấc nghẹn.

Xuân… đã đi rồi.

Ừ, Xuân đã đi rồi…

 ~*~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro