i.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một thành trì kiên cố

***

"Vậy là có bức ảnh này, như minh chứng của khởi đầu – như minh chứng của hồi kết, được chụp vào mùa hè năm 1918."

La Mã sụp đổ; Jérôme Ferrari

...

Biển Tyrrhenia, Italy. Từ Pisa đến Rome.

"Sắp đến thành Rome chưa?"

"Đây là lần đầu chúng ta đến Vaitican."

"Lạy Chúa lòng lành, chúng ta sẽ đến thánh đường đầu tiên".

"Còn em muốn đến đền Karnak xem thần mặt trời".

"Đền Karnak ở Ai Cập, giờ chúng ta đang ở Ý đấy ngốc ạ".

Tiếng nói vui vẻ trên tàu chưa giây nào ngừng lại, bao nhiêu ánh mắt mong chờ giữa biển trời trông về một nơi vô định. Lằng ranh chơi vơi nơi chân trời ấy rồi sẽ dần nhả ra bến bờ mà nó đang nuốt chửng, trả lại niềm háo hức cho bao người đang dõi mắt kiếm tìm.

Mặt biển mênh mang theo con tàu rẽ nước vẽ nên sóng trắng, từng đợt từng đợt ập vào mạn tàu, hòa trong tiếng gió trời tháng sáu như thể đang muốn dâng mình hòa vào điệu violin của người nghệ sĩ hát rong trên boong.

Ánh mặt trời xuyên qua màng mây, dịu nhẹ đáp xuống mái đầu, làm bật lên màu tóc đỏ rượu của chàng trai ngồi thu mình một góc. Cậu trai chạc hai mươi, với mái tóc dài chấm vai, đôi con ngươi ánh hồng.

Xinh đẹp, không phải từ để hình dung một người con trai. Nhưng với cậu ấy, lại chẳng có mỹ từ nào phù hợp hơn.

Chigiri Hyoma, đến từ xứ anh đào, đất nước mặt trời mọc.

Bản violin lại thay đổi tiết tấu, lần này là một giai điệu quen thuộc mà Chigiri đã từng nghe vài lần. Nhưng bất kể lúc nào, dù là từ những tay đàn khác nhau, trong lòng Chigiri luôn dâng lên cảm giác bất an. Vũ điệu dần trở nên điên cuồng, gấp rút làm người ta ở giữa trời xanh mà những tưởng mình lạc vào nghĩa địa Holy Innocents và nhảy múa cùng những bộ xương.

"Gió đông thổi và đêm tối tăm,
Những cây đoạn rì rầm rên rỉ;
Những bộ xương trắng xuyên màn đêm
Chạy nhảy dưới tấm vải liệm rộng,

Zíc zíc zíc, ai nấy lắc lư,
Tiếng xương vũ công nghe lách cách,
Một cặp đôi đú đởn ngồi trên rêu
Như để nếm vị xưa êm ái.

...

Zíc zíc zíc điệu xa-ra-băng rõ oách!
Những người chết nắm tay nhau thành vòng!
Zíc zíc zác, ta thấy ở trong bầy
Ông vua nhảy nhót bên ông mãnh!

Nhưng chết tiệt! Đột nhiên họ rời vòng,
Xô đẩy nhau, chạy trốn, gà vừa gáy...
Ôi! Cái đêm tuyệt đẹp dành cho kẻ khốn cùng!
Cái chết và sự bình đẳng muôn năm!"

(Vũ điệu tử thần | Henri Cazalis)

Trong dạ dày ập đến cảm giác bồn chồn, lòng cậu trai thấp thỏm trước điệu sầu tàn đêm của thần chết trước khi chìm sâu vào trong lòng đất. Chigiri không nhớ tên nhạc khúc, chỉ nhớ đó là điệu violin của Saint-Saëns, xoay quanh cái chết và ma quỷ. Cái chết, Chigiri luôn nghĩ, chỉ cần không là cái chết, sẽ chẳng có gì quá đỗi lớn lao.

Nhưng Chigiri chưa biết rằng, Thánh đường Phêrô sẽ cho em nếm trải nỗi đau của đêm trường, cho em gặp được một người, dẫu có phải nếm trải cái chết cả trăm ngàn lần, cũng chẳng thể quên được.

Người ấy là thiêng liêng, là trân quý. Ngài là con của Chúa Trời và trái tim Ngài thuộc về Chúa.

Tiếng còi tàu xé ánh tàn dương, thu buổi hoàng hôn chìm vào lòng Tyrrhenian sâu thăm thẳm. Từng áng mây hồng thả mình trôi theo chút nắng chiều ít ỏi, ẩn vào trong đêm tối.

Chigiri đặt chân bước lên đất liền sau mấy tiếng đồng hồ lên đênh trên biển. Gió trời thổi tung mái tóc ánh hồng, Chigiri hít một hơi thật sâu như thể đang nói lời chia tay với vị mặn nơi làn nước xanh đã nhuộm lấy một gam màu trầm lặng của màn đêm.

Chàng trai xoay người đi, kéo cái bóng ngã dài trên mặt nước dần lặn mất tăm, bỏ bóng trăng mờ lại phía sau lưng.

Biết đâu được, đây là lần cuối cậu ta được nhìn Tyrrhenian với tiếng còi tàu vang vọng trong buổi hoàng hôn.

Là lần đầu, và cùng là lần cuối.

Buổi ráng chiều năm hai mươi bốn, đánh dấu sự kết thúc, cũng là sự khởi đầu.

.

17.06.2017, Thành Vaitican, Quảng trường Thánh Phêrô.

Chigiri Hyoma đứng trước bảo tàng, đắm mình trong thế giới nghệ thuật. Trên khuôn mặt cậu trai, người ta thấy ở đó tuổi trẻ, nhiệt huyết, và có bao nhiêu niềm vui sướng đang trổi dậy.

Bảo tàng Vaitican, ước mơ của Chigiri. Tuổi hai bốn, một thân một mình, đến tận một đất nước xa xôi. Chất chứa trong tim bao khát vọng, cuối cùng, Chigiri cũng theo đuổi được giấc mộng của mình.

Nhìn công trình nghệ thuật trước mắt, trái tim chàng trai thổn thức biết bao. Đây là sự hòa trộn của biết bao nhiêu nền nghệ thuật xuyên suốt trong mấy trăm năm lịch sử. Từ Phục Hưng chạm đến sự cầu kỳ, hư ảo, kịch tính và đầy mãnh liệt của lối kiến trúc Baroque trong thời kỳ Phản cải cách.

Rải bước dọc hành lang, tham quan từng ngỏ ngách. Đặt chân vào Pio Clementino, đôi ruby đỏ chạm vào vào bức tượng đá cẩm thạch tinh xảo điêu khắc thần Apollo trong thần thoại Hy Lạp xưa cổ. Người ta gọi đấy là Apollo Belvedere, bản sao La Mã của bức tượng đồng nguyên bản được tạo ra giữa năm 330 và 320 trước Công nguyên bởi nhà điêu khắc người Hy Lạp - Leochares.

Từng đường nét chạm khắc được tinh rọi dưới ánh đèn, thu vào đôi mắt nhiệt thành của chàng trai mê đắm nghệ thuật. Cậu ta đứng đó, thật lòng muốn đưa tay chạm vào, tĩ mẫn cảm nhận từng thớ thịt. Đúng như Johann Joachim Winckelmann, người sáng lập ra ngành khảo cổ học, đã gọi bức tượng này là "lý tưởng nghệ thuật cao nhất trong số tất cả các tác phẩm thời cổ đại". Trước mặt Chigiri giờ đây, dường như chẳng còn là một khối đá mà thật sự là một người bằng da bằng thịt. Sự rung cảm tận đáy lòng đã giúp Chigiri Hyoma nhận thấy cái đẹp toàn bích mà người nghệ sĩ đã hết lòng tạo nên.  

Trong giờ khắc lắng đọng ấy, dường như cậu trai đang để hồn mình lạc về cả trăm ngàn năm trước, vào những rừng cây u tịch, hoang dại nhưng cũng đầy huyền diệu, mơ màng của thần thoại cổ xưa. Nơi đó, Apollo không còn đặt tay trái lên khúc gỗ như tượng thạch anh nữa, mà thân hình tuyệt mỹ ấy đang ở trước mặt nàng Daphne nói lời yêu. Thế nhưng thật đau lòng, Tiên Sông thà rằng đánh đổi nhan sắc chứ không thể nào chấp nhận Apollo.

Chigiri khép mắt, nén tiếng thở dài, tiếp tục xoay chân chiêm ngưỡng những vẻ đẹp khác. Apollo cố chấp và nàng Daphne tuyệt tình như thế là vì trúng phải mũi tên của thần tình yêu Eros. Nhưng dẫu sao thì đó cũng chỉ là những giai thoại trong thần thoại xa xưa. Chưa bao giờ Hyoma tin rằng, sẽ có một tình yêu mãnh liệt đến thế trên đời. Nếu có, cũng sẽ chẳng bao giờ đến với mình. Em không tin vào tình yêu, không tin mình sẽ yêu ai như thế và cũng sẽ chẳng có ai yêu mình nhiều đến vậy.

Nhưng thần thoại đã đúng, cố chấp theo đuổi một người không hề yêu mình, kết cuộc vô cùng bi thương. Chigiri nghĩ, nếu sau này có rung động với ai, nếu người đó không thích mình, em sẽ từ bỏ. Như thế tốt cho bản thân, mà cũng buông tha cho người ta.

Nhìn những bức bích họa dày đặc trên tường. Chigiri nhớ mình đã đến thăm Anh quốc và Pháp vì say mê sự lãng mạn trong tranh của Claude Monet. Trường phái Ấn tượng mà danh họa người Pháp đã gầy dựng nên làm Chigiri thật sự mê đắm. Đó là những đóa anh túc đỏ rực trong nắng hè dưới những đám mây mỏng tang trôi nhẹ giữa trời Argenteuil, là đám sương mờ trốn sau những con tàu hơi nước trong ánh triêu dương nơi cảng Le Havre - sự hồi sinh trong ánh tàn tro của xứ sở nàng Marianne. Nhưng không biết tự lúc nào, Raphael xuất hiện và trở thành một sự cuốn hút đầy lạ lùng với Chigiri. "Hoàng tử Phục hưng" đã làm Chigiri đem lòng say mê nền hội họa Ý, đưa hồn em đến giấc mộng Vaitican, đến một Đế Chế La Mã tưởng như không gì có thể suy suyễn nổi cũng đã đến hồi suy vong. Mọi thế giới đều phải sụp đổ, mọi thế giới đều phải đến hồi tận thế. Vĩnh hằng sẽ không tồn tại. Và trong lòng Chigiri cũng chưa bao giờ quên, phải luôn tự nhắc mình như thế. Rằng sẽ chẳng có điều gì là mãi mãi.

Chigiri căn một góc thật hoàn hảo, thu vào ống kính bức sơn dầu trước mắt. Lưu giữ Trường Athens của Raphael như một minh chứng mình đã từng đến Stanza della Segnatura. Trung tâm Trường Athens là hai triết gia cổ Plato và Aristotle đang tranh luận về bản chất của vũ trụ. Plato chỉ tay về phía bầu trời, tin vào sự tồn tại của những thế lực tạo hóa tâm linh vượt ra ngoài thế giới hữu hình. Trong khi Aristotle chỉ tay xuống đất, khẳng định niềm tin của mình vào chủ nghĩa quan duy vật.

Là người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng, bác bỏ quan niệm sản sinh sự sống và con người của thần thánh, Chigiri không tin vào sự tồn tại của các thế lực siêu hình và sự bất tử của linh hồn người. Em không tin vào Chúa trời, nhưng cũng không phản đối sự tồn tại của tôn giáo. Mỗi người có đời sống tinh thần riêng và Chigiri cảm thấy bản thân cần tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Vin vào niềm tin, tự thân mỗi người củng cố cho mình một chỗ dựa tinh thần để tiếp tục sống. Còn bản thân Chigiri Hyoma, cuộc sống oan nghiệt tước đoạt đi niềm tin của em. Em chỉ có mỗi thân mình, chỉ có thể tự mình cứu lấy mình mà thôi.

Nhưng cũng chính thân em, sa mình vào vũng bùn lầy lội, phá nát hết thảy mọi nguyên tắc mà mình gầy dựng về thế giới này, và còn hủy hoại cả bản thân mình. Hết thảy, hết thảy những điều ấy, chỉ vì một người, duy nhất một người.

Michael Kaiser.

***

Chú thích:

Apollo Belvedere


The Poppy Field, 1873 by Claude Monet:


Impression, Sunrise by Claude Monet:

The school of Athens by Raphael:


Thông tin cho ai muốn tìm hiểu thêm về bảo tàng Vaitican: https://www.thevaticantickets.com/inside-vatican-museums/

Bàn về Pluto, Aristotle và góc nhìn mỹ học: https://www.epochtimesviet.com/cuoc-thao-luan-my-hoc-giua-aristotle-va-plato_321278.html

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro