MỞ ĐẦU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mấy điếu xì gà cháy đã gần tàn, chúng tôi bắt đầu phần nào cảm thấy nỗi thất vọng, cái cảm giác vẫn thường đến với những người trước kia đều là bạn học, giờ đây đã lớn tuổi gặp lại nhau, và thấy giữa họ không còn nhiều điều chung như họ vẫn tưởng. Rutherford đã trở thành nhà văn chuyên viết tiểu thuyết. Wyland là một Bí thư Sứ quán, anh ta vừa thết đãi chúng tôi một bữa tối tại Tempelhof, bữa ăn chẳng có gì là vui vẻ lắm, tôi nghĩ vậy, nhưng có cái không khí trầm tĩnh vẫn thường thấy ở một nhà ngoại giao vào những dịp như vậy. Dường như chỉ vì chúng tôi là ba chàng trai chưa vợ của nước Anh, lại đang cùng ở tại thủ đô một nước ngoài, nên đã khiến chúng tôi quây lại với nhau mà thôi. Và tôi đã đi đến kết luận rằng, cái vẻ hơi hợm mình ở Wyland Tertius trước kia không hề bớt đi theo năm tháng và với cái chân trong Hội Hoàng gia Victoria; với Rutherford tôi thích hơn. Anh chàng đã trưởng thành từ một chú bé gầy gò, thông minh, chú bé trước kia tôi đã từng trêu chọc, vừa che chở. Có thể vì anh giờ đây kiếm được nhiều tiền hơn và có một cuộc sống thú vị hơn cả hai chúng tôi nên đã khiến Wyland và tôi có một cảm giác chung - cảm giác phần nào ghen tị.

Tuy nhiên, buổi tối hôm ấy không hề buồn tẻ. Chúng tôi đã được nhìn thấy quang cảnh nhộn nhịp sôi động của những chiếc máy bay khổng lồ Lufthansa từ khắp các vùng Trung Âu bay tới và đến khoảng nhá nhem tối, những cây đèn cao áp bật sáng, thì quang cảnh trở nên rực sáng, đầy màu sắc của một sân khấu.

Một trong số những máy bay ấy là của nước Anh, anh phi công vận trang phục đầy đủ đi sát qua bàn chúng tôi; anh ta chào Wyland, nhưng Wyland thoạt đầu không nhận ra nên đã không chào lại. Khi nhận ra, Wyland liền giới thiệu anh chàng phi công với tất cả chúng tôi, và mời anh cùng ngồi vào bàn. Anh phi công còn trẻ, tính tình vui vẻ hòa nhã, tên anh là Sanders.

Wyland xin lỗi anh vì một người khi ăn mặc quần áo đội mũ phi công kín mít thì thực khó nhận ra người đó là ai. Sanders cười rồi đáp lại:

"Ồ, tôi biết rõ điều đó. Xin anh nhớ cho là tôi đã từng phục vụ tại Baskul."

Wyland cũng cười, nhưng có phần thiếu tự nhiên và câu chuyện chuyển sang hướng khác.

Có thêm Sanders, bàn chúng tôi vui hẳn lên và chúng tôi cùng nhau uống rất nhiều bia. Khoảng mười giờ, Wyland rời sang nói chuyện với một người ở bàn bên, Rutherford nhân đó hỏi Sanders:

" Ồ này, nhân tiện tôi muốn hỏi anh bạn, vừa nãy anh bạn có nói mình đã phục vụ tại Baskul. Nơi đó tôi cũng biết chút ít. Anh vừa nói về việc gì đã xảy ra ở đó nhỉ?".

Sanders mỉm cười, vẻ lúng túng:

"Ồ, đây chỉ là một câu chuyện lộn xộn nhỏ tôi đã chúng kiến hồi tôi đang phục vụ ở đó."

Nhưng rồi anh chàng thanh niên không giữ được nổi điều anh muốn giấu kín:

"Sự thực là, đã có một anh chàng người Afghanistan hay người Châu Phi hay người nước nào đây đã cuỗm mất một chiếc máy bay của chúng tôi và hậu quả sự việc thực tệ hại, hẳn các ông cũng dễ thấy. Một sự kiện trắng trợn tôi chưa từng nghe thấy bao giờ. Tên không tặc đã rình anh phi công, đánh anh gục xuống, lột lấy quần áo, mặc vào rồi trèo lên buồng lái mà không một ai nhìn thấy. Nó cũng biết cách ra đúng hiệu cho thợ máy và thế rồi cho máy bay đi rất nhẹ nhàng. Điều rắc rối là hắn đã không hề trở lại."

Rutherford tỏ vẻ quan tâm, sốt sắng hỏi:

"Thế việc ấy xảy ra hồi nào?" 

"Ồ, cách đây có đến đã một năm. Tháng năm, năm ba mươi mốt. Chúng tôi đang làm công việc di tản những dân thường từ Baskul đi Peshawar, do có cuộc Cách mạng nổi lên ở Baskul, có lẽ các ông vẫn còn nhớ sự kiện này. Baskul bị rối loạn chút ít, nếu không thì sự việc đã chẳng có thể xảy ra được. Tuy vậy, sự việc đã xảy ra, điều này phần nào cho thấy quần áo có thể biến đổi con người thành thầy tu được đây, phải không các ông?"

Rutherford lại hỏi:

" Tôi nghĩ ở hoàn cảnh như vậy hẳn mỗi máy bay không phải chỉ có một người phụ trách lái?"

"Đúng vậy, với tất cả các máy bay thường chở quân lính đều có rất đông người phụ trách. Nhưng chiếc máy bay này là một loại đặc biệt. Được chế tạo riêng cho một tiểu vương Ấn Độ - một loại phi cơ đặc biệt. Nhân viên Cục Đo đạc của Ấn Độ đã có lần dùng nó để bay đi làm việc ở vùng cao xứ Kashmir."

"Và anh nói chiếc phi cơ đó đã không hề tới Peshawar?"

"Không hề tới Peshawar và cho đến nay chúng tôi vẫn chưa khám phá ra nó. Điều kỳ quặc của câu chuyện là ở đây. Tất nhiên, nếu không tặc là một người thuộc một bộ lạc nào đó, anh ta hẳn có thể đã bay về một vùng đổi núi với ý nghĩ bắt giữ những người trên máy bay để đòi tiền chuộc, không hiểu sao tôi nghĩ là tất cả họ đều đã chết rồi. Ở vùng biên giới có biết bao nhiêu là những nơi hiểm trở máy bay có thể va vào tan vỡ để rồi không còn tin tức gì về nó nữa."

"Đúng vậy, vùng ấy thì tôi có biết. Thế trên máy bay lúc ấy có mấy người?"

"Tôi nghĩ là có bốn. Ba nam giới và một cô truyền giáo."

"Liệu có phải trong số mấy người đàn ông có thể có một người tên là Conway không?"

Sanders tỏ vẻ ngạc nhiên: "Ồ, vâng, quả có anh Conway Vinh quang, thế ông biết anh ta à?"

"Anh ta và tôi trước đây đã cùng học một trường", Rutherford nói, hơi lúng túng vì đó là sự thực, nhưng đây là điều mà anh thấy rõ nó không hợp với anh.

"Cứ theo như những sự việc anh ta đã làm ở Baskul thì Conway quả là một anh chàng tính tình vui vẻ, tế nhị", Sanders nói tiếp.

Rutherford gật đầu: "Đúng vậy, nhưng rất kỳ quặc... kỳ quặc lắm...". Anh như tỉnh lại sau một lúc đầu óc lan man lơ đễnh. Rồi anh nói tiếp: "Câu chuyện không hề thấy đăng trên báo, song tôi nghĩ hình như tôi đã đọc được tin này ở đâu đó. Câu chuyện về sau ra sao nhỉ?".

Đột nhiên, Sanders có vẻ lúng túng, thậm chí tôi còn nghĩ anh chàng gần như đỏ mặt lên. "Thú thực với ông", anh ta đáp lại, "Hình như tôi đã nói xa quá những gì tôi được phép nói. Nhưng có thể giờ đây câu chuyện không có gì là quan trọng nữa, một tin cũ rích, đáng xếp xó, ông thấy đây, tôi muốn nói, câu chuyện xảy ra thế nào, người ta ỉm đi. Câu chuyện có thể chẳng hay ho gì lắm. Quan chức chính phủ chỉ cho biết là họ đã bị một phi cơ và nêu tên những người bị mất tích. Lối công bố không khiến nhiều người ngoài cuộc quan tâm đến."

Vừa lúc đó thì Wyland quay lại ngồi vào bàn với chúng tôi, Sanders quay lại phía anh nửa như xin lỗi:

"Này ông Wyland, mấy ông bạn đây vừa nói về anh Conway Vinh quang. Tôi e rằng tôi đã hơi huyên thuyên về câu chuyện Baskul - tôi mong rằng ông bỏ qua vấn đề này cho!."

Wyland nghiêm nét mặt nín lặng một lúc. Rõ ràng anh đang tính cách làm sao cho vừa tỏ ra lịch sự đối với mấy anh bạn đồng hương vừa giữ được nghiêm kỷ luật công tác. Một lát sau, anh nói:

"Tôi thật đáng tiếc là đã nghĩ dân hàng không các anh vẫn coi trọng danh dự không bao giờ nói những chuyện huyên thuyên ngoài đường như vậy."

Sau khi chỉnh anh thanh niên, Wyland vui vẻ quay lại nói với Rutherford:

"Tất nhiên, với anh, thích nghe những chuyện như thế là đúng, nhưng tôi tin chắc là anh cũng hiểu rằng, ở nơi biên giới đôi khi cũng cần thiết phải ỉm đi những câu chuyện phải giữ bí mật một chút."

"Mặt khác" Rutherford lạnh lùng đáp, " Người ta vẫn hay tò mò muốn đưọc biết sự thực."

"Với người có lý do chính đáng để muốn biết sự thực thì không có gì phải giấu giếm. Hồi đó tôi đang làm việc tại Peshawar và tôi có thể đoán chắc với anh về điều đó. Anh biết rõ Conway phải không, tôi muốn nói anh biết anh ta từ ngày còn đi học?"

" Biết qua một chút ở Oxford và mấy lần ngẫu nhiên gặp nhau sau đấy. Còn anh, anh có gặp anh ta nhiều không?"

"Hồi ở Angora, khi tôi công tác ở đây, hai chúng tôi có gặp nhau một hai lần."

"Thế anh có thích Conway không?"

"Tôi nghĩ anh ta là một con người tài ba, có điều hơi phất phơ một chút."

Rutherford mỉm cười. "Con người tài ba thì hẳn đi rồi. Quãng đời sinh viên của anh ta thực hết sức sôi nổi - cho đến lúc chiến tranh bùng nổ. Đại diện của trường Oxford về môn bơi thuyền và là người dẫn đầu hội, anh ta giành được giải thưởng về đủ thứ - và tôi còn cho anh ta là một nghệ sĩ dương cầm nghiệp dư vào bậc nhất mà tôi được biết. Một con người tài ba kỳ lạ về nhiều mặt, một loại người mà dễ được Jowett phong làm thủ tướng. Nhưng thực sự là từ sau những ngày ở Oxford, người ta chưa hề được nghe thấy nói nhiều về anh ta. Tất nhiên chiến tranh đã cắt ngang sự nghiệp của anh ta. Anh ta rất trẻ và theo tôi hiểu, anh ta đã chịu đựng qua nhiều thử thách."

"Anh chàng đâu đã bị khiển trách hoặc gì đó", Wyland đáp lại, "nhưng không có gì là nghiêm trọng lắm. Sự nghiệp không hề kém, anh ta đã được tặng Huân chương Phục vụ ưu tú của Pháp (D.S.O.)[1]. Sau đó, tôi tin là anh ta có quay về giảng dạy ở Oxford một thời gian ngắn. Tôi biết là anh ta có đi về Phương Đông năm hai mốt. Nhờ biết nhiều tiếng Phương Đông nên anh ta đã kiếm được việc làm mà không cần qua những thủ tục thông thường. Anh ta đã giữ nhiều chức vụ."

Rutherford mỉm cười vui vẻ hơn.

"Tất nhiên, cái đó giải thích tất cả. Lịch sử sẽ chẳng bao giờ nêu ra hết con số những tài năng bị mai một trong cái công việc hàng ngày đọc chép giấy tờ của Bộ Ngoại giao cùng mời các vị cãi vã nhau trong Tòa Công sứ uống trà."

"Conway công tác tại Lãnh sự quán chứ không phải trong Bộ Ngoại giao", Wyland cao giọng nói. Rõ ràng anh ta không thèm quan tâm đến thứ chuyện vặt ấy, và sau một lát chuyện trò ba láp như vậy, khi Rutherford đứng dậy cáo từ, anh ta cũng không giữ lại. Dù sao thì đã khuya, nên tôi cũng nói xin rút lui. Thái độ của Wyland khi chúng tôi chào từ biệt ra về vẫn có tính chất lặng lẽ chịu đựng của một quan chức, Còn Sanders thì tỏ ra rất thân tình, anh nói anh mong lúc nào đó sẽ được gặp lại chúng tôi.

Tôi định đi chuyến xe lửa xuyên lục địa vào cái giờ buồn bã của buổi sáng sớm. Trong lúc cùng nhau đợi tắc xi, Rutherford có mời tôi trong thời gian đợi xe lửa, tạt vào chỗ khách sạn anh đang ở. Anh nói ở đây anh có một phòng khách để hai người có thể ngồi nói chuyện được. Tôi trả lời được như vậy là rất hay. Và anh nói: "Vậy hay nếu anh ưng thì chúng ta sẽ nói chuyện về Conway, còn nếu anh không thích thì thôi."

Tôi nói, mặc dù tôi biết Conway rất ít, tôi vẫn thích được nghe nói về anh.

"Anh ta rời khỏi trường vào cuối học kỳ đầu tiên của tôi và sau đó tôi không hề gặp lại vào trường, thực không có lý do gì để anh ta tốt với tôi như vậy. Sự việc cũng thường thôi, song tôi cứ nhớ mãi."

Rutherford gật đầu. "Chúng tôi cũng rất thích anh ta mặc dầu tôi cũng chỉ tiếp xúc với anh ta rất ít, nếu tính đo bằng thời gian."

Rồi im lặng, cái im lặng có phần kỳ cục, trong khi đó rõ ràng cả hai chúng tôi đều nghĩ về một người đã tỏ ra quan trọng đối với chúng tôi, điều vượt xa nếu xét đoán dựa trên những lần tình cờ được tiếp xúc với anh ta. Từ đó tôi vẫn thường thấy những ai đã gặp Conway, dù chỉ là hình thức và trong chốc lát, vậy mà họ vẫn cứ nhớ anh ta một cách hết sức sâu sắc. Anh ta đúng là một thanh niên cừ khôi, còn với tôi, người đã biết anh ở tuổi hay sùng bái các vị anh hùng, hình ảnh anh trong đầu óc tôi thực đặc biệt lãng mạn. Anh cao lớn, gương mặt khôi ngô, không những xuất sắc trong các môn thể thao mà còn giành được các thứ giải khác của nhà trường. Vị hiệu trưởng giàu tình cảm có lần nói về những thành tích của Conway đã khen là "vinh quang" và cũng từ đó anh ta có biệt hiệu "Conway Vinh quang". Có thể chỉ có anh ta là xứng đáng với cái tên đó. Tôi còn nhớ lần anh ta đọc diễn văn bằng tiếng Hy Lạp vào ngày phát phần thưởng của nhà trường; và thường được liệt vào hạng nhất trong các buổi biểu diễn sân khấu của trường. Ở anh ấy có một cái gì đó mang tính cách của con người thuộc triều đại Nữ hoàng Elizabeth, tài linh hoạt rất tự nhiên, vẻ mặt khôi ngô, con người sôi nổi kết hợp cả hoạt động tinh thần lẫn thể chất. Có một chút gì của dân Philip-Sidney. Ngày nay nền văn minh của chúng ta không làm nảy sinh được những con người như vậy. Tôi nói ý kiến đó với Rutherford và anh đáp lại:

"Vâng, đúng vậy, và chúng ta có một từ đặc biệt để dè bỉu những con người đó - ta gọi họ là những nhà tài tử. Tôi cho rằng hẳn cũng có những kẻ gọi Conway với cái từ ấy, những người như Wyland chẳng hạn. Tôi không thèm đếm xỉa đến Wyland. Tôi không thể chịu được cái loại người đầy vẻ nghiêm trang và ta đây quan trọng. Và anh có nhận thấy cái đầu óc quan đầu tỉnh của anh ta không? Những câu dạy đời về những con người cần trọng danh dự và nói huyên thuyên chuyện ngoài đường - như thể Cái Đế quốc chết tiệt nọ là lớp Năm ở trường dòng St. Dominic! Song, vậy mà, tôi cứ phải luôn đụng đầu với các vị quan lớn ngoại giao ấy."

Chúng tôi lặng lẽ đi qua mấy khu nhà. Rutherford nói tiếp:

"Tuy vậy, tôi cũng không tiếc là đã mất toi buổi chiều hôm nay. Nghe anh chàng Sanders nói về câu chuyện ở Baskul, tôi thấy rất thú vị, một điều đặc biệt. Chuyện này, trước đây tôi đã có nghe nói và không tin lắm. Đây chỉ là một phần của câu chuyện còn ly kỳ hơn nhiều mà tôi thấy chả có lý do gì để tin, hoặc giả nêu có thì cũng là một lý do rất mong manh. Giờ đây thì có hai lý do rất mong manh. Tôi dám nói, hẳn anh cũng thấy đây, tôi không phải là một người cả tin. Tôi đã từng đi đây đi đó nhiều nơi và biết trên đời có những sự việc rất kỳ quặc - nghĩa là những điều chính mắt được nhìn thấy, còn nếu anh chi nghe qua người khác thì thường là không kỳ quặc lắm đâu. Vậy mà..."

Thốt nhiên, Rutherford như chợt thấy rõ những điều anh vừa nói chẳng có ý nghĩa gì lắm đối với tôi, nên phá ra cười. "Ồ, có một điều chắc chắn là tôi không thích tâm sự với Wyland. Tâm sự với anh ta chẳng khác nào tìm cách đổi một bản anh hùng ca lấy mấy mẩu thức ăn. Tôi muốn làm điều đó với anh."

"Có lẽ anh làm cho tôi hãnh diện quá đây!" Tôi nói.

"Không phải cuốn sách anh viết đã khiến tôi có ý nghĩ ấy."

Tôi chưa hề nói ra tôi đã viết một cuốn sách có phần về chuyên môn, (nói cho cùng, sách của một nhà thần kinh học không phải được ai cũng đọc đến), nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy Rutherford đã nghe nói đến nó. Tôi bày tỏ ý này với anh và anh trả lời: "Ồ, anh thấy đây, tôi quan tâm đến nó vì Conway đã một thời bị mắc chứng quên đi mọi sự việc."

Tới khách sạn, Rutherford đến phòng khách lấy chìa khóa. Lúc hai chúng tôi lên tầng năm, anh nói: "Tất cả những cái đó chỉ là nói quanh mà thôi. Sự thật là Conway chưa chết, ít nhất cách đây mấy tháng anh ta còn sống."

Trong thang máy chật hẹp, thời gian cũng chóng nên không ai nói được câu gì. Lá biết?"

Vừa mở khóa cửa, anh vừa đáp: "Vì tôi đã đi cùng Conway từ Thượng Hải đến Honolulu trên một chuyến máy bay phản lực của hãng hàng không Nhật Bản hồi tháng mười một năm ngoái?"

Rồi anh không nói nữa cho đến lúc cả hai chúng tôi đã yên vị ngồi trong chiếc ghế bành uống nước, hút thuốc:

"Anh thấy đây, tôi đã đến Trung Quốc trong một dịp nghỉ vào dạo mùa thu. Tôi chả vẫn thường đi đó đi đây luôn. Đã nhiều năm tôi không gặp Conway. Chúng tôi không hề thư từ cho nhau, và cũng không thể nói tôi thường xuyên nghĩ đến anh ấy, mặc dầu hình ảnh của anh vẫn là một trong số ít những hình ảnh mà tôi dễ dàng nhớ lại. Hồi đó tôi có việc đến thăm một người bạn ở Hán Khẩu và đáp xe lửa tốc hành về Bắc Kinh. Trên xe lửa tôi đã có dịp được trò chuyện với một bà xơ Nhất, một bà xơ rất đỗi hấp dẫn trong số mấy bà xơ từ thiện người Pháp. Bà đi Trùng Khánh nơi có tu viện của bà. Vì tôi biết nói một ít tiếng Pháp nên bà xơ xem ra thích thú nói chuyện với tôi về công việc của bà và về các vấn đề nói chung. Thực ra, tôi vốn không có cảm tình lắm đối với các tổ chức truyền giáo thường, nhưng cũng như mọi người ngày nay, tôi sẵn sàng thừa nhận là người La Mã đứng tách ra một tầng lớp riêng, vì họ hoạt động rất tích cực và không hề làm bộ như mấy ngài sĩ quan trong một xã hội đầy rẫy lính thường. Nhưng đó chỉ là nhân tiện mà nói thôi. Vấn đề chính là bà xơ này, khi nói chuyện với tôi về cái bệnh viện của Hội truyền giáo ở Trùng Khánh, có nêu ra một trường hợp đầy xúc động vừa mới đưa đến bệnh viện bà mấy tuần gần đây, bệnh nhân mà người ta nghĩ hẳn là một người châu Âu, tuy anh ta chẳng nói được điều gì về bản thân mà cũng không đem theo một giấy tờ gì hết. Quần áo anh ta mặc là quần áo của người thổ dân, vào loại nghèo khổ nhất; lúc các bà xơ nhận anh vào viện thì anh yếu lắm. Anh ta nói tiếng Trung Quốc rất thạo, nói tiếng Pháp cũng giỏi và bà bạn đồng hành với tôi còn đoán chắc là trước khi chưa được biết các bà xơ là người nước nào, anh ta đã nói với họ bằng tiếng Anh, giọng nói rất thanh nhã. Tôi nói tôi không thể tưởng tượng được trên đời lại có một hiện tượng lạ như vậy và nhẹ nhàng giễu bà là đã phân biệt được giọng nói thanh nhã của một thứ ngôn ngữ mà bà không hề biết. Rồi chúng tôi nói đùa về nhiều vấn đề linh tinh khác. Cuối cùng, bà mời tôi nếu có dịp tới Trùng Khánh, xin đến thăm hội truyền giáo của bà. Điều này, tất nhiên lúc đó, xem ra khó thực hiện, như bảo tôi leo núi Everest, vậy nên khi xe lửa tới Trùng Khánh, tôi bắt tay bà, lòng thực sự luyến tiếc cuộc gặp gỡ may mắn giữa tôi và bà đã kết thúc. Tuy vậy, chỉ sau đây mấy tiếng đồng hồ tôi trở lại Trùng Khánh. Chả là xe lửa đi khỏi đây được một vài dặm thì hỏng máy và thực rất khó khăn người ta mới đẩy được xe chúng tôi quay trở về nhà ga. Đến đây, chúng tôi được biết là mười hai tiếng đồng hồ nữa mới có thể có đầu máy thay thế. Điều này vẫn thường xảy ra với đường sắt của Trung Quốc. Vậy là tôi còn phải ở lại Trùng Khánh một nửa ngày nữa - điều ấy khiến tôi nhớ đến lời mời của bà xơ và tôi đã đến thăm hội truyền giáo của bà."

Đến đây, tôi được tiếp đón thân mật và tất nhiên chủ nhà cũng có phần ngạc nhiên. Tôi cho rằng, điều khó hiểu nhất đối với một người không phải là giáo dân là làm sao mà một giáo dân Thiên Chúa giáo lại có thể phối hợp được một cách dễ dàng cái cứng nhắc của chính quyền với cái rộng lượng hào phóng của dân sự. Cái đó có quá phức tạp không? Nhưng không sao, dù sao thì những người Hội truyền giáo ở đây đã tiếp đón tôi rất vui vẻ. Đến đây chưa được một tiếng đồng hồ, tôi đã có bữa ăn sửa soạn chu đáo, một bác sĩ trẻ người Trung Quốc ngồi tiếp tôi và nói chuyện với tôi nửa bằng tiếng Pháp, nửa tiếng Anh, rất vui. Sau bữa ăn, anh bác sĩ và bà xơ Nhất dẫn tôi đi tham quan bệnh viện mà họ tỏ ra rất lấy làm hãnh diện. Tôi nói với họ tôi làm nghề viết văn, thế là những con người rất chất phác ấy cứ xốn xang với ý nghĩ tôi có thể nêu cả họ trong một cuốn sách. Anh bác sĩ giới thiệu mỗi khi chúng tôi đi qua một giường bệnh. Các phòng được quét dọn hết sức sạch sẽ, tỏ ra việc quản lý ở đây rất thành thạo, chu đáo. Tôi đã quên hẳn cái người bệnh nhân bí ẩn có giọng nói tiếng Anh rất thanh nhã, cho đến lúc bà xơ Nhất nhắc cho tôi biết là đã sắp đến giường con người đó. Tôi chỉ nhìn thấy sau gáy, anh ta hình như đang ngủ. Người ta khuyên tôi nên nói với anh ta bằng tiếng Anh, do vậy tôi cất tiếng chào "Good afternoon". Đúng thực, giọng anh ta nói là giọng nói của một người có học thức. Nhưng tôi không có thì giờ để tỏ ra ngạc nhiên, vì tôi đã nhận ngay ra anh, mặc dầu bộ râu và dáng vẻ con người anh đã hoàn toàn thay đổi, mặc dầu đã lâu lắm tôi không gặp anh. Anh ấy chính là Conway. Chắc chắn đúng là anh rồi, nhưng nếu tôi mà ngừng để nghĩ lại điều này thì rất có thể sẽ đi đến kết luận đây không thể là Conway được. Cũng may, nhìn anh, tôi nhận ra ngay. Tôi gọi tên anh và nói tên tôi; tuy anh ta cứ nhìn tôi trừng trừng, không tỏ dấu hiệu gì là nhận ra, nhưng tôi vẫn quả quyết là mình đã không lầm. Cái chút tật co giật nhẹ trên gương mặt anh mà tôi đã để ý thấy từ trước kia vẫn còn đây, và vẫn cặp mắt mà hồi ở Balliol chúng tôi thường nói rằng nó có màu xanh Cambridge hơn là màu xanh Oxford. Ngoài tất cả những cái đó ra, anh ta còn là một người mà người ta không thể lầm được - nhìn thấy anh một lần là nhớ mãi. Tất nhiên, anh bác sĩ và bà xơ Nhất tỏ ra hết sức xúc động. Tôi nói với họ là tôi quen biết người này, anh là người Anh và là bạn của tôi; việc anh không nhận ra tôi chỉ có thể là do anh đã hoàn toàn mất đi trí nhớ. Hai người gật đầu và tỏ ra rất lạ, và chúng tôi đã thảo luận rất lâu về trường hợp này. Họ cũng không cho biết được điều gì bằng cách nào mà anh ta trong hoàn cảnh thế này đã đến được Trùng Khánh.

"Nói tóm tắt, tôi đã ở lại đây hơn nửa tháng, hy vọng bằng cách nào đó sẽ giúp được Conway nhớ lại mọi sự việc. Điều này tôi không làm được, nhưng sức khỏe anh đã hồi phục và hai chúng tôi nói chuyện với nhau rất nhiều. Khi tôi thẳng thắn nói anh là ai và tôi là ai, thì anh tỏ ra nín nhịn, không tranh cãi gì. Thậm chí, anh còn tỏ ra hết sức vui vẻ, hơi lơ đãng một chút, và dường như có tôi làm bạn anh rất mừng. Khi nghe tôi ngỏ ý muốn mang anh về thì anh chỉ lặng lẽ nói anh không nghĩ đến chuyện đó. Thực hơi bực mình với cái thái độ không thiết tha gì đến một mơ ước cho bản thân. Tôi thu xếp để hai chúng tôi trở về càng sớm càng tốt. Tôi có một người quen vốn là bạn thân làm việc tại cơ quan lãnh sự quán ở Hán Khẩu, do đó hộ chiếu và giấy tờ cần thiết đã được giải quyết nhanh chóng không khó khăn. Thực vậy, tôi thấy vì lợi ích của Conway, công việc cần được giữ kín không cho báo chí biết để đăng tin rộng rãi, và tôi cũng rất vui mừng vì mình


đã giữ được kín. Tất nhiên, nếu không, báo chí họ đã xô đến chen lấn để lấy tin."

"Vâng, chúng tôi đi khỏi Trung Quốc một cách bình thường. Chúng tôi đi thuyền xuôi dòng sông Dương Tử đến Nam Kinh, sau đó đáp xe lửa đi Thượng Hải. Ngay đêm hôm ấy có chuyến máy bay Nhật Bản đi Frisco, nên chúng tôi phải hết sức gấp rút và đi được chuyến đó."

"Anh thực đã giúp rất nhiều cho Conway." Tôi nói Rutherford không phản đối, anh nói:

"Tôi nghĩ với người khác có thể tôi đã không giúp đỡ nhiều như với Conway. Nhưng ở Conway có một cái gì đó, và luôn như vậy - thực khó mà giải thích được, chỉ biết cái đây đã khiến người ta cảm thấy vui vẻ khi đem hết sức mình ra giúp anh ta."

"Đúng vậy", tôi gật đầu. "Anh ấy hấp dẫn một cách đặc biệt, có một sức quyến rũ khiến ngay giờ đây hình dung lại, tôi vẫn thấy vui thích và tất nhiên, tôi vẫn nghĩ anh ta như hồi anh ta còn là một cậu học sinh trong bộ flanels khi chơi cricket."

"Thực đáng tiếc anh không biết Conway hồi anh ta học ở Oxford. Anh ta đúng là xuất sắc, không còn từ nào khác hơn để diễn tả. Người ta nói, sau chiến tranh anh ấy khác đi. Bản thân tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng tôi vẫn không thể không cảm thấy với tất cả những tài năng của mình, Conway hẳn đã làm được những công việc lớn lao hơn. Ý nghĩ của tôi về sự nghiệp của một vĩ nhân không hề vươn tới tất cả cái đám quan chức của Vương Quốc Anh này. Còn Conway thì đúng là hoặc phải là một vĩ nhân. Anh và tôi, chúng ta đều biết Conway, và tôi nghĩ mình đã không phóng đại khi tôi nói đây là một sự kiện mà chúng ta sẽ không bao giờ quên. Ngay khi tôi và anh ta gặp nhau tại giữa đất nước Trung Quốc, lúc ấy đầu óc anh ta rỗng không, cái quá khứ của anh còn là một điều bí ẩn, vậy mà tôi vẫn thấy sức hấp dẫn ở Conway."

Rutherford ngừng lại hồi tưởng rồi nói tiếp: "Như anh có thể hình dung thấy, trên tàu chúng tôi nối lại tình thân bạn bè trước kia. Tôi nói cho Conway rất nhiều những điều tôi biết về anh và Conway lắng nghe với thái độ chăm chú dường như hơi vô lý. Anh nhớ lại rất rõ những gì đã xảy ra với


anh từ ngày anh đến Trùng Khánh và có điều này hẳn cũng có thể khiến anh quan tâm là Conway không hề quên ngoại ngữ anh biết. Chẳng hạn, anh bảo tôi rằng, anh biết hẳn anh phải đã có làm một cái gì đó ở Ấn Độ, vì anh có thể nói tiếng Hindu."

"Tại Yokohama, tàu thủy lấy thêm đầy khách; trong số hành khách mới lên có nghệ sĩ dương cầm Sieveking, trên đường đi biểu diễn hòa nhạc tại Hoa Kỳ. Anh ta ngồi chung bàn ăn với chúng tôi và thỉnh thoảng nói chuyện với Conway bằng tiếng Đức. Điều này chứng tỏ bề ngoài Conway rất bình thường. Ngoài cái chứng bệnh quên mà trong lúc trò chuyện thường không thấy, thì anh không có chứng bệnh gì khác."

"Rời Nhật Bản được mấy đêm, người ta mời nghệ sĩ Sieveking biểu diễn độc tấu một buổi trên tàu. Conway cùng tôi đã đi dự nghe. Tất nhiên, Sieveking đã biểu diễn khá giỏi mấy tác phẩm của Brahms mà Scarlatli cùng rất nhiều bản nhạc của Chopin. Một hai lần tôi đưa mắt nhìn Conway và thấy anh nghe rất thích thú, điều này cũng rất tự nhiên vì trước kia anh vốn là người sành âm nhạc. Vào cuối chương trình, buổi biểu diễn kéo dài vì khán giả yêu cầu diễn lại nhiều lần. Sieveking, theo tôi nghĩ, đã nhã nhặn vui vẻ chiều lòng đám người hâm mộ lúc ấy đang quây quanh cấy đàn dương cầm. Anh ta chơi lại hầu hết là những tác phẩm của Chopin, như anh biết đây, Sieveking vốn có phần chuyên về Chopin. Cuối cùng, nghệ sĩ rời cây đàn đi về phía cửa ra vào, một số người hâm mộ vẫn bám theo, nhưng rõ ràng họ cũng cảm thấy nghệ sĩ đã chiều họ đủ lắm rồi. Giữa lúc ấy, một sự việc khá kỳ lạ đã xảy ra. Conway đến ngồi vào trước bàn phím và chơi nhanh mấy bản nhạc rất sôi động mà tôi không nhận ra, còn Sieveking thì rất ngạc nhiên quay lại hỏi Conway đã chơi những bản nhạc gì. Sau một lát yên lặng có phần lạ lùng hơi lâu, Conway chỉ đáp lại được rằng anh cũng không biết nữa. Sieveking la to lên rằng không thể tin được và anh còn bị kích thích hơn. Lúc ấy Conway như hết sức cố gắng cả về thể xác lẫn tinh thần để nhớ lại, và cuối cùng anh nói đây là bản Étude của Chopin. Tôi nghĩ chả chắc đã phải nên tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên khi Sieveking kiên quyết nói đây không phải là của Chopin. Tuy nhiên, Conway đột ngột tỏ ra rất phẫn nộ về điều đó, khiến tôi ngạc nhiên vì cho đến lúc này chưa bao giờ tôi thấy Conway tỏ ra một chút xúc động nào trước bất kỳ một sự việc gì. "Ông bạn thân của tôi ơi," Sieveking nói, "Tôi thuộc lòng các bản nhạc hiện có của Chopin, nên tôi có thể đoán chắc với anh rằng, Chopin không hề sáng tác ra


bản nhạc mà anh vừa chơi. Rất có thế nếu Chopin viết thì là như vậy, vì nó đúng phong cách của ông nhưng tôi biết ông không hề sáng tác bản nhạc này. Tôi đố anh chỉ được cho tôi biết tổng phổ của nó ở cuốn sách in nào." Một lát sau, Conway đáp: "Ồ, vâng, giờ đây tôi nhớ ra rồi, bản nhạc này chưa hề được in ra. Tôi chỉ được biết nó qua lần gặp một người trước kia là học trò của Chopin... Và đây là một bản nhạc khác chưa in ra mà tôi học được ở người đó."

Rutherford đưa mắt để tôi vững tin hơn và nói: "Tôi chả biết anh có phải là nhạc sĩ không, nhưng dù anh không phải đi nữa thì tôi cũng xin nói là hẳn anh hình dung ra được sự ngạc nhiên và xúc động của Sieveking và cả của tôi nữa trong lúc Conway tiếp tục chơi. Với tôi, tất nhiên đây là một thoáng nhìn đột nhiên và thực bí ẩn vào quá khứ của Conway, cái đầu mối đầu tiên thuộc loại nào đó đã thoát mất. Sieveking tất nhiên tỏ ra mải mê với vấn đề âm nhạc, một vấn đề thực phức tạp, như anh thấy đây nếu tôi nhắc để anh biết rằng Chopin mất năm 1849."

"Trên một ý nghĩa nào đó, toàn bộ sự việc thực hết sức khó hiểu và có lẽ tôi cần nói thêm là, lúc ấy có đến ít nhất mười hai người chứng kiến, trong số này có một giáo sư có danh tiếng của trường Đại học California. Tất nhiên, nói lời giải thích của Conway, tính về thời gian thì hoàn toàn không chấp nhận được, hoặc gần như vậy, nhưng còn chính bản nhạc thì giải thích sao đây. Nêu nó không phải như Conway nói thì là thế nào? Sieveking đoán chắc với tôi rằng, nếu hai bản nhạc đó được công bố thì chỉ trong vòng sáu tháng chúng sẽ có mặt trong bảng các tác phẩm để biểu diễn của các nhà nghệ sĩ dương cầm lỗi lạc. Dù cho đây là nói quá phóng đại, thì đó là ý kiến nhận xét của Sieveking. Hồi ấy, sau nhiều lần bàn cãi chúng tôi chẳng khẳng định được điều gì, bởi Conway chi khăng khăng giữ ý kiến của mình, và vì anh đã bắt đầu tỏ vẻ mỏi mệt, nên tôi lo lắng muốn đưa anh về nghỉ. Giai đoạn cuối cùng là bàn về chuyện thu đĩa hát. Sieveking nói anh sẽ thu xếp ngay việc này khi anh tới Mỹ và Conway thì hứa sẽ chơi trước micro. Tôi thường vẫn cảm thấy rất đáng tiếc về mọi phương diện, vì anh đã không thể giữ được lòi hứa."

Rutherford đưa mắt nhìn đồng hồ đeo tay và cho tôi biết tôi còn khối thời gian để đáp xe lửa, bởi câu chuyện anh kể gần như đã xong: "Vì đêm hôm đó - cái đêm sau buổi biểu diễn độc tấu đàn dương cầm ấy - Conway lấy lại được trí nhớ. Chúng tôi đã lên giường để nghỉ, tôi đang nằm và còn


thức thì thấy Conway bước vào buồng tôi và nói chuyện với tôi. Gương mặt anh đanh lại với dáng điệu mà tôi chi có thể nói đây là vẻ buồn tràn ngập - nỗi buồn chung của mọi người, nếu anh hiểu ý tôi muốn nói, nó có một cái gì xa xăm hoặc thăm thẳm, như người Đức vẫn gọi là Wehmut hoặc Weltschmerz. Anh nói anh đã nhớ lại được mọi thứ, rằng trí nhớ đã trở lại với anh trong lúc Sieveking chơi đàn, thoạt đầu chỉ từng mảng một. Anh ngồi một lúc lâu trên thành giường; tôi cứ để tùy anh muốn lúc nào nói thì nói và nói theo cách gì cũng được. Tôi nói rằng tôi rất mừng vì thấy trí nhớ anh trở lại, nhưng lấy làm buồn nếu anh đã muốn nó không trở lại nữa. Anh ngước mắt lên nhìn và nói mấy lời mà tôi luôn coi đây là một lời khen ngợi cực kỳ quý báu. "Lạy Chúa, anh Rutherford...", Conway nói, "anh có khả năng hình dung được sự việc". Sau đó một lát, tôi mặc quần áo, thuyết phục anh cũng làm như vậy, rồi chúng tôi đi đi lại lại trên boong tàu. Đêm hôm ấy yên tĩnh, trời đây sao, tiết trời ẩm, mặt biển nom tái nhợt, sanh sánh như sữa đông đặc. Nếu không có tiếng động cơ máy kêu vo vo thì có thể nói hai chúng tôi đang dạo chơi hóng mát. Tôi cứ để Conway tùy ý nói theo cách của anh, lúc đầu tôi không hỏi gì hết. Đâu vào khoảng rạng sáng thì anh bắt đầu nói chuyện có mạch lạc, và khi anh nói xong thì trời đã nắng nóng, đến giờ bữa điểm tâm. Khi tôi nói "xong", tôi không có ý nói rằng anh không còn gì để nói với tôi sau lần tâm sự đầu tiên. Trong hai mươi tư tiếng đồng hồ sau anh đã bổ sung nhiều đoạn hổng quan trọng. Anh tỏ ra rất đau khổ và đã không sao chợp được mắt, vì thế hầu như chúng tôi nói chuyện liên tục. Đến khoảng nửa đêm đêm hôm sau là tàu cập bến Honolulu. Chiều tối hôm trước chúng tôi cùng uống bia trong buồng tôi, khoảng mười giờ đêm, anh cáo từ đi về, và từ đây tôi không còn được gặp lại anh nữa."

"Anh không muốn nói..." Tôi đã hình dung ra một vụ tự tử rất bình tĩnh, có suy nghĩ mà trước đây có lần tôi đã được chứng kiến trên chuyến tàu chở thư từ Holyhead đến Kingstown.

Rutherford cười: "Ồ, lạy Chúa, không - Conway không phải loại người như vậy. Anh ta chỉ lẩn tránh tôi mà thôi. Đáp lên bờ thì dễ nhưng hẳn anh ấy thấy khó mà tránh được không bị tôi tìm ra khi tôi cho người đi tìm, và tất nhiên tôi đã làm việc đó. Về sau, tôi được tin anh ấy đã tìm được cách theo đoàn thủy thủ của một tàu chở chuối đi về phía Nam đến Fiji."

"Làm sao anh biết được như vậy?"


"Cũng dễ thôi. Ba tháng sau, Conway gửi thư cho tôi từ Bangkok, kèm theo một ngân phiếu trả lại số tiền tôi đã chi phí cho anh. Anh cũng cám ơn tôi và nói anh rất khỏe mạnh. Anh còn nói anh sắp thực hiện một chuyên đi thực xa - về phía Tây Bắc. Có thế thôi."

"Anh ấy định đi đâu?"

"Vâng, thật là mơ hồ, phải không anh? Có rất nhiều nơi ở về phía Tây Bắc Bangkok. Ngay kể cả Berlin cũng được."

Rutherford ngừng nói, rót đầy cốc của hai chúng tôi. Một câu chuyện thực ly kỳ - hoặc nếu không thì cũng là do anh kể khiến nó có vẻ như vậy, tôi cũng không rõ nữa. Phần âm nhạc của câu chuyện tuy cũng rắc rối, nhưng không làm tôi quan tâm nhiều bằng cái bí mật về sự kiện Conway tới được bệnh viện của Hội Truyền giáo; và tôi đưa ra ý kiến này. Rutherford đáp sự thực thì hai vấn đề ấy chi là hai mảng của cùng một vấn đề.

"Ồ, vậy làm thế nào mà Conway tới được Trùng Khánh?" Tôi hỏi. "Tôi nghĩ hẳn anh ta đã nói hết điều ấy với anh trong đêm hôm ở trên tàu?"

"Conway đã nói cho chúng tôi biết một chút về việc ấy, và thực là vô lý nêu đã kể cho anh biết nhiều như vậy, tôi lại giữ kín phần còn lại. Có điều, đây là một câu chuyện khá dài, dù chỉ nói sơ qua thì thời gian từ đây cho đến lúc anh lên xe lửa cũng không đủ. Vả lại, có một cách khác thích hợp hơn. Tôi vốn có phần dè dặt trong việc bộc lộ những mánh khóe nghề nghiệp của mình, nhưng sự thực câu chuyện của Conway, sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy nó hấp dẫn tôi quá thể. Tôi bắt đầu bằng cách: Sau những lúc trò chuyện với Conway trên tàu, tôi đều ghi chép lại để khỏi quên đi những chi tiết; về sau, vì một số mặt của sự việc bắt đầu cuốn hút tôi, thôi thúc tôi phải làm nhiều hơn nữa, phải đem những điều đã ghi chép được cùng những mẩu nhớ lại đúc thành một câu chuyện mạch lạc. Làm như vậy, tôi không muốn nói là tôi bịa đặt hoặc thay đổi một chút gì. Đã có rất nhiều tư liệu qua những điều Conway kể cho tôi nghe: Anh ta vốn là một người ăn nói lưu loát, có tài truyền cảm khẩu khí của câu chuyện. Và tôi nghĩ tôi cũng bắt đầu cảm thấy mình đã hiểu con người anh ta."

Nói rồi, anh đi lại phía chiếc cặp da, lấy ra một tập bản thảo đã đánh máy. "Này đây, những tài liệu mà anh vừa nói, anh mang về có thể sử dụng theo ý muốn của anh."


"Như vậy, tôi nghĩ là anh cho tôi không tin vào câu chuyện anh đã kể?"

"Ồ, không hẳn như vậy, nếu anh tin, thì xin nhớ cho đây sẽ là lý do tuyệt hảo cho Tertullian2[1], anh nhớ nhé? (Bởi vì nó là không thể có được). Một lý lẽ không tồi, có thể như vậy. Hãy cho tôi biết ý nghĩ của anh nhé!"

Tôi cầm tập bản thảo mang về và đọc gần hết nó trên xe lửa. Tôi đã có ý định khi về tới Anh, tôi sẽ gửi trả lại Rutherford, kèm theo một bức thư dài, nhưng chưa kịp gửi nó qua bưu điện thì tôi đã nhận được mấy chữ của anh nói rằng anh đã lại lên đường đi lang thang và trong mấy tháng tới anh sẽ không có địa chỉ nhất định. Anh viết anh sẽ đi Kashmir và từ đây đi về "phía Đông". Tôi không lấy làm ngạc nhiên.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lichsu