đường lối chiến lược của cách mạng việt nam thời kì 1954/1975

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chủ trương đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội 

Tháng 9-1954, Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của miền Bắc là hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi kinh tế quốc dân, trước hết là phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định xã hội, ổn định đời sống nhân dân, tăng cường và mở rộng hoạt động quan hệ quốc tế... để sớm đưa miền Bắc trở lại bình thường sau chín năm chiến tranh.

Hội nghị lần thứ bảy tháng 3-1955 và lần thứ tám tháng 8-1955 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) đã nhận định: Mỹ và tay sai đã hất cẳng Pháp ở miền Nam, công khai lập nhà nước riêng chống phá Hiệp định Giơnevơ, đàn áp phong trào cách mạng. Muốn chống đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, điều cốt lõi là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. 

Hội nghị đề ra kế hoạch 3 năm (1955-1957) với những mục tiêu cụ thể:

- Khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, trên cơ sở đó phát triển sản xuất, nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân. Phấn đấu phục hồi mức sản xuất năm 1939 - năm có mức sản xuất cao nhất ở Việt Nam thời Pháp thuộc.

- Chủ trương khôi phục nông nghiệp là trọng tâm. Ban hành nhiều chính sách khuyến nông.

- Đề ra chính sách khôi phục tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp. Ban hành nhiều chính sách bảo hộ cho các xí nghiệp công, tư thương nghiệp được phát triển sản xuất để phục vụ dân sinh; không vội vàng thủ tiêu những công thương nghiệp tư nhân, nếu thấy có lợi cho nền kinh tế. Coi trọng thành phần kinh tế quốc doanh, tạo điều kiện cho thành phần này dần dần giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân.

Tháng 12-1957, Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá thắng lợi về khôi phục kinh tế và đề ra nhiệm vụ soạn thảo đường lối cách mạng trong giai đoạn mới. Đến tháng 11-1958, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ mười bốn đề ra kế hoạch ba năm phát triển kinh tế - văn hóa và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh (1958-1960).

Hội nghị xác định cải tạo kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và buôn bán nhỏ, tư bản tư doanh, chuyển sở hữu cá thể về tư liệu sản xuất thành sở hữu tập thể xã hội chủ nghĩa dưới hai hình thức toàn dân và tập thể. Lấy cải tạo làm trọng tâm nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố chế độ dân chủ nhân dân. Xây dựng, củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Chủ trương đưa miền Bắc lên chủ nghĩa xã hội đã tạo nên những chuyển biến cách mạng trong nền kinh tế và xã hội ở miền Bắc nước ta. Miền Bắc được củng cố, từng bước đi lên chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương ổn định, vững mạnh đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

 Chủ trương tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam

Về cách mạng miền Nam, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 nêu rõ: Đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu tính, phá hoại Hiệp định Giơnevơ nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn mới là: "lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ,... cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập.

Tháng 12-1957, tại Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ, nước ta tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai nhiệm vụ cách mạng nói trên đều quan trọng, coi nhẹ một nhiệm vụ nào cũng đều sai lầm.

Tháng 1-1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ mười lăm. Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Hội nghị chỉ rõ: Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam; Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp đấu tranh chính trị và vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam.

Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương cũng nêu rõ cần tăng cường công tác Mặt trận để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; củng cố, xây dựng Đảng bộ miền Nam thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức để đủ sức lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười lăm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) có ý nghĩa lịch sử to lớn, chẳng những đã đáp ứng đúng nhu cầu của lịch sử, mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, mà còn thể hiện rõ bản lĩnh cách mạng độc lập tự chủ, sáng tạo của Đảng ta trong những năm tháng khó khăn của cách mạng. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro