LỜI NÓI ĐẦU

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mình đánh máy lại cuốn sách này KHÔNG vì mục đích kiếm tiền, hay vì lợi ích cá nhân. Và mình hy vọng sẽ không ai sử dụng bản đánh máy của mình vì những mục đích đó. Đây là một cuốn sách quý và hay, mình đã mất công tìm kiếm nó bao ngày tháng mà không có kết quả. Và thật may mắn thay, mình có một người bạn rất rất tốt, người hiểu được rằng mình đang rất cần tìm đọc nó. Người bạn ấy đã cất công hỏi từ Bắc vào Nam, hỏi từ Hà Nội đến Sài Gòn để tìm giúp mình cuốn sách này. Tuy mình chỉ nhận được bản photo của cuốn sách, nhưng với mình đó đã là quá đủ cho tấm lòng mà mình nhận được bên trong đó. Và với mình, một cuốn sách hay và quý ở nội dung chứ không phải ở bìa và giá. Cảm ơn bạn vì món quà sinh nhật tuyệt vời nhất từ trước đến nay!

Bản đánh máy này mình sẽ gửi bạn ấy đầu tiên! Mình đã luôn mong muốn sẽ có sách, sẽ đánh máy lại và chia sẻ nó cho tất cả mọi người cùng đọc, cùng suy ngẫm những giá trị của cuốn sách, đặc biệt là các bạn sinh viên Y Hà Nội. Sách hay không thể chỉ để trưng bày tủ kính, một cuốn sách có giá trị thực sự nên để cho tất cả mọi người cùng đọc, cùng cảm nhận về những giá trị mà nó mang lại. Cũng như kiến thức là để truyền đạt lại cho muôn đời sau chứ không phải để giữ cho riêng mình. Mình rất tâm niệm với một câu nói: "Mục đích của sự sống là sự truyền thụ lại những gì đã học được, không còn mục đích nào cao hơn nữa". Mình biết rằng rất nhiều bạn đã nghe nói đến cuốn sách, đã muốn tìm đọc nó mà không có. Nay mình mong sẽ có thể đem cuốn sách đến gần với các bạn, để các bạn có cơ hội được đọc nó và cảm nhận nó. Mình hy vọng rằng với các giá trị mà cuốn sách mang lại, các bạn sẽ có thêm tình yêu vào nghề y, tình yêu với ngôi trường chúng ta đang học tập, tình yêu với khoa học và các bạn sẽ có thêm động lực để học tập, nghiên cứu khoa học thật tốt.

Vì lý do cuốn sách đã không còn được xuất bản từ rất lâu rồi. Nên mình hy vọng rằng mọi người sẽ hiểu cho mục đích của mình vì muốn chia sẻ kiến thức cho mọi người nên đã vi phạm quyền tác giả.

Cảm ơn các bạn đã đọc!

BLL


Mình xin chép lại nguyên văn trong cuốn sách của nhà xuất bản Thanh Niên, tái bản lần thứ 3 năm 2000! Có chỉnh sửa một số chỗ sai sót nhỏ, và có thể trong quá trình đánh máy chưa thể kiểm tra kỹ lưỡng nên có những sai sót khác. Mong nhận được sự góp ý để chỉnh sửa cho hoàn chỉnh hơn!

***

"Trong khoa học không có con đường nào rộng rãi thênh thang cả. Chỉ người nào không sợ gian khổ, dám mạnh bước trên con đường nhỏ hẹp đầy sỏi đá đó mới mong vươn tới những đỉnh cao chói lọi của khoa học mà thôi."

CÁC MÁC

***

Giáo sư Tôn Thất Tùng là một nhà bác học có tiếng, đã từng làm cố vấn quân y cho Bộ Tổng Tư lệnh trong thời kháng chiến , hiện nay là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận cách mạng khoa học kỹ thuật ở nước ta.

Tập sách "Đường vào khoa học ..." của giáo sư chắc chắn sẽ giúp ích cho các anh chị em thanh niên hiện đang tiến quân vào khoa học, hòa mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ ngĩa thân yêu của chúng ta.

Xuân năm 1977 VÕ NGUYÊN GIÁP

***

LỜI NÓI ĐẦU

Tặng Hồng Tâm và Hiếu Thảo, những con người của thế hệ tương lai

Trong cuốn sách nhỏ này, tôi xin trình bày một số công trình nghiên cứu kết hợp với cuộc sống của tôi từ lúc còn là một thanh niên dưới thời Pháp thuộc qua chín năm kháng chiến chống Pháp, cho đến những năm gian khổ chống Mỹ, cứu nước kết thúc trong bầu không khí tưng bừng thống nhất nước nhà. Đây là một tự thuật trung thực cách làm việc, phương pháp công tác khoa học của tôi, mong muốn góp phần kích thích nhiệt tình của các bạn trẻ trong việc đi sâu vào nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu của tôi là công việc nghiên cứu của một người thầy thuốc và một người mổ xẻ, tập trung vào những bệnh nhiệt đới của gan và các phương pháp mổ xẻ về gan và mật. Trong việc trình bày tôi sẽ cố gắng nêu lên cách phát hiện và xem xét sự việc nhằm rút kinh nghiệm giúp các bạn thanh niên đang tiến công vào khoa học, trước hết là cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề, ngay trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn. Tôi là một người học ở trong nước, chỉ có học vị trong nước, điều đó sẽ khuyến khích anh chị em trẻ tuổi đi vào nghiên cứu những vấn đề thực tế của nước nhà đặt ra hơn là chỉ nghiên cứu qua sách vở hay lý luận phương Tây. Vì các công trình chủ yếu của tôi sẽ nói nhiều đến gan , tôi xin phép tóm tắt giới thiệu với các bạn thanh niên không ở trong ngành y kiến thức cơ bản về giải phẫu gan để các bạn có thể theo dõi dễ dàng. Gan là một tạng to lớn, nặng dưới 1,500 kg nằm ở dưới một cơ gọi là cơ hoành, ngăn đôi cái ổ nguyên thủy, gọi là xê-lôm (coelome), trên phôi thai vào những


ngày mới hình thành, ra hai khoang: khoang trên là ổ ngực, khoang dưới là ổ bụng. Nếu xem trên một gan lợn (gan lợn giống gan người và vì vậy người ta dùng lợn làm vật nghiên cứu trong việc thay gan trên người), thì ta thấy có một màng mỏng đi từ cơ hoành xuống mặt trên gan (gọi là vòm gan) và chia thành hai thùy lớn: một thùy phải và một thùy trái. Gan người và gan lợn khác với gan chó, vì gan chó có 4 thùy tách rời khỏi nhau ra: một thùy giữa kèm bên phải thùy phải và bên trái thùy trái. Ba thùy này nằm trước một tĩnh mạch lớn đi vào buồng trên của tim phải, gọi là nhĩ phải; đó là tĩnh mạch chủ dưới, và sau mạch đó, gan có thêm một thùy nữa, gọi là thùy sau. Gan người khác gan chó, vì những thùy đã kết liền với nhau, vì vậy, cho đến quá thế kỷ 19, các nhà mổ xẻ vẫn chưa biết việc này, và chỉ phân chia gan ra hai thùy: trái và phải. Như vậy muốn cắt gan dễ dàng, như là cắt các thùy phổi, người ta phải nghiên cứu trước hết gan người để xem nó có phân chia ra từng thùy nhỏ, như ở chó không. Dần dần sau nghiên cứu của tôi về các tĩnh mạch trong gan (tĩnh mạch vào gọi là tĩnh mạch cửa, tĩnh mạch ra gọi là tĩnh mạch trên gan hay là tĩnh mạch gan), đến năm 1948, các tác giả Thụy Điển, Mỹ và Pháp đã chứng minh rõ rệt là thật sự gan có hai gan ( khác hẳn với hai thùy kinh điển): gan phải và gan trái (gan phải và gan trái khác với thùy phải và thùy trái) nằm hai bên một rãnh không thấy rõ, đi theo đường tĩnh mạch giữa trên gan mà người ta có thể coi như là một trục chạy giữa gan, rồi đến các phân thùy được phát hiện, và theo quan điểm về giải phẫu so sánh giữa loài vật (analomie comparée), người ta cũng chia gan người, đi từ phải qua trái, thành 4 phân thùy: phân thùy sau, phân thùy trước, phân thùy giữa và phân thùy bên, danh từ phân thùy dùng để tránh khỏi lẫn lộn với thùy phải và thùy trái kinh điển mà từ xưa đến nay các thầy thuốc đã quen dùng. Như vậy, thùy phải có 3 phân thùy: phân thùy sau, phân thùy trước và phân thùy giữa, và thùy trái chỉ có một phân thùy thôi cho nên các tác giả Anh, Mỹ thích dùng chữ phân thùy bên để chỉ thùy trái gan kinh điển. Những nghiên cứu này gọi là nghiên cứu cơ bản vì nhờ những mô tả các tĩnh mạch, cách chia phân thùy, người mổ xẻ mới có thể đặt cơ sở cho kỹ thuật, phải tiến hành kiểm tra lại các vấn đề cơ bản. Người ta hay nhầm, những danh từ như sau: ứng dụng và cơ bản. Khi nói đến kỹ thuật là nói đến ứng dụng, và muốn có phát minh kỹ thuật, thì phải có nghiên cứu cơ bản.

Khi nghiên cứu các tĩnh mạch trong gan, cách chia phân thùy, tôi làm nghiên cứu cơ bản; nhưng trong nghiên cứu cơ bản cũng phải dùng kỹ thuật, giả sử cách tiêm thuốc nhuộm, cách áp dụng sự tiêu mòn những tổ chức mềm bằng a-xit, dùng phương pháp phẫu tích bằng nạo, phương pháp dùng X quang. Như vậy kỹ thuật và cơ bản cũng gắn bó với nhau, nhưng khi nói ứng dụng, người ta muốn nói đến sự áp dụng kỹ thuật vào đời sống con người. Có kỹ thuật lại quyết định sự nghiên cứu cơ bản: giả sử, trong sinh vật học, nếu không có phát minh kỹ thuật về kính hiển vi điện tử và máy siêu ly tâm , thì làm sao mà có được khoa học cơ bản về sinh học phân tử? Trong việc nghiên cứu về gan, nhờ phương pháp cắt gan của tôi, cho phép tôi cắt gan nhanh và dễ dàng, tôi có nhiều khả năng để cắt bỏ các phần gan bị bệnh và nghiên cứu những tiêu bản ấy; nhờ đó tôi đã có thể đặt lại vấn đề nghiên cứu về cơ bản của các bệnh mà từ xưa người ta tưởng đã biết rõ rồi: như bệnh chảy máu trong đường mật (hémobilia), bệnh áp-xe gan, bệnh sỏi trong gan, vân vân... và về những vấn đề này các báo Pháp đã dùng danh từ "Môn phái trường Đại học Y khoa Hà Nội" để đánh giá các công trình của chúng tôi về gan mật, vì các công trình đó có tính chất độc đáo đối với sự hiểu biết chung về y học.


Các nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn nhằm vào thực tế nhiệt đới của môi trường Việt Nam: giun đũa trong các bệnh ở gan là một bệnh chủ yếu và nhờ nó, chúng tôi đã xét lại nhiều vấn đề cơ bản của y học, và những công trình này tuy có tính chất riêng, nhưng đã góp một phần về sự hiểu biết chung, con giun hay hòn sỏi vẫn có nghĩa là những vật lạ nằm trong ống mật, và nguyên lý cơ bản cuối cùng đều giống nhau. Nhờ đó ta thấy ngay tính chất tuyệt đối toàn diện của khoa học, và ta thấy ngay rằng khoa học Việt Nam không thể tách rời khỏi khoa học chung của thế giới. Vì những lý do đó mà các nhà mổ xẻ nước ngoài đều nhất trí đưa tên tôi vào danh sách của những người đã tiên phong xây dựng ngành phẫu thuật gan của thế giới, như Rex, Mac In-đô (Mác Indoe), Yot-sơ-rơ (Hjortsjo) và Cu-i-nô (Couinaud)

**

*

Tôi xin phép chia cuốn sách nhỏ này thành 4 phần, thể hiện sự gắn bó và thống nhất giữa cuộc đời khoa học và cuộc đời chính trị của tôi: cuộc đời khoa học, hướng về nghiên cứu các phương pháp cắt gan, các bệnh nhiệt đới về gan và ung thư gan, và cuộc đời chính trị của tôi, bắt đầu từ lúc còn là một người trí thức mất nước cho đền ngày vinh quang của dân tộc ta giành lại độc lập và thống nhất đất nước, non sông một dải ngàn năm tươi đẹp của chúng ta. Trước ngày họp Đại hội Đảng lần thứ 4, tôi đã viết một bài đăng trên báo Nhân Dân để nói lên lòng biết ơn sâu sắc và lòng chung thủy của tôi đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã lãnh đạo toàn dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đang lãnh đạo toàn dân ta tiến lên xây dựng một nước Việt Nam thống nhất và xã hội chủ nghĩa hùng mạnh.

*****************************************

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro