Nguồn gốc 50 bài tụng Duy Biểu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khi còn là chú tiểu, tôi được học thuộc lòng Nhị Thập Tụng và Tam Thập Tụng của Ngài Thế Thân, bằng tiếng Hán, do thầy Huyền Trang dịch. Khi sang Tây phương, tôi nhận ra rằng giáo pháp quan trọng về tâm lý của đạo Bụt có thể mở được cánh cửa hiểu biết cho người Âu Mỹ. Vậy nên năm 1990, tôi làm ra 50 bài tụng Duy Biểu để làm cho viên ngọc quý được sáng thêm. Đó là gia tài của Bụt, của Ngài Thế Thân, An Huệ, Huyền Trang, Pháp Tạng và nhiều vị khác nữa. Sau khi học 50 bài tụng, bạn sẽ hiểu được những bài cổ văn của các vị thầy lớn, và bạn sẽ hiểu được nền tảng của 50 bài tụng. Cuốn sách Duy Biểu Học cống hiến các bạn những phương pháp Nhìn sâu cách vận hành của tâm để có thể tự chuyển hoá được tâm thức của mình để sống an lạc, hạnh phúc hơn; và tiến tới trên con đường học đạo.

Năm mươi bài tụng để học Duy Biểu có vẻ mới, nhưng chỉ mới trên hình thức thôi. Về phương diện nội dung, chúng được làm bằng những yếu tố của Duy Biểu Học, bắt nguồn từ giáo lý Bụt dạy. Trong Kinh Pháp Cú, Bụt có nói Tâm là căn bản, Tâm là chủ các pháp. Trong Kinh Hoa Nghiêm Bụt dạy Tâm là họa sư có thể vẽ ra tất cả các hình ảnh. Cũng trong Kinh Hoa Nghiêm có một bài kệ mà các sư cô sư chú ở Việt Nam đọc mỗi ngày trong nghi thức cúng cô hồn: "Nhược nhân dục liễu tri tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo." (Ai muốn hiểu được chư Bụt trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, phải quán chiếu bản tính của pháp giới và thấy rằng tất cả đều do tâm mình tạo ra). Hai chữ tâm tạo này phải được hiểu là tâm biểu hiện. Đó là căn bản của giáo lý Duy Thức mà ngày nay chúng ta gọi là Duy Biểu.

Tác phẩm "Duy biểu học - Nhìn sâu cách vận hành của tâm" này tuy được trình bày một cách mới mẻ nhưng trong nội dung thì dùng toàn những chất liệu cũ. Những chất liệu ấy được tìm thấy trong các tài liệu sau đây !

1. Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân (Vasubandhu; 320 - 400)

2. Tam Thập Tụng Chú Giải của Thầy An Huệ (Sthiramati 470-550)

3. Thành Duy Thức Luận của Thầy Huyền Trang (Xuan Zhang; 600- 664)

4. Nhiếp Đại Thừa Luận của Thầy Vô Trước (Asanga 321 - 390)

5. Bát Thức Quy Củ Tụng của Thầy Huyền Trang

6. Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa của Thầy Pháp Tạng (494- 579).

Duy Thức Tam Thập Tụng của Thầy Thế Thân, được căn cứ trên bản tiếng Hán, tiếng Phạn và trên những lời bình giải của một nhà Duy Thức học nổi tiếng là thầy An Huệ.

Tam Thập Tụng Chú Giải của Thầy An Huệ bằng tiếng Phạn, được giáo sư Sylvain Lévi tìm ra ở Népal năm 1922 và đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Quan Thoại (xuất bản năm 1925 - Đó là cuốn Materiaux pour l'etude du systeme Vijnaptimātra).

Thành Duy Thức Luận của Thầy Huyền Trang là bản dịch và chú giải Duy Thức Tam Thập Tụng của thầy Thế Thân. Tuy nhiên, lối dịch và chú giải của Thầy Huyền Trang rất đặc biệt. Thầy đã sử dụng tất cả tài liệu mà thầy học được từ đại học Nalanda (một đại học nổi tiếng của Phật giáo, phía Bắc Ấn Độ, nay là thị trấn Rajgir, tiểu bang Bihar), từ thế kỷ thứ 7 Tây lịch. Nơi đây Thầy Huyền Trang đã học với Thầy Giới Hiền và Thầy Hộ Pháp, là hai trong 10 vị luận sư nổi tiếng của Ấn Độ thời đó. Thầy Huyền Trang thu thập và đem về Trung Hoa những kiến thức của 10 vị luận sư này và thầy cho hết vào bản chú giải Thành Duy Thức Luận. Chúng tôi sử dụng bản Thành Duy Thức Luận bằng chữ Hán và bản tiếng Anh do một học giả người Hương Cảng dịch.

Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahayana - samgrahashastra) của Thầy Vô Trước là một tác phẩm rất nổi tiếng. Nhiếp Đại Thừa Luận chứa đựng tất cả kinh nghĩa Đại thừa. Tư tưởng trong đó rất căn bản.

Khi học tác phẩm Duy Thức Tam Thập Tụng của Ngài Thế Thân, ta cứ nghĩ Ngài là tổ của Duy thức. Nhưng ta không biết rằng Ngài Vô Trước đã cô đọng tư tưởng Duy thức rất công phu trong Nhiếp Đại Thừa Luận.

Bát Thức Quy Củ Tụng của thầy Huyền Trang có thể xem là tác phẩm Duy thức mới, vì khi qua Ấn Độ, thầy Huyền Trang cũng được tiếp xúc với giáo lý của thầy Trần Na (Dignāna 400- 480), là người rất giỏi về luận lý học (logic) và nhận thức luận (epistemology). Vì vậy Bát Thức Quy Củ Tụng có màu sắc luận lý và nhận thức luận.

Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa do Thầy Pháp Tạng sáng tác. Thầy chuyên về hệ thống Hoa Nghiêm. Thấy giáo lý Duy thức quan trọng và thầy muốn tuyệt đối đại thừa hóa Duy thức, đem giáo lý Hoa Nghiêm bổ túc cho Duy thức. Vậy nên trong Hoa Nghiêm Huyền Nghĩa, thầy Pháp Tạng đã đề nghị đưa tư tưởng "một là tất cả, tất cả là một" vào trong Duy thức. Nhưng tiếng gọi của Thầy Pháp Tạng không đem lại nhiều kết quả vì cả ngàn năm sau người ta vẫn tiếp tục học Duy thức của các thầy Thế Thân, Huyền Trang và Khuy Cơ như cũ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro