19

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Đi, đi theo tao."

"Đi..."

"Cô ba, trời đang tối lắm, cô đừng đi."

Thiên Hương lạnh lùng lướt qua mặt Trinh, trên tay em cầm theo dù, vắt thêm cái áo ngoài rồi mau chóng xỏ guốc tung cửa chạy đi mất.

"Cô ba! Cô ba! Sắp mưa rồi cô ơi, cô mà đi, ông biết được là ông rầy đó."

Trinh vội vã đuổi theo sau, nhưng cô ba chạy nhanh quá, nó không tài nào dí theo kịp. Hồi nãy sau khi nghe tin Kiều Thơ bỏ nhà đi, Trinh để ý thấy sắc mặt Thiên Hương xám lại, tròng mắt lờ đờ đục ngầu như người bị mất hồn, nhưng nó không tin chuyện em tâm linh, thay vì vậy nó đồ rằng dường như em đã biết Kiều Thơ đang ở đâu rồi. Ở cái trời tối hù âm u thế này, trăng còn chẳng thèm lên chớ huống chi mây đòi tan, chị ta làm sao có gan bỏ nhà đi được cơ chứ. Đến khi Trinh đuổi theo Thiên Hương chạy đến cổng, mặc cho nó rống giọng thét lên gọi tên, em vẫn không thèm ngoáy đầu lại nhìn dù chỉ là một ánh mắt.

Đêm nay không giống như những đêm trước, gió thổi nhè nhẹ, tưởng chừng như ấm nhưng hoá ra lại lạnh đến thấu xương, khí trời cứ dở dở ương ương không biết có phải mưa hay không mà sương đêm cứ giăng một đoạn mờ hết cả tầm nhìn. Thiên Hương một thân một mình chạy băng băng trên đường, tiếng côn trùng kêu râm rang lẫn theo tiếng gió rít, rồi cả tiếng bước chân rầm rập vang lên vào nửa đêm khuya càng khiến cho trời đêm trở thành một buổi đêm quỷ dị lạ thường.

"Tang tình tang tính tình tang

Tang tình tang tính tình tang

Hò cống xê xê hò cống liêu

Hò cống xê xê hò cống liêu."

Thiên Hương chạy đến sau đình làng, ngay chỗ có một khoảng đất trống, mà ở ngay trên mảnh đất ấy có một ngôi miếu nhỏ, tuyệt nhiên không một ai tới lau chùi, thờ cúng. Vậy nên dần dà theo thời gian, cái ngôi miếu tội nghiệp kia càng trở nên cũ kĩ, nứt nẻ, u ám. Còn thêm nữa, chỉ riêng mỗi khoảng đất ấy là không có cỏ, chẳng có hoa, đất đá hoang vu trơ trọi mỗi cây đa quanh năm suốt tháng đứng lẻ bóng một mình. Thiên Hương dừng lại cách chỗ cây đa tầm chục bước chân, tưởng chừng ai xui ai khiến, em nghía mắt nhìn đúng vào chỗ khuất phía sau thân cây, một bóng người khòm lưng không rõ là đờn ông hay đờn bà chậm rãi bước từ sau thân cây bước ra, nhìn em hồi lâu rồi ngửa cổ phá lên cười khanh khách.

"Há há há."

Tiếng cười the thé vang vọng thấu vào cả trời và đất, văng vẳng bên tai làm đầu em nhức nhối kinh hồn. Thiên Hương ôm chặt lấy đầu, hai chân em co lên muốn dùng đầu gối để mà che mắt. Trong khi đó, tiếng cười quỷ dị kia vẫn tiếp tục.

"Há há há. Đừng có vẽ mắt cho hình nhân. Đừng có vẽ mắt cho hình nhân..."

Đừng có vẽ mắt cho hình nhân?

Thiên Hương thở dốc, cảm giác như có ai đó đang bóp nghẹn cổ mình. Em há miệng hớp lấy từng ngụm khí lạnh một cách khó khăn, đôi mắt trừng trừng mở ra, cả người cứng còng đối diện với người bí ẩn chưa biết là ma hay là người ấy. Sau khi cười một tràn cười thoả mãn, người đó liền với tay lên chỗ những cành đa khẳng khiu, dùng sức bứt lá đa xuống. Cánh tay người đó dài ngoằng, ốm tong, từng ngón tay như bị bẻ quặp về phía sau cứ nhúc nhích cố trườn lên chạm tới cành cây đa trên đầu. Lá đa rơi tới đâu, thân thể người đó run lên tới nấy. Em trợn mắt sợ hãi, toàn thân cứng đờ như tượng đá không thể cử động được gì.

Bình thường, chỗ đình làng này vào buổi đêm không người dân nào dám bén mảng tới, và ngay cả những người lớn tuổi, các ông, các bà cũng dặn tụi con nít là tuyệt đối không được chạy ra đây chơi vào lúc giờ Ngọ. Bởi lẽ, nơi đây vào mấy cả trăm năm trước đã xảy ra một chuyện vô cùng kì lạ, mà câu chuyện kì lạ ấy được truyền tai nhau từ người này sang người khác, về việc một gia đình mười người chết bất đắc kì tử, mất đầu, mất tay. Chợt nhớ đến câu chuyện doạ ma đó, Thiên Hương rùng mình tỉnh người, một cảm giác lạnh toát xộc thẳng lên gáy khiến em ngã khuỵ xuống như kẻ vừa mới được tháo xích. Quái lạ, em nhớ lại, mình chạy tới đây làm gì vậy?

Em chao đảo ôm lấy đầu, cái áo ngoài rơi vào vũng bùn bên cạnh làm nó dính dơ không thể nào mặc lại được nữa. Thiên Hương cầm chặt cán dù trong tay, gương mặt trắng bệt đổ đầy mồ hôi liên tục căng lên rồi lại thả lỏng không thể kiểm soát. Đến nước này, em hít sâu một hơi, dùng hết can đảm ngẩng đầu nhìn tiếp về phía cây đa ma quỷ kia, lạ thay, không còn thấy bóng dáng cái người già khòm lưng ấy đâu nữa.

"Chị Thơ! Chị Thơ!"

Thiên Hương loạng choạng đứng dậy, thì thào gọi tên Kiều Thơ. Sau cùng, em chạy nhanh tới chỗ cây đa giờ đây đã không còn ai, điều khiến em không ngờ là Kiều Thơ lại ngồi dưới gốc cây đa ấy, trên tay chị cầm theo một chai rượu đế, dưới đất, ngay bên phải là ba cái chung rượu được rót đầy, và trên đầu còn treo tòn ten sợi dây thòng lọng đã thắt sẵn nút.

"Chuyện trăm năm, hỏi ai còn nhớ

Nỗi oan nghiệt, máu đỏ chảy bên sông

Đám trẻ con nước mắt lưng tròng

Mang nghiệp báo, rỏ mực vào đất dữ."
...

Làng Thọ An

Làng Thọ An vốn là một ngôi làng có truyền thống làm người giấy vô cùng nổi tiếng khắp tổng Tân An, người ngoài làng mỗi khi đến đây mua người giấy về làm lễ cúng đều khen rằng tay nghề của người dân nơi đây làm y như thật, nghĩa là, làm thật đến nỗi những hình nhân kia sống động, có hồn chẳng khác gì người thường. Hầu như các nhà ở làng Thọ An không nhà nào là không theo nghề làm người giấy, có kẻ nói cho vui rằng đấy là cái nghiệp rồi, không thể cãi được nữa. Mà đúng thật. Nghề làm người giấy coi tưởng dễ nhưng hoá ra lại khó lắm, cần có sự tỉ mỉ và một chút tin vào tâm linh, bởi nếu không cẩn thận chấm sai dù chỉ là một giọt mực cũng sẽ khiến cho hình nhân kia sống dậy, có linh tính, và có hồn như con người.

Cái nghiệp của làng là vậy, nó đã khiến cho tất cả mọi người trong làng phải chịu sự bó buộc của cái nghề nhàm chán này từ kiếp này sang kiếp khác, từ đời cụ tổ qua tới đời cháu chắt vẫn chưa thể dứt. Sở dĩ gọi đó là cái nghiệp không thể dứt, chính là vì mỗi khi có kẻ nào trong làng dám bỏ mà đi làm nghề khác, thì chắc chắn vào đúng đêm trăng tròn, kẻ đó sẽ lăn ra hộc máu mà chết. Riết rồi người ta tin, người nọ truyền tai người này, thêm thắt vào đó những câu chuyện ma quỷ ghê rợn doạ ma. Chẳng hạn như là bị người âm quật, vặt đầu, bị âm binh ám rồi dẫn tới điên loạn. Thành thử ra nhiều người còn lại sợ rằng rồi sẽ có một ngày, mình có thể chết giống như những kẻ xấu số cứng đầu dám cãi mệnh ngày nào.

"Bà con mình xong việc hết chưa? Bữa nay họp làng, mọi người tới đình đông đủ nghen."

Ông Kiên trưởng làng đứng khòm lưng giữa một bầy người mặc quần áo tả tơi bám bụi mà hồ hởi thông báo. Người trong làng nghe xong cái tin ấy, chẳng ai thèm đáp lại ông lấy một lời. Ánh mắt họ u ám, hốc mắt sâu hoằm, con ngươi xám kịt như người chết dán chặt vào lũ người giấy trong tay, liên tục vò nát con này tới con khác trong vô thức.

Ngày hôm qua ở làng này, mới vừa xảy ra một chuyện kinh thiên động địa.

"Thằng Phúc, mày đã đem đốt mấy cái xác kia chưa vậy?"

"Dạ...rồi..."

Phúc là một cậu thanh niên mới tròn mười bảy tuổi, tuy vậy nhưng dáng người cậu ốm nhom, gầy sộc đến trơ xương, gương mặt lúc nào cũng đực ra như thằng khờ. Da dẻ Phúc thì đen nhẻm như cột nhà cháy, đầu tóc mặc dù không dính mưa nhưng lúc nào cũng trong tình trạng bết bát, nhơm nhớp chất nhầy gì đó hệt như người mới vừa lội mương về. Cậu là con của ông bà Tư Thẹo, chuyên bán mực để bà con dùng để vẽ lên người giấy. Lạ cái, mực ở nhà cậu làm ra không giống như loại mực ở làng khác người ta bán. Đó là thứ mực lúc nào cũng mang một màu đen pha đỏ, bốc lên cái mùi ngai ngái, tanh nồng hệt như mùi máu người đã chết. Nhưng người làng này không ai thèm quan tâm, họ coi như đó là chuyện thường tình, bởi lẽ, có khi giấy mà họ đang dùng, chắc gì được gọi là giấy.

Ông Kiên vuốt chòm râu bạc trắng vài cái, dạo qua một vòng những con người giấy mới làm xong còn đang treo lủng lẳng trên cành cây. Ông sờ nắn từng con, tiếng giấy cứ vang lên sột soạt hệt như tiếng cơn mưa rào rủ xuống bầu không khí tối tăm đầy ma mị. Trời đã bước vào mùa mưa, mây đen dày đặc che kín cả mặt trời, không khí ảm đạm, lạnh lẽo giờ đây còn thêm phần thê lương, hiu quạnh. Ngay vào lúc giữa trưa, người dân trong làng vội bỏ hết chỗ người giấy đang còn làm dang dở mà nghỉ tay về nhà. Giấc trưa cũng vậy, giấc chiều hay tối gì cũng vậy, bà con cứ đi lả lướt như những bóng ma, mặt cúi gằm xuống không thèm chào hỏi ai tiếng nào. Họ chỉ biết bước lặng lẽ qua nhau, hoạ may thì cha mẹ nắm tay con, ông bà nắm tay cháu, chớ tuyệt nhiên không có một lời hỏi thăm hay bông đùa gì với nhau cả.

"Ông Kiên."

Thằng Sáng còn chưa theo cha má về, nó đứng ở sau lưng ông Kiên, hai tay mỗi bên cầm hai khúc củi nhỏ. Đập đập khúc củi ấy lên vai ông, đợi tới khi ông quay lưng lại thì nó rú lên cái tiếng cười man dại hệt như gã khờ Phong, nó nói.

"Đáng đời cái nhà chết thảm."

Ông đưa tay suỵt một tiếng rõ to, trừng mắt quát.

"Sáng, không có giỡn như vậy."

Sáng không biết điều, mặc dù nó không còn cười nữa, nhưng cái mặt ngây ngây dại dại, lấm tấm vệt mực của nó cứ áp sát vào mặt ông Kiên. Được vài giây, hình như nó đã chán cái trò đi chọc phá người lớn này rồi, nó quăng khúc củi xuống đất, để cho khúc củi ấy đè bẹp dí hai con người giấy chưa được làm xong. Hết chuyện, nó gầm gừ trong miệng vài tiếng như con sói hoang, sau đó cũng co giò chạy về nhà mất hút.

Buổi họp làng thường diễn ra mỗi tháng độ hai ba lần, mỗi lần khoảng một canh giờ, thường mọi người họp ở đình làng là chủ yếu. Mặc dù làng Thọ An không phải là một ngôi làng lớn, nhưng việc xây dựng đình, miếu gì đó để thờ cúng thì làng đều có rất đầy đủ, thậm chí một năm còn cúng tận sáu bảy lần. Chuyện trông coi những nơi linh thiêng này do một tay bà vợ ông Kiên, tức bà Nhàn quáng xuyến. Bà Nhàn là một người đờn bà phúc hậu, đẹp lão, gương mặt lúc nào cũng tươi tắn hay cười, khác xa với phần lớn những con người sống xung quanh. Cả vợ chồng ông bà sống ở cái làng này như sống tách biệt mình với bà con. Bởi lẽ những khi người ta buồn rầu, thì ông ba lại vui vẻ, người ta im lặng chẳng nói chẳng cười, thì ông bà càng lộ vẻ hạnh phúc bộn phần. Vậy nên, nó ngộ lắm!

Khi củi lửa trong bếp đã cháy lên bừng bừng thì cũng là lúc buổi họp làng bắt đầu diễn ra. Người dân từ già trẻ lớn bé, từ đờn ông, đờn bà, ai nấy đều ngồi quây quần với nhau tạo thành vòng tròn chật ních, chẳng mấy chốc mà xung quanh đã bốc lên mùi mồ hôi, ẩm mốc nồng nặc. Ông Kiên như thường lệ là người đứng ra chủ trì buổi họp, ông khoan thai bước đến cái bục gỗ được để sẵn trước sân đình, ho khan vài tiếng rồi cất giọng nói thật lớn.

"Bà con trật tự, đừng làm ồn nữa."

Nhưng thực chất, làm gì có ai thèm mở miệng đâu.

"Trước hết với tư cách là trưởng làng, tôi xin bà con đừng quá hoang mang sợ hãi về chuyện xảy ra ở nhà ông Minh hôm qua..."

Thằng Sáng lúc này giơ tay cắt ngang.

"Chết là đáng! Chết là đáng!"

Sáng gào lên hai câu muốn rách cổ họng, rồi nó đứng bật dậy chỉ tay về phía bà Nhàn mà nói.

"Đồ giết người!"

"Sáng, không được nói bậy."

Mặc kệ lời cảnh cáo từ ông Kiên, thằng Sáng đi lách qua đám đông đang ngồi như bị mất hồn. Hai mắt nó sáng lên, hàm răng nó nghiến chặt vào nhau gần như muốn nhào tới chỗ bà Nhàn mà đánh. Nhưng ông Kiên đã sớm chặn đường nó lại, ông túm áo nó, rị tóc nó. Thằng nhỏ bị đau, nó khóc la oai oái trong khi ngón tay vẫn ngoan cố chỉ về phía bà Nhàn đang đứng, ngay lúc này, ông Kiên thấy rõ từ trong đáy mắt nó hiện lên một sự căm phẫn cực độ.

"Đồ giết người! Bà là đồ giết người!"

"Kìa Sáng, đừng nói vậy chớ con."

Sáng quay phắt về phía ông Kiên, giọng nói của nó càng rõ và càng gằn hơn.

"Hai vợ chồng ông bà là kẻ xấu. Tôi thấy hết rồi, ông chặt đầu ông Minh, còn bà thì siết cổ vợ và mấy đứa con của ổng. Đúng là đồ giết người!"

Cả ông Kiên và vợ đều nhìn nhau, rồi phá lên cười giòn.

"Trời đất, Sáng, con ăn nói chi mà bậy bạ vậy hở? Anh chị Tư, anh chị đã cho thằng nhỏ uống thuốc chưa vậy?"

Cha má thằng Sáng ngước lên nhìn con với cặp mắt vô hồn, không nói lời nào mà cúi mặt xuống đất.

"Thôi, về đi. Con nít thì đừng xen vào những chuyện này."

Ông Kiên buông Sáng xuống, đưa tay xoa đầu nó một hồi rồi đẩy nó ra xa mình. Thằng Sáng hận lắm, nó cứ trợn mắt nhìn ông Kiên đang ung dung hỏi chuyện những người còn lại mà chẳng hề có chút sợ sệt hay lo lắng nào về tội ác mình vừa gây ra. Sáng biết không thể nói chuyện này cho bà con nghe được, phần vì nó mới có tí tuổi đầu, phần vì mọi người trong làng này đều bị bỏ bùa, hoặc bị bắt hồn hết rồi, có nói cũng chẳng ai thèm nghe đâu.

"Bà con cứ bình tĩnh nghen, thằng nhỏ này tánh tình quậy phá, nó hay nói nhảm vậy thôi chớ cũng không có ý gì đâu. Anh chị Tư nhớ nghe hôn, canh chừng nó cho tốt à. Còn chuyện gia đình ông Minh chết, theo như tôi suy đoán có thể là do hồi hôm ổng đòi bỏ xứ đi làm nghề gốm. Bà con mình biết rồi đó, ở cái làng này muốn bỏ nghề thì đâu có dễ..."

Dứt câu, ông Kiên nhếch môi và lia mắt nhìn về phía Sáng.

"Phải không?"

"Á!"

Sau cùng, tiếng thét của thằng Sáng cất lên làm kinh động cả một bầy quạ đang đậu trên mái đình. Chúng nó vỗ cánh phành phạch bay đi, thậm chí ngay tới động vật cũng không thể nhìn nổi cảnh tượng đang diễn ra trước mắt.

Từ ngày hôm đó...

...

"Chị Thơ!"

"Hở?"

Sau một cú tát nhẹ của Thiên Hương, Kiều Thơ cuối cùng cũng chịu tỉnh. Chị mở mắt ra, từ từ cảm nhận từng cơn đau đang chạy dọc khắp cơ thể mình. Đầu óc chị cứ mơ màng, mà chai rượu đế đang cầm trên tay không hiểu sao lại cạn đi hơn một nửa.

"Chị có nhìn ra tôi không?"

Thiên Hương ôm vai chị, run rẩy sờ lên trán và quơ tay trước mặt chị. Tròng mắt Kiều Thơ đờ đẫn, con ngươi đen láy dãn ra và nhìn chăm chăm về phía trước. Chị uể oải tựa hẳn người vào thân cây, không hiểu sao đầu óc chị bây giờ cứ như người từ cõi trên trở về vậy.

"Chị trả lời cho tôi biết đi chớ. Chị Thơ..."

"Hương à?"

Kiều Thơ đăm chiêu hồi lâu, xong thì lại tiếp tục.

"Sao mày biết tao ở đây?"

"Tôi...cũng không biết."

Lúc này, một giọt nước mắt mặn chát rơi ra chảy dọc xuống đôi má đỏ ửng. Chị cầm chặt cổ chai, chưa tỉnh được bao lâu thì lại tiếp tục tu thêm một ngụm rượu nữa vào họng.

"Đừng uống nữa, chị Thơ."

Thiên Hương giật chai rượu từ tay Kiều Thơ, em đã sớm cầm lòng không đặng trước tình trạng bê bết thê thảm này của chị ta từ lâu lắm rồi. Từ trên xuống dưới, quần áo đầu tóc chị không chỗ nào là không dính bùn, thậm chí khi đi ra ngoài chị còn chẳng thèm mang guốc, lòng bàn chân cứ thế mà dẫm phải đá nhọn rách da tứa máu. Kiều Thơ nở một nụ cười lạnh, cả người chị toả ra cái mùi men nồng khó ngửi, ngay chính trong hơi thở và lời nói đích thị đúng là của những người nghiện rượu mới có.

"Tao vừa mơ một giấc mơ lạ lắm."

Thiên Hương giấu chai rượu ra sau lưng. Trong đêm khuya không trăng, chỉ có em và chị cùng nhau thủ thỉ.

"Sao?"

"Tao mơ thấy ông cố..."

Rồi chị chỉ lên sợi dây thòng lọng treo trên đầu.

"Tao định chết. Hương ơi, tao không muốn sống nữa."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro