Just one

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay nhìn thấy cầu vồng bắc ngang trời xanh, tôi nghĩ rằng đó hẳn là nấc thang đưa ông đến thiên đường.

01.

Kể từ khi sinh ra, tôi đã được ông trời ưu ái nặn cho một gương mặt đủ khôi ngô tuấn tú. Nào là đôi mắt to, chiếc mũi cao, môi trái tim, là kiểu nhan sắc người khác ước mà không được. Đi đến đâu cũng nhận về những cơn mưa lời khen, vòng quan hệ cũng một phần vì thế mà rộng rãi. Thế nhưng có một điều rất lạ, rằng mỗi khi soi gương, nhìn gương mặt đẹp tựa điêu khắc ấy, trong lòng lại bất giác dâng lên một thứ cảm giác khó gọi tên. Có lẽ là buồn? Có lẽ là đau? Có lẽ là nhớ? Có lẽ là một ấn tượng gì đó? Tôi không biết nữa, đã mười mấy năm qua, tôi chưa lần nào giải đáp được thắc mắc của mình.

Tôi là một người hướng ngoại, sở thích là vui vẻ, bản thân vui vẻ, mọi người vui vẻ. Ai cũng bảo rằng tôi sinh ra không những mang theo gương mặt đẹp mà còn được tặng kèm một loại năng lượng tích cực không bao giờ cạn.

Ngoài ra, sở trường của tôi là âm nhạc. Gia đình tôi là một kiểu gia đình truyền thống điển hình, ông tôi theo nghề giáo, con của ông không theo nghề giáo thì là bác sĩ, cả anh trai tôi cũng theo nghề giáo. Chưa từng xuất hiện trường hợp nào như tôi, từ nhỏ đã nhạy cảm với giai điệu, dù ép buộc bao nhiêu cũng một lòng cống hiến vì âm nhạc. Tất nhiên, không có ai ủng hộ đam mê của tôi, ngoại trừ mẹ.

Nhiều người bảo rằng, tính cách của tôi hoàn toàn trái ngược với gương mặt của tôi. Tôi có một số đo chiều cao khá lý tưởng là 1 mét 81, gương mặt của một nam thần, khả năng tư duy và ngoại ngữ rất tốt. Nhưng trái lại, tính cách và hành động cứ như một chú sóc nhỏ năng động, thích nói chuyện, thích cười, thích truyền bá sự lạc quan.

Có những lúc tâm trạng lơ lửng trên mây, tôi nhìn vào gương, soi xét từng đường nét trên gương mặt mình, rồi như bị cuốn vào đáy mắt sâu thăm thẳm. Rồi lại tự mình cảm thán, sao gương mặt này lại đẹp đến thế? Mình có xứng với nó không?

Khi nhìn vào gương, thông thường ta sẽ mang theo một sự mơ hồ khó nói. Bởi lẽ đó là mặt của mình, mình không biết tự đánh giá thế nào. Nhưng cảm giác của tôi lại rất khác, tựa như tôi chỉ đang đánh giá nét đẹp của một ai đó rất đỗi thân thuộc mà thôi.

Để rồi những hoài nghi ấy cho đến hôm nay, người mà tôi gặp vào hôm nay như một hồi chuông được gõ bất chợt, boong một cái, khiến tôi vừa tỉnh lại vừa mơ màng. Đấy là một ông lão 70 tuổi, tôi đã vô tình làm ông ngã khi lái xe đạp vào một ngõ rẽ, vừa hay ông đang đi ra. Tôi gấp gáp xin lỗi ông, nhưng ông không nói gì, chỉ cúi đầu chăm chú xem xét chú sóc nhỏ bằng bông vừa bị rơi của ông. Có lẽ, đó phải là thứ mà ông quý lắm.

"Ông ơi, ông không sao chứ?" - Tôi vừa dìu ông đứng dậy vừa hỏi.

Khi ông ngẩng mặt lên, tôi hốt hoảng khi nhìn thấy gương mặt ấy, khi ông nhìn thấy tôi cũng có phản ứng tương tự, thậm chí còn hơn thế nữa. Đường nét trên mặt ông ấy quá giống với gương mặt tôi, hay nói cách khác, nhìn như thể tôi là phiên bản khi còn trẻ của ông vậy.

Tôi thấy ông run rẩy, nước mắt chực rơi, khó khăn lắm mới nói được một câu tròn vành rõ chữ:

"Cậu nhóc... cậu nhóc... tên gì vậy?"

Tôi không ngờ ông lại hốt hoảng đến mức này, tôi cảm thấy dường như chỉ cần mình buông tay ra khỏi khuỷu tay ông thì ông sẽ ngã xuống ngay lập tức. Tôi giúp ông vén bớt vài sợi tóc rũ trước trán ra sau vành tai. Mặc dù chính bản thân tôi cũng bất ngờ, nhưng người trẻ sức trẻ, lại còn là tuýp người lạc quan yêu đời, tôi cười với ông và đáp:

"Dạ ông, cháu tên là Phó Tư Siêu."

Ngay khi vừa dứt lời, nước mắt ông không hẹn mà cùng nhau lăn dài trên gương mặt, ông cười mà như mếu, cứ liên tục lẩm bẩm:

"Tư Siêu... Tư Siêu... Phó Tư Siêu... Siêu à..."

02.

Dạo gần đây, mỗi chiều tan học, lịch trình của tôi có chút thay đổi. Tôi không còn long nhong ngoài hàng quán cùng lũ bạn, nhưng cũng không đi thẳng một đường về nhà. Ra khỏi trường, đi thẳng 200m, quẹo phải, rồi là quẹo phải lần nữa vào một con hẻm nhỏ, đi sâu vào bên trong, nơi gần cuối con đường có một ngôi nhà nhỏ trông đã cũ. Ngôi nhà trông giống như đã được xây lên từ rất lâu rồi, cũng ít khi sửa sang, lớp sơn đã bong tróc gần hết.

Thế thì ngôi nhà đó là của ai? Đến làm gì?

Đó là nhà cũng ông Hằng, người trước đó tôi lỡ tông phải và làm ông ngã, cũng là người có đường nét gương mặt giống hệt tôi. Hôm đó, tôi đã đỡ ông về nhà, ban đầu ông do dự lắm, nửa muốn cho tôi vào nhà, nửa không. Sau cùng vẫn là yếu lòng, tôi năn nỉ một chút thì đã cho vào trong.

Bên trong ngôi nhà cũng giản dị vô cùng, có phòng khách, nhà bếp, một phòng ngủ và nhà vệ sinh. Nhưng vật dụng cá nhân đều là đồ đôi, nhìn vào ngôi nhà này có cảm giác của một đôi uyên ương an hưởng tuổi già. Trên đường đến, ông có nói với tôi là ông ở một mình. Thế nên khi bước vào trong, những thắc mắc, tò mò cũng theo đó mà bày ra, tôi do dự mãi mới dám hỏi:

"Trước đây ông ở với ai khác à?"

Ông nghe thấy vậy thì mỉm cười, khi nhớ về người đó tựa như nhìn thấy điều gì đẹp đẽ ở trước mắt. Tựa như khung cảnh khô khốc ấy cũng hóa thành phong cảnh đẹp nhất thế gian.

"Đúng vậy, gặp được em ấy chính là may mắn cả đời ta tích góp được."

Rồi ông lại cụp mắt xuống, thậm chí là tôi dường như đã thấy từng ngôi sao vốn đang lơ lửng lại lũ lượt rơi xuống trong mắt ông. Giọng ông buồn buồn như sắp khóc:

"Nhưng có lẽ là may mắn của đời ta quá ít, cuối cùng chẳng giữ được em."

Tôi đỡ ông ngồi xuống chiếc sofa đã cũ, cũ đến mức lớp da bọc bên ngoài cũng đã rách nhiều chỗ. Tôi hỏi ông nhà bếp rồi lấy giúp ông một ly nước, lúc vào đó, tôi lại càng thấy tội ông. Khắp nơi đều chỉ toàn là vỏ mì gói, tôi tự hỏi, chẳng lẽ ngày nào ông cũng chỉ ăn mì gói vậy thôi sao? Và tôi đã hỏi ông về bâng khuâng của mình:

"Không ai nấu đồ cho ông ăn sao?"

Ông lắc đầu:

"Trước đây chỉ có ta nấu cho em ấy, kể từ khi em ấy không còn ở đây nữa, ta cũng không nấu nữa."

"Vì sao vậy?"

"Đó đều là hương vị mà em ấy thích, ta vốn vì em ấy nên mới học nấu ăn. Em ấy không ăn nữa, ta cũng không còn muốn nấu."

Khi đó tôi đã nghĩ, "em" mà ông ấy đã nhắc đến đó có lẽ là một người rất quan trọng đối với ông. Hơn cả người yêu, hơn cả những gì đẹp đẽ nhất trên đời. Tựa hồ phong hoa tuyết nguyệt, cơn gió mùa hạ, thanh liễu mùa thu và linh lan tháng năm. (2)

03.

Ngày đầu tiên sau lần gặp gỡ không mấy đẹp đẽ đó, tôi đã tự ý đến nhà ông Hằng.

Ông thấy tôi thì bất ngờ lắm, lần này không giống trước đó, ngay khi tôi vừa bước đến bậc thềm thì đã bị ông xua đuổi. Ông không cho tôi vào trong, nhưng ông chẳng hề nặng lời lấy một câu nào, chỉ đành hanh rồi bày ra vẻ mặt ghét bỏ.

"Ông ơi cho cháu vào với, ông ơi ông!" - Tôi đứng bên ngoài tựa cửa, ngay từ đầu tôi đã nhận ra ông là kiểu người chịu mềm không chịu cứng, thế nên cứ đà này, tôi năn nỉ vài câu thì hẳn ông sẽ không chịu nổi mà mở cửa thôi.

Nhưng có lẽ tôi đã sai, đứng cả năm phút, chân cũng bắt đầu mỏi mà chẳng có ai mở cửa cho tôi. Lúc này, bỗng dưng tôi nghĩ đến vài vấn đề, trong lòng chợt lo lắng. Ông đã lớn tuổi rồi, ở nhà một mình rất dễ xảy ra chuyện bất trắc, có khi nào ông bị té hay gì đó không? Cũng vì giác ngộ ra điều này, tôi chẳng còn từ từ năn nỉ nữa, tôi gần như đã đập cửa. Hoặc nói cách khác, chỉ còn chút nữa là tôi phá cửa rồi.

Và thật may, trước khi tôi kịp phá cửa thì ông chịu bước ra. Tôi đoán, hẳn là khi đó trông mình xấu xí lắm, vì quá lo lắng nên tôi cảm nhận được khóe mắt mình bỏng rát, thậm chí là sưng lên. Khi mở cửa ra, thứ đầu tiên ông nhìn là mắt tôi, ông nhìn rất lâu, như là nhìn thấy một hình ảnh cũ đã phai dần trong ký ức.

"Nhóc con này..." - Ông lầm bầm.

Sau đó, ông cho phép tôi vào nhà. Vừa ngồi xuống, ông đã thở dài một hơi, rồi hỏi tôi:

"Nhóc đến đây làm gì?"

Tôi vui vẻ đặt lên bàn một cái cà mèn (3), tất nhiên bên trong là đồ ăn. Tôi mỉm cười với ông, bày ra vẻ mặt "hãy khen cháu đi". Thế mà ông lại nhíu mày nhìn cái cà mèn tôi mang đến, vẻ mặt hoài nghi hỏi tôi:

"Cái gì đây?"

Tôi mở cà mèn ra, đặt từng hộp ra bàn, nào là cơm, thịt kho và canh. Sau một hồi "thuyết trình" về những món ăn, ông hỏi tôi:

"Cậu nấu à?"

"Vâng ạ."

Đương nhiên rồi, tôi nấu ăn rất ngon đó. Từ khi mười ba, mười bốn tuổi là tôi đã bắt đầu biết nấu rồi, giai đoạn tập tành cũng rất thuận lợi, có thể không ngon, nhưng chưa từng đến mức không ăn được.

Tôi cứ tưởng là ông sẽ không chịu ăn, đã chuẩn bị sẵn một bài thuyết trình khác để thuyết phục ông ăn. Nhưng ai ngờ đâu, ông chẳng có phản ứng nào là không chấp nhận cả, bảo tôi lấy giúp đôi đũa rồi gắp một miếng thịt ăn. Tôi rất mong chờ vào cảm nhận của ông, cuối cùng, tôi thấy ông gật đầu hài lòng, thế là tôi vội hỏi:

"Ông thấy sao? Ngon không ông?"

"Cũng được đấy, nhưng không cay."

Tôi gãi đầu bối rối, đây lại là một điểm khác biệt của tôi và gia đình. Cả nhà tôi từ ba mẹ, anh trai cho đến họ hàng, ai cũng thích ăn cay, bởi theo lẽ, quê tôi là ở Tứ Xuyên. Nhưng riêng tôi, một chút hương vị thì còn được, chứ quá cay thì không ổn. Thế nên nấu ăn cũng vậy, theo thói quen nên thường không bỏ ớt.

"Ông thích ăn cay ạ?"

Ông gật đầu.

Tôi lại đẩy món canh đến cạnh ông:

"Ông ơi ăn cả canh nữa ạ, như thế mới đủ chất dinh dưỡng chứ."

Lại lần nữa ông nhìn vào mắt tôi, lần này, ông mỉm cười:

"Đúng là giống hệt."

Tôi khi đó nghĩ rằng ông nói đến gương mặt của mình, thế nên cũng gật đầu đồng tình, thậm chí còn phụ họa bằng cả lời nói:

"Đây cũng là lần đầu tiên cháu gặp một người giống mình đến vậy đó! Có lẽ cháu cũng sẽ giống ông khi về già nhỉ? Về già mà vẫn đẹp lão thế này thì quá tốt rồi."

04.

Như thường lệ, tan học tôi lại đến nhà ông Hằng.

Đã ba tháng trôi qua rồi, mối quan hệ của tôi và ông cũng tốt dần lên, ông gần như đã xem tôi là con cháu trong nhà. Và càng biết thêm về ông, tôi càng thương ông hơn.

Ai đời một lão già đã 70 mà lại không có con cháu, họ hàng cũng ruồng rẫy, một thân một mình trong căn nhà nhỏ mục nát. Người dân ở khu này cũng gần chuyển đi hết rồi, còn lại mỗi mình ông thôi. Không người thân, không bạn bè, không hàng xóm láng giềng. Tôi không thể hiểu được ông đã sống như thế nào trong mấy năm nay, cũng từng mạn phép hỏi ông điều đó, nhưng đáp lại tôi là:

"Thì lay lắt cho qua ngày thôi, ngày nào không qua thì chết."

Ông nhắc đến cái chết một cách bình thản khiến tôi hoài nghi về động lực sống của ông, làm sao để ông có thể duy trì cuộc sống đến hiện tại? Và những lúc như thế, ông bảo rằng:

"Em ấy từng nói muốn ta sống tốt."

Tôi cảm thấy đúng thật, giờ đây, dường như tất cả cuộc sống của ông đều là "em ấy". Tôi cũng tò mò về "em ấy" lắm, nhưng vẫn chưa lần nào dám hỏi cả.

Bước đến trước cửa nhà ông, tôi thấy ông hôm nay không có ở nhà. Điều này cũng thật hiếm gặp, ngoài trừ lần đầu gặp ông và mấy lần sau này ông đi theo tôi để chọn loại ớt phù hợp, hay giúp tôi trả giá, còn lại tôi rất ít khi thấy ông một mình ra ngoài. Tôi vươn tay lên khe cửa phía trên, lấy ra một chiếc chìa khóa dự phòng rồi tự mở cửa đi vào. Kể từ hai tuần trước, ông đã chỉ cho tôi chỗ cất chìa khóa này và nói nếu không có ông ở nhà thì cứ vào trong.

Nhân cơ hội không có ông ở nhà, tôi giúp ông dọn dẹp nhà cửa một chút, đầu tiên sẽ là căn bếp toàn vỏ mì gói kia. Tôi mất hai mươi phút đồng hồ để dọn dẹp sạch sẽ căn bếp, sau đó là phòng khách, rồi cả nhà vệ sinh. Vẫn còn một nơi, nhưng nơi đó khiến tôi do dự không biết có nên bước vào hay không, đó là phòng riêng của ông. Ông chưa từng cho tôi bước vào căn phòng ấy.

Tôi nhìn đồng hồ, chắc mẩm rằng vẫn còn sớm, nếu vào quét dọn nhanh rồi ra thì có lẽ sẽ kịp trước khi ông về. Nghĩ là làm, tôi đẩy cửa bước vào trong.

Nhìn bên trong phòng ngủ, tôi bất ngờ khi thấy nó lại sạch sẽ đến vậy, thậm chí cả sơn tường cũng giống như là mới được sơn lại gần đây. Nếu nhìn như thế này, người ta sẽ chỉ nghĩ đây là một căn phòng của chàng trai đôi mươi thôi, chứ chẳng ai lại có thể ngờ đến đây là phòng của một ông già 70 cả.

Nhìn quanh cũng chẳng thấy có gì cần phải dọn, tôi định sẽ ra ngoài trước khi bị ông phát hiện. Thế nhưng ngay lúc quay lưng, tôi lại nhìn thấy một khung ảnh được úp xuống mặt bàn, một chút cơn tò mò dấy lên và tôi thì không thể cản lại nó.

Tôi đánh liều cầm tấm ảnh lên xem.

Trên bức ảnh là hai chàng trai mặc đồng phục học sinh, nó trông giống như là đồng phục của trường tôi hiện tại, nhưng là rất lâu về trước rồi. Lúc này tôi mới vỡ lẽ, hóa ra ông là "đàn anh" của tôi. Nhìn vào bức ảnh ấy, tôi có thể xác định được ngay ông là người nào, bởi lẽ trông tôi và ông khi trẻ, giống nhau đến 80%, có thể nói là giống như đúc ra từ một khuôn. Ông khoác vai chàng trai kia, chàng trai ấy thấp hơn ông một chút, trong bức ảnh thì cười rất tươi, còn tạo dáng tay hai ngón nữa. Tôi bỗng thấy buồn cười, đúng là kiểu chụp hình này ngày xưa rất phổ biến, ai cũng đưa hai ngón tay ra mà tạo dáng cả.

Bức ảnh ấy toát ra hơi thở thiếu niên, giữa hai người họ dường như chẳng hề có khoảng cách. Tôi mơ hồ nhận ra, "em ấy" mà ông luôn nhắc đến ấy, có lẽ chính là người này.

"Cậu làm gì trong này thế hả?"

Tôi sững người khi nghe thấy tiếng ông ở đằng sau. Thôi rồi, quá chăm chú vào bức ảnh mà tôi đã quên mất thời gian, giờ ông đã về và bắt gặp tôi thế này đây. Nghe giọng thì có lẽ ông rất tức giận, bình thường ông gọi tôi là nhóc này nhóc nọ, nhưng bây giờ, ông lại gọi tôi là "cậu".

"Cháu... cháu chỉ giúp ông dọn dẹp thôi..." - Tôi cố gắng giải thích.

"Tôi đã cho cậu đụng vào đồ của tôi chưa? Sao lại tự tiện như thế?" - Ông vừa nói vừa khập khiễng bước về phía tôi rồi giật lấy tấm ảnh tôi đang cầm, lại lần nữa úp nó xuống.

Bấy giờ đây tôi mới phát hiện rằng chân ông đang bị băng bó, tôi nhớ hôm trước tôi đến thì không có. Tôi muốn hỏi ông, nhưng giờ có vẻ ông đang giận lắm, thế là lại thôi.

"Cháu không cố ý, cháu xin lỗi..."

Ông đuổi tôi ra ngoài và đóng chặt cửa phòng, tôi biết rằng ngay lúc này đây, tôi không thể làm gì để xoa dịu được ông cả. Lòng tôi có chút buồn, tôi thật sự chỉ muốn giúp ông dọn dẹp, giữa chừng có chút tò mò nên mới xem một chút thôi. Ông cần thiết phải tức giận đến thế không? Nhưng rồi tôi lại tự mâu thuẫn với bản thân. Đúng là lỗi của tôi, ông rõ ràng đã không cho phép mà còn cố ý bước vào rồi, là do tôi sai cơ mà.

Vừa tủi thân lại vừa thấy có lỗi, tôi muốn mặc kệ ông nhưng cuối cùng vẫn không thể. Tôi để lại cà mèn đã bày ra sẵn cho ông ở phòng khách rồi rời đi ngay sau đó.

Thôi thì để ông một mình bình tĩnh lại, ngày mai nấu cho ông vài món ngon chuộc lỗi vậy.

05.

Như đã nói trước đó, hôm nay tôi nấu cho ông những món ông thích để lấy lòng ông. Đứng trước cửa nhà ông, tôi chỉnh trang lại mái tóc mình rồi mới gõ cửa, chuẩn bị cho một lời xin lỗi thật có tâm. Nhưng tôi gõ một lần, rồi lại hai lần, ba lần,... vẫn không có ai mở cửa. Tôi tự hỏi lòng, chẳng lẽ ông lại không có trong nhà sao? Nhưng rõ ràng là cửa không khóa mà?

Thế là tôi lại lần nữa tự tiện đẩy cửa vào trong, phòng khách không có ai, cả phòng bếp và nhà vệ sinh cũng vậy. Nỗi sợ mà ngày thứ hai đến đây lại lần nữa dội lên, mặc kệ hôm qua ông tức giận thế nào vì việc tôi vào phòng ngủ và chạm vào đồ của ông, tôi lại liều mình lần nữa mở cửa bước vào.

Cửa phòng ngủ rõ ràng không khóa, thế nhưng tôi đẩy mạnh như nào vẫn không được, hệt như có thứ gì đó chắn bên kia cánh cửa. Dùng hết sức bình sinh để phá cửa, cánh cửa mở ra, đồng thời có thứ gì đã ngã xuống.

Tôi vội bước vào đỡ ông dậy, còn đang định mắng ông sao lại ngủ ở đây mà không lên giường thì chợt nhận ra, rằng cả người ông lạnh ngắt. Và hơi thở của ông, tôi cũng không còn cảm nhận được nữa.

Đúng vậy, ông đã ra đi rồi...

Ngày hôm ấy, trên bầu trời xanh thăm thẳm, đột nhiên xuất hiện cầu vồng rất đẹp. Và mơ hồ tôi nhìn thấy, bóng dáng ai nhỏ bé phương trời xa đang nương nhờ cầu vồng bước lên thiên đường, cái lưng lom khom hệt như ông ấy vậy.

Tôi dặn bản thân mình không được khóc, bởi nơi ông đang đến chính là thiên đường - một nơi không còn những lo toan khó nhọc nữa, một nơi sẽ khiến ông thoải mái. Và biết đâu, ở nơi đó, ông sẽ gặp được vài mảnh "em" sót lại của ông thì sao?

06.

Mấy ngày sau đó, tôi tìm thấy quyển nhật ký mà ông để cạnh khung ảnh của ông và người ấy. Trên đó có viết dòng chữ "chỉ cho Phó Tư Siêu xem". Và... tôi đã đọc nó.

Ngày 11 tháng 3.

Chào Tư Siêu, hôm nay anh vẫn rất tốt và cũng rất nhớ em. Anh có đi khám bác sĩ, họ nói sức khỏe anh đang suy yếu, chắc được khoảng ba hoặc bốn tháng nữa thôi. Anh sắp gặp được em của anh rồi, anh vui quá.

Ngày 15 tháng 3.

Tư Siêu à, hôm nay anh đã gặp một chuyện rất bất ngờ đó. Anh cứ nghĩ em đang ở nơi đó chờ anh, nhưng không ngờ là em lại đi sớm rồi. Anh gặp được một cậu nhóc có khuôn mặt giống anh khi trẻ, nhưng ánh mắt và hành động, thói quen và cả tên của cậu bé lại hệt như em. Anh từng nghe nói về chuyện người sinh ra sẽ có khuôn mặt giống với người mà ta yêu nhất ở kiếp trước, trước đây anh không tin, nhưng giờ đây thì anh không chắc nữa. Tư Siêu hư thật, vậy mà lại đi trước anh một bước. Ba tháng sau anh đến đó thì không được gặp em rồi, buồn thật đó.

Ngày 16 tháng 3.

Tư Siêu ơi, cậu nhóc ấy thật giống em, cái tính lương thiện ấy cứ mãi không đổi. Chỉ làm anh ngã một chút thôi lại muốn mang cơm đến cho anh, lương thiện y chang em vậy. Nhớ ngày ấy, lần đầu tiên gặp nhau, em cũng đã giải vây cho anh khỏi lũ trấn lột tiền, dù trước đó chúng ta vốn là đối thủ cạnh tranh trong học tập. Làm sao đây? Càng gặp cậu nhóc ấy, anh lại càng nhớ Tư Siêu nhiều hơn.

Ngày 17 tháng 4.

Hôm nay cậu nhóc ấy hỏi anh về em, anh không biết mình nên nói thế nào, chỉ đành miêu tả về em. Càng nói lại càng hăng say, trước đây em là ánh mặt trời rực rỡ nhất trong lòng anh, là nguồn sáng duy nhất và cũng là nguồn sống của anh, cho tới tận bây giờ vẫn vậy. Lúc trước anh chưa từng nói ra lời này bởi anh thấy nó không cần thiết, nhưng giờ đây anh lại muốn nói cho em nghe quá. Tư Siêu à Tư Siêu, anh yêu em nhiều lắm đấy có biết không? Anh yêu mọi thứ liên quan đến em, Tư Siêu à...

Ngày 23 tháng 5.

Anh lại đi gặp bác sĩ, ông ấy nói anh sắp được gặp em rồi. Anh cũng rất vui vì điều đó, chỉ tiếc là giờ Tư Siêu không còn chờ anh nữa. Lúc trở về, nhóc con kia đang xem hình của chúng ta, nhóc ấy tự tiện thật. Anh chỉ hơi giận thôi, không có trách nhóc đâu. Nhưng mà anh lại lỡ nặng lời với nhóc con rồi, còn đuổi nhóc đi nữa, thế mà trước khi đi, nhóc con lại còn chuẩn bị cơm cho anh. Nhóc ấy tốt như thế, có phải anh đã quá đáng với nhóc rồi không?

Ngày 24 tháng 5.

Tư Siêu của anh, anh cảm thấy mình không chống chọi được nữa rồi. Tư Siêu của anh, anh đến với em đây, Tư Siêu.

...

Tôi gấp cuốn nhật ký lại, chợt nhận ra mình đã khóc từ bao giờ. Hóa ra là trên đời lại còn có loại chuyện như thế này. Thật khó mà ngờ đến, nhỉ?

end

A/N:

(1) Câu chuyện được lấy cảm hứng từ #CMN83 của page Nhà sản xuất thử thách viết lách. Đây là một prompt mà mình để ý đến ngay từ những ngày đầu theo page, mấy nay đột nhiên nhớ đến, cảm thấy rất thích nên đã triển nó. Tại đây xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến người đã nghĩ ra chiếc prompt này, rất đặc biệt, rất hay.

(2) Thanh liễu đẹp nhất mùa thu, linh lan đẹp nhất tháng năm.

(3) Miền Nam gọi là cà mèn (hoặc cà mên), miền Bắc gọi là cặp lồng.

(4) Phó Tư Siêu ở kiếp này (tôi) dù giống đến mức nào thì vẫn không phải là Tư Siêu mà Ngô Vũ Hằng muốn nói lời yêu. Thế nên, đừng nhầm lẫn.

(5) 045617 (Nǐ shì wǒ de yǎngqì), có nghĩa "em là nguồn sống (dưỡng khí) của anh", là một dãy số rất đặc biệt, đối với mình thì nó lại càng có ý nghĩa hơn. Vậy nên dù đã đăng lên rồi nhưng mình vẫn quyết định đổi tên fic từ "Em ấy" sang "045617", đổi tên fic nhưng nội dung thì như cũ nhé <3

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro