Chương 1: Ốc Sên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Gần đây giọng nói trong đầu cậu còn trò chuyện với cậu nữa không?"

Tại một trung tâm chăm sóc tâm lý, vị bác sĩ mặc áo blouse trắng ngồi trong phòng bệnh riêng, vừa lật hồ sơ bệnh án vừa hỏi.

Người ngồi bên phía đối diện bàn chẩn đoán là một chàng trai trẻ mới ngoài đôi mươi.

Chàng trai ấy trông có vẻ rất yên tĩnh và ngoan ngoãn, không hề khiến người khác cảm thấy bị đe dọa.

Đây là ấn tượng đầu tiên của người ta về cậu.

Mà giờ phút này, cậu đang nhìn chằm chằm vào chậu cây bên khung cửa sổ.

Chậu cây đó là một chậu trầu bà, có vẻ như nó được người ta chăm sóc rất tốt nên những cành lá của nó cực kỳ dài, buông thõng xuống bên dưới.

Gió nhẹ thổi qua, ánh mặt trời rọi xuống như đang khiêu vũ trên tầng lá xanh.

"...Giang Diệu?"

Bác sĩ Ôn Lĩnh Tây ngẩng đầu lên khỏi bệnh án.

Anh nở nụ cười bất đắc dĩ, nhận ra người bệnh của mình lại bắt đầu bị phân tâm nữa rồi.

Cộc cộc.

Bác sĩ Ôn gõ nhẹ lên chiếc bàn trước mặt Giang Diệu. Thế nhưng, dù anh có cố gắng nỗ lực thu hút sự chú ý của chàng trai kia đến cách mấy đi chăng nữa thì tất cả đều chỉ là tốn công vô ích.

Giang Diệu nhìn chằm chằm vào chậu cây xanh, ngay cả mắt cũng không thèm chớp lấy một lần.

Cậu nhìn nó chăm chú đến mức khiến người ta không khỏi thắc mắc xem liệu chậu trầu bà bình thường kia có gì đặc biệt đến nỗi khiến cậu không thể dời mắt sang chỗ khác.

Giang Diệu cứ quan sát chậu cây mãi.

Còn bác sĩ Ôn thì đứng bên cạnh, yên lặng nhìn cậu.

Anh kêu mấy lần mà Giang Diệu vẫn chẳng thèm để ý tới, bác sĩ Ôn thở dài, cầm bút lên ghi vào bệnh án.

Giang Diệu – 21 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ từ hai mươi năm trước.

Khi chào đời, cậu chẳng khác gì mấy đứa nhóc bình thường xung quanh, cha mẹ cậu vui mừng chào đón sự xuất hiện của sinh mệnh nhỏ bé này. Nhưng dần dần, theo thời gian, họ bỗng phát hiện ra có gì đó không ổn.

Trước hết là ánh mắt của cậu.

Từ khi còn nhỏ, Giang Diệu đã chẳng tò mò với thế giới bao la rộng lớn xung quanh như mấy đứa trẻ khác.

Dù là món đồ chơi nhỏ lấp lánh hay là có người cố tình tạo tiếng động để thu hút sự chú ý của cậu đi chăng nữa thì Giang Diệu rất hiếm khi đáp lại ánh mắt của bố mẹ mình. Cậu chỉ để ý đến những gì cậu muốn thấy.

Không ai biết được cậu thích thứ gì.

Bởi vì cậu chẳng chịu nói.

Đây cũng là nguyên nhân khiến cha mẹ Giang Diệu dẫn cậu đi khám.

Thính giác và thanh quản của Giang Diệu đều phát triển binh thường, không có dấu hiệu bị bệnh. Tuy vậy, cậu vẫn chẳng chịu mở miệng nói bất kỳ câu gì.

Cha mẹ ôm bé Giang Diệu mới hơn một tuổi đến khám bác sĩ. Nghe xong tình trạng của cậu, bác sĩ uyển chuyển nói họ nên tìm hiểu về bệnh tự kỷ thử xem sao.

Bệnh tự kỷ - hay còn được biết đến với cái tên khác là hội chứng cô độc.

Lúc bấy giờ, cha mẹ của Giang Diệu vẫn chưa biết tự kỷ là loại bệnh như thế nào.

Mãi đến khi có kết quả chẩn đoán thì họ mới biết, thì ra đây là một căn bệnh liên quan đến thần kinh và rất khó để có thể điều trị hoàn toàn.

Thường thì trẻ bị tự kỷ sẽ gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng trong quá trình phát triển.

Người mắc bệnh tự kỷ thường sẽ có các triệu chứng như: khó giao tiếp với xã hội, nói chuyện chậm và có những hành vi mang tính chất rập khuôn.

Đây chính là lý do khiến bé Giang Diệu một tuổi của năm đó né tránh ánh mắt của cha mẹ, không đáp lại tiếng gọi của hai người họ.

Dường như, những đứa trẻ mắc bệnh tự kỷ sống tách biệt trong một chiếc lồng kính.

Cậu không hiểu được thế giới bên ngoài.

Thế giới bên ngoài cũng chẳng thể hiểu cậu.

Hầu hết trẻ em bị bệnh đều gặp khó khăn trong quá trình học tập, nếu nghiêm trọng thì có khi chúng còn chẳng thể tự mình ăn cơm và đi vệ sinh.

Hơn nữa, đây còn là một căn bệnh rất khó chữa khỏi.

Chỉ khi người bệnh được điều thị và tập luyện thường xuyên thì mới có thể miễn cưỡng học được cách chăm sóc cho bản thân.

Còn về việc hòa nhập với xã hội bên ngoài như một người bình thường thì thôi khỏi phải nói, khó còn hơn lên trời.

Bé Giang Diệu mới một tuổi hơn mà đã bị chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, cha mẹ cậu nghe tin mà như sét đánh ngang tai.

Bạn bè người thân không ngừng khuyên nhủ hai người họ nhân lúc còn trẻ thì hãy sinh thêm một đứa nữa đi. Đứa nhóc này không cách nào khỏi bệnh được, chi bằng sinh thêm đứa em cho cậu, chờ sau này hai người họ già rồi thì cũng có người chăm sóc cho Giang Diệu.

Cha mẹ Giang Diệu suy xét việc này rất lâu, cuối cùng cũng không đồng ý sinh thêm đứa nữa mà thay vào đó, họ dốc toàn bộ sức lực để trị bệnh cho Giang Diệu.

Bọn họ không muốn bỏ mặc đứa nhỏ này, cậu chỉ bị bệnh mà thôi, cậu không làm gì sai trái cả.

Hai người họ cũng không muốn sinh thêm đứa tiếp theo, nó còn chưa ra đời mà đã đặt gánh nặng lên vai nó, thật chẳng công bằng với nó chút nào.

Chính vì lẽ đó, bé Giang Diệu mới hơn một tuổi mà đã bị cha mẹ mình bế đi thăm khám ở rất nhiều các bệnh viện lớn khác nhau.

Dưới sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cha mẹ, Giang Diệu dần dần học được cách ăn cơm, thay quần áo và các kỹ năng sống cơ bản khác.

Đồng thời, bọn họ cũng rất kinh ngạc và vui mừng khi phát hiện ra rằng tuy Giang Diệu khó giao tiếp với người khác nhưng thay vào đó, cậu có rất nhiều thiên phú khiến người ta phải trầm trồ.

Chẳng hạn như, cậu chỉ cần nhìn qua một thứ gì đó thôi là sẽ không bao giờ quên. Dù cậu chỉ nhìn thoáng qua một tờ báo thì mấy tháng sau, cậu vẫn có thể đọc lại nội dung của tờ báo đó mà không sai sót hay khuyết thiếu dù chỉ là một chữ.

Hay ví dụ như cậu rất thích vẽ tranh. Tuy rằng cậu chưa từng học qua bất kỳ một trường lớp chính quy nào nhưng những bức tranh cậu tiện tay vẽ ra lại mang theo một vẻ đẹp huyền ảo và tráng lệ, không ít lần các cư dân mạng đã phải kinh ngạc trước nét vẽ của cậu, thậm chí còn đẩy cậu lên cả hotsearch.

Vậy là đủ rồi.

Cha mẹ Giang Diệu vui mừng nghĩ: Ít nhất thì nó có thể tự vẽ tranh để nuôi sống chính mình.

Sau đó, một biến cố bất ngờ ập đến.

Đến tận ngày hôm nay, vẫn chưa ai có thể giải thích được chuyện gì đã xảy ra vào ngày hôm đó.

---Năm Giang Diệu 20 tuổi, cậu bỗng mất tích.

Đó là một ngày rất bình thường, trời trong nắng ấm như bao ngày khác, mẹ Giang Diệu bày giá vẽ ra để cậu vẽ tranh trong sân nhà.

Màu vẽ vô tình rơi xuống đất, lớp màu dày bắn lên ống quần của Giang Diệu.

Mẹ quay người vào nhà lấy khăn ra để lau cho cậu.

Khi bà quay lại, Giang Diệu đã biến mất.

Ngoài sân không có cổng mà chỉ có những bức tường cao đến tận hai mét, con đường duy nhất dẫn ra bên ngoài là hành lang mà mẹ Giang đã đi.

Thế nhưng, lúc bà cầm theo chiếc khăn quay lại, bà chỉ nhìn thấy mỗi chiếc giá vẽ lẳng lặng nằm dưới giàn nho.

Trên mặt đất vẫn còn vết màu đổ.

Nhưng trên ghế lại chẳng có ai.

Họa sĩ tự kỷ thiên tài bỗng dưng mất tích, chuyện này đã khiến cư dân mạng xôn xao suốt một thời gian.

Sự việc này kỳ lạ đến mức khiến bên cảnh sát ngay lập tức vào cuộc để điều tra, cư dân mạng cũng truy tìm cậu khắp nơi.

Nhưng người ta mãi chẳng thể tìm thấy chút tung tích nào của cậu.

Tựa như trong truyền thuyết "Bị thần giấu đi" (*), vào một ngày đầy nắng, trước giàn nho trong sân, thần linh đã đến và bắt cậu đi mất rồi.

Vụ án rơi vào bế tắc, cảnh sát bất lực, đến cả cha mẹ cậu cũng sắp từ bỏ trong tuyệt vọng.

Không ai ngờ đến, một năm sau sự kiện đó, Giang Diệu đột nhiên xuất hiện, hệt như cách cậu đã từng biến mất ngay giàn nho năm xưa.

Cậu bỗng xuất hiện ngay trước cửa nhà mình với cơ thể trần trụi, trên người dính đầy máu, trông cậu cứ như vừa được vớt khỏi bể máu vậy.

Thế nhưng, cậu không bị thương.

Lúc đầu, cảnh sát nghi ngờ rằng đó là vết máu của tên hung thủ đã bắt cóc cậu, cậu đã vật lộn với hắn ta nên cả người cậu mới dính đầy máu như thế này.

Nhưng sau khi xét nghiệm DNA thì cảnh sát bỗng phát hiện ra DNA của vết máu này không trùng khớp với bất kỳ DNA nào khác trong kho dữ liệu.

Hết cách rồi, dù sao thì kho dữ liệu DNA của quốc gia chỉ chứa DNA của những người từng có tiền án phạm tội. Nếu đây là lần đầu tiên tên bắt cóc ấy làm mấy việc này thì trong kho dữ liệu sẽ không có DNA của hắn ta.

Cảnh sát chuyển hướng điều tra sang người bị hại.

Ai cũng muốn biết liệu chuyện gì đã xảy ra trong một năm Giang Diệu bị bắt cóc.

Nhưng tiếc rằng, Giang Diệu lại bị mất trí nhớ.

Dường như ký ức của cậu dừng lại ngay khoảnh khắc lọ màu rơi xuống đất, màu vẽ bắn tung tóe lên ống quần của cậu.

Sau đó thì sao?

Hình như cậu đã nghe thấy tiếng thét chói tai của một người nào đó, lúc hoàn hồn trở lại thì cậu đang trần trụi đứng trước cửa nhà.

Có chuyện gì đã xảy ra ở khúc giữa?

Cậu không biết.

Dường như ký ức của cậu đã bị đứt đoạn, cứ như thể có một người nào đó đã lấy mất phần giữa, rồi ghép đầu đuôi lại với nhau.

Một giây trước cậu còn đang ngồi trong sân, một giây sau cậu đã đứng trước cửa nhà mình với cơ thể nhuộm đầy sắc máu.

Một năm qua cậu đã đi đâu? Cậu đã làm gì? Lượng máu đủ để giết chết một người nằm trên người cậu là máu của ai? Tại sao cậu lại trần trụi quay trở về?

Cậu không nhớ gì cả.

Chẳng ai có thể điều tra được đầu đuôi sự việc.

Vụ mất tích kỳ lạ này khiến cả nước xôn xao, các bài viết liên quan đến nó nằm chễm chệ trên hotsearch suốt vài ngày.

Nhưng chẳng ai có thể giải thích được sự việc này, người nào cũng có suy đoán của riêng mình nhưng chung quy lại, suy đoán của ai cũng có lỗ hổng mà khoa học không thể nào giải thích nổi.

Cảnh sát và bác sĩ đã tìm đủ mọi cách nhưng chẳng thể đưa ra bất kỳ lời giải thích nào hợp lý, họ không có cách nào giải thích được chuyện gì đã xảy ra.

Cuối cùng, tất cả mọi người chỉ đành để chuyện này lặng lẽ trôi qua theo thời gian.

Về phần cha mẹ của Giang Diệu, họ chỉ cần con trai mình quay về là được.

Thế nhưng, cậu không những an toàn trở về mà bệnh tình của cậu còn chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn trước rất nhiều.

Sau khi quay về, Giang Diệu bắt đầu mở miệng nói chuyện.

Cậu sẽ khóc, cậu sẽ cười, cậu sẽ nói ra thứ cậu muốn.

Cha mẹ cậu cực kỳ vui mừng, họ hỏi cậu vì sao cậu lại chấp nhận mở lòng với mọi người.

Giang Diệu nhìn vào gương, nói: "Trong lòng con có một giọng nói, giọng nói ấy nói với con rằng thế giới này rất đẹp, khuyên con hãy sống thật hạnh phúc."

Có lẽ trong một năm mất tích, cậu đã gặp phải chuyện gì đó vậy nên mới sinh ra nhân cách thứ hai.

Bác sĩ Ôn – bác sĩ điều trị chính cho Giang Diệu đã nói với cha mẹ Giang như thế.

Trước khi Giang Diệu mất tích, cậu hệt như một cái cây, vừa yên tĩnh lại vừa ngoan ngoãn, không bao giờ biểu lộ cảm xúc của mình, dù có bị thương đi chăng nữa thì cậu cũng sẽ chẳng nói đau.

Nhưng từ khi Giang Diệu quay về, dù vẫn kiệm lời như trước nhưng cậu đã dần có dáng vẻ giống với một người bình thường.

Cha mẹ cậu nhìn thấy được hy vọng, nhưng họ vẫn không yên tâm cho lắm, vậy nên, họ thường xuyên đưa cậu tới chỗ bác sĩ Ôn để làm kiểm tra định kỳ.

Đây cũng là nguyên do vì sao giờ phút này, Giang Diệu lại ngồi trong phòng khám riêng với bác sĩ.

"..." Gọi mấy lần mà Giang Diệu vẫn chẳng thèm đáp, bác sĩ Ôn thở dài, viết xuống bệnh án rằng lần điều trị này đã thất bại.

Bệnh tình có khả năng tái phát, đề nghị người nhà nên chú ý quan sát và theo dõi người bệnh chặt chẽ hơn, không cho người bệnh tự mình sinh hoạt.

Bác sĩ Ôn cúi đầu, viết chẩn đoán của mình

Phía bên kia bàn làm việc, Giang Diệu vẫn đang nhìn vào chậu cây trầu bà.

Gió thổi nhẹ qua rèm cửa, cành lá của cây trầu bà lay động theo gió.

[Đẹp quá.]

Giang Diệu nghe thấy giọng nói trong lòng mình.

[Khi nào về thì mình đi ngang qua bảo tàng côn trùng để tham quan một lúc nhé.]

Giọng nói kia tiếp tục vang lên.

Nghe thấy bốn chữ "bảo tàng côn trùng", lông mày Giang Diệu hơi cong lên, cậu mỉm cười.

"...Em thích cái này hả?" Bác sĩ Ôn chú ý tới tầm mắt của cậu, anh duỗi tay cầm chậu cây đến, để trước mặt Giang Diệu: "Nếu em thích thì anh tặng cho em đó, em mang nó về chăm sóc đi."

Giang Diệu ngước mắt lên nhìn anh rồi lại nhìn xuống chậu cây.

Cậu vươn tay, đẩy những phiến lá um tùm ra chỗ khác, nhẹ nhàng bắt lấy một chú bọ rùa đang nằm trên tầng lá bên trong.

Cánh màu đỏ, đốm màu đen.

Đó là một chú bọ rùa vô cùng xinh đẹp, chú ta có tất thảy là bảy chấm đốm ở trên lưng.

[Em phải nói gì nào?]

Giọng nói trong lòng hỏi.

Giang Diệu: "Cảm ơn."

Cậu đứng lên, trịnh trọng nói với bác sĩ Ôn: "Cảm ơn anh."

Bác sĩ Ôn vô cùng sửng sốt.

Giang Diệu cẩn thận bế chú bọ rùa trên tay, nở nụ cười rạng rỡ.

...Cậu rất giống một cái cây.

Vừa ngoan ngoãn lại vừa vô hại, truyền chú bọ rùa từ cành cây sang tay của bản thân mình.

Cậu làm vậy không phải vì muốn hại nó mà chỉ vì cậu thích nó nên mới muốn nó bò trên người mình.

Bác sĩ Ôn ngây ngẩn một lát rồi mở bệnh án ra, anh châm chước một lúc lâu rồi quyết định gạch bỏ dòng chữ "bệnh tình có khả năng tái phát", viết một dòng chẩn đoán mới vào trong đó:

Khả năng giao tiếp với thế giới bên ngoài của người bệnh đã có chuyển biến tốt, cải thiện hơn đáng kể so với trước đây. Phương án điều trị tạm thời vẫn giữ nguyên không thay đổi, tiếp tục quan sát thêm.

---

Bác sĩ Ôn ghi chép xong thì mở cửa ra, mời mẹ của Giang Diệu vào phòng khám.

Đây là thói quen khi khám bệnh của anh, đầu tiên anh sẽ giao lưu với người bệnh trước rồi mới trao đổi với người nhà của bệnh nhân.

Người ngồi ngay hàng ghế chờ là một người phụ nữ ăn mặc vô cùng duyên dáng và nữ tính, vừa thấy Ôn Lĩnh Tây bước ra là bà đã vội đứng lên chào hỏi.

Ai nhìn vào cũng biết bà là mẹ của Giang Diệu. Bởi lẽ, khí chất hiền hòa và vô hại của bà giống với Giang Diệu y như đúc.

Nếu sự hiền hòa và vô hại của Giang Diệu là đến từ căn bệnh tự kỷ của cậu thì người mẹ Từ Tĩnh Nhàn hoàn toàn ngược lại, sự dịu dàng của bà là hiện thân của sự nhẹ nhàng và thanh lịch của các vũ công ballet.

Vết chân chim nơi đáy mắt là minh chứng cho việc bà đã đứng tuổi, thế nhưng, chúng chẳng thể nào che lấp được ngoại hình và dáng người của bà, chắc hẳn hồi trẻ bà phải xinh đẹp và được nhiều người theo đuổi lắm.

Giang Diệu hoàn toàn thừa hưởng nét đẹp từ mẹ mình.

Ôn Lĩnh Tây dẫn Từ Tĩnh Nhàn vào phòng khám, anh nhịn không được nghiêng đầu, liếc mắt nhìn thoáng qua Giang Diệu. Cậu bé đó vẫn yên lặng ngồi trên ghế sofa, cúi đầu chăm chú quan sát con bọ rùa bò trong lòng bàn tay.

Da cậu trắng như tuyết, điểm xuyết cho đôi mắt xinh đẹp. Hàng mi dài rũ xuống tựa như lông quạ, nhẹ nhàng lay động khiến người khác có cảm tưởng dường như cậu vô cùng yếu ớt.

Rối loạn nhân dạng phân ly – hay còn được biết đến với một tên gọi khác phổ biến hơn là "Đa nhân cách", đây chính là căn bệnh thứ hai mà Giang Diệu đang mắc phải.

Thông thường, loại bệnh này thường sẽ xuất hiện trên người những đứa trẻ đã trải qua tổn thương nghiêm trọng.

Có giả thuyết cho rằng, những đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và tâm lý thường sẽ không thể chấp nhận được sự thật, chúng không muốn tin rằng những việc khủng khiếp đó đã xảy ra với mình. Vậy nên, chúng tự tưởng tượng ra một người khác, người đó sẽ thay chúng gánh chịu mọi tổn thương.

Trong một năm mất tích, Giang Diệu đã trải qua những gì?

Tuy rằng cảnh sát đã nói rằng trên người cậu không có dấu vết bị xâm hại nhưng cậu chỉ là một đứa nhỏ mà thôi...Cậu không thể tự bảo vệ mình, huống hồ gì cậu lại còn có tướng mạo xinh đẹp đến vậy...

Tựa như một bông hoa xinh đẹp không có gai.

Bạn có thể tưới nước và đặt nó dưới bệ cửa sổ để nó tắm nắng nhưng đồng thời, bạn cũng có thể bẽ gãy cành của nó rồi lau khô lớp chất lỏng chảy ra từ phần bị gãy.

Dù bạn có làm gì đi chăng nữa thì nó cũng không thể phản kháng.

Ôn Lĩnh Tây đè nén sự thương cảm dưới đáy lòng, mỉm cười nhìn Từ Tĩnh Nhàn.

"Tình huống hiện tại của cậu nhóc vẫn tương đối ổn định, năng lực giao tiếp của cậu bé cũng đang dần phát triển." Ôn Lĩnh Tây nói: "Vậy nên, về chuyện dung hợp nhân cách..."

Dung hợp nhân cách nghĩa là dung hợp nhân cách phụ vào lại nhân cách chính.

Lần tái khám này diễn ra sớm hơn nhiều so với dự định ban đầu.

Cha mẹ của Giang Diệu vẫn luôn hy vọng cậu có thể sống như một người bình thường.

Ôn Lĩnh Tây nhìn ra được Từ Tĩnh Nhàn đang sốt ruột, anh vốn định giải thích kỹ càng cho bà hiểu dung hợp nhân cách là như thế nào nhưng không ngờ, bà lại cắt ngang lời anh.

"Không, bác sĩ Ôn. Hôm nay tôi dẫn thằng bé đến đây không phải vì chuyện dung hợp nhân cách."

Ôn Lĩnh Tây nhướng mày, nghi ngờ nhìn bà. Anh bỗng phát hiện ra ánh mắt của Từ Tĩnh Nhàn khi nhìn Giang Diệu không những lo lắng mà lại còn bất an.

Tựa như một chú chim bị dọa sợ, nó khép đôi cánh ướt sũng của mình lại, run rẩy trốn trên cành cây trong khu rừng âm u.

"Gần đây, thằng bé thường hay nói một vài chuyện nghe rất kỳ quái..."

Từ Tĩnh Nhàn nói rất chậm, dường như bà đang cân nhắc nên dùng từ nào để diễn tả cho đúng mọi chuyện.

Ôn Lĩnh Tây nghiêng người về phía trước, lộ ra vẻ lo lắng: "Chẳng hạn như?"

Từ Tĩnh Nhàn hít sâu, giọng nói trong trẻo của bà hơi run:

"Chẳng hạn như, thằng bé nói trong tai nó có ốc sên."

---

Chú thích:

(*): Truyền thuyết "Bị thần mang đi" là một truyền thuyết bắt nguồn từ Nhật Bản vào thời Edo. Vào thời đó, những đứa trẻ bị mất tích hoặc đi lạc thì người dân thường sẽ đổ lỗi cho Tengu, sau vài tháng hoặc vài năm, Tengu sẽ đưa chúng về nhà an toàn và thông thường, những đứa trẻ đó sẽ quên đi toàn bộ sự việc đã xảy ra trong suốt thời gian bị Tengu bắt đi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro