{ 17.1 } GIANG CHU CỰU KHÁCH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cổ tay của nàng xoay xoay, mặt kiếm hắt lên ánh dương chói lóa đến độ bao nhiêu ký ức về một nhát kiếm trên Quang Minh Đỉnh cứ tái hiện mãi trong đầu chàng lúc này. Khi đó cũng chính ánh kiếm vàng rực nhường ấy sượt ngang trước mắt, mà chàng còn đắm chìm trong sóng mắt thâm tình pha chút bỡ ngỡ của nàng, ngay khoảnh khắc sau, trái tim bị đâm xuyên đâm thủng. Và rất lâu về sau nàng vì vết sẹo kia mà rung động, dù hận chàng đến thấu xương vẫn tha cho chàng một mạng.

Trương Vô Kỵ nghĩ: Cho tới nay, nàng luôn kiềm chế ý niệm tổn thương ta. Mà lúc này, nàng đang suy tính những gì đây?

Nghĩ thế, trái tim chàng chằng chịt những phức tạp, chỉ biết lắc đầu nhìn nàng.

Chu Chỉ Nhược trả lời - "Ta đã đứng lên lôi đài, há có thể giả được sao? Trương giáo chủ, ngươi có biết ý nghĩa của thanh Ỷ Thiên Kiếm này không?".

Trương Vô Kỵ nghiêm túc đáp - "Lúc trước ta cùng Từ Đạt đại ca có bàn về việc này, nay cũng muốn mời Chu chưởng môn nghe xem có đúng hay không. Nếu nói về Ỷ Thiên Kiếm thì ắt phải nhắc Đồ Long Đao: Võ lâm Chí Tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tòng [1]. 'Võ lâm chí tôn' không nằm ở bản thân bảo đao mà chính là di thư được cất giấu trong nó. Lấy được Vũ Mục Di Thư, khi gặp địch, công tất thắng, chiến tất thành, cuối cùng thống lĩnh thiên hạ, không ai là dám không tuân. Hai câu sau: Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong [2]. Bên trong Ỷ Thiên Kiếm cất giữ một bộ bí tịch võ công tuyệt đỉnh. Binh thư trong Đồ Long Đao dùng để xua đuổi Thát Tử, nhưng binh lực đồng nghĩa với quyền lực, nếu kẻ nắm giữ quyền lực lại làm mưa làm gió, lấy hung bạo thay hung bạo, gieo lầm than cho dân chúng thì ắt sẽ có một vị anh hùng tay cầm trường kiếm Ỷ Thiên lấy đầu bạo chúa. Dẫu thống lĩnh trăm vạn hùng binh, quyền uy khuynh đảo thiên hạ cũng chưa chắc ngăn được một nhát của Ỷ Thiên Kiếm".

[1] Bảo đao Đồ Long là võ lâm chí tôn, có thể hiệu lệnh thiên hạ, ai dám không tuân.

[2] Nếu Ỷ Thiên Kiếm không xuất hiện, lấy gì tranh tài?

Chu Chỉ Nhược khẽ gật đầu - "Hai năm qua ta mới hiểu thấu đáo điểm ấy. Xem ra Trương giáo chủ đã sớm hơn cả ta lĩnh hội được đạo lý thân mang trong mình võ công tuyệt thế cuối cùng phải gánh vác những trọng trách gì. Đã vậy, ngươi càng không có lý do để tranh chức minh chủ võ lâm này".

Trương Vô Kỵ ngạc nhiên hỏi - "Chu chưởng môn, lời ấy nghĩa là thế nào?".

"Những ân oán cũ giữa ta và ngươi không cần nhắc lại, nhưng ngươi vì si mê Triệu Mẫn, có ý định dùng việc công giải quyết việc riêng, mưu đồ khống chế quần hùng để phục vụ cho triều đình, đây chính là bất nghĩa! - Giọng điệu của nàng bỗng chốc nghiêm khắc - "Nếu như ngươi ngồi lên vị trí minh chủ võ lâm kia thì có khác gì thanh 'Đồ Long Đao' đã biến chất? Chỉ là phạm vi cai trị của bạo chúa như ngươi nhỏ hơn mà thôi. Mà một khi vi phạm lẽ trời, thanh Ỷ Thiên Kiếm này trong tay ta hiển nhiên sẽ không thể dung thứ bất cứ giá nào. Hôm nay ngươi hãy cùng thanh kiếm này tái chiến một trận đi".

Những lời lẽ này buông xuống, dưới đài bắt đầu nổi tiếng xôn xao như sóng cồn, rành rành là công khai lên án Trương Vô Kỵ. Chàng vừa hoảng vừa đau, liên tục thanh minh - "Chu chưởng môn, nếu cô không tin tưởng ta, ta cũng chẳng biết nói gì hơn. Nhưng Trương Vô Kỵ này từ khi sinh ra đến nay chưa từng làm bất cứ chuyện gì trái với đại nghĩa dân tộc. Hôm nay tranh chức minh chủ võ lâm là thực lòng muốn góp sức chống lại triều đình, bù đắp cho sai lầm trước đó đã vội vàng từ bỏ chức giáo chủ, gây tổn hại cho đại nghiệp. Nếu ta có nửa phần tâm tư làm tay sai cho Thát Tử thì xin ngay lập tức cho trời tru đất diệt".

Nhưng dẫu thề độc là thế, chàng vẫn không sao xua đi tiếng nói ác ý dù chỉ nửa phần. Dư âm của đại hôn năm ấy và việc thoái vị còn nồng đậm vô cùng, biết bao lời nói của chàng vì vậy mà mất sức thuyết phục. Tại trong mắt mọi người, chàng đã bỏ rơi chưởng môn Nga Mi - một đồng minh kháng Nguyên, bỏ rơi huynh đệ Minh Giáo đã cùng vào sinh ra tử để chạy theo vinh hoa phú quý bên quận chúa triều đình. Bước vào đường cùng, Trương Vô Kỵ chỉ biết kiên trì, cố chấp mà thôi - "Vậy thì hãy để ta tương lai dùng hành động chứng minh tấm lòng này đi!".

Ngồi ở trên gác lầu, từng tiếng từng chữ dưới sân đều bị Triệu Mẫn nghe rõ mồn một. Nàng thở dài - "Đánh vào lòng người quả là thượng sách. Việc này dù Trương Vô Kỵ có lý đến đâu cũng khó cãi được. Chu Chỉ Nhược lại thắng về mặt đạo nghĩa rồi".

Sau, nàng dõi mắt sang hai người trên lôi đài đang chắp tay chào nhau, chuẩn bị tư thế tấn công. Chu Chỉ Nhược rút kiếm, Trương Vô Kỵ lấy một cây Thánh Hỏa Lệnh ra đỡ. Triệu Mẫn ung dung chống cằm bên cửa sổ, nghĩ: Nhưng mà nha, cuộc luận võ này cuối cùng vẫn lấy thắng bại ra định đoạt, nếu 'đông phong chẳng giúp Chu lang thắng', dù ngươi mưu tính xa xôi đến đâu, cuối cùng cũng chỉ là 'Đồng Tước khóa xuân cả nhị Kiều' mà thôi [3].

[3] Chú thích ở bình luận 👉

Lại kể về cuộc chiến. Trước đây Trương Vô Kỵ từng chứng kiến Chu Chỉ Nhược sử dụng Bạch Mãng Tiên, cũng thấy nàng đấu kiếm với Huyền Minh Nhị Lão, nhẽ ra phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn nhiều so với lúc đối đầu với Ngọc Nữ Tố Tâm Kiếm Pháp của hoàng y nữ tử. Ngặt nỗi phong cách của Chu Chỉ Nhược luôn luôn thần tốc và kỳ ảo, ra chiêu tàn nhẫn tột cùng, dù quen thuộc với kiếm pháp đấy cũng không khiến việc ứng chiến dễ dàng hơn chút nào. Trương Vô Kỵ vẫn còn chưa thoát khỏi nhịp đấu với hoàng y nữ tử, trong nhất thời khó thích nghi với tốc độ này ngay được. Hai mươi chiêu đầu chàng phải hóa giải bao nhiêu thế hiểm vây trùng trùng, trong lúc loạn ống tay áo còn bị chém đứt một mảng lớn. Dưới đài đều ồ lên kinh ngạc.

"Chu chưởng môn, cô đã tiến bộ hơn rất nhiều so với hai năm trước" - Trương Vô Kỵ thối lui ba trượng, nói - "Không ngờ kiếm chiêu tinh diệu đến bực này, chẳng thua kém gì tôn sư rồi".

"Trương giáo chủ quá khen, ta chỉ là học một ít tuyệt học của tiên sư mà thôi. Hai năm qua Trương giáo chủ nhàn hạ du ngoạn biển khơi, ta nào có số hưởng phúc đó, bất quá chỉ là 'chèo thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi' [4] mà thôi".

[4] Ý nói không nỗ lực sẽ bị người vượt qua và bị bỏ lại phía sau.

Nàng vừa dứt câu, tay trái bất chợt luồn ra sau lưng. Trương Vô Kỵ thấy thế thì cả kinh, thầm kêu: Tiêu rồi, đấy là khoảng cách hoàn hảo để dùng Bạch Mãng Tiên. Chàng đứng yên bất động, chuẩn bị tâm lý đương đầu với đường roi sắp tới. Nào ngờ Chu Chỉ Nhược chỉ đem vỏ kiếm bên hông ném cho đệ tử Nga Mi dưới đài, thể như món đồ ấy vướng víu, ảnh hưởng tốc độ ra đòn. Trương Vô Kỵ thở phào, tiếp tục triển khai tư thế chiến đấu với Chu Chỉ Nhược.

Kể từ lần bị đệ tử ngoại môn chế giễu kiếm chiêu thiếu sự tỉ mỉ, lòng hiếu thắng của Chu Chỉ Nhược tựa như bùng nổ. Trong suốt vài tháng sau đó, nàng miệt mài rèn giũa, nhờ nền tảng vững vàng cộng thêm một lượng lớn kinh nghiệm thực chiến từ cuộc đương đầu với loạn quân, kiếm thuật của nàng đã đạt đến tiến bộ vượt bậc.

Vòng giao tranh này, Chu Chỉ Nhược vẫn sử dụng Diệt Kiếm và Tuyệt Kiếm với lối đánh công kích mạnh mẽ, chiêu thức tàn bạo và thiết thực làm chủ. Năm xưa, tuy Quách Tương ôm mối tình không thành với Dương Quá nhưng tâm hồn khoáng đạt, chẳng hề vướng bận oán hận. Khi đến tuổi trung niên, bà xuất gia lập phái, sống như 'hạc nội mây nhàn' [5], chẳng màng ao ước hồng trần, chỉ than cơ trời dâu bể tịch liêu, lại thêm nền tảng võ công xuất phát từ đảo Đào Hoa, thiên tính lẫn mấy phần nhã nhặn tri thức, vì đó nên kiếm pháp bà tạo ra hàm chứa ý cảnh sâu xa, thanh thoát phóng khoáng, đâu đâu cũng là phong thái 'trời cao mây rộng' [6] của bậc hào sảng. Trái ngược, kiếm pháp của Diệt Tuyệt sư thái hoàn toàn khác biệt. Bà sáng tạo ra bộ kiếm pháp này sau khi Cô Hồng Tử đột ngột qua đời, lòng có hận thù, có sát khí, cùng với bản tính cố chấp, thậm chí là ngông cuồng, kiếm pháp dù không uyên thâm như Quách Tương nhưng cực kỳ phù hợp với tâm tính của Chu Chỉ Nhược, nhờ đó mà nàng sử dụng rất thuận buồm xuôi gió, mỗi một chiêu đều phát huy hết mọi tinh túy. Từng học trộm không ít võ công của Nga Mi như Triệu Mẫn cũng không khỏi ngẩn người, cảm giác được sâu sắc rằng cùng một chiêu thức nhưng được sử dụng bởi mình và Chu Chỉ Nhược lại có khác biệt lớn vô cùng, lời cảm thán vì thế mà không giấu nổi - "Lẽ nào Chu Chỉ Nhược thực sự muốn trở thành Diệt Tuyệt thứ hai ư?".

[5] Sống tự do thoải mái, không bị ràng buộc, câu thúc.

[6] Tâm hồn rộng mở.

Thực tế bộ kiếm pháp này không hề toàn diện như phép hai tay phối hợp của Ngọc Nữ Tố Tâm Kiếm Pháp, Trương Vô Kỵ hễ thích nghi với phong cách của Chu Chỉ Nhược liền bắt đầu từng bước phản đòn. Hai người luân phiên công thủ, hư thực biến ảo không ngừng, chiêu số tinh xác liên hoàn. Hai mươi chiêu kế, Trương Vô Kỵ bất chợt dùng mánh cũ, tay trái biến thế đập thành tóm để cướp kiếm. Chu Chỉ Nhược dưới đài đã thấy rõ trò này. Nàng mượn lực đập kiếm của chàng để hất nó sang tay trái của mình. Tay trái nàng sử Kim Đỉnh Phật Quang hướng về Trương Vô Kỵ đâm tới. Trương Vô Kỵ bỏ lơi Thánh Hỏa Lệnh nơi tay phải, vận Võ Đang tâm pháp, đợi mũi kiếm cách ngực gần ba tấc thì đột nhiên co ngực, hai tay xoay vòng, ngón trỏ trái và ngón trỏ phải đồng thời đánh vào mặt phẳng của lưỡi kiếm.

Du Liên Châu trông thấy bèn đứng dậy nói không hay, rồi giải thích với chung quanh - "Đây là nội công đọ sức. Ta từng dùng chiêu này đẩy lùi đệ tử Nga Mi, không ngờ Vô Kỵ lúc đó tuổi nhỏ mà đã học được. Nếu Chu Chỉ Nhược không lập tức buông kiếm sẽ bị thương, chiến bại ngay".

Chu Chỉ Nhược dĩ nhiên không buông, Ỷ Thiên Kiếm há nói bỏ là bỏ được sao? Thoạt tiên, nàng dùng Nga Mi tâm pháp, lấy nhu kình hóa giải một phần lực, sau dùng Phi Nhứ Kình [7] của Cửu Âm Chân Kinh, thân hình thoắt lui vài trượng, lúc này mới hoàn toàn hóa giải lực đạo mạnh mẽ của Trương Vô Kỵ. Rồi nàng ném kiếm về tay phải, tay trái một lần nữa đặt sau lưng.

[7] Đây là một tuyệt kỹ tài tình có thể biến sức công kích mạnh mẽ của đối phương trở nên hư vô. (Nguồn: truyenkiemhiep.com.vn)

Trương Vô Kỵ ngỡ nàng sắp rút Bạch Mãng Tiên bèn tập trung tinh thần, tạm không vội nhặt Thánh Hỏa Lệnh trên đất. Lát sau, Chu Chỉ Nhược lần nữa nâng kiếm đâm tới, chàng thoắt vỡ lẽ ra: Động tác vừa rồi chỉ là tư thế khởi đầu của kiếm pháp Nga Mi mà thôi.

Trương Vô Kỵ nghĩ: Xem ra Mẫn Mẫn đoán đúng rồi. Hôm nay nàng ta sẽ không dùng mấy món âm hiểm trong Cửu Âm Chân Kinh, ban nãy ta băn khoăn quá nhiều nên bỏ lỡ thời cơ công kích.

Vòng giao thủ thứ ba, Trương Vô Kỵ buông Thánh Hỏa Lệnh, chuyển sang Thái Cực Quyền của Võ Đang. Môn này lấy tịnh chế động, lấy nhu thắng cương, hậu phát chế nhân [8], dùng để đối phó với kiếm pháp chớp nhoáng của Chu Chỉ Nhược vô cùng hiệu quả. Chàng sử Lãm Tước Vĩ khóa tay chân Chu Chỉ Nhược, hóa giải toàn bộ lực đạo trong kiếm chiêu của nàng thành hư vô. Tiếp đó, chàng liên tục tung ngón Đơn Tiên, Đề Thủ Thượng Thế, Bạch Hạc Lượng Xí, Lâu Tất Câu Bộ để phản công.

[8] Chờ đối phương ra tay trước, sau đó nắm bắt thời cơ phản công, chế ngự đối phương.

Du Liên Châu lại nói - "Các lộ trên bàn cờ của Chu chưởng môn đều đã nằm trong tầm kiểm soát của cháu trai Vô Kỵ rồi, chỉ sợ chưa tới mươi chiêu sẽ bại thôi. Nhưng bại bởi Thái Cực Quyền của Võ Đang ta cũng không tính là oan uổng, đổi lại là ai cũng đều như nhau cả ấy mà".

Tuy nhiên, Chu Chỉ Nhược lần này quyết bỏ Ỷ Thiên Kiếm, sử một bộ chưởng pháp biến hóa đa đoan để đảo ngược kình lực mềm dẻo của Trương Vô Kỵ, chuyển hóa nhu quyền của chàng toàn bộ thành kình quyền, tuy cứng cáp và gọn ghẽ nhưng không hề có sự linh hoạt, nhờ đó dễ phá giải hơn gấp bội. Đa số người dưới đài ngơ ngác, ngỡ rằng chàng nể nang Chu Chỉ Nhược vì không đành lòng, chỉ có cao thủ thuộc hạng tiền bối mới giật mình đứng bật dậy. Đó là Tứ Tượng Chưởng đã thất truyền của Nga Mi.

Không ai rõ Chu Chỉ Nhược đã nghiên cứu vào lúc nào, kể cả người của phái Nga Mi. Tiên sư Diệt Tuyệt sư thái của họ luôn cho rằng bộ chưởng pháp này là tuyệt học thiên hạ, bản thân bà còn chưa thể lĩnh hội trọn vẹn tinh hoa của 'trong tròn có vuông, âm dương tương thành' nữa kia mà.

Cái gọi là thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, quyền pháp và chưởng pháp của hai người thực ra đều bắt nguồn từ nguyên lý chuyển hóa tương đồng. Trương Vô Kỵ dù có năng lực dùng Càn Khôn Đại Na Di chuyển đổi âm dương nhưng vẫn sẽ bị tứ tượng đảo ngược trở về. Thái Cực Quyền của Võ Đang lại càng gần với bản chất âm dương hơn nữa, Nga Mi Tứ Tượng Chưởng thì ẩn chứa càng thêm nhiều biến hóa, song phương nhất thời khó tại trên chiêu thức phân định thắng thua. Lúc đến chiêu cuối cùng, hai luồng chưởng lực va vào nhau. Cửu Dương Thần Công và kình quyền của Trương Vô Kỵ phối hợp quả như cá gặp nước. Chu Chỉ Nhược vốn yếu thế hơn về nội công, mặc dầu đã dựa vào Phi Nhứ Kình để giảm lực nhưng vẫn bị đánh bay ra mép lôi đài. Trương Vô Kỵ thấy nàng đáp không vững bèn thừa thắng xông lên, nhảy bật ra trước đặng chuẩn bị dùng Càn Khôn Đại Na Di, 'di' hẳn nàng ra ngoài.

Bấy giờ, quần hùng các hướng đều đoan chắc nàng đã đặt hai chân vào thế yếu. Trái lại, nàng nở một nụ cười quái dị. Trong tích tắc, lợi dụng trọng tâm chênh vênh ấy, Chu Chỉ Nhược đẩy cả thân mình xoay thành một vòng lớn và một sợi roi bạc tức khắc như rồng bay ra biển, thoắt cái chụp trúng vào mắt cá chân của Trương Vô Kỵ đang giữa không trung.

"Tiêu rồi!" - Chàng nhận ra mình đã mắc lừa nhưng quá muộn màng.

Chu Chỉ Nhược thu roi, kéo giật chàng xuống, sau đó vung chưởng nghênh địch. Mắt thấy chân sắp bị đập chưởng, chàng vội xoay người sang phải, nào ngờ Chu Chỉ Nhược trùng hợp dùng Tiệt Thủ Cửu Thức, tay phải nàng bỗng dưng xoay lại, bàn tay vòng trở về từ góc chết.

Không ngờ ta lại lần nữa chịu thiệt bởi chiêu số mà Diệt Tuyệt sư thái từng dùng qua, chàng nghĩ, song không hoảng hốt, cũng không tìm cách phá giải, chỉ chuyên tâm vận Cửu Dương Chân Khí trong cơ thể, muốn trực tiếp đón đỡ chưởng này, tính rằng như vầy cũng đâu chịu thương tổn gì. Nhưng chàng lại lần nữa sập bẫy, chiêu này đã sớm được Chu Chỉ Nhược nâng thêm một bậc. Năm ngón tay nàng chợt nhiên co lại, tạo thành thế chộp, móng tay phẳng phiu bỗng dài ra và trở nên nhọn hoắt. Đó là Cửu Âm Bạch Cốt Trảo từng khiến bao anh hùng hào kiệt thất đảm.

Nhóm người quan sát vì bất ngờ mà reo lên. Tất cả nhẩm bụng: Một vố này thôi, không tổn thương kinh mạch thì cũng xuyên da thịt, Trương Vô Kỵ phải chịu đựng đau đớn rồi, chưa kể Cửu Âm Bạch Cốt Trảo vốn mang theo độc tính, e rằng thắng bại đã rõ.

Chỉ có điều, khi đám người nín thở chờ kết quả của chiêu này giáng xuống thì đột nhiên Chu Chỉ Nhược bất chấp mọi nguy cơ nội thương mà vội thu tay về, đánh bay hai mũi phi tiêu tập kích từ một phương khác.

Dưới đài lập tức la ó, mọi người thi nhau chửi rủa kẻ bất tuân quy tắc, phá rối cuộc luận võ, nhưng chẳng biết là ai phóng ra ám khí kia. Chu Chỉ Nhược tức giận hơn cả, nàng nghe từ tiếng gió rất rõ ràng, thế là giơ lên trường tiên, khóa cổ một tên du hiệp dưới đài, lôi cả người hắn qua, ném rầm xuống mặt sàn.

"Sao ngươi lại làm vậy?" - Trương Vô Kỵ cũng bất mãn khi có kẻ dùng cách này để giúp mình. Chàng bước lên chất vấn song phát hiện hắn đã nuốt thuốc độc trước đó, cơ thể co giật, miệng liên tục trào máu tươi. Chàng vội phong bế các yếu huyệt của hắn nhằm làm chậm quá trình phát tác của độc.

"Chúa công, không thể... không thể... chúa công..." - Tên du hiệp kiệt lực níu lấy nhuyễn tiên trên cổ, lắp bắp lập lờ.

"Ai là chúa công của ngươi?" - Trương Vô Kỵ truy hỏi.

"Không thể, người kia đã biết..." - Tên đấy dùng hết hơi tàn nói nốt mấy chữ cuối rồi hoàn toàn tắt thở.



🐾🐾🐾

🗣️ Editor:

Tác giả nói đối với bộ này tác giả không muốn chú trọng cảnh đấu võ cho lắm (vì bộ này cũng không hẳn thuộc về võ hiệp) nhưng đã lỡ ghi tới đại hội anh hùng rồi thì phải miêu tả vài cảnh cho nên mới kéo dài như vậy. Qua tầm hai, ba chương nữa sẽ cục đường hơi lớn, đợi hết đại hội anh hùng này thì thính văng lung tung rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro