Chương 1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi được chuyển về thực tập một ngôi trường cấp ba khá xa xôi. Cũng như những lần trước, chúng tôi thường xuyên phải dự giờ và phân chia dạy những tiết học như là một giáo viên thực thụ. Tôi cũng đã làm quen với việc này cách đây gần một năm. Khi ấy lần đầu đứng trên bục giảng trước các em học sinh không khiến tôi bối rối nhưng nhận về phần mình chưa tự tin lắm về chuyên môn. Trải qua những tiết học như thế và những kinh nghiệm được đào tạo ở trường, giờ đây tôi hoàn toàn có thể tin tưởng vào đôi chân nghề nghiệp của mình.
Khi vừa bước chân vào trường, dưới ánh nắng vàng nhẹ của buổi sáng tháng chín, cảm giác đầu tiên của tôi đó là, vui mừng rộn ràng khi xung quanh mình là các em học sinh mặc đồng phục, tay cầm cặp sách tươi cười cùng nhau bước vào lớp. Cùng ba giáo sinh khác, tôi có mặt từ tiết đầu tiên của buổi sáng để dự giờ một lớp cuối cấp chuyên khối B. Một thầy giáo mời chúng tôi vào trước lớp, giới thiệu tên cho các em học sinh trong khi tôi tỏ vẻ thân thiện đong đếm sỉ số học sinh trong lớp. Việc đó chẳng để làm gì nhưng rõ ràng lớp học khá vắng vẻ. Có ba dãy bàn, mỗi bàn có một hoặc hai học sinh, còn bàn cuối thì hoàn toàn trống. Đáng ra giáo viên chủ nhiệm nên nhắc nhở các em học sinh thật kỹ rằng hôm nay có đoàn giáo sinh thực tập đến dự giờ để các em đi học đầy đủ hơn. Nhưng việc thưa thớt học sinh không làm ảnh hưởng tới tiết học, tôi chỉ nghĩ các em học sinh không đến lớp sẽ bỏ lỡ một khối lượng kiến thức trong chương trình bài học. Các em học sinh vỗ tay, chúng tôi tìm một vị trí ở cuối lớp. Khi tôi vừa ngồi xuống, đặt chiếc cặp lên ghế, có một em học sinh nữ ở phía bàn trên cúi lưng quay lại nhìn tôi một cách lén lút. Để tỏ ra rằng mình không hề để tâm đến việc đó, tôi đan các ngón tay vào nhau ngắm nhìn khung cảnh xung quanh để tránh ánh mắt của em ấy. Ngay sau đó thì tôi lên bục giảng để giảng bài cho các em, vì đây chính là tiết học môn sinh học của tôi. Tôi hỏi các em tiết trước thầy cô giáo khác dạy đến bài nào thì các em cho tôi biết rằng hôm nay không có bài mới mà làm bài tập. Tôi hỏi các em những khái niệm chủ yếu của bài học hôm trước, nhìn chung các em tỏ ra khá mơ hồ về kiến thức. Thế là tôi đành giảng lại những kiến thức chủ yếu cho các em. Lớp học khá ồn ào, khi tôi hỏi bài thì không ai giơ tay nhưng lúc tôi viết phấn lên bảng thì các em nói chuyện xì xào sau lưng tôi. Cho đến khi tôi nhắc nhở bằng một câu nhẹ nhàng và nghiêm túc: "Các em đừng làm ồn để thầy có thể tiếp tục giảng bài" thì không khí trong lớp mới bắt đầu im lặng. Tôi chữa một bài tập lấy từ sách giáo khoa về sự so sánh về mặt cấu trúc, chức năng giữa ADN và ARN, trông chờ một em lên bảng để hoàn thành chỗ trống còn thiếu trong bài nhưng không có ai giơ tay xung phong. Tôi quan sát lớp học để chỉ định một học sinh lên làm bài tập vừa ra, các em khá tươi tỉnh, chỉ là các em chưa nắm rõ được bài học hôm trước nên có phần hơi ngơ ngác. Có em học sinh nữ ngồi ở bàn phía trên vị trí của tôi lúc nãy đang có dấu hiệu không để ý tới bài học, tay chống cằm, mỉm cười nhìn ra ngoài cửa sổ mơ về một anh chàng nào đó. Tôi hướng tay về phía em đó để mời em ấy lên bảng hoàn thành vào chỗ bài tập đề ra thì em ấy giật mình, tỏ ra bối rối. Em ấy bước lên bảng, mái tóc ngang vai thấm ướt như thể vừa đi mưa, lo lắng cầm lấy viên phấn tôi đưa cho rồi không biết viết gì lên bảng. Em đưa con mắt cầu cứu về phía sau tới các bạn trong lớp, tôi nhìn em dường như chỉ muốn nói rằng: "Hãy viết những gì mà em biết". Nhưng rồi tôi cũng không để cảnh tượng ấy diễn ra lâu vì em học sinh ấy hoàn toàn không nắm được bài. Tôi đành cầm viên phấn xem như làm thay cho em ấy, tự ra đề rồi tự giải quyết. Em học sinh về chỗ, đi cúi mặt và ho khúc khắc biểu hiện của cảm cúm.
Tiết học diễn ra suôn sẻ, đến trưa hôm đấy thì bầu trời đổ một cơn mưa lớn, tôi dùng cặp che đầu chạy từ văn phòng xuống chỗ lấy xe, rất may tôi có mang theo áo mưa. Nhìn về phía dãy lớp của nhà cấp bốn, tôi thấy các học sinh đang nhốn nháo ra về, riêng có em nữ sinh lúc nãy tôi mời lên bảng đang đứng trước cửa lớp một mình, hướng mặt lên bầu trời trông chờ cơn mưa tạnh. Tôi lấy áo mưa, định mặc nhưng rồi lại hướng mắt về em học sinh ấy, đứng ho khúc khắc.
Em ngạc nhiên khi tôi giơ tay đưa áo mưa cho khi đạp xe lại gần. Tôi đang đứng ở ngoài trời, những hạt mưa đã bắt đầu làm ướt mái tóc và chiếc áo sơ mi của tôi. Em e dè cầm lấy áo mưa, rồi tôi cầm chiếc cặp hộ em ấy, gật đầu, mỉm cười thay cho lời mời: "Lên xe thầy đèo em về".
Khi cảm thấy mình được an toàn trong chiếc áo mưa, em nở một nụ cười ngồi ra sau xe và tôi bắt đầu đạp xe ra khỏi cổng trường. Tôi đành chịu ướt từ đầu đến chân vì đã nhường chiếc áo mưa cho em. Cơn mưa tháng chín bắt đầu nặng hạt làm xối sạch một con đường sạch sẽ, hoang vắng mà chúng tôi đi qua. Mưa làm bong bóng trôi lềnh bềnh trên mặt đường, và gió thổi rụng những chiếc lá bay khắp nơi. Những hạt mưa xối vào mặt tôi lạnh buốt, còn em nấp phía sau lưng tôi như một cô em gái bé nhỏ được chở che. Tôi tháo kính ra khỏi mắt đưa em cầm hộ rồi đạp một mạch qua những hàng cây xanh đang chuẩn bị mọc chồi non.
Em vỗ tay vào lưng tôi nói muốn dừng xe. Em cởi chiếc áo mưa ra khỏi người, buông xoả mái tóc bồng bềnh thấm đẫm những hạt mưa, nở một nụ cười ngây thơ của tuổi mười tám. Tôi khó hiểu, áo mưa cởi ra để làm gì trong khi trời còn chưa tạnh và em có vẻ đang ốm dở nhưng tôi chẳng nói gì rồi lên xe đi tiếp. Có lẽ cô bé này rất thích như thế, tắm mưa bất chấp bị ốm, hoặc muốn nói rằng: "Không lẽ thầy bị ướt mà em lại mặc áo mưa". Em giơ tay ra hấng lấy những hạt mưa từ trên đám mây cao rơi xuống, đùa nghịch như một đứa trẻ. Điều đó cũng làm tôi vui lây, tôi lắng nghe em thủ thỉ hát một bài hát về mưa, tôi chẳng thể vỗ tay vì đang bận đạp xe nên tôi khen rằng em hát hay rồi nói chuyện cười đùa như hai anh em thân thiết. Em chỉ tay về phía đằng xa: "Đằng kia có nắng! Đằng kia có nắng thầy kìa! Mình lại chỗ đấy đi". Nhưng kì thực trên đoạn đường đang đi, mưa trút xuống xối xả. Bầu trời cũng thật kì lạ thật, chỉ có một vùng đất nhỏ, một bên nắng một bên mưa, tựa như ranh giới của hai thứ niềm vui khác nhau.
Đã lâu rồi tôi tôi mới có những cảm xúc ngộ nghĩnh như vậy. Về nhà, tắm rửa xong, không tìm thấy chiếc kính mắt, tôi mới nhớ tới hình ảnh em nữ sinh ngồi sau xe mình lúc thì đùa nghịch cười nói, khi thì yên giấc tựa vào lưng tôi. Em học trò ấy tên là Vy. Tôi nhận thấy thời trai trẻ của mình đang chậm lại chỉ để đón nhận một cơn mưa, tôi ngước mặt lên trời, nhắm mắt đón chờ những hạt mưa không hề lạnh buốt mà mát mẻ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro