1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

_7g30 sáng.

Vẫn như thường lệ Hansol ra trước cổng nhà quét lá bàng mắt dáo dác ngắm nhìn khung cảnh ở xung quanh, chậc! Lại một ngày quán xá kinh doanh ế ẩm chẳng khá lên được là bao.

Choi Hansol - một sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ học. Tốt nghiệp ra trường được khoảng hơn 3 năm, từ một người dân tỉnh lẻ "chân ướt chân ráo" bước vào đời học tài khởi nghiệp. Đi lên từ hai bàn tay trắng không có thứ gì đến trở thành một chủ tiệm bánh nhỏ lẻ rồi thành công mở ra một chuỗi cửa hàng bánh ngọt, trở thành một người buôn bán thành công. Ông chủ là thế nhưng anh lại là người thích tự lập không muốn lệ thuộc vào bất kỳ ai, không thuê nhân viên lại không có người phụ giúp. Cứ thế công việc thì ngày một nhiều nhưng một mình anh vẫn chẳng thể nào quản lý cho xuể. Cuối cùng phải dẹp bớt đi vài tiệm bánh.

Hôm nay lại là một ngày có ít người ghé tiệm bánh. Chỉ thấy lá vàng rụng trước sân, quét mãi nhưng chỉ khi gặp cơn gió thổi qua lại phải quét lại từ đầu. Than ôi mùa lá rụng. Từng lớp rồi lại từng lớp, quét tới lăn ra thở cũng về y như dáng vẻ trạng thái ban đầu.

Tiệm bánh ngọt Lovely của anh nằm khép nép ở đầu con hẻm có khu dân cư nhộn nhịp, nhà cửa chen chúc. Chỉ thấy những cụ bác lớn tuổi ngồi xơi chè đánh cờ giải trí. Các bác gái trong xóm thường hay đi chợ về tán chuyện đôi điều,... thỉnh thoảng phàn nàn về chuyện gia đình. Bọn họ thường ít khi ăn đồ ngọt nên thường hiếm ghé tiệm bánh. Chỉ thi thoảng có vài tốp học sinh hay sinh viên vào làm vài miếng bánh, rồi lại nhâm nhi cùng tách cà phê. Sau đó cũng rời đi.

Một mình anh ở lại nơi này cũng đơn sơ và nhàm chán.

Trước kia những người quen thường khuyên anh dẹp bỏ tiệm bánh để cho thuê mặt bằng hoặc làm quán trà nhưng đều bị khước từ. Đến anh Mingyu - người quen cũ cũng từng nói rằng buôn bán thiệt thà như anh chỉ có nước lỗ tụt quần, vì mục đích kinh doanh của Hansol vốn chỉ để cho vui không phát sinh lợi nhuận. Nhưng chắc có lẽ nếu cứ kinh doanh ế ẩm mãi chẳng khá lên thì cũng có ngày cạp đất vào ăn.

_Lại một buổi sáng, khí hậu se lạnh không khí trong lành. Đường phố vắng hoe. Chỉ nghe được tiếng tí tách của giọt cà phê trên phin, hoà vào khói nước phả mịt mờ. Cùng tiếng thắng gấp của chiếc xe đạp cũ kỹ ngoài con ngõ.

"Ting...tong ... ting... tong".

Tiếng chuông cửa reo lên báo có người bước vào tiệm. Hansol lau vội cái bàn gỗ rồi sửa soạn lại chậu sen đá trên bậc cửa sổ, anh nhanh chóng ra ngoài để gặp mặt vị khách. Thái độ lịch sự nhẹ nhàng thân thiện.

- Tiệm bánh ngọt Lovely xin chào quý khách!

Người đi vào là một cậu thanh niên nhỏ nhắn đoán tầm trung học, trên vai phải là chiếc balô xanh dương cùng bộ đồng phục thể dục xanh biển ẩn dưới chiếc hoodie rộng màu ruột khoai môn. Mái tóc đen ánh mượt mà thoáng lát đát vài sợi hơi rối đượm dưới đôi ngươi hổ phách tinh anh. Cậu ta ngồi xuống cạnh chiếc bàn đơn gần khung cửa sổ liếc nhẹ cuốn menu rồi lập tức gọi món ăn.

- Anh ơi, cho em một ly americano và một phần bánh chocolate vani. Nhanh nha anh.

Hansol đem ly cà phê còn ấm nóng cùng miếng bánh đặt lên bàn trong khi người kia vẫn còn đương chú tâm vào quyển sách. Bên ngoài trời bất chợt đổ mưa.

Trái với những người trước đây Hansol từng gặp cậu nhóc này có điểm gì đó rất thu hút lạ thường. Nhất là khi anh lại thấy một người có dáng vẻ thích thú khi ngắm nhìn ra ngoài trời mưa, lặng lẽ ngồi một mình thư thái đọc từng trang sách. Đôi lúc nhìn về phía những tán cây nơi các giọt mưa long lanh đọng trên thành tán lá sau trận mưa tầm tã trưa hè.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên anh nhìn thấy những vị khách có suy nghĩ khác lạ, nhưng anh chưa từng nhìn thấy sự háo hức của một người quá đỗi bình thường trước cái sự thay đổi thất thường của thời tiết.

Tháng 6 trong năm trời nóng oi ả. Lắm lúc thấp thoáng vài trận mưa đêm hè. Tiếng ve kêu trên các nhành cây già cằn cỗi, cây bàng cây chò nâu tạo thành một vùng sắc nâu tựa cánh gián. Những quả chò xoay vòng trong gió tựa chiếc chong chóng. Có lúc những cái "chong chóng gió "ấy cứ xoay mãi không dừng như những vũ công điêu luyện. Đám trẻ nhỏ thích chí ra ngoài nhặt những trái chò - trái bàng làm thành đạn hay xếp chồng lên tạo thành một pháo đài chò nâu. Có đứa còn đem những hạt bàng vùi xuống đất, để sau này chúng vươn mãi tạo thành một cây bàng tán quả xum xuê.

Kẻ sang người lại, ngày lẫn nối tiếp đêm ngày.

Tiệm bánh ngọt vẫn một vẻ gì đó hoang vắng, quen thuộc mà dạo buồn sâu xa. Vẫn còn người ngồi ở đó với quán xá của mình.

Anh chàng chủ tiệm lại bận rộn với công việc ở trong tiệm bánh ngọt. Vừa lau chùi vừa tần mẩn cắt tỉa chăm sóc cây cảnh, quét dọn gọn gàng nơi hàng quán của mình đón chào khách hàng.

Những vị khách ghé đến rồi lại đi, một lời chào đôi ba lời hỏi thăm. Có người định cư ở nước ngoài cũng có người chuẩn bị đi nơi khác lập nghiệp, mấy gương mặt quen thuộc. Tuy chưa quen nhưng chưa phải chẳng quen. Gặp mặt vài lần nói vài câu cũng chẳng qua bạn bè. Có người quen mặt đến nhớ nhưng cũng có người không. Hansol vẫn luôn đon đả như mọi lần, nhưng họ thường rời đi không quay lại.

Chắc có lẽ nơi này đã quá đơn điệu, không thu hút được những người thích thú với điều mới lạ. Chỉ lạ với người khác không lạ với anh- người xem nơi này là nhà. Là cuộc sống của mình...

Cánh cửa kính mở ra. Một bóng dáng quen thuộc bước vào. Lại là cậu nhóc bữa hôm nào mà anh đã gặp, cứ cách mỗi ngày cậu lại ghé đến làm một ly cà phê cùng một suất bánh như mọi lần. Có thể thấy cậu bạn nhỏ này có vẻ rất thích vị nhạt đắng của những ly americano cùng với sự thanh ngọt mà dịu đắng của những chiếc bánh chocolate đặt trên quầy.

Chưa lần nào Hansol lại thấy có người thích uống cà phê đến như vậy, còn trẻ mà lạm dụng nhiều caffein quá thì cũng không tốt. Nhiều lần cậu có đến nhưng anh lại không muốn bán cho vì sợ người kia uống quá nhiều mà đâm ra mất ngủ.

Một dạo cậu vẫn đến đây một mình, anh đang lau tách cà phê nên đã tò mò đánh tiếng hỏi thăm. Trêu đùa vài lời. Cậu nhóc này chắc tuổi tác cũng khá nhỏ, không nên uống nhiều chất kích thích như cà phê. Cho cốc sữa ấm uống vào buổi sáng là được rồi.

- Em ơi! Em chưa đủ tuổi để uống cà phê đâu.

Ánh mắt ngạc nhiên của người đó hướng về anh chủ tiệm, bộ nhìn cậu có vẻ ít tuổi lắm hay sao mà không được uống cà phê. Bia rượu cậu còn uống được thì vài tách cà phê có là gì. Chưa bao giờ cậu lại thấy một anh chủ tiệm nào lại khó hiểu mà nói những câu kỳ lạ như anh này. Đây cũng là lần đầu tiên có người nói với cậu câu đó.

- Anh ơi! Anh... có nhầm lẫn không vậy? Em đủ tuổi để uống bia rượu rồi thì làm gì có chuyện chưa đủ tuổi uống cà phê chứ.

Hansol tính nhẩm trong đầu. Đủ tuổi uống rượu, vậy là cậu nhóc này trên 18 rồi sao? Mà nhìn mặt còn trẻ măng đâu có thấy giống người trưởng thành. Vẫn thấy giống mấy đứa học cấp ba hơn. Anh chau mày nhìn lại cậu rồi hỏi cho rõ lại lần nữa.

- Này nhóc, em đang học lớp mấy thế?

Cậu thanh niên chậm rãi dời ánh mắt về phía anh chủ tiệm nhẹ giọng đáp lại:

- Em hả? Em đang là sinh viên năm hai của trường đại học nghệ thuật Seoul.

Anh thật không thể tin vào mắt mình. Cậu nhóc này là sinh viên đại học - sinh viên năm hai, nhìn cái mặt còn 'non chẹt' búng ra sữa mà bảo là sinh viên năm hai. Ai tin? Hansol còn không tin chứ đừng nói người khác.

- Nhìn em như mấy bạn trung học thôi mà em bảo em là sinh viên năm 2 à? Em có khai gian tuổi của mình không thế?

Cậu ta ngước lên nhìn anh ánh mắt đầy vẻ nghi hoặc, chẳng lẽ nhìn mình bộ trẻ lắm hay sao mà ai cũng cho rằng mình là học sinh cấp ba vậy. Cậu ta chậm rãi lấy từ trong cặp ra chiếc thẻ sinh viên đưa cho anh xem.

- Em rảnh mà khai gian anh làm gì, đây anh nhìn đi thẻ sinh viên này. Còn nếu anh cần thì em lấy chứng minh thư cho anh xem. Em làm gì dư thời gian mà đùa anh.

Hansol từ tốn cầm tấm thẻ lên xem thử. Trong đó có đầy đủ thông tin của người ngồi ở đối diện.

"Họ và tên :Boo Seungkwan, ngày sinh 16/1. Nơi sinh ra và lớn lên tại Jeju. Sinh viên của trường đại học nghệ thuật Seoul, khóa học diễn xuất. Mã số sinh viên 0798xxxx. Số điện thoại liên lạc 0905..."

Thì ra cậu nhóc này cũng là dân tỉnh lẻ lên thành phố sinh sống học tập, tự làm tự bưng chải. Người dân nông thôn lên thành phố vừa học vừa lập nghiệp dễ có nhiều cái khó khăn. Bản thân anh trước kia cũng là người ở tỉnh nhỏ lên thành thị học tập và sinh sống, tất cũng có nhiều cái khó thích nghi. Sống xa người thân, dễ bị lừa gạt chưa kể cuộc sống cũng quá vất vả bấp bênh. Chẳng chen chân giành giật "xô bồ" cũng không mưu cầu cao sang đòi hỏi, cầu cho có một nơi để chui ra chui vô đã là hay lắm rồi.

Hansol ngỏ ý muốn hỏi thử xem cậu có cần tìm việc làm hay tìm nơi ăn nghỉ không, cậu sinh viên mỉm cười "dạ thôi" hẹn khi nào có việc gì cậu sẽ hỏi thăm anh. Hiện tại cậu cũng chưa nghĩ đến chuyện đi tìm việc làm. Anh cũng cười trừ buông chuyện vặt vãnh. Cả hai dường như chuyện trò khá hợp ý với nhau, chắc có lẽ bởi vì cùng hoàn cảnh nên mới tương điệu tương đồng được với nhau.

Đến khi chiếc đồng hồ đến phút 45, cậu đứng dậy chào anh rồi nhanh chóng rảo bước ra về.

Ngày hôm nay cậu ta lại tiếp tục đến đây ngồi ở vị trí quen thuộc, vẫn gọi những thức ăn nước uống như mọi lần. Lần nào Hansol cũng thấy cậu ấy đều đến đây. Ngày nào cũng đến, tuần nào cũng có mặt tại quán của anh. Khi gặp mặt vẫn niềm nở vui vẻ như ánh mặt trời, nụ cười ấm áp tựa ban mai. Làm người ta cũng bất giác vui vẻ theo.

Hansol đem cà phê và bánh ra. Trong đời anh chưa từng thấy vị khách nào lại trung thành với bánh và cà phê như vậy, ăn hoài nhưng lại không thấy ngán. Ngày nào cũng đều đặn đến đây, để lại ấn tượng không quá mức sâu sắc lại chẳng thể quên được. Anh lại gần kéo ghế lại thuận miệng chọc người kia.

- Em tính làm khách quen của quán anh sao? Sáng nào anh cũng thấy em đến đây.

Seungkwan vẫn đang chăm chú ôn bài, khi nghe người kia trêu đùa cũng không ngại kể thật. Nhà cậu cũng không cách quá xa với tiệm bánh. Nơi này lại yên tĩnh và đơn điệu không ồn ào như ngoài thị trấn. Mỗi lúc đến đây cậu đều thấy rất thư thái, hơn nữa khoảng cách từ trường đại học nơi cậu đang học tập cũng gần chỗ này. Đến đây vừa học vừa nghỉ ngơi là thích hợp nhất.

- Nơi này tiện đường với nhà em, hơn nữa từ chỗ này chạy đến trường đại học cũng chỉ có khoảng 15' đi bộ không sợ bị trễ giờ.

Chính Hansol cũng phải công nhận là cậu rất đúng giờ, cứ đúng 6g15' sáng là có mặt tại tiệm bánh trước 7 giờ kém 15 thì lập tức đi ngay. Sinh viên đại học còn siêng năng như cậu vẫn là số ít, vì lúc trước những học sinh hay sinh viên vẫn hay ghé tiệm bánh của Hansol toàn là những đứa sinh viên thích ngồi buôn chuyện tán dóc. Có khi tốp bảy tám đứa rủ nhau trốn ra ngoài tiệm bánh không thèm đi học. Phụ huynh không biết được gì, mà có biết cũng chẳng thể quản nổi lũ học sinh “quậy như giặc”. Trốn học leo rào là niềm vui. Nào có người lớn nào rảnh thì giờ mà nhắc nhở chúng nó.

Vì thế nên lên đại học đa phần ba phần quậy, bảy phần phá. Trăm phần hệt đều như nhau.

Nhưng số còn lại cũng thấy siêng năng chăm chỉ, mà có siêng thật hay không... thì anh cũng chẳng biết. Vì bởi chính bản thân Hansol cũng từng bày đầu trò leo tường trốn học, cúp học vài buổi đi đá banh rồi ra quán ngồi ăn vặt với bạn bè. Tới khi để "mẫu hậu đại nhân " bắt được tận mặt thì trở về nhà bị ăn đòn nhừ xương. Cũng từ đó mà thôi không trốn học nữa.

Nhắc tới chuyện gia đình làm anh bất giác nhớ đến cha mẹ, cũng đã khá lâu rồi Hansol chưa trở về thăm họ. Anh dự định sang tết sẽ về thăm mọi người mà lại không biết có kịp thời gian.

Gần tới giờ đến lớp Seungkwan nhanh chóng bỏ cuốn sách đang đọc dở vào cặp rồi lẳng lặng kéo chiếc ghế về vị trí cũ, Hansol vội dọn dẹp rồi nhắc hẹn người nọ. Nếu cậu vẫn đến thường xuyên anh sẽ giảm giá cho, khách quen mà. Đến nhiều lần thì tự động sẽ quen thôi.

- Khi nào rảnh em cứ ghé đến đây ủng hộ anh.

Seungkwan khẽ chu môi trêu đùa lại anh chủ quán. Tại bánh anh làm ngon nên cậu mới đến ủng hộ, chứ nếu không cậu cũng không đến vì một anh chủ quán điều tra đời tư "đa nghi như tào tháo" này đâu.

- Gặp phải ông chủ quán đa nghi như anh ai mà dám ủng hộ chứ. Em về đây.

Kể từ lúc cậu đến làm khách trong quán, tiệm bánh của anh ngày càng khai trương bán đắt không đếm xuể. Khách ra vào nườm nợp không ngớt thời gian làm Hansol xoay vòng như chong chóng.

Lúc thì là những bác lớn tuổi đi bộ tập thể dục gần khu dân cư ghé vào đây.

- Hansol à, con cho chú một tách trà gừng với một hộp bánh táo nha.

Khi là những bác gái tuổi trung niên hẹn nhau cùng chuyện trò, gặp gỡ thời bè bạn.

- Nhóc Hansol này cô lấy một cái bánh bông lan với một ly latte ít đá như mọi buổi nhá.

Có lúc cũng là mấy tốp học sinh, sinh viên ghé qua sau giờ học.

- Anh ơi cho tụi em một phần bánh trứng loại đặc biệt.

Người này rồi lại người kia gọi món này kêu món nọ. Tiệm bánh rộn ràng nhộn nhịp, người chủ như anh cũng cảm thấy hài lòng. Đông người thì một người như anh không lúc nào phải cô đơn trong cửa tiệm nhỏ.

- Ờ có ngay! Chờ một chút.

Cứ như vậy Hansol cảm thấy việc kinh doanh ngày càng suôn sẻ.

Mấy buổi sáng Seungkwan ghé đến anh đều cẩn thận làm sẵn trước một phần để dành cho cậu. Để ý nhiều lần anh mới cảm thấy một điều, từ khi có cậu mở hàng cửa tiệm của anh cũng đều hoạt động suôn sẻ.

Nhiều lần Hansol vẫn luôn cảm thấy cậu giống hệt như một con mèo chiêu tài, luôn mang lại may mắn và tài lộc cho người khác. Nếu cậu có thể thường xuyên đến đây thì hay biết bao. Hansol vui miệng nên đã đề nghị Seungkwan ở lại tiệm bánh làm người chiêu mộ tài lộc cho anh.

- Lần nào em mở hàng cho anh thì tiệm của anh cũng đều bản đắt như vậy. Này nhóc! Em ở lại làm mèo chiêu tài cho anh nhé.

Seungkwan vô cùng bất ngờ với lời đề nghị của anh, mà hình như cậu vẫn thấy có điểm gì đó chưa thoả đáng. Cái gì? Tôi như vầy mà anh xem là giống với những con mèo chiêu tài ngồi ở trước bệ cửa sao? Đầu óc anh cũng quá phong phú rồi đấy. Người bình thường như cậu làm gì có năng lực chiêu dụ được tài lộc. Thiệt hết sức tào lao!

- Cái gì? Anh xem tôi là mèo thần tài à? Anh nghĩ gì mà nói tôi giống mấy con mèo tượng đó, thật quá đáng mà.

Kể từ sau lần đó cậu ít ghé lại tiệm bánh vì giận câu trêu đùa của anh chủ tiệm, anh nghĩ gì mà xem em là mèo chiêu tài. Làm gì có ai lại đi giống mấy con mèo đó chứ. Thật là...

Nhưng giận thì cũng không giận quá lâu, vì mấy tuần sau cậu cũng lại đều đặn đến quán. Lần này cậu đến là để xin làm nhân viên của anh.

Từ ngày đó bọn họ dần có nhiều kỷ niệm dở khóc dở cười ở bên nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro