Chương 25

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 25: Em phải ra đi

Bảo Trân về nhà và lên thẳng phòng. Cô cần có không gian riêng để tự điều trị vết thương của mình. Phải! cô cần bình tâm, sắp xếp lại mọi việc trong gần hai tháng qua, kể từ ngày gặp lại Nhật Huy.

Giam mình đến chiều tối khi bà Ngọc đích thân lên, ngọt nhạt mãi cô mới chịu mở cửa. Cánh cửa vừa mở ra, bà Ngọc liền bước vào, tìm kiếm con gái. Đây là một căn phòng rất rộng được thiết kế thành nhiều không gian khác nhau như phòng ngủ, phòng khách, phòng trưng bày và có cả quầy bar.

Bảo Trân vẫn ngồi bên cửa sổ trong phòng trưng bày, suy nghĩ miên man. Nghe tiếng bước chân của mẹ đến gần, cô giả vờ ngắm cảnh, vừa tự nhiên xoay xoay cái điều khiển nhỏ trong lòng bàn tay.

Cửa phòng và tất cả các thiết bị trong phòng Bảo Trân đều dùng thiết bị điều khiển tự động do cô tự thiết kế, nên khi cô không cho phép thì không ai vào được phòng cô cả.

Từ nhỏ, cô đã tỏ ra là một cô bé khác thường. Trong khi các bé gái khác thích chơi búp bê thì cô lại hứng thú với ô tô, rô- bốt và các thiết bị có gắn điều khiển từ xa hay cảm ứng tự động. Đồ chơi mua về, cô đều tháo tung ra, xem trong đó có gì. Tám tuổi cô đã tự chế ra con rô-bốt của riêng mình, đó là con rô- bốt nhỏ như con cún, cứ chạy lăng xăng khắp phòng và biết giơ tay chào mỗi khi cô đi học về. Mười hai tuổi cô tự làm ra một chiếc ô tô nhỏ tự lái, trẻ lên năm đến bảy tuổi có thể ngồi vừa. Ba Bảo Trân không muốn con gái rượu của mình lại thích mấy thứ đồ kỹ thuật đó nên ông tìm mọi cách để phân tán sự chú ý của cô. Như mời gia sư âm nhạc, khiêu vũ, hội họa về dạy cô. Nhưng con gái của ông có lẽ thuộc loại "đa di năng". Nên ông có làm cách gì thì cô vẫn không quên trò chơi kỹ thuật. Cô học múa hát cũng được, chơi đàn cùng không tệ và đặc biệt có khiếu hội họa. Nên những việc cô đã thích cô vẫn luôn âm thầm dành thời gian, thậm chí rất nhiều cho nó.

Theo nghiên cứu khoa học, mỗi người thường có bán cầu não phải hoặc trái phát triển hơn. Vì thế nên có người có khiếu nghệ thuật, có người lại thiên về nghiên cứu khoa học. Bảo Trân có lẽ là trường hợp ngoại lệ, văn võ đều toàn tài cả.

Cuối cùng, ông Tú đành quản con bằng cách giữ cô trong tầm mắt của mình. Sau khi kết thúc trung học cơ sở, ba cô gửi cô vào học một trường trung học bình thường thay vì cho con đi du học hay học ở các trường quốc tế. Vì ông muốn con không có cơ hội để mày mò, nghiên cứu mấy thứ máy móc kia. Hơn nữa, theo ông thì con gái không nên xuất chúng quá, cứ nên là một người bình thường thôi. Được sống là người bình thường là tốt nhất. Sau này, lấy một người chồng bình thường, sinh ra những người con mạnh khỏe bình thường và sống sung túc, đầm ấm bên nhau. Tránh xa mọi thị phi và ánh mắt dòm ngó của người đời, không phải chịu nhiều áp lực. Cứ thiên thiên tự tại sống với đời như con trai nhả ngọc vậy là được rồi.

Học xong trung học phổ thông, Bảo Trân nói muốn thi sư phạm, ông Tú cũng không phản đối. Ông nghĩ, cứ để đứa con tuyệt vời của ông cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vài năm cũng là phúc của thiên hạ. Hơn nữa môi trường sư phạm hiền lành, thuần úy, rất hợp với mục đích hướng con thành một người bình thường của ông. Ông không cần vội vàng ép cô học kinh doanh để tiếp quản công ty như nhiều người bạn của mình, mặc dù cô là con gái độc nhất.

Bảo Trân học ngành sư phạm toán giống Nhật Huy và học thêm văn bằng hai sư phạm kỹ thuật sau năm nhất. Dĩ nhiên, việc này là lén lút, vì ông Tú không bao giờ đồng ý cho cô học kỹ thuật. Bởi như thế không khác nào việc "thả hổ về rừng". Dù trình độ khoa học kỹ thuật và các thiết bị máy móc của trường không lấy gì làm hiện đại. Nhưng với người có sẵn năng khiếu, đam mê và tiềm lực kinh tế như cô thì không việc gì là không thể.

Tuy những con số đã phân tán phần nào sự chú ý của Bảo Trân. Nhưng những khi rảnh rỗi cô lại tỉ mẩn vẽ vẽ, rồi lại tháo tháo, lắp lắp, đấu nối đủ các loại linh kiện. Vì thế, cô tiến bộ rất nhanh.

Khi gia đình cô xây biệt thự này, thì cô xung phong làm tất cả các thiết bị điều khiển trong nhà. Cả đèn cảm ứng ánh sáng cô cũng tự đấu nối cho bên thi công lắp đặt. Riêng phòng của cô là những thiết bị bảo mật được cô đặc biệt thiết kế để tránh sự xâm phạm của thế giới bên ngoài. Đến lúc này, ông Tú mới biết, mình bị con gái cho ăn "cú lừa". Và ông rút ra được bài học là: không thể kiểm soát hay vùi dập được điều gì ở người khác nếu họ thực sự không muốn bị vùi dập hay kiểm soát.

Khi mới học ngành kỹ thuật cô đã nghiên cứu loại thiết bị tự động này. Nhật Huy lúc đó luôn đi theo hỗ trợ cô, nên sau khi xây công ty anh cũng thiết kế một bộ tương tự. Nhưng trình độ kỹ thuật của anh hẳn không thể sánh bằng căn phòng này của cô.

Nhìn con gái liên tục bấm nút điều khiển khiến cho cửa kính quay tròn, bà Ngọc mỉm cười: "Mẹ tưởng con phải đang rầu rĩ lắm chứ, ra là đang nghiên cứu cái cửa sổ hả?"

Bảo Trân vẫn ngồi bấm bấm, cho chiếc đèn trên không trung cũng xoay tròn."Vâng, con đang muốn thay đổi thiết kế căn phòng này một chút. Nhưng có lẽ không kịp nữa rồi!"

Bà Ngọc vỗ vỗ nhẹ vào đầu con gái. Bà nghe ra ý trong câu "không kịp nữa rồi" của con. Bà cũng biết những lúc thế này, trong lòng cô đang bộn bề tâm sự. Bảo Trân vẻ ngoài nhìn nữ tính vậy thôi nhưng nội tâm vừa mạnh mẽ vừa nhạy cảm. Nên những ai lần đầu gặp sẽ nghĩ cô gái này thật nhu mì, dễ thương. Người quen sơ sơ thì thấy cô xinh đẹp, tháo vát. Chỉ những người cực kỳ thân thiết mới hiểu được, cô được làm ra từ tổng hợp các loại: đá, thép, gỗ, bột và nước.

Bà Ngọc biết rõ lúc này, cô ngoài mặt đang giả mạnh mẽ nghiên cứu vậy thôi, thực ra là đang cố che giấu nội tâm của mình. Bà biết cậu trai kia vẫn luôn là cái gai trong lòng con gái. Bao năm qua, cô sống ẩn dật là để chờ đợi cậu ta tới tìm. Nhớ lại việc của năm năm trước, bà đúng là có chút tàn nhẫn với cậu ta. Nhưng việc đã lỡ rồi thì làm sao có thể sửa? Nếu lúc đó, đổi lại là ông Tú, ông sẽ không làm như vậy. Với ông niềm vui, hạnh phúc của con là quan trọng nhất. Tuổi trẻ cứ cho con được tự do, thoải mái sống theo ý mình. Khi đã trưởng thành, con cái sẽ tự khác có ý thức, trách nhiệm với gia đình. Lúc đó, ông chỉ cần kéo vào một chút là mọi việc đều như ý nguyện ngay. Ông hiểu, ở cái tuổi vị thành niên, con người đều có khát vọng tự do và thể hiện cá tính mãnh liệt. Lúc này, cha mẹ càng ép buộc, con cái càng xa rời và có xu hướng phát triển lệch lạc. Nhưng đến tuổi trưởng thành, khi đã đủ trải nghiệm và khám phá, con người ta sẽ tự nhiên lắng lại, điều chỉnh mình và cũng dễ dàng lĩnh hội quan điểm của người khác.

Phản ứng của Bảo Trân với việc sang Canada lần này là một minh chứng.

Bà Ngọc vẫn ngồi yên lặng bên con gái. Bà cũng giả như đang ngắm nhìn cái đèn xoay tròn trên trần nhà kia và trầm trồ trước ánh sáng biến áo của nó.

Một lúc sau, bà bước tới mở tủ quần áo, lấy ra một chiếc va ly màu xanh ngọc: "Để mẹ thu xếp quần áo giúp con nhé. Các vật dụng cá nhân cần thiết mẹ đã bảo dì Năm cho vào va li dưới nhà rồi. Con cầm ít đồ đi thôi, bên đó ba cũng đã cho người chuẩn bị đầy đủ cả rồi."

Bảo Trân vẫn ngồi đó, chống cằm nhìn ra cửa sổ. Ánh đèn hồng hồng rọi xuống giàn hoa ti - gôn như những trái tim li ti đang rỉ máu. Cô không nghịch điều khiển nữa, hoàn toàn thả mình vào trong suy ngẫm.

Bà Ngọc vừa chọn mấy bộ đồ con ưa thích cho vào va li, vừa chú ý quan sát biểu hiện của con gái.

Bảo Trân trầm ngâm thu gối, mặt hướng ra cửa sổ. Bà Ngọc chỉ thấy bóng lưng nhỏ nhắn của cô bất động, trong lòng bà dấy lên một nỗi niềm chua xót, xen lẫn bất an.

Bảo Trân nén một tiếng thở dài, lặng lẽ lau đi giọt nước mắt nóng hổi vừa vô tình rơi xuống má: "Phải, số phận đã an bài. Mình được gặp lại anh, được vui vẻ bên anh những ngày qua coi như là kết quả của năm năm tu thân trong nhớ nhung, đã được viên mãn. Mình đã có thêm những hồi ức tốt đẹp cùng anh. Mình có thể vin vào đó để sống và yêu thương anh nhiều hơn trong phần đời còn lại."

Thực tâm, Bảo Trân không trách Nhật Huy. Mọi việc diễn ra đều do bàn tay thượng đế sắp đặt. Cô biết anh yêu cô, như thế là đủ. Đủ cho anh sống một đời này trong tim cô.

Vài tiếng nữa cô đi rồi, có nên nói lời từ biệt với anh? Bảo Trân với lấy chiếc điện thoại trượt lên, trượt xuống. Cô chần chừ một hồi lâu trước dãy số mang tên "Love"

Đúng lúc đó bà Ngọc bước đến, Bảo Trân vội vàng cụp màn hình xuống, thả sang bên cạnh. Bà đã thu dọn xong đồ đạc cho con gái, đúng lúc dì Năm lên báo ba Trân đã về, mời mẹ con cô xuống nhà ăn tối. Bà Ngọc liền giơ tay ra với con gái: "Nào, xuống nhà ăn tối thôi con!"

Bảo Trân tự nhiên nắm lấy tay mẹ, thuận đà đứng dậy. Cô vừa đi, vừa di di đôi bàn chân xuống tấm thảm để tìm cảm giác, vì đã ngồi yên khá lâu khiến đôi chân cô tê nhức đến mức không còn cảm giác nữa. Cô vừa đi, vừa rên rỉ: " ui ra, tê quá!"

Bà Ngọc thấy thế, mỉm cười nhìn con gái:

- Không phải lớn từng này còn làm thơ bắt mẹ cõng đấy chứ?

Trước kia, khi còn nhỏ mỗi lần lười đi là cô lại giở trò này để được ba mẹ cõng.

- Giờ, có khi con phải cõng mẹ ấy chứ!

Vừa nói, Bảo Trân vừa kéo lê cái chân của mình đi trước cả mẹ.

Bữa cơm đoàn tụ cuối cùng của năm, cũng là bữa cơm tạm biệt gia đình, que hương. Tối mai cô đã ở nơi đất khách quê người. Nghĩ đến đó, Bảo Trân chợt thấy sống mũi cay cay. Lớn từng này rồi, cũng được coi là con nhà tư sản nhưng cô ít khi ra nước ngoài một mình. Trước kia, cô có xuất ngoại vài bận nhưng là đi du lịch ngắn ngày cùng ba hoặc mẹ. Lần này, như ba nói, cô đi một mình, lại phải ở bên đó học MBA luôn. Nói gì thì nói cô vẫn cảm thấy hụt hẫng, lo sợ. Dù giờ cô có thực sự muốn đi để trốn tránh anh chăng nữa.

Đoán ra tâm ý của cô, bà Ngọc nhẹ giọng an ủi:

- Con sang đó trước là gặp mặt gia đình Phùng Lâm, nghỉ ngơi ở đó vài ngày. Mồng hai tết là ba mẹ cũng bay sang rồi. Sau đó, nhà mình cùng đi Vancouver nghỉ dưỡng. Phải cuối tháng ba con mới bắt đầu nhập học. Có mấy tháng để con làm quen với môi trường mà.

Bảo Trân mỉm cười:

- Vâng, ba mẹ yên tâm. Con sẽ tự lo liệu được ạ!

Bảo Trân danh là tiểu thư nhưng từ năm mười tám tuổi cô đã tự lập, cũng lăn lộn làm thêm, rồi tự học, tự trang trải cuộc sống. Nên cô không lo khoản đó. Điều cô lo là phải đối diện với cuộc hôn nhân kia thế nào? Còn Nhật Huy nữa, anh sẽ ra sao?

Ông Tú nãy giờ yên lặng, không nói gì, chỉ lẳng lặng quan sát thái độ của con gái. Lần này ông ngạc nhiên thật sự vì cô quá ngoan ngoãn so với tưởng tượng của ông. Ông cứ nghĩ rằng, cô sẽ phản đối kịch liệt, hoặc âm thầm làm theo ý mình như mọi khi. Nhưng theo dõi cô mấy ngày nay, cô thực sự không hề có động tĩnh gì, thái độ này khiến ông nghi hoặc không thôi.

Nhưng cũng chỉ còn hơn ba tiếng nữa là xuất phát, chín giờ sáng mai là cất cánh rồi, liệu ông có thể tin tưởng đứa con này sẽ ngoan ngoãn bước lên máy bay, sẽ ngoan ngoãn chấp thuận cuộc hôn nhân này?

Sau khi dừng đũa, uống nửa cốc nước lọc tráng miệng, ông Tú mới lên tiếng:

- Chút nữa, Lâm mang xe sang đây, ba mẹ sẽ tiễn hai đứa ra sân bay. Con ăn xong thì lên phòng chuẩn bị đi. Cần thêm gì con cứ nói với mẹ và dì Năm.

Nói rồi ông phất tay ra hiệu cho chú Tịnh, chú Tịnh rút trong túi áo ra một chiếc phong bì, đưa cho ông. Ông Tú liền đẩy nó đến trước mặt con gái:

- Đây là thẻ ngân hàng của con. Con còn cần gì cứ dùng thoải mái. Đã đến lúc con chấm dứt cuộc sống của viên chức nghèo rồi, phải trở về với vị trí đại tiểu thư của tập đoàn Queen thôi. Bên đó, ba đã sắp xếp mọi thứ, con cứ theo đó mà làm.

Bảo Trân biết ba không tin tưởng mình nên mới cố ý tiễn cô ra sân bay. Nhưng lần này cô không hề có ý định bỏ trốn:

- Vâng thưa ba! Được ba mẹ tiễn tận sân bay thì còn gì bằng ạ.

Ông Tú "ừ" một tiếng, rồi trở về phòng. Bà Ngọc cũng vào trong dặn dò người làm vài công việc.

Bảo Trân ra vườn dạo một vòng. Cô muốn gọi điện từ biệt Nhật Huy và ngắm nhìn khu vườn thân yêu lần cuối. Xoay xoay chiếc điện thoại trong tay, cô đến ngồi xuống chiếc ghế dưới dàn hoa ti gôn. Những bông hoa nhỏ li ti như run lên trong gió lạnh. Cô suy nghĩ về những điều sẽ nói với Nhật Huy. Cô hiểu đã đến lúc mình phải ra đi, chia tay thì chia tay thôi. Dù vẫn yêu thương nhau nhưng mỗi người bọn họ đều đang trong nghịch cảnh, họ không thể cố sống cố chết bên nhau như trong các tiểu thuyết ngôn tình sặc mùi lãng mạn. Hiện thực là hiện thực, tình yêu dù đẹp đẽ, thiêng liêng nhưng không phải là tất cả ý nghĩa của cuộc đời. Huống hồ, ai cũng phải chịu trách nhiệm với những việc mình đã làm.

Bảo Trân nhấn phím số 1, sau vài giây điệu nhạc du dương của ca khúc "My heart will go on" vang lên, lòng cô thoáng chút bi thương, những nỗ lực cố gắng mạnh mẽ, bình tâm ban nãy phút chốc xẹp lép. Đầu bên kia nhanh chóng truyền đến giọng nói trầm ấm của anh:

" Anh nghe đây!" giọng anh nhỏ và trầm xuyên nhanh qua màng nhĩ, đến thẳng trái tim, cô phút chốc ngẩn người, nhận ra hóa ra anh vẫn đang gần như thế! Vẫn ngọt ngào như thế!

" Bảo Trân em sao vậy?... em chờ anh chút!" Không nghe thấy tiếng cô, giọng anh có chút khẩn trương nhưng vẫn trầm ổn, dịu dàng. Bảo Trân nghe tiếng bước chân, có lẽ anh đang ra ngoài tìm chỗ riêng tư để nói chuyện.

" A lô, anh đang hội ý với nhân viên. Em vẫn ở đó chứ?" giọng anh đã lớn hơn một chút.

" Vâng."

" Em có chuyện gì sao? " cô vẫn yên lặng không đáp, "hay lại nhớ anh rồi?"

Anh cứ vừa quan tâm, vừa ngọt ngào như thế, Bảo Trân thật không biết phải nói thế nào:

" Chỉ là ... muốn nghe giọng anh một chút. Nếu anh đang bận thì thôi vậy!"

" Ha...ha, xem ra là nhớ anh thật rồi!" cô nghe ra giọng có chút không đứng đắn của anh. "Ngoan, chút nữa xong việc, anh gọi."

Chỉ hai tiếng nữa, cô phải đi rồi. Cô thực muốn đắm mình mãi trong giọng nói của anh, trong đoạn tình cảm này.

" Em mệt rồi, em đi ngủ trước. Chút nữa anh đừng gọi nhé!"

Nói xong, cô vội vàng cúp máy, cũng chẳng thử suy nghĩ xem đầu bên kia anh sẽ thế nào vì sự kỳ lạ vừa rồi của cô. Cô co cả hai chân lên ghế, thu người lại, hai cánh tay ôm lấy đôi chân, úp mặt vào đầu gối. Đôi vai gầy khẽ run lên, từng nhịp trong hơi lạnh thấu xương. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vibao