Chương 1. Ở cái xứ Nam kỳ này

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở cái xứ này, có ai mà không biết đến tên của cậu Thụy Vũ nhà Trần Khắc đâu?

Tên tuổi cậu có thể nói là thơm phức, chủ yếu là thơm mùi tiền.

Vì nhà cậu giàu. Trước khi đẻ ra cậu, cha má cậu nổi chẳng kém gì đâu! Nói chi cho xa, ruộng lục tỉnh mười miếng thì có một miếng trong tay nhà cậu. Hơn nữa, cha cậu là ông Chánh án Trần, cậu lại là con cả trong nhà, nên càng được chú ý hơn.

Không có ai họa cậu, nhưng hỏi thì ai cũng biết là cậu cao ráo, bảnh tỏn, chân đi giày bóng loáng, tóc vuốt keo mướt rượt, thêm bộ đồ hàng hiệu mua từ bên Tây về, người ta càng mê cậu hơn. Ngon nghẻ là vậy, nhưng chưa lần nào dân dưới đây hay tin cậu đi xem chiếu bóng, đi vũ trường nhảy lần nào. Mà ngược đời, cậu Vũ không được thích vì cái lẽ đó. Mấy cô vũ nữ, gái làng chơi trên Sài Gòn không ai khen cậu, vì cậu chưa tới gặp họ lần nào, chưa thấy tên cậu gắn liền với mấy cái thú vui càng muốn bỏ chạy hơn. Đối với họ, họ thích dân chơi sành điệu, người như cậu Thụy Vũ đây chỉ là phương án sau này khi hết thời (mà mấy ả đâu biết Thụy Vũ sẽ không bao giờ ngó qua nhà thổ chỗ họ đâu). Gái dưới tỉnh lại học đòi theo gái Sài Gòn, nên trong lòng dù ngày đêm mơ mộng làm bà Trần Vũ, ngoài mặt phải đi chê cậu, vì phải thế mới là sành điệu!

Má cậu Thụy Vũ biết điều này thì buồn lắm. Bà muốn cậu cưới vợ thiệt nhanh, thì lúc đó đất trong nhà mới là của cậu. Vì là vợ Chánh án, nên bà cũng không phải dạng nhà bình thường, trước bà không thèm để mấy mỹ nhân Sài thành lắm, nên sau này khi nhận ra mấy tiểu thư không thích, mỹ nhân càng không, bà mới tá hỏa. Vốn nhà Trần Khắc giàu là do ông cố lúc đó đánh cược chơi bạc, rồi đưa tiền cho con trai (tức ông nội cậu Vũ) làm ăn, sau đó ông nội cậu ráng đưa ba cậu qua Pháp du học mới được bây giờ. Lúc nhà thật sự phất lên thì ba cậu được mười tuổi rồi, nhà bà thuộc dạng tương tự. Nói chung là nhà giàu, tiểu thơ gốc Nam không thích, họ thích người giàu lâu, có gốc gác.

Có vài lần, má cậu muốn mời mấy ký giả về viết tin cho cậu, để thêm tiếng thơm, nhưng cậu Vũ không thích vậy.

Sở dĩ cậu không thích, vì cậu không quan tâm đến việc kết duyên sớm. Giờ cậu mới hai mươi, cậu quan tâm nhiều hơn tới mấy vấn đề toàn cầu. Chừng vài năm nữa cậu đi du học, nếu để vợ ở nhà một mình thì tội cho con gái nhà người ta lắm.

Theo cậu, chuyện cần lo bây giờ là học, học xong thì mới xây đường, bước trên đường đó được thì hãy nghĩ đến chuyện tìm ai để coi mặt, làm quen. Việc này liên quan đến hạnh phúc của cả đời người, đâu thể nào chỉ quyết định qua hai ba tấm hình, bài viết tâng bốc đâu.

Nếu người ta nhìn vô mấy tấm bằng học của cậu rồi tìm đến, thì cậu sẽ đồng ý. Còn nếu có cô mỹ nhân nào cầm tờ báo tới, chắc cậu nhờ con ở trong nhà từ chối, chứ mấy nàng ấy thì ngắm thôi, nói vào lại sợ họ thất vọng, cậu Vũ thấy vậy không được lắm. Ôm mộng hão huyền vào người chỉ tổ làm người thêm nặng, đầu nghĩ tới mấy thứ không đâu, tốn thời gian lắm. Thay vào đó, họ có thể ở trên kia tập trung làm những việc của mình, tốn thời gian xuống đây lỡ như mất mối quen thì sao?

Người làm ăn coi trọng nhất là mối quen. Nhà Trần Khắc không thuộc dạng giàu bốn, năm đời, cả nhà mới chỉ giàu lên cách đây mười mấy năm. Tất cả cơ ngơi này đều được gầy dựng lên bởi ông Vượn - tức cha của cậu Vũ.

Khi còn ở Pháp, bạn học của ông hay truyền tai nhau về xứ An Nam có tên học trò kia tên Vượn, được lấy từ tên một loài linh trưởng gần với con người, lấy chuyện đó ra làm điều lý thú trong mỗi cuộc vui. Cậu Vượn lúc đó tức lắm, nhưng tên trên giấy tờ, cậu không đổi được, vậy nên cậu đành gửi hết tên đẹp vào mấy đứa con sau này.

Vũ, Vân, Vinh, Vương, Văn. Năm đứa tên đẹp, sang như nhau, không đứa nào phải làm trò đùa như ông từng trải qua nữa, thế mới tốt.

Cậu Vũ là con đầu, tên nghe hơi hướng sông nước, vì lúc đó căn nhà bây giờ đang được cất, thầy bói nói trong ngũ hành thiếu thủy. Bà phu nhân nghe thế gật gù, nói lại với chồng, ông Chánh án gật đầu, cho hẳn nguyên một trận mưa vào cho đủ nước. Vì thế nên cậu mới là Thụy Vũ. Vũ là mưa, mưa đem đến nước, tức, là có nhiều tiền.

Cô hai tên Vân, nhỏ hơn cậu cả hai tuổi. Đợt ấy trùng hợp là đợt cha làm ăn khá xuống dốc, thỉnh thầy bói về lần nữa thì lại nói thủy hỏa nghịch nhau, tiền sẽ bay đi hết, cần có thứ gì đó trấn lại. Thụy Vân, dùng mây che mặt trời, như thế thì nước sẽ không bốc hơi, tiền sẽ không đi mất. Cái này là má hai cô cậu tự quyết, làm giấy tờ xong mới báo cho ông Chánh, vì lúc đó ông Chánh đang ở Pháp. Khi biết thì ông tức lắm, nhưng ít nhất không phải loài linh trưởng nào, nên sau một thời gian ông cũng cho qua, tuy nhiên vẫn hết mực căn dặn vợ lần tới hãy để mình tự đặt tên.

Tới lần thứ ba, bà phu nhân sinh đôi hai trai. Ngày thôi nôi hai cậu, ông Chánh án sai người mời hẳn hai thầy cúng về làm phép cầu bình an, dân tứ xứ kéo nhau đi ăn tiệc đầy tháng mà như trẩy hội, tưng bừng cả tháng mới dứt. Cậu Vũ lúc này đã mười tuổi, xinh trai bảnh bao ngồi kế bên nôi hai em canh chừng, nhìn cha mình bắt tay hết quan này đến quan nọ, má mình thì tay xách túi Pháp, nền nã trò chuyện với mấy phu nhân khác, không biết phải nói gì, định bụng trò chuyện với hai em, nhưng không biết hai em tên gì nên lại thôi. Người ngoài đến chúc cũng chỉ chúc hai cậu lớn nhanh, đẹp trai chứ không biết chúc gì nữa, vì hai cậu là hai cậu nhà Trần, chưa có tên. Mãi cho đến lúc tàn tiệc, tròn một tháng sau thôi nôi, lần lượt Thụy Vinh với Thụy Vương mới có tên chính thức trên giấy tờ. Cậu Vinh là anh, vì chữ i đứng trước, thật ra cả nhà đã quên ai sinh ra trước, nên đành kêu đại.

Người cuối cùng, con út trong nhà là cô Văn, vì khi sinh ra cô to lớn hơn hẳn so với mấy bạn cùng lứa, thầy bói này cũng là người mấy lần trước tới, gật gù phán ngay đây là điềm xui, công việc bàn giấy sẽ bị chững lại, khó thăng tiến. Vì thế, ông Vượn quyết định đặt cô là Văn, tên hơi thường, nhưng tốt cho công việc thì tốt hơn.

Tên đẹp thôi thì chưa đủ, phải có kiến thức thì mới có thể bước ra ngoài xã hội được. Nếu cứ mãi chui rúc thì dù ông Chánh án có bạc triệu cũng chẳng thể giúp được. Chứ tên đẹp mà thói ăn chơi sa đọa, thì thà lấy tên nào xấu còn hơn.

May sao, cả năm người đều học giỏi: cô Văn học tiểu học, cuối năm luôn được tặng thưởng nhiều, phải đem đi chia cho bạn học; hai cậu Vinh Vương đang học trung học đệ nhất ở trường Mạc Đĩnh Chi trên Sài Gòn; nhưng nếu để so với hai anh chị lớn nhất nhà, thì ba em chỉ là hạt cát nhỏ thôi.

Cậu Thụy Vũ học giỏi, uyên bác hơn người bình thường. Ở trong nhà tồn tại hai luồng ý kiến, một là má cậu, khen ngợi cậu hết lời, nói cậu thông minh, sáng dạ như nhà bác học; có vài lần còn giỡn, kêu con ở mài mực để xây cho cậu cả uống để tối dạ lại, thông minh quá thì không tốt. Ngược lại, cha lại cho rằng cậu giỏi vì dân dưới tỉnh lo làm ruộng nhiều, nếu cho con nít ở đây đi học thì lại không lòi ra thêm vài trăm cậu Thụy Vũ mới lạ! Thế là mặc cho phu nhân khóc lóc sợ xa con sẽ nhớ, ông đưa cậu Vũ ra Huế học trường Quốc Học, cho mở mang tầm mắt hơn. Nhờ việc học của cậu cả mà đợt ấy hai ông bà cãi nhau to lắm, mà làm gì có ai nhận ra, chỉ có con sen đứng ở giữa là khó xử thôi, họ không biết nên dỗ dành sao cho không khí trở lại bình thường. Cậu Vũ không biết vụ này, mỗi lần cậu về ai cũng cố ra chiều vui vẻ.

Giờ cậu tốt nghiệp, về nhà ở hẳn mới làm bà má an lòng.

Không biết vì lý do gì, ông Chánh án lại gửi thêm đứa con gái đầu lòng của mình ra tận Huế để học, lấy lý do là chất lượng trường nữ sinh ngoài đó tốt hơn, mặc dù đã bị vợ phản đối kịch liệt. Ngày cô Thụy Vân lên tàu đi Huế, cả nhà ra tiễn hết, chỉ có mỗi cậu Vũ là ngủ trương xác ở nhà không đi, từ đó tình cảm hai anh em cũng rạn nứt. Cứ ba tháng cô Vân lại được về thăm nhà một tuần, cô có thể đi chơi với bất kỳ ai nhưng không phải với anh mình, còn không bằng mặt, nói chi bằng lòng. Mà vậy thôi cũng được!

Làm gì có ai ở trường nữ sinh Đồng Khánh không biết đến danh tiếng cậu cả nhà Trần ở Long An đâu?

Khác cái, nếu ở xứ Nam kỳ, Thụy Vũ toàn tiếng thơm, tiếng đẹp, chỉ thiếu cái là tính khó chơi, nên báo giới không săn đón, mỹ nhân quán nhảy chê mà thôi. Chứ ở đây, trong giới hạn diện tích ở trường, thì Thụy Vũ là tên của kẻ đáng ghét, xấu tánh nhất trên đời. Kẻ này được cho là có gương mặt đẹp, nhưng lòng dạ tối đen như mực, lúc nào cũng cằn nhằn về những chuyện không đâu, hơn nữa còn keo kiệt, bủn xỉn không dám bỏ tiền ra để khám phá thế giới mà chỉ chui rúc trong nhà. Chỉ có một khúc vậy thôi, Thụy Vân như động vật nhai lại, nói chuyện cũ hoài, đến nổi ai cũng thuộc lòng.

Thật ra, kể cả khi cậu Vũ biết chuyện, cậu cũng không thèm để ý lắm đâu. Bởi vì vậy mà cô Vân càng ghét hơn.

Cái ghét này mãnh liệt đến nổi khiến cho những người xung quanh Thụy Vân ghét luôn.

Mà cậu Vũ đâu phải người tốt tính hiền lành gì, cậu biết em gái không ưa mặt mình, nên cậu cũng quay mặt lại, chê em ra mặt. Mối quan hệ của hai đứa như nước với lửa, đến cha mẹ còn nản, nói chi người ngoài. Cô Vân ở xa, lâu ngày mới về một lần, cô sợ anh trai truyền bá cho mấy đứa em tư tưởng cô là người xấu nên sợ lắm, thăm nhà có thể không về nhưng viết thư thì chắc chắn có.

Trời! Thư của con Vân hả? Thôi đưa đây cậu giữ giùm cho.

Đúng rồi, cậu Vũ lúc nào cũng nhiệt tình khi nhận được thư từ em gái, dù thư đó là gửi cậu hay gửi bất kỳ ai khác, cũng giống nhau.

Mỗi lần con ở đem đi bộ từ trên bưu cục về, là cậu lại hí hửng cầm phong thư thơm phức màu ngà, có đính vài bông hoa ra góc rồi ngồi đọc, xong lại cười ha hả. Ông bà Chánh án nghe, biết thì buồn lắm, vì con trai mình có cái thú lạ đời khác người. Mà thôi, nó vui là được.

Gửi ba má, gửi các em Vinh, Vương Văn...

Vẫn như mọi lần, sau khi lấy được thư của cô Vân từ tay người làm, cậu Vũ liền chạy vào phòng, mở ra đọc. Nhà có bảy người, trừ đi Vân thì còn sáu, nhưng chưa lần nào cô gọi đủ tên sáu người trong thư. Cậu Vũ biết em mình giận, mà cậu cũng đâu phải dạng dễ chơi, thế là cậu cũng cạch mặt cô luôn.

Thư của cô Vân lúc nào cũng dày cộm, người ngoài không biết còn tưởng gói quà. Mỗi lần cô gửi thư về cũng phải tự đi nhận hàng, vì người ta chỉ giao thư thôi, ít khi giao hàng lắm. Cậu có thử viết thư gửi ra Huế cho em gái mấy lần để chọc vụ này, nhưng chưa lần nào cậu nhận được thư hồi âm. Cậu biết cô Vân có nhận thư, khổ nỗi trẻ nhỏ giận dai, Thụy Vân mới mười chín tuổi, đang chuẩn bị bước vào đời, nên khoan dung với cô.

Tuy ngoài mặt giận vậy, chứ mỗi khi mua quà, dù là tự tay mang hay gửi về, cô Vân đều mua đủ phần chia cho mọi người, không bao giờ bỏ quên phần cậu Vũ.

Thư dài, tiếc là không đủ độ sướt mướt.

Thật ra ông Vượn không có ham mê chuyện kiếm tiền như mọi người hay nghĩ, ông mê văn hơn. Những người gác lại ước mơ của mình thường có xu hướng đặt lại đam mê đó lên con cái của họ, ông Vượn cũng thế.

Từ ngày cô Vân ra đời cho đến lúc lên tàu đi Huế, ông Vượn luôn tìm mọi cách để bồi dưỡng tình yêu văn học trong con gái. Trớ trêu thay, Thụy Vân chưa bao giờ có duyên với văn chương, ngược lại, cô em này quan tâm đến lĩnh vực khoa học hơn.

Dường như Thụy Vân có thù với từ ngữ, chưa lần nào cậu Vũ đọc thư của em gái mà khóc được hết, mỗi thư là mỗi niềm vui khác nhau.

Đặc biệt, gửi cho anh Vũ, anh xem ở cuối thư.

Cậu Vũ đang cười, tự nhiên thấy nguy hiểm hẳn. Ba năm nay Vân im re, làm ngơ cậu riết cậu quen rồi, tình cảm như này không quen.

Thôi, em gái đã có tâm viết thư, phải đọc, bỏ qua thì tội em.

Điều duy nhất Thụy Vũ không ngờ tới chính là việc bức thư tưởng chừng như bình thường của Thụy Vân, lại có thể tạo ra một bước ngoặt lớn, thay đổi hoàn toàn cuộc đời cậu. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro