tcqt thanhhuongd91

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thị trường tiền tệ nước ta trong mấy năm gần đây tiếp tục nóng lên và diễn biến trái chiều. Vốn nội tệ đồng Việt Nam trở nên khan hiếm, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng khá. Trong khi đó, vốn ngoại tệ có xu hướng dư thừa, tỷ giá giảm xuống quá thấp. Trên thị trường cũng diễn ra nghịch lý là cả tỷ giá mua và tỷ giá bán ngoại tệ của các ngân hàng thương mại thấp hơn và bằng với giới hạn tối thiểu biên độ - 0,75% theo quy định so với mức tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, mặc dù đã giảm.

Tỷ giá hối đoái ở Việt Nam hiện nay - những vấn đề đặt ra

PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi

Trường Đào tạo PTNNL VietinBank

Tỷ giá hối đoái (TGHĐ) là một trong những chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng  của mỗi quốc gia. Diễn biến của TGHĐ giữa USD với Euro, giữa USD/JPY cũng như sự biến động tỷ giá giữa USD/VND trong thời gian  qua cho thấy, tỷ giá luôn là vấn đề thời sự, rất nhạy cảm. Ở Việt Nam, TGHĐ không chỉ tác động đến xuất nhập khẩu, cán cân thương mại, nợ quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của dân chúng. Khi TGHĐ biến động theo chiều hướng không thuận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện nhiều giải pháp như: nới rộng biên độ +/-5% (3/2009); hạ biên độ xuống +/- 3% (2/2010), đồng thời với việc điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng 3,36% ; 4/2010 NHNN yêu cầu các Tổng công ty, Tập đoàn có thu ngoại tệ phải bán cho ngân hàng và kiểm kiểm soát chặt chẽ các giao dịch mua bán ngoại tệ tại các địa điểm mua bán ngoại tệ. Gần đây nhất vào ngày 18/8/2010, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá liên ngân hàng lên hơn 2% (từ 18.544VND/USD lên 18.932 VND/USD) và giữa nguyên biên độ. Với những giải pháp này, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đã từng bước bình ổn, tỷ giá chính thức so với tỷ giá trên thị trường tự do được thu hẹp, từng bước lành mạnh hóa các giao dịch vốn trong xã hội.

Trong thời gian tới, TGHĐ biến động theo hướng nào, quả thật không dễ dự đoán. Sự biến động của tỷ giá sẽ khó lường, bởi nhiều nhân tố tác động như: nhập siêu còn lớn không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung hạn; thâm hụt ngân sách vẫn ở mức cao (trên dưới 6%/GDP); giá vàng trong nước và thế giới luôn tăng mạnh (do khủng hoảng chi tiêu công tại một số quốc gia Châu Âu, châu Mỹ); nhu cầu ngoại tệ nói chung, USD nói riêng vào những tháng cuối năm sẽ tăng cao do khách hàng vay vốn đến hạn trả nợ ngân hàng; do nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư nước ngoài; do kinh tế ngầm vẫn phát triển rất mạnh, khó có khả năng ngăn chặn, nên đôla hóa nền kinh tế còn ở mức cao; do thực hiện chính sách đồng tiền mạnh/ hay yếu của một số quốc gia trong khu vực… Như vậy sẽ có vài vấn đề đặt ra đối với TGHĐ:

Một là, có thể điều chỉnh TGHĐ theo quan hệ cung cầu ngoại tệ trong bối cảnh một số nước Châu Âu đang rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công, còn Trung quốc lại nâng giá đồng nhân dân tệ?

Trong bối cảnh khủng hoảng nợ công từ một số nước Châu Âu đang có chiều hướng lan rộng.Trong 7 tháng đầu năm 2010, Euro đã giảm giá 15,7% so với USD, giảm 8,5% so với đồng GBP và thậm chí giảm 20% so với đồng JPY.i  Trung quốc nâng giá Nhân dân tệ, ít nhiều tác động đến quan hệ ngoại thương giữa hai nuớc, tuy không lớn.

Tỷ giá USD/EUR từ tháng 7/2009 đến tháng 7/2010

Như vậy TGHĐ sẽ phải điều chỉnh thế nào và khi nào để không gây ra những cú sốc và không tạo kỳ vọng mất giá đồng Việt Nam. TGHĐ là giá cả đối ngoại của đồng tiền, theo tín hiệu thị trường tỷ giá lúc lên, lúc xuống phải được xem là việc bình thường của nền kinh tế. Còn khi tỷ giá diễn biến theo chiều hướng bất lợi, thì bất cứ Quốc gia nào cũng cần can thiệp tỷ giá. Điểm khác nhau ở chỗ: thời điểm can thiệp; công cụ can thiệp, mức độ can thiệp và sự giám sát của quá trình can thiệp. Kinh nghiệm của nhiều Quốc gia trong điều hành chính sách tỷ giá cho thấy, việc chọn thời điểm điều chỉnh với “liều lượng” hợp lý là yếu tố quan trọng, thậm chí quyết định cho việc ổn định tỷ giá và khắc phục áp lực cộng hưởng lên tỷ giá và thị trường. Với kinh nghiệm này, khi tỷ giá đang dần ở thế ổn định, NHTW sẽ chủ động (tính toán một cách cụ thể) điều chỉnh tăng/giảm nếu dự báo trong thời gian tới là cần thiết, không nên để diễn biến tỷ giá ở mức “nóng” mới điều chỉnh, bởi điều chỉnh thời điểm này dễ gây hiệu ứng bất ổn từ tỷ giá sang các chỉ tiêu vĩ mô khác.

Hai là, Để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, thì xử lý TGHĐ có phải là biện pháp hữu hiệu? 

Ở Việt Nam, một số công trình nghiên cứu ii đã cho rằng: các đợt phá giá tiền vừa qua, không có tác dụng cải thiện cán cân thương mại”,  vì thế nếu cứ coi TGHĐ là một trong những rào cản cho xuất khẩu, để “lập luận” cần phải giảm giá VND, để cải thiện cán cân thương mại của Việt Nam sẽ là chưa ổn? Do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có nhiều bất cập, 70 -80% đầu vào của mặt hàng xuất khẩu là nhập khẩu, trong khi xuất khẩu lại lệ thuộc vào biến động trên thị trường quốc tế về điều kiện thương mại cũng như biến động giá cả. Ở khía cạnh nhập khẩu, TGHĐ có thực sự hạn hạn chế nhập khẩu, để thông qua đó hạn chế nhập siêu? Điều này cũng không hẳn như vậy. Do xuất khẩu nhiều, nhưng hầu hết ở dạng thô, giá trị gia tăng trên từng đơn vị xuất khẩu không cao, trong khi nhập siêu rất lớn, chủ yếu từ Trung Quốc (chiếm đến 80-90%/tổng kim ngạch nhập khẩu). Như vậy sự phụ thuộc của giá cả trong nước vào giá cả thị trường quốc tế khá lớn. Do đó, các ý kiến cho rằng cần xử lý tỷ giá theo hướng tăng để khuyến khích xuất khẩu, chủ động nhập khẩu là trực tiếp hoặc gián tiếp thu hẹp vai trò của tỷ giá iii, trong khi TGHĐ còn liên quan đến hàng loạt vấn đề như cán cân thanh toán, nợ quốc gia, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và bất động sản. Chỉ xét riêng mối quan hệ giữa tỷ giá với nợ quốc gia cũng cho thấy cần rất thận trọng trong việc nâng hay giảm giá của tiền đồng. Nợ quốc gia của Việt Nam chủ yếu là nợ nước ngoài (khoảng 40% GDP), nếu giảm giá tiền tệ thì ảnh hưởng không nhỏ đến nợ quốc gia. Với cơ cấu nợ công iv của Việt Nam nghiêng về nợ nước ngoài, thì khi tỷ giá điều chỉnh tăng lên, sẽ dẫn đến rủi ro nợ công do lãi suất biến động theo xu hướng tăng. Như vậy sẽ dẫn đến chênh lệch lãi suất quá lớn giữa thị trường trong nước và thị trường quốc tế, sẽ làm gia tăng mức độ đôla hóa và tiếp tục tạo áp lực lên TGHĐ. Vì vậy, khi cần điều chỉnh tỷ giá không chỉ đặt nó trong mối quan hệ với xuất, nhập khẩu, mà còn phải xem nó trong mối quan hệ với đầu tư, lãi suất và vay nợ  nước ngoài v.v… trong  chiến lược chung là nâng cao uy tín và vị thế của VND, hướng đến một đồng tiền tự do chuyển đổi trong khu vực.

Ba là, có khắc phục được yếu tố kỳ vọng VND mất giá?

 Khi người dân và doanh nghiệp luôn kỳ vọng VND mất giá, sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào điều hành chính sách tài chính – tiền tệ của Chính phủ, NHNN, tiếp tục gây ra những bất ổn trên thị trường. Điều này đã và đang xảy ra trong dân chúng. Khi tỷ giá trên thị trường tự do biến động tăng, người dân nghĩ ngay đến việc NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá theo hướng VND giảm giá. Khi giảm giá VND thì giá một số hàng hóa dịch vụ tăng, lãi suất cho vay và huy động cũng bị đẩy lên cao, các giao dịch ngắn hạn trở lên phổ biến hơn lúc nào hết (gửi tiền cũng chỉ chấp nhận kỳ hạn ngắn từ tuần, đến tháng; nếu có gửi kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm thì các NHTM lại phải áp dụng theo kiểu “rút ra trước hạn ở thời điểm nào sẽ được hưởng lãi suất ở kỳ hạn đó”. Nếu vẫn cứ tiếp cách hành xử này, VND luôn đặt trong  xu thế điều chỉnh giảm. Điều này là rất bất ổn trong trung hạn. Vậy có khắc phục được vấn đề này không? Theo chúng tôi có thể khắc phục được bằng cách trong ngắn hạn cần chấp nhận một tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn hiện tại (trên dưới 5%),  duy trì một tỷ lệ lạm phát thấp (trên dưới 6%), đồng thời với nó là dùng các biện pháp để nâng giá tiền đồng, tạo một sự thay đổi từ nhận thức của người dân. Việc làm này sẽ tạo yếu tố tâm lý rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh niềm tin của người dân bị suy giảm về sự không ổn định sức mua của tiền đồng, họ có tiền nhàn rỗi sẽ nhanh chóng chuyển sang vàng và ngoại tệ nắm giữ v.

Khi VND lên giá, có thể sẽ làm tăng thêm tình trạng nhập siêu, xuất khẩu có thể giảm đi. Nhưng như đã phân tích trên, yếu tố tỷ giá có tác động đến xuất nhập khẩu nhưng không hẳn là yếu tố quyết định. Vì vậy hướng đến sự ổn định tỷ giá trong trung hạn, rất cần thiết có cách nhìn mới về vấn đề này./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro