très souvent je pense à vous

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Một cái sequel nữa của fakedeft cho Vietnam!AU của mình, họ nhận được contribution to nhất vì mối quan hệ của hai người này là ước mơ cả đời của mình. Lãng mạn, thực tế xen lẫn vị chua chát của người trưởng thành; cá là tất cả đều muốn được chứng kiến một mối quan hệ như vậy ngoài đời. Cái fic này có quá nhiều draft và biến thể trước khi nó hoàn thiện, và may sao sau hơn một tuần cố gắng brainstorm thì mình đã viết được nó với tất cả những gì mình muốn dù khả năng rất cao là tình tiết sẽ gặp vấn đề ở đâu đó nhưng kệ vậy đau đầu lắm.

Một lần nữa thì nên đọc lại prequel như description bên ngoài mình đã ghi. Ngoài ra trong fic có một vài nội dung liên quan đến tôn giáo chắc chắn sẽ gây tranh cãi vì mình muốn thế, không hợp vui lòng clickback thật nhanh vì không có nhu cầu cãi nhau. Mình vô thần btw. Cám ơn vì đã đến với fic của mình dù chưa chắc hiểu được mình viết gì.

-

"Brinicle", hay "ngón tay băng của tử thần". Đó là cái tên các nhà khoa học đặt cho hiện tượng tự nhiên này, khi họ phát hiện và quan sát được biến chuyển của nó vào năm 2011, ở dưới một lòng biển sâu nơi cực Nam của quả địa cầu nhỏ xíu này. Sự thật càng bất ngờ hơn rằng, kể từ thập niên sáu mươi của những năm nghìn chín, con người đã biết đến sự tồn tại của hiện tượng này; nhưng chỉ đến hơn năm mươi năm đổ lại đây thôi, người ta mới rõ ràng tường tận cách nó hình thành và phát triển ra sao, dưới những thềm đại dương khó ai có thể sống sót nếu lỡ chìm xuống đáy. Thiên nhiên quả thật lúc nào cũng làm cho người ta vỡ òa bởi cách thức chuyển động diệu kỳ của nó. Lấy ví dụ ở nơi cực Bắc và cực Nam của Trái Đất chẳng có mấy nhân khẩu sinh sống và quan tâm tới đi, có những hiện tượng kỳ lạ và mê hoặc vô cùng: "ngón tay băng của tử thần" chỉ là một trong vô vàn những hiện tượng như thế, bên cạnh những "tuyết spaghetti" sinh ra bởi sự chuyển động của gió và tuyết chưa tan hết, hay "ống khói tuyết" là tàn dư của những núi lửa không thể hoạt động trên một địa hình đóng băng gần như quanh năm. Tất cả đều đẹp đẽ đến mức, chỉ đứng ở ngoài thôi cũng cảm giác được rằng mình sẽ bị hủy diệt nếu chạm đến bất cứ hiện tượng nào trong số đấy.

Lúc đọc được những nghiên cứu này, tôi đã có một chiều liên tưởng khá thú vị giữa những sự kiện thiên nhiên xảy ra ở cái nơi chẳng biết đến lúc về già và sắp sửa chết đi, liệu mình có được đến thăm dù chỉ một lần; ấy là chẳng phải "ngón tay băng của tử thần" rất giống hiện tượng phun trào của núi lửa bản nghịch đảo chăng ? Quan sát cách nó hình thành và trải dài dưới lòng đại dương sâu thẳm, tôi càng chắc chắn ý tưởng này của mình cũng có mấy phần đúng đắn, dù chẳng được nhà khoa học nào đồng tình. Nước biển chứa muối; bản thân nó đã luôn nặng hơn nước thông thường và nhiệt độ cũng lạnh hơn dưới khả năng dẫn nhiệt biến ảo của hợp chất có vị mặn kia. Và bởi vì lúc nào cũng có một thể nhiệt lạnh lẽo tới mức có thể dễ dàng tước đoạt được bất cứ sinh mệnh nào chạm trán trong dòng chảy của mình: tôi đã chứng kiến một thanh băng dội từ trên mặt biển xuống thềm lục địa ấm nóng của đại dương; và trên con đường tìm đến trái tim- bộ phận điều hòa của cái cảm giác ấm áp này, nó đã vô tình, hoặc bắt buộc phải đóng băng tất cả những con cá, con ốc và sao biển trên đường đi mà không cho chúng thời gian chạy thoát. Không có gì là sai trái khi ta tìm đến ngọn lửa sưởi ấm sự lạnh lẽo trong tâm khảm mình, thiên nhiên đã chứng minh cho ta thấy rằng, ngay cả trong bản năng tự nhiên nhất của nó, các hiện tượng đối nghịch cũng thu hút nhau như việc đặt hai thỏi nam châm trái dấu lại gần vậy. Dòng biển lạnh tìm về với dòng biển ấm, nhưng đã có bao sinh mệnh ngã xuống và tổn thương chỉ để chúng được trở lại với nhau trên thềm lục địa này ? Giống như phản ứng phun trào của mắc-ma núi lửa trên mặt đất từ thời khởi nguyên, ở dưới lòng biển sâu không lường trước, "ngón tay băng của tử thần" cũng đem lại sự hủy diệt mạnh mẽ đến vậy, và thế là nhiều lúc tôi cứ tự hỏi, sẽ ra sao nếu một ngày ở bất cứ nơi nào trên Trái Đất cũng tồn tại "brinicle", chứ không riêng gì hai đầu cực nữa ? Liệu đấy sẽ là ngày tận thế của cái hành tinh bé tẹo này; hay lại là một sự xoay vòng của các nền văn minh, giống như việc ta viết được cả tá những thứ nghe rất ra gì nhưng đọc lại chẳng đâu vào đâu- thế là xóa sạch không cần màng luôn công sức đã bỏ. Hay rằng nếu có một tương lai hạt nhân trung tâm của quả địa cầu đã nóng đến mức không thể cứu vãn được nữa, khiến băng tan ra khắp nơi, liệu những con cá, ngôi sao mắc kẹt dưới lòng biển giá băng ấy sẽ được giải thoát chứ ? Đôi lúc tôi toàn nghĩ đến những điều vớ vẩn như thế giữa lúc giải lao trong công việc luật sư của mình.

-

Làm một luật sư có gì vui ? Câu hỏi rất thú vị mà Khuê thỉnh thoảng vẫn hay trêu tôi, vì cậu cũng có một đứa em học Luật, và thậm chí chúng tôi còn làm cùng một văn phòng với nhau. Mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn kết khăng khít qua việc tôi và cậu em ấy cùng là người liên quan đến Kim Hách Khuê, tỉ như việc tôi là người cậu yêu đã hơn bảy năm, và Kim Quang Hy là đứa em cậu một tay nuôi lớn từ những ngày đầu chập chững ở năm nhất giảng đường đại học. Mà hình như mối quan hệ của Khuê và Hy còn có dây dưa rễ má từ trước, khi cả hai cùng học chung một khối chuyên Trung ở cấp ba; còn tôi khi ấy thậm chí còn chẳng biết được, có ngày mình sẽ hứng thú với một người, chỉ bằng cái điệu vuốt cuối đuôi xương lông mày mỗi khi gặp vấn đề. Cho đến tận hôm nay, Kim Hách Khuê vẫn giữ cái thói quen kỳ lạ ấy, nhất là lúc cậu đang làm thống kê sổ sách lương hằng tháng ở văn phòng của mình. Cậu sẽ mắng chửi một thế lực tâm linh nào đó: Chúa, Thần hay Phật; một chân gác lên ghế, lưng thì khom lại và mắt thì díp như một sợi chỉ để nhìn cho thật kỹ tránh tính toán hay nhập dữ liệu sai sót. Những lúc ấy thì cậu không giống Khuê mà tôi thường biết, cái con người mà lúc nào cũng nói những điều nghe rất ngớ ngẩn, như kiểu thắc mắc tại sao người ta gọi loại quả màu tròn có màu cam là "quả cam", hay việc lúc nào giận dỗi và bức xúc vì một vấn đề nào đó, cậu sẽ luôn bảo rằng Chúa và cậu hẳn sẽ xé xác nhau nếu có cơ hội. Tớ sống yên ổn hình như khiến Ngài phật lòng, chó má thật đấy. Có lần ngồi cà phê trong một góc trên phố với tôi, cậu đã bật ra những lời như vậy; và vì cả đời chưa từng nghe ai nói những câu như thế nên lập tức đại não tôi đã in lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc về Khuê. Con người cậu dường như không liên quan tới vẻ ngoài hiền lành, trắng trẻo, nhẹ nhàng kia. Kim Hách Khuê gai góc hơn cái ngoại hình như một cục bông gòn biết đi của cậu; và cậu cũng chẳng phải thần tiên giáng thế như cách các sinh viên ở Ngoại Thương truyền miệng nhau. Cậu cục tính, dễ giận dỗi vì những điều nhỏ nhặt không vừa ý, lại còn kén ăn và lúc nào cũng đòi đánh nhau với tất cả thế lực tâm linh trên đời; thế mà Khuê đã giấu cả thiên hạ những cái nết trời đánh đấy, nhưng rồi tôi vẫn biết và yêu cậu, đến mức nhiều khi không nhớ ra phải về nhà nấu cơm cho cậu cháu họ Lý Văn Huỳnh theo lịch luân phiên như đã định. Hồi đấy còn trẻ nên tôi cũng ham chơi lắm, may sao chú cháu tôi không có xích mích gì với nhau vì thỉnh thoảng Huỳnh nó cũng giống hệt.

Trở lại với chuyện làm luật sư, thì tôi nghĩ điều thú vị nhất và mệt mỏi nhất của công việc này là tiếp nhận khách hàng của mình. Ý là thân chủ của chúng tôi là nhân dân, và trên cái quả đất đã cán mốc tám tỷ người này, loại người nào dường như cũng tồn tại cả: giàu sang nghèo hèn, tốt tính bẩn tính, tri thức lao động; chúng tôi đều tiếp đón họ một cách bình đẳng với nhau, như những gì đạo đức nghề nghiệp đã răn dạy phải làm. Sáng hôm nay có lẽ tôi đã bước nhầm chân khi xuống giường, và Khuê thì có lẽ cũng chẳng hay biết vì giờ đấy cậu vẫn đang cố gắng đấu tranh để ngủ thêm năm mười phút nữa. Chúng tôi sống với nhau ở căn hộ của gia đình tôi mua riêng cho hai đứa như một món quà tốt nghiệp (tôi thừa hiểu ngoại trừ là kỷ niệm ra trường, đây là lời thúc giục của gia đình tôi cho việc tiến đến hôn nhân), và cũng đã được bảy năm kể từ khi Kim Hách Khuê quen biết tôi chỉ qua một cái nón bảo hiểm. Tại sao tôi lại nghĩ rằng mình bước nhầm chân xuống đất ? Có lẽ là vì sáng nay, ngay khi vừa đặt cặp táp xuống bàn trong văn phòng và mở máy tính xem thông tin buổi sáng ra sao, đập vào mắt tôi là một dòng tiêu đề nghe chẳng tích cực tí nào để khởi động ngày mới: Tỷ lệ ly hôn của giới trẻ tăng đột biến trong vài năm trở lại đây. Liệu có phải hậu quả của một thế hệ bị ảnh hưởng bởi nhiều luồng văn hóa khác nhau ? Nếu loại bỏ khách hàng và luật sư đối thủ với tư cách là kẻ thù của chúng tôi, thì cánh nhà báo hẳn phải xếp thứ ba cũng nên. Nhiều lúc họ toàn viết những cái tiêu đề đọc rất khó chịu, mặc dù tôi biết là công việc đòi hỏi phải làm như vậy. Chuyện kết hôn và ly dị dạo gần đây không chỉ là chủ đề nhạy cảm với tôi và Khuê; mà còn là tiêu điểm chung của cả văn phòng luật bé nhỏ ở Hà Nội này.

Mấy tháng nay văn phòng chúng tôi tiếp nhận số vụ ly hôn phải nói là đạt đến kỷ lục mới, tới mức cả luật sư tài chính như tôi cũng phải đứng ra hỗ trợ tham vấn cùng mọi người. Dường như lúc nào các vụ dân sự cũng nhiều hơn hình sự, và dẫu là như thế thì tính chất của chúng cũng chẳng hề đơn giản và dễ chịu hơn những trường hợp cần điều tra để đi đến kết luận toàn diện là bao. Cả văn phòng cũng tự hỏi rằng, chuyện gì đã xảy ra, hay là một trào lưu gì đấy; để dẫn tới sự bùng nổ của những hồ sơ ly dị với đủ thể loại lý do: cảm thấy không phù hợp sau khi sống chung, người thứ ba, cạn tình cạn nghĩa và hàng chục kiểu lý giải khác nữa. Các luật sư chỗ tôi mấy tháng nay, ngày nào cũng đi làm với một vẻ mặt rất rõ ràng rằng "lại là một vụ ly hôn nữa hả ?", và nếu bây giờ từ trên trời rơi xuống là tệp hồ sơ cần nghiên cứu của một vụ án mạng hay liên quan tới tài chính thị trường; không chỉ họ mà cả tôi cũng sẽ nhảy cẫng lên vui sướng cho xem. Tuy rất trẻ con nhưng mà có mấy ai ra trường không muốn được làm đúng chuyên ngành cơ chứ; Kim Quang Hy dù phụ trách văn phòng dân sự đã lâu còn nể phục tôi vì chịu đi nhận những vụ ngoài ngành của mình mà không thấy ngần ngại. Mệt chết đi được: lúc nào cũng phải vừa xem xét và học hỏi thêm những điều lệ riêng của từng bộ luật, lại còn phải phân tích vấn đề cho thân chủ nghe dễ hiểu nhất để họ biết ra tòa nên nói và không nói những gì. Nhưng rồi cứ nghĩ đến tương lai của mình và Khuê là tôi cũng cắn răng hoàn thành nốt vụ này vụ kia, kiếm được nhiều tiền một chút khi còn trẻ thì về già sẽ dễ chịu hơn mà thôi.

Thật sự thì kể từ hồi đi học và bắt đầu đi làm tôi đã luôn tự hỏi, tại sao người ta lại ly hôn nhiều đến thế ? Không phải chỉ có thế hệ trẻ chúng tôi mới dễ dàng từ bỏ nhau như vậy; kể từ chục năm trở lại trước đây, người ta cũng đã lôi nhau ra tòa chia chác tài sản chỉ vì không muốn sống chung với nhau nữa đấy thôi. Nên có nhiều khi cứ nhìn thấy yêu cầu của khách hàng là ly dị, tôi sẽ tự vấn trong đầu rằng lý do gì để người ta cứ kết hôn rồi lại muốn ly hôn ? Phần lớn thời gian lúc còn ngồi trên giảng đường thì tôi nghĩ, à, có khi là cả hai đã hết tình cảm. Sau này đi làm thì tôi được tiếp xúc thêm hàng loạt những vấn đề nghe vừa nghiêm trọng lại chẳng hề có liên quan mấy đến sự kết nối giữa con người với con người. Ngoại tình có con ngoài giá thú là phổ biến nhất, thứ hai thì là hợp đồng hôn nhân và hết yêu hay không phù hợp với người còn lại chỉ đứng ở vị trí thứ ba mà thôi. Cho nên, nhiều khi tôi hay suy nghĩ là, tại sao con người ta lại dại dột đâm đầu vào một cái hố đã đào sẵn như thế ? Ý là chẳng phải họ đã biết trước sẽ có ngày hôm nay tan vỡ, cơ mà vì không có đau khổ ràng buộc sinh ra từ tình cảm, thế là người ta cứ lao vào như một cơn bão chợt đến chợt đi mà thôi chăng ? Những trường hợp cưới nhau vì tiền là vậy đấy, còn ở trường hợp ngược lại của họ thì tôi lại càng thêm mù lòa khó hiểu.

Sinh ra trong một gia đình đơn giản và ấm áp đã cho tôi một môi trường sống đủ lành mạnh để phát triển những tư tưởng cá nhân của riêng mình. Trong quan niệm của tôi, tình yêu là nền tảng để con người ta đi đến kết hôn và lập gia đình với nhau; dầu chưa bao giờ tôi chịu thừa nhận rằng nó là chất gắn kết để gìn giữ hạnh phúc của các cặp vợ chồng đến mãi sau này. Tình yêu là xi măng, tôi nghĩ. Tức là nó thuộc vào dạng chất liên kết giúp nối liền các vật thể tưởng chừng không thể dính dáng lại với nhau- như cái cách người ta trát vữa lên các bức tường gạch để củng cố chúng. Tình yêu đã dẫn dắt con người đến với nhau, nhưng rồi tất cả mọi thứ trên thế gian này đều có hạn sử dụng của riêng nó, tình cảm chưa bao giờ là ngoại lệ. Một căn nhà cất lâu cũng có ngày xuống cấp và cần tu sửa; nhưng trái ngược với nó thì tình yêu có vấn đề sẽ ngay lập tức bị con người ném đi không ngần ngại, để thay thế bằng một tình ái mới. Tất nhiên những suy nghĩ này chỉ thuộc về tôi, theo một cách rất chủ quan và phiến diện. Trên đời này cũng có những người trân trọng tình yêu, nhiều đến mức chỉ cần từ bỏ một người trong số cả trăm triệu người ngoài kia cũng khiến họ như đang đứng trên bờ vực của diệt vong. Và vì nghe thật ngu ngốc khi phải sống dở chết dở trong chuyện tình cảm nên tôi gần như đã lãng quên họ từ rất lâu, thậm chí nhiều lúc còn thấy rất bất ngờ bởi: vậy mà những người như thế thật sự tồn tại. Cho nên, để có thể hiểu được động cơ của khách hàng nhà mình, tôi lúc nào cũng vắt óc suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt câu hỏi với họ. Chủ yếu là tôi không tài nào hiểu được, tại sao người ta cưới nhau vì tình rồi cũng sẽ đi đến nước phải chia ly vì không còn cảm thấy tình yêu ? Thà rằng họ có người khác hoặc diễn kịch cho thiên hạ xem, đằng này có rất nhiều cặp đã đến gặp tôi và nói rằng; không, không hề có người thứ ba, hay bất cứ ai ngăn cấm họ yêu nhau cả. Chỉ là sau khi sống chung vài năm, không khí trong gia đình của họ đã thay đổi đến mức chỉ bằng mắt thịt da trần cũng có thể nhận thấy được rằng, tình yêu đã vơi cạn như chum nhỏ mỡ cất trong góc bếp lúc đông đến. Bởi vậy, họ chọn ly hôn như một giải pháp cuối cùng, sau khi thử đủ mọi cách để cứu vãn căn nhà nguội lạnh ấy mà không thành. Không phải là những đôi vợ chồng ấy không còn yêu nhau nữa, hoặc có khi đơn giản là vậy và tôi thì mắc bệnh nghĩ quá nhiều. Tôi chỉ nhìn họ và thầm đánh giá: Quả nhiên tình yêu không thể cứu vãn được một cuộc hôn nhân- nó, việc kết hôn ấy, cần nhiều hơn là thứ tình cảm cũng dính được nhãn hạn sử dụng ấy. Vậy tức là, ngoại trừ thứ tình yêu giống như bếp ga lúc mạnh lúc yếu, hôn nhân và gia đình cần thêm sự trách nhiệm được hình thành từ chính ý thức của con người. Bản thân những người trẻ phần lớn đã lao vào nhau với suy nghĩ rằng, ồ mình sẽ yêu anh ta cô ấy, yêu đến mãn kiếp; và thế là họ đặt bút ký giấy xác nhận, chẳng biết rằng việc càng trọng đại sẽ đi kèm trách nhiệm càng lớn. Cuối cùng người khổ chỉ có là chúng tôi, những luật sư phải ngồi hàng tháng để lắng nghe vấn đề của họ dù chẳng hề mong muốn. Nhưng không có những vụ ly hôn như này thì có khi tôi sẽ chết đói, nên đây có thể coi là mối quan hệ tiền trao cháo múc cần thiết của cả xã hội. Và đôi khi chúng cũng giúp tôi cân nhắc cho kỹ trước quyết định hôn nhân của chính bản thân mình cùng Kim Hách Khuê nữa. Cậu thường nghe tôi than vãn và bảo rằng uầy may nhỉ, may là chúng mình chưa kết hôn với nhau đấy. Chúng tôi hay cãi cọ mấy thứ linh tinh lắm, dù được cái hòa giải cũng nhanh gọn như cách tự nhiên có một chuyện gì đó bùng ra giữa hai đứa mà thôi.

Trái ngược với quan điểm của tôi trong hôn nhân, thì những người đồng nghiệp làm chung văn phòng lại nhìn nhận vấn đề kết hôn-ly này đơn giản như việc chạy ù xuống mấy cửa hàng tiện lợi dưới văn phòng mà mua cái bánh chai nước vậy. Nhiều lúc, sự hiện diện của họ làm tôi luôn tự nghi hoặc chính bản thân mình. Là tôi quá truyền thống và nghĩ quá nhiều, hay do tư tưởng và cách sống của mỗi người khác nhau nên sẽ có những luồng ý kiến trái chiều như thế. Tôi cá lý do nằm ở về thứ hai, bởi vì ngay cả khi hỏi Kim Quang Hy những chuyện như nó nghĩ sao về tỷ lệ ly hôn của giới trẻ gần đây; tất cả những gì nó nói với tôi chỉ gói gọn bằng hai chữ "hết yêu" mà thôi. Sau cùng tất cả đều nảy mầm và chết cháy trong tình yêu loài người, thứ ái ân còn đáng sợ hơn nọc độc của bò sát và côn trùng, vì bước ra thì chưa chắc đã còn xác thịt nguyên vẹn. Một trái tim đã chia năm xẻ bảy sao có thể trở lại như ban đầu được chứ ? Tôi đề cập vậy, và đồng nghiệp chỉ cười xuề xoà bảo rằng quả nhiên tôi vẫn còn ngây ngô lắm. Hách coi thế mà đầu óc cũng đơn giản nhỉ, họ thường trêu tôi vậy, và tôi nghĩ chắc cũng đúng. Trong chuyện hôn nhân, tình yêu và tình cảm, tôi chắc chắn là một đứa trẻ biết lẫy nếu so với mặt bằng chung của cả văn phòng. Có những người trẻ giống tôi không, có, có chứ. Nhưng phần lớn ở đây toàn là những người đã lập gia đình lâu năm rồi có con, bởi thế họ luôn coi chúng tôi như những đứa bé mới tập lõi đời, có khi là đứa con không cùng huyết thống với họ cũng nên. Có lần tôi đi ngang qua văn phòng của bên dân sự gửi đồ của Khuê cho Hy, chỉ để hóng hớt qua loa được rằng một chị lớn hơn chúng tôi tầm bảy tám tuổi, đã có một đứa con trai hai tuổi kháu khỉnh, đang càu nhàu với chị khác rằng tối qua ông chồng của chị đi nhậu với đồng nghiệp công ty say xỉn về nằm ườn ra đấy chẳng giúp được cái gì cả. "Mẹ nó chứ, xong hôm qua tự nhiên em lên cơn tiền đình, thế là uống thuốc tỉnh táo được tí lại phải đi nấu ăn cho nó với bố. Nhiều lúc không biết tiếng sét ái tình hồi đấy hay ông trời đang cảnh tỉnh mình nữa", nguyên văn của chị là như vậy. Nghe giọng thì thấy chị đang rất bế tắc, thế mà chị đồng nghiệp còn lại cứ cười khanh khách khuyên rằng chẳng sao đâu, chuyện bình thường ấy mà, đàn ông ai chẳng thế, nó không đem tiền nhà cho gái là được. Rồi câu chuyện tán gẫu giữa giờ của hai chị cũng kết thúc cụt lủn như cách nó bắt đầu, còn tôi thì trở về văn phòng với rất nhiều hoài nghi.

Thú thật thì tôi không biết những phụ nữ ấy nói chuyện với nhau có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Rằng chẳng lẽ một sự việc tồi tệ của một ông chồng như thế đã xảy ra với cả trăm, cả ngàn người trên hành tinh này; và thay vì lên án hay nói rõ để cùng nhau sửa đổi cho gia đình, họ lại chọn cách giấu nhẹm đi và chịu đựng một mình ư ? Tôi là kẻ không có tí kinh nghiệm nào cho những chuyện như này, nên càng nghĩ càng cảm thấy mơ hồ. Dẫu biết rằng có những thứ không thể phơi ra rõ ràng như cách người ta chẻ bụng con cá moi sạch ruột đi, nhưng tôi đã nghĩ là trong gia đình, chúng ta không nên giấu kín quá mức những vấn đề có thể san sẻ cùng người mình yêu được. Dù có là tình ái hay cảnh cáo từ thần linh ban xuống, tôi nghĩ, từ trong trái tim chị hẳn đã chú ý tới người đàn ông mình cưới làm chồng trước tiên, chẳng cần đến bất cứ thứ gì sai khiến cả. Chị đã yêu, cưới anh, và giờ thì chị đang tỏ ra chán nản anh trong một tình huống rất phổ biến mà tôi thường nghe các cặp đôi ly hôn gặp phải. Đây giống như một cú đẩy bắt đầu của hiệu ứng domino đổ xuống mối quan hệ của cả hai. Tôi rất muốn nói với chị rằng, chị phải nói ra đi chứ, nói hết những vấn đề cho anh ấy nghe lúc anh đang tỉnh táo nhất, và ngồi xuống cùng nhau tìm cách giải quyết triệt để những chuyện không nên xảy ra như vậy. Đừng để nỗi phiền muộn tích tụ trong lòng và hủy diệt quan hệ đang tốt đẹp của cả hai người, tôi như gào lên trong lòng. Vì đã phải chứng kiến quá nhiều cuộc tan rã của tình yêu giữa người trưởng thành mà tôi càng lúc càng nhạy cảm trước dấu hiệu nứt vỡ của một mối quan hệ. Và bỗng dưng tôi lại nghĩ tới mình cùng Khuê. Mối quan hệ đã đi tới năm thứ bảy, nhưng cả hai chúng tôi cứ như đang chững lại cùng thời gian vậy.

-

Mối quan hệ của tôi và Kim Hách Khuê khá tương đồng với phụ huynh nhà mình, ý là tôi rất giống bố vì ông cực kỳ vụng về mấy chuyện bếp núc hay nhà cửa; còn Khuê thì thi thoảng gợi tôi nhớ tới bóng hình mẹ trong ký ức thời thơ ấu, khi một tay bà vừa trông chừng tôi, tay còn lại nấu bữa ăn cho cả gia đình. Trong cái thế giới bé nhỏ của tôi khi ấy, mẹ là một nhân vật đôi lúc còn to lớn hơn thần linh hay bất cứ ai trên đời, kể cả nếu đặt lên bàn cân với bố, tôi sẽ vẫn chọn mẹ đầu tiên. Mặc cho đôi lúc bà hay mắng tôi mấy chuyện lặt vặt như việc tôi gấp quần áo thì xấu, nấu canh thì mặn, hay đến cái nhà cũng phải để Khuê hỗ trợ dọn cùng; thì trong mắt tôi từ đó tới giờ, mẹ vẫn là thành viên đầu tiên nảy ra trong suy nghĩ nếu ai hỏi tôi về gia đình bốn người chui ra chui vào trong phố thị hiện đại này.

Tình yêu to lớn dành cho mẹ đã ảnh hưởng tới việc tôi yêu Kim Hách Khuê rất nhiều. Không phải vì cậu giống mẹ của tôi, hay tôi cần thêm một người mẹ thứ ba trong cuộc đời này sau thầy cô của mình; tôi chỉ đơn giản nhận ra là à mình cần Khuê, mình muốn có cậu ấy, thật gần gũi và ấm áp như cách mẹ áp tay lên trán mình và em trai mỗi khi chúng mình đổ bệnh bất chợt làm mẹ lo lắng. Chúng tôi đã yêu nhau từ một cái mũ bảo hiểm sơ cua- loại biến thể yêu đương có lẽ chỉ xếp sau việc người ta lướt Tinder với mong muốn tìm được người yêu mình thật lòng ở thế kỷ này. Sao mà hoang đường và mộng mơ đến lạ. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn hay trêu nhau rằng nếu hôm đấy Hách cứ kệ tớ và đi về, có khi cả đời này chúng tôi cũng chẳng biết nhau là ai. Vì tôi thì lười giao du, và Khuê thì chẳng có hứng thú mở rộng vòng quan hệ của cậu. Sự trùng lặp trong tính cách này hẳn đã khiến ông trời hứng thú và đưa chúng tôi đến gặp nhau ở ngoài đời, đồng thời ban luôn cho một danh phận mới là người tình trăm năm cũng nên. Lý Tương Hách và Kim Hách Khuê quả là hai cái tên đẹp để đính lên rạp ăn hỏi đấy.

Có một sự thật thú vị là Kim Hách Khuê dù bận rộn như nào cũng rất thích tự nấu những bữa ăn của cậu. Kim Quang Hy và Liễu Mân Tích tình cờ cũng có chung sở thích này với cậu, và thế là ba người bọn họ đã sống chung một mái nhà bình yên suốt mấy năm, trước khi chúng tôi quyết định hay là mình dọn đến một chỗ với nhau cho vui. Khuê yêu việc được vào bếp và nấu nướng hơn tất thảy những thứ gì trên cuộc đời này; và đôi lúc tôi nghĩ có khi còn hơn cả tính mạng của cậu, nhất là khi chúng tôi hỗ trợ nhau sơ cứu những đốt ngón tay bị dao cứa vô tình ngọt ngắt đẫm máu cả đống bông gạc. Cậu nói với tôi rằng, trên đời này chẳng có gì vui sướng và hạnh phúc bằng việc được ăn một món ngon cả, và sau khi trải nghiệm qua tất cả những hàng quán mình biết, cậu rút ra được một nhận xét rằng chẳng ai thật sự làm cậu hài lòng một trăm phần trăm. Có chỗ thì mặn quá, bên thì toàn dùng bột ngọt nêm đồ ăn, có món lại nhạt toẹt chẳng đọng được vị gì trong khoang miệng. Dường như việc không được ăn ngon đã khiến cậu phát điên, Khuê từng tâm sự với tôi trong lúc nhận xét tô phở hôm ấy nước dùng hơi nhiều mỡ. Sự kén ăn xấu xí của Kim Hách Khuê đã thôi thúc cậu phải tự lết xác vào bếp trước khi chết vì đói, hay nói đúng hơn là chết vì ăn phải mấy món dở tệ. Cộng thêm việc lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn và khoảng cách giữa các thế hệ trở nên quá đỗi xa cách, Khuê phải tự thân một mình đóng tất cả các vai trong suốt quãng thời gian trưởng thành của cậu: có lúc cậu là người mẹ lúi ha lúi húi trong bếp chế tạo ra một món ăn mới rồi lại nhăn mặt vì vị của nó không đạt được như kỳ vọng (sau đấy cậu sẽ ghi chú lại để lần nấu kế tiếp không gặp phải sai lầm như vậy nữa); có lúc cậu là ông bố khó tính việc gì cũng phải tự tay làm mới yên tâm, nhưng cũng có ngày cậu chỉ là đứa em trai đang loay hoay giữa những ngã rẽ để trở thành người lớn toàn diện trong cuộc đời. Kim Hách Khuê chưa từng kể quá sâu với tôi về gia đình cậu. Những điều tôi biết chỉ là mẹ và anh trai Khuê lúc nào cũng đầu bù tóc rối mặt tắt mày tối để trang trải cuộc sống gia đình sau khi bố cậu qua đời vì tai nạn giao thông, còn cậu cả mười tám năm cuộc đời đã không có cơ hội được nhìn cho rõ mặt ông ở ngoài đời là như thế nào. Và trong căn nhà lúc nào cũng vắng bóng người, Kim Hách Khuê đã tự ôm nỗi đau của mình lớn lên dù không hề mong muốn. Mẹ cậu nói rằng có lẽ Chúa đã gọi bố cậu về bên Ngài; nhảm nhí như cậu mỉa mai. Khuê từa tựa một Nietzsche trẻ tuổi ở bên tôi: cậu không ghét vị thánh này, nhưng cũng chẳng bao giờ để tâm tới sự tồn tại của Ngài. Trong mắt cậu thì Chúa và con người là như nhau, bởi thế đã bao lần tôi nghe cậu nói rằng chắc chắn Kim Hách Khuê sẽ tìm được cách đánh nhau với Chúa chỉ vì không đâu suốt ngày kiếm chuyện chọc tức cậu và đời tư không cần ai nhòm vào này.

Tôi còn nhớ bữa ăn đầu tiên Kim Hách Khuê nấu cho mình: thịt kho tàu. Khuê bảo rằng nó là món ăn dễ nấu lẫn dễ nuốt nhất trần đời, nhưng để có thể đạt tới mức cho vào miệng và và thêm cơm cũng làm người ta rơi nước mắt thì cần có kinh nghiệm một chút. Tỉ như việc chọn thịt; Khuê sẽ mua những miếng ba chỉ càng ít mỡ càng tốt, nhưng tuyệt nhiên sẽ không phải thịt nạc. Chúng tôi không chịu được việc miếng thịt sau khi thành phẩm sẽ bở ra như giấy nếu vớ phải một con lợn không ngon, thế là Kim Hách Khuê đã quy định với tôi phải nhìn cho thật kỹ tránh mua nhầm. Giai đoạn nấu cũng là một phần quan trọng: để tránh cho nồi thịt bị cháy khét cạnh đáy trong quá trình nấu liu riu đợi chín, ta bắt buộc phải đứng canh và đợi khi nào cạn nước thì đơm thêm nước vào (không được đổ ngập vì đây không phải món canh!). Một công đoạn nếu đứng lướt điện thoại bỏ quên thôi thành phẩm chắc chắn sẽ có vị khen khét lúc múc ra đĩa trình bày. Ngoài ra thì thi thoảng Khuê sẽ mua một ít bì lợn hoặc dừa miếng, có lúc cậu sẽ luộc mấy quả trứng rồi chiên chúng lên và thả vào nấu cùng thịt kho cho thêm vị. Trong tất cả thì tôi thích có thêm bì lợn nhất vì chúng mang đến kết cấu sóng sánh rất thú vị bao quanh mỗi miếng thịt, nên Kim Hách Khuê cũng lưu tâm phần này. Cái tôn chỉ ăn ngon ngang bằng hạnh phúc của cậu dường như lúc nào cũng ở trong đầu người đàn ông kén ăn nhất tôi từng gặp này. Với Kim Hách Khuê mà nói, việc bếp là thứ đàn ông hay phụ nữ cũng đều phải làm. Từ lúc lớn lên, cậu nói, việc lúc nào gia đình cũng chỉ có một thành viên duy nhất là bản thân đã cho Khuê cơ hội được mở to mắt ra mà xem cuộc đời là như thế nào. Cậu chẳng bài xích việc tôi vào bếp, dù kiểu gì cậu cũng sẽ đuổi ra ngay phút mốt. Không phải vì tư tưởng truyền thống chảy trong máu mà là vì sự vụng về của tôi khiến cậu ngứa mắt, và thế là câu "Hay là Hách ra ngoài ban công tưới hộ tớ cái cây đi ?" được bật ra; tôi biết mình bị đuổi khéo nên cũng nhẹ nhàng rời đi không phản bác. Đây có lẽ là đặc điểm chung của tất cả các đầu bếp gia đình trên thế gian này: chỉ cần một ánh nhìn là họ đủ hiểu người này có biết nấu ăn hay không. Mẹ tôi cũng thường đá tôi ra khỏi nhà bếp mỗi khi tôi có ý định phụ giúp như thế. Mẹ nói rằng tôi cái gì cũng không biết, vụng thối ra, đến muối và mì chính còn lẫn lộn lúc luộc rau; và nếu cứ nhìn tôi hủy hoại căn bếp mình nuôi nấng suốt cả cuộc đời chắc mẹ sẽ lên cơn tăng xông ngất đi mất.

Đã có lúc ngồi một mình tôi tự hỏi, sẽ ra sao nếu một ngày Kim Hách Khuê không còn yêu căn bếp của cậu như cậu đã từng ? Nghe những gì tôi kể về tình yêu của cậu với chuyện bếp núc quả nhiên sẽ khiến người ta trầm trồ, và thế là họ tự động nghĩ rằng Khuê sẽ gắn bó với nó cả đời như cách máu thịt chảy xuyên suốt con người cậu. Đó quả là suy nghĩ đơn giản và lạc quan nhất cuộc đời cũng nên. Bởi vì với tôi mà nói, Khuê càng yêu nó bao nhiêu thì sự lụi tàn của căn bếp sau này sẽ càng ám ảnh bấy nhiêu. Bây giờ thì cậu còn trẻ, lại chẳng có quá nhiều điều để bận tâm và lo lắng. Không con cái và gia đình chính thức làm tôi nhận ra rằng, đây hẳn là nguyên do tôi không tài nào cảm thụ được những việc làm của đồng nghiệp mình. Thế giới của chúng tôi sẽ xoay chuyển ra sao nếu một ngày cả hai thật sự trở thành vợ chồng được pháp luật công nhận và bảo vệ ? Tôi chắc chắn đó sẽ là một cú nhào lộn kinh điển trong trang viết về cuộc đời chúng tôi, những luật sư và kế toán của đất nước, giống như cái cách đồng hồ cát lật qua lật lại sau mỗi lần cát đã chảy đến tận đáy. Tôi không dám tưởng tượng đến cái viễn cảnh như thế. Cứ nghĩ đến việc sẽ phải từ bỏ những bữa ăn ngon miệng của Kim Hách Khuê, hay tước bỏ cậu khỏi căn bếp của mình chỉ để làm một người mẹ bận rộn; sự dằn vặt trong tôi lập tức nâng cao cảnh giác. Tôi không nghĩ mình sẽ sống được mà không có những bữa ăn của Khuê trong tối muộn trở về sau khi tăng ca, hay việc phải từ bỏ thói quen ngồi xuống bất cứ một tiệm đồ ăn đồ uống gì đấy là chúng tôi sẽ dành khoảng lặng năm phút để nhấm nháp và bình phẩm món ăn hôm nay có vị gì. Chỉ mơ tưởng hão huyền đến thôi mà tôi có cảm giác trái tim như bị chia năm xẻ bảy, nát bươm như cái cách Kim Hách Khuê băm nhỏ chúng và chế biến thành món cháo tim cho tôi lúc ốm vậy. Đó cũng là lý do mà tôi cứ có cảm tưởng rằng mình đang đứng chững lại giữa mối quan hệ bảy năm của hai người: tôi biết Khuê muốn bước tiếp những bước cuộc đời khốn khổ của cậu với tôi; thú thật thì tôi cũng rất muốn được là người song hành của cậu. Nhưng cứ cân nhắc việc hạnh phúc của mình và niềm vui của cậu là tôi lại thấy khổ sở kinh khủng, dù cho chúng tôi đã từng cùng nhau chặn đường bắt một tên biến thái bám đuôi cậu hồi còn ở năm ba trên đường đi làm về. Đôi lúc tôi ước gì thời gian đã dừng lại ở khoảnh khắc chúng tôi nắm tay nhau trấn an rằng tất cả mọi chuyện đã kết thúc và cậu được trả lại sự bình yên ban đầu. Thực tế thì thời gian không chờ một ai cả, dù tình cảm của chúng tôi có đầy như nước bể bơi vào mùa hè hay trở thành "ngón tay băng của tử thần" ở dưới lòng biển sâu, sự thật vẫn vĩnh viễn đập vào mắt tôi rằng: mối quan hệ này cần một bước tiến mới.

-

Vào mùa xuân của năm thứ tám, chúng tôi có một chuyến du lịch lên Sapa với chi phí là không đồng. Chủ trì của chuyến đi ấy là Kim Cơ Nhân, một trong hàng tá những đứa em của chúng tôi, sau khi tốt nghiệp đại học bắt đầu đi vào quản lý sản nghiệp của gia đình và cần chúng tôi cùng một bầy yêu nhền nhện nữa giúp một tay. Gia đình Kim Cơ Nhân trở nên giàu có và lớn mạnh chủ yếu nhờ đầu tư bất động sản và dịch vụ du lịch, em nó giới thiệu sơ sơ như vậy. Chuyến đi ấy của chúng tôi là để hỗ trợ đánh giá quá trình vận hành của một khu nghỉ dưỡng trên đồi mà gia đình em mới hoàn thiện từ cuối năm trước, tuy nhiên chưa có lịch trình cụ thể để đi vào hoạt động, thế là mẹ em đã đẩy cho em nhiệm vụ kiểm tra xem có gì sai sót không để tiến hành khai trương. Dù cũng muốn được kinh doanh riêng, Nhân phàn nàn, nhưng có sản nghiệp sẵn trong gia đình thì cũng nên quan tâm một chút. Sau cùng thì người thừa kế hết đống tài sản khổng lồ đó cũng là em và Tôn Thi Vũ, thế là dù không muốn đi khỏi nhà giữa cái rét căm căm đầu năm, chúng tôi lẫn Nhân đều vẫn phải khổ sở leo đèo mấy trăm cây để lên tới Sapa hoa còn đang ngủ. Chỉ thấy mấy đứa Tích, Huân, Hiền, Lan, Huỳnh và Tuấn là vui như Tết về- đánh bài ăn tiền trên mọi địa hình, chẳng bù cho đám người đi làm chúng tôi đứa nào đứa nấy lăn ra ngủ vì phải dậy từ sớm không quen.

Dù nói là chuyến đi không đồng nhưng dịch vụ và tổ chức của Kim Cơ Nhân lẫn gia đình em đều không có chỗ nào để chê. Chuyến đi kéo dài ba ngày hai đêm cho chúng tôi nghỉ chân ở một khu nghỉ dưỡng nằm giữa những quả đồi sáng sớm có thể săn được mây mờ trên đỉnh, và đêm tới lại có thể chạy ra ngoài làm tiệc nướng với nhau dù lạnh muốn đau cả đầu. Không khí ở đây cũng dễ chịu hơn so với trong thị trấn, bù lại thì khoảng cách địa lý xa hơn một tẹo nên phần lớn chúng tôi di chuyển đi chơi bằng ô tô là nhiều. Không để chúng tôi chỉ quanh quẩn trong resort buồn chán thì đến ngày hôm sau, Nhân đã dắt cả bọn leo lên đỉnh Phan-xi-păng cao chót vót, chỉ tiếc là em lựa cái giờ quỷ tha ma bắt nhất trần đời để đưa chúng tôi lên sau khi ăn sáng: bảy giờ sáng tròn trĩnh lúc chân đặt xuống sân ga tàu hỏa Mường Hoa.

'Chuyến tàu này dài có tám cây, bất ngờ thật đấy. Lúc đứng từ ngoài tớ đã nghĩ là nó sẽ lâu hơn cơ. Đếm xem nào, chúng ta sẽ đi thẳng từ trung tâm, qua thung lũng Mường Hoa, và đích đến sẽ là ga cáp treo Hoàng Liên. Từ đấy chúng ta sẽ đi cáp treo lên tới gần đỉnh, rồi tự trèo lên nốt đúng không Hách ?'

Kim Hách Khuê ngồi cạnh tôi trên toa tàu sáng đã đông kín người. Chẳng biết mấy đứa em đang ở chỗ nào, thế nên chúng tôi đã cố gắng đi cùng nhau để nếu mất liên lạc thì còn dễ tìm người. Cậu đang đọc brochure của chuyến tàu nằm ngay giữa trung tâm thị trấn này, nối thẳng một đường đến cáp treo Phan-xi-păng nhanh gọn tiện nhất trong hành trình di chuyển lên đỉnh núi. Dường như việc chuyến đi này chỉ dài có tám cây số đã khiến Khuê có chút hứng thú vụn vặt như mọi khi cậu hay phát hiện ra ở sự vật quanh mình. Tay cậu bắt đầu bấm từng đốt và đếm, ánh mắt mơ màng ghé lại trên khung cảnh thung lũng Mường Hoa mở ra lúc tàu chúng tôi chạy đến.

'Một, hai, ba', cậu đếm từng nhịp chậm rãi, 'Ồ, bất ngờ không Hách. Chúng mình đã đi với nhau đến khắp nơi trong suốt tám năm. Bảo sao cứ thấy số tám là tớ sẽ có gì đó lâng lâng trong lòng'. Cậu gấp cuốn brochure bé tẹo vào và bắt đầu ước ao như thể những thiếu nữ mới lớn nếm được vị tình yêu đầu đời, 'Mong sao chúng mình sẽ đi cùng nhau được thêm vài năm nữa. Kể cả không kết hôn cũng được, tớ rất vui vì mình có thể đi mọi nơi và trải qua mọi chuyện cùng nhau'.

Nhưng tôi lại không muốn như vậy. Tôi đã giữ trong lòng cái suy nghĩ rằng, nếu tôi không thể cùng Kim Hách Khuê có một gia đình nhỏ cho bản thân, tôi nhất định sẽ để cậu ra đi trong bình yên. Tại sao cậu lại có thể chấp nhận ở cạnh một người đàn ông như tôi và không màng đến kết quả hay tương lai của chính mình ? Tôi thật sự chẳng tài nào nắm được những suy nghĩ chợt đến và chợt đi trong não bộ điên rồ của cậu, và đôi khi tôi nghĩ việc này hẳn đã ảnh hưởng tới cậu từ sự kiện xê dịch đầu tiên trong cuộc đời rằng chẳng có một mối quan hệ nào của cậu sẽ đi tới vẹn toàn. Khuê không có một gia đình kiểu mẫu, mối tình đầu của cậu không hề yêu cậu, lúc nào cũng bị người khác tôn lên làm thần làm thánh khiến cậu rất bức bối. Tôi nghĩ chỉ tất thảy mấy việc này thôi cũng khiến Kim Hách Khuê lập tức sinh ra cái lập trình rằng chẳng có mối quan hệ nào của cậu sẽ đi đến trọn vẹn, và cậu, nếu còn được tận hưởng thêm một khắc một giây nào của nó thì hãy cố mà nuốt trọn lấy niềm vui nhất. Cậu và cuộc đời này giống như một ngôi sao băng vụt cháy trong màn đêm, dù chẳng ai biết rằng nó sẽ đi tới đâu, nhưng chỉ cái khoảnh khắc được bắt gặp nó thôi cũng khiến người ta cảm thấy hài lòng. Nhưng Lý Tương Hách tôi lại không nỡ để cậu hóa kiếp như những vì sao bạc mệnh ấy. Ít nhất hay cho Khuê một tương lai tốt, tôi luôn thầm cầu nguyện như vậy dù ở bất cứ đâu.

Chúng tôi xuống ga và tập hợp lại một chỗ điểm danh. Vì giới hạn ở trong khoang cáp treo, thế là cả đám người cứ chia nhỏ nhau ra để nhét vào một cáp đi cho tiện vì sợ lạc đường không thấy lối. Chúng tôi đi cùng Kim Quang Hy và người yêu nó Phác Tái Hách, Kim Cơ Nhân và Tôn Thi Vũ đi kèm thêm Liễu Mân Tích là đảm bảo cho một khoang chứa không ồn nhưng cũng không kém phần nhộn nhịp. Hách và Vũ vẫn cứ như lần đầu tôi gặp hai đứa, kể cả khi đã ra trường và đi làm được một thời gian, chúng nó vẫn ngứa mắt nhau vì mấy chuyện không đâu và rồi bắt đầu chí choé đủ thứ làm Hy và Nhân thiếu điều muốn mở cửa cáp ném cả hai xuống núi tâm sự. Tích vẫn tiếp tục sự nghiệp đeo bám Khuê của nó, và đôi khi nhìn thằng bé sẽ khiến tôi tưởng tượng ra nếu mình có con thì hẳn cũng giống như nó mà thôi. Kiểu gì con tôi cũng sẽ bám Kim Hách Khuê nhiều hơn tôi, vì cậu luôn tỏa ra cái cảm giác để cho người ta được dựa vào thư giãn tinh thần. Cái khoảnh khắc cả hai ra khỏi cửa khoang đáp đất, tôi bỗng nắm lấy tay Khuê, chẳng biết vì lý do gì nhưng tự nhiên tôi muốn làm vậy. Việc chờ đợi một người đàn ông suốt bảy năm quả thật là một điều điên rồ mà chắc chắn Kim Hách Khuê sẽ không bao giờ ngần ngại làm, tôi nghĩ. Thế mà tôi cũng đã để yên cho cậu làm như vậy mà chẳng một lời thắc mắc hay oán trách gì. Mình phải kết thúc sự đau khổ giữa nhân gian này của cậu ấy thôi, tôi tự nhủ. Và có lẽ vì vậy mà chúng tôi đã nắm lấy tay nhau xuyên suốt chặng đường còn lại leo lên tới trên đỉnh núi, bỏ quên luôn cả thế gian này sau lưng.

'Chúng mình nên đi lại lần thứ hai, tất nhiên là không phải với cái thời tiết mưa gió bay phần phật vào mặt như này.'

'Nhất trí! Nhân chắc cũng là lần đầu đi nên không biết sáng sớm nó như này thôi, đừng trách người bao ăn bao ở tụi mình như thế chứ.'

'Khuê à, cậu có muốn kết hôn không ?'

Đôi bàn tay tôi nóng ran, tiếng cười khanh khách của cậu chợt tắt. Chúng tôi đã lẳng lặng lên tới đỉnh cùng nhau mà không ai biết phải nói thêm gì. Lời cầu hôn đến quá đột ngột khiến ai cũng rối bời trong lòng, mặt tôi đỏ bừng đủ để nướng một củ khoai, còn ánh mắt cậu trong mưa cũng chẳng thể rõ Khuê thật sự nghĩ gì khi tôi nói mình muốn cưới cậu, chân thành và tử tế nhất có thể. Những cơn mưa lất phất trơn trượt đoạn đường tôi và cậu đi đã khép lại, chỉ còn những cơn gió lẫn trong hơi nước cảm giác rét run cầm cập vào tận da thịt. Nhưng chúng tôi đứng trước mặt nhau, ôm lấy người còn lại; Khuê nức nở dụi vào vai tôi nói rằng cậu đồng ý, rằng cậu đã chờ tôi suốt bảy năm, và chẳng đêm nào cậu không mơ hay nghĩ tới ngày chúng tôi cùng nhau nên vợ nên chồng. Dù chẳng biết bao giờ những "ngón tay băng của tử thần" dưới lòng Nam Cực hay Bắc Cực, tôi không chắc nữa, sẽ tan chảy khi hiện tượng nhà kính phát triển mạnh hơn, nhưng tôi rất rõ ràng rằng bản thân đã hoàn thiện kết cục của câu chuyện bảy năm sắp kéo sang tám giữa mình và Kim Hách Khuê. Tất cả mọi người xung quanh có lẽ đã tan vào hư vô, giống như cách "brinicle" hủy diệt vạn vật trên đường đến với tình yêu ấm áp của nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro