NGOẠI TRUYỆN - "AI AI ĐÓ" - ĐÀO HUYỀN CHI.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Anh Trường đi cạnh tôi, cùng tôi băng qua từng ánh đèn vàng sáng lững lờ. 
Anh bước bên cạnh tôi mà không nói lời nào. Nhưng chỉ cái lẳng lặng này, tôi cũng cảm thấy trái tim tôi nhẹ nhõm. Tôi thở nhẹ, cảm nhận hơi ấm của người đàn ông đi cạnh mình. Anh cao hơn tôi và rất đáng tin cậy. Dù anh không nói lời nào, nhưng tôi vẫn cảm nhận được, anh luôn để ý đến tôi.

Tôi bỗng nhớ đến những đốm sáng cháy xém từng bức ảnh ngày ấy.

Những đốm sáng lách tách rồi phừng phừng. Chúng dữ dội thiêu rụi cả căn nhà nhỏ. Một cơn lửa sạch tinh, nhưng khi nó tàn đi, nó lại vô tình hóa kiếp cho một người.

Tôi dừng lại, nhìn lên ánh đèn vàng mờ nhạt.

Anh Trường cũng dừng lại ngay lập tức, anh quay sang nhìn tôi. Đôi mắt anh hờ hững, nhưng tôi có thể cảm nhận được tình ý ấm áp nhè nhẹ bao phủ quanh đôi mắt anh. Đôi mắt anh chưa bao giờ nói dối cả.

“Sao vậy?” Anh đưa tay chỉnh lại khăn quàng cổ bị lệch trên cổ tôi, nhẹ giọng hỏi.

Tôi nhìn lên. Đôi mắt anh làm tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Tôi lại nghiêng mắt qua nhìn lên sườn mặt anh. Anh đứng phía ngược sáng, ánh sáng đèn đường vàng vọt chiếu lên góc cạnh của người đàn ông trung tuổi, lộ ra nét sắc bén và góc cạnh được mài dũa bởi thời gian. 

Tim tôi chợt nhói lên.

“Em… nhớ vài việc.” Tôi lơ đễnh đáp lại, nhìn ánh đèn mờ mờ sau lưng anh.

Rồi tôi lại bật cười.

Tôi nghĩ nụ cười tôi chẳng khác gì cái mặt khỉ. Giờ đây là thế, vì tôi càng cười, trong lòng tôi càng đau buốt.
Tôi đáp lại anh:

“Từ ngày mẹ mất, đến cả ánh đèn đường cũng lạ lẫm với em.”

1.

Mẹ tôi sinh ra tôi từ sự cố không mong muốn.

Dì tôi kể lại, ngày mẹ phát hiện ra mang thai tôi, cha mẹ tôi đã từng muốn phá đi. Nhưng không hiểu sao, cha tôi lại nói rằng ông sẽ cười bà.

Mẹ tôi, khi đó mới hai mươi hai, và vừa sụp đổ từ cái thai không mong muốn, như bám được cọng rơm cứu mạng. Bà xiêu lòng trước lời hứa của anh người yêu hào hoa và đầy thành tựu, xiêu lòng trước những cánh chim được tô phép thành màu hồng bởi tình yêu của cả hai. Bà tưởng tượng ngày tháng có tiếng cười trẻ thơ (theo lời dì nói), có căn nhà nhỏ ấm êm cùng người chồng yêu dấu. Bà không nghĩ tới gì nữa, bà cứ thế đồng ý với cha tôi.

Và rồi, cô con gái xinh đẹp và kiêu ngạo của ông chủ xưởng đóng tàu và nữ tiến sĩ khoa Thanh nhạc, cùng với cậu thanh niên đầy nhiệt huyết và tâm tưởng mang hoài bão, đã đi đến, và thưa chuyện cưới xin cùng hai ông bà chủ xưởng đóng tàu có tiếng nhất Hải Phòng, với lời thề non hẹn biển, rằng chúng con sẽ nuôi nhau đến cuối đời.

Hai mươi hai cùng hai mươi sáu, và mong muốn nuôi nhau đến cuối đời.

Ông bà ngoại tôi sau khi nghe xong đã từ chối ngay lập tức.

Bà ngoại tôi đưa ra các lí lẽ như mẹ tôi có tương lai rất dài, việc học còn dở dang, bà không thể trao con bà vào tay một đứa con trai mới chân ướt chân ráo ra đời được. Mẹ tôi luôn là viên ngọc quý trên tay hai ông bà, hai ông bà không thể trao con một cách tùy tiện như thế được.

Ông ngoại tôi thì nói thẳng. Ông nói ba với mẹ tôi là đầu mới lổm chổm tóc mà đã tập tành chơi trò gia đình. Có còn là con nít đâu? Và ông nói thẳng cha tôi là hạng người tầm nhìn thấp. Nói rằng cha tôi mới hai mươi sáu, trong nhà không có gì, trong tay lại trắng trơn, nhà nuôi mẹ chưa xong đã đòi nuôi vợ. Mẹ tôi nghe thế thấy chói tai, đã đứng lên cãi lại:

“Anh ấy và con có thể tự nuôi nhau! Chúng con sẽ nuôi con, chúng con đã có tiền trong tay, có công việc ổn định…”

Ông ngoại tôi cách ngang:

“Mày vừa tốt nghiệp, nói lo cho nhau là lo cái gì? Mẹ nó nó còn nuôi chưa xong, sao nó có thể nuôi mày? Chả lẽ bây giờ để mày đi vật vờ ngoài đường? Mày có chịu nổi việc tay mày bị bong tróc không?”

Mẹ tôi đã bảo có.

Tôi vẫn nhớ cái ngày dì kể lại. Giọng dì nghèn nghẹn, mắt phiếm hồng:

“Ngày đó, mẹ con đã nói rằng cả hai đã lên dự định hết rồi. Mẹ con có thể làm công nhân, chui vào hầm ủ bốn mươi độ với cả đống vi khuẩn, với cả những căn bệnh lao phổi, ho lao. Mẹ con có thể bỏ cả đàn dương cầm mà chị ấy yêu thích nhất, nhưng nhất quyết không chịu bỏ đi ánh dương ảo của chị ấy và ba con.” 

2.

Nhưng “dường như” ngoài dự kiến của ông bà ngoại tôi, cha tôi đã giàu.
Ông phất lên bởi một dự án kĩ thuật bên Nga. Được bên trên cất nhắc lên vị trí trưởng phòng kĩ thuật máy tính khi ở độ tuổi ba mươi. Số tiền ông đem về cũng nhiều dần, càng ngày càng tăng, đủ để mẹ tôi hưởng thụ khỏi dầm mưa dải nắng, và cũng đủ để “bồi thường” cho việc bà mang thai sáu tháng vẫn phải vác cái bụng to để tăng ca trong cái xí nghiệp may. Nhưng mẹ tôi đã từ chối nhàn hạ ở độ hai mươi sáu. Phần vì quen việc, phần vì giờ bà không thể chuyên tâm vào chuyên môn là Piano được nữa. Tay bà qua chừng bốn năm cũng dần sứt mẻ, bong tróc. Bắt bà đụng vào đàn, bà cũng chẳng đụng được.

Vì thế, những số tiền đáng lẽ ra mẹ tôi được hưởng, đã đổ hết vào tôi - cô con gái duy nhất của cả hai.

Đó là cái thời tôi còn cầm quyển sách tranh công chúa Bạch Tuyết.

Bỗng dưng, vào một ngày nọ, ba tôi mang theo một cái đàn Piano to thù lù về đặt giữa nhà. Ba và mẹ nói gì đó, mắt mẹ sáng ngời, nhưng ba tôi chỉ lạnh nhạt đáp lại. Tôi không biết họ nói gì, chỉ là tôi tò mò với cái đàn to thù lù đáng lẽ chỉ nhìn thấy trên ti vi.
Nó có màu đen tuyền, cao hơn tôi cả nửa cái người. Thân đàn được sơn một màu cực kì sắc, nhìn vào còn có thể thấy được cả hồn của đàn. Ngay cả chân đàn cũng cực kì chắc chắn.

Tôi chồm lên, nhân lúc cha mẹ không để ý, tôi leo lên ghế, ngồi nhìn những phím đàn trắng đen. Phím đàn cực kì mới, sáng bóng và sạch sẽ. Tôi có thể nhìn thấy con mắt tôi lồi ra khi ghé mắt xuống nhìn cái phím màu đen. 
Lúc ngẩng đầu lên, tôi bỗng thấy mặt mẹ thù lù trước mắt.

Tôi giật nảy mình, vội nhảy xuống ghế. Mẹ tôi rất không thích việc tôi cứ đụng chạm linh tinh, nhất là đồ mới đang ở trước mặt tôi đây. Thường thì tôi sẽ bị mắng, ít hơn chút, tôi sẽ bị cấm không được đụng chạm.

Nhưng lần này mẹ lại cười.

Tôi bất tri bất giác lùi lại, nhưng mẹ giữ tôi lại ngay lập tức. Mẹ nắm tay tôi, dịu dàng cười với tôi. Đây là lần đầu bà dịu dàng như thế.

“Chi ơi, con có thấy thích cây đàn này không?” Mẹ xoa đầu tôi, cười hỏi.

Tôi lúng túng gật đầu. Mang theo nỗi lo và sự ngượng ngùng trong mình, tôi đáp lại:

“Dạ.. dạ con thích ạ…”

Mẹ tôi càng cười tươi hơn. Bà bồng tôi lên, đặt tôi lên ghế ngồi. Ghế ngồi của tôi được lót đệm, rất êm, nhưng vì không thể dựa, tôi vẫn thấy không thoải mái lắm.

"Mẹ ơi…." Tôi định nói với mẹ, nhưng mẹ lại cắt ngang bằng chất giọng dịu dàng:

"Chi có muốn đàn thử không?" 

Rồi chưa để tôi đồng ý, mẹ cầm hai bàn tay tôi, đặt lên phím đàn.

Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Piano.

3.

Dần dần, lịch trình của tôi trở nên dày đặc.

Ba mẹ thuê gia sư về dạy đàn cho tôi. Tôi không còn nhớ nổi cô là ai, chỉ nhớ những lần cây roi bị vụt vào tay tôi khi tôi đàn sai. Và tôi càng đàn sai, lịch trình luyện đàn của tôi càng dày đặc.

Mẹ bảo đó là cách để tôi càng giỏi đàn. Bà luôn mơ ước về viễn cảnh tôi được đứng trên sân khấu. Cũng vì thế khi dạy xong, mẹ thường nói chuyện riêng với cô giáo. Tôi không biết mẹ nói gì, nhưng sau khi nói xong, mẹ lại sầm mặt đi vào phòng đàn và bắt tôi đàn thêm lần nữa.

Lần nữa rồi lần nữa.

Lại thêm một lần nữa.

Chưa được, thêm lần nữa.

Lần nữa….

Năm sáu tuổi, tôi đã cố tình gài cái dao lam của mẹ vào khe hở của Piano. Và nó thành công khiến ngón tay tôi chảy máu.

Mẹ nhìn thấy, lập tức đứng dậy. Bà chạy đến bồng tôi xuống, hoảng loạn lấy băng cá nhân băng cho tôi.
Còn tôi đứng trên mặt sàn, rũ mắt nhìn xuống ngón tay. Tôi lại cảm thấy cực kì may mắn.

Tay bị thương rồi, mẹ sẽ không bắt mình đàn nữa.

Và thật, tôi không cần đàn nữa.

Tôi được ngồi trong phòng cả ngày, trừ những lần học aerobics ra. Nhưng cũng chả sao cả, vì chỉ khi học aerobics, tôi không cần nhìn thấy cái trừng mắt của mẹ và khuôn mặt lạnh lùng của cha. Cũng như chỉ khi không ở nhà, tôi mới tránh được những lần đập phá đồ đạc của cha mẹ. Vì họ đập phá đồ đạc, họ cãi nhau, họ sẽ lôi tôi vào một lần nào đó bất kì.

Nhưng cũng chỉ được một tuần như thế.

Sau một tuần đó, gia sư dạy Piano của tôi lại đổi thành người khác. Một vị giáo sư già dặn, nghe bảo từng đào tạo cho một vị thiên tài nào đó. Bà có khuôn mặt phúc hậu, dịu dàng. Và may cho tôi lần này, mẹ tôi đã chọn một người tốt bụng. Bà ấy không bao giờ cầm cây roi trên tay, thay vào đó là quyển sách nhạc. Bà dạy cực kì ân cần và nhẹ nhàng. Cũng nhờ bà mà tôi không có quá dày đặc.

Tôi cũng thích Piano hơn. Dần dần, mỗi khi rảnh, tôi lại ra đàn Piano. Có những lần tôi đàn còn quên mất cha mẹ đang cãi nhau bên ngoài. Tôi cũng thấy vui vẻ hơn hẳn, lâu lâu lại mượn sách đàn của vị giáo viên già.

Có một bận, sau khi đàn xong, tôi bỗng thấy khát nước.

Tôi đi xuống phòng ăn. Bước xuống cầu thang chỉ sáng mờ, tôi phải vịn tay mới đi xuống an toàn được. Nhưng khi vừa bước xuống phòng bếp, tôi lại nghe tiếng đập đồ loảng xoảng.

Tôi vô thức bịt tai lại.

Nhưng cái âm thanh chát chóe vẫn vọng vào tại tôi.

"Anh nói đó là con nào? Đây là mùi nước hoa của con nào?"

"Cô lại ghen quá lên nữa! Tôi đã nói rồi, đi giao lưu thì kiểu gì chẳng vướng mùi? Có tí mùi nước hoa mà thôi!"

"Ha! Anh đừng làm như con này ăn tiền nằm ưỡn bụng! Cái này là cái gì? Hả?"

Rồi lại im lặng bất chợt.

Tôi thở phào, đi đến rót một ly nước đưa lên uống. Nhưng ngay khi tôi vừa chạm môi vào ly, ở bên ngoài phòng khách bỗng vang lên tiếng đồ sứ vỡ toang. Tôi giật mình, suýt thì làm vỡ cả ly.

"Cô dám theo dõi tôi?" Tiếng ba tôi vâng lên như tiếng gió rít. Nhưng mẹ tôi không chịu thua, bà gào lên:

"Con này mà không dám lại để anh dắt mũi bao lâu nữa? Hả? Anh đừng cho là con này không biết!"

Tôi ôm chặt ly nước, chạy lên phòng. Tiếng cầu thang bình bịch vẫn không át nổi âm thanh như mãnh thú xé nhau bên ngoài. Tiếng họ đập phá, chửi bới nhau vâng lên nghe buốt cả tim. Ai nghĩ được cơ chứ, khi một người phụ nữ mẫu mực và một người đàn ông thành đạt lại đi chửi nhau như thể muốn băm mảnh nhau như thế. 

Không biết tự bao giờ, viễn cảnh hạnh phúc trong lòng tôi vỡ tan.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro