Chap 1: Rồng đã hóa giun như thế nào

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trích trong một cuốn nhật kí tuổi thơ ngu ngốc nào đó.

Một ngày đầu thu nắng chang chang, đường tắc gần 2 cây số, quang cảnh nhộn nhịp đến độ người ta chợt hiểu ra ngoài khả năng trồng nhà, đất Hà Nội còn rất thích hợp trồng người. Vâng! Và đúng sáng hôm ấy, ngày đầu tiên bắt đầu năm học lớp 7, kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi chính là bị con chó nhà bên vồ đến suýt rách ống quần và đoạn đường đi tắc đúng gần nửa tiếng. Nếu không phải canh thừa thời gian, chắc tên tôi đã sớm lù lù trên quyển sổ đáng nguyền rủa của lũ cờ đỏ dù mới ngày đầu năm.

Tôi hì hục lết lên lớp học. Một lũ bạn quen đang đứng buôn ngoài hành lang, vừa nhìn thấy tôi, chúng nó chẳng ai bảo ai tự dưng im bặt. Một khắc tôi cảm giác mình như kì quan thế giới xuất hiện ngay giữa sân trường, ngẩn tò te cả buổi. Sau cùng, thằng bạn đeo kính đứng gần tôi nhất mới thản nhiên lên tiếng.

"Long! Cửa sổ mày."

Mẩu truyện kinh dị tuyệt nhất cho ngày mới chính là việc bạn tung tăng ra đường. Rồi, khi người ta nhìn bạn như một thằng biến thái, bạn bất chợt nhận ra mình đã quên đóng khóa quần.

"Yêu cầu giáo viên cho học sinh xuống kê ghế dưới sân trường, chuẩn bị làm lễ chào cờ."

Chắc tôi sẽ mãi đứng chết trân với bản mặt của một thằng đần ở đó, nếu tiếng nói quen thuộc của giáo viên tổng phụ trách không đột ngột vang lên, lôi bọn nó đi, ngoạn mục cứu tôi khỏi nguy cơ trở thành tin nóng của lớp trong suốt cả tuần sau.

Trường tôi là một trong những trường trung học được coi là có chất lượng dạy tương đối tốt của quận này. Diện tích khá, quân số không đông, chỉ xấp xỉ nghìn mấy, khi xếp đủ ghế vẫn không lo thiếu chỗ. Mới đầu giờ, quang cảnh không khác gì họp chợ, chen chen lấn lấn, nếu rình khi cô không để ý, đem súng cao su ra bắn cũng không sợ bị tóm. Tôi tìm chỗ cuối hàng, chọn ngay góc khuất lại nằm liền dưới gốc cây, gần lũ anh em chí cốt. Đầu năm, bản thân có chút háo hức muốn xem mặt mũi sao đỏ tới trông thế nào.

Một lúc lâu sau, vị trí quan trọng mới có người ngồi đến. Tôi kín đáo liếc ra. Là lớp trên, cái thẻ trước ngực ghì lù lù mấy chữ. "Trịnh Minh Vũ-8a1". Vâng, sao đỏ lớp tôi năm nay là một thằng cha lớp 8, chân tay lòng khòng, người dài ngoằng như cái sào. Tóc ba phân, đeo cái đồng hồ mà vừa nhìn tôi đã biết ngay là hàng dởm. Mặt mày tạm coi sáng lạn, cũng hài hòa, mày rậm mũi cao, duy chỉ cái thứ biểu cảm như vừa bị mất ví, nhăn nhăn nhó nhó, làm tôi lập tức liên tưởng đến cái ảnh người tối cổ trong sách giáo khoa lịch sử hồi lớp 6.

Cả một buổi, anh ta cứ thế ngồi yên. Ngẩng rồi lại liếc, liếc rồi lại ghi. Đến sau này, tôi mới biết anh đã ấn tượng với tôi ngay lần đầu tiên, đơn giản, vì tôi chính là cái tên khai sổ của buổi chào cờ đầu năm hôm ấy. Khốn nạn.

Đáng lẽ ra tôi còn mải ngồi soi nếu không vô tình chạm vào cái thứ mềm mềm, ấm ấm, màu trắng cực nổi vừa rơi xuống trên áo mình.

Tôi ngồi ngay cạnh gốc cây, trên đầu xum xuê cành lá, một lũ động vật có cánh thường xuyên bay về làm tổ.

Nói đến đây chắc hiểu rồi. Thứ vật thể lạ ấy, theo ngôn ngữ khoa học là chất thải tự nhiên, theo giang hồ đồn đại là đệ nhất thiên hạ chi ám khí, còn theo thị giác và xúc giác chứng minh rằng...

Nó chính là c*t chim.

Một phút chửi rủa, bắt đầu!

Àu húuuuuu....@#$/&*!

"Mày may đấy, nó rơi vào áo, sát cổ thôi, cọ qua một lúc là sạch. Nhích thêm tí nữa là vào tóc rồi, quả đấy mà trúng thật, về tha hồ mà gỡ con nhé."

Sỹ Hưng sờ sờ đầu tôi, cười đến vô cùng thích thú, môi miệng có bao nhiêu khoe hết cả ra. Tôi suýt chút rống to chửi bậy, cáu kỉnh hất tay thằng bạn có hàm răng như cả đội quân tiên phong anh dũng ra. Răng lợi nào có đẹp đẽ gì cho cam, cái niềng to như cái bát, trời nắng riêng cái cằm không sợ đen bao giờ. Không dưng mà cả lớp tôi cứ quen miệng gọi nó là Sỹ Vẩu. Không chỉ vẩu mà cái miệng thốt ra câu nào cũng chỉ làm người ta trực muốn đánh nhau câu đấy.

Chào cờ xong, tiếp đến đương nhiên là kéo nhau vào nhận lớp. Tiết học đầu tiên, nói trắng ra là chả có gì đặc sắc, học hè gần tháng trời, có gì thay đổi cũng nghe phổ biến hết rồi, vào lớp chỉ có mỗi việc mài mặt ra mà học thôi. Lớp tôi là lớp chọn, một nửa lớp theo lên, nửa còn lại bị đem đi trao đổi với các lớp khác. Thay máu cả cụm. Sĩ số tính ra còn đông hơn đội hình năm ngoái. Gần 50 đứa, thi nhau chen chúc trong cái lớp bé như lỗ mũi. May được cái mát trời, mở cửa sổ ra còn thoáng, chứ nếu không thành xừ nó cái lò quay lợn rồi. Mùa hè ơi, ta yêu mi lắm nhưng thôi chúng ta đành chia hai lối từ đây. Hức hức....

Buổi sáng yên ả trôi qua, bình thường như việc tắc đường thường xuyên trong thành phố Hà Nội. Ăn trưa, gật gù ngủ trưa được hơn tiếng, rồi đến chiều lại học tiếp. Tiết đầu tiết Sinh, năm nay chúng tôi học sang chương mới, chương động vật. Hằng hà sa số các loại con có liên quan đến nhau, có những loài lúc nào cũng ra rả nghe tên, mà có khi cả đời chả giựt nổi cọng lông đuôi của nó. Dù sao cũng hay, năm sau lên Sinh Học 8 còn khối chuyện. Nghe nói có phần cơ thể người, sinh dưỡng, rồi sinh lí cái chi đó. Tự dưng, nghĩ đến ý nghĩa tên gọi của mình, tôi vỗ vỗ vai bảo đứa bạn bàn trên.

"Mày ơi, bây giờ tao nghĩ lại, tao nhận ra tao là hậu duệ loài rồng đấy mày ạ."

Mấy đứa quay lại nhìn tôi. Trên mặt lù lù hiện hai chữ "chảnh chó". Một đứa lật sách, giở đến đúng chương học về lớp giun đốt. Chỉ chỉ cái con vật đen xì trên sách giáo khoa, nó cười nhe nhởn.

"Long là rồng. Gia Long là rồng nhà, trong nhà sẽ có Thổ. Thổ long là rồng đất. Mà rồng dưới đất thì chỉ có thể là giun. Giờ tao mới biết, hóa ra mày không phải tiến hóa từ con vượn. May quá! Quả này tháng sau khỏi lo tìm mẫu vật rồi chúng mày ạ."

"Muahahaaaaa....."

Tiếng cười man rợ.

Tôi nhận ra, mình đã quên xem trước cả quyển sách Sinh.

"Đậu máaaaa...."

"Anh Long, lên bảng trình bày ví dụ về chuỗi thức ăn cho tôi."

Tôi....Khóc một dòng sông....

Và từ ấy, cái tên mĩ miều của tôi đã anh dũng hy sinh bên lề bàn giấy. Thay vào đó, chúng nó gọi tôi với tên của loài vật có đốt, nhờn nhờn, trơn trơn, thường xuyên ngoe nguẩy trên đầu lưỡi câu mà đa phần chả con cá nào thèm đớp.

Cuộc đời, đích thực là một bãi rác khổng lồ.

End chap 1

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro