51

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi tự trấn an bản thân, nhanh chóng đón lấy thanh kiếm gỗ tướng quân ném cho rồi cùng lao ra tấn công. Hiển nhiên, tướng quân nghiêng mình né đường kiếm rồi nhanh thoăn thoắt vung kiếm ra phòng thủ. Hai anh em đánh nhau được vài hiệp thì bắt đầu mệt, cùng nhau ngồi nghỉ bên đống lửa. Đại ca nhìn tôi, thở phì phò rồi nói:

"Kiếm thuật của cậu cũng không tệ đấy chứ. Chẳng mấy chốc là vượt cả ta rồi."

"Tướng quân quá khen thôi, tôi vẫn cần học hỏi nhiều."

Phạm tướng chợt lặng im, đôi mày chau lại, ánh mắt nhìn vào đống lửa như đang suy tư điều gì đó. Lâu sau mới lên tiếng hỏi tôi:

"Hôm nay chúng ta đã giao chiến với giặc, cậu có suy nghĩ gì không?"

"Tướng quân! Quả là hôm nay tôi mới biết được thế nào là vó ngựa Mông Cổ. Giặc mới sang nước ta nên quân sĩ rất hung hăng muốn nhanh chóng lập công, quân giặc lại đông và mạnh như hổ đói. Tuy ngày hôm nay chúng ta khiến chúng không qua được cửa ải và cũng giết được nhiều tên nhưng so với cả hàng vạn quân thì chẳng đáng là bao, trong khi đó quân ta cũng tổn thất nhiều. Nếu cứ đánh giặc dài lâu thì e rằng... " Tôi ngừng lại e ngại nhìn vị tướng quân trẻ tuổi vẫn nhìn tôi lắng nghe. Thấy tôi không nói nữa, Phạm tướng khẽ gật đầu và nói:

"Cậu cứ nói tiếp đi."

"Chỉ e chúng ta sẽ chỉ hy sinh vô ích vì vậy việc trước mắt nên bảo toàn lực lượng để sau này quân sĩ còn có sức đánh." Tôi nói.

"Suy nghĩ của em thật đúng ý ta." Phạm tướng đặt tay lên vai tôi đồng tình. "Nhưng nếu lỡ để giặc tràn vào rồi không thể đuổi chúng đi thì chẳng phải là nước ta sẽ lâm nguy?"

"Tướng quân! Anh yên tâm, nhất định chúng ta sẽ giành được chiến thắng trong nay mai thôi, không những ở lần này mà còn cả lần thứ ba nữa." Tôi quá hào hứng nên vô tình buột miệng, không cần nói cũng biết Phạm tướng nhìn tôi ánh mắt nghi ngờ.

"Sao em dám chắc vậy?"

"À... à... cái đó chỉ là suy đoán thôi. Nước ta có một người tài giỏi như Quốc công tiết chế thống lĩnh thì giặc nào dám không nể sợ, như lần giặc Nguyên vào nước ta lần thứ nhất đó, chẳng phải tên tướng Ngột lương hợp thai phải phát khiếp mà cuốn gói về nước đó sao?"

"Em nói rất đúng. Dân ta tuy ít nhưng có tinh thần yêu nước bao la hơn trời bể, dù bọn giặc có mạnh tới đâu thì cuối cùng chúng bị đánh đuổi thôi."

"Vâng! Sự thật đúng là như vậy mà." Tôi nói.

Chúng tôi còn ngồi đó trò chuyện thêm một lúc nữa thì tôi cảm thấy cơn buồn ngủ đã thực sự kéo đến, tướng quân thấy vậy nên bảo tôi đi nghỉ trước. Tôi cúi chào tướng quân, đứng dậy bước vào lều và thả người xuống chiếu cứng cáp. Đôi mắt bắt đầu trĩu nặng, tâm thức bỏ thế sự trên đời dần chìm sâu vào giấc ngủ êm đềm.

...

Ngày hôm sau, Bolqadar lại đến. Lần này quân đông hơn hôm qua và có phần hiếu chiến hơn, có lẽ do trận chiến đầu tiên đã thất bại nên khiến quân giặc càng như hung hăng muốn nuốt chửng con nai trước mắt. Giặc Nguyên công thành nhiều lần, quân ta vẫn kiên trì cố thủ bảo vệ cổng thành không cho giặc tràn sang. Binh sĩ hai bên chết nhiều chủ yếu là giặc Nguyên, xác chồng lên xác, máu nhuốm đỏ cỏ cây và đất cát, khói lửa mịt mù cả một vùng trời bi thương.

Hôm ấy, giặc đánh đến trưa thì rút. Quân ta tuy tổn thất không nhiều nhưng binh lực cũng đã suy giảm phần nào, nếu cứ tiếp tục đánh thế này chỉ e vài bữa nữa sẽ khó mà bảo toàn. Vấn đề quan trọng vẫn là phải bảo toàn lực lượng theo chỉ dụ của Uất Lâm vương vừa đánh vừa lui không nên liều mạng chống trả.

Buổi chiều lại trở về với công việc của thầy thuốc, tôi chạy tới chạy lui chữa trị cho thương binh. Nhìn đám quân sĩ bị thương nằm la liệt trong trại, máu bê bết, rồi cả những cái xác chất đống ngoài chiến trường tôi không khỏi chạnh lòng. Những con người ấy, những người anh hùng ấy đã hiến dâng cả thời trai trẻ cho Tổ quốc nhưng khi chết đi chỉ còn lại đống gò đất rồi đến vài năm sau thì không ai còn nhớ đến công lao của họ. Tôi thở dài, buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn.

"Sao con người ta cứ phải gây ra chiến tranh khiến bao nhiêu người phải hy sinh, rồi còn những người thân của họ ở nhà thấp thỏm mong ngóng? Đều là cùng loài cả, sống cuộc sống thanh bình không tốt sao?"

"Tất cả là vì lòng ích kỷ của con người. Chính vì dã tâm của vua Nguyên quá lớn, ông ta muốn đất của mình ngày càng mở rộng." Ông Vũ đang ngồi cạnh tôi, nghe vậy liền đáp.

"Vì lòng ích kỷ của một người mà khiến nhiều người khác phải chết, liệu có đáng?" Tôi đưa mắt nhìn xa xăm, nơi có những con người đáng thương phải nằm chất đống dưới nền đất lạnh lẽo. Một cảm giác buồn man mác phủ lấy đôi mắt tôi, và dường như nó ám ảnh cả những người xung quanh cùng tâm trạng.

Xong xuôi mọi việc trong trại cũng là lúc xế chiều, bầu trời nhuốm màu đỏ rực của hoàng hôn hòa lẫn vào màu xám xịt của khói lửa, khung cảnh thật thê lương. Tôi chui ra khỏi lều, vươn vai khiến các đốt xương kêu răng rắc rồi lại tiến về phía lu nước, múc gáo nước mát lạnh rửa mặt cho tỉnh táo. Cuộc chiến này sẽ còn gây ra bao nhiêu tội ác nữa đây?

***

Ấy là ngày hai mươi bảy tháng chạp năm Giáp Thân. Giặc Nguyên tiếp tục công thành lần nữa, quân ta để bảo toàn lực lượng nên theo sự chỉ huy của Phạm tướng lấy tiền quân làm hậu quân vừa đánh giặc vừa lui dần về các cửa sau. Ngày hôm ấy, giặc tràn vào như nước lũ vỡ đê, vó ngựa đi đến đâu là nơi đó trở thành địa ngục, cảnh vật xác xơ hoang tàn. Quân ta chống trả nhưng thủ là chính, vừa đánh vừa lui dần vào rừng núi. Cuộc chiến xảy ra, tiếng hò hét, tiếng la hét, tiếng chửi bới pha lẫn tiếng binh khí va chạm vào nhau tạo thành một cảnh tượng hỗn loạn kinh khủng.

Tay tôi cầm chắc thanh trường kiếm, bám sát vào đoàn quân vừa chạy vừa phòng giặc, tình thế căng như dây đàn. Giặc thấy ta lui binh thì được thế đánh càng nhanh, càng mạnh, càng hăng say đến khi vào rừng địa hình hiểm trở mới khiến tiến quân của giặc chậm lại. Quân ta đi được một đoạn tới nơi an toàn thì điểm lại quân số chỉ thiếu có vài người, có lẽ họ đã tử trận. Tôi chợt thấy đau lòng, tiếc nuối cho họ và đặc biệt cho Thuận. Tôi thầm nhủ, mọi người hãy yên nghỉ Đại Hưng ta tất sẽ giành lại được lãnh thổ chỉ trong nay mai thôi, và lời hứa giúp Thuận nhất định tôi sẽ làm.

Ở quê nhà, hàng ngày nàng Tô Thị vẫn thường dắt theo đứa con trai mới hai tuổi lên núi mà mong ngóng người chồng trở về. Nàng đợi mãi đợi mãi cho đến khi sau một đêm mưa to gió lớn, người dân trong làng sững sờ khi thấy một khối đá hình dáng một người thiếu phụ đang ôm con đứng trên núi, mặt quay về phương nam. Dân gian gọi đấy là hòn Vọng Phu nghĩa là chờ chồng trở về.

Lại nói, sau trận chiến cuối cùng ở cửa Lão Thử ấy thì cũng hay tin các ải Động Bàn, Khả Ly do tướng Tần Sầm và đại liêu ban Đoàn Thai cũng đều thất thủ. Tướng Tần Sầm đã hy sinh trên mặt trận còn Đoàn Thai bị giặc vây bắt, sống chết ra sao thì chưa ai biết. Lòng quân vì thế mà nao núng phần nào. Chúng tôi theo sự chỉ huy của Phạm tướng tiếp tục lui về bám giữ ở tuyến sau, cứ thế dần dần lui về Vạn Kiếp hội tụ với các đoàn quân khác.

Về tới Vạn Kiếp chưa được một canh giờ thì quân của Uất Lâm vương đã đến. Ngài gấp gáp tập hợp các tướng sĩ vào trong trướng để bàn kế đánh, phòng, chấn chỉnh thủy binh, bộ binh, kỵ binh, cắt đặt tướng và chia quân trấn giữ các nơi hiểm yếu, cản đường giặc đổ về Thăng Long. Từ đây chúng tôi đi theo đoàn quân của Uất Lâm vương cùng trở về Thăng Long.

Chẳng mấy chốc, Thoát Thoát dẫn quân từ ải Nội Bàng đánh vào Vạn Kiếp, Uất Lâm vương chỉ đạo quân sĩ lui binh ra sông Thiên Đức. Quân địch cưỡi ngựa đuổi riết theo, đến bờ sông do nước sông dâng cao nên không thể tiếp tục đi được, giặc đành ngậm ngùi đứng nhìn quân ta chạy thoát. Đoàn quân ta theo đường thủy mà rút về Thăng Long sau đó lại cùng hai vua tiến về phủ Thiên Trường lập đồn trại. Tại đây, không ngờ rằng tôi đã gặp được một người, cô em gái sau bấy nhiêu năm xa cách.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro