Chương 10: Du thuyền trên hồ Dâm Đàm (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thụy Bà công chúa nói mùa thu hàng năm, người trong Hoàng gia đều đi du thuyền trên hồ Dâm Đàm vãn cảnh. Có lẽ vì tôi mới chết đuối hụt vừa rồi nên bà muốn dò hỏi ý tứ tôi xem thế nào. Nói thật là mặc dù chết hụt thật nhưng việc cỏn con đó không làm cho tôi thấy sợ nước. So với cả ngày buồn chán trong cung, ra ngoài là tốt lắm rồi.

Người tôi gặp đầu tiên lúc lên thuyền là Thiên Thành công chúa. Cô ấy sau khi chào hỏi Thụy Bà công chúa xong liền quay sang tôi nói:

– Chị có nghe người nói em mới ngã sông. Lúc ấy chị và anh Tuấn về thăm thái ấp ở Vạn Kiếp nên không qua thăm em được. Giờ thấy em thế này là chị mừng rồi

Tôi vui vẻ nói với Thiên Thành công chúa:

– Chỉ là việc nhỏ thôi mà chị, dù sao em cũng bình phục rồi

Vừa lúc ấy Quang Khải và Phụng Dương cũng đi tới. Phụng Dương trông thấy tôi bỗng nhiên hơi lúng túng, chạy ra kéo tay tôi phân trần:

– Từ lúc em khỏe lại, chị bận quá nên cũng không có qua thăm em được. Linh Từ Quốc Mẫu ốm, bên phủ Tướng Quốc chỉ còn mẹ chị chăm lo nên chị phải qua xem giúp.

Mặc dù chỉ mới quen biết Phụng Dương nhưng tôi biết cô ấy là người thông mình lại tốt bụng. Khi chúng tôi đi vi hành, có gì không hiểu không biết, chỉ cần hỏi là cô ấy chỉ dẫn tôi rất thân tình. Vì thế, thấy cô ấy nói vậy, tôi lại cảm thấy áy náy liền vội vàng đáp:

– Chẳng phải em đã khỏe hẳn rồi sao! Nhìn chị trông có khi còn giống người bệnh hơn em ấy. Chị nói thế làm em thấy xấu hổ.

Quả thực Phụng Dương trông gầy hơn trước, lại có phần mệt mỏi. Cô ấy nghe tôi nói thế, cũng không nói gì, chỉ cười cười. Thiên Thành nhìn hai chúng tôi rồi quay sang hỏi Phụng Dương:

– Bệnh tình của Linh Từ Quốc Mẫu sao rồi em?

Thụy Bà công chúa bên cạnh cũng líu ríu hỏi thăm, tôi không biết nói gì nên lánh đi chỗ khác. Đang đứng ngắm nhìn cảnh sông nước thái bình thì thấy Quang Khải đứng bên cạnh. Thì ra anh ấy đi theo tôi ra đây. Từ sau lần đi vi hành, tôi đối với anh ấy cũng không còn đối nghịch như trước. Tôi biết trong lúc tôi còn chưa tỉnh, anh ấy vẫn thường túc trực bên cạnh, nghĩ vậy tôi lại thấy cảm động. Chúng tôi đứng im lặng một lúc thì anh ấy đột nhiên hỏi:

– Sau này em thích làm gì?

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy anh hỏi vậy, bỗng nhiên lại nhớ đến bữa nói chuyện với mẹ hôm trước liền trả lời:

– Cũng không biết nữa, chắc sẽ lấy chồng, sinh con, sống vui vẻ

Anh ấy có vẻ hơi bất ngờ vì câu trả lời của tôi, ngẫm nghĩ một lúc sau lại hỏi:

– Liệu…em có bằng lòng làm thiếp người khác không?

Nghe anh ấy hỏi vậy, tự dưng tôi lại nghĩ đến chàng. Tôi không nói gì, cúi xuống nhìn mặt hồ. Nước sông chảy hiền hòa, yên ả nhưng có ai biết dưới lòng sông ấy có gì. Cuộc sống của tôi bây giờ là vậy nhưng sau này ra sao, cũng đâu ai biết trước được. Không hiểu sao tôi tự nhiên ngậm ngùi nói với Quang Khải:

– Thực ra chính thất với thê thiếp thì có gì khác nhau. Chẳng phải đều chung một người đàn ông hay sao. Người nào có được trái tim của người đàn ông ấy mới là điều quan trọng. Nếu người ấy yêu em, cho dù làm thê thiếp em cũng cam lòng.

Quang Khải thần người ra một lúc rồi lại hỏi:

– Nhưng…Em vốn là một công chúa. Từ xưa đến nay, có công chúa nào lại bị gả làm thê thiếp đâu!

Chẳng hiểu sao, giây phút ấy tôi lại nghĩ đến mẹ. Tôi nghĩ bà cũng là một công chúa, sau này còn được lập làm hoàng hậu nữa. Nhưng cuối cùng thì sao? Chẳng phải bà ấy đã bị phế truất, lưu lạc bên ngoài 20 năm ư. Tôi nghĩ đến ánh mắt tang thương của bà, cổ họng dường như đắng chat, bỗng lớn tiếng nói:

– Anh nói xem. Chẳng phải mẹ em cũng là công chúa hay sao! Bà ấy còn được lập làm hoàng hậu cơ đấy

Quang Khải tái mặt, nhìn trước nhìn sau một lúc rồi quay lại dặn dò tôi:

– Những chuyện như thế, sau này em đừng nói cho ai khác. Có chuyện gì không vui, cứ nói với anh là được rồi.

Tôi trầm mặc không nói gì. Dĩ nhiên là tôi biết những chuyện như vậy không thể nói ra, nhất là đương lúc có Thái Thượng Hoàng ở đây. Chỉ là trong phút bốc đồng, tôi lại bạo gan nói vậy. Một cơn gió nhẹ thổi qua, hương hoa nhài thơm thoang thoảng – mùi hương này trong lúc tôi còn mê man vẫn thường ngửi thấy. Tôi nghĩ đến câu “Có chuyện gì không vui, cứ nói với anh là được rồi.” mà thấy sống mũi cay cay…

Chợt có tiếng người lao xao, tôi quay lại thì thấy chàng và Thiên Cảm phu nhân đang từ trong lầu bước ra. Một tay chàng đỡ lấy eo cô ấy, tay kia thì nắm lấy bàn tay, dáng vẻ trông rất yêu chiều. Thiên Cảm phu nhân thì trông còn chói lóa hơn. Cô ấy mang một chiếc áo lụa màu vàng nhạt, thêu kim tuyến phản chiếu lấp lánh. Long thai đã được 6 tháng trông cũng khá lớn. Các vương, hầu và đám quan lại vây xung quanh mà cô ấy vẫn rạng rỡ, không có vẻ gì là mệt mỏi cả. Ánh mắt chàng đột nhiên nhìn về phía tôi, tôi vội quay đi rồi bước về phía bên kia thuyền. Quang Khải thấy thế, ơ một tiếng nhưng chưa kịp nói gì thì hoàng tử Quốc Khang đã tới ôm vai bá cổ rồi kéo về phía đông người.

Có vẻ như mọi người tập trung hết ở đầu thuyền bên kia nên đầu thuyền bên này chỉ lác đác vài người. Trong lúc tôi ngồi uống trà thì một thiếu niên cũng trạc tuổi tôi bước tới hỏi thăm:

– Ứng Thụy công chúa phải không? Nghe nói cô bị cảm nặng, không biết đã khỏe lại chưa?

Tôi nhìn người này trông mặt mũi tuấn tú, lại quen mắt nhưng đang không nhớ là ai thì người ấy nhắc:

– Tôi là Văn Nhân Vương Trần Quốc Huy

Tôi “a” lên một tiếng. Thì ra đây là em trai của Thiên Cảm Phu Nhân, người đã nhìn tôi trong buổi yến tiệc lần trước. Tôi quan sát thiếu niên đứng trước mặt mình. Đôi mắt trong vắt, làn da lại hơi trắng nên trông còn khá trẻ con. Thấy tôi nhìn chăm chú, cậu ấy hơi đỏ mặt rồi húng hắng nói:

– Tôi rất hay qua thăm chị Thiên Cảm. Chỗ đấy hình như cũng gần chỗ Thụy Bà công chúa. Thỉnh thoảng tôi tới thăm cô nhé?

Tôi không hứng thú với thiếu niên này lắm. Cũng có thể một phần là vì cậu ấy là em trai Thiên Cảm phu nhân – người thương của chàng. Một phần nữa cũng là tôi bỗng thấy mệt mỏi, trong lòng không còn chỗ cho người khác nữa. Tôi đưa tách trà lên uống rồi nói “trà thơm quá.”

Thuyền dừng lại điện Hàm Nguyên (2) để mọi người xuống xem đua thuyền. Tiếng trống vang lên từng hồi mạnh mẽ. Tiếng người hò reo ầm ĩ cổ vũ náo nhiệt. Tôi ngồi một chỗ khuất, không ai thấy, chẳng ai hay, nhìn về phía chàng. Tôi thấy chàng có vẻ không được tập trung coi đua thuyền, mắt chàng như đang tìm kiếm thứ gì đó. Đúng lúc ấy, tôi thấy chàng nhìn về phía tôi. Đôi mắt ấy dừng lại về phía này thật lâu, chân mày hơi nhíu lại. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã chọn góc khuất nhất nên đã không bị chàng nhìn thấy.

____________________

(1) Hồ Dâm Đàm (hồ mù sương): tức Hồ Tây.

(2) Điện Hàm Nguyên: tức chùa Trấn Quốc ngày nay – dùng làm nơi hóng mát, xem đua thuyền, đánh cá thời Trần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro