Ngoại truyện 5: [Ứng Thụy] Mười tám năm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi tôi lấy Quang Khải, anh sợ tôi lo nghĩ nhiều nên mang tôi đi du ngoạn sơn thủy, mãi đến khi được tin thái sư qua đời (1), chúng tôi mới trở về dự tang lễ. Lúc trông thấy chàng, tôi ngại ngần gọi khẽ "quan gia", chàng nhìn tôi, thừ người ra một lúc rồi nhắm mắt lại.

Năm sau, Quang Khải được phong làm Thượng Tướng, vào trấn thủ Nghệ An (2). Cả phủ liền đi theo chàng. Hôm rời kinh thành, quan gia có tới. Chàng nhìn chúng tôi lên xe, mắt đau đáu nhìn theo. Phụng Dương ngồi trong xe thở dài nói:

– Hai anh em chàng thật là...Đã biết đau lòng như vậy sao còn cử chàng vào tận trong đấy làm gì. Chẳng phải xưa nay vẫn như tay với chân hay sao?

– Nghệ An là một trấn quan trọng

– Quan trọng thì quan trọng. Triều đình thiếu gì người

Tôi không nói gì, vén màn nhìn ra ngoài, vẫn thấy chàng lẻ loi đứng đó một mình

Sáu năm sau

Quang Khải được gọi trở lại kinh thành, phong làm Tướng Quốc thái úy (3). Ngày chúng tôi về lại kinh thành, cảnh sắc cũng không có thay đổi mấy, có chăng thì có vẻ trù phú hơn mà thôi. Sáu năm rồi còn gì, ngay cả tôi cũng đẫy đà hơn trước – đợt sinh nở vừa rồi đúng là đã tẩm bổ kỹ quá rồi.

Tôi đến thăm mẹ. Bà nhìn thấy tôi thì mừng rỡ mắng:

– Con bé này, lấy chồng thôi mà đi liền 1 lúc sáu bảy năm mới về

Sau đó thì quay sang nhìn Quỳnh Bảo nựng:

– Bây giờ bà cháu tôi mới được gặp nhau thế này đây

Quỳnh Bảo đã được gần hai tuổi rồi. Quang Khải khá là cưng chiều nó, con bé biết nên hay quấy. Anh ấy những lúc đấy lại bảo con bé giống hệt tôi, từ mặt mũi đến tính cách. Tôi thì không thấy thế. Mặt mũi thì giống tôi thật nhưng cái tính hay ăn vạ đấy chẳng phải giống anh ấy là gì.

Từ lúc về lại kinh thành, có yến tiệc gì tôi thường hay tránh, lấy cớ bận con nhỏ. Dù sao có Phụng Dương đi cùng với Quang Khải là được rồi. Thiên Thành cũng hay qua thăm tôi rồi rủ tôi cùng tới thăm Thụy Bà công chúa. Thụy Bà công chúa thì vẫn vậy, bà vẫn hay trách tôi ở kinh thành rồi mà chẳng mấy khi ló mặt ra ngoài. Lần nào nghe tôi cũng gật đầu vâng dạ, nhưng lần sau vẫn thế. Thụy Bà công chúa nói nhiều đâm chán, cũng không nói nữa.

Sáu năm tiếp...

Thái Thượng Hoàng ốm nặng, mấy ngày nay Quang Khải phải vào cung túc trực. Vừa lo việc nhà vừa lo việc nước nên anh ấy trông gầy rộc hẳn đi. Lúc ôm tôi ngủ, anh ấy bảo tôi:

– Mai em và con cùng anh vào cung gặp cha, chỉ sợ không còn mấy dịp nữa

Tôi nép vào ngực anh ấy, một lúc đã thấy anh chìm vào giấc ngủ. Anh ấy thở ra đều đều, nhè nhẹ nhưng tôi lại không ngủ được.

Sáng hôm sau, Quang Khải đưa tôi và Quỳnh Bảo vào cung. Phụng Dương và các vương mấy hôm trước đã vào nên hôm nay ở nhà, tránh Thái Thượng Hoàng gặp nhiều người sẽ mệt.

Chúng tôi vào Bắc Cung thì quan gia đã ở đó. Chàng không nhìn tôi mà lại nhìn Quỳnh Bảo, khuôn mặt ưu tư mệt mỏi đẵ bắt đầu có dấu thời gian, duy chỉ có đôi mắt vẫn còn tinh anh như trước. Quang Khải bảo Quỳnh Bảo hành lễ với chàng, chàng ra hiệu không cần làm thế rồi ôm con bé vào lòng, vuốt ve tóc nó.

– Anh xem, con bé giống hệt mẹ nó

Quang Khải vừa nói lại quay sang nhìn tôi, khẽ nhíu mày:

– Sao chưa gì mắt đã đỏ hoe thế này? Nhìn em thế này cha sẽ không vui đâu

Có tiếng ho phía sau tấm màn, anh ấy liền không để ý tôi nữa, chạy vào trong. Quan gia cũng theo vào, trước khi đi có quay sang nhìn tôi một cái. Tôi dắt Quỳnh Bảo lại gần, tiếng bệ hạ yếu ớt vọng ra:

– Ta không sao. Ứng Thụy đến rồi hả?

Tôi nghe người gọi liền bước vào. Bệ hạ tóc đã bạc hết rồi, khuôn mặt vì bệnh tật và thời gian cũng bắt đầu trở nên già cỗi. Tôi gọi người một tiếng "bệ hạ", người lại nhìn tôi, lệ từ trong hốc mắt ứa ra

– Vốn dĩ là không giống

Quan gia và Quang Khải đều nhìn tôi ra vẻ khó hiểu. Tôi cũng không hiểu, chỉ đến lúc người nói với tôi:

– Bảo với bà ấy...kiếp sau... ta... xin được... cùng làm... một đôi vợ chồng...bình thường

Lúc đấy tôi mới hiểu người đã tưởng tôi giống ai.

Thái Thượng Hoàng băng hà (4) ngay sau đó, người chỉ dụ đặt tên lăng mộ người là Chiêu lăng. Có người đoán "Chiêu" này trong chữ "chiêu ấn" nghĩa là nơi của người sống ẩn dật. Cũng có người đoán là "chiêu mộ" nói lên mong muốn đất nước biết trọng người tài. Riêng tôi, tôi cứ nghĩ chữ Chiêu này nhất định đã lấy từ trong tên Lý Chiêu Hoàng.

Mẹ ốm nặng. Lúc tôi sang thăm thì bà đã nằm liệt giường, Bình Trọng đang ở bên cạnh trông bà. Thấy tôi tới, cậu ấy để tôi lại với bà một mình. Tôi thấy bà mắt nhắm lại, tưởng bà đã ngủ, liền kéo chăn đắp lại cho bà. Mắt bà từ từ mở ra, bên trong đã tràn nước. Bà ấy bảo:

– Vậy là ông ấy đã đi rồi

Tôi biết bà đang nói ai, lại nhớ lời bệ hạ nói trong lúc lâm chung, còn đang phân vân không biết có nên nói lại vời bà không thì bà đã nói:

– Lúc ông ấy phế ta xuống làm công chúa, ông ấy bảo ta "Chiêu Thánh, kiếp này ta đành phụ nàng, kiếp sau nhất định sẽ bù đắp cho nàng." Lúc đấy, ta vẫn còn hy vọng rằng ông ấy yêu thương mình, cố gắng sống lay lắt chờ đến lúc được cùng ông ấy xuống suối vàng đầu thai vào cùng một kiếp, tiếp tục đoạn nhân duyên đang đứt đoạn. Nào ngờ, chưa đợi được đến lúc ấy thì ông ấy đã cắt luôn cái hy vọng đấy của ta. Có lẽ ông ấy đã sớm quên rồi...

Tôi lau nước mắt cho bà rồi mới nói:

– Bệ hạ trước lúc lâm chung có nhờ con chuyển lời đến mẹ. Người nói kiếp sau xin được làm một đôi vợ chồng bình thường

Tôi nói tới đây nước mắt cũng giọt ngắn giọt dài. Mẹ nhìn tôi thẫn thờ một lúc rồi nhắm mắt lại. Bà còn nói một câu:

– Thì ra ông ấy vẫn nhớ

Gần một năm sau thì bà cũng mất (5).

Tôi đứng trước mộ bà thầm mong thực sự là có kiếp sau để bà và bệ hạ có thể kết duyên thành một đôi vợ chồng bình thường mà sống vui vẻ. Tôi nghĩ về câu nói "thì ra ông ấy vẫn nhớ" của bà. Bà yêu rồi hận ông ấy phải chăng cũng chỉ vì mong ông ấy vẫn nhớ đến tình cảm giữa hai người? Suốt mấy chục năm trời, bà khư khư ôm nỗi hận đó, hận ông ấy đã quên tình xưa hay hận bản thân mình vẫn còn yêu ông ấy? Dù là gì đi nữa thì bà cũng đã hận nhầm rồi. Tất cả đã trở về với vô thường rồi.

Tôi nghĩ về tình cảm của tôi và chàng năm nào. Yêu hay không yêu cũng không còn quan trọng nữa rồi, dù sao chúng tôi cũng không thể quay ngược lại thời gian để mà làm lại từ đầu. Tôi không muốn đến lúc mắt nhắm tay buông vẫn còn vọng hỏi liệu chàng có yêu tôi không. Chẳng thà cứ tin rằng chàng đã từng yêu mình để mà sống vui vẻ hạnh phúc.

Phụng Dương, cô ấy chẳng phải cũng yêu Quang Khải đấy ư? Nhưng cô ấy vẫn đành lòng để Quang Khải lấy tôi đấy sao. Thiên Cảm, cô ấy biết đâu cũng yêu chàng mà không màng tới địa vị hoàng hậu. Còn tôi, tôi với Quang Khải không phải là yêu thì là gì? Không phải là yêu thì sao khi anh ấy lo thì tôi đau, khi anh ấy ốm thì tôi lại không ngủ được. Không phải là yêu thì sao khi nhìn thấy Quỳnh Bảo là tôi lại nhớ tới anh ấy, khi trông thấy con cười là tôi lại nghĩ "đúng là bố nào con nấy." Chẳng thể nói ai yêu nhiều hơn ai. Cũng chẳng thể nói tình yêu của người này là tốt, của người kia là xấu. Yêu là yêu. Không yêu thì còn kỷ niệm. Đời người vẫn còn dài mà tôi thì vẫn nhớ rằng mình đã từng mong muốn sau này lấy chồng, sinh con, sống vui vẻ...

Trong cung mở tiệc mừng hoàng thái tử Khâm lên ngôi (6). Lần này thì tôi đi. Phụng Dương biết tin tôi đi thì nói:

– Bây giờ mới nghĩ thông sao? Em đấy, bao nhiêu năm rồi cứ như ở ẩn. Người trong cung không biết có khi còn nghĩ là chị ức hiếp em

– Thì không phải hôm nay sẽ đi sao. Quỳnh Bảo còn nhỏ, lại nghịch ngợm. Là em sợ vào cung con lại gây chuyện chứ đâu phải em e ngại gì

Lúc chúng tôi vào điện Bát Giác, Quỳnh Bảo nhìn cung điện nguy nga chưa gì đã định chạy ra nghịch. Tôi vội giữ con lại, vờ nghiêm mặt:

– Con mà hư, mẹ sẽ phạt sau này không dẫn đi đâu hết

– Vậy thì con sẽ đi với bố

– Bố cũng sẽ không cho con đi

Con bé nghe tôi nói thế kéo kéo tay Quang Khải:

– Bố vẫn cho con đi cùng, bố nhỉ?

Thấy tôi lườm, Quang Khải vờ nhăn nhó:

– Bố sợ lắm, con mà hư, có khi mẹ cũng phạt luôn cả bố đấy

Con bé thấy thế, miệng bỗng cười tươi như hoa, chạy ra thơm lên má tôi một cái:

– Con yêu nhất là mẹ. Bố hư lắm, mẹ cứ phạt bố đi mẹ ạ

Tôi thấy con bé nịnh mình, nhịn không được liền cười phì một cái. Quang Khải liền ngồi xuống cạnh tôi, chìa cái má ra bảo tôi:

– Cho em phạt anh này

Tôi nhìn thấy hai bố con như vậy, cười không được mà khóc cũng chẳng xong. Thật đúng là biết làm hư lẫn nhau mà. Chỉ là trong lòng có chút bình yên và ấm áp.

_________________

(1) Trần Thủ Độ qua đời năm 1264

(2) Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải được phong làm Thượng Tướng, vào trấn thủ Nghệ An năm 1265

(3) Năm 1271: Trần Quang Khải được phong làm Tướng Quốc thái úy, là đại thần đầu triều, nắm giữ việc nước

(4) Vua Trần Thái Tông mất năm 1277

(5) Lý Chiêu Hoàng mất năm 1278

(6) Vua Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con là hoàng thái tử Trần Khâm (tức vua Trần Nhân Tông), còn mình xưng là Thái Thượng Hoàng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro