Gác nhỏ 47: Sống không biết nhục! Lý thuyết mặt dày!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


SỐNG KHÔNG BIẾT NHỤC!

Trong buổi lễ kết nạp thành viên và ra mắt câu lạc bộ Chuyên Marketing của Trường Đại Học Công Nghiệp, một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho mình rằng cái tôi cá nhân có quan trọng hay không? Mình không trả lời câu hỏi đó mà nói với 200 bạn sinh viên có mặt ở hội trường là ai tự thấy cái tôi cá nhân là quan trọng thì giơ tay lên.

Có khoảng hơn 90% các bạn sinh viên đã giơ tay lên đầy hứng khởi.

Thực ra đây là một câu hỏi rất dễ trả lời. Vì nếu cái tôi cá nhân không quan trọng thì còn gì quan trọng nữa bây giờ? Không ai muốn trở thành bản sao của bất cứ một người nào khác. Chúng ta chỉ có thể nỗ lực trở thành chính bản thân mình, hoặc trở thành... không ai cả!

Nếu nghĩ theo chiều ngược lại, rằng cái tôi cá nhân của mình là quan trọng thì cái tôi cá nhân của người khác cũng quan trọng không kém. Vì thế chúng ta phải biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt khi làm việc nhóm. Tại vì ý thứ 2 của câu hỏi là làm sao để dung hòa giữa cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể?

Theo mình, sẽ không có sự khác biệt quá lớn về cái tôi cá nhân và cái tôi tập thể. Vì nếu một tập thể nào đó có định hướng, sứ mệnh, mục tiêu... khác xa lý tưởng sống của bạn thì tại sao bạn lại phải tham gia vào đó để bây giờ vật vã trong đau khổ vì không thể chấp nhận nổi nhau? Có lẽ những câu hỏi kiểu như thế này chỉ xảy ra ở những bạn đã có lựa chọn sai xuất phát từ việc thiếu thông tin về hội nhóm mà chỉ đăng ký cho vui, đăng ký theo phong trào hoặc giả là do chính cá nhân bạn chẳng hiểu nổi bản thân, rằng mình đang sống vì cái gì và đâu là mục tiêu quan trọng của cuộc đời.

Một bạn khác hỏi anh tham gia facebook để làm gì?

Mình trả lời ngay, mình tham gia facebook vì lý do ĐƯỢC NÓI. Hàng ngày chúng ta vẫn đang thao thao bất tuyệt ở đủ mọi nơi, nhưng thực ra đó không phải là nơi chúng ta được nói. Vì đó không phải là diễn đàn của chính chúng ta.

Ở tại gia đình, chúng ta thường đưa ý kiến trong diễn đàn của cha mẹ và thường sẽ phải chịu sự áp đặt theo truyền thống Á Đông. Sẽ thật hạnh phúc nếu như trong một gia đình mà con cái được tự do bày tỏ quan điểm của chính mình, nhưng số lượng đó có vẻ không nhiều. Ra ngoài xã hội chúng ta phải nói trong diễn đàn của những kẻ lắm tiền, khác biệt về tư duy suy nghĩ và ít khi chịu lắng nghe. Đi vào công sở chúng ta lại phải nói trong diễn đàn của sếp nhỏ, sếp lớn và sếp tổng.

Vậy thì tại sao không bày tỏ quan điểm ở trên facebook, blog hay nhật ký cá nhân truyền thống? Đó là nơi chúng ta được nói. Đó là diễn đàn của chính chúng ta. Càng có nhiều kinh nghiệm sống và trải nghiệm, các bạn sẽ càng nhận ra một điều rất đau khổ rằng tôi muốn nói, tại sao không ai cho tôi được nói? Vậy thì hãy thoải mái nói đi.

Và để làm được điều đó, chúng ta cần dũng cảm.

Rất nhiều bậc đàn anh, cha chú nói với bạn rằng hãy dũng cảm, hãy dấn thân và hết lòng thực hiện lý tưởng sống của chính mình. Rất nhiều diễn giả, nhiều cuốn sách, nhiều chương trình huấn luyện kỹ năng mềm cũng nói với bạn y chang như vậy. Hãy dũng cảm để thành công. Nhưng làm sao để dũng cảm bây giờ? Làm sao để vượt qua được những rào chắn trong suy nghĩ của bản thân? Mình thì nói với các bạn sinh viên một cách trần tục hơn, rằng các bạn muốn thành công thì phải tập cách sống và làm việc KHÔNG BIẾT NHỤC.

Bạn không thể cất lời ở giữa đám đông để nói lên những điều suy nghĩ vì bạn sợ nếu sai thì mọi người chê cười và mang nhục. Bạn không dám đưa ý tưởng lên cho sếp duyệt vì sợ không khả thi thì mang nhục. Bạn cứ ngồi một chỗ chờ một công việc như ý trong một công ty bự bự từ trên trời rớt xuống chứ không sẵn sàng làm những việc "level thấp" ở các công ty nhỏ nhỏ vì sợ nhục...

Khoảng năm học lớp 7 hay lớp 8, có một lần (như nhiều lần khác), sau khi lấy hết can đảm vẫn chẳng dám giơ tay lên bảng chữa bài thì tôi đã để mất cơ hội vào tay một người "dũng cảm" hơn. Thật đáng tiếc là bạn đó làm sai, sai một cách rất ngô nghê và căn bản. Kết quả là cả lớp cười rần rần và bạn đó đi về trong sự "xấu hổ và ê chề nhục nhã". Đến cuối giờ học ngày hôm đó, tôi rủ bạn đi đá cầu nhưng bạn nhất quyết không chịu và nói chỉ muốn ngồi một mình vì đang xấu hổ. Tôi ngớ người ra hỏi mày xấu hổ chuyện gì? Và phải mất một lúc sau tôi mới nhớ ra rằng hồi đầu giờ bạn đã làm sai, và đã mang nhục trong một khoảng thời gian... cực ngắn!

Từ đó, tôi chợt nhận ra một điều rằng thực ra nhục không có gì đáng sợ. Vì mỗi người chúng ta đều có quá nhiều việc quan trọng phải bận tâm, hơn là dành ra cả ngày cả tháng cả đời để đi khinh thường người khác. Nói chúng, chúng ta đắm chìm trong những nỗi nhục do chúng ta tưởng tượng ra nhiều hơn là những lời xì xào mà thiên hạ có thể nói về chính chúng ta.

Để thành công cần biết nắm bắt nhiều cơ hội, dựa trên nền tảng của lòng dũng cảm. Và lòng dũng cảm được cụ thể hóa thành một thứ rất đời thường vô cùng dễ hiểu, là không biết nhục.


1.
Mình có một tật xấu là ham hố bon chen. Có lần mình tâm sự với một cô giáo (chị gái của anh Quang Mai Duy) thế này: em công nhận chị hay, sống được với nghề giao viên an phận êm đềm. Em mà như thế là em không sống nổi. Em thích cái gì nó phải bon chen khúc khuỷu một chút, giành giật đố kị một chút, phải dẫm đạp lên nhau một chút. Như vậy nó mới vui!

Xuất hiện ở nơi nào mình cũng muốn phải nổi bật. Phải để cho người ta nhớ. Mà muốn nổi bật thì mặt phải dày, phải biết làm trò và không sợ nhục! Vô lớp học tiếng Anh, khi cô giáo hỏi "bạn tên gì, bạn làm nghề gì?", cả lớp cứ quanh đi quẩn lại với I am a student, I am a doctor, I am a florist... đầy nhám chán. Khi đến lượt, mình tỉnh queo đứng lên tuyên bố:

- I am a housewife
- Oh my god... You... you are not a housewife. You know housewife?
- Yes, I am.

Và lúc này cả lớp đổ dồn về phía mình để dòm như dòm sinh vật lạ. Có bạn còn cười khúc khích đầy khinh bỉ vì tưởng mình bị ngu. Lúc này mình mới nhăn răng ra đính chính "I am joking. Of course, I am not. I am a blogger". Cô giáo lặp lại và nhấn mạnh "Yeah. This is Mr Long. He is not a housewife. HE-IS-A-FUNNY-BLOGGER". Và chỉ cần chưa đầy 10 phút, cả lớp đã nhớ mặt đặt tên và nghề nghiệp của mình. Mình "nổi tiếng" trong cái cộng đồng nhỏ nhỏ đó tới mức đi Hà Nội 1 tuần về thôi cả lớp để xúm lại kể chuyện cô giáo hỏi thăm mình mỗi buổi học rằng "Mr funny blogger" của cả lớp đâu rồi?

2.
Mình làm ăn chung với bạn kia, nửa chữa tiếng Anh bẻ làm đôi không biết (thực ra nói thì hơi lố, chứ bạn í cũng biết chút đỉnh kiểu I, he, she, it, hello, goodbye...) nhưng rất tự tin và cũng thuộc dạng mặt dày.

Có đợt cả đám kéo nhau qua Thái Lan đổi gió. Mình được tin tưởng là đứa "giỏi tiếng Anh" nhất được giao nhiệm vụ làm thông dịch. Đi tới hàng bán nước quýt ở ven đường, mình quyết định mua 4 chai nước quýt nên dừng lại nói "I want to buy four..." rồi đứng ngậm tăm nghĩ mãi không ra từ nào là "nước quýt". Lúc này bạn Tự Tin kia ở phía sau vừa đi tới hùng hổ hét vào mặt bà bán hàng "Cho mua 4 chai nước quýt" và giơ lên 4 ngón tay. Ngay lập tức bà bán hàng xuất ngay 4 chai nước quýt! Không phải suy nghĩ, không phải lằng nhằng.

Tới hồi lên taxi, trong khi mình đang nhã nhặn "Can you speak English" thì bạn Tự Tin ở băng sau chồm lên phía trước "Paragon, paragon. How money?" rồi sau đó bạn Tự Tin và bạn taxi múa may quay cuồng trả giá với nhau theo một ngôn ngữ nào đó mà mình không thể nào hiểu nổi!

Tới hồi dừng đèn xanh đỏ có em Thái Lan ăn mặc rất sexy khêu gợi ngọt nước, bạn Tự Tin lại chồm lên vỗ vai bạn tài xế, chỉ ra ngoài đường và nói: "eh taxi, sexy sexy" rồi giơ ngón tay cái ra điều like-it. Bạn taxi cũng đáp:

- Yes, sexy girl. You want?
- Yes,sexy girl. How money? không đi paragon nữa, go to sexy girl trước OK.
- You pay OK
- OK chuyện nhỏ. I go sexy. I like. OK.
- Yes, what do you want now?
- He (chỉ vào mình) Silom now. I and you go to sexy girl. OK. Nghỉ chơi Paragon stop OK?
- OK, OK
- Phái chết mẹ OK hoài, ha ha

3.
Chính vì khả năng tiếng Anh "siêu việt" của bạn Tự Tin đó nên mình không hề bất ngờ khi bạn í đòi đi tham dự liên hoan phim quốc tế Hồng Kông một mình (lẽ ra phải có mình đi cùng nhưng mình có công chuyện đột xuất không đi được nên kêu bạn đó ở nhà nhưng bạn Tự Tin không chịu). Mình chỉ không biết bằng một phương cách thần kỳ nào đó, bạn í có thể phi qua tới bên đó, đường hoàng tham dự, ký hợp đồng mua 8 bộ phim, chụp hình với người nổi tiếng và lên trang nhất một tạp chí film ảnh Quốc Tế?

Bạn đó kể lại với mình vào hội chợ bạn được phát 1 cái thẻ có in chữ Khách tham dự hội chợ và tên công ty. Bạn cứ đi vào từng gian hàng và giơ cái thẻ lên luôn miệng nói "Vietnam, Vietnam, coi film, coi film". Thế là người ta cho bạn í coi film. Tới hồi film nào thấy ưng cái bụng thì bạn í làm động tác ký tên và nói "ký hợp đồng, ký hợp đồng". Tới chỗ cần điền thông tin công ty thì bạn đưa cardvisit cho đối tác coi. Báo hại có bữa đang ngồi cafe có một em HongKong ỏn ẻn gọi điện cho mình nhờ hỏi... tên giao dịch của công ty bằng tiếng Anh để viết hợp đồng khiến mình xém xỉu.

Tới sự kiện thảm đỏ, bạn í thấy một gái đứng chụp hình mà chẳng biết là ai nên gọi phone về Vietnam cho mình hỏi "có con nhỏ kia cũng già già mà nó ngon lắm mèo, thấy tụi nhà báo chụp ảnh nó quá trời, anh chụp hình với nó có PR được không mèo?", mình bảo "trời ơi, cái đó là chụp hình thảm đỏ, ai người ta cho anh chụp". Nhưng rồi bạn í vẫn tự nhiên len vô khều khều gái đó kêu "chụp chụp" và thế là có hình đứng chụp với Ôn Bích Hà. Rồi được nhà báo "phỏng vấn" rồi cho lên trang nhất một tạp chí chuyên về phim ảnh. Còn làm sao để bạn í có thể trả lời thì mình đoán là "body language" + cardvisit thôi, vô cùng đơn giản.

4.
Có lần mình và bạn đó tháp tùng Bộ trưởng đi làm từ thiện ở vùng rừng sâu biên giới. Bộ trưởng chạy trước bằng xe bảng xanh 80 nên đi lẹ lắm. Mình và bạn này ngồi xe bảng bình thường nên chạy theo sau muốn hộc xì dầu. Một hồi gần tới nơi, đi vào vùng rừng thiêng nước độc thì mất dấu. Mà khổ nỗi chẳng ai dám gọi Bộ trưởng để hỏi vì sợ quê, và sợ làm phiền quan chức. Thế là bạn í xúi tài xế đánh xe thẳng vô cửa một doanh trại quân đội rồi thò đầu ra hỏi "anh anh cho hỏi cái lễ gì đó ở chỗ nào, quên rồi".

Ông lính ngớ người ra không hiểu rồi hỏi lại "nhưng mà anh muốn hỏi cái gì?"

"Trời ơi cái lễ đó đó. Mèo mèo cái lễ gì anh quên mất tiêu rồi mèo?"

"Em cũng đâu có nhớ, Lễ của Ban gì đó thôi anh gọi hỏi cô cho rõ đi chứ hỏi thăm kiểu này ai người ta nhớ?"

Nhưng bạn Tự Tin đó vẫn một mực "Trời ơi, cái lễ đó đó, không nhớ tên bực mình muốn chết mà hỏi còn không biết. Anh anh, cái lễ đó ở đâu anh, chỉ đại đi (!), lẹ lên đi trễ giờ rồi (?). Cái lễ đó mà không biết xạo hoài". Và rốt cuộc, anh lính kia... cũng chỉ. Và xe của mình theo lời chỉ cũng tới đúng được địa điểm "cái lễ đó" rất kịp giờ!

***

Thực ra, như chính các bạn có comment trong bài viết trước. Chữ "nhục" ở đây là mình thậm xưng lên như một cách để gây chú ý. Tất nhiên, khi làm những việc, những hành động như ở 4 câu chuyện vui vui nhỏ nhỏ này, chúng ta chẳng có gì phải nhục. Mà cảm giác được gọi cho đúng tên là "xấu hổ" hay "mắc cỡ".

Viết ra 2 chữ đó thì đơn giản lắm, nhưng vượt qua được cảm giác đó thì không hề đơn giản. Không phải ai cũng sẵn sàng đối mặt, dám làm và làm cho được. Nhưng chỉ cần hạ cái tôi của mình thấp xuống, đừng có sợ sai, đừng có sợ người khác chê cười mình dốt hay mình kém thì chúng ta có thể "nhắm mắt làm bừa". Sự chê cười của thiên hạ - nếu có, là những gì rất ảo. Nhưng nếu chấp nhận đối mặt với sự chê cười đó để hành động thì cơ hội và thành công chúng ta thu được là rất thật. Vậy sợ gì không thử một lần chịu nhục?

- Nguyễn Ngọc Long

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kws