II.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rồi đấy, cho được xứng ngang với tấm lòng thành khẩn của lão, tôi quyết chí sẽ dệt may tặng lão một cái áo thụng hẳn hoi.

Lão nhận lấy mà tay có hơi run, ngón cứ miết mãi trên vành cổ không biết chán.

"Không phải là áo lên lão đấy chứ...?" cuối cùng lão trầm giọng hỏi một cách nghi ngờ.

Tôi dĩ nhiên phấn khích đáp liền không ạ.

"Là áo thọ cơ!"

Tôi tiếc ghê lắm vì bản thân chẳng thể nhìn được rõ mặt để đọc đoán tâm tình người ta, nếu không hẳn sẽ thấy được vẻ vui sướng mãn nguyện của lão lúc này. Không dưng có đứa cháu con ngoài dòng hiếu kính mà chẳng cần lấy vợ đẻ con chi cả, sướng là phải rồi.

Tôi cho là thế đấy, cũng bởi lúc sau lão chả chăm mặc cái áo ấy là gì.

Tự nhiên cảm thấy hoá ra bản thân cũng thành ưu việt trong lòng ông bác này ra phết, mồm tôi thế là cứ tênh hênh ngoác cười.

Nhưng cũng cười được đến cái ngày mùng bảy tháng bảy năm ấy mà thôi.

Lão già chết giẫm thế mà lại mặc cái áo thọ tôi may đi tỏ tình với gái tơ mới khốn!

Lúc đến trường đưa đồ cho anh Cả, tôi còn nghĩ mình nhìn nhầm cơ. Có khi tháng cô hồn bị ma xúm vào che mù mắt thật.

Nhưng không. Cái khung cảnh hoa rơi lất phất, quân tử chắp tay mỹ nhân e lệ thẹn thùng kia... tôi lẫn vào đâu cho được? Tôi không nhìn được mặt thôi, chữ đầy bụng ra đây nhé!

Tôi chưa kịp làm sao, anh Cả bên cạnh đã ném luôn nguyên rổ trứng rồi ào ào bỏ đi. Tôi há hốc nhìn theo mà chẳng biết nói gì, cũng không có tâm trí mà đuổi theo hỏi han vặn vẹo.

Chiều mưa cô hồn ấy, tôi đào trộm vại rượu của thầy trốn ra chòi canh ngoài đồng thu lu ngồi uống. Nhác thấy bóng người đàn ông mặc áo gấm thọ đội lá sen đại chạy đến từ xa, chẳng hiểu sao mắt tự dưng ướt nhoà.

"Bác đã tính sang nhà dạm hỏi người ta chưa...?" tôi rưng rưng thổn thức.

Lão loay hoay giũ nước trên người, "rồi" nhẹ một cái như nước chảy mây trôi.

"Cô Bình ấy nghe đâu bị ông đồ chiều hư rồi, tính tình cũng không nền lắm đâu, bác liệu di đấy...!"

"Ừ, thì liệu."

"Mà ngữ ấy cũng mới tròn trăng, bác lấy về người ta nhìn vào còn tưởng là con, cười cho rụng mười cái răng...!"

"Ừ, thì rụng."

Quẫn quá, tôi càng cắn môi, mắt trợn to nấc lên trong men rượu.

"Bác... bác lấy vợ rồi, có còn chăm về thăm... Cả cháu không...?"

"Không, lấy rồi thì chăm về đấy làm chi nữa?" lão khàn khàn đáp.

Thế là tôi oà ra khóc ngất.

Thật ra thì cũng chả còn rõ ràng cái chi xảy ra sau đó, chỉ mơ màng vương chút ký ức về vòng ôm ấm áp và giọng cười khàn đục lẫn vào tiếng mưa nặng hạt.

Lúc tỉnh dậy, đã trần trụi nguyên con bị lão đè lên ngủ. Tôi chớp mắt nhìn mặt trăng vàng vọt xuyên qua phên lá lưa thưa, trong lòng đột nhiên ác mầm tranh nhau nhú dậy.

Thế này, chắc là tằng tịu với nhau rồi nhỉ?

Đẩy đẩy lão ngồi dậy, tôi bắt đầu co người bưng mặt gào khóc như mưa.

"Đã ra thế này rồi, bác phải bỏ cô Bình đấy để lấy cháu thôi...!"

Cô hồn ốp bay mất vía hay sao ấy, tôi còn ảo thính nghe ra lão dịu dàng đáp ừ.

"Ừ, lấy thôi."

Đêm ấy về, tôi bị thầy cầm mây rượt đánh, lão vì đỡ cho tôi mà ăn trọn mấy chục roi. Sau đó vì lão cứ khăng khăng ôm che tôi mãi, thầy tôi điên quá nên đổi sang tầm vông quất liên hồi lên người lão, mồm không ngớt mắng tôi là con mất nết.

Nửa đêm, tôi leo cửa sổ chui ra sau bếp nhìn cảnh lão lặng lẽ quỳ, lòng xót xa khẽ nói.

"Thôi thầy u cháu ngủ mất rồi, bác cũng về đi thôi...!"

Lão lắc đầu không chịu. "Sáng ra không thấy tôi còn quỳ đây, thầy cô còn lâu mới gả."

Mắt tôi rưng rưng, trong lòng trào lên cái tội. Nhà tôi sao mà ác thế...! Đứa con gái cướp duyên đã đành, ông thầy còn đi hành xác người ta...

Chạy đi nhóm lửa lò để sưởi ấm gian bếp, tôi vồn vã sà đến cạnh bên bôi thuốc cho lão. Thế này chắc ghi điểm rõ mười rồi? Cái cô Bình kia chòi đến quả đồi mồi cũng không chu đáo được bằng nửa tôi.

Quả nhiên, lão bỗng dưng vươn tay ôm tôi vào lòng, cằm gác đỉnh đầu tôi thở ra có vẻ mãn nguyện.

"Cô Hai cũng thương tôi quá..."

Tôi trợn mắt, nói thừa, chả thương thì để bác vật ra tằng tịu đấy chắc?

Suốt cả hôm nay tôi đã được cô ả Bình kia đả cho thông óc mất rồi. Đau quá hoá khôn, tôi bỗng phát hiện dù gì lão cũng gấp ba tuổi tôi cơ mà, chừng tôi ba mươi lão cũng đi chầu ông bà ông vãi mất rồi, tính ra cũng không sống đủ lâu để tận mắt thấy tôi đổ điên đổ dại...

Mừng quá, thế là tôi đã gác được mối lo canh cánh bấy lâu. Cho đến tận ngày lão lìa đời, tôi vẫn mãi là cô Hai nền nã đoan trang, không phải cái dạng quỷ ma ốp vía, càng không là của nợ lão phải gánh mang một kiếp.

Rúc vào người ôm chặt lại lão, tôi bỗng thấy nhẹ nhõm vô cùng.

Sau này, sẽ chẳng còn cần vờ vịt vô tâm, cái sự tham lam ấm áp cũng không cần giấu sâu trong dạ.

.

Ra giêng năm đó, lão cưỡi ngựa hung, áo thụng năm thân nhuộm cậy, theo sau là rồng rắn dòng người mâm quả đến nhà tôi làm lễ nghinh thân. Mấy chị trong họ vội xúm vào giúp tôi mặc đồ chải tóc, lâu lâu còn cố ý kéo mạnh tóc tôi nghiến răng lầm bầm, con này thế mà may, vớt được thằng chồng giàu sang giỏi trai ra phết...

Tôi chu môi iu ỉu, giỏi mấy thì tôi cũng nào có thấy được mặt mày? Của nhà toàn để gái thiên hạ say, hờn thật...!

Thời điểm được đưa vào buồng để đón dâu ra, lão bình tĩnh đến lạ, bàn tay vẫn luôn run rẩy vì những cái lý không đâu nay bỗng vững vàng vô cùng, nắm lấy tay tôi ghì siết như nhà nghèo bắt được của.

Tục mấy làng quanh đây ngày lễ ngày hội mở miệng ra là phải thơ ca ra rả, huống chi chồng tôi lại là học trò của bậc danh sư. Thế nên đám người làng bu quanh ít nhiều cũng đợi mong vài câu văn hoa gọi là trong thời khắc trọng đại, thường là hứa hẹn ý đượm tình nồng và cầu mong con đàn cháu đống.

Lão quả không phụ cái lòng ngưỡng vọng của chúng làng, há miệng ra ngâm liền mấy câu.

"Nhà không thiếu gì, chỉ thiếu nợ."

Tôi cứng người, gì vậy ông tướng?

"Nợ không phải bạc, nợ tào khang.*"

Xung quanh lập tức rộ cười, tôi đỏ mặt cúi đầu. Nào ai có ngang như lão? Tôi đã chịu chung khổ ngày nào mà đã hất hàm phong cho danh vị người vợ tào khang...?

"Bã rượu trộn với cám vàng,

Giàu sang một vợ, cơ hàn nhất thê."

Xung quanh đột nhiên im ắng, chỉ còn loáng thoáng tiếng sụt sịt khi u tôi vùi vào vai áo của thầy.

Lúc trèo lên võng để phu kiệu gánh đi, tôi mơ màng nghe được đám chị em bạn dì xầm xì, thằng rể này trông thế mà liều, chưa rõ nàng dâu bụng dạ sinh đẻ thế nào, đã oang oang với làng đời này chỉ mang một vợ.

Tôi mơ hồ thấy ruột đau đau.

Đêm ấy, sau lễ tơ hồng, tôi được đưa vào tân phòng ngồi chờ lão. Chừng người đã vào đến cửa, tôi hoang mang khi nhìn thấy y phục kẻ này không giống cái áo nhuộm cậy lúc sáng, quanh thân lại có hơi rượu nồng nàn làm tôi bất an, vội cắn môi hỏi dò.

"Bác... cậu thay đồ rồi ạ...?"

Đối phương khựng lại, ừ một tiếng rồi bước đến buông màn ngồi xuống cạnh tôi.

Lúc cổ bắt đầu bị người say hôn liếm, tôi mới dám khẽ khàng làm như vô tình vén nhẹ tay áo đối phương, nom thấy vết sẹo hoa dài sọc rồi mới thở phào buông lỏng.

Khịt một cái cổ tôi nhồn nhột, hình như lão vừa cười.

Rồi thì cái việc tằng tịu liền trở mình hoá nghĩa vợ chồng. Tôi thật ra có phần lo lắng, cũng bởi đêm nọ tôi mượn rượu làm xằng, bản thân cũng nghiệp quật có nhớ gì đâu? Trước lễ ngủ cùng, u bảo tôi đã trải ổ với trai rồi, bà chẳng còn chi mà dạy.

Ban nãy lúc được bu chồng đưa vào, tôi còn mong bà sẽ thương tình dạy cho mấy nhẽ, ai ngờ bà chỉ ném cho tôi cái gối đỏ cắm kim, cúi người khuyên một câu ngược ngạo rồi khúc khích rời phòng.

Kệ đi, tôi thầm nghĩ, dẫu gì u nói đã làm rồi thì không đau nữa, đêm gạ tình đó tôi lại say đến bay cả óc, quên mất luôn cái đau đầu đời, giờ chả sợ đớn đau chi nữa. Ôi là may thế...!

Sự thật đã chứng minh, may mắn đời này vốn không đến dễ.

"Sao lại đau thế này?" tôi nhũn người khóc nấc. "Nhất định là bác vào sai chỗ rồi...!"

Lão cứng người không động như để nghiền ngẫm, lát sau liền nghèn nghẹn nói vào tai tôi.

"Cũng đã chờ mong lâu vậy rồi, sai cái gì mà sai, mợ im lặng cho tôi...!"

Thế là tôi mắm môi im thật. Tôi giờ là vợ lão rồi, lão bảo gì phải cắm cổ nghe thôi...

Chuyện xong, lão say quá chẳng buồn lật thân, cứ thế đè tôi ngủ luôn một giấc. Giãy thoát chẳng đặng, tôi nằm ì ra đó thút thít một hồi, thỉnh thoảng nghe lão mơ mớ gọi giật tên tôi, thấy thương thương nên cũng mặc đời, để lão tiếp tục chiếm lấy chỗ sai, ngủ theo mất.

Giữa đêm thức giấc, tôi mơ màng cảm thấy như có ai đó liên tục vuốt đầu vuốt mặt rồi thì thào khe khẽ bên tai, cuối cùng thì tôi cũng đã lấy được cô Hai rồi...

Nhà chồng tôi ấy, tính ra cũng chẳng phải ổ sói hang hùm như mấy chị già chồng thường doạ. Nhất là nhà giàu chủ tớ tuy đông, song lại quần áo tóc tai cấp bậc đâu ra đấy, tôi cũng một phen thở phào không lo nhìn nhầm tôi ra chủ, chủ ra tôi. Có lẽ vì bên cậu của lão làm quan, phép nhà mới kỹ càng như thế, may thật.

Đến chừng trông thấy cái nhà tơ và mấy đứa em gái chồng ngày đêm chăm cửi, tôi mới càng xuýt xoa cái vận may vô đối của mình. Nào đâu nhà ai có của để ăn mà con gái bị đẩy đi tằm tang canh cửi như kia? Thế nhưng lại vừa hay, dễ cho tôi hoà nhập.

"Đều là thằng Hai nhà này khiến đấy," bu chồng tôi cười giải thích. "Từ ngày nó chịu đứng ra kế nghiệp tiếp quản nhà này, đàn bà con gái trong nhà đều không được ngồi không ăn rỗi. Nhất là mấy đứa gái em, cứ ngồi không ra là nó mắng, đuổi đi ươm nhộng nuôi tằm tất. Cậu Hai nhà ta thích đàn bà nền nã hay lam hay làm con à, hệt như con ấy."

Tôi nghe đến độ sững sờ, bị mấy cô em chồng xun xoe vây quanh đòi dạy này nọ hồi lâu mới hoàn hồn tỉnh táo.

Em út cũng bắt ra làm, thì ra nợ nhiều đến thế?

Tối đó ngồi bên mâm cỗ nào gà nào dê, tôi mím môi dầy ái ngại trước nết ăn phung phí của nhà chồng. Nghĩ mình giờ cũng là dâu trưởng nên bắt dầu gánh vác, tôi vội vã nhỏ giọng thầm thì với bu.

"Bu ơi, thế nhà ta vẫn còn thiếu nợ ạ...?"

Lão chồng tôi lập tức ho cơm. Thầy chồng bình tĩnh vươn tay qua vỗ, đoạn quay sang tôi nhẹ giọng hiền từ.

"Không, đã hết thiếu, đủ nợ rồi con."

Nói rồi ông lắc đầu cười ra tiếng, mặc cho tôi và bu chồng ngơ ngẩn nhìn nhau.

Đủ nợ? Là sao? Là vẫn nợ a?

Thôi thì đấy việc đàn ông làm ăn bên ngoài, bu chồng tôi bảo kệ thây thầy con chúng nó, tôi chỉ cần lo quán xuyến trong nhà là được.

Thế là tôi đã vô cùng chăm chỉ gồng gánh nhà chồng, dù gánh chẳng có nỗi chi mà gồng, song cũng xem như làm ra nếp nhà yên ấm. Sáng thức sớm dẫn lũ em chồng đi chăm dâu, trưa bỏ cửi hầm yến hầm sâm tẩm bổ cho chồng, tối thức khuya quay tơ dệt gấm, cuộc sống cũng chẳng lạ so với khi còn nhà đẻ, khác nỗi là hoạt động về khuya có phần tưng bừng nhộn nhịp hơn.

Từ cái dạo lầm chỗ sai nơi làm tôi đau muốn chết, lão chồng cũng thương tình cho tôi ngơi một tuần, sau đó lại lao thân lầm lạc điên người.

Lạ một nỗi cũng không đau mấy nữa, tôi lại là giống nuông chồng, thế là mặc xác lão ra sức sai, chẳng chết thì thôi lầm thôi mặc kệ.

Có đợt hăng quá làm tôi đau mếu, nhìn lão tay chân lúng túng run run, tôi liền thấy thương bảo rằng, lão cũng già rồi, có ở với tôi được mấy nỗi nữa đâu? Thân tôi thế nào, lão cứ việc xài sao cho thoả cái lòng là được, thôi lão cứ tiếp đi, đau không chết đâu mà sợ.

Lão đơ hết cả người, lát sau ôm tôi vào lòng hôn hôn hít hít, cuối cùng mới thở dài hạ giọng.

"Rốt cục mợ nghĩ tôi già đến cỡ nào?"

"Gấp ba em ạ!" tôi vô tư đáp cái câu muôn thuở, đoạn sợ lão không hiểu lại vươn mười ngón ra gập duỗi giải thích thêm. "Đây ạ, là em hàng ba thì cậu cũng hàng chín rồi. Quanh vùng này có ai thọ quá trăm đâu..."

Nói xong thấy sầu, tự nhiên rũ người ra khóc.

"Em buồn lắm, cũng không muốn nghĩ đâu. Thôi thì cậu gắng ăn uống tẩm bổ vào, ở với em đến bề trăm cũng được... Lúc đó vừa hay em dại mất rồi, cậu chết em cũng chẳng biết đâu..."

Chả biết lão hiểu được chữ nào không, tự dưng lại run rấy ôm lấy mặt tôi hôn mùi đến mẩn, chuyện muốn dạy cũng hình như quên mất.

Đang lúc bị làm đau đến muốn ngất, lại nghe ra tiếng nấc của lão, tôi cắn môi để không rên la, quơ quàng ôm lấy mặt lão nửa vuốt nửa lau.

"Cậu làm sao mà khóc?"

Lão ngừng lại rồi sụt sịt than đau...

Mừng quýnh, tôi đẩy đẩy lão ra toan bảo thế thôi đừng làm nữa. Chợt nhớ lời khuyên ngược ngạo của bu chồng vào đêm hôm ấy, bèn gồng mình co quặp cẳng chân, mượn lời bà dạy anh dũng hiên ngang thổn thức với chồng.

"Đau thì làm mãi cho chóng hết đau đi ạ...!"

Thật thì đợt ẩy cũng chẳng kiểm nghiệm được lời bà là sai hay đúng, vì làm đến nửa đường thì nguyệt sự từ đâu lại cứ ứa ra. Lão chồng già của tôi sợ muốn dại óc, suýt nữa bế tôi trần như nhộng chạy ra khỏi buồng.

Nhà có hai đứa gái mới lớn, tôi dĩ nhiên biết chuyện gì đang xảy ra. Hiềm nỗi mặc cho tôi cố lòng giải thích, lão vẫn cứ trơ ra như phản, một hai ôm riết lấy tôi trong lòng cả đêm.

Đến sáng thì hay, cả thầy lang lão cũng cho mời đến. Kiểu này thì tôi còn mặt mũi gì nơi nhà chồng...? Nguyệt sự của tôi chỉ là đến trễ hơn con gái nhà người ta chút thôi, có phải ốm đau gì đâu chứ!

Thế mà cũng doạ lão sợ đến mấy tuần không dám ho he đòi hành sự, sang tuần thứ tư thì không biết nghe ai mách, đâu lại vào đấy phè phỡn ăn nằm với tôi, còn hăng hái bảo giờ mới thật sự làm ra cái thú.

Tôi than "Ơ thú cái gì...?!" đúng được lần đầu, sau thấy thú thật nên thôi im luôn không buồn than nữa.

Hoá ra trước kia đau không phải lão lầm, mà do tôi chưa lớn. Nghĩ cũng oan cho lão thật, bị tôi quở lâu như thế, sau này nhất định phải đền lão nhiều vào.

Tết mùng năm, tôi ra rìa làng hái lá về phơi cùng đám em ruột em chồng, khéo sao lại đụng mặt cô Bình nhà thầy đồ anh Cả. Kỳ tình tôi cũng chẳng thấy được mặt ả để nhớ, nhưng lại vô cùng ấn tượng với cái giọng ngọt như mía lùi có một không hai. Thế nên chị ả vừa mở miệng chào, tôi đã nhận ra ngay người mình cướp duyên ngày đó.

Trong lòng có chút thẹn, tôi cứ cúi đầu hái lá không dám nói nhiều. Chị ả lại cứ lôi kéo quanh co, trăng hoa mây nước khiến tôi xây xẩm mặt mày, cố nhiên vì mới lần đầu gặp qua một cô nàng nhiều lời như vậy.

Chừng đến chia tay ai về nhà nấy, tôi vẫn chưa thể tiêu hoá hết thiên ngôn vạn ngữ chị ả trao cho.

Giữa đêm giật mình tỉnh lại, câu chữ mới chợt tuột ra trong đầu.

"Ngày đó thật đa tạ cậu nhà mợ Hai lắm ý, diễn một màn tình ý khiến tôi càng xích lại với tình lang..."

Diễn?

Ơ thế hoá ra đêm mưa cô hồn ấy, tôi đã làm chuyện ruồi bu à?

Và lão thì cứ như đĩa thịt ôi dụ ruồi bu lấy!

Thẹn quá, sẵn tay đó tôi đánh đét lên ngực kẻ nằm kề. Lão bị giật mình tỉnh giấc, thấy tôi cứ liên tục đánh thì vội giữ lấy tay hỏi tôi có phải ác mộng không.

Tôi phùng mang kể lại lời cô Bình lúc sáng. Lão nghe xong chẳng có vẻ gì, chỉ nhún vai một cái.

"Không đến thế thì năm nào tháng nào mợ mới biết mợ thương tôi?"

Rồi dường như nhớ ra cái chi vui lắm, lão đột nhiên bật cười.

Chắc là trong lúc say đó, tôi đã làm gì kinh thiên động địa lắm?

Tôi quẫn quá, mặt bỏng rát nằm úp phịch xuống chiếu rúc vào trong tường. Lão cười to vỗ mông tôi một cái, vươn tay lôi xệch tôi vào lòng nói giọng trách hờn tui tủi.

"Ngượng cái gì? Mợ có thương tôi mấy, cũng không bằng tôi thương mợ đâu..."

Tim gan được vuốt cho mềm nõn như tơ, tôi lại nhũn người mặc lão trải ổ.*

Âu thì cái nợ vợ chồng ngày càng đậm sâu, tôi lại càng đổ ra tham khát. Tham lắm cơ, tôi tham chồng sống lâu, tham tình thương của chồng càng sâu càng nặng, tham gọi được vía về đặng nhận được mặt chồng, không cần đêm nào cũng phải lén nhìn tay chồng rồi mới cho buông màn trải ổ.

Đấy là còn chưa nhắc đến phần con cái, nhắc đến thì lại càng không dám tham luôn, sợ mình sân si quá quỷ thần quở phạt.

Nhưng thật tình, nói khẽ nghĩ thầm đừng đẻ các vong nghe thấy, tôi tham con.

Thở dài nuốt sầu vào lại, tôi quyết định vòi chồng bắt con chó về nuôi thế.

Dường như lão ấy đi guốc trong ruột tôi hay sao ấy, cứ nhất quyết không chịu, còn nói sau này tôi lớn chút sẽ xin hẳn một đứa bé về cho tôi chăm.

Tôi nghĩ thầm ừ nhỉ, không đẻ được có thể xin mà, bèn tự ý đi vòng vòng trong nhà xin người ta đẻ để mình nuôi hộ. Lũ em chồng còn nhỏ, lại nữ sinh ngoại tộc, lấy chồng rồi sẽ đẻ cho chồng chứ đến lượt tôi? Tôi tớ thì dã vợ đã chồng, không dưng đưa con chủ nuôi làm gì?

Cuối cùng vã quá, tôi quay sang hỏi luôn bu chồng, còn bảo nom dáng bu vẫn mẩy như gái mới chồng, không bằng đẻ thêm một mụn tôi nuôi giúp.

Bu con đang chụm đầu phấn khích bàn nhau, người lớn đã bị thầy chồng tôi túm cổ lôi về.

Đấy là lần đầu tôi thấy con người lịch thiệp nho nhã như ông nổi cáu. Đóng cửa buồng mắng vợ cả đêm xong, ông đến thư phòng gọi tôi vào mắng tiếp. Kỳ tình vía tôi nhẹ, khả năng tiếp nhận hoa ngôn rất kém, thế nên ông mắng xong tôi cái hiểu cái không, cái không thì vẫn là không chứ cái hiểu hình như toàn hiểu không đúng.

Duy có một câu là tôi chắc mình rành rọt chín mười, bu mày không cần đẻ đái cái chi nữa đâu, con nhé!

Tôi không đồng tình với nửa phần sau lắm, nhưng vì ông là thầy chồng, tôi cũng không dám cãi.

Sau này nghe chồng cắt nghĩa tên lão và đám em phía sau, tôi mới vỡ ra nỗi khổ của thầy, bèn ngầm sửa lòng hai tay đồng ý.

Công cuộc xin con của tôi thế là tịt ngòi, tôi đành bỏ qua để nuôi ba cái lòng tham còn lại. Lúc biết tôi đang ra sức tích thọ cho chồng, bu chồng tôi ngẩn ra rồi hỏi giọng ngây ngô.

"Nó mới ba mươi, còn lâu mới chết, con tích thọ làm gì?"

Tôi giơ hai bàn tay co duỗi nửa ngày, đoạn chạy vòng vòng nhờ đám em chồng tính hộ.

Sau đó ồ lên một cái rồi điếng hồn luôn.

Hoá ra gấp ba ngày đó là gấp đôi ngày này.

Chừng tôi đến ba mươi, là chỉ còn gấp rưỡi, lão còn sống dược thêm năm mươi năm là ít!

Tôi trầm mặc cả ngày, đêm nằm cảm thấy sầu sầu trong dạ, trở mình ra cửa dõi nhìn cây xoan ta trong vườn.

Lão còn sống được rất lâu, lâu dư dả để nhìn tôi hoá dại sinh rồ, cuối cùng trở thành cục nợ cả đời mang gánh.

Có lẽ đến đó, cũng chẳng còn thương tôi nổi nữa...

Sầu đông** trong héo ngoài tươi,

Lên năm em đã biết cười lấy khuây.

Ngoài cười trong khóc làm hay

Sầu đông trăm nỗi càng ngây càng cười...

Sáng ra, tôi toe cười thưa với bu chồng, hay là mình lấy thêm vợ cho cậu Hai bu nhỉ? Bu sững người một lúc, đoạn vuốt đầu bảo tôi đi vò diếp cá giải cảm đi thôi, chắc ốm hỏng đầu rồi.

Cô Tư là đứa tri thư đạt lễ, nghe thế bèn chen vào giải thích với bà, chị dâu thế là đang làm hiền thê lương mẫu muốn thêm đầu con cháu cho chồng, có đâu bu lại quở chị hỏng đầu?

Giải thích hồi lâu bà mới ngờ ngợ vỗ vỗ hai tay, à thì ra còn có cái thứ gọi là vợ lẽ, lâu quá không nghe quên toi đi mất!

Cả tôi và cô Tư đều trố mắt nhìn bà, đàn bà được chồng chiều hỏng đích thị là đây!

Sự không ngờ lại đến tai lão chồng. Lão lôi tôi vào buồng đau đáu nhìn nhau trong thinh lặng, sau đó là đổ trời lật đất.

"Mợ rồ à? Mới ở với nhau non một năm đã muốn cưới lẽ cho chồng? Hay mợ lại chê tôi già chẳng muốn chung chạ, kiếm người ta về làm thế?"

Tôi oan quá vội vã lắc đầu.

"Không thế thì sao? Á à, hay mợ tham con mà tôi chẳng thể cho, mợ mới muốn cưới thêm người về đẻ con cho mợ? Cái ngữ vô lương tâm như mợ, tham con mà bán cả chồng! Hiền thê lương mẫu gì chứ? Tôi cần vào! Tôi chỉ cần mợ thật thà an ổn ngồi đó thương tôi! Có thế mà cũng không làm nổi?! Mợ thiếu cái gì? Cái lòng? Cái tim? Cái óc?"

Lão còn mắng nữa, mắng nữa, con chữ quay cuồng độc địa khiến tôi xây xẩm mặt mày, cuối cùng chỉ còn biết bưng mặt khóc.

Nửa đêm trở người nhớ lại, lại mò ra khóc với cây xoan sầu, vốn tôi chỉ muốn sau này nhỡ có phát điên bị làng giết đi, lão vẫn còn người chăm lo hôm sớm. Ít nhất lấy bây giờ, tôi còn có thể tự tay chọn lựa. Chứ làm vợ ai đâu mà muốn chia chồng cho ai...?

Ôi là sầu...!

Sầu đông mở lối sầu càng thêm đông...

Sáng nay tiễn chồng ra Thanh buôn bán xong, tôi lẻn nhà cắp nón một mình ra chợ ăn quà giải khuây, việc mà từ ngày chung nhà, chồng tôi cấm tiệt không cho làm nữa.

Ăn no chán chê, tôi đưỡn bụng xách thêm quà lễ định sang luôn nhà cô ả mình đã chọn cho chồng. Đứng giữa biển người mênh mông với những gương mặt trống không vô diện, tôi thoáng chốc lại thấy có điều nhớ nhớ quen quen.

Hình như ở cái năm lên năm nào đó, tôi cũng đã từng lạc giữa dám đông như vầy. Lần ấy nếu không vì được người đàn ông kia cứu, tôi sợ rằng đã bị người xấu bắt đi.

Lúc cõng tôi về nhà, ngang qua cây xoan, người ấy hái xuống vài quả vàng vàng đưa tôi xem thử, còn bảo quả đây trên ngược gọi là quả sầu.

Ông dùng chất giọng khàn khàn cảm phong mà dặn kỹ rằng, quả này độc vô cùng, sau này nhờ u tôi hái phơi nghiền làm cao bỏ vào bồ túi đeo sát bên người, tôi có bị người xấu dẫn đi thì canh hắn không chú ý mà bôi lên tay cho hắn nắm, chờ hắn cầm đồ ăn vào trở cơn thổ tả thì liệu bề trốn đi.

Nhớ đến đã thấy muốn cười, bồ túi chứa cao xoan ấy, đến giờ tôi vẫn đeo trên cổ. Mỗi lần ra chốn đông người không nhận ra ai, nắm nó vào tay thấy rất yên dạ.

Thế mà giờ khắc này, khi đang đứng trước cổng nhà cô ả đẹp người đẹp nết tôi tính sêu cho chồng, dù đã vò rách bồ túi chứa cao, tôi vẫn không sao nặn ra chút yên ả nào.

Thở dài, tôi rũ vai quay người bỏ đi.

Hoá ra, rồi cũng có thứ tôi không gánh nỗi. Là cái tội thương chồng không thể nhường ai.

Quả sầu này, tôi không vương nữa.

Nhắc đến sầu, chợt nhớ cây xoan nhà đã bị lão chặt phăng lúc sáng còn đâu? Tâm sự gì thì bây giờ đi đâu mà trút? Cố tình mò lại con đường ngang qua cây xoan thuở nhỏ, tôi đến ngồi dưới tán gỡ nón ra quạt, đoạn nhắm mắt rì rầm nhắn nhủ với cây.

Không đâu mặt kia gốc cây cũng có khách đường xa trầm trầm nói vọng sang, gã có chuyện muốn kể.

Nhọc quá, tôi đã muốn thiếp đi. Chuyện trò gì tầm này cơ chứ?

Thế nhưng, câu chuyện dở đời nọ, lại cứ muốn chui vào óc tôi thôi...

____________________
***Trải ổ: chỉ việc trai gái ăn nằm với nhau, thường là lén lút.

**Sầu đông: biến âm của Sầu đâu - ssdau - tiếng tộc của cây xoan.

*Tào khang: Bã rượu và cám gạo, chỉ người vợ hay chồng lấy nhau lúc còn khổ cực. Đời nhà Hán, có ông Tống Hoằng là hiền thần dưới triều Quang Vũ Đế. Ông có người vợ bị mù. Hằng ngày, tự tay ông chăm sóc vợ. Chị của vua là công chúa Dương Hồ rất ái mộ Tống Hoằng. Biết ý, vua bèn hỏi để thăm dò Tống Hoằng rằng: "Ngạn vân: quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?" (tạm dịch: Ngạn ngữ nói: sang thì đổi bạn, giàu thì đổi vợ, có vậy chăng?). Ông Tống bèn trả lời: "Thần văn: bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: người bạn thuở nghèo hèn thì không thể quên, người vợ thời cám hèm thì không thể đưa xuống nhà dưới [tức hắt hủi, phụ bạc]). Biết Tống Hoàng một lòng với vợ, vua Quang Vũ từ bỏ ý định tác hợp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro