Ghế Vong Hồn - One Shot

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mọi sự kiện trong truyện đều là giả tưởng những địa điểm tên riêng đơn thuần là sự tưởng tượng của tác giả mà thôi

Truyện Ngắn: Ghế Vong Hồn

Ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ quốc gia nào thì người ta luôn có những truyền thống cũng như những kiêng kị nhất định. Trước giờ hễ cứ nhắc đến phương Tây là ta hay nghe về những quốc gia phát triển với nền khoa học tân tiến đi trước thời đại. Tuy nhiên, họ cũng có những niềm tin mang tính tâm linh rằng: con số 13  mang đến vận xui xẻo nếu các bạn để ý thì hầu như ở những tòa nhà của phương Tây không hề có tầng 13. Các nước Tây Âu đã thế thì các nước Đông Á lại càng tin nhiều. Những niềm tin, phong tục từ ngày xưa cha ông ta truyền lại vẫn không hề mai một theo thời gian. Câu chuyện dưới dây chính là kể về điều đó.

Trong một lần đi du lịch sang Trung Quốc tôi có dịp gặp một người Hoa gốc Việt. Hai chúng tôi quen nhau cũng thật tình cờ, tôi và gia đình mới lần đầu sang Trung chơi, chúng tôi lại chọn đi tự túc không theo đoàn nên khi đi bị lạc không ít lần may nhờ tôi có biết ít tiếng Trung cho nên việc hỏi đường cũng dễ hơn đôi chút. Chúng tôi quen nhau từ cái việc tình cờ hỏi đường ấy. Anh ta tên Phúc Vinh, cha là người Hoa ngay khi còn nhỏ anh đã cùng mẹ định cư bên này. Thấy tôi nói tiếng Trung khá sõi nên Phúc Vinh cũng thích thú lắm. Anh ta mời cả nhà tôi mấy cốc nước mà quán của anh ta bán. Cả nhà tôi đi gần như cả ngày ngoài phố ai cũng khát nước, mấy chai nước tinh khiết mang theo đã dùng gần hết cho nên ngay khi có được mấy ly trà sữa vị trái cây mát lạnh ai cũng thích thú nhất là em gái tôi cứ rối rít cám ơn Vinh miệng hút lấy hút để những hạt trân châu dai giòn. Quán trà sữa của Phúc Vinh tọa lạc ở một khu đô thị sầm uất trước mặt tiền quán là con đường rộng và thoáng hầu như người qua lại tấp nập giống y như Phố Đi Bộ ở Việt Nam vậy. Cả nhà tôi uống xong thì ba mẹ cùng em gái đi đây đó chụp hình chỉ có tôi ngồi lại quán mà nghỉ chân, Vinh thấy tôi ngồi một mình anh bèn mang ra một đĩa bánh ngọt mà mời tôi. Tôi giới thiệu mình tên "Thiên" và hai anh em bắt đầu câu chuyện. Chả là tôi vốn yêu thích tâm linh hầu như có dịp du lịch nước nào là tìm ngay dân bản địa nài nỉ họ kể tôi nghe những câu chuyện qủy dị ngay tại đất nước ấy. Nghe thế thì Phúc Vinh bắt đầu trầm ngâm khuôn mặt anh ta thoáng vẻ hoảng sợ anh bắt đầu kể.

[Hồi tưởng của Phúc Vinh]

Năm mười sáu tuổi tôi cùng mẹ về quê thăm ông bà vì tính chất công việc của bố mẹ tôi nên họ thường bận suốt cho nên mãi khi tôi bước vào tuổi mười sáu cũng được gọi là khá chững chạc ba mẹ mới yên tâm đưa tôi về quê. Gia đình tôi về làng Tam Sơn, sở dĩ có cái tên như thế bởi ngôi làng giáp với ba ngọn núi sừng sững khung cảnh đẹp như tranh vẽ. Cha mẹ tôi sau khi gửi xe xong thì dẫn tôi đến nhà chào ông Phán trưởng làng. Ông trưởng làng đã ngoài năm mươi khuôn mặt phúc hậu râu tóc điểm bạc ông tiếp đón gia đình tôi rất nồng hậu. Lúc vào làng tôi quan sát thấy khắp nơi treo nhiều đèn lồng đủ màu sắc lại có người chuẩn bị vàng mã đốt cho người âm tôi chợt nhớ nay là tiết Thanh Minh, có câu "Trồng cây tốt nhất là Thanh minh, trồng một khúc gỗ cũng nảy mầm" cho nên trước khi ra về bác trưởng làng cho bố tôi một túi nhung ông bảo đó hạt giống cây ông nhờ bố biếu ông bà tôi để trồng vào dịp Thanh Minh. Ông cũng xoa đầu tôi mà cười:

-       A Trạch nay lớn quá rồi chắc cháu cũng bằng cái Lộc nhà bác. Nó đi phụ mẹ nó tảo mộ rồi. Đợi nó về bác bảo nó dẫn cháu đi xem gánh hát nhé.

A Trạch là tên gọi thân thiết mà bố mẹ gọi tôi khi ở nhà cho nên khi đến làng bố mẹ ngoài giới thiệu tên thật của tôi ra thì ông bà bảo người lớn cứ kêu tôi y như vậy. Thú thật ở thành phố đông đúc tấp nập tôi hiếm khi có dịp được xem mấy gánh hát truyền thống của nước mình. Mấy chương trình truyền hình thì không phải là không có nhưng cái chất hoài niệm, diễm lệ của những gánh hát xưa quả thật chỉ được thể hiện rõ bởi những gánh hát rong này cho nên tôi lấy làm hứng thú lắm. Đúng như y lời bác trưởng làng nói tầm chiều tối thì Đại Lộc đến cậu là một cậu bé khá cao lớn khuôn mặt chữ điền trong sáng sủa, ưa nhìn. Lộc lễ phép chào gia đình tôi rồi dẫn tôi đi chơi vì cùng trang lứa nên dễ thân nhau. Trên đoạn đường đất tôi và Lộc chuyện trò như đã thân nhau lâu lắm. Khác với những nhóm trẻ lên tám, lên mười mấy thanh thiếu niên như chúng tôi sau khi phụ việc nhà xong tầm bảy, tám giờ tối là họ tụ tập đi quanh làng ngắm cảnh, đi uống nước của những hàng nước nhỏ, cũ kĩ rành đường hơn một chút thì chúng tôi lên núi.

Cứ mỗi năm đến tiết Thanh Minh là làng Tam Sơn lại cho mời gánh hát về họ sẽ ở lại bảy ngày trước ngày năm tháng tư dương lịch. Cũng như truyền thống bao đời gánh hát đó sẽ kiêm luôn việc tổ chức hội Đạp Thanh trong ba ngày đầu tiên.

Ngày thứ nhất, bác Phán trưởng làng sẽ cùng những cụ cao niên và chủ gánh hát làm một bàn lễ lớn chia làm hai mâm chay mặn để mời các vong hồn bao gồm ông bà tổ tiên và những linh hồn lang thang đến phá cỗ. Cầu họ phù hộ cho một năm bình an. Sang ngày thứ hai sẽ là hội Cầu May, già trẻ lớn bé trong làng sẽ tụ tập lại đình làng cổ kính thanh niên sẽ chia ra làm hai nhóm để thi đá cầu đội thắng sẽ được thưởng một lá cờ huân chương làm kỷ niệm. Đến ngày thứ ba sẽ là hội thi Thả Diều người làng tự tay làm những con diều đầy đủ màu sắc với đủ kích cỡ lớn bé khác nhau họ thi xem ai thả cao hơn, khỏe hơn. Con diều cuối cùng còn bay được thì người sở hữu con diều đó sẽ chiến thắng. Sang đến ngày thứ tư và thứ năm của tuần là lúc gánh hát dựng rạp để biểu diễn. Họ dành hai hàng ghế đầu tiên trên từng chiếc ghế đều phủ vải đỏ xem ra cung kính lắm đấy là họ dành chỗ cho vong linh ngồi, không ai được phép ngồi vào hàng ghế đó kể cả trưởng làng hay những cụ cao niên.

Vì bận rộn nên gia đình tôi về vào ngay ngày thứ tư của tiết Thanh Minh tôi tiếc nuối vì đã bỏ lỡ hai ngày hội náo nhiệt. Lộc trấn an tôi cậu ta dẫn tôi đến đình làng. Đình làng tọa lạc ngay giữa làng nằm hướng về phía ba ngọn núi người dân tin rằng xây làng hướng mặt về nơi có núi để cho thần Núi dễ bề quan sát cũng như thần dễ dàng đi đến dùng cỗ khi người làng có dịp cúng kiếng. Tôi thấy giữa sân đình người ta đã dựng xong rạp hát chếch về phía trái đình làng là một gian gồm ba phòng lớn, Đại Lộc bảo đó là nơi làng bố trí cho gánh hát nghỉ chân cũng tiện cho việc cúng kiếng, cầu phúc. Nó dẫn tôi đến một nhóm ba người gồm hai gái và một trai. Theo hướng tay Lộc giới thiệu thì hai đứa con gái tên Mỹ Lệ và Mỹ Yên là hai chị em, Mỹ Lệ thân hình đầy đặn, dáng dong dỏng cao chắc chỉ kém tôi 5cm mái tóc đen buông dài được kẹp điệu đà bằng một cái kẹp hình bướm bằng đồng. Thấp hơn chị một chút là Mỹ Yên, Yên có đôi mắt to tròn trong veo, thân hình hơi gầy mái tóc đen được búi lên gọn gàng trông cô bé có vẻ già dặn hơn chị. Còn người con trai còn lại tên Tứ Mẫn là con thứ tư trong gia đình bán hàng nước ở đầu làng cậu cao gầy hơn Lộc và tôi một tẹo. Tôi được biết ngoài tôi, Đại Lộc và Tứ Mẫn ra thì hai chị em gái nhỏ tuổi hơn chúng tôi. Mỹ Lệ mười lăm tuổi còn Mỹ Yên mười bốn. Chúng tôi làm quen nhau rất nhanh hai chị em có vẻ thích thú các cậu chuyện về những thành phố hiện đại Mỹ Yên nói:

-       Em sẽ gắng học giỏi để đậu vào một trường đại học ở thành phố lúc đó tha hồ mà chụp ảnh đẹp về nơi đó.

Chúng tôi nghe thế đều cười vui vẻ ai cũng tràn ngập một niềm hy vọng về tương lai trước mặt. Đại Lộc dẫn cả nhóm đến gian ở của gánh hát cậu áp tai vào một cánh cửa ở giữa mà nghe ngóng. Từ bên trong có tiếng hát trong trẻo Đại Lộc vẻ thích thú lắm cậu ta ra hiệu cho cả nhóm áp tai vào nghe cùng mình. Thú thật từ đó đến giờ ngoài xem trên tivi đây là lần đầu tiên tôi được nghe hý khúc một cách rõ ràng và chân thực đến vậy. Nghe được một lúc bỗng mọi thứ ngưng bặt cả đám chưa hết ngạc nhiên thì tiếng cửa mở ra, cả đám chúng tôi đang dựa vào cánh cửa bị bất ngờ chực té may mà mấy cậu con trai trong nhóm vững chân dùng cánh tay đỡ mấy cô con gái lại họ mới thoát được một cú ngã đau điếng. Mở cửa nhìn chúng tôi là một cô gái nhan sắc kiều diễm cô không trang điểm chỉ thoa một lớp son nhàn nhạt nhưng vẫn không thể giấu được nét đẹp sắc sảo trời phú đó, cô nhìn chúng tôi mà nhíu mày:

-       Các em là ai vậy? Sao lại thập thò ngoài cửa phòng của chị?

Chúng tôi chưa kịp trả lời thì chị ấy đã nhận ra Đại Lộc và ba người còn lại vì những đêm trước lễ hội chị đã từng thấy qua duy chỉ có tôi là chị không biết. Tôi đã lấy lại bình tĩnh sau cú mở cửa bất ngờ, tôi đỏ mặt trước nét đẹp của chị mà đáp giọng lí nhí:

-       Dạ, em... em... em tên A Trạch. Tên thật là Phúc Vinh em không phải người ở đây em cùng bố mẹ xuống thăm ông bà.

Dường như nhận ra sự bối rối của tôi chị ấy mỉm cười, nụ cười diễm lệ hiện ra trên khuôn mặt của chị, chị nói:

-       Em không cần giới thiệu dài dòng vậy đâu Vinh. Các em nghe lén chị luyện tập à? Sao không đợi tới đêm hội mà nghe lúc đó chẳng phải sẽ nghe được nhiều hơn sao.

Cả đám mặt bỗng chốc đỏ ửng khi bị đoán ra mục đích tinh nghịch của mình ai nấy cũng sượng sùng không biết nói gì hơn, chị ấy lại cười mà đáp:

-       Đừng lo, chị không mách bố mẹ mấy đứa đâu. Chị tên Ái Hoa gặp lại mấy đứa ở đêm hội tối nay nhé.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm cả đám trở về nhà ăn cơm rồi hẹn nhau ở sân đình xem nhạc. Đêm hôm đó gánh hát diễn tuồng: "Ngư Ông Bắt Quỷ" tiếng kèn trống reo vang náo nhiệt một vùng trời. Giọng hát đầy mạnh mẽ cùng những động tác múa võ điêu luyện của nhân vật ngư ông hòa cùng khung cảnh ma mị khi Quỷ Ngư xuất hiện khiến cho chúng tôi và cả những người làng xem mãi không thôi. Đến phân cảnh của chị Ái Hoa, chị vào vai một cô thôn nữ cất lên tiếng hát vui mừng vì làng đã thoát họa quỷ dữ nhìn phong thái biểu diễn cùng giọng ca yêu kiều của chị mọi người như thích mê đi. Riêng tôi ngoài xem hát ra thì chốc chốc ánh mắt lại hướng về hàng ghế trống phủ vải đỏ. Tối hôm đó, trước khi về nhà tôi đã hỏi Đại Lộc về hàng ghế đó. Đại Lộc chia sẻ bằng một giọng kì bí:

-       Người có nhu cầu giải trí ma cũng vậy. Hai hàng ghế đó là dành cho người âm đấy chớ có đụng vào.

Vốn được tiếp xúc nhiều công nghệ tiên tiến nên tôi dường như không tin ma quỷ tôi nhíu mày nói, giọng giễu cợt:

-       Tôi chẳng tin đâu, làng cậu đúng là mê tín dị đoan.

Nói tới đây thì cả nhóm đều tròn mắt nhìn tôi được một lúc sau thì Mỹ Lệ nói:

-       Nếu Vinh không tin thì tối nay lúc nửa đêm ra hàng ghế ngồi thử đi.

Nghe lời thách cộng với đang độ tuổi nổi loạn tôi liền nói luôn:

-       Được, sợ gì chứ!

Chúng tôi chia nhau ra về. Đêm hôm đó tôi nhớ lúc đó là vào khoảng mười 11h45' tôi ngồi dậy thay bộ đồ ngủ ra tôi mặc trên người áo phông đen trơn và chiếc quần thể thao ba sọc màu xám. Tôi mang trên người đôi dép đã mang từ thành phố về đi thật khẽ cố để không cho bố mẹ nghe thấy tôi bước từng bước ra cổng rồi nhẹ nhàng mở cửa. Nhà tôi không nuôi chó cho nên tôi dễ dàng rời nhà mà không gặp bất cứ trở ngại gì. Trời về đêm khá lạnh cũng thật kỳ lạ đã đến tiết Thanh Minh mưa phùn cũng đã tan, thời tiết cũng trở nên dễ chịu hơn tôi nhớ khi còn ở thành phố cứ mỗi khi Thanh Minh thì không khí cũng chỉ se se lạnh chứ không lạnh khô như ở đây phải chăng nơi rừng núi tôi ở khí hậu quá khắt nghiệt. Nhà của bác trưởng làng nằm cách nhà tôi có mấy căn tôi chạy sang nhà bác mà ngó vào trong. Từ phía hông nhà tôi thấy Đại Lộc bước ra cậu vẫn mặc y nguyên bộ đồ ban chiều lúc gặp tôi, thấy tôi Đại Lộc lập tức ra hiệu im lặng tôi gật gật đầu vừa hay để ý có con chó nằm ở phía cửa nhà. Lộc khẽ khàng mở cửa cậu đi một quãng thì mới bật chiếc đèn pin mình mang theo, chúng tôi cùng nhau đi đến điểm hẹn. Theo như đã hẹn, chúng tôi sẽ gặp nhau ở cổng đình làng từ đằng xa đã thấy hai chị em Mỹ Lệ, Mỹ Yên cùng Tứ Mẫn đã đợi chúng tôi tự bao giờ. Mỹ Lệ và Mỹ Yên nhìn tôi rồi lại nhìn cả bọn, cả năm chúng tôi đều đã sẵn sàng.

Chúng tôi bước vào sân đình nay đã vắng tanh không một bóng người. Sân khấu tự chế về đêm trong thật tĩnh mịch và lạnh lẽo đến lạ thường. Ngoài những bóng đèn dây tóc tỏa ra ánh sáng leo lét ở bên hành lang gian nhà trái thì chỉ có ánh nến mờ mờ từ trong gian thờ tỏa ra. Nhìn về hai hàng ghế với hơn hai mươi chiếc ghế tôi bỗng thấy hơi sợ. Một cảm giác bất an xâm chiếm lấy tôi xóa tan đi bao sự dũng cảm, cứng cỏi mà tôi tỏ ra lúc xem hát xong. Mỹ Lệ chỉ cho mọi người nấp vào một gian nhà tối, hành lang không mở đèn cô bé chỉ tay về phía hai hàng ghế trên cùng của sân khấu mà nói:

-       Lệ và mọi người sẽ nấp vào gian nhà bên phía phải này mà quan sát Vinh. Vinh sẽ cầm đèn pin tiến đến ghế rồi ngồi xuống đúng năm phút. Nếu Vinh hoàn thành nó thì Lệ và cả nhóm sẽ công nhận Vinh là người gan dạ nhất. Cả bọn sẽ khao Vinh một chầu nước ở nhà cô Lý mẹ của Tứ Mẫn. Vinh chịu không?

Tôi gật đầu ngay mặc dù quần áo đã bắt đầu thấm đẫm sương đêm, tay chân bắt đầu lạnh dần đi nhưng vì không muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt mấy đứa con gái tôi nói ngay, giọng vẫn cứng cỏi:

-       Được, Vinh sẽ vào ngồi để chứng minh cho mọi người thấy không hề có ma quỷ gì hết.

Nói rồi tôi mạnh dạn bước vào khoảng sân vắng vẻ. Càng lại gần hàng ghế tôi càng cảm thấy hoảng sợ, trực giác của tôi mách bảo rằng tôi không nên đi đến hàng ghế đó. Tự cười mình bây giờ lại bày đặt sợ cả ma quỷ tôi vẫn tiếp tục bước đi. Ánh đèn pin tròn nhỏ của chiếc điện thoại cảm ứng chẳng thấm vào đâu so với màn đêm dày đặc. Tôi thấy mình giống như một chiến sĩ dũng mãnh tay cầm thanh gươm ánh sáng xé tan màn đêm khổng lồ. Tiếng bước chân của đám bạn tôi đã ngưng từ lâu tôi đoán chắc bọn nó đã yên vị bên gian trái đình. Tôi cứ thế đi từ từ về phía khu vực ghế ngồi tôi biết giờ này có lẽ đoàn hát đã ngủ nên tôi chẳng dám đi mạnh. Sẽ thế nào nếu như họ phát hiện năm người chúng tôi lén gia đình mà ra đây chơi trò thi gan dạ, lúc đó chắc sẽ rắc rối lắm. Tôi khẽ thở một tiếng xua đi ý nghĩ xui xẻo đó càng đến gần hàng ghế mồ hôi tôi càng đổ ra như tắm mặc dù trời đang có gió lạnh. Ngoài tiếng côn trùng kêu râm ran ra thì chỉ có tiếng dép của tôi loẹt xoẹt dưới nền đất. Càng đến gần hàng ghế phủ vải đỏ tôi bất chợt nuốt nước bọt. Tôi tự nhủ chắc do mình đang đi trong đêm nên thần hồn nát thần tính tự hù dọa mình mà ra bây giờ chỉ việc đến hàng ghế đó ngồi lên sau năm phút thì tôi sẽ trở thành người can đảm nhất bọn.

Khi đã đến hàng ghế tôi nhận ra dưới lớp vải đỏ phủ lên thân ghế là màu gỗ đào, mấy cái ghế này đẹp hơn hẳn loại ghế mà chúng tôi được ngồi. Tôi chọn một ghế ngay giữa hàng và ngồi xuống. Từ vị trí tôi ngồi là nhìn được trọng tâm sân khấu như một quán tính tôi bất giác ngước đôi mắt về sân khấu vắng tanh nay đã tối đèn. Giờ tôi mới được dịp nhìn rõ sân khấu trước mặt hơn chúng là từ những thân cây gỗ lớn người làng tự chế dựng lên cho gánh hát. Ở phía trái sân khấu là cái trống lớn tôi thấy nó giống mấy cái trống trường mà bác bảo vệ thường đánh khi tôi đi học. Phía sau là phông nền vẽ những hoa văn cổ uốn lượn trông rất đẹp mắt tôi đoán mấy tấm phông này là của gánh hát mang tới để dựng sân khấu giúp cho vở kịch trông sinh động, chân thực hơn. Tôi cứ ngồi đó trong khung cảnh u tịch của màn đêm. Tôi tự canh chừng thời gian khi đã chắc chắn hơn năm phút rồi tôi mới đứng dậy và đi về phía gian phải. Từ trong bóng tối của hành lang phía phải hiện ra bốn bóng hình quen thuộc đám bạn của tôi reo vang. Mỹ Yên nhìn tôi bằng cặp mắt thán phục:

-       Anh Vinh giỏi quá dám ngồi một mình như thế!

Cả đám cũng vỗ tay khen tôi, tôi khẽ ra hiệu "Suỵt" một tiếng tay chỉ về phía gian hành lang còn sáng đèn như hiểu ý đám thanh thiếu niên chúng tôi lục tục ra về. Cả đám đã ngáp dài ngáp ngắn vì buồn ngủ. Chúng tôi không biết rằng trò đùa tưởng chừng như vô hại đó khiến cho chúng tôi phải hối hận về sau này.

Tôi về tới nhà là lúc đồng hồ điểm một giờ sáng. Khẽ thay bộ đồ ngủ ra tôi leo lên chiếc giường nhỏ mà ngủ say sưa. Đang ngủ ngon thì tôi nghe tiếng bước chân ai đi trên hành lang một người, hai người rồi ba người. Tiếng bước chân giống như một đoàn hơn mười mấy người đang đi lại trên hành lang nhà tôi giật mình mở mắt ra thì tiếng bước chân lại biến đâu mất. Tôi lại nhắm mắt lại thì tiếng bước chân lại hiện ra nghe rõ mồn một. Tim tôi đập thình thịch tôi mở miệng niệm phật chỉ một chốc sau tiếng bước chân biến mất. Tôi chìm vào một cơn mơ trong mơ tôi thấy mình đứng trước đình làng, tôi nghe có tiếng hát trong trẻo nhìn lên phía trên tôi thấy chị Ái Hoa đang cất giọng hát tôi lại nghe tiếng gọi. Tôi thấy Đại Lộc, Mỹ Lệ, Mỹ Yên và Tứ Mẫn đang ngồi ở hàng ghế được phủ vải đỏ bọn họ quay lại nhìn tôi mà cười. Tôi thấy cả khu vực ghế đã đầy người ngồi cả hai hàng ghế để trống trên cùng cũng vậy. Chỉ chừa duy nhất một chiếc phủ vải đỏ ngay chính giữa, phải chăng nó dành cho tôi?. Tôi thấy một cô gái ngồi ở bìa ngoài cùng phía hàng ghế vải đỏ cô mặc bộ áo vải màu trắng trên có thêu hoa tím cô quay lại nhìn tôi vẫy tay:

-       Phúc Vinh, lại đây lại đây chỗ này là của em này.

Cô gái ấy vừa nói xong thì tất cả những người ngồi trên hai hàng ghế phủ vải đỏ đều quay lại. Trên khuôn mặt trắng bệch là một nụ cười vô hồn lạnh lẽo họ bắt đầu rít lên những tiếng: "Lại đây, lại đây ngồi cùng chúng tao chỗ đấy là của chúng mày, chúng mày phải ngồi đây". Giấc mơ kết thúc. Tôi choàng tỉnh giấc mơ khiến tôi thấy khó hiểu, mồ hôi từ khắp người đã túa ra từ bao giờ. Tôi thức dậy đánh răng rửa mặt ăn sáng rồi chạy ngay đi tìm Đại Lộc. Thật trùng hợp khi tôi vừa tới cổng nó cũng tất tả chạy ra gương mặt hoang mang. Nó kể tôi nghe về giấc mơ đêm qua chúng tôi lấy làm lạ vì sự giống nhau đến mức đáng ngờ của giấc mơ đó. Tôi và Lộc quyết định sẽ tìm ba đứa còn lại trong nhóm chẳng cần đi tìm tôi thấy bộ dạng mệt mỏi cùng khuôn mặt sợ hãi của Lệ, Yên và Mẫn đứng trước cửa nhà. Con chó nhà Đại Lộc thấy khách quen bèn chạy lại vẫy đuôi mừng nhưng bọn họ chẳng còn tâm trí nào mà xoa đầu nó. Chưa vào tới nhà trong Mỹ Lệ đã lên tiếng:

-       Hôm qua Lệ với con Yên nằm mơ.

Thế là Lệ kể lại cho tôi nghe, Mỹ Lệ thấy mình đang ngồi ở hàng ghế phủ vải đỏ bên cạnh có Đại Lộc, Mỹ Yên và Tứ Mẫn nữa. Cô bé thấy nơi dãy mình ngồi có một ghế trống ở ngay giữa như dành cho ai đó, không chỉ có cô và các bạn ngồi ở đó những ghế còn lại và cả hàng ghế phủ vải phía sau đã đầy người ngồi. Họ ăn vận y như những người bình thường duy chỉ có khuôn mặt thì trắng bệch, vô cảm. Họ hướng những ánh mắt vô hồn lên mà xem những người biểu diễn trước sân khấu tiếng vỗ tay cứ chốc vang lên đều đặn và máy móc. Nghe mà đến lạnh người. Mỹ Lệ thở một hơi rồi nói tiếp:

-       Rồi Lệ thấy Lệ và các bạn bỗng quay lại phía sau rồi vẫy tay cho Vinh lại ngồi. Đặc biệt Lệ còn nghe giọng của một cô gái mặc bộ áo vải màu trắng thêu hoa tím nói: "Phúc Vinh, lại đây lại đây chỗ này là của em này" sau đó,... sau đó mới thật sự khủng khiếp thấy Vinh không tới những người có khuôn mặt vô hồn kia bèn quay lại họ rít lên nghe rất đinh tai nhức óc, Lệ sợ, sợ lắm.

Lệ vừa dứt câu cả Mỹ Yên và Tứ Mẫn cũng gật đầu xác nhận là họ nằm mơ cũng thấy vậy. Tôi choáng váng nhìn Đại Lộc chúng tôi đã nằm mơ chung một giấc mơ. Cả ngày hôm đó chúng tôi cứ thấy bồn chồn không yên, chúng tôi nào dám nói cho người lớn về việc thi gan đêm qua dù đã mười sáu, mười bảy tuổi nhưng dù gì chúng tôi vẫn cũng chỉ là những cô cậu thanh thiếu niên háo thắng, vẫn còn phải dựa dẫm vào mẹ cha, chúng tôi vẫn sợ bị đòn, sợ cấm túc nói chung là sợ gặp rắc rối. Chúng tôi đã quyết định sẽ không ai nói về việc xảy ra vào đêm hôm qua cũng như giấc mơ kì lạ kia. Tôi đâu ngờ đêm nay lại xảy ra chuyện quỷ dị.

Đêm ngày thứ năm của tiết Thanh Minh gánh hát biểu diễn vở "Quý Phi Say Rượu" chẳng cần nói chúng tôi cũng biết ai được đóng vai quý phi. Bước lên sân khấu là cái dáng dong dỏng, yêu kiều của chị Ái Hoa. Trời phú cho chị khuôn mặt vốn đã sắc sảo nay chị được vấn tóc, cài trâm trên đầu người ta khéo léo cài cho chị đóa hoa mẫu đơn màu đỏ rực đương còn đang nở rộ. Chị thướt tha trong bộ cổ phục thời Đường với đầm cổ trang chiết eo điệu đà. Sóng áo màu cam của chị cứ thế lả lướt theo từng bước đi uyển chuyển của chị. Chị giả người say rượu y như thật tay cầm bình rượu ngọc chị ca lên khúc hát giọng cao vút. Ngay khi giây phút tôi đang say mê nghe chị hát thì mọi thứ trước mắt tôi bỗng tối sầm lại.

Tôi tỉnh lại đã thấy mình trên giường nhà của bác Phán. Xung quanh là bố mẹ nhìn tôi với ánh mắt lo âu. Ông trưởng làng cho gọi bố mẹ tôi ra gian ngoài một lúc còn tôi nằm trên giường đầu đau như búa bổ chỉ nghe tiếng bố tôi nói gì đó với vẻ lo lắng còn mẹ tôi thì bật khóc. Tôi cố bước xuống giường ra khỏi phòng mắt còn kèm nhem vì vừa tỉnh lại, tôi thấy một người đàn ông tuổi chừng bốn mươi nét mặt tinh anh, nghiêm nghị. Thấy tôi ông nhìn rồi bảo:

-       Thằng bé này bị vong nhập.

Nói rồi ông tiến đến bên tôi mà hỏi:

-       Vinh, cháu từ khi về làng này có đi đâu bậy bạ hay quậy phá chốn linh thiêng nào hay không.

Tôi cắn môi không đáp. Tôi đã hứa với đám bạn là sẽ không nói ra sự thật thế nhưng ông ấy nhìn tôi rồi nói:

-       Không phải một vong đi theo cháu đâu. Có đến tận mười lăm cái vong đi theo họ rất giận dữ. Họ bảo cháu dám ngồi chỗ ngồi của họ cho nên họ đòi kéo cháu theo. Nếu như hôm đó ta không đi xem hát thì cái vong nhập vào cháu đã khiến cho cháu đập đầu vào cột mà tự vẫn rồi.

Nói rồi ông chỉ về phía miệng của tôi, tôi lúc này mới để ý vị trong miệng mình đắng nghét, có mùi hôi hôi tôi chạm vào khóe miệng thì kinh hoàng phát hiện đó là đất cát. Ba mẹ tôi lo lắng tiến đến bên tôi, mẹ tôi nói:

-       Con phải nói thật thì bác đây mới giúp con được. Chuyện tâm linh không có đùa được đâu con.

Tôi biết không thể giấu được nữa tôi bèn kể lại toàn bộ sự việc vào đêm xem xong vở "Ngư ông bắt quỷ" ấy cho mọi người nghe. Ông bác nọ khẽ cau mày nhìn tôi rồi nói:

-       Sao cháu lại dám làm điều đó. Hàng ghế đó đã được làng ta thỉnh vong về ngồi hòng để họ bớt quậy phá cũng như phù hộ cho người làng. Cháu làm như thế khác nào trêu đùa với họ.

Ba mẹ tôi nhìn mà lo lắng, mẹ tôi nghe thế thì oà khóc vừa khóc bà vừa cầu xin:

-       Bác May nếu thế thì làm sao hở bác, có cách nào cứu con tôi không?

Thầy May trầm ngâm một lúc rồi ông nói:

-       Thằng bé và cả những đứa trẻ chơi trò gan dạ vào đêm hôm ấy phải thắp nhang tạ lỗi với vong hồn.

Nói đoạn ông dùng một tờ giấy viết lên những thứ cần chuẩn bị cho bàn lễ. Gồm ba bát gạo trắng, một mâm chay và một mâm mặn. Ông trưởng làng nghe xong thì giận lắm ông mắng Đại Lộc:

-       Biết bạn không phải người vùng này còn dám rủ bạn chơi cái trò trêu đùa tâm linh như vậy. May mà người vong nhập không phải con đó chứ con có bề gì thì trời cũng không cứu nổi con.

Đại Lộc chỉ cúi đầu không đáp. Đúng lúc đó chị em nhà Mỹ Lệ cũng sang tới có cả Tứ Mẫn theo sau. Bọn chúng tôi đều cúi đầu nhận lỗi thầy May kêu mọi người mau chuẩn bị bàn lễ. Đêm hôm đó, trên con đường làng người ta thấy một nhóm người tay bưng hai mâm lễ dẫn đầu là thầy May ăn mặc chỉnh tề. Người làng đi xem cúng lễ rất đông. Họ sắp hai mâm lễ trước bàn của dãy ghế phủ vải đỏ, thầy May trên tay cầm ba cây nhang lầm rầm khấn vái gì đó. Sau đó thầy ra lệnh cho năm người chúng tôi mỗi đứa thắp một cây nhang xin tạ lỗi với vong hồn, mong họ đừng quấy phá nữa. Cắm nhang vào bát hương xong năm đứa chúng tôi đứng trước hàng ghế phủ vải đỏ không một người ngồi mà quỳ xuống dập đầu 49 cái. Chúng tôi vừa dập đầu xong thì nhang trong bát bỗng cháy phừng lên Thầy May lau mồ hôi trán rồi thở phào nhẹ nhõm thầy nói:

-       Vậy là các vong linh chịu tha cho các cháu rồi đó.

Chúng tôi mặt vẫn còn tái xanh nhưng đều ôm nhau mừng rỡ. Mãi sau này tôi mới được bố mẹ kể lại về cái đêm kinh hoàng ấy. Đêm đó, người ta khi đang nghe khúc hát trên sân khấu thì bỗng nhiên họ thấy tôi hét lên một tiếng. Tôi đạp đổ băng ghế trước với một sức mạnh không ngờ khiến cho hai người ngồi phía trước ngã nhào ra đất. Họ tính quay lại chửi tôi nhưng kinh hoàng khi thấy đôi mắt tôi long lên sòng sọc, tôi lúc này như người mất trí cứ nhào xuống đất mà bốc đất ăn. Đám bạn nhất là bố mẹ tôi hoảng hốt chạy tới can nhưng họ chưa đến gần thì tôi đã lồng lên, bố mẹ kể mặt tôi lúc đó trắng bệch miệng tôi gầm gừ như một con thú hoang. Từ hàng ghế cuối một người đàn ông vận đồ giản dị ông lấy từ đâu một cành dâu tằm ông vừa quất vào người tôi vừa nói:

-       Vong nơi nào cớ sao quậy phá? Làng đã cúng kiếng đủ rồi còn chưa được hay sao?

Cành dâu tằm nhẹ bẫng nhưng lại khiến tôi thấy đau đớn, tôi nằm quằn quại trên nền đất tay chỉ về hàng ghế phủ vải đỏ trống trơn miệng nói, chất giọng âm u:

-       Nó, nó dám ngồi chỗ của tao! Tao cho nó ăn đất, tao cho nó đập đầu vào cột kia để nó ngồi với chúng tao.

Sau đó, tôi ngất đi không biết gì nữa. Gánh hát phải tạm ngưng biểu diễn mọi người đưa tôi vào nhà của bác trưởng làng gần đó để sơ cứu. Sau khi lễ tạ lỗi diễn ra tôi ở làng vài ngày cho khỏe hẳn. Ông bà trách tôi sao khờ quá, tôi chỉ biết vâng dạ lòng tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ dám trêu ma ghẹo quỷ nữa. Nói một hơi dài xong, Phúc Vinh ánh mắt nhìn xa xăm. Tôi uống một hớp nước rồi nhìn anh nói:

-       Sau đó thì sao, anh còn bị người âm quấy phá nữa không?

Phúc Vinh lắc đầu anh mỉm cười. Gia đình tôi cũng đã đi chụp hình xong chúng tôi chia tay Phúc Vinh để về khách sạn. Tôi cảm thấy may mắn khi có dịp được gặp anh, được nghe câu chuyện quái dị của anh cũng như rút ra bài học cho bản thân mình. Trước khi đi, tôi nhìn về quán trà sữa mà anh đang kinh doanh tôi chợt thấy có bóng của hai cô gái ngoại hình từa tựa nhau đang mỉm cười kêu Phúc Vinh vào quán, ở quầy thu ngân là một anh con trai cao gầy cũng nhìn cậu mà cười. Lại có thêm một anh con trai ngoại hình ưa nhìn khoác vai Vinh vào trong. Tôi nhận ra đó chính là Đại Lộc, Mỹ Lệ, Mỹ Yên và Tứ Mẫn những người bạn qua lời kể của Vinh sau vụ việc đó tôi nghĩ họ đã trở nên thân nhau và cùng nhau thực hiện ước mơ sống trên thành phố như những gì mà Mỹ Yên nói. Họ còn trẻ giống như tôi đầy nhiệt huyết và tử tế tôi chợt thấy ấm lòng.

Lời tác giả: Câu chuyện cũng đã dài mình xin kết thúc tại đây. Chúc các bạn có một tối Halloween thật vui vẻ và không kém phần kịch tích. Nếu như sau này mình không làm biếng thì cứ mỗi dịp lễ mình nhất định sẽ cho ra những câu chuyện ngăn ngắn để phục vụ bạn. Sở dĩ là truyện ngắn vì mình biết không phải ai cũng có nhiều thời gian rảnh rỗi để mà dành cả một ngày đọc một cuốn truyện dài cho nên mình viết những câu chuyện có độ đài vừa phải để các bạn còn có thời gian làm việc của mình hoặc đi chơi lễ nữa chứ. Mãi yêu các bạn nếu thấy truyện hay các bạn hãy nhấn like cũng như theo dõi mình nhé. <3

Ảnh nguồn: Pinterest

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro