Huân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gia đình của Huân

Trời mưa nặng hạt, những hạt mưa chứa đầy cảm xúc. Vừa nhẹ, vừa to rơi mạnh vào khuôn mặt tôi. Những hạt mưa còn lại cũng làm tương tự như thế. Cả người tôi bị ướt, nhưng tôi không thấy phiền hay khó chịu. Tôi thích mưa, thích cảm giác được ướt đẫm khi tất cả mọi người đều mong mình khô ráo. Đơn giản vì mưa khiến tôi thấy lạnh và không hề buồn. Tại sao ? Những cơn mưa khiến tôi nhận ra mình cô đơn biết dường nào. Cửa chính vẫn đóng. Chưa bao giờ nó được mở ra cả vì bọn tôi không muốn ai khác nhìn thấy cuộc sống của mình. Bọn tôi là gồm tôi và ba mươi bảy thằng con trai khác. Chúng tôi lớn lên cùng nhau mà chẳng biết bố mẹ mình là ai, sinh nhật mình ngày mấy và tên thật là gì. Hầu hết tên và ngày sinh của bọn tôi là do các quản giáo đặt. Vì họ thường nhặt được chúng tôi ở ngoài cổng. Vâng chúng tôi là trẻ mồ côi, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Tôi dắt xe qua cổng phụ, nó khá nhỏ và khuất. Tôi thường về khá trễ , phần là do lịch học nhóm ở nhà bạn. Bọn tôi làm gì có tiền đi học thêm. Thì đứa nào đi học thêm thì chỉ lại cho tôi. Tôi thấy bọn thằng Tú đang chơi đá cầu ở sân. Thấy tôi vào , bọn nó từng đứa một hét lên : “ Anh Huân mới về.” Chúng nó nhỏ hơn tôi một tuổi. Ở đây tôi là một trong những thằng có độ tuổi trung bình. Anh lớn nhất thì mới hai ba , đứa nhỏ nhất thì mười bốn. Hồi còn nhỏ, chúng tôi ở chỗ khác. Ở đó rộng hơn ở đây nhiều và bọn tôi có cơ hội được nhận nuôi dễ hơn. Nhưng lớn rồi thì phải chuyển tới đây. Tất cả đều đã qua cái tuổi gọi là  “ dễ nuôi.” Quản giáo sẽ tới đây vào mỗi cuối tuần để kiểm tra. Còn lại tất cả mọi việc như : “ Giặt giũ, nấu cơm, đi chợ,…” đều do chúng tôi chia nhau ra làm. Hầu hết chúng nó đều chọn đi học nghề còn tôi thì chọn đi học chữ. Tôi khát khao được bươn chải ngoài xã hội như người có học thức. Tôi cố gắng thi vào một trường điểm trong thành phố cho dù nó có xa đến thế nào. Khoảng thời gian đi học ở trường là lúc tôi yếu đuối nhất. Vì tôi mặc cảm. Khi đi học, tụi bạn có bố mẹ đưa đón, đi về thì có người chờ đợi ở nhà để ăn cơm, mỗi khi được nghỉ tụi nó sẽ tụ họp lại xem nên đi chơi ở đâu, ăn cái gì. Hầu như tôi không thể kết bạn vì do hoàn cảnh của mình. Mỗi ngày tôi toàn tới trường rồi về nhà chung để học. Tôi rất thân thiết với anh Cường và thằng An cùng phòng, anh Cường lớn nhất trong đám bọn tôi. Anh cũng mới vừa học xong đại học và đang đi làm trong một công ty nhỏ. Anh là người hay chăm lo cho cả bọn, đồng thời quản lí và dạy dỗ những thằng hư hỏng. Anh như anh trai tôi vậy. Nói thật ra bọn tôi đều là anh em của nhau cả, vì có đứa nào có cha mẹ đâu mà cũng đã sống cùng từ lúc nhỏ. Vì biết tôi thích mưa nên anh chọn cho tôi một ngày nhiều mưa nhất trong năm để kỉ niệm, ngày mùng bảy tháng bảy âm lịch. Hôm sinh nhật thứ mười tám để chuẩn bị cho tôi thi đại học. Nhà chung mở một buổi tiệc nhỏ để chúc mừng. Khuôn mặt chúng nó , đứa nào cũng cười rạng rỡ. Vỗ vai, động viên, chúc mừng. Ngày hôm đó tôi nhận được khá nhiều sự quan tâm. Tối đó tôi nói thầm với thằng An :

- Khi nào đậu đại học tao sẽ xin ở ký túc xá của trường. Tao muốn sống một mình.

Có lẽ là do tôi chán cái cảnh sống chung với cả lũ con trai như thế này rồi. Nhưng cũng là do tôi thèm được sự riêng tư. Nghĩ đến cảm giác luôn phải sinh hoạt chung với cả lũ con trai , tôi muốn đi ngay. Và rồi tôi đậu đại học với số điểm đứng thứ hai toàn trường. Tôi nhận được học bổng bốn năm học và được miễn phí toàn bộ chi phí ăn ở. Hôm tôi chuẩn bị chuyển đồ vào kí túc xá, chúng nó nhìn tôi như kiểu : “ Mày đi luôn hả ?” Chúng nó không sai. Có thể lần này tôi sẽ không trở về nữa. Tôi sẽ ở nơi mà chẳng ai biết tôi là thằng mồ côi. Anh Cường chở tôi đến trường cùng vài chiếc ba lô. Trước khi đi anh còn bảo :

- Khi nào rảnh thì về thăm mấy đứa nhỏ nha Huân.

Khi anh quay đầu xe về , tôi thấy nghẹn. Nghĩ thầm trong đầu : “ Anh ,em không về nữa.” Thời gian học đại học không có gì quá khó khăn. Tôi vẫn không thể kết bạn, chỉ nói chuyện với vài đứa chung phòng. Mọi thứ cứ trôi qua đi cho đến khi kết thúc năm học, chuẩn bị đón hè thì tôi đã có được sự riêng tư mà tôi hằng mơ ước. Lũ bạn cùng phòng đều xách va li về quê. Ký túc xá vắng hơn , trường dường như rộng hơn. Tôi có thể tận hưởng khoảng không tĩnh lặng trên sân bóng đá, thừa hưởng sự lặng im ở thư viện, hài lòng với những chỗ trống trong phòng. Nhưng chỉ được vài ngày thì tôi bắt đầu cảm thấy chán. Tôi đạp xe ra phố , để bù lại sự thiếu hơi người mấy ngày nay. Tôi dắt xe đi trên lề đường. Nhưng con phố đông đúc lại phụ lòng tôi. Mỗi người trên phố dường như có niềm vui riêng. Các cặp trai gái, những gia đình vui cười bên nhau. Chỉ thiếu mỗi tôi, một thằng con trai mới lớn đang kêu gào trong thâm tâm được gọi tên ai đó là người thân. Tôi không quay trở lại nhà chung. Tôi cứ đi, nhưng lại dừng chân trước tiệm bánh kem hôm nào. Ngày đó, tôi với bọn trẻ  con trong nhà hay đi đá banh với nhau. Bọn tôi đi qua tiệm bánh rất lớn. Hửi mùi bánh thơm bay từ trong tiệm, đảo mắt với những chiếc bánh cực kì ngon mắt. Lần đó cũng sắp đến sinh nhật thằng An nên nó cứ dán mắt vào chiếc bánh kem đẹp nhất ở tiệm. Chúng tôi rỉ tai nó : “ Mình không có tiền đâu. Để tụi tao mua cho mày cái rẻ hơn.” Thằng An cười tươi nói : “ Tao không thèm mấy thứ đắt tiền đâu. Tụi bây cho gì tao ăn nấy thôi.” Biết nó nói vậy để an ủi bản thân thôi chứ mấy thứ này thì đứa này chẳng thèm. Tình cờ bọn tôi nhìn thấy một cô bé oà khóc trong cửa tiệm, con bé vừa khóc vừa đòi chiếc bánh khác nhưng ba mẹ nó đã đặt người ta rồi. Nó cứ luôn miệng bảo cái bánh không đẹp, cái bánh dở không ngon. Bọn tôi cười xuề với nhau : “ Nhỏ đó đua đòi quá tụi bây.” Chúng tôi cũng đua đòi đấy nhưng lấy đâu ra điều kiện để khóc toáng lên khi không có thứ mình muốn. Chúng tôi tự nhắc nhở nhau  : “ Trẻ mồ côi thì lấy đâu ra cái quyền được đòi hỏi.” Thế rồi kí ức ấy qua đi nhưng lại chợt ùa về làm tôi nhớ tụi nó da diết nhưng cứ nhắc lòng : “ Mày đi rồi thì không được quay trở lại.” Tôi lại trở về kí túc xá. Cố gắng làm mình bận rộn bằng cách học bài. Nhưng rồi, tôi nhận được một tin khủng khiếp khiến tôi không thể nào không về : “ Thằng An bị đánh đến gần chết trong bệnh viện.” Tôi chạy ngay đến bệnh viện không suy nghĩ. Vừa đi vừa cầu trời cho thằng An không bị gì. Nghe đâu nó đi phụ bán quán ăn nhưng chủ quán nghi nó ăn cắp tiền, vừa chửi vừa nhắc đến hai chữ mồ côi. Thằng An tức quá nên mới lao vào đánh người ta nên mới bị xông vào đánh túi bụi. Bọn tôi, mấy đứa trẻ mồ côi rất ghét hai chữ mồ côi vì khi nghe đến nó tôi tưởng như mình đứng bên rìa xã hội vậy. Người ta sẽ nghĩ bọn tôi là lũ không có ăn học , là cặn bã của xã hội. Mấy thằng khác cũng đến đông đủ khi nghe tin. Tôi đứng bên giường bệnh của thằng An, dường như nó nghe tên tôi nên nói khó khăn : “ Mày đến rồi hả Huân ? Khoẻ không Huân ?” Nói đến đó tôi trào nước mắt. Giá như tôi ở đó, bênh vực cho nó như cái hồi bọn tôi bị người ta bắt nạt. Giá như tôi dùng cái thân gầy gò của mình đỡ cho nó vài cái đánh đau đến điếng người. Giá như….tôi chưa từng rời đi. Khi An ngủ thiếp đi, anh Cường kéo tôi ra ngồi một góc vắng người. Anh bắt đầu nói :

- Lúc em nói với nó đậu đại học rồi đi. Nó buồn lắm nhưng không nói. Khi em dọn đi hẳn, ngày nào nó cũng ngồi trước nhà đợi em. Vì nó muốn hy vọng sẽ có ngày em dắt xe qua cổng nhỏ. Nhưng rồi em không quay trở lại, không một cú điện thoại hay thư từ thì nó mới thôi không chờ nữa. Anh biết nó buồn nên mới ngỏ lời chở nó qua thăm em. Nó mới bảo : “ Thằng Huân nó không muốn gặp lại mình đâu anh.”

Nghe từng chữ anh Cường nói, tôi đau lòng.  Tôi đã trở nên như thế sao, một kẻ quay lưng với bạn bè. Tôi chưa bao giờ quên khoảng thời gian ấy. Bọn trẻ con ở nhà chung hay đi tắm mưa với nhau, đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ cho dù con đường có xa đến cỡ nào, những bữa cơm ồn ào nhưng ấm áp và những lúc bày trò chọc phá những đứa mới vào. Tôi chỉ không muốn nhớ lại. Tôi cố chối bỏ xuất thân của mình đến nỗi tôi chưa kịp nhận ra mình đã ích kỉ đến dường nào. Những giọt nước mắt lạnh lẽo, tội lỗi rơi trên mặt tôi. Anh Cường tiếp tục nói :

- Anh biết em đã lớn, đã có những suy nghĩ riêng cho mình. Nhưng em cũng nên vài lần về lại đây, ai cũng nhớ em cả. Hôm anh thi đỗ đại học, anh cũng nhận được lời đề nghị học tập ở đất nước xa lạ nhưng anh từ chối tất cả. Anh lo cho bọn em. Không biết mọi chuyện sẽ ra sao nếu anh đi, bọn em có được ăn uống đầy đủ, dậy đi học đúng giờ không. Anh thương mấy đứa lắm. Mỗi ngày anh đều mong mình có thật nhiều tiền để mấy đứa không thiếu thốn gì cả.

Tôi ôm anh Cường. Cái ôm đòi hỏi sự tha thứ và an ủi. Tôi cứ nói : “ Em sai rồi, sai thật rồi anh.” Anh Cường vỗ lưng tôi, anh chưa bao giờ giận tôi cả.

Sau lần ấy, tôi quyết định dọn về lại nhà chung. Tôi muốn san sẻ trách nhiệm cho những người anh em mình. Đồng thời tìm lại những kí ức bị đánh mất bởi sự ích kỉ của riêng mình, tôi muốn ở đó cho đến khi tôi buộc phải rời đi. Thằng An dần khoẻ lại. Bọn tôi cùng đi về nhà chung, cùng dùng chung một bữa cơm và ngủ chung phòng như lúc xưa. Thật ra nhà chung cũng to nhưng vì chúng tôi có quá nhiều người nên nó nhỏ lại. Tôi không thấy phiền, tôi tập cách chia sẻ, vì trong thế giới này những người đồng cảnh ngộ sẽ luôn chở che cho nhau. Tôi từng thèm khát được có một gia đình đúng nghĩa nhưng giờ thì không quan trọng. Tôi đã có một gia đình cho riêng mình. Những thằng con trai mồ côi sống chung một mái nhà và những cảm xúc hoà vào làm một. Cho dù nhà chung có nhỏ lại, cho dù giường của tôi phải nhường cho ai đó, cho dù những bữa cơm có thiếu thốn thì tôi vẫn hạnh phúc. Ít ra trên hành trình này, tôi không hề đơn độc. Có anh Cường, có An, có mấy thằng con trai trong ngôi nhà thân thuộc sẽ luôn ở bên tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro