Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong một góc kinh đô sầm uất, một tiếng gõ búa vang lên, chỉ thấy một ông lão râu tóc bạc trắng từ tốn cất giọng:

"Hôm nay tiếp tục nói về Long Môn Khách Trạm. Ở chương trước, khi đám người Chu Hoài An bị làm khó dễ không thể xuất quan, lại biết được trong phòng bà chủ quán trọ Kim Tương Ngọc có một mật đạo thông thẳng ra ngoài. Tin tức này đối với bọn họ mà nói giống như hạn hán lâu năm gặp mưa rào, vô cùng cấp thiết. Vấn đề là, mật đạo này há lại để người khác tuỳ tiện sử dụng? Kim Tương Ngọc vì thế đưa ra yêu sách, muốn Chu Hoài An cưới nàng!"

Dưới đài, đám người vốn đang chăm chú lắng nghe bắt đầu xì xầm nghị luận. Một kẻ lớn gan giơ cánh tay lên, hỏi: "Kim Tương Ngọc thật sự thích hiệp lữ như Chu Hoài An sao? Tôi còn tưởng nữ tử hoang mạc không câu nệ tiểu ái chứ?"

Ông lão lướt qua những cặp mắt mong chờ được chứng thực của quần chúng. Đoạn, phóng tầm mắt ra xa, thần sắc như thể đang hồi tưởng lại một câu chuyện rất lâu về trước.

"Kỳ thật, nàng vốn không phải tên Kim Tương Ngọc. Cũng không phải từ nhỏ đã sinh ra ở hoang mạc rộng lớn. Nàng chính là khuê nữ, con gái út một vị thương gia ở kinh thành.."

Một bức tranh cuộn tròn theo những thăng trầm trong thanh điệu của lão dần khai mở..

Ngày khai xuân* yết bảng, Ngọc nương thức dậy từ sớm, chải tóc, cắm hoa, hết lần này đến lần khác đổi trâm cài đầu. Nha hoàn bên cạnh trêu đùa rằng ai không biết còn tưởng tiểu thư mới là người ứng thí.

*Thời nhà Minh, kỳ thi Trạng Nguyên, danh sách sẽ được công bố vào mùa xuân tháng Hai. Kỳ thi mùa xuân gọi là "Khai xuân", còn gọi là "Hội xuân", kéo dài chín ngày, vào các ngày 9, 12 và 15 tháng Hai âm lịch, có ba kỳ, mỗi kỳ kéo dài ba ngày. Ngày xưa, kỳ thi cấp tỉnh được tổ chức ba năm một lần.

Ngọc nương cũng không trách, chỉ ngượng ngùng bảo thị nữ đi lấy bộ xiêm y đỏ vừa mới may năm nay, nàng muốn cho Chân lang vui..

Thị nữ mỉm cười đáp ứng nàng, Ngọc nương đợi người đi rồi, trên mặt càng nhịn không được nở nụ cười rạng rỡ.

Nàng cùng Chân lang thuở nhỏ quen biết, là thanh mai trúc mã, tình chàng ý thiếp đã tỏ từ lâu. Cha mẹ Chân lang bị hoạn đảng hãm hại, cùng với cha mẹ nàng cũng xem như có giao tình bằng hữu. Phụ thân Ngọc nương ra điều kiện chỉ cần Chân lang đỗ đạt, ông liền đồng ý mối hôn sự này.

Tài học của Chân lang phỏng chừng người người gần xa đều biết, yết bảng là chuyện Ngọc nương vốn không hề lo, trong lòng thập phần nôn nóng, trông đợi ngày Chân lang cưỡi tuấn mã đến đón nàng..

Còn chưa đến giờ Tỵ, thanh âm của tiểu tử gác cổng đã vang vọng khắp phủ, chờ nó từ cửa chính chạy tới trong sân, Ngọc nương vội vã đi ra, chắn chắn những gì mình nghe thấy:

"Tiểu thư, cô gia trúng...cô gia trúng tuyển rồi!"

Dù không hề lo lắng nhưng khi biết tin, Ngọc nương đầu óc nhất thời trống rỗng, sau đó lại mừng rỡ khôn xiết, bèn gọi nha hoàn đến hướng tiểu tử ban thưởng.

Nha hoàn đem bạc vụn nhét cho tiểu tử, thuận thế dùng tay đẩy đẩy trán nó, oán trách: "Tiểu thư nhà chúng ta còn chưa gả, ngươi đã liên miệng gọi cô gia rồi! Đúng là không biết lễ nghĩa mà!"

Nàng tuy miệng nói như vậy, nhưng đáy mắt lại tràn ngập vui vẻ.

Tiểu tử gác cổng nhận thưởng, sung sướng rời đi. Ngọc nương đứng ở bậc thềm hồi lâu, mỉm cười, khoé mắt có giọt lệ rơi xuống.

Nha hoàn đi qua, muốn dùng tay thay khăn giúp nàng lau nước mắt, Ngọc nương khẽ tránh né, lấy tay gạt lệ.

"Ta chỉ là quá vui."

Một lát sau, có bàn tay yếu ớt rụt rè chạm lên vai, Ngọc nương quay đầu lại: "Tiểu Thuý, ta thật sự không có việc gì.."

Lời chưa nói hết đã lập tức im bặt, đập vào mi mắt không phải là nha hoàn tiểu Thuý, mà chính là người nàng ngày đêm mong nhớ, Chân lang. Nước mắt vốn đã ngừng rơi một lần nữa trực trào.

Thời khắc này Chân lang đã là trạng nguyên, hẳn nên ở bên ngoài nhận lời chúc phúc của huynh đệ đồng học hoặc là chịu cảnh được quan chức để mắt đến. Không nghĩ tới lại xuất hiện trước mặt nàng.

"Ngọc nương, sao lại khóc? Nàng không muốn gả cho ta sao?"

Ngực Chân lang như ý nguyện bị một nắm đấm hờn dỗi giáng trúng, là Ngọc nương của hắn, không sai.

Ngắm nhìn khuôn mặt như hoa ngọc trong lòng mình. Bất chấp nội tâm đang cuộn trào, hắn nắm lấy tay người yêu, trên khoé môi là nụ cười thoả mãn.

"Ngọc nương, ta rốt cuộc đã có thể cưới nàng làm vợ."

Ngọc nương khi ấy tựa vào trong ngực hắn, không nói gì. Nhưng thâm tâm đã lặp đi lặp lại vô số lần, tựa như nàng ngày đêm hằng mong ước.

Ta rốt cuộc cũng gả cho chàng rồi.

Kỳ thi mùa xuân hơn tháng sau sẽ tiến hành khảo hạch. Phụ thân sớm đã chuẩn bị tốt, đợi cung khảo kết thúc, hôm sau sẽ là đại hôn của nàng.

Trước ngày Chân lang tiến cung, Ngọc Nương tự mình tết tóc. Buộc dây xong, Chân lang đã nắm lấy tay nàng:

"Ngọc nương, sau khi thành thân, mỗi ngày đến lượt ta tết tóc cho nàng."

Ngọc nương cứ như vậy để hắn nắm tay mình, nhìn thân ảnh của hai người trong gương, giả vờ ghét bỏ nói: "Chàng sao? Quên đi, chàng suốt ngày chỉ biết đọc sách, ngay cả tự tết tóc cho mình cũng hỏng bét, đừng gây hoạ cho ta."

"Vi phu có thể học, phu nhân chẳng lẽ còn không biết, vi phu học cái gì cũng rất nhanh."

Ngọc nương vốn ít bị trêu chọc, tuỳ tiện nói một câu cũng có thể khiến nàng ngượng ngùng nửa buổi.

"Chàng đúng là thư sinh, chỉ giỏi nói hưu nói vượn."

Ngọc nương thoát khỏi vòng tay hắn, quạt quạt trên mặt, tựa hồ đang bốc nhiệt khí.

"Vậy từ nay đổi lại, nương tử tết tóc cho ta đi?"

"Chàng nhanh một chút biến đi!"

Ngọc nương đem hắn đẩy ra ngoài, khép cửa lại, xoay người tựa vào trên cửa.

"Được, được, Ngọc nương chớ giận. Đợi ta, ngày mai..." - Ngoài cửa Chân lang cười một tiếng, có chút si ngốc: "Ngày mai ta đến cưới nàng."

Chờ tiếng bước chân xa dần đến khi tĩnh lặng. Ngọc nương mới dám hé cửa, vô thức đuổi theo vài bước rồi dừng lại.

Nàng chờ đợi, ngày mai Chân lang sẽ đến đón nàng.

Nhưng ngày mai còn chưa kịp tới, thời điểm về khuya, từ trong nội cung truyền đến một thánh chỉ.

Trạng nguyên Chân lang, chẳng biết vì cớ gì khi quân phạm thượng, ắt sẽ đại nạn.

Thương nhân trong kinh đô đều là những kẻ thức thời, từ xưa hễ có hoạ liền tất tránh dính dán. Ngọc nương kia lại hứa hôn với Chân gia, phụ thân nàng lập tức muốn dẫn gia quyến rời kinh ngay trong đêm.

Ngọc nương dĩ nhiên không đồng ý, rõ ràng chỉ một chút nữa thôi là có thể bên nhau trọn đời. Bọn họ sớm đã ở dưới trăng thề non hẹn biển, nàng sao có thể nhẫn tâm bỏ mặc hắn.

"Ta thế nào lại sinh ra nha đầu ngu xuẩn như ngươi? Một cái mạng hắn há có quan trọng bằng cả nhà ta không?!"

"Phụ thân trước đã hứa chỉ cần Chân lang đỗ trạng nguyên sẽ gả con gái, hôm nay gặp chuyện liền sợ tránh không kịp. Trên đời nào có đạo lý.."

Một cái tát đem lời nói của Ngọc nương cắt đứt, thê thiếp rất nhanh vây lấy phụ thân, từ trên cao nhìn xuống nàng.

"Ngươi có đi hay không?"

Từ đó trở về sau, kinh thành bớt đi một thương gia, nhưng Thuận Thiên Phủ lại xuất hiện thêm một tiểu cô nương ngày ngày đến bái phỏng.

Ân phủ Thuận Thiên vô cùng phiền não, tiểu tử họ Chân kia kinh tài nguyệt diễm, ở trong Kim Cung được trưởng công chúa bệ hạ sủng ái nhất nhìn trúng, hắn thế nhưng cận kề cái chết vẫn từ chối tứ hôn. Về phần rốt cuộc là rơi vào ngục giam hay đã chết, cái này hắn hoàn toàn không biết.

"Cô nương, hay là sớm hồi tâm chuyển ý, tìm một vị hôn phu khác gả đi."

Nhìn nữ tử như trước vẫn cố chấp quỳ gối ở đại điện, Ân phủ Thuận Thiên bị tình ý lay chuyển, đành phải nói dối nàng:

"Hắn bị kết án lưu đày đến sa mạc Tây Bắc, e là các ngươi kiếp này vô duyên.."

Hắn sợ nếu nói cho tiểu cô nương biết tình lang đã chết vậy chẳng khác nào đem nàng ra xử tử. Biên thuỳ Tây Bắc núi cao đường xa, nguy hiểm vạn phần, nam tử bình thường đi đến đó cũng trùng trùng điệp điệp trở ngại, đừng nói chi một nữ nhân không nơi nương tựa. Hắn đây là muốn khuyên nhủ nàng buông bỏ quá khứ, bắt đầu lại cuộc sống mới.

Ngọc nương trầm mặc một lát, dập đầu cảm tạ sau đó rời đi.

Ân phủ Thuận Thiên thở dài một hơi, cảm thán: "Ða tình chỉ hữu xuân đình nguyệt. Do vị ly nhân chiếu lạc hoa."

*Hai câu thơ trên được trích trong bài thơ Ký Nhân - 寄人 (Nhớ Người) của nhà thơ Trương Bí (张泌).
Nội dung của bài thơ như sau:

Biệt mộng y y đáo Tạ gia
Tiểu lang hồi hợp khúc lan tà
Ða tình chỉ hữu xuân đình nguyệt
Do vị ly nhân chiếu lạc hoa.

Tạm dịch:

Xa rồi nàng Tạ nhưng vẫn cứ mơ về
Nhớ hành lang quanh co, lan can gấp khúc trong nhà
Chỉ có bóng trăng là đa tình ở trong sân chiếu rọi
Soi rõ bóng hoa rơi với người buồn biệt ly.

Ánh trăng sáng tỏ, Tào Thiên Tuế cách cửa đại lao, lặng lẽ nhìn nam nhân khoanh chân ngồi trên mặt đất. Hắn tuy bị cực hình tra tấn dã man, tóc tai tán loạn, nhưng quanh thân như cũ tản ra loại khí chất cao quý bất khả xâm phạm, không ai sánh bằng.

Tào Thiên Tuế nghĩ, dám ở trên đại điện cự tuyệt công chúa như thế, cái này có lẽ được coi là khí tiết của người đọc sách.

"Chân công tử."

Hắn đơn phương gọi một tiếng, đôi mắt sắc bén của nam nhân lập tức loé lên: "Hoạn quan, ngươi dám?"

Trùng hợp thay, hắn từ trước đến nay ưa thích nhất là bẻ gãy xương sống của những thư sinh miệng đầy nhân nghĩa đạo đức này..

Từ kinh đô đến Tây Bắc, Ngọc nương rời đi đã hơn nửa năm. Hết thành trì này đến thành trì khác đều băng ra vô số đường dẫn, nàng phải tự mình vạch nên một lối đi.

Chẳng qua vào lần đầu tiên dùng sắc bán thân nhằm đổi lấy minh lộ mới, nàng đã không còn là cô tiểu thư Ngọc nương xinh đẹp ngày trước.

Lần lượt trằn trọc trên những chiếc giường chỉ để tiến gần Tây Bắc hơn, nàng quyết định thay tên đổi họ.

Kim Tương Ngọc.

Bởi vì Chân lang yêu trúc, có một loài trúc tên là trúc Hoàng Kim, còn gọi là Kim Tương Ngọc trúc.

Sau này, nàng trải qua trăm nghìn cay đắng, nếm đủ loại gian khổ, cuối cùng đến được vùng hoang mạc Tây Bắc đầy gió cát, nơi doanh trại với hàng vạn binh sĩ.

Hoặc là chinh chiến, hoặc là bị lưu đày.

Tìm được Chân lang tựa như mò kim đáy biển, để thuận tiện thăm dò, Kim Tương Ngọc cùng một tiểu thương người Hồ mở một quán trọ.

Nàng đặt tên là Khách Trạm Long Môn.

Tại quán trọ này, nàng ngủ với Thiên Hộ, ngủ với tướng quân, cũng ngủ với thương gia Nam Bắc khắp chốn. Mục đích, ngay sau khi xong chuyện đều sẽ hỏi thăm tung tích của Chân lang.

Về sau, nàng không dám hỏi nữa.

Nàng sợ nghe được tin tức mình không muốn. Phu quân của nàng, Chân lang, một thư sinh văn nhược, suốt ngày chỉ biết chi, hồ, giả, dã,* ngay cả một con gà cũng không dám giết, chỉ sợ hắn đã sớm tử trận sa trường.

*Chi, hồ, giả, dã (之乎者也) là bốn hư từ thông dụng trong Hán văn cổ để làm trợ ngữ từ để âm vận câu văn được êm tai, réo rắt hơn, hoặc tăng thêm ngữ khí. Cho nên "chi, hồ, giả, dã" thường được dùng để chỉ những lời lẽ sáo rỗng, chẳng có nghĩa lý gì. Do vậy, chúng thường được dùng để ví với những gì hư huyễn, không thực tế. Làm chuyện "chi hồ giả dã" tức là làm chuyện phù phiếm, không thiết thực.

Thế nhưng chỉ cần nàng không nghe được tin tức về cái chết của hắn, liền sẽ nghĩ rằng hắn vẫn còn sống khoẻ mạnh nơi nào đó. Chính vì thế mà một mực ở Long Môn chờ đợi, chờ đợi ngày tương phùng.

Hiệu sách là nơi duy nhất trên con phố huyên náo còn yên tĩnh. Có người bụng đầy nghi vấn, cuối cùng nhịn không được hỏi: "Chẳng lẽ Chu Hoài An chính là Chân lang năm đó?"

Ông lão vuốt vuốt râu, lắc đầu nói: "Cũng không phải."

"Ngươi có nhớ kẻ lúc đầu bước vào quán trọ, nghĩa tử của Tào Công, một trong ba kẻ đứng đầu Đông Xưởng không?"

Người kia ngẫm nghĩ một lúc, chợt cảm thấy huyết dịch quanh thân cũng nguội lạnh đi.

....tiểu sinh họ Chân.

"Hư hư thật thật, Giả Giả Chân Chân."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro