Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chiếc xe khách chật kín người khó khăn di chuyển trên con đường đầy rẫy ổ gà, ổ vịt.

Trong xe rung lắc dữ dội, hành lý chất đống ngổn ngang dưới chân các hành khách. Một đống mùi hỗn tạp xen lẫn vào nhau. Mùi mồ hôi, mùi nước hoa và cả mùi xe nữa. Thế nhưng không ai mở cửa sổ cả, chỉ có điều hoà đang bật và tiếng mọi người rôm rả trò chuyện không dứt.

Còn tôi thì chỉ muốn nôn.

Không khí cực kì ngột ngạt khó chịu. Với một đứa say xe nặng như tôi thì đúng là địa ngục trần gian.

"Này cháu, có sao không vậy? Nhìn mặt cháu xanh xao quá, bị say xe hả?"

Bỗng có ai đó vỗ vỗ vai tôi cất giọng hỏi. Tôi quay sang nhìn bên cạnh thì thấy một dì trạc tuổi mẹ tôi đang lo lắng nhìn mình. Từ lúc lên xe đến giờ khó chịu quá nên tôi cũng chẳng thèm để ý người ngồi cạnh như nào.

Tôi cố nặn ra một nụ cười gượng, đáp: "Dạ."

Dì ấy nghe thấy thế thì lục tìm trong túi xách một hồi rồi lấy ra một chai dầu nước xanh.

"Đây, con thoa vào bụng với cổ ấy, hiệu quả lắm đó."

Rồi lại dúi vào tay tôi vài viên kẹo bạc hà.

"Cả cái này nữa, ngậm vào cho thông họng nha con. Một lát thôi là con thấy dễ chịu liền. Con gái cô cũng hay say xe nên cô rành mấy chuyện này lắm."

Dì ấy vừa nói vừa mỉm cười nhìn tôi, vết chân chim ở đuôi mắt cong cong nhìn thật phúc hậu làm sao.

"Dì làm con nhớ mẹ quá, muốn nhanh về nhà ôm mẹ một cái..."

Tôi nhìn dì ấy hồi lâu rồi chợt bật thốt thành lời.

Dì cũng rôm rả đáp lại: "Ha ha, con bé này! Con ôm dì một cái cũng được mà. À mà, con cũng đang về nhà ăn tết nhỉ? Nhà con ở đâu, đang đi học à, chắc đang nôn nao trong lòng muốn về tới nhà lắm phải không? Cô thì..."

Thế là cô kể hết chuyện này tới chuyện kia của gia đình cô cho tôi nghe. Từ việc con gái cô vừa sinh xong, chồng cô chuẩn bị nghỉ hưu, con trai thì ngày mai mới chịu về nhà, con cún nhà cô bị ốm vừa khỏi đến việc năm nay cúng ông bà bao nhiêu mâm, ngày tết cô định sẽ đi nhà nào trước... Vân vân và mây mây, trên trời dưới đất chuyện gì trong nhà cô cũng đem ra tán gẫu được. Cô còn hỏi rất nhiều chuyện về tôi và gia đình tôi. Thấy cô nhiệt tình lại tốt bụng tôi cũng cố tiếp chuyện. Chỉ là đầu tôi cứ ong ong như búa bổ, chứng say xe chẳng mấy khá hơn.

Thế là chúng tôi một đường tám chuyện đến tận nhà. Cô xuống xe trước tôi, vừa bịn rịn nắm chặt tay tôi vừa tỏ vẻ luyến tiếc không thôi. Ngặt nỗi cô không sử dụng điện thoại nên cũng không biết phải làm sao. Tôi thì chỉ biết cười cười hẹn lần sau có duyên gặp lại.

Vẫn còn một chặng đường khá dài trước khi đến nhà. Xuyên qua cửa kính xe, tôi nhìn thấy phía chân trời xa xa là một mảng đỏ rực như lửa cháy. Hoàng hôn từ từ bị bỏ lại sau những tán cây rậm rạp ven đường. Màn đêm cũng dần buông xuống, trong xe yên tĩnh hơn hẳn.

Tôi lim dim, mắt chớp mắt mở nhìn ra cảnh vật lần lượt vụt qua trước mặt.

Buồn ngủ quá...

Tôi tựa mình vào ghế, định chợp mắt một lúc, chỉ một lúc thôi. Nào ngờ ngủ đến tận lúc xuống xe, còn phải nhờ bác tài gọi dậy, thật là xấu hổ mà.

Vừa đến nơi tôi đã chạy vội khắp nhà tìm kiếm bóng dáng của mẹ. Nhưng không phải đi đâu xa vì tôi đã xác định được vị trí chính xác ngay khi ngửi thấy mùi thịt kho tàu quen thuộc. Quả nhiên tôi nhìn thấy bóng lưng thân yêu của mẹ mình đang cặm cụi trong bếp. Tôi vội vàng chạy đến ôm lấy bà từ phía sau.

"Mẹ! Con về rồi đây!"

Mẹ đang bưng rổ rau mồng tơi vừa mới rửa xong vào bếp định đổ vào nồi thì bị tôi làm cho giật mình. Rổ rau rơi xuống đất vương vãi cả ra sàn nhà. Bà vừa bất ngờ vừa ngỡ ngàng trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi. Rồi bà cũng ôm chặt lấy tôi rưng rưng trách móc: "Con nhỏ này! Thiệt tình! Giờ này mới chịu về đó hả?! Thằng Khang nó cứ nhắc con mãi thôi!"

Thế là hai mẹ con vừa nấu nướng vừa liên tục chuyện trò không dứt. Mẹ hỏi cuộc sống của tôi ở thành phố thế nào rồi, chuyện học hành của tôi ra sao. Tôi thì chỉ trả lời suông cho có, dù sao lần nào về mẹ chẳng hỏi mấy câu này. Ôi giời, các bà mẹ ấy mà, luôn càm ràm về nhiều thứ mà chúng ta cảm thấy không mấy quan trọng. Thấy tôi trả lời qua loa mẹ hình như có chút khó chịu rồi. Tôi vội chuyển chủ đề sang chuyện ở nhà dạo này như nào, bên hàng xóm có chuyện gì vui không, chuyện trong dòng họ,... Chuyện gì thú vị đều đều hỏi cặn kẽ hết. Cứ thế cho đến tận tối muộn.

Mẹ tôi là một người phụ nữ rất dịu dàng, đảm đang. Kể từ khi ba mất, mẹ một mình gồng gánh gia đình nuôi hai chị em tôi khôn lớn. Bà không bao giờ mở miệng than thở cho dù cuộc sống có khốn khó cỡ nào. Có lẽ vì nghĩ chúng tôi rất đáng thương khi không có ba bên cạnh, đối với con cái bà cũng không bao giờ quá khắc khe. Mẹ luôn nở nụ cười bao dung mỗi khi tôi phạm phải sai lầm, không trách cũng không mắng.

Mẹ thật sự là một người phụ nữ rất tuyệt vời. Tôi rất yêu mẹ, dù có bắt tôi phải chết vì mẹ tôi cũng sẵn lòng. Trên thế gian này, mẹ là tất cả đối với tôi, là lẽ sống của đời tôi.

Thế nhưng có lẽ tôi không phải là duy nhất đối với mẹ.

"Linh à, thằng Khang nó lại về muộn rồi. Nói là đi ra ngoài chơi với bạn một chút mà đến giờ này vẫn chưa về, mẹ lo quá..."

Một câu thằng Khang, hai câu thằng Khang. Mẹ luôn thiên vị em trai tôi, lúc nào cũng chỉ biết nhắc đến em ấy.

Tôi đành nhẹ giọng an ủi mẹ: "Có lẽ nó cũng sắp về rồi đó ạ, mẹ đừng lo lắng quá làm gì, lúc nào chả như thế."

Mẹ nghe tôi nói vậy liền tức giận quở trách tôi: "Con nói thế mà nghe được à?! Nó dù sao cũng là em trai con, mới tí tuổi đầu, không lo sao được! Hay con lái xe qua nhà bạn nó xem giúp mẹ đi con, tiện thể rước em con về."

Nó đã là học sinh cấp ba rồi, gì mà tí tuổi đầu? Mẹ lại như thế nữa rồi, bực thật đấy. Tôi vừa định nói rằng nó có chân mà không biết tự về sao, thì bỗng đối diện với ánh mắt đầy mong đợi của mẹ. Tôi nghẹn họng, đành cắn môi lái xe máy đi đón nó về.

Bao lần như một. Ngoài mặt thì tôi tỏ ra bình tĩnh như thường nhưng trong lòng tôi lại rất khó chịu. Hễ cứ là chuyện của em trai tôi, dù lớn hay nhỏ mẹ đều sẽ sốt sắng cả lên. Thậm chí quên cả sự tồn tại của tôi. Trong mắt mẹ, Khang giống như một đứa trẻ mãi mãi không bao giờ lớn. Cũng giống như trong chuyện này. So với việc tôi, một đứa con gái một thân một mình đi ra đường vào lúc đêm khuya vắng vẻ, mẹ càng lo cho em trai tôi hơn.

Tôi buồn lắm. Từ nhỏ đến lớn luôn là như thế. Cái tốt cái đẹp đều dành hết cho em tôi. Em tôi khóc, đó là lỗi do tôi. Em tôi đau, đó là do tôi không bảo vệ tốt em trai của mình. Em tôi buồn, là do tôi làm em ấy không vui. Mẹ luôn đổ tất cả mọi tội lỗi lên tôi. Khiến tôi cảm thấy bản thân thật tệ hại. Nhưng càng lớn tôi càng nhận ra sự phân biệt đối xử của mẹ đối với hai chị em tôi. Có thể người ngoài sẽ nói tôi ích kỷ nhỏ nhen chỉ biết ghen tị với em trai của mình. Cho đến hiện tại, tôi nghĩ, tôi không sai. Chỉ là mẹ đã quá coi trọng đứa con trai bé bỏng của mình mà bỏ qua đứa con gái đáng thương là tôi đây mà thôi. Dẫu sao tôi cũng đã quen với chuyện này rồi. Chỉ là đôi lúc có hơi chạnh lòng. Nhưng tôi không ghét bỏ đứa em trai của tôi dù chỉ một chút. Trái lại tôi rất thương nó. Vì sao ư?

"Chị hai! Cuối cùng chị cũng về rồi! Em nhớ chị quá!"

Ngay khi tôi dừng xe trước cửa nhà bạn của em trai tôi thì thấy nó vừa hét lớn vừa hớn hở chạy về phía này.

Nó nhào vào lòng tôi khóc nấc lên.

"Hu hu, chị ơi sao cả năm nay chị không về lấy một lần? Mỗi ngày em đều chờ chị về thăm nhưng mãi chẳng thấy chị đâu! Em nhớ chị hai nhiều lắm luôn!"

Tôi mỉm cười xoa xoa đầu nó: "Chị bận học, không về được."

Nói rồi tạm biệt với nhóc Gia Bảo bạn thằng Khang, rồi lôi nó lên xe chở về.

Một đứa em trai ngoan ngoãn hiểu chuyện luôn làm nũng với chị mình. Một đứa em đáng yêu, lại cực kì quý mến chị nó.

Đúng vậy, đây là lí do mà dù cho mẹ có thiên vị Khang cách mấy tôi cũng không thể ghét thằng bé được. Tôi nào nhẫn tâm làm thế. Huống chi nó lại là đứa em trai duy nhất của tôi?

Cứ thế ngày lễ tết ngày một gần kề hơn. Chúng tôi một nhà ba người quây quần bên nhau đầm ấm hạnh phúc biết bao. Những tưởng đây sẽ lại là một mùa tết sum vầy. Nào ngờ biến cố bất ngờ ập đến với gia đình tôi.

Vào ngày ba mươi đêm giao thừa ngay trước thềm năm mới. Khi chúng tôi ba người đang vui vẻ cắn hạt dưa xem ti vi chiếu chương trình mừng tết nguyên đán thì em tôi bỗng bị đau đầu dữ dội. Khang liên tục ói mửa, thậm chí bắt đầu lên cơn sốt. Mẹ tôi thấy nó như thế thì bắt đầu hoảng loạn khóc nấc lên. Chỉ có tôi vẫn còn đủ bình tĩnh để gọi xe cứu thương và sấp xếp chăn đệm quần áo chuẩn bị đem theo. Sau đó, Khang nhập viện cấp cứu ngay trong đêm.

Đến bệnh viện em tôi được đưa đi làm một loạt các xét nghiệm. Cuối cùng chúng tôi nhận được một kết quả chấn động.

Khang, em nó bị bệnh ung thư.

Như không thể tin vào tai mình, mẹ níu lấy tay bác sĩ không buông gào khóc hỏi đi hỏi lại không biết bao nhiêu lần. Thế nhưng các bác sĩ cũng chỉ biết lắc đầu an ủi rằng đây chỉ là kết quả lâm sàng. Có thể trang thiết bị ở đây không đầy đủ nên dẫn đến chuẩn đoán sai. Thế là em tôi bị chuyển từ bệnh viện huyện lên bệnh viện tỉnh, lên đến tận bệnh viện thành phố.

Kết quả vẫn không thay đổi.

Mẹ tôi tuyệt vọng khóc ròng rã mấy ngày liền, không ăn không ngủ. Tôi bất lực nhìn mẹ và em trai, lòng quặn thắt. Sao chuyện khủng khiếp này lại xảy đến với gia đình tôi? Tôi phải làm gì đây?

Khang bắt đầu được đưa vào viện điều trị. Từ đây, cuộc sống của em ấy dường như gắn liền với giường bệnh. Gánh nặng gia đình đè lên vai mẹ cũng càng lớn hơn.

Chúng tôi dốc hết tiền bạc tài sản của gia đình vào việc trị bệnh cho Khang nhưng em ấy chẳng mấy khá hơn. Trái lại ngày càng tiều tụy thấy rõ. Một năm rồi lại hai năm trôi qua. Bệnh tình của Khang trở nặng đến mức phải bắt đầu xạ trị. Số tiền đổ vào việc điều trị ngày càng nhiều, đến mức công việc thợ may tại nhà của mẹ không thể gánh vác được nữa, mẹ đành phải đi vay tiền. Vay nhà nước, vay bọn giang hồ cho vay nặng lãi. Chỗ nào có thể vay mượn mẹ đều đi vay. Chúng tôi không có họ hàng thân thích, chỉ dựa vào số tiền kiếm được từ việc may vá của mẹ và tiền làm thuê sau giờ học của tôi là hoàn toàn không đủ.

Đó là còn chưa kể đến việc học đại học của tôi tốn kém biết bao nhiêu. Nhưng tôi chưa từng có ý định nghỉ học. Tôi ý thức được rằng nếu ngay lúc này tôi bỏ học, tôi sẽ mất trắng. Công sức, thời gian, tiền bạc tôi đã bỏ ra. Tất cả những gì tôi đã và đang cố gắng đều sẽ đổ sông đổ biển. Ngay từ khi bắt đầu tôi đã quyết tâm sẽ không bao giờ từ bỏ. Tôi kiên trì vì một tương lai tươi sáng, mơ mộng về cuộc sống sung túc giàu sang của gia đình ba người chúng tôi sau này. Nhưng nào ngờ đâu tôi còn chưa đi được đến đích thì biến cố lại xảy ra.

Kể từ khi em trai tôi bị như thế, tôi thường xuyên bị đau đầu dữ dội. Tôi suy nghĩ rất nhiều, nghĩ rằng liệu mình có nên nghỉ học để phụ giúp mẹ hay không. Nhưng tôi chợt nhận ra dù có như thế đi chăng nữa cũng sẽ không đủ. Số tiền cần chi trả cho căn bệnh ung thư quái ác của em tôi là vô hạn. Và không có gì đảm bảo là em ấy sẽ khỏi bệnh. Thứ chúng tôi đang níu giữ chỉ là một sinh mạng đang dần lụi tắt như ngọn nến trước gió mà thôi. Tôi tự thấy bản thân thật khốn nạn. Nhưng, chỉ còn một năm nữa thôi. Chỉ một năm nữa tôi sẽ ra trường. Lúc đó, tiền sẽ không còn là vấn đề quá khó khăn đối với chúng tôi. Khá may mắn vì hiện tại tôi cũng đang thực tập cho một công ty phần mềm rất nổi tiếng, mức lương cũng lên đến hàng nghìn đô. Mặc dù nó chỉ bằng một phần ba so với nhân viên chính thức nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ xoay sở giúp mẹ tôi rồi.

Đấy là tôi nghĩ thế, nhưng có lẽ tôi đã sai rồi...

"Con kết hôn đi."

Mẹ ngồi đối diện với tôi trên bàn ăn, ánh mắt không chút gợn sóng bình thản nói với tôi một câu như thế.

Câu nói ấy như sét đánh ngang tai. Tôi lập tức buông đũa, vẻ mặt không thể tin nổi, há hốc miệng hỏi lại mẹ.

"Mẹ... Mẹ vừa nói gì cơ?"

Mẹ vẫn bình tĩnh lập lại một lần nữa.

"Mẹ bảo con kết hôn đi."

Tôi run giọng hỏi.

"Kết hôn?! Mẹ bảo con kết hôn ư? Với ai?! Tại sao lại muốn con kết hôn trong lúc này?!"

Lúc này mẹ đã không thể nhìn thẳng vào mắt tôi nữa, bà cúi mặt gắp thức ăn.

"Với thằng Phong ở xã bên cạnh, bạn học của con đấy. Hai nhà cũng đã bàn ngày cưới hỏi xong rồi."

Không thể giữ bình tĩnh được nữa tôi đứng phắt dậy đập bàn quát lớn.

"Mẹ! Mẹ biết con ghét tên đó mà?! Mà nghĩ thế nào lại bắt con cưới hắn, một tên giang hồ khét tiếng? Không nói một lời lại còn ngay lúc này đột nhiên đem con gả đi? Mẹ đã hỏi ý con chưa?!"

Mẹ vẫn chỉ lặng lẽ tiếp tục gắp từng cọng rau luộc vào bát, sau đó buông đũa. Mẹ ngồi đó, lặng thing hồi lâu không nói gì. Rồi bà bỗng trầm giọng nói.

"Sáng hôm nay, Khang nó bắt đầu ho ra máu. Thằng bé sốt cao lắm, nó nhắm nghiền mắt liên tục gọi mẹ ơi chị ơi cứu con... Bác sĩ nói nó cần phải phẫu thuật. Hơn nữa không chỉ phẫu thuật một lần."

Rồi mẹ nghẹn ngào nói tiếp.

"Hai hôm trước bên ngân hàng nói là sẽ thu hồi căn nhà này một tháng sau. Còn nữa, con nhìn thấy cái bọc nilon đen ở góc tường chứ? Lại đó mở nó ra xem đi!"

Tôi bán tín bán nghi bước đến cạnh cái bọc mà mẹ nói. Ngay khi mở nó ra tôi trợn mắt không bật thốt nổi thành lời. Tôi ngay lập tức quăng cái bọc ra xa, thứ trong bọc cũng rơi ra vươn vãi trên nền gạch trắng.

Là một cái ngón tay nhuốm đầy máu.

Thật kinh tởm, khủng khiếp làm sao.

"Là của bọn giang hồ đòi nợ đem đến, bọn nó đe doạ nếu không trả tiền kết cục sẽ..."

Chưa nói dứt câu mẹ đã quỳ rạp xuống sàn nhà ôm mặt khóc nấc lên.

Tôi cũng thất thần quỳ sụp xuống bên cạnh mẹ, nước mắt lăn dài bên má.

Mẹ cố kìm nén nước mắt lại, nức nở nói.

"Thế nhưng không ngờ lại ba thằng Phong là người cầm đầu bọn chúng. Ông ta nói nếu con chịu cưới con trai ông ta, ông ấy sẽ xoá nợ cho con đồng thời cho em con tiền phẫu thuật... Mẹ không biết phải làm sao nữa nên, nên mẹ..."

Tôi gào lên cắt ngang lời mẹ.

"Nên mẹ bán con cho ông ta?!!!"

Mẹ liền nghẹn ngào khuyên bảo tôi.

"Mẹ nào có bán con đi đâu? An, nghe mẹ nói, con gái trước sau gì cũng phải lấy chồng. Huống hồ gì Phong nó cũng thích con từ lâu, nhà thằng bé còn rất giàu, con về đó sẽ không phải chịu khổ đâu. Rõ ràng mẹ đã nói ngay từ đầu con gái cần học cao làm gì, con cứ nhất quyết mượn tiền nhà nước đi học. Cũng đã mấy năm rồi có được ích lợi gì đâu. Nghe lời mẹ lần này đi An à. Cưới thằng Phong đi con, coi như là vì em con cũng được..."

Tôi chỉ cúi mặt lặng thing không nói gì. Mẹ thấy tôi như thế thì cũng im lặng không nói nữa, nhìn chằm chằm vào tôi. Sau một hồi lâu, tôi ngẩng mặt đối diện với ánh mắt của mẹ. Lại là nó, ánh mắt cầu xin mong mỏi đó. Lúc nào cũng vậy, tôi đã quá mệt mỏi rồi.

"Con tưởng rằng mẹ đã chấp nhận việc con đi học tiếp rồi. Con tưởng rằng mẹ đã thay đổi cái nhìn về con gái mình. Hoá ra không phải thế. Cái tư tưởng cổ hủ đó của mẹ bao giờ mới thay đổi đây?"

Tôi lôi những uất ức trong lòng nói ra, ngôn từ dần dần mất kiểm soát.

"Vì em con? Vậy ai sẽ vì bản thân con đây?! Đúng rồi, vì nó là con trai, vì nó là độc đinh trong cái nhà này. Con sẽ phải đi lấy chồng sinh con đẻ cái. Còn nó, nó sẽ ở đây phụng dưỡng mẹ đến suốt đời phải không? Mẹ đang nghĩ vậy nhỉ?!"

"Con không phải cái máy đẻ! Càng không phải món hàng để mẹ dễ dàng bán đi như vậy!"

Tôi rưng rưng nói tiếp.

"Con cũng là con người! Con cũng là con của mẹ mà...? Mẹ ghét con đến thế sao, mẹ muốn vứt bỏ con, lấy cả cuộc đời con để đổi lấy thời gian ngắn ngủi không còn bao nhiêu của nó?"

Tôi khóc ròng khổ sở nhìn mẹ bằng ánh mắt cầu xin.

"Mẹ ơi, con không thể thay thế vị trí của em ấy sao? Làm ơn để con được ở cạnh mẹ được không, mẹ..."

Mẹ nắm lấy vai tôi lắc mạnh, giận dữ chửi vào mặt tôi.

"Con im đi! Sao con có thể nói ra những lời tàn nhẫn như thế? Con làm chị như thế mà coi được à?! Nó dù sao cũng là đứa em duy nhất của con đó! Con nỡ nhìn em con như thế sao?!!"

Tôi chết lặng trước câu nói của mẹ. Trong mắt như không còn chút tia sáng nào, như cái xác không hồn thẫn thờ hỏi.

"Thì sao? Nó bị bệnh là do con sao? Lại là tại con sao?"

Mẹ nhìn thấy ánh mắt đó của tôi, đẩy tôi sang một bên sau đó bỏ đi. Vừa đi vừa nhỏ giọng lầm bầm.

"Phải đó, lẽ ra người chị như con mới là đứa nằm trên giường bệnh chứ không phải đứa nhỏ kia. Thằng bé vẫn còn nhỏ mà đã phải chịu đau khổ như vậy. Tội nghiệp đứa con trai bé bỏng của mẹ..."

Nhưng tôi đã nghe thấy tất cả. Thật đau đớn làm sao...

Tôi tưởng như mình đã chết rồi. Ngay cả cơn đau ở đầu gối cũng không khiến ánh mắt tôi dời khỏi khoảng không vô định trước mặt. Tôi dường như trở nên vô cảm và không muốn đối mặt với bất cứ thứ gì nữa.

Ước gì tôi có thể chết đi. Ngay lúc này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro