Itoshies, áo đấu - lối chơi và sự khác biệt đầy thú vị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xin chào, mình là Tiên. Lời đầu tiền, rất vui vì bạn đã bỏ thời gian ra để được những giả thuyết và suy nghĩ của mình. Dưới dây là một số điều bạn nên lưu ý khi đọc:
- Tất cả những thông tin mà mình suy đoán dưới đây đều chỉ dừng lại ở mức giả thuyết, không khẳng định, càng không phủ định. Chỉ đơn giản là nêu ra những suy nghĩ của mình
- Tất cả những thông tin bóng đá đều là mình góp nhặt được, có thể có sai sót, mọi người có thể góp ý cho mình ở phần bình luận nhé.
—————————————-------------------------------------------

Itoshies, áo đấu - lối chơi và sự khác biệt đầy thú vị

Anh em nhà Itoshi - những thiên tài đầy vị kỷ của nền bóng đá Nhật Bản. Việc tìm kiếm thiên tài trong bất kỳ một ngành nghề nào cũng là một điều cực khó, và việc những thiên tài đó là anh em, thậm chí là anh em ruột, còn hiếm thấy hơn, đã vậy cả hai đều mang những bản sắc rất riêng, không ai giống ai. Và cả hai người, đều có những màu sắc riêng, những câu chuyện riêng liên quan đến các số áo, từ đó tạo nên một sự khác biệt thú vị.

I. Áo đấu
Số áo - hay số áo thi đấu. Trong bóng đá áo thi đấu có in số áo ở phía sau lưng, thường được phân chia từ 1 đến 11 nhưng cũng không bắt buộc ( như Beckham hồi ở Real từng mặc áo số 23, hay trong truyện có Shidou mặc áo số 99 ở P.X.G ) .Trong bóng đá cũng không có quy định cầu thủ giữ vai trò gì phải mặc đúng áo số đó, nhưng mỗi số áo đều có một truyền thống, một vị trí chơi thường gặp và cả những cầu thủ với những câu chuyện đặc biệt từ đời sống đến sân cỏ khi nhắc đến những số áo đó.

II. Itoshi Sae, chiếc áo số 10 và sự hoàn hảo trong lối chơi

Itoshi Sae, được Isagi Yoichi ví von là "Thiên tài bóng đá được cả nước Nhật kỳ vọng" (chương 119), được sang chơi cho đội trẻ của Real năm 1X tuổi. Và là tiền vệ trong New Gen World 11 - 11 cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới do Pifa bình chọn.

Và số áo đấu mà cậu thiếu niên này chọn, là số 10.

Trong những chương kể về quá khứ của anh em nhà Itoshi (123 - 126), Sae chủ yếu sử dụng số 11 trước khi phát hiện ra tài năng của Rin (chương 123). Không xét trên các khía cạnh về ý nghĩa của áo đấu trong bóng đá, thì số 11 trong thần số học là sự trung hoàn hảo giữa lý trí và cảm xúc. Ngoài ra, dựa theo nghiên cứu của Pitago, thần số học số 11 chính là những tâm hồn nhạy cảm và chân thành đến tuyệt đối

Đến chương 124, khi đã phát hiện ra tài năng của Rin, Sae chuyển qua áo số 10. Áo đấu số 10 thường được gọi là trái tim của cả đội bóng. Những người mang số áo này thường có kỹ thuật chơi tốt, cũng rất biết cách phối hợp và biết làm chủ trận đấu. Ngoài ra, trong thần số học, số 10 là số đẹp. Nó hoàn hảo, viên mãn, vươn đến thành công. Ngoài ra số 10 còn chỉ những người có tham vọng cực kỳ cao, nghiêm túc và luôn tự tin trước mọi vấn đề. Số áo này thường là những tiền vệ (Zico, tất nhiên rồi =))) ) hoặc tiền đạo toàn năng. Và dưới quan điểm của mình, Sae thực sự hợp với số 10. Và áo số 10 cũng đã thể hiện một phần con người của Sae.

Như mình đã nói bên trên, những người mang số 10 thường có tham vọng cực kỳ cao, nghiêm túc và luôn tự tin. Sae có tất cả những thứ đó. Tham vọng số 1 thế giới, tham vọng cúp C1, nghiêm túc trên sân cỏ, luôn tự tin ( hoặc tự cao?) với tài năng bóng đá của chính bản thân mình.

Số 10 - hoàn hảo, đúng nghĩa phong cách chơi của Itoshi Sae. Phong cách của Itoshi Sae rất đơn giản: tính toán, đưa ra phương án tốt nhất, sau đó tự mình (hoặc đồng đội) ghi bàn. Đôi khi, Sae cũng tạo cơ hội cho các cầu thủ khác, như trong chương 115 - 116, Sae đã có cơ hội tự ghi bàn đến 3 lần, nhưng vẫn chấp nhận chuyền cho Sendou, đến khi quá cáu thì mới tự mình làm một cú line drive. Thậm chí, khi Sae thực sự " nghiêm túc" thì lối chơi này còn được thể hiện rõ hơn nữa. Những dãy số xuất hiện chằng chịt, đúng như sở thích của cậu ấy:

"Phân tích số liệu các cầu thủ và đội của họ - Quan sát chúng dưới dạng số liệu dễ chịu hơn nhiều"

Nói ngắn gọn và đơn giản, lối chơi của Itoshi Sae, đầy hoa mỹ, đẹp mắt, kĩ thuật, và hoàn hảo. Phá hủy một cách đẹp đẽ nhất

Và lối chơi này, là lối chơi giúp Sae có thể đạt đến trình độ như hiện tại, cũng là lối chơi khiến Rin bị kiềm hãm tài năng của chính mình

III. Itoshi Rin, số 10 và số 9 và công cuộc tìm kiếm lại bản ngã của một thiên tài vị kỷ

3.1. Itoshi Rin trước trận U20 - một thiên tài lạc lối trong tâm trí và quá khứ của bản thân

Nếu được hỏi Rin có mạnh không? Thì tất nhiên là mạnh chứ, cực kỳ mạnh. Là người đầu tiên ghi bàn trong trận chiến với World 5. Ghi trung bình đến 2,5 bàn/trận, người tạo ra những biến số hoặc bàn thằng khó tin trong lúc đội đang bế tắc.

Tất cả những chuyện đó chứng tỏ duy nhất một điều, cái danh No.1 Blue Lock không phải để trưng - đó là thực lực thật sự, của một cậu nhóc 16 tuổi.

Nhưng nếu được hỏi đó có phải là toàn bộ thực lực của thằng bé hay không, mình sẽ trả lời là KHÔNG

Và đối với mình, chính vì cố gắng theo đuổi lối chơi đẹp đẽ của Itoshi Sae, đã khiến cho tài năng "thực sự" của Itoshi Rin gần như bị phai nhòa đến trận đấu của U20.

Rin đá bóng theo phong cách của Itoshi Sae? Tuyệt đấy. Nhưng đó không phải cái "tài" bẩm sinh của cậu, đó là lý do mà Rin luôn thua anh mình cho đến khi thực sự "thức tỉnh". Hơi ác một chút, nhưng giữa một người đã có cái tài bẩm sinh, biết nó, tận dụng nó, tập luyện với nó và một người chỉ cố gắng chơi theo đuổi cái tài ấy, không có bẩm sinh, thì dù có cô tới đâu, cũng chẳng thể nào bằng được.

Thiên tài không đáng sợ, thiên tài biết tài năng của mình và chăm chỉ mới đáng sợ.

Đáng tiếc, Rin là thiên tài nhưng lại không rõ cái tài thực sự của mình, chỉ chạy theo một mục đích duy nhất:"Đánh bại Itoshi Sae" và chạy theo cái lối chơi vốn không hợp với mình. Đó là lý do mà mình hay nói, Rin mạnh thì mạnh đấy, nhưng vẫn chưa đạt đến đỉnh cao của cậu được.

Và trong tất cả khoảng thời gian từ lúc xuất hiện đến trận đấu với U20, Rin mặc áo số 10. Điều này cũng ngầm thể hiện nhiều chuyện, Rin vẫn còn ám ảnh Sae, Rin vẫn giận Sae, và Rin đang chơi theo lối chơi của Sae - một lối chơi không phù hợp của một người có lẽ đã trở thành tượng đài về bóng đá trong lòng cậu.

3.2. Itoshi Rin trong và cuối trận U20, khi thiên tài đã chẳng còn lạc lối nữa

Trong xuyên suốt trận đấu với U20, Rin vẫn thể hiện rất tốt ở việc là một đội trưởng và là nhân tố chính trong sơ đồ tấn công của Blue Lock. Dù thế, nhưng đối với mình thì nó chỉ dừng lại ở chữ "tốt", không bứt phá, càng chẳng có gì mới. Cho đến chương 143, khi Rin nhận ra cả Blue Lock đều đang tìm kiếm lối chơi của riêng mình, thì cậu nghĩ thế này:

"Mình không hề, đơn độc"

"Cái cảm giác gì thế này?"

"PHÁT TỞM"

"Tao sẽ nghiền nát tất cả"

Khi quá nhiều khí được dồn nén vào quả bóng, tất nhiên quả bóng sẽ nổ. Cuối chương 143, Rin đã thực sự bùng nổ theo đúng nghĩa, về cả mặt chơi bóng lẫn cảm xúc.

"Tất cả những thứ đang trói buộc mình, đều đáng kinh tởm như nhau"

"Mẹ nó! Mình bị trói buộc là vì, tìm kiếm câu trả lời ở người khác!"

" Có cảm giác cuối cùng mình cũng đã hiểu được, ý nghĩa lời của anh ta nói ngày ấy"

"Người hời hợt là mình"

" Thứ đáng kinh tởm, thứ cần phải bị hủy diệt, thứ phải bị nghiền nát, là chính bản thân mình"

Hơi mang cảm xúc cá nhân vào một chút, không biết mọi người thế nào, nhưng cảnh này mình đã cười cực kỳ to và có cảm giác thỏa mãn rất nhiều, ở nhiều mặt.

Thỏa mãn vì cuối cùng Rin cũng đã tỉnh, thỏa mãn vì Rin cuối cùng cũng nhận ra sự sai lầm của mình, thỏa mãn vì cuối cùng Rin cũng đã nhận ra bản thân quá mong chờ vào một ai đó. Và cuối cùng, thỏa mãn vì cuối cùng Rin cũng biết thứ đáng kinh tởm, thứ đáng bị tiêu diệt nhất, thứ đáng bị nghiền nát không ở đâu xa, mà là chính cậu, chính cậu với lối chơi ấy - lối chơi của Itoshi Sae

Rin đã bị trói buộc quá lâu, trong những lời khen về anh trai mình, trong sự ám ảnh về cơn tuyết rơi đầu mùa năm ấy, trong chính tâm trí của bản thân mình, mà ở nơi ấy, Sae và lối chơi của cậu ấy là một tượng đài không thể phá bỏ.

Và đã đến lúc, một Itoshi Rin như thế nên chết đi rồi.

Có những ý kiến cho rằng, Rin quá mờ nhạt trong trận U20. Đó có thể là quan điểm của mọi người. Còn đối với mình, mình không thấy thế.

Từ chương 144 đến lúc Isagi ghi bàn, tác giả dành gần như dành toàn bộ spotlight cho Rin và sự "thức tỉnh" của cậu ấy. Từ những dòng suy nghĩ, cảm xúc, các chiến thuật, xưng hô, hành động, đều thể hiện rõ một lối chơi khác, một Itoshi Rin hoàn toàn khác, hay như Isagi nói:

"Nếu như phong cách bóng đá của Itoshi Sae là thứ bóng đá được tính toán hoàn hảo, phá hủy một cách đẹp đẽ."

"Thì của Rin lại trái ngược hoàn toàn với Sae"

"Thứ bóng đá, mà cậu ấy bắt đối phương thể hiện hết sức rồi phá hủy một cách xấu xí"

Đẹp Đẽ - Xấu Xí
Hoàn Hảo - Biến Động

Nếu như lối chơi của Itoshi Sae là một lối chơi đầy đẹp đẽ, khiến tất cả từ đối thủ đến khán giả đều phải trầm trồ. Thì lối chơi của Rin, lại mang một thứ màu sắc xấu xí, đầy biến động. Rin cho đối thủ phô diễn toàn bộ kĩ thuật mà họ có - như khi đấu với hàng phòng ngự U20 (chương 144 - 145), để rồi đến khi chính họ nhận ra, bản thân mình không thể thắng được.

Một lối chơi, phá hủy từ tâm lý đến thể xác theo đúng nghĩa đen.

Và thực sự, bỏ qua tất cả những suy đoán về việc Sae chơi chưa hết sức sang một bên, thì khoảnh khắc Rin thành công phá bóng của Sae, có lẽ chính là một món quà và cũng là một lối đi mà ông trời ban xuống. Một món quà như để khen thưởng, cũng như an ủi tất cả những nỗi đau mà Rin đã phải nhận. Cũng như là một lối đi mới, mà ở lối đi ấy, lối chơi của Sae đã chẳng còn là thứ mà Rin muốn chơi nữa rồi.

Ở lối đi đó, là một Rin rất khác, một Rin vị kỷ, với một lối chơi xấu xí và đầy tiềm năng phát triển

1.3. Itoshi Rin sau trận đấu với U20 - P.X.G, số 9 và những điều đáng mong chờ

Ở chương 154, Rin đã chọn P.X.G

Ở bài này, chúng ta không bàn đến lối chơi hay phong cách của Pháp, ta chỉ bàn về số áo mà thôi.

Lần này đã khác lần trước, Rin chọn áo số 9. Trong suốt chiều dài lịch sử bóng đã, số 9 gần như luôn gắn liền với các tiền đạo. Số 9 đều là những tiền đạo thường xuyên xuất hiện trong vòng cấm, sự khác biệt của họ nằm ở khả năng quyết đoán. đá cao nhất trên hàng công họ thường là người kết thúc một đợt tấn công.

Theo quan điểm dân gian, số 9 cũng là một con số viên mãn. Nhưng nó sẽ không dừng lại, mà còn phát triển tiếp nữa. Điều này như ẩn dụ cho tiềm năng của Itoshi Rin, khi đã phá bỏ được giới hạn trong đầu cậu, phá bỏ được sự ám ảnh về số 10, thì tiềm năng phát triển của cậu ấy là vô hạn.

Còn trong quan điểm người Nhật, số 9 là một số không may mắn. Bởi vì số 9 có cách đọc gọi là "く" - tức là Ku và nó đồng âm với từ "苦" nó có nghĩa là khổ cực. Đối với mình, số 9 như ẩn dụ cho cả một cuộc hành trình tìm lại bản nhất từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.

Rin đã phải chịu khổ rất nhiều, từ việc bị anh mình nói những lời khó nghe khi còn quá nhỏ, đến sự lạc lõng trong tâm trí, rồi phá hủy nó. Đến bây giờ, khi đã tìm thấy bản ngã, thì Rin tiếp tục nuôi dưỡng và phát triển nó.

Một cuộc hành trình gian nan, khổ cực nhưng kết quả nhận lại thì hoàn toàn xứng đáng.

IV. Lời Cuối

Từ tất cả những điều trên, đó là lý do mà mình nói, hai anh em này có một sự khác biệt rất thú vị. Một kẻ thì tỉnh táo, một kẻ sẵn sàng phát điên để phá hủy một cách xấu xí nhất. Và mình thực sự mong chờ, nếu trong tương lai, nếu Ego Jinpachi thực sự gọi Itoshi Sae về để tham gia World Cup U20, thì hai anh em nhà này có thể hiểu nhau đến mức độ nào.

Nhưng đó là ở tương lai, còn bây giờ, mình thực sự mong chờ vào kết quả của Rin, khi ở Pháp. Cậu ấy sẽ phát triển đến mức độ nào? Cậu ấy sẽ trở lại như thế nào? Lối chơi?

Và cả Sae, sau trận đấu ấy, cậu ấy đã nhận ra gì hay chưa? Và lần trở lại tiếp theo sẽ thú vị như thế nào?

Tất cả đều phải chờ đợi mà thôi.

---------------------------------------------------------------------

Và mình là Tiên, một người hay nghĩ nhiều và thích viết chúng ra, cũng là một người mới chập chững xem bóng đá và thích Blue Lock.
Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào những chương sau, với nhiều nhân vật hơn nhé.
Cảm ơn và chúc mọi người một ngày tốt lành
Seeya!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bluelock