1. Tái hôn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Thể loại: Truyện ngắn, gia đình.

Tiếng chuông tan, giáo viên thông báo hết tiết, đứa bàn trên quay xuống hỏi bằng cái giọng âm vực khá lớn.

- Tay mày sao thế? Không phải bị mẹ đánh chứ?

Chất giọng của nó khá đặc biệt, dù đã cố nói nhỏ, thì 6 chiếc bàn xung quanh nó đều có thể nghe rõ ràng từng chữ. Mọi ánh mắt đổ dồn vào hai cánh tay của tôi, dù đã mặc áo dài tay, nhưng vì trời nóng, mồ hôi nhễ nhại, khiến vết thương ướt dính sát vào vải, màu vàng của huyết tương nhòe nhòe cùng máu loang thành mảng tròn lớn góc tay áo.
Gõ chồng sách lên mặt bàn vài cái chỉnh ngay ngắn rồi cất vào cặp, tôi nhẹ nhàng đáp:
- Mẹ rất yêu tớ, rất chiều chuộng tớ. Đến vuốt tóc bà còn sợ làm tóc tớ rụng cơ mà. Mấy cậu chỉ giỏi đùa.
Xong tôi cũng không giải thích về vết thương. Người ta muốn kéo dài câu chuyện bằng cách thêm thắt những câu dư thừa đằng sau. Còn tôi, muốn kết thúc nhanh chóng để ra về cho kịp giờ.

Về đến nhà, đón chào tôi là một cái bạt tai từ mẹ. Tôi không hiểu, bàn tay gầy gầy xương xương ấy, bàn tay yếu mềm ấy, lại có sức lực ngoài tưởng tượng đến thế.

Kể từ khi tôi ý thức được bản thân là nơi trút bầu tâm sự của mẹ, thì tôi cũng dần nhận ra mối quan hệ sớm rạn nứt của hai đấng sinh thành.

Nhưng mẹ không phải người yêu bạo lực, sau khi giáng một cái lên mặt tôi, thì cũng không đánh thêm cái nào, lẳng lặng đi vào trong nhà. Tôi lẽo đẽo theo sau bà, rồi lên gác cất cặp sách.

Trong nhà, không hề treo một bức ảnh gia đình nào kể từ ngày ấy, mẹ tôi đã gỡ tất cả chúng xuống, ném hết vào nhà kho. Tôi lén giấu mẹ giữ một tấm cất trong phòng riêng, nhưng chỉ khi bà không có ở nhà, mới lén bỏ ra.

Hôm nay mẹ về sớm hơn mọi ngày, nên tôi mừng rỡ thay quần áo ở nhà xuống bếp trổ tài nấu nướng.

*

Cuối tuần, nhóm cuối dãy thường tụ tập rủ đi đàn đúm ăn uống, như thói quen, chúng bạn sẽ hỏi qua tôi có thu xếp đi cùng hay không.

- Thật xin lỗi nha, hôm nay tớ với bố mẹ đặt lịch ăn cơm nhà hàng rồi.

Tất nhiên, tôi cảm thấy phục bản thân về khả năng diễn xuất của mình.

Tôi vào bếp nấu một nồi canh cá chua. Nhặt rửa sạch rau sống, ngâm một lượt bằng nước muối. Hôm nay thật may mắn khi mua được con cá sông của một bà chuyên đi kéo vó. Nói thật, cá sông ăn ngon hơn cá nuôi nhiều, thịt dai, ngọt ăn không bở bã, mặc dù bề ngoài nhìn không to béo như cá nuôi. Tôi chọn hai quả khế chua mọng nước, xắt khúc hình sao. Su hào gọt vỏ, cắt dày nửa phân. Mẹ hay phàn nàn về vấn đề cắt thái của tôi, mẹ chê tôi cắt mỏng, không ước lượng được độ dày, nên bắt tôi cắt su hào chuẩn nửa phân mới được.

Nhặt rau mùi thìa là cắt khúc, chờ su hào chín, tôi dùng đũa riêng gắp một miếng cắn thử. Mặc dù mẹ có dạy tôi cách cắm đũa thử độ chín, nhưng tôi vẫn mắc tật ăn vụng bếp.

Dọn bàn ăn ra, tôi rón rén vào phòng ngủ của mẹ lay tỉnh bà. Đêm qua tôi nghe thấy tiếng nấc nghẹn cách vách, lòng tôi nặng trĩu. Quả nhiên, sáng hôm sau bà kiệt sức không dậy đi làm nổi.

Thật may là tôi có số của sếp chỗ mẹ làm, và tôi cũng chẳng lạ lẫm gì ông chú, tôi gọi điện xin phép cho mẹ nghỉ một buổi đột xuất với lí do khá cơ bản. Chú sếp cũng là bạn cấp ba của mẹ nghe xong thì lo lắng hỏi mẹ tôi đã ăn uống thuốc thang gì chưa, lại hỏi có cần đi viện không, để chú qua đón đi. Tôi hài lòng với sự quan tâm nhiệt tình của chú, nên nói vài câu qua loa chấn an chú, khẳng định mẹ sẽ ổn, chú mới yên tâm tạm biệt tôi.

Mẹ ngủ mê mệt một mạch đến tận trưa.

Từ khi tôi 6 tuổi, thì mẹ bắt đầu không còn thói quen ăn sáng nữa.

Sáng dậy, tôi đều ra phòng khách cầm tiên trên bàn, đó là khoản tiền ăn cả ngày của tôi mà mẹ cấp cho hàng ngày, còn mẹ, thì đi làm công ty mất hút đến tối mịt mới về.

Khi bé, tôi không biết nấu ăn, phải mua cơm suất bình dân gần trường, bán trú qua trưa, chiều mua thêm một suất về nhà, ăn xong học bài, vòng cửa sau ra cửa chính khóa trái cửa lại rồi về phòng ngủ. Trước về muộn, mẹ thường phải gọi cửa, khá là bất tiện, có lúc còn làm phiền cả hàng xóm, vì đêm hôm yên ắng, giọng mẹ gọi tôi khá vang. Nên sau này mẹ làm riêng cho tôi một chùm chìa khóa riêng, dặn tôi khóa cửa ngoài, bởi bà chẳng bao giờ muốn về ngôi nhà này sớm, đối diện với không gian trống trải thiếu vắng một người đàn ông.

Tháng 4, tôi bắt đầu bận bịu trong bài vở, giáo viên phát giấy triệu tập phụ huynh cả lớp để trao đổi về định hướng tương lai cho một thế hệ nữa chuẩn bị rời khỏi trường. Lần họp này đặc biệt khác so với những lần vào đầu năm, nên cô dặn dò mọi người nhất định phải bảo bố mẹ thu xếp công việc đến dự đông đủ.

Cầm tờ giấy họp phụ huynh, tôi biết rồi mẹ cũng sẽ không thể đi đâu, tôi gấp lại làm tư nhét vào cặp. Mẹ chắc chắn sẽ không quan tâm mấy việc này rồi. Đối với bà, việc con gái bà làm công việc gì cũng chẳng còn quan trọng, miễn là đừng đem rắc rối đến cho bà là đủ yên tâm , còn việc nuôi tôi ăn bám cả đời, bà cũng không ngại. Bởi bà ngoài tôi ra chẳng biết bám víu vào ai, bà sợ lại cô đơn một mình.

Lần này đi về tôi rất ngạc nhiên, vì cửa nhà mở, nghĩ có trộm, tôi chẳng nghĩ ngợi xộc vào nhà bắt quả tang mà không suy xét rằng tên trộm có thể phản kháng mà đâm tôi một dao rồi bỏ chạy.

Cũng may tất cả chỉ là tưởng tượng phong phú do phim ảnh của tôi mà thôi, tuy nhiên đúng là trong nhà tôi có người, một người đàn ông đang ngồi sofa phòng khách.

- Bố?

Tôi rất ngạc nhiên vì ông vẫn còn giữ chìa khóa nhà. Ngày ấy, mẹ tôi đã định đổi toàn bộ khóa mới, nhưng rồi lòng dạ đàn bà dễ thay đổi, cương quyết được vài ngày, lại đổi lại khóa cũ. Trái tim mềm yếu của bà vẫn hy vọng người đàn ông từng thuộc về mình sẽ ân hận mà quay về tổ ấm.

Một cảm giác mãnh liệt khiến tôi muốn đưa giấy mời cho ông. Tôi chán ngán cảm giác tự mình đi họp cho mình, chán ngán cảm giác xin tiền mẹ tự mình đi đóng học phí. Chán ngán cảm giác mỗi lần phải nghĩ ra những lí do dối trá khác nhau để bao biện với giáo viên chủ nhiệm.

Và tôi đã làm như vậy.

Tôi trải phẳng tờ giấy trước mặt ông.

Bố nhìn tờ giấy lặng người một hồi, dường như ông muốn nói điều gì đó với tôi nhưng lại nghẹn lại không thể phát ra âm thanh. Tôi thấy đôi mắt ông bỗng đỏ hoe. Và hình như hơi nước khiến đôi mắt ông trở nên mờ mịt.

Tôi không hiểu điều gì khiến ông xúc động đến mức như vậy. Đôi mắt ấy có tự trách, xấu hổ, mà nhiều hơn cả là thương yêu.

- Tháng sau.. Ba sẽ tái hôn.

Cuối cùng, không gian tĩnh lặng đã bị phá vỡ bởi thông báo, lí do mà người đàn ông hơn hai năm trước rời đi biệt vô âm tín phải quay lại.

Ông nói có hẹn mẹ nhưng bà không chịu gặp ông. Ông hy vọng tôi và mẹ sẽ tới, vì cả hai là hai người quan trọng của cuộc đời ông. Ông hứa sẽ đến dự buổi họp phụ huynh cho tôi. Đây là bổn phận và trách nhiệm của ông.

Sau cùng, tôi không đếm nổi ông nói lời xin lỗi bao nhiêu lần. Không biết ông xin lỗi ai. Không rõ ông xin lỗi điều gì.

Người gục mặt vào đôi bàn tay to lớn thô ráp thốt lên khàn đặc. Không có tiếng nức nở ủy mị của đàn bà, chỉ có Xin lỗi bị nghẹn cố thoát ra khỏi cổ họng ấy.

Tôi không còn hứng thú với vụ họp phụ huynh nữa, tôi cũng chẳng đủ nhanh nhạy để phản ứng, tôi rót một cốc nước ấm khác cho ông thay cốc nước cũ đã nguội ngắt, tôi nói mẹ đi làm đến tối khuya mới về. Nếu ông không bận công việc, thì ở lại ăn cơm bữa tối cùng tôi.

Tất nhiên ông sẽ chẳng từ chối đề nghị hiếm hoi từ cô con gái. Hai bố con đã hai năm không thấy mặt nay lại ăn chung một bàn. Món ăn cũng chỉ là thịt kho tàu, một đĩa trứng rán, một bát canh cá rau cải. Tôi sắp đũa xới cơm, mời ông ăn. Ông không vội động đũa mà ngắm nhìn tôi nhai miếng thịt mềm. Có lẽ đã lâu, ông muốn tỉ mỉ ngắm những đường nét thay đổi trên khuôn mặt tôi ra sao.

Tôi đảo đầu đũa gắp một miếng trứng cuộn lên núi cơm trắng bốc hơi nghi ngút của ông, mặt nhăn một đoàn tỏ bộ không hài lòng:

- Bố chê con nấu dở nên không ăn phải không?

Ông có vẻ hơi kích động mỗi khi tôi mở lời, lập tức bê bát lên và cơm, tựa một cậu bé làm sai vội vàng tìm cách lấp liếm tội lỗi. Nhìn chân mắt ông đã có đường nhăn nếp, thời gian đã khiến ông trở nên già hơn, nhưng trên người tỏa đậm mùi đàn ông phong độ trung niên, tôi cảm thấy có chút tự hào. Ít ra, tôi cũng có một ông bố đẹp trai hào hoa hơn người.

Bữa cơm kết thúc trong vài ba câu hỏi. Thời gian có thể khiến hai người thân yêu trở nên xa lạ không biết nói gì. Trước đây, tôi đã mường tượng cảnh gặp ông ra sao, sẽ tức giận lao đến đấm ngực ông trách móc, hay nhào đến ôm chặt ông òa khóc. Nhưng khi thực sự đối mặt, tôi lại chẳng có dũng khí nào làm vậy. Hoặc là khi tôi lúc này, sự kiêu ngạo hư danh bắt tôi phải thản nhiên hờ hững với sự xuất hiện của ông.

Tiễn ông ra cổng, tôi phải hứa rằng sẽ thuyết phục mẹ tham gia buổi tiệc cưới, ông mới chịu để xe lăn bánh rời khỏi đất phố này. Nếu không có cú điện thoại đột xuất từ công ty, tôi nghĩ ông nhất định sẽ chờ đến lúc mẹ tôi về.

Mẹ bước vào lảo đảo va vào ghế, phát ra âm thanh rất lớn. Trong thời gian ôn thi nước rút này, tôi hay ngủ khá muộn, nên khi nghe tiếng chìa khóa leng keng, là tôi biết mẹ đã về.

Tôi chạy xuống thì bà đã nằm dài trên sàn, cả người mùi rượu quá nồng gay mũi. Đỡ bà nằm trên sofa, nhanh chân vào phòng tắm lấy chậu ra, vừa bắt kịp thời bà nôn ói một ngụm lớn.

Mùi dịch vị dạ dày trộn với rượu rất ghê người, tôi vào bếp pha cho bà một cốc nước chanh.

Bà như thiếu nữ thất tình lấy rượu giải sầu. Tôi đoán, cú điện thoại của bố hôm nay hẳn đã khiến bà sốc nhẹ.

Bố tôi là một người xem trọng lời hứa, vì thế đúng thứ Hai, ông lái xe vào trường tôi, vị phụ huynh bí ẩn trong truyền thuyết cuối cùng cũng lộ diện. Quả nhiên không ngoài dự đoán của tôi, mấy đứa tổ tôi cùng giáo viên, phụ huynh khác phải mất vài giây mới bình phục lại được khi thấy khí thái của ông.

Nếu không phải lớp phân công tổ tôi đến tiếp nước phụ huynh, thì có lẽ tôi sẽ chẳng thấy được cảnh lịch sử có một không hai này.

Cuộc họp tan, bố cũng không vội rời đi, ông chở tôi đến quán kem gần trường, gọi một vị chocolate cùng một vị bạc hà. Có vẻ như hôm nay ông đã dẹp mọi công việc sang một bên.

Ăn được nửa cốc, bố mới hỏi vào mục đích:

- Con đã có định hướng sẽ thi vào gì chưa?

Tôi trả lời qua loa.

- Cứ thi thôi ạ. Đỗ vào đâu thì học.

- Bố hỏi ước mơ của con. - Ông điềm tĩnh nhìn kem đang chảy ra vì ánh nắng mặt trời thiêu đốt nhiệt độ không gian.

- Con chưa suy nghĩ nhiều điều đó.

- Con nên bắt đầu suy nghĩ là vừa. Nếu không biết nên đi về đâu, thì học kế toán, rồi vào công ty của bố..

Xem ra, bố đã thu xếp mọi khả năng cho tôi đâu vào đấy rồi. Tôi cười thỏa mãn trong lòng. Nhưng sẽ không làm theo sắp đặt của ông đâu.

Cốc kem đã thấy đáy, tôi từ chối ngồi xe ông về mà ở lại trường học chiều luôn. Lần này, ông không ép buộc tôi nữa.

Ông vẫn treo câu nói bên miệng:

- 6/7 hy vọng bố có thể thấy con có mặt trong ngày trọng đại của cuộc đời bố.

Bước chân tôi dừng lại. Rồi lại tiếp tục đi thẳng.

*

Bằng cái cách mà chỉ có con gái mới sử dụng được, cuối cùng tôi cũng thuyết phục được mẹ đi dự tiệc cưới của bố.

Tôi tết cho mẹ kiểu tóc đơn giản, nhìn mẹ trông trẻ trung nhiều lắm.

Mẹ mạnh mẽ hơn tôi tưởng, ít nhất là khi đến bữa tiệc, bà không hề để lộ một tia yếu đuối nào, cười nói bắt chuyện với vài vị khách rất chuyên nghiệp. Có lẽ đây là khuôn mặt của mẹ khi đi làm, tạo thành một thói quen khó bỏ, chỉ khi đêm về, sự yếu đuối đó mới không ngại ngần bộc lộ ra khỏi lớp mặt nạ phấn trang.

Người phụ nữ của bố là một người đàn bà Huế, rất dịu dàng mộc mạc. Mặc dù tôi sẽ chẳng bao giờ muốn thừa nhận bất cứ người nào hơn mẹ tôi, nhưng tôi cũng chẳng muốn bố phải lần nữa đau khổ trong hôn nhân thứ hai của mình sau lần đầu đổ vỡ, nên khi tiếp xúc với người "mẹ hai" này, tôi có một niềm an tâm đến lạ lùng. Người phụ nữ này là góa phụ cũng chưa có con, khi biết hôn phu có một đứa con gái sắp lấy chồng đến nơi rồi, bà không khỏi tò mò, đôi mắt háo hức nhìn quanh bữa tiệc tìm kiếm bóng dáng thiếu nữ, rồi dừng lại ở tôi rất lâu mà không rời đi nữa. Đôi mắt bà khao khát ham muốn làm mẹ khi nhìn tôi thật từ ái ấm áp.

Bố hạnh phúc lắm. Và tôi cũng muốn thấy cảnh này một lần nữa.. Tôi quay sang mẹ.

Đôi tay mẹ siết chặt giấu phía sau lưng, đôi mắt đỏ hoe. Tôi ôm lấy mẹ, tựa lên vai mẹ, không sao đâu mẹ, chúng ta về nhà thôi.

____Hết____

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro