Chap 13 - Bí Mật Lâu Đài Lửa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con quỷ đã nổi giận, mà ông Mười vẫn chưa đủ khả năng để buộc nó trả lại vong hồn cho Thanh Huy. Vì thế, mọi người quyết định tạm thời trở về toà lâu đài trước, đợi ông Mười chuẩn bị mọi thứ ổn thoả rồi mới quay lại khu rừng sau.

Lúc đi ngang qua hàng rào gai, Ngọc Khiết bấy giờ mới có thời gian để quan sát rõ hơn. Hàng rào này là một loạt những cây cột được đóng chặt dưới đất, mỗi cột cách nhau một khoảng, sau đó kéo dây thép gai thành nhiều hàng ngang để nối các cột này lại với nhau.

Điều đặc biệt là có một đoạn có đến hai cây cột đứng cạnh nhau, mà một trong hai cột đó vốn không được cố định dưới đất như những cây khác. Cây cột đặc biệt này lại được nối dây thép gai với một cái cột khác chỉ cắm hờ dưới đất, dùng tay nhấc nhẹ đầu cột đằng này lên thì phía bên kia sẽ mở ra được dễ dàng.

Ấy thế mà hôm nọ, khi mấy thầy trò Ngọc Khiết khổ sở leo thang để qua được bên kia khu rừng, lại không hề hay biết chút gì về bí mật của hàng rào này.

Mọi người đi qua hết rồi, Vĩnh Tường mới đóng hàng rào lại, và rõ ràng Ngọc Khiết nhìn thấy, anh ta lấy một tấm giấy màu vàng nhét vào trong vết nứt trên thân cây cột không cố định đó. Đang lúc cô tò mò muốn hỏi thì ông Mười đã lên tiếng:

- Cất tấm bùa đó đi! Không còn hiệu quả nữa đâu!

Ngọc Khiết lúc này mới biết miếng giấy kia chính là bùa. Trong lòng cô hoang mang, lo ngại, xem ra vợ chồng Thuỵ Vân đúng là có chơi bùa, ngải gì đó. Cô đưa mắt nhìn về phía thầy Phong, lại chỉ thấy vẻ mặt bình thản của thầy, giống như thầy đối với chuyện này đã sớm rõ ràng.

Ông Mười lấy ra ba lá bùa màu vàng có viết chữ đỏ bên trên, rồi phân phó cho mấy người đàn ông chia nhau chôn những lá bùa này xuống đất. Ba lá bùa được chôn phía dưới hàng rào, hai lá nằm ở hai đầu và một lá ở giữa. Sau khi xong phần ở hàng rào, ông đưa thêm chín lá bùa nữa, nói là để chôn dưới mấy chậu cây kiểng xung quanh toà lâu đài. Ông dặn dò tỉ mỉ chỗ chôn từng lá bùa với gia chủ, rồi quay về hướng khu rừng kia bắt đầu niệm thầm gì đó trong miệng.

Trong lúc thầy Phong, Tuấn Kiệt cùng với Vĩnh Tường hì hục đào xới đất để làm theo chỉ dẫn của ông Mười, Ngọc Khiết cũng tranh thủ thời điểm này để thăm hỏi người phụ nữ cạnh mình. Cô nhìn sang bà Nhàn sắc mặt rầu rĩ, lựa lời an ủi:

- Dì cố lên nha dì! Con biết dì đau lòng lắm nhưng mà dì phải giữ được sức khoẻ, giữ được tinh thần ổn định thì mới lo cho Huy được!

Nghe câu này rất có lý nên người phụ nữ xấu số gật đầu, tay khẽ vỗ vỗ lên vai cô gái trẻ như thay lời cảm ơn. Thuỵ Vân đứng cạnh nãy giờ vốn giữ im lặng, đột nhiên nhớ ra gì đó nên nhìn Ngọc Khiết rồi hỏi:

- Khiết nè! Em với Kiệt sao lại đi vào rừng giờ này vậy? Hai đứa không sợ sao mà còn dám quay lại?

Bởi vì bản thân lén lút trèo qua cổng để đột nhập vào nhà người ta, nên khi bị chính chủ hỏi đến, Ngọc Khiết trả lời rất không tự nhiên:

- À... tại tụi em lo cho thầy, Kiệt vô tình nghe được thầy nói chuyện điện thoại, nói sẽ đến đây nên tụi em sợ thầy bị quỷ nữ kia làm hại.

Thuỵ Vân "ừm" một tiếng, không thắc mắc thêm gì nữa. Chị không phải kẻ ngốc, đương nhiên biết cô gái trước mặt đưa ra lí do này là không mấy hợp lí. Nếu chỉ đơn giản lo thầy mình đến đây sẽ bị oan hồn nào đó ám hại thì điều đầu tiên là phải gọi điện, liên lạc với người mình lo lắng. Đằng này chị ở cùng với Thế Phong cả buổi chiều, cũng không thấy anh động vào điện thoại.

Huống hồ nếu chỉ lo lắng về phương diện tâm linh, hai cô cậu này đáng lẽ nên bấm chuông cửa để gọi vợ chồng Thuỵ Vân. Có sự giúp đỡ của họ sẽ an toàn hơn so với việc liều lĩnh xông vào rừng khi chỉ có hai người như vậy. Rất nhiều những nghi vấn khiến Thuỵ Vân phải suy nghĩ, nhưng chị vẫn không hé môi với Ngọc Khiết. Chị cho rằng, cô gái này có lẽ còn e dè, cảnh giác với vợ chồng chị, và việc chị tra hỏi quá sâu sẽ chỉ làm cô thêm hoài nghi mà thôi.

Vì thấy bà Nhàn cùng ông Mười đã thấm mệt, Thuỵ Vân ngỏ ý mời những người đang rảnh tay vào nhà nghỉ ngơi. Ông Mười phất tay từ chối, nhưng không mở miệng nói gì, chỉ đưa mắt nhìn quanh toà lâu đài. Hiểu ý người chú của mình, bà Nhàn giải thích với hai cô gái:

- Chú Mười còn chuyện phải làm, thôi mình vào trong trước đi!

Ngồi trong phòng khách ấm áp, lại được uống trà nóng của Thuỵ Vân đưa cho khiến Ngọc Khiết cảm thấy hết sức dễ chịu. Mà vốn dĩ không riêng gì cô, hai người phụ nữ còn lại dù tuổi tác mỗi người chênh lệch nhau nhưng nói chung cũng đều là những người quen sống trong nhung lụa. Trời tối đen, lạnh lẽo như hôm nay mà lại phải đi loanh quanh trong khu rừng âm u, ma quái như vậy thì ai lại chẳng khó chịu. Đã vậy, còn bị ngọn lửa kia doạ cho một trận, làm hại thể xác lẫn tinh thần đều trở nên uể oải.

Thời gian chờ đợi mấy người kia và ông Mười làm việc, ba người phụ nữ đều mang trong lòng những nỗi niềm riêng nên không khí tương đối trầm lặng. Và rồi, người trẻ tuổi nhất mở đầu câu chuyện:

- Dì Nhàn! Thầy Mười đó giỏi lắm đúng không dì? Khi nãy con thấy ngọn lửa phừng lên nhìn ghê quá mà Thầy giải quyết gọn lắm luôn!

Bà Nhàn cười gượng, áy náy nói:

- Chú Mười giỏi thì có giỏi, nhưng giờ tuổi cũng già lắm rồi! Chú xưa giờ giúp gia đình dì biết bao nhiêu chuyện mà không nhận một đồng bạc, chuyện khó đến đâu cũng chưa hề từ chối. Lần này chú có ý muốn rút lui e là chú thật sự khó đấu lại vong quỷ kia! Mà dì vì thằng Huy, ráng năn nỉ chú... dì làm vậy là ép chú quá đúng không Khiết?

Ngọc Khiết nhìn mẹ của bạn mình hai mắt sưng đỏ đẫm lệ. Cô tự hỏi số giọt lệ của bà trong hai ngày này có phải đã vượt xa số giọt nước mắt đã rơi trong suốt thời gian sinh đẻ, nuôi dạy Thanh Huy trưởng thành? Trái tim cô xót xa, chỉ biết an ủi người mẹ đáng thương:

- Dì đừng nói vậy! Thầy Mười tài đức cao, làm việc thiện cứu người mà không để tâm đến chuyện tiền bạc, chứng tỏ Thầy rất có lòng với người gặp nạn. Con nghĩ khi nãy Thầy chưa nắm chắc phần thắng nên nói vậy, sau khi nghĩ kĩ lại thấy ổn nên mới nhận lời dì đó! Cho dù là ai con tin là Thầy đều sẽ giúp.

Khi nói những lời này, Ngọc Khiết không biết bản thân nói đúng được bao nhiêu, cô chỉ nghĩ có thể khiến người phụ nữ này an lòng phần nào, thì cô cũng nhẹ nhõm phần đó. Thuỵ Vân lắng nghe cuộc đối thoại của hai người kia, im lặng một chút rồi cũng lựa lời an ủi:

- Khiết nói đúng đó dì! Thầy Mười ở tận huyện nhỏ xa xôi mà đoán biết được Thanh Huy ở đây gặp nạn, còn rõ ràng nguyên do gây ra vụ việc, chứng tỏ năng lực Thầy phải cao thâm lắm! Dì đừng lo lắng quá rồi lại tự trách mình.

Ngọc Khiết bấy giờ mới hiểu, lúc ở trụ sở cảnh sát, bà Nhàn nói những lời khiến mọi người ngạc nhiên như chuyện Thanh Huy nói năng xúc phạm người âm, lại thêm biết con mình chết không toàn thây là do Thầy Mười đã báo trước. Bà Nhàn nhận ra vẻ mặt ngỡ ngàng của Ngọc khiết, nên cũng ôn tồn kể lại cho cô nghe toàn bộ sự việc.

Chuyện là khuya đêm đó bà đang ngủ say thì nhận được cuộc gọi của Thầy Mười - người mà bà vẫn gọi thân mật là chú Mười. Biết có chuyện chẳng lành, bà đề nghị chú có gì cứ nói thẳng để bà biết đường suy tính. Đáng tiếc chú nói với bà là không cứu kịp, và cũng báo luôn về cái chết của con trai bà và lý do vì sao lại bị như thế.

Khi ấy, bà dù rất mong tất cả chỉ là dự đoán sai lầm của chú Mười, nhưng thâm tâm bà đã cảm nhận được nỗi đau mất mát đang đến rất gần, cận kề gia đình bà. Vì vậy, khi nhận được điện thoại báo tin từ thầy Phong, tia hi vọng le lói cuối cùng cũng bị dập tắt, bà ngất xỉu trong tiếng gào thét của chồng mình.

Ông Cường cũng như bà, rất tin vào người ân nhân của mình là chú Mười, nhưng bản thân là người của chính quyền, ông không muốn để người khác biết chuyện mình tin vào tâm linh, ma quỷ.

Cũng chính vì thế, trưa hôm đó bà Nhàn không thuyết phục được chồng mình, nên chủ động nhờ thầy Phong đưa bà và chú Mười đến Lâu Đài Lửa để xin phép vợ chồng chủ nhà cho làm lễ đón linh hồn con trai bà về. May mắn là vợ chồng Thuỵ Vân rất tin những lời bà và chú Mười nói, nên đã đồng ý đưa họ đến khu rừng nơi Thanh Huy đã bỏ xác tại đó.

Ngọc Khiết nghe xong câu chuyện, cảm thấy mọi thứ trên đời này đều có thể diễn ra, dù khó tin nhưng lại là sự thật. Cô nhìn sang Thuỵ Vân, ánh mắt không giấu được vẻ hiếu kì, hỏi với giọng hơi run rẩy:

- Chị Vân! Em thấy chị có vẻ tin vào tâm linh. Chị ở đây lâu như vậy, có phải đã biết gì không chị?

Thuỵ Vân trầm ngâm nhìn xa xăm, ánh mắt dịu dàng như được phủ thêm một tầng nước, lấp lánh mà u buồn khiến người đối diện phải xót thương. Kí ức xưa cũ từng chút, từng chút ùa về, chị bắt đầu câu chuyện của mình bằng một tiếng thở dài.

*******

Chị và anh đều là những kẻ bị hạnh phúc bỏ quên, may mắn tìm được nhau, trở thành hạnh phúc của nhau.

Quê chị vốn dĩ cũng ở thành phố D này. Cha chị là thầy giáo tại một trường THPT nổi tiếng ở đây, cuộc sống gia đình luôn hạnh phúc dù không phải quá giàu có.

Bi kịch đến với chị lần đầu là khi chị mười sáu tuổi, người mẹ hết mực yêu thương chị đã ra đi mãi mãi vì một cơn đau tim. Cha con dìu dắt nhau cố vượt qua nỗi đau, tiếp tục cuộc sống mới ở thành phố S - nơi cha mẹ chị đã gặp và yêu nhau.

Tưởng chừng quãng đời còn lại dẫu sao vẫn có cha bên cạnh, nhưng rồi định mệnh lại tiếp tục xô đẩy.

Cha chị từng dạy qua nhiều học trò tài giỏi ở thành phố D - quê hương chị. Mà ông lại chỉ đặc biệt yêu thích vài người trong số đó, ví như Trịnh Thế Phong, tức thầy Phong hay ví như chồng chị - Lưu Vĩnh Tường.

Vĩnh Tường so với chị lúc ấy còn đáng thương hơn nhiều, cha mẹ cùng em gái anh ấy mất mạng trong một trận hỏa hoạn ngay tại nơi gia đình đang sinh sống - Lâu Đài Lửa. Anh khi đó đang du học ở nước ngoài phải tức tốc bay về, bao nhiêu hoài bão, hi vọng tan biến, sót lại chỉ là nỗi đau tan nhà nát cửa.

Tiếc là đến tận một năm sau, cha chị - người mà anh gọi là thầy Vinh mới biết được chuyện này. Ông gấp rút mang theo con gái trở lại nơi vợ mình đã trút hơi thở cuối cùng, một lòng muốn an ủi và giúp đỡ cho học trò cưng của mình. Chỉ là ông không biết, chuyến đi đó cũng chính là chuyến đi định mệnh của cả ông lẫn con gái mình.

——————————
Lam Nhạn
24/12/2019

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro