Giải mã các hiện tượng dị thường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giải mã các hiện tượng dị thường

Đại tá, nhà nghiên cứu Đỗ Kiên Cường, Viện Vật lý Y Sinh học - Trung tâm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự - Bộ Quốc phòng

Thể thao Văn hóa

06:36' PM - Thứ sáu, 19/12/2008

Chúngta.com đăng lại loạt bài viết "Giải mã các hiện tượng dị thường" đã đăng trên báo Thể thao Văn hóa tháng 5, tháng 6, tháng 7/2008 rất bổ ích và có giá trị nhận thức cao về những hiện tượng ở ranh giới nhận thức của loài người.

Tác giả bài viết - tiến sĩ Đỗ Kiên Cường là một nhà khoa học. Ông có cái nhìn tổng hợp, khoa học, tỉnh táo, khách quan soi rọi những hiện tượng đã và đang được xã hội quan tâm, tranh luận, phản biện quyết liệt.

Đến nay chúng ta có nhiều diễn giải khác nhau về các hiện tượng dị thường và do chưa có giải thích cuối cùng, thỏa đáng nên còn tồn tại rất nhiều cách giải thích đối chọi nhau, mỗi người mang một niềm tin, một lý giải riêng. Xuyên suốt loạt bài, tác giả Đỗ Kiên Cường bằng quan điểm khoa học hiện đại đã trình bày thực trạng, các định hướng giải thích vả giả thuyết khoa học hiện nay. Tất nhiên, cách lý giải khoa học cũng có những giới hạn, hạn chế và không hẳn thỏa mãn hiểu biết của chúng ta...

---------------------------------

Mục lục

Kỳ 1: Luân hồi - Huyền thoại và sự thật

Kỳ 2: Niềm tin vào các chuyện lạ

Kỳ 3: Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường

Kỳ 4: Các hiện tượng dị thường là gì?

Kỳ 5: Khả năng tiên tri qua hai trường hợp điển hình

Kỳ 6: Chiêm tinh học

Kỳ 7: Khả năng dự báo của kinh dịch

Kỳ 8: Thần giao cách cảm có thật hay không?

Kỳ 9: Truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda

Kỳ 10: Về Uri Geller, nhà tâm linh "lừng danh thế giới"!

Kỳ 11 Ngoại cảm qua một trường hợp điển hình (P1)

Kỳ 12: Bản chất hiện tượng phân thân qua lên đồng (P2)

Kỳ 13: Ngoại cảm của một trường hợp điển hình (P3)

Kỳ 14: Trị liệu tâm linh

Kỳ 15: Ma nhập

Kỳ 16: Kinh nghiệm cận kề cái chết

Kỳ 17: Bí ẩn của vật thể bay không xác định (P1)

Kỳ 18: Bí ẩn của vật thể bay không xác định (P2)

Kỳ 19: Bí mật của thôi miên

Kỳ 20: Hé mở bí mật khí công

Kỳ 21: Bí mật của xuất hồn - thoát xác

Kỳ 22: Thực chất của viễn di sinh học

Kỳ 23: Người tự cháy

Kỳ 24: Bí ẩn các nhà du hành vũ trụ cổ

Kỳ 25: Lợi ích của Thiền

Kỳ 26: Bí ẩn những giấc mơ tiên tri

Kỳ 27: Thực chất của "Gọi vong người chết"

Tổng kết loạt bài giải mã các hiện tượng dị thường

------------------------------------------------

*******Kỳ 1: Luân hồi - Huyền thoại và sự thật

Luân hồi là niềm tin phổ biến trong nhiều nền văn hóa từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim. Nó cho rằng con người có thể sống không chỉ một mà nhiều kiếp, mỗi kiếp cần một cơ thể mới. Vì thế nó thường gắn với các hiện tượng như mượn xác hay đầu thai. Nó có thể đi kèm hay không đi kèm với quan niệm linh hồn bất tử, tức sự tồn tại sau cái chết.

Cần nhấn mạnh rằng, không chỉ người dân, mà hiện nay không ít nhà khoa học cũng tin là có linh hồn. Điều đó thực ra không lạ, khi lưu ý rằng, linh hồn bất tử là ước nguyện rất tự nhiên của con người, vì đó chính là cách thức cuối cùng để con người bớt sợ hãi trước cái chết.

Một số trường hợp điển hình

Ngày 19/7/1985, cô gái Ấn Độ 17 tuổi Sumitra chết và gia đình đang chuẩn bị an táng. Bỗng nhiên cô sống lại, tự xưng là Shiva và không biết một ai xung quanh. Cô nói cô mượn xác Sumitra để sống lại.

Shiva là một phụ nữ 22 tuổi chết hai tháng trước. Thi thể cô tìm thấy trên đường tàu hỏa với nhiều vết thương trên đầu. Được đưa về gia đình Shiva, Sumitra nhận ra người thân, bạn bè, láng giềng, đồ vật cá nhân; viết đúng nét chữ và văn phong Shiva, trong khi Sumitra vốn không biết chữ! Quan niệm luân hồi rất phổ biến tại Ấn Độ, nên nhà Shiva tuyên bố Sumitra đúng là con gái họ vừa từ cõi chết trở về.

Năm 1956 cuốn Truy tìm Bridey Murphy của nhà thôi miên Mỹ Morey Berstein được ấn hành, viết về bà Ruth Simmons với biệt danh Virginia Tighe. Khi được thôi miên, Tighe nhập về kiếp trước ở Ireland thế kỉ 19. Khi đó bà nói thứ tiếng Ireland nặng và mô tả chính xác cuộc sống hằng ngày của tầng lớp bình dân thời đó. Bà gọi tên người bán tạp phẩm, cha cố, dân làng, người thân thích và cũng biết nhảy một vũ điệu địa phương. Cuốn sách trở thành best-seller và được dựng thành phim. Dân chúng tổ chức các buổi dạ tiệc về "kiếp trước". Một chú bé ở Shaunee, Oklahoma, tự sát bằng súng vì muốn tự mình khám phá sự thật.

Tranh cãi về nghiên cứu của Stevenson

GS tâm thần Ian Stevenson, ĐH Virginia, Mỹ, là người tiên phong trong nghiên cứu luân hồi. Từ hàng ngàn tư liệu, ông chọn ra các trường hợp tiêu biểu và xuất bản cuốn Hai mươi trường hợp gợi ý về luân hồi, cho rằng luân hồi có thể có thật.

Các nhà khoa học không đồng ý với Stevenson. Trên tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ năm 1994, của Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường (nay đổi thành Ủy ban yêu cầu nghi ngờ), Leonard Angel khảo sát trường hợp luân hồi điển hình nhất của Stevenson và kết luận, nó thất bại trong sáu đặc trưng căn bản của luân hồi. Nhà triết học Paul Edwards, 2002, xem các bằng chứng của Stevenson mang tính giai thoại.

Phản bác mạnh nhất là lập luận không có bằng chứng về các quá trình vật chất mà nhờ chúng, một nhân cách có thể tồn tại sau cái chết và được "cấy" vào một cơ thể khác. Chính Stevenson, với tư cách nhà khoa học, cũng nhận thấy hạn chế này khi trả lời phỏng vấn trên BBC (vì mọi quá trình tư duy, nhận thức, tình cảm... liên quan với "linh hồn" đều dựa trên các quá trình vật chất cụ thể trong bộ não). Một phản bác khác là tại sao chúng ta không nhớ kiếp trước của mình, nếu luân hồi là sự thật? Trước phản bác hợp lý này, có ý kiến cho rằng, luân hồi không dành cho tất cả mọi người, mà chỉ dành cho những cái chết bi thảm mà thôi. Vậy tại sao những người tài cao đức trọng nhưng chết yên bình thì không được luân hồi, mà một kẻ xấu xa lại có thể được ban đặc ân, miễn là chết đuối hoặc nhảy lầu?

Một số nhà khoa học cho rằng, bằng chứng luân hồi là kết quả của kí ức chọn lọc, trí nhớ sai hay một số hiện tượng tâm lý đặc biệt như đa nhân cách, nhân cách phân ly và kí ức ẩn giấu.

Đa nhân cách, nhân cách phân ly và ký ức ẩn giấu

Đa nhân cách là rối loạn tâm thần hiếm gặp, với chỉ hơn 200 trường hợp trên y văn thế giới được phát hiện trong 100 năm qua. Hội chứng được dư luận chú ý đầu tiên vào năm 1957, do tác phẩm Ba khuôn mặt của Eve của hai nhà tâm thần Thigpen và Cleckley về một nữ bệnh nhân có ba nhân cách là Eve trắng, Eve đen và Jane. Trong ba nhân cách thì hai Eve thường cãi nhau, còn Jane đóng vai hòa giải! Sau điều trị, người phụ nữ lấy lại được nhân cách gốc của mình. Tờ Thời báo New York ngày 11/3/1994 đăng tải bài viết về một người đàn ông có 11 nhân cách, trong đó 8 nhân cách tuyên bố biết một số chi tiết của một vụ án. Vì thế quan tòa thẩm tra xem lời khai của từng nhân cách có khớp với nhau và với vụ án hay không.

Áp phích bộ phim Ba khuôn mặt của Eve

Các nhân cách có thể nổi lên lần lượt hay đồng thời. Đó là lý do một cô gái bỗng tự xưng là một thanh niên hoàn toàn khác, dân gian gọi là "ma nhập". Dễ bị nhập nhất là người thần kinh yếu ớt và lúc nhỏ bị ngược đãi. Ngoài ra là người ưa thích và có khả năng phân thân. Vì thế các nghệ sĩ duy cảm dễ lên đồng, xuất hồn hay bị ma nhập hơn giới khoa học duy lý.

Nhân cách phân ly là khi người bệnh khăng khăng xem mình là người khác, như một cách thoát ly khỏi thực tế không mong muốn. Nếu trong đa nhân cách, một người có thể vào vai hàng chục nhân cách khác nhau, thì trong nhân cách phân ly, thường chỉ có hai nhân cách (nhân cách gốc và nhân cách phân ly) mà thôi. Đa nhân cách và nhân cách phân ly thường gắn với các hiện tượng như cầu hồn, thoát xác, ma nhập, đầu thai hay luân hồi.

Ký ức ẩn giấu là hiện tượng tâm lý đặc biệt, khi ta nhìn, nghe, đọc hay thu nhận được một số thông tin mà không biết là ta đã biết chúng. Vì không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hay vì ẩn giấu nên ta không biết). Thuật ngữ xuất hiện do một nhà tâm lý Canada thôi miên để người bệnh nhớ về "kiếp trước". Dưới thôi miên, người bệnh viết và nói một thứ tiếng xa lạ, mà khi tỉnh lại anh không biết nó là gì và từ đâu ra. Các nhà nghiên cứu kết luận đó là Oscan, tiền thân của tiếng Latin. Mãi sau mới biết rằng, khoảng một năm trước, trong thư viện, người bệnh ngồi bên một người đang nghiên cứu một văn bản cổ bằng tiếng Oscan. Chỉ một thoáng nhìn ở mức vô thức, do kí ức ẩn giấu mà người bệnh biết thứ ngôn ngữ tối cổ đó!

Lý giải các bằng chứng luân hồi

Hiện nay, hầu hết bằng chứng luân hồi đều dựa trên lời kể của các em bé. Báo chí phương Tây từng nhắc tới những em bé chỉ vài ba tuổi nhưng có thể kể đúng một số chi tiết đời tư hay tính cách của các vị Lạt ma Tây Tạng quá cố, khiến nhiều người xem đó là bằng chứng của luân hồi.

Khoa học lại đưa ra cách giải thích khá đơn giản về nguyên lý. Đầu tiên, do hiện tượng đa nhân cách hay nhân cách phân ly mà em bé đóng vai người khác, chứ không phải kiếp trước của em là một Lạt ma hay "linh hồn" của vị đó đang "nhập" vào em. Trong lúc đang thế vai, một số động tác, lời nói, cách ăn ngủ, chơi bời... của em có thể ngẫu nhiên phù hợp với hành vi của một người đã chết nào đó. Với những ai tin tưởng luân hồi, đó chính là bằng chứng của sự đầu thai!

Thêm nữa, có thể thông tin về người chết đã được kể trước mặt em, và vô thức của em nắm bắt được qua ký ức ẩn giấu. Lớn lên một chút, thông tin phát lộ ở ý thức, giúp em có thể kể lại, lúc đúng lúc sai. Và hiện tượng ký ức chọn lọc của môn tâm lý sẽ giúp ta chỉ nhớ những thông tin đúng mà quên hết mọi thông tin sai để đi đến kết luận, em bé chính là kết quả của sự luân hồi.

Vậy tại sao em bé "đầu thai" có thể phân biệt được người thân, nhà cửa hay đồ chơi của người khác? Đó là do hiệu ứng Hans thông minh, tức đọc ám hiệu từ ngôn ngữ cơ thể của người xung quanh (ngựa Hans đầu thế kỉ 20 tại Berlin "biết làm toán" do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện). Vì quá mong muốn người chết sống lại qua luân hồi, nên gia đình tạo nhiều ám hiệu chủ ý và không chủ ý. Bắt được các gợi ý, em bé "đầu thai" có thể vượt qua mọi thử thách (thực ra là đơn giản) của một gia đình đang xúc động. Và chắc chắn em sẽ thành công khi phát ra tín hiệu được mong đợi: con chính là người mà cha mẹ đang cần.

Tại sao thường chỉ em bé dăm ba tuổi mới "luân hồi", còn khi lớn hơn thì ít quan tâm tới "kiếp trước"? Nhỏ hơn độ tuổi này, nhân cách chưa hình thành nên không thể "phân ly nhân cách" để đóng vai người khác. Lớn hơn độ tuổi này, nhân cách gốc ngày càng vững, nên bé khó hay không muốn thế vai nữa.

Về những trường hợp nêu trên TT&VH

Các hiện tượng tâm lý đã nêu có thể áp dụng cho mọi trường hợp luân hồi, chứ không chỉ cho ba trường hợp trên TT&VH. Bé Bình - Tiến nói đúng chuyện chết đuối và "mẹ em làm nghề đánh đánh như thế này này" (đánh máy) chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Hàng ngàn em bé khác nói và hành động như thế hằng ngày, nên nếu vài em tạo nên sự chú ý thì cũng không lạ. Do nhân cách phân ly mà Bình đóng được vai Tiến, với những chỉ dẫn chủ ý và không chủ ý của bố mẹ Tiến. Việc biết đường đi, nhận ra nhà... là do hiệu ứng Hans thông minh. Một chú ngựa còn biết làm toán hay biết ai là Tổng thống Mỹ, tại sao một em bé "đầu thai", vốn rất nhạy cảm để có thể đóng vai người khác, lại không biết cần phải làm gì để cả người lớn và bản thân đều hài lòng?

**********Kỳ 2: Niềm tin vào các chuyện lạ

Năm 1997, tuần báo Time đưa ra số liệu thăm dò tại Mỹ, quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ. Trong số những người được thăm dò ngẫu nhiên qua điện thoại, 81% tin thiên đường có thật, trong lúc chỉ 16% không tin; 63% tin có địa ngục so với 30% không tin. Trả lời câu hỏi: Điều gì xảy ra sau khi chết?, 61% tin là được lên thiên đường, 5% tin sẽ luân hồi, 4% cho rằng đó là dấu chấm hết và 1% sợ bị đầy xuống địa ngục. Như các con số đã thể hiện, ở đây đức tin cảm xúc đạt tới tỷ lệ 70%, trong khi sự tường minh trí tuệ chỉ có 4%!

Uri Geller: Nhìn cong thìa - tâm linh hay ảo thuật?

Những thăm dò gần đây cũng cho kết quả tương tự. Chẳng hạn kết quả của Gallup năm 2005 cho thấy, 73% số người được hỏi tin ít nhất một trong mười hiện tượng lạ. Trong đó 41% tin ngoại cảm có thật; 37% tin có những ngôi nhà bị ma ám; 25% tin thuật chiêm tinh; 20% tin có luân hồi; và đặc biệt vẫn có tới 21% số người tin phù thủy có thật! Nghiên cứu đối tượng trên toàn thế giới qua mạng của Đại học Monash, nước Úc, năm 2006 cũng cho thấy, 70% tin có các hiện tượng không giải thích được làm thay đổi cuộc đời của họ, thường là theo hướng tích cực; 80% tin có linh cảm và 50% tuyên bố đã gặp kiếp trước của chính mình. Điều đáng quan tâm là các kết quả đó bền vững với thời gian, cho dù khoa học ngày càng phát triển, giúp con người khám phá nhiều bí ẩn của tự nhiên.

Lý giải như thế nào?

Đứng trước thực tế đó, các nhà khoa học đã cố gắng đưa ra nhiều cách lý giải. Chẳng hạn trong cuốn Vũ trụ nghệ thuật, do đại học danh tiếng Oxford (Anh) ấn hành năm 1995, nhà thiên văn nổi tiếng John Barrow cho rằng, hệ quả âm tính của việc trông gà hóa cuốc, tưởng có sư tử ở một nơi không có, là rất nhỏ (mất chút công sức đi đường vòng để tránh) so với việc không nhìn thấy khi nó có thật (có thể bị sư tử ăn thịt). Nói cách khác, có thể có hoặc không có ma quỷ, với người nguyên thủy, đó là một thách đố không có lời giải. Vậy tốt nhất là cứ tin nó có thật và tổ chức thờ cúng, còn hơn không tin mà nó có thật thì nguy to. Theo Barrow, đây chính là căn nguyên mang tính sinh tồn của sự mê tín.

Còn theo cố thiên văn gia Carl Sagan thuộc Đại học Cornell (Mỹ), cha đẻ chương trình tìm kiếm các nền văn minh trong vũ trụ SETI, trong cuốn Thế giới quỷ ám - Khoa học như ngọn nến trong bóng tối, năm 1996, thì ngay cả ma quỷ cũng không đáng sợ bằng nỗi sợ hãi không tên; vì thế người ta cứ thích tin vào ma quỷ.

Hai nhà tâm lý Singer và Benassi thì cho rằng, việc thừa nhận thế giới huyền bí giúp con người có cảm giác làm chủ số phận tốt hơn. Bằng cách đó họ giảm được sự bất định của cuộc sống, ít nhất trong tâm tưởng. Vì thế khi có một "lý thuyết" giản đơn cho phép biết trước tương lai vốn không thể biết trước, chúng ta có xu hướng tin theo một cách không phê phán. Đó chính là nhu cầu qui hoạch trong một vũ trụ không thể qui hoạch, một nhu cầu rất con người và rất chính đáng! Vì thế chúng ta tin tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, tướng số... mà không hề băn khoăn xem chúng có đúng hay không. Các kết luận đó được đưa ra sau một nghiên cứu năm 1981, khi hai ông bố trí một nhà ảo thuật trình diễn trước hai nhóm sinh viên tâm lý đại cương. Một nhóm được thông báo trước rằng, đó là một nhà tâm linh có các khả năng "kỳ diệu" như nhìn cong thìa hay làm đồ vật biến mất; trong khi nhóm còn lại biết trước rằng, đó chỉ là sự khéo tay. Sau buổi trình diễn, hai phần ba số sinh viên thuộc nhóm thứ nhất tin rằng, đó chính là khả năng tâm linh huyền diệu. Tuy nhiên, hai nhà khoa học rất ngạc nhiên khi thấy, hơn một nửa số sinh viên thuộc nhóm thứ hai, dù biết trước đó chỉ là ảo thuật, vẫn khẳng định rằng, đó không phải là ảo thuật, mà là "tâm linh"!

Và không nên quên rằng với người nguyên thủy, nhìn đâu cũng thấy thánh thần và ma quỷ. Cái nhìn đó đã lặn sâu vào vô thức để trở thành bản chất con người. Nói cách khác, niềm tin vào sự huyền bí, như loạt bài phản ánh hiện tượng luân hồi vừa đăng trên TT&VH, chính là nhu cầu của con người và được quyết định từ bản năng sinh tồn, từ bản chất bên trong của con người. Khoa học chỉ như ngọn nến trong bóng tối (lời Sagan), nên rất khó đẩy lùi xu hướng đó.

Cũng không nên quên nhu cầu giải trí của công chúng và sức ép đối với giới truyền thông. "Đuôi một con cá" không phải là tin, nhưng "Quái vật hồ Loch Ness" thì đích thị là một tin mà đa số chúng ta đều muốn nghe. Chúng ta ai chẳng thích xem cảnh David Copperfield bay lượn trong không trung hơn cảnh một vị giáo sư khẳng định, điều đó trái với qui luật tự nhiên? Vì thế khi các nhà khoa học Mỹ lập một kênh truyền hình để giải thích các hiện tượng lạ bằng khoa học vào năm 1988, thì chỉ sau ba buổi phát sóng, họ phải đóng kênh vì không có người xem. Trong khi đó, hàng chục kênh chuyên kể chuyện lạ thì phát sóng năm này qua năm khác mà không bao giờ sợ thiếu người ngồi lì trước ti vi và xem chăm chú!

Cũng có người cho rằng, vì khoa học hiện hành không thể lý giải mọi hiện tượng tự nhiên, nên nhiều hiện tượng lạ cũng có thể nằm ngoài sự giải thích của khoa học. Người viết bài này thì cho rằng, ngoài các lý do kể trên, nguyên nhân chủ yếu của niềm tin vào sự huyền bí nằm ở bí ẩn của bộ não, cấu trúc phức tạp nhất tự nhiên. Bộ não phức tạp đến mức, số khả năng kết mạng của các tế bào thần kinh - yếu tố quyết định khả năng tư duy và nhận thức - lớn hơn tổng số hạt cơ bản có trong toàn vũ trụ. Vì thế có lẽ bộ não và tâm trí mãi mãi là những bí ẩn không thể lý giải được đến tận cùng. Và đó có thể là lý do tồn tại vĩnh hằng của nghệ thuật hay tôn giáo, cũng như của niềm tin vào sự huyền bí của con người.

**********Kỳ 3: Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường

Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường CSICOP (Committee for the Scientific Investigation for Claims of the Paranormal), nay đổi tên thành Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI (Committee for Skeptical Inquiry), là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1976 tại Mỹ.

Chính xác hơn, nó được thành lập ngày 30/4/ 1976 tại hội thảo quốc tế "Các trào lưu phi lý tính mới: phản khoa học và giả khoa học" tại ĐH quốc gia New York. Đây là phản ứng tự nhiên của cộng đồng khoa học đối với "cơn trào dâng" các hiện tượng mê tín mới và sự thừa nhận không phê phán các hiện tượng ngoại cảm và tâm linh (còn gọi là các hiện tượng psi) của dư luận Mỹ và một số nước phương Tây nửa cuối TK 20.

Mục tiêu

Tuyên bố của hội thảo do nhà triết học Paul Kurtz chấp bút, viết: "Hiện có sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận đối với tâm linh, các hiện tượng huyền bí và sự giả khoa học. Truyền thanh, truyền hình, báo chí, sách, tạp chí thường xuyên đưa tin về trị liệu tâm linh, viễn di sinh học, sự bất tử, luân hồi, ảnh Kirlian, năng lượng sinh học, phẫu thuật tâm linh, trị liệu niềm tin, thuật chiêm tinh, vật thể bay không xác định, ma nhập, ma quấy rối, và "các tài năng" như Uri Geller, Edgar Cayce và Jeane Dixon". Vì thế theo tuyên bố, xuất hiện xu hướng lành mạnh là tổ chức một chiến lược phản bác các quan điểm phản khoa học đó. Tuyên bố viết tiếp: "Với những ý nghĩ đó trong đầu, chúng tôi thành lập tổ chức tạm gọi là CSICOP (tên gọi sẽ được chỉnh sửa sau)".

James Randi bóc trần khả năng "bẻ cong thìa bằng ý nghĩ"

Phương châm hành động của Ủy ban là không phản đối bất cứ hiện tượng lạ nào chỉ dựa trên định kiến hay tiền niệm, mà sẽ khảo sát chúng một cách cởi mở, hoàn chỉnh, khách quan và cẩn thận. Nhiều học giả lừng danh thế giới tham gia Ban điều hành Ủy ban, như Paul Kurtz (chủ tịch), Carl Sagan (cha đẻ chương trình tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất SETI bằng cách ghi sóng điện từ), Murray Gell-Mann (Nobel vật lý), Francis Crick (Nobel vì cấu trúc ADN), Stephen Jay Gould (tác giả thuyết tiến hóa hiện đại hóa), Richard Dawkins (nhà sinh học bác bỏ quan niệm về sự sáng tạo tối cao của nhiều nhà khoa học hàng đầu), Sergei Kapitza (nhà vật lý Nga đoạt giải Nobel), Skinner (cha đẻ thuyết hành vi của cảm xúc)... Bên cạnh đó là nhiều nhà hoạt động xã hội, nhà văn, nhà báo, nhà ảo thuật mà điển hình là James Randi,người đã thực hiện nhiều "hiện tượng tâm linh" chỉ bằng khả năng ảo thuật siêu hạng của mình. Hoạt động của Ủy ban bao gồm mọi hoạt động học thuật liên quan với các hiện tượng lạ như tổ chức nghiên cứu, đào tạo, xuất bản sách báo và tạp chí, hội thảo, tuyên truyền, phản biện... Tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ ra hàng quí là nơi đăng tải các nghiên cứu gốc của Ủy ban, trong đó nhiều công trình đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá các hiện tượng psi.

Một số nghiên cứu điển hình

* Đọc nguội. Trong bài "Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào" (tập 1, số 2, 1977) nhà tâm lý Ray Hyman chứng tỏ rằng, giới tiên tri, bói toán, bói bài, bói chỉ tay, cũng như giới cầu hồn, gọi vong có thể thu được thông tin qua đọc ngôn ngữ cơ thể nhờ hiệu ứng Hans thông minh. Đây là công trình được trích dẫn nhiều nhất.

Tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ số 1-2/2006

* Đi trên than hồng (số Thu 1985). Nhà vật lý Bernard Leikind và nhà tâm lý William McCarthy đi trên than hồng và thấy rằng, đó không phải nhờ "sức mạnh của tâm trí", mà do nhiệt dung riêng thấp của loại than củi dùng trong thực hành (vì thế không ai đi trên sắt nung!).

* Thuật chiêm tinh (số Đông 1986-1987 và số Xuân 1987). Nhà vật lý Geoffrey Dean khảo sát thuật chiêm tinh phiên bản thật (chứ không phải các phiên bản trên báo) và nhận thấy, tuy không đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học, nhưng nó "không nhất thiết phải đúng". Theo Dean, nó giống như "kẹo cao su tâm lý", thỏa mãn nhu cầu nhai (tâm lý) chứ không cần có thật.

* Thử nghiệm psi tại Trung Quốc (số Hè 1988). Đoàn đại biểu của Ủy ban được Trung Quốc mời nghiên cứu khí công và một số trẻ em có khả năng tâm linh. Mọi thử nghiệm đều cho kết quả âm tính. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ, không một khí công sư nào tác động được tới các đối tượng ở phòng bên cạnh. Trẻ em thì không thể hiện được khả năng "tâm linh" khi sự lừa gạt bị ngăn ngừa. Và khả năng lại xuất hiện khi các điều kiện kiểm soát được gỡ bỏ.

* Kinh nghiệm cận kề cái chết: Nhập hay thoát xác? (số Thu 1991). Nữ tiến sĩ tâm lý Susan Blackmore khảo sát kinh nghiệm cận tử bằng các tiếp cận hóa thần kinh, sinh lý và tâm lý. Bà giải thích thành công kinh nghiệm dị thường đó bằng các yếu tố khoa học.

* Luân hồi (số Thu 1994). Leonard Angel khảo sát một trong 20 trường hợp luân hồi điển hình nhất của GS tâm thần học Stevenson và kết luận, nó thất bại trong sáu điểm căn bản đặc trưng cho luân hồi (Stevenson không đồng ý với phân tích).

Vĩ thanh

Ngoài Ủy ban trên (có sự tham gia của giới học thuật quốc tế), các tổ chức nghi ngờ cũng được thành lập tại nhiều nước. Ngoài các hoạt động học thuật thường qui, họ treo giải 200.000 euro mỗi nước cho bất cứ nhà ngoại cảm hay tâm linh nào thực hiện được khả năng của mình trong các thí nghiệm được thiết kế đặc biệt để ngăn ngừa sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác và sự lừa gạt. Cho đến nay chưa một ai nhận được các giải thưởng danh giá đó.

********Kỳ 4: Các hiện tượng dị thường là gì?

Các hiện tượng dị thường hay các hiện tượng lạ là tập hợp nhiều hiện tượng phức tạp, từ các chủ đề tín ngưỡng - tôn giáo (như thần thánh, ma quỉ, thiên đường, địa ngục...) cho tới các lý thuyết khoa học mới mà ban đầu người ta chưa hiểu nên bị xem là dị thường. Xin giới hạn chủ đề trong phạm vi đối tượng nghiên cứu của một ngành khoa học đang gây tranh cãi là cận (hay ngoại) tâm lý (parapsychology).

Cận tâm lý là gì?

Cận tâm lý là một lĩnh vực học thuật nghiên cứu một số hiện tượng bất thường liên quan với kinh nghiệm của con người, cũng thường được gọi là các hiện tượng tâm linh (psychic phenomena) hay psi. Phần lớn giới cận tâm lý hy vọng có thể giải thích chúng, cho dù phải mở rộng biên giới hiện hành của khoa học. Một số thì tin rằng, khoa học hiện tại đủ khả năng giải thích nếu không phải tất cả thì cũng phần lớn các hiện tượng dị thường.

Nhà nghiên cứu và ảo thuật gia James Randi đang nghiên cứu

bản Tiên tri năm 1671 của Nostradamus

Ba nhóm hiện tượng là đối tượng của cận tâm lý: ngoại cảm (gồm thần giao cách cảm, thấu thị, tiên tri và hậu tri), viễn di sinh học hay tác động của tinh thần lên vật chất (chẳng hạn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ) và các hiện tượng liên quan với sự tồn tại sau cái chết (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác, luân hồi, ma nhập...). Chúng còn gọi là các hiện tượng psi, do hai nhà nghiên cứu Thouless và Weisner dùng lần đầu năm 1944, khi họ mượn chữ cái thứ 23 trong tiếng Hy Lạp như một thuật ngữ trung tính để mô tả các hiện tượng lạ.

Các tiếp cận cơ bản

Là một môn khoa học, cận tâm lý có 5 tiếp cận cơ bản: 1) Nghiên cứu kinh viện, khi thảo luận các chủ đề có tính triết học của cận tâm lý; 2) Nghiên cứu phân tích, khi tiến hành phân tích các bộ số liệu lớn về psi; 3) Nghiên cứu các trường hợp cụ thể, gồm xem xét kinh nghiệm cá nhân, khảo sát tại thực địa, so sánh niềm tin và sự kiện xảy ra ở các nền văn hóa khác nhau; 4) Nghiên cứu lý thuyết, khi lập mô hình toán học, mô hình mô tả hay hiện tượng luận cho psi; 5) Nghiên cứu thực nghiệm, khi cố gắng kiểm soát psi trong phòng thí nghiệm.

Vòng tròn trên các cánh đồng nước Anh -

sản phẩm của người ngoài hành tinh?

Ở Việt Nam mới manh nha một số nghiên cứu thuộc ba nhóm giữa; chẳng hạn nghiên cứu nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên (phương pháp 2 và 3) hay cố GS Nguyễn Hoàng Phương lập mô hình toán cho trường sinh học năm 1981. Trong khi đó, hai tiếp cận quan trọng nhất là tiếp cận 1 có vai trò dẫn dắt về thế giới quan và tiếp cận 5 có thể cung cấp những bằng chứng quyết định thì chưa được triển khai.

Bốn quan điểm về psi

Vì khoa học chưa thu thập được bằng chứng quyết định, cũng như chưa có lý thuyết thống nhất, nên hiện có bốn quan điểm đánh giá psi như sau:

Quan điểm 1: Không thừa nhận sự tồn tại của psi. Theo những người phản đối, psi không thể tồn tại vì trái ngược với nền tảng khoa học mà con người đã thiết lập được. Tờ Tuần tin tức (Mỹ) từng cho rằng, công nhận thần giao cách cảm hay viễn di sinh học là bác bỏ thành tựu của khoa học hiện đại trong suối 300 năm qua. Nhiều nhà vật lý ủng hộ quan điểm này, vì dường như psi trái ngược với các qui luật vật lý như bảo toàn năng lượng, dẫn truyền thông tin...

Điểm mạnh của quan điểm này là dựa trên nền tảng khoa học hiện hành. Ưu điểm khác là cho đến nay, chưa ai đưa ra được một bằng chứng đủ tin cậy về psi. Điểm yếu của trào lưu này là kiên quyết bác bỏ một số hiện tượng có thể có thật.

Quan điểm 2: Gắn psi với tín ngưỡng và tôn giáo. Theo đó, psi là bằng chứng của linh hồn bất tử (như luân hồi hay khả năng đọc ý nghĩ người chết), ma quỉ (như ma nhập hay "ngôi nhà ma ám"), thánh thần (như kinh nghiệm cận kề cái chết, xuất hồn hay thoát xác).

Không nên nghĩ đơn giản là quan điểm này góp phần khôi phục sự mê tín dị đoan, vì hiện nay nhiều nhà khoa học nổi danh lại có xu hướng thần học khi đối mặt với những câu hỏi về nguồn gốc hay ý nghĩa của vũ trụ. Vì thế nếu có người tin rằng Big Bang chính là hiện thân của đấng sáng tạo tối cao (đều là khởi thủy của vũ trụ) thì cũng không có gì lạ.

Người viết cho rằng, quan điểm này không phải là đối tượng của khoa học. Đó là hai lĩnh vực khác nhau (dù có thể bổ sung cho nhau), vì tín ngưỡng dựa trên niềm tin, còn khoa học dựa trên sự nghi ngờ.

Quan điểm 3: Xem khoa học hiện hành không đủ khả năng giải thích psi. Trường phái này giả định psi nằm ngoài giới hạn của khoa học hiện hành. Vì thế để giải thích psi, nó dùng hai tiếp cận. Một là dùng các quan niệm cổ xưa (giải thích tiên tri bằng Kinh Dịch, tử vi hay chiêm tinh; giải thích "đọc ý nghĩ người chết" hay hậu tri bằng linh hồn, ma quỉ; giải thích phong thủy hay cảm xạ học bằng quan niệm thiên địa nhân hợp nhất, thiên nhân giao cảm...). Hai là phát triển các lý thuyết mới như trường sinh học, năng lượng và thông tin sinh học (từng xuất hiện tại nước ta, điển hình là nghiên cứu của cố GS Nguyễn Hoàng Phương), lý thuyết lượng tử của tương tác giữa vật chất và tinh thần (điển hình là học giả Roger Penrose tại Cambridge, Anh), lý thuyết các chiều không gian dư, lý thuyết các vũ trụ song song...

Nhược điểm lớn nhất của trường phái này là tính tư biện và siêu hình, là sự thoát ly khỏi các nền tảng khoa học hiện đại, đặc biệt là các thành tựu của khoa học tâm trí. Chẳng hạn, họ xem thần giao cách cảm không tuân theo qui luật suy giảm theo khoảng cách của vật lý mà không biết rằng, các sóng điện từ tần số cực thấp (như sóng điện não) có thể lan truyền vòng quanh Trái đất nhờ cộng hưởng Schumann. Hoặc các luận giải về linh hồn, trường hào quang... cho thấy họ ít quan tâm tới những khám phá mới về bộ não và tâm trí, đặc biệt là vô thức, thành tố quan trọng nhất trong các hiện tượng psi.

Quan điểm 4: Giải thích một số yếu tố có thực của psi bằng khoa học hiện đại. Quan điểm này thừa nhận một phần sự tồn tại của psi và cố gắng giải thích bằng khoa học hiện hành. Chẳng hạn giải thích tương tác giữa các sinh thể với môi trường bằng các điện từ trường sinh học; giải thích khả năng bắt tín hiệu nhỏ yếu từ xa bằng ngưng tụ sinh học và hệ xử lý tiềm thức độ nhạy cao; giải thích một số yếu tố của xuất hồn, kinh nghiệm cận tử, luân hồi... bằng các hoạt động vô thức hay bằng các rối loạn tâm thần như nhân cách phân ly hay đa nhân cách; giải thích niềm tin vào tiên tri bằng nhu cầu qui hoạch tương lai của con người; giải thích các trào lưu mê tín mới bằng niềm tin vào sự huyền bí, vốn là nét nhân cách được hình thành và gìn giữ qua hàng triệu năm tiến hóa.

Ưu điểm lớn nhất của khuynh hướng này là có thể giải thích psi một cách khoa học và biện chứng; là chỉ ra được giới hạn của psi nhằm chống lại sự lạm dụng; là sự tin tưởng vào các nguyên lý căn bản của triết học duy vật và khoa học hiện đại. Người viết là người kiên trì ủng hộ trào lưu tư tưởng này.

Bạn xếp các hiện tượng luân hồi TT&VH vừa đăng tải vào nhóm giải thích nào?

**********Kỳ 5: Khả năng tiên tri qua hai trường hợp điển hình

Tiên tri luôn thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Rất nhiều người thường xuyên đi xem bói, lấy lá số tử vi, xem chỉ tay, xem tướng... mà không hề băn khoăn về tính xác thực của các loại hình "dự báo" đó. Xin khảo sát hai nhà tiên tri lừng danh trong nước và quốc tế.

Hai trường hợp điển hình

Chân dung thầy thuốc kiêm nhà tiên tri Nostradamus

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: Khả năng của Trạng Trình được lưu truyền qua nhiều trăm năm, khi ông được xem là biết việc 500 năm trước và 500 năm sau, khi dự báo chính xác 81 năm Pháp thuộc và sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô cuối năm Ngọ (1954), đầu năm Mùi (1955) qua lời sấm: "Cửu cửu càn khôn dĩ định - Thanh minh thời tiết hoa tàn - Trực đáo dương đầu mã vĩ - Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" (Luật trời đất đã định: 9 lần 9 là 81; Vào tiết thanh minh cuối năm Ngọ đầu năm Mùi; Tám vạn quân cụ Hồ sẽ về giải phóng thủ đô). Ông cũng được ca ngợi khi khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp: "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Dải Hoành Sơn là nơi có thể dung thân đến vạn đời). Tương truyền trong cuộc sống hàng ngày, ông cũng thường tiên tri thành công, chẳng hạn một lần đang ngồi với học trò, thấy người hàng xóm sang tìm, ông liền độn một quẻ Dịch và đoán người đó sang mượn búa. Mở cửa đón khách thì thấy đúng như vậy!

Nhà tiên tri Nostradamus ông tên thật là Michael de Nostredame (1503-1566), là thầy thuốc Pháp lừng danh thế giới vì khả năng tiên tri. Tác phẩm của ông đến nay vẫn được ấn hành và thu hút khá đông người đọc. Toàn bộ dự báo của Nostradamus được viết trong công trình Tiên tri, trong đó 6 tập được phát hành lúc ông còn sống, tập đầu tiên vào năm 1555. Công trình hoàn chỉnh gồm các khổ thơ tứ tuyệt có vần, được gọi là Thế kỉ, vì 100 khổ ghép lại thành một phần. Tổng cộng có 940 khổ thơ, chia thành 10 thế kỉ, trong đó thế kỉ cuối chỉ có 40 khổ. Ông được xem là dự báo chính xác cái chết của vua Henry II, Đại hỏa hoạn London 1666, cuộc chạy trốn của vua Louis XVI và hoàng hậu Antoinette, sự nghiệp của Napoleon, chiến tranh thế giới thứ 2 và Hitler... Không lạ khi nhiều người xem Nostradamus là nhà tiên tri lừng danh nhất trong lịch sử nhân loại.

Khoa học và tương lai của vũ trụ

Với thành công rực rỡ của cơ học Newton (chẳng hạn dự báo chính xác chu trình 69 năm của sao chổi Harley), khoa học thế kỉ 19 tin rằng, nếu đủ kiến thức và kĩ năng, chúng ta có thể dự báo chính xác hành trạng của vũ trụ trong một tương lai bất kì. Đó chính là quyết định luận Laplace nổi danh trong lịch sử khoa học. Điều đó có nghĩa, tiên tri là một khả năng có cơ sở khoa học. Vấn đề chỉ là chúng ta có đủ giỏi để dự báo đủ xa hay không mà thôi. Và Nostradamus vẫn được viện dẫn để chứng minh cho khả năng kì diệu đó.

Vấn đề hoàn toàn thay đổi khi bước sang thế kỉ 20. Nguyên lý bất định Heisenberg của cơ học lượng tử (khoa học về thế giới vi mô) cho rằng, không thể xác định chính xác hành trạng của thế giới vi mô. Và đó là vấn đề nguyên tắc, chứ không phải là vấn đề kĩ thuật. Điều đó chứng tỏ, không thể dự báo tương lai của các sự biến trong vũ trụ, bất kể con người thông minh và tài giỏi đến mức nào. Đó là phát súng ân huệ đối với quyết định luận Laplace và ước vọng tiên tri của con người.

Giải mã hai nhà tiên tri Trạng Trình:

Cho rằng Trạng Trình đoán đúng thời Pháp thuộc là không đúng, vì nếu lấy mốc giải phóng thủ đô là 1954 - 1955, thì trừ đi 81 năm, sẽ được thời điểm 1873 - 1874, theo lời sấm là bắt đầu thời kì Pháp thuộc. Đây là kết luận hoàn toàn sai so với lịch sử, dù tính theo thời điểm Pháp bắt đầu xâm lược (1858), chiếm Hà Nội lần cuối (1884) hay bắt đầu khai thác thuộc địa (1897). Cũng không thể xem "Hồ binh bát vạn nhập Tràng An" là sự kiện Bác Hồ giải phóng thủ đô đáng tự hào, vì dưới thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, "Hồ binh" mang nghĩa hoàn toàn khác (quân man di biên ngoại, theo cách gọi khinh khi của người Hán đối với các dân tộc ít người phía tây bắc Trung Hoa). Nói cách khác, giữa lời sấm và sự kiện Điện Biên Phủ chấn động địa cầu không hề có dây mơ rễ má gì với nhau.

Ngôi nhà đã tu sửa của Nostradamus

ở Salon-de-Provence

Việc Trạng Trình khuyên Nguyễn Hoàng vào Nam mở đầu cơ nghiệp nhà Nguyễn thì chỉ là kết quả của cái nhìn sâu sắc về địa chính trị, chứ không phải là sản phẩm của tiên tri. Chuyện độn đúng việc mượn búa của hàng xóm thì đơn giản là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi ông thường xuyên cho mượn búa.

Nostradamus: Giới nghiên cứu mất nhiều công khảo sát các dự báo của Nostradamus và phát hiện, thực tế hoàn toàn khác với sự ngưỡng mộ dành cho ông. Ít người biết rằng, sau khi ông chết, các khổ thơ vẫn tăng sau mỗi lần xuất bản. Ngoài ra là nhiều lần xuất bản "ma", chẳng hạn một lần xuất bản đề 1568, nhưng kĩ thuật in ấn cho thấy, nó được in trong thời gian 1649 - 1700. Điều đó chứng tỏ, người hâm mộ đã viết nhiều dự báo và gán cho ông. Dự báo sau khi các sự kiện đã xảy ra thì làm gì mà không chính xác!

Chẳng hạn khổ thơ 2-51 được xem là dự báo Đại hỏa hoạn London 1666 có nội dung: "Dòng máu của người chính nghĩa sẽ đổ ở London - Thiêu cháy do tiếng sét của hai mươi ba sáu - Nhà thờ cổ sẽ sụp đổ từ đỉnh cao chất ngất - Nhiều tín đồ của giáo phái sẽ bị giết". Để phù hợp với đám cháy 1666, nhiều thay đổi và giải đoán đã được thực hiện. Như "nhà thờ cổ" được xem là Đại giáo đường St Paul, bị tiêu hủy trong hỏa hoạn; "hai mươi ba sáu" được xem là 1666... Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Randi, đồng sáng lập Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố dị thường, Mỹ, khổ thơ dường như miêu tả sự kiện cùng thời Nostradamus, đó là cuộc tàn sát người Tin Lành dưới thời Nữ hoàng Mary I, nếu thay đổi một chút (nhưng hợp lý) nội dung câu thơ thứ nhất và thứ ba: "Dòng máu người ngoại phạm là sai lầm ở London", và "Quí bà già nua sẽ mất quyền lực tối cao", vì Mary I lúc đó mất trí do quá già. Sau sự kiện trên 3 tháng, bộ sách Tiên tri mới được xuất bản lần đầu vào tháng 5-1555, một thời gian đủ dài để Nostradamus biết rõ mọi thông tin. Mọi dự báo khác của Nostradamus cũng ở tình trạng tương tự. Và không nên quên rằng, Nostradamus tiên tri ông chết tháng 11-1567; thực tế là tháng 7-1566 ông đã từ trần.

Tại sao tiên tri?

Vì đó là bản chất bên trong của con người - loài động vật duy nhất trên trái đất có nhu cầu và biết qui hoạch tương lai. Vì thế khi có các loại hình qui hoạch đơn giản và tiện dụng, chúng ta có xu hướng tin tưởng một cách không phê phán. Điều đó giúp chúng ta tìm thấy sự yên bình, chí ít trong tâm tưởng? Và đó là một nhu cầu mang tính nhân văn.

***************Kỳ 6: Chiêm tinh học

Chiêm tinh học có từ 1.700 năm trước Công nguyên tại thành Babylon cổ xưa và chưa bao giờ thiếu người tin tưởng, dù luôn phải chịu sự công kích từ nhiều nhà tư tưởng hàng đầu nhân loại.

Chiêm tinh học cho rằng các thiên thể có ảnh hưởng tới mọi hành trạng của con người trên trái đất và do đó, có thể dự báo tính cách và số phận từng người dựa trên việc quan sát chuyển động của các hành tinh. "Chiêm tinh không phải là khoa học, mà là bệnh lý"? Đó là ý kiến của một nhà khoa học tuyên bố để ngăn ngừa sự mê tín mới? Hoàn toàn không - đó là ý kiến của triết gia kiêm thầy thuốc Maimonides (1135-1204) từ TK 12. Vậy tại sao nhân loại TK 21 vẫn tin tưởng thuật chiêm tinh, chẳng hạn tại Mỹ có tối thiểu 20.000 người hành nghề chiêm tinh có đăng ký? Có một thực tế là dịch vụ chiêm tinh không hề rẻ tại bất cứ nơi nào trên thế giới, vì thế chúng ta cần biết nó có chính xác hay không.

Minh họa về chiêm tinh năm 1888

Các con số bất ngờ

Một tổng kết năm 1984 về 3.011 dự báo chiêm tinh trên báo chí cho thấy, chỉ có 338 dự báo đúng. Phần lớn trong các dự báo đúng cũng rất mơ hồ và ai cũng có thể đạt được điều đó nếu chịu khó theo dõi tin tức, như ngôi sao nọ cưới bạn gái hay chiến tranh vẫn tiếp tục giữa hai phía xung đột...

Nhà vật lý Geoffrey Dean nghiên cứu lá số chiêm tinh của 22 người rồi đảo ngược kết quả. Kỳ lạ thay, 21/22 người cho rằng, các lá số đảo ngược đó mô tả chính xác tính cách và số phận của họ!

Bản chiêm tinh thế kỷ 15 mô tả mối tương quan giữa

các bộ phận cơ thể và các đối tượng chiêm tinh

Nhà tâm lý Silverman thuộc ĐH Michigan, Mỹ, nghiên cứu 2.978 cặp vợ chồng và 478 cặp đã ly hôn và nhận thấy, tỷ lệ tan vỡ của hai nhóm hòa hợp và không hòa hợp theo tiêu chuẩn chiêm tinh là như nhau. Nhà vật lý M.C. Jerni thấy thời điểm sinh của 6.000 chính trị gia và 1.700 nhà khoa học phân bố hoàn toàn ngẫu nhiên, trái với kết quả chiêm tinh. Nhà vật lý Carlson cho thấy, chiêm tinh chỉ đúng trong mô tả tính cách của 34% số người được nghiên cứu, một tỷ lệ... không cao hơn đoán mò.

Lý giải của khoa học

Đứng trước các con số đầy mâu thuẫn đó, các nhà khoa học đã đưa ra tới 26 lý do giải thích tại sao chúng ta thấy chiêm tinh hay các loại hình tiên tri khác dường như chính xác. Dưới đây là một số lý giải thường gặp nhất.

* Hiệu ứng Barnum: Phần lớn các dự báo chiêm tinh thường mơ hồ và tổng quát đến mức, có thể áp dụng chúng cho tất cả mọi người. Hiệu ứng này được đặt theo tên một gánh xiếc đầu TK 20, khi vào năm 1949, một GS tâm lý đưa ra một mô tả nhân cách khôn khéo đến mức, tất cả sinh viên của ông đều tin nó là của mình.

* Xu nịnh sẽ đưa chúng ta tới bất cứ đâu: Nói chung các dự báo đều dễ nghe. Khi có ai tuyên bố ta tài giỏi, thông minh, sáng tạo, nhạy cảm, giao thiệp rộng, giàu trí tuệ và dễ thăng tiến, nhiều khả năng ta sẽ xem đó là một nhà chiêm tinh rất đáng tin cậy!

* Ước vọng muốn tin: Không ai đi tìm một nhà chiêm tinh mà lại muốn ông hay bà ta nói sai. Chính ước vọng muốn tin đó khiến chúng ta tạo ra những ám hiệu kín đáo hay rõ ràng giúp nhà chiêm tinh điều chỉnh các dự báo. Khi gặp một thiếu nữ băn khoăn "tôi không gặp rắc rối về tình cảm chứ?", dù kém nhạy cảm cách mấy thì nhà chiêm tinh cũng biết cần phải nói như thế nào.

*Hội chứng tiến sĩ Fox: Khi thấy đang trong một tình thế giàu tính trí tuệ và khi tin là đang được nghe một người thấu hiểu vấn đề diễn thuyết, ta sẽ thấy thỏa mãn mà không để ý xem thực ra điều trình bày có đúng hay không. Năm 1974, ba nhà y khoa dùng một diễn viên đóng vai "Tiến sĩ Myron L. Fox". Cử tọa gồm 55 nhà tâm thần học, tâm lý học, giảng viên, quan chức trường phổ thông và nhà hoạt động xã hội ngồi nghe TS Fox tình bày về lý thuyết trò chơi ứng dụng trong giảng dạy vật lý. Bài giảng chỉ là lối văn cầu kỳ có chủ tâm, nhưng khi điền phiếu thăm dò, 42 người đồng ý rằng bài giảng được tổ chức tốt, với nhiều minh họa và có tính kích thích tư duy. Cũng có 14 người thấy diễn giả nói nhiều ở những điểm đã rõ ràng, và 1 người thấy buổi thuyết trình quá phức tạp. Tuy nhiên hầu hết đều muốn nghe thêm về chủ đề mà không một ai nhận ra rằng, bài giảng chỉ là trò lừa gạt. Vì thế nếu gặp một nhà chiêm tinh có kinh nghiệm và tỏ ra thông tuệ, nhiều khả năng là chúng ta sẽ tin!

* Hiệu ứng Hans thông minh: Nhiều nhà chiêm tinh phản ứng tốt trước ngôn ngữ cơ thể và nét mặt khách hàng để cải thiện các dự báo. Hiện tượng này được đặt theo tên chú ngựa Hans tại Berlin đầu TK 20 biết làm toán do đọc ngôn ngữ cơ thể người đối diện. Hiệu ứng vầng hào quang: Đó là kết quả của ấn tượng ban đầu. Ta có xu hướng tin tưởng nhà chiêm tinh hay thầy bói có tính cách nồng nhiệt hơn lạnh lùng, tự chủ hơn thiếu tự chủ, ăn mặc tươm tất hơn quần áo cẩu thả, ưa nhìn hơn kém hình thức... Giới hành nghề tiên tri thuộc nằm lòng quy tắc này.

* Tương quan ảo: Đây là quy luật vàng của tâm lý học: tin là thấy. Từ vô số sự kiện xảy ra trong đời, bao giờ ta cũng nhặt ra được những sự kiện phù hợp với dự báo của nhà chiêm tinh được ta tin tưởng. Đó cũng chính là qui luật vàng chi phối nhiều hiện tượng ngoại cảm và tâm linh khác.

* Ký ức chọn lọc: Nói chung ta có xu hướng chỉ nhớ dự báo đúng mà ít lưu tâm tới các dự báo sai. Và chúng ta say sưa kể về các dự báo đúng đó cả đời mà không lưu tâm tới câu hỏi quyết định, vậy chiêm tinh dự báo đúng bao nhiêu phần trăm? Trên thực tế có thể đạt được các kết quả cao hoàn toàn chỉ nhờ đoán mò, chẳng hạn sinh trai hay gái (tỷ lệ đúng 50%), đúng hay sai (tỷ lệ cũng là 50%); thậm chí có thể đạt kết quả ấn tượng tới tỷ lệ thành công 70% khi dự báo "thời tiết ngày mai giống hôm nay", một kết quả dựa trên thống kê học.

Năm 1982, GS tâm lý Lester đưa ra nhận xét, chiêm tinh học có ích lợi như chuyến thăm một nhà trị liệu. Nói cách khác, nó giống như sự trợ giúp tinh thần mà dường như nhiều người cần đến ít nhất một lần trong đời. Đó chính là nguyên nhân thành công chủ yếu của một chiêm tinh gia nhiều kiến thức về tâm lý học và một số môn khoa học xã hội đi kèm.

***********Kỳ 7: Khả năng dự báo của kinh dịch

Dịch hay Chu Dịch gồm hai phần, Dịch kinh và Dịch truyện. Dịch Kinh là một cuốn sách, thường được xem là sách bói, gồm 64 quẻ, xuất phát từ 8 quẻ (Bát quái), mỗi quẻ có 6 vạch. Dưới mỗi vạch có lời đoán theo các mục như hôn nhân, xuất hành... Lời đoán có thể tốt hay xấu, kèm lời khuyên đạo đức. Người đoán quẻ lập luận theo nguyên tắc âm dương giao cảm.

Theo cố học giả Cao Xuân Huy trong tác phẩm đoạt giải Hồ Chí Minh Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu: Dịch kinh là sách bói, ra đời sau Khổng Tử, còn Dịch truyện gồm nhiều tư tưởng hỗn hợp, trong đó nổi bật tư tưởng Lão Trang, với bản thể luận và biện chứng pháp Đạo gia. Như vậy Dịch chỉ có thể hình thành cuối đời Chu, thời Xuân Thu - Chiến quốc.

Nhiều người ca ngợi khả năng dự báo của Dịch, mà điển hình là Thiệu Vĩ Hoa, "ngôi sao Dịch học", người viết cuốn Chu Dịch với dự báo học với số lượng phát hành kỷ lục tại Trung Quốc. Bản dịch cũng gây nhiều dư luận tại Việt Nam. Trong sách, Chu Dịch được ca ngợi là "đại số học vũ trụ" hay "hòn ngọc trên vương miện khoa học".

Vậy trên thực tế Chu Dịch có khả năng dự báo như thế nào?

Logic 64 quẻ Dịch

Trong Hệ từ viết: "Dịch có Thái cực, sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái". Đó chính là luận lý căn bản của Dịch.

Thái cực là chữ Đạo của Lão tử, là bản thể vũ trụ, cơ sở tồn tại của vạn vật, nên "vô thủy vô chung" (không có khởi đầu và kết cục), "bất sinh bất diệt" (tồn tại vĩnh hằng, không đổi không dời), bao trùm mọi vật, đồng thời có trong từng vật riêng biệt. Lưỡng nghi là "âm dương", hai phương thức của Thái cực, đối lập, mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Do sự đấu tranh của âm dương mà hình thành sự đa hóa, phân hóa, phát triển. Lưỡng nghi cũng là trời và đất, lấy dương thay cho trời, lấy âm thay cho đất. Lưỡng nghi sinh Tứ tượng, tức âm dương kết hợp tạo nên bốn tượng: thuần dương là Thái dương, thuần âm là Thái âm, hào âm trên hào dương là Thiếu âm. Tứ tượng tượng trưng cho bốn phương, cũng cho bốn mùa, tức tứ thời.

Cờ Hàn Quốc với Thái Cực ở trung tâm,

xung quanh là 4 quẻ.

Tứ tượng sinh Bát quái, vẫn do âm dương tương giao mà thành. Hào dương kết hợp với Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương, Thái âm tạo thành bốn quẻ Càn, Đoài, Ly, Chấn. Hào âm kết hợp với Tứ tượng thành bốn quẻ Tốn, Khảm, Cấn, Khôn. Tổng cộng có 8 quẻ, tức Bát quái. Đó cũng là tám phương, bát tiết.

Tám "tiểu thành quái" trên kết hợp nhau, tạo 8 x 8 = 64 "đại thành quái", mỗi quẻ có 6 hào hay 3 tượng. Người xưa xem mọi biến dịch trong vũ trụ không ngoài 64 quẻ Kinh Dịch đó. Vì thế bậc trí giả, với các học thuyết thánh hiền, tự xem mình ngồi trong nhà mà như đứng giữa ngã ba đường, không gì là không biết!

Dịch theo khoa học hiện đại

Theo người viết, Thái cực chính là Big Bang, vụ nổ lớn khai sinh vũ trụ; Lưỡng nghi là đối ngẫu sóng - hạt của thế giới vi mô; Tứ tượng là bốn tương tác chi phối vũ trụ (hấp dẫn, điện từ, tương tác yếu và tương tác mạnh); một số quẻ Dịch là những phạm trù triết học. Khi đó sẽ giải thích được logic nội tại và khả năng dự báo của Dịch.

Theo vật lý học, vũ trụ của chúng ta xuất phát từ Vụ nổ lớn xảy ra 13,7 tỷ năm trước. Đó chính là tương tác siêu thống nhất, là cái một, cái chí nhất khởi thủy cho vạn vật. Sau đó do quá trình lạm phát, vũ trụ giãn nở và nguội dần, tương tác siêu thống nhất tách thành tương tác đại thống nhất và hấp dẫn (lúc này vũ trụ có 2 tương tác). Tiếp theo đại thống nhất tách thành tương tác mạnh và điện yếu (vũ trụ bây giờ có ba tương tác). Cuối cùng điện yếu tách thành điện từ và tương tác yếu, hoàn tất sự xuất hiện của 4 tương tác điều khiển toàn vũ trụ. Toàn bộ quá trình đó xảy ra chỉ trong một phần triệu giây sau Vụ nổ lớn.

Về hình thức, logic "Thái cực sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi sinh Tứ tượng" khá phù hợp với vũ trụ luận nói trên. Trong đó Thái cực là Big bang, nơi vũ trụ là cái một, cái duy nhất. Lưỡng nghi là lưỡng tính sóng - hạt của thế giới vi mô: vật chất vừa có tính sóng vừa có tính hạt, chúng mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Tứ tượng là bốn tương tác cơ bản. Tứ tượng không sinh đồng thời, mà "một sinh hai, hai sinh ba", "ba" sinh bốn, bốn "sinh vô cùng", có vẻ đúng như lời Lão Tử.

Theo Cao Xuân Huy ở sách đã dẫn, trong 64 quẻ, ba quẻ Thái, Bĩ và Đồng nhân tiêu biểu cho quá trình biện chứng của Dịch. Cụ thể hơn, Thái là chính đề, Bĩ là phản đề, phủ định, còn Đồng nhân là hợp đề của chính đề, tức phủ định của phủ định. Như vậy một số quẻ Dịch có thể là một số phạm trù hay quy luật của triết học biện chứng.

Khả năng dự báo của Dịch

Người viết thấy logic của Dịch đúng khoảng 60 - 70% so với kiến thức hiện đại, một tỷ lệ rất cao với một lý thuyết từ hàng ngàn năm trước. Vì thế nếu Thiệu Vĩ Hoa ca ngợi Chu Dịch hơi quá lời thì cũng dễ hiểu.

Tuy nhiên đó là do chúng ta chỉ mới xét tính tất yếu khách quan của các quy luật biến dịch mà chưa xét tới vai trò của ngẫu nhiên, yếu tố quyết định 50% số phận vũ trụ. Theo lời nhà vật lý lý thuyết Gell-Mann, bộ óc vật lý siêu việt nhất nửa cuối thế kỷ 20, giải Nobel về mô hình quark của các hạt cơ bản, "các ngẫu nhiên và các quark giải thích được vũ trụ, sự sống và mọi thứ khác".

Nói cách khác, nếu tính cả ngẫu nhiên, yếu tố quyết định một nửa hành trạng của tự nhiên, khả năng dự báo của Dịch sẽ giảm đi một nửa, còn khoảng 30-35%. Viết đến đây, người viết lại nhớ tới quan điểm của cố giáo sư, nhà tình báo, thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc, một nhà khoa học đã lập mô hình toán học cho tử vi, đại ý, nếu đúng thì (dự báo dựa trên Dịch) cũng không quá 70%, nếu sai cũng không dưới 30%.

Tóm lại, dự báo Chu Dịch có tỷ lệ thành công khoảng 30-35%. Đây là một tỷ lệ khiêm tốn, chỉ ngang với dự báo ngẫu nhiên hay đoán mò. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, đoán mò còn cho kết quả cao hơn, chẳng hạn sinh trai hay gái, thắng hay thua (đều có tỷ lệ thành công 50%).

Kết luận

Về mặt nhận thức, hiểu biết của con người đi từ thấp tới cao, từ đơn giản tới phức tạp, trên cơ sở trình độ khoa học - công nghệ của xã hội đương thời. Quá trình nhận thức càng ngày càng tiếp cận, nhưng không bao giờ đạt tới hiểu biết cuối cùng (khoa học TK 20 phát hiện ra rằng, có những giới hạn nhận thức mà khoa học không thể vượt qua). Vì thế, một lý thuyết có từ hàng ngàn năm trước như Chu Dịch không thể phản ánh tốt hiện thực khách quan. Người viết cho rằng, Dịch dự báo được khoảng một phần ba các biến cố, một tỷ lệ tương đương với đoán mò (các loại hình tiên tri khác như chiêm tinh học cũng có tỷ lệ thành công như vậy, cho thấy có lẽ chúng chỉ là sự đoán mò). Và có lẽ đó là lý do mà các nhà Dịch học chỉ kể về các trường hợp thành công, chứ không bao giờ đưa ra các con số thống kê về tỷ lệ giữa các dự báo đúng và sai. Thiếu những thống kê như vậy, khả năng dự báo của Dịch còn thiếu sức thuyết phục.

***************Kỳ 8: Thần giao cách cảm có thật hay không?

Thần giao cách cảm (telepathy) là khả năng đọc ý nghĩ người khác hay trao đổi thông tin trực tiếp giữa các bộ não. Nó là một trong bốn hiện tượng ngoại cảm, bao gồm thần giao cách cảm, thấu thị (hay thấu thính), tiên tri và hậu tri. Vấn đề đặt ra là nó có thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng?

Những trường hợp điển hình

Trong một thí nghiệm kinh điển, Morley của Viện Victoria, Mỹ, cho kiến vào các bình chứa khác nhau, sao cho chúng không thể liên lạc bằng âm thanh, thị giác, mùi hay rung động (kiểu liên lạc thường gặp ở kiến). Tuy nhiên dường như chúng vẫn có thể truyền tin cho nhau, qua "giác quan thứ chín", theo lời nhà nghiên cứu.

Chú khỉ thứ 100 là câu chuyện thú vị về khả năng truyền ý nghĩ của khỉ. Theo giới ngoại cảm học thì một chú khỉ trên đảo Koshima, Nhật Bản, học được cách rửa khoai tây bằng nước biển trước khi ăn và dạy cho khỉ trong đàn cách giữ vệ sinh đó. Ngay lập tức kiến thức lan truyền tức thời qua 'thần giao cách cảm" và nhiều khỉ trên quần đảo Nhật Bản biết rửa khoai tây!

Ấn tượng nhất là thí nghiệm về "cảm xúc" thực vật. Trong đó, một người được bố trí đập phá cây trước một cái cây khác. Đo đạc cho thấy, trước cảnh tàn sát, hoạt tính điện của "cây nhân chứng" gia tăng dữ dội. Sau đó rất nhiều người được bố trí đi ngang qua cây "nhân chứng". Đúng như mong đợi, khi người tàn sát cây xuất hiện, hoạt tính điện của cây nhân chứng lại thay đổi ghê gớm: dường như cây đã nhận dạng được kẻ sát nhân! Căn cứ vào đó mà một số người kết luận thực vật cũng có thể có cảm xúc và tình cảm, một quan niệm thực ra là sai lầm.

Các lý giải thường gặp

Một số lý thuyết đã được đề xuất để giải thích thần giao cách cảm, như trường sinh học, năng lượng hay thông tin sinh học - một trường vật chất mới hoàn toàn khác các trường vật lý đã biết. Nhược điểm lớn nhất của chúng là thiếu cơ sở khoa học và bằng chứng thực nghiệm. Bản chất của trường đó là gì, cường độ mạnh yếu thế nào, cơ chế tương tác với các sinh thể ra sao, chúng từ đâu xuất hiện và khi sinh thể chết thì chúng mất đi đâu là những câu hỏi chưa bao giờ được giải đáp.

Quan niệm của nhà vật lý Bohm về thực tại không định xứ của cơ học lượng tử cũng thường được viện dẫn. Theo đó thì một thực tại có thể đồng thời ở nhiều vị trí không thời gian khác nhau, nên hai bộ não có thể cùng chia sẻ một ý nghĩ. Tuy nhiên đó là thực tại của thế giới lượng tử, tức thế giới vi mô, chứ không phải của thế giới sinh thể mà ta vẫn thấy hàng ngày.

Lý thuyết ý thức tập thể của nhà phân tâm học Jung cũng thường được diễn giải sai lầm như một cơ chế truyền ý nghĩ giữa các bộ não. Theo đó thì mọi bộ não đều kết nối với nhau qua "ý thức tập thể". Nếu không thì tại sao ngay từ bé, chúng ta đều sợ rắn? Không lạ khi Jung là người ủng hộ các hiện tượng dị thường rất nhiệt thành.

Cách lý giải mới

Nhà sinh học Rupert Shaldrake, chuyên gia về thần giao cách cảm.

Vật lý sự sống đưa ra một cách lý giải mới cho thần giao cách cảm. Đó là quan niệm điện từ sinh học. Theo đó thì mọi ý nghĩ đều có cơ sở vật chất là các hoạt động điện hóa tại các tế bào thần kinh trong não. Theo định luật cảm ứng điện từ, các xung điện hóa đó sẽ tạo ra sóng điện từ trong và xung quanh não. Phép đo từ não đồ để nghiên cứu não và chẩn đoán bệnh dựa trên thực tế đó. Đồng thời, qua một số hiện tượng cộng hưởng, như cộng hưởng Schumann, các tín hiệu điện từ sinh học đó có thể tách khỏi nhiễu và lan truyền vòng quanh trái đất qua ống dẫn sóng giữa tầng điện ly và mặt đất, tương tự sóng phát thanh. Thực nghiệm đã đo được các sóng 10m và 37,5m, gần dải sóng đài phát thanh hay dùng. Về nguyên tắc, một nhà ngoại cảm có thể thu và giải mã các sóng này, dẫn tới khả năng "đọc ý nghĩ". Hiện tượng ngưng tụ Bose-Einstein trong các hệ sinh học, mà khoa học đang tìm được những bằng chứng xác thực, cho phép cơ thể đo được các tín hiệu rất nhỏ yếu đó.

Tuy những suy luận trên không phải không có hạt nhân hợp lý, nhưng yếu tố quyết định phải là bằng chứng thực nghiệm. Không được thực nghiệm khẳng định thì đó chỉ là một trong nhiều giả thuyết về thần giao cách cảm mà thôi. Đáng tiếc là cho đến nay, hầu như khoa học chưa thu được một bằng chứng đủ tin cậy nào để khẳng định thần giao cách cảm có thật.

Giải mã các hiện tượng đã nêu

Trong thí nghiệm Morley, nếu quả thật kiến vẫn liên lạc được với nhau, nhiều khả năng là nhờ các kênh điện từ. Chú khỉ thứ 100 đơn giản chỉ là huyền thoại, tức chỉ là sản phẩm bịa tạc. Trong thí nghiệm phá cây, cần lưu ý rằng khoa học đã thấy rằng trước khi chết, khả năng sinh thể phát tín hiệu điện từ tăng gấp hàng ngàn lần so với bình thường. Đó là thời khắc lóe sáng cuối cùng trước khi vụt tắt. Do sự cộng hưởng mà hoạt tính điện của cây nhân chứng cũng gia tăng mạnh mẽ. Việc nhận dạng người phá cây cũng được giải thích như vậy. Đó chỉ là những hoạt động vật lý thuần túy, chứ thực vật thì không thể có tình cảm hay cảm xúc, như có người lầm tưởng khi thuật lại thí nghiệm này.

Thần giao cách cảm có thật hay không?

Câu trả lời của khoa học là chúng ta chưa biết. Khả năng động thực vật có thể liên lạc qua nhiều kênh thông tin thì đã rõ, với nhiều bằng chứng ủng hộ. Ngoài ra một số động vật cũng có khả năng cảm nhận được động đất, nhà sập hay một số tai biến khác trước khi chúng xẩy ra. Nhiều khả năng động vật bậc thấp đo được biến động địa từ hay sóng hạ âm thường xuất hiện trước các tai biến. Vấn đề chưa rõ là con người có khả năng đọc ý nghĩ người khác hay không. Cho đến rất gần đây, qua thí nghiệm Ganzfield, được thiết kế để thực hiện thần giao cách cảm có kiểm soát (ngăn chặn can nhiễu và sự rò rỉ thông tin qua các kênh cảm giác), vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận về tính xác thực của nó. Nhiều nhà khoa học cho rằng, cần tiếp tục cải tiến qui trình Ganzfield và thử nghiệm nhiều hơn nữa, may ra chúng ta mới có cơ hội tìm ra lời giải.

************Kỳ 9: Truyền thuyết Tam giác quỷ Bermuda

Bản đồ vùng Tam giác quỷ Bermuda

Tam giác Bermuda, hay tam giác quỷ nằm ở vùng Tây Bắc Đại Tây Dương, trên một vùng rộng lớn gồm vịnh Florida, Mỹ, quần đảo Bahama và quần đảo Carribe, nơi nhiều máy bay và tàu thuyền bị mất tích. Tam giác Bermuda là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Các chuyến bay thương mại hay tư nhân cũng dày đặc trên bầu trời.

Đây là vùng biển thường xuất hiện các cơn bão bất ngờ. Từ Hè tới cuối Thu cũng thường có cuồng phong. Kết hợp với sự nhộn nhịp cả trên bầu trời và dưới mặt nước, nên không lạ khi người ta ghi nhận được nhiều vụ máy bay hay tàu thuyền mất tích không để lại dấu vết, nhất là khi các phương tiện truyền thông hiện đại chỉ xuất hiện trong nửa cuối thế kỷ 20.

Văn hóa dân gian thường gắn các vụ mất tích với các hiện tượng dị thường, sự mất hiệu lực của các qui luật vật lý hay người ngoài hành tinh. Điều đó góp phần tạo nên truyền thuyết tam giác quỷ.

Lịch sử truyền thuyết

Theo các tác giả truyền thuyết, chính Christopher Columbus (người phát hiện châu Mỹ) là người đầu tiên viết về sự kiện lạ tại khu tam giác, khi ông và thủy thủ đoàn nhìn thấy "những đốm sáng nhảy nhót lạ lùng nơi chân trời". Nay giới nghiên cứu cho rằng, đó có thể chỉ đơn giản là lửa nấu ăn trên xuồng hay trên bãi biển của thổ dân người Taino.

Tam giác quỷ Bermuda là khắc tinh của tàu thuyền

Truyền thuyết thời hiện đại bắt đầu từ bài viết ngày 16/9/1950 của nhà báo Jones. Hai năm sau tạp chí Fate đăng bài Bí mật biển cả ngay cửa sau nhà ta của George Sand về các vụ mất tích, trong đó có chuyến bay 19 của phi đội 5 chiếc cường kích TBM Avenger thuộc hải quân Mỹ.

Nghiên cứu của Kusche

Lawrence David Kusche, thủ thư nghiên cứu tại ĐH bang Arizona, Mỹ, đã phản bác xu hướng trên trong tác phẩm Giải mã bí ẩn tam giác Bermuda, năm 1975, khi kiên trì lần theo các vụ mất tích. Cách nghiên cứu của ông nhiều khi đơn giản đến bất ngờ: ông xem mục thời tiết trên báo tại các thời điểm mất tích và nhận thấy, sự thật không giống như lời kể trong truyền thuyết. Ông đi tới các kết luận quan trọng:

1) Tỷ lệ mất tích tại tam giác Bermuda không hề lớn hơn tỷ lệ tại bất cứ vùng biển nào trên thế giới.

2) Trong một khu vực nhiều bão nhiệt đới, sự mất tích không có gì là bí ẩn; đồng thời các tác giả truyền thuyết thường không tính tới các cơn bão đó.

3) Con số mất tích được phóng đại vì các nghiên cứu lỏng lẻo; chẳng hạn một con tàu được tính là mất tích, nhưng khi nó trở về bình yên sau đó thì không được đưa ra khỏi danh sách.

4) Một số vụ được xem là mất tích không hề xảy ra, như một máy bay được cho là rơi trước hàng trăm nhân chứng tại vịnh Daytona, Florida, năm 1937; kiểm tra báo chí thời điểm đó thì không tìm thấy thông tin như vậy.

Vì thế Kusche khẳng định: "Huyền thoại tam giác Bermuda là huyền thoại được tạo dựng... (và) được nuôi dưỡng nhờ nhiều tác giả vô tình hay hữu ý dùng các quan niệm sai, suy luận kém và xu hướng giật gân hóa".

Kết luận của Kusche có được thực tiễn ủng hộ hay không? Hãng bảo hiểm biển Lloyd's nổi tiếng tại London xem tam giác Bermuda không nguy hiểm hơn các vùng biển khác nên không tăng phí bảo hiểm. Các đường bay và các tuyến hải trình vẫn tấp nập tàu thuyền với đầy ắp thương gia và khách du lịch trên khoang. Chẳng ai vì truyền thuyết mà bỏ qua cơ hội làm ăn hay thưởng ngoạn các khu du lịch nổi tiếng trong vùng.

Các giải thích tự nhiên

* Methane hydrates: Một cách giải thích tập trung vào các vùng khí methane hydrates trên đại dương. Thực nghiệm tại Australia cho thấy, các bọt khí có thể gây chìm con tàu mô hình vì làm giảm mật độ nước. Người ta giả định sự giải phóng khi hydrates theo chu kỳ từ các vụ núi lửa dưới đáy biển phun trào sẽ tạo ra các vùng nước nhiều bọt khí. Tàu thuyền lọt vào vùng này sẽ chìm rất nhanh mà không hề thấy bất cứ một tín hiệu cảnh báo nào. Sách trắng của Mỹ năm 1981 có viết về sự xuất hiện khí tại vùng biển Đông Nam. Tuy nhiên một vụ thoát khí lớn đến mức gây chìm tàu thì chưa hề xảy ra tại Tam giác Bermuda hàng ngàn năm qua.

* Lệch hướng la bàn: Nhiều tác giả viết về thực tế này mà không chú ý rằng, kim la bàn chỉ các cực từ trái đất. Tại Mỹ, chỉ một đường thẳng từ Wisconsin tới vịnh Mexico là có hướng kim la bàn chuẩn (vì đường thẳng này trùng với đường nối hai từ cực trái đất). Giới thủy thủ biết rõ điều này.

* Cuồng phong: Như bất cứ nơi đâu trên Trái đất, các cơn bão khủng khiếp này là nguyên nhân hàng đầu của các vụ mất tích tại vùng tam giác.

* Dòng hải lưu vùng vịnh: Dòng hải lưu này xuất phát từ vịnh Mexico, tới vịnh Florida rồi chảy lên Bắc Đại Tây Dương. Là một con sông trong đại dương, nên nó dễ dàng cuốn trôi một thủy phi cơ hay một con thuyền nhỏ chết máy.

* Sóng lớn bất thường: Những cơn sóng lớn bất thường có thể xuất hiện tại một vùng biển đang yên bình, như từng xảy ra tại vùng đất mới năm 1982. Tuy nhiên tam giác Bermuda không phải là địa điểm thích hợp với cách giải thích này, và nó cũng không đúng với các trường hợp máy bay mất tích.

Tác động của con người

* Sai sót của con người: Đây là nguyên nhân hàng đầu được giới chức quan tâm trong các vụ mất tích. Và tam giác Bermuda cũng không phải là ngoại lệ.

* Hoạt động phá hoại: Hoạt động này gồm chiến tranh và hải tặc. Trong hai cuộc thế chiến, số vụ mất tích tại Bermuda tăng cao so với bình thường. Hải tặc có truyền thống trong vùng từ ngày phát hiện Tân thế giới và nay vẫn còn hoạt động, tuy không bằng nhiều vùng biển khác trên thế giới.

Kết luận

Truyền thuyết tam giác quỷ Bermuda một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng, con người là loài động vật thích nghe và dễ tin các hiện tượng dị thường, các hiện tượng nằm ngoài hiểu biết đương đại. Dường như đó cũng là một kiểu "phân ly" để thoát khỏ

************Kỳ 10: Về Uri Geller, nhà tâm linh "lừng danh thế giới"!

Tại sao Uri Geller trở thành nhà tâm linh nổi danh nhất lịch sử là một vấn đề thú vị cần được giải thích rõ ràng trong lĩnh vực dị thường học. Trong 40 năm qua, đây là chủ đề thu hút sự chú ý chưa từng có của dư luận.

Nhân thân

Màn biểu diễn bẻ cong thìa bằng ý nghĩ của Uri Geller

Uri Geller sinh ngày 20/12/1946 tại Tel Aviv, Israel, bố mẹ là người Do Thái gốc Áo - Hung. Ông được đặt tên theo người dì chết do tai nạn. Geller tự nhận có họ với nhà phân tâm học lừng danh Sigmund Freud về đằng mẹ, một thông tin không được xác nhận. Năm 11 tuổi, ông theo gia đình chuyển tới đảo Síp và theo học một trường trung học Cơ đốc nhưng chưa tốt nghiệp. Năm 17 tuổi Geller nhập ngũ và bị thương năm 1967. Năm 1968-1969, Geller làm người mẫu ảnh và bắt đầu trình diễn trên một sân khấu nhỏ.

Sau khi xem ảo thuật gia người Anh David Berglas trình diễn, Geller bắt đầu "bẻ cong thìa" theo kỹ thuật học được từ Berglas. Những năm 1970, ông nổi danh tại Mỹ và châu Âu vì khả năng tâm linh và trở thành người biểu diễn toàn thời gian trên truyền hình. Ông tuyên bố có khả năng thần giao cách cảm, viễn di sinh học và cảm xạ học (bẻ cong thìa, mô tả bức tranh giấu kín, điều khiển đồng hồ ngừng chạy, chạy nhanh hay chậm hơn... bằng "sức mạnh ý chí"). Theo lời kể thì khả năng của Geller huyền diệu đến mức, ngay tại nhà khán giả xem truyền hình, thìa nĩa và vật dụng kim loại cũng cong tít!

Uri Geller biểu diễn trước sự chứng kiến của đám đông hiếu kỳ

Trong khi được sùng bái tại Mỹ thì tại Israel, Geller bị tố cáo trước pháp luật về việc dùng ảo thuật để "bẻ cong thìa bằng ý nghĩ". Tòa án Israel từng phạt Geller phải trả lại tiền cho khán giả. Năm 1968, một tạp chí ảo thuật Israel đăng tải cách thức làm cong thìa hoàn toàn giống màn trình diễn của Geller.

Khẳng định khả năng tâm linh là sự thật, từ 1974, Geller đi vòng quanh thế giới với câu chuyện, ông nhận được khả năng từ hành tinh Hoova thuộc hệ mặt trời khác và từ đĩa bay có tên Trí tuệ bầu trời. Chính câu chuyện hấp dẫn này, cùng sự cả tin của công chúng Mỹ, đã giúp Geller trở thành "nhà tâm linh nổi tiếng nhất lịch sử".

Hiệu ứng Geller

Uri Geller bên cạnh người bạn thân - ngôi sao nhạc Pop Michael Jackson

Giới ảo thuật nhanh chóng nhập cuộc. Năm 1982, James Randi, nhà ảo thuật lừng danh, đồng sáng lập Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI được thành lập tại Mỹ năm 1976 nhằm ngăn chặn sự mê tín mới đã xuất bản cuốn Sự thật về Uri Geller, trong đó bóc trần mọi khả năng tâm linh của Geller. Năm 1985, ảo thuật gia Ben Harris xuất bản cuốn sách chuyên khảo về các kỹ thuật bẻ cong thìa. Các sách tương tự cũng xuất hiện tại nhiều nước châu Âu. Trong một cuốn sách về lịch sử ảo thuật, Christer Nilsson nhận xét gay gắt: "Chúng ta biết Uri Geller chỉ là người tạo ảo giác không hơn không kém".

Tuy nhiên điều mà Nilsson và những người như ông không thấy là khả năng dị thường của Geller trong việc thu hút dư luận. Giới khoa học phải đưa ra thuật ngữ "hiệu ứng Geller" để mô tả khả năng của một người, vốn không hơn ai về ảo thuật, trong việc tạo ra ảnh hưởng to lớn lên thế giới hiện đại và trong việc lôi cuốn công chúng đủ mọi trình độ tin vào "thiên tài" của mình. Uri Geller cũng tuyên bố kiếm được nhiều triệu đô la Mỹ từ các công ty dầu mỏ do dùng cảm xạ phát hiện vàng và dầu sâu trong lòng đất, đôi khi chỉ bằng cách vẫy tay trên bản đồ(!). Khi được yêu cầu, ông từ chối nêu tên các công ty vì "những lý do tế nhị".

Một số tuyên bố của Geller hay của những người si mê ông còn khó tin hơn nữa. Năm 1989, ông nói tiếp xúc với Ủy. ban Liên Xô về phát triển và sử dụng công nghệ vũ trụ trong khoa học và kinh tế và đề nghị dùng sức mạnh tâm linh sửa chữa các vệ tinh trên quỹ đạo. Lời đề nghị bị từ chối. Cũng theo lời ông, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ NASA nhờ ông thu hồi ăng ten bị mất trên Galileo, con tàu thám hiểm hệ mặt trời. NASA phủ nhận thông tin này. Geller cũng đề nghị dùng viễn di sinh học để thu hồi máy quay phim bị bỏ quên trên mặt trăng trong chiến dịch thám hiểm Apollo; đến nay nó vẫn trong tay chị Hằng vì NASA bỏ ngoài tai lời đề nghị. Geller cũng được gán cho nhiều khả năng "phi thường" như biến kim loại thành vàng, phát hiện vị trí thuyền Nô-ê mất tích sau cơn Đại hồng thủy, làm các đồ vật biến mất rồi lại hiện ra...

Nổi tiếng tại Tòa án

Uri Geller còn nổi tiếng vì "thành tích" tại tòa án, điển hình là cuộc chiến pháp lý dai dẳng với James Randi, kẻ thù không đội trời chung của Geller và các nhà tâm linh giả hiệu khác. Là nhà ảo thuật lừng danh, Randi thực hiện được mọi "khả năng tâm linh" của Geller chỉ đơn giản bằng sự khéo léo của bàn tay.

Năm 1990, Geller kiện Randi ở tòa án Nhật vì những nhận xét của ông trên báo chí xứ Phù Tang. Vì Randi không tiến hành các thủ tục bảo vệ nên ông bị phạt 500 ngàn yên (4.400 USD). Randi không nộp phạt và tuyên bố, sẽ không trả một đô la, thậm chí một xu cho bất cứ ai kiện ông, do ông hành động chỉ vì chân lý khoa học.

Năm 1991, Geller kiện Randi cùng Ủy ban yêu cầu nghi ngờ CSI và đòi bồi thường 15 triệu đô la vì những nhận xét gay gắt của Randi trong bài phỏng vấn trên tờ Diễn đàn thông tin quốc tế. Ngày 27/7/1993, tòa án Washington bác bỏ cáo buộc và phạt Geller 149.000 USD cho phí tổn của CSI trong vụ kiện. Geller kháng án và ngày 9/12/1994, tòa thượng thẩm Columbia giữ nguyên án sơ thẩm với nhận xét: "Xét lịch sử thích kiện cáo của bên nguyên, tòa không thấy sự tùy tiện nào trong án phạt".

Từ đó Randi luôn đối mặt với các vụ kiện của Geller, khiến một quỹ tư nhân được thành lập để quyên tiền giúp Randi hầu kiện. Đồng thời Randi cũng góp 10.000 USD lập một giải thưởng nay lên tới một triệu USD để trao cho bất cứ nhà ngoại cảm hay tâm linh nào thực hiện được một màn trình diễn với sự kiểm soát của ông. Gần 1.000 người đã tới thử sức nhưng chưa một ai nhận được tiền.

Lịch sử kiện cáo của Geller còn kéo dài khá ly ky, với sự kiện tháng 11/2000, ông kiện công ty chuyên sản xuất trò chơi video Nitendo, vì nhân vật Pokemon "mang các đặc trưng riêng" của ông. Cụ thể là Pokemon có các khả năng tâm linh và biết bẻ cong thìa bằng ý nghĩ! Ông đòi bồi thường 60 triệu bảng Anh (100 triệu USD) nhưng không được chấp nhận.

Đến đây chúng ta đã có thể tìm ra nguyên nhân giúp Uri Geller trở thành nhà tâm linh vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó là sự kết hợp thú vị và khôn khéo giữa ước vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người, mà theo nhà tâm lý Susan Blackmore thì nó lớn hơn mọi chứng cớ phản bác, và hiệu ứng Geller, là khả năng thu hút dư luận lạ thường của một người có khả năng ảo thuật không hề nổi trội. Nói cách khác, Geller trở nên nổi tiếng chỉ vì... chúng ta muốn như vậy!

*******************Kỳ 11: Ngoại cảm của một trường hợp điển hình

Năm 1998, ở độ tuổi 46, cô thanh niên xung phong năm xưa, xin được gọi tắt là Năm, quê tại Thái Thụy, Thái Bình, bất ngờ phát hiện ra khả năng tìm mộ người chết. Nghe theo tiếng gọi của đồng đội đã khuất hiện còn nằm rải rác khắp nơi, chị Năm vào Bình Dương tổ chức tìm mộ. Theo tin đồn, chị cùng bạn bè đã tìm được hàng ngàn hài cốt liệt sĩ tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Tình cờ người viết được theo dõi một buổi tìm mộ của chị. Bài viết dưới đây là một cố gắng nhận chân bản chất quá trình tìm mộ của chị.

Cô Năm đang sử dụng "ngoại cảm"

Khoảng 8 giờ 30 ngày 10/5/2000, tôi và một nữ phóng viên báo Lao động tại TP.HCM có mặt tại căn nhà mà cô Năm thuê tại xóm Giếng máy cũ, phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Khoảng 30 người quây lấy căn phòng khách nhỏ, nơi cô Năm dùng làm điện thờ. Đó là người đi tìm hài cốt đang chờ đến lượt được cô Năm giúp đỡ.

Đầu tiên người nhà phải đăng ký vào sổ những thông tin sơ bộ về bản thân và liệt sĩ, như tên tuổi người đi tìm, quan hệ với liệt sĩ, tên tuổi liệt sĩ, ngày nhập ngũ, địa bàn hoạt động, ngày, địa điểm và hoàn cảnh hy sinh. Thông tin về nơi chôn cất nếu có thì càng tốt. Phân thân qua... lên đồng?

Khi đến lượt, người đi tìm mộ được gọi vào ngồi trước mặt cô Năm sau khi đặt một chút vàng mã trên bàn thờ hay trên mặt bàn đối diện. Phải nói thật là số vàng mã này được bán rẻ (khoảng 5.000 đ) tại một quán nhỏ trước ngõ. Cô Năm chắp tay khấn vái, miệng lẩm nhẩm vài câu tụng niệm rồi giật mình, đầu hơi ngả về sau: Cô đã phân thân qua lên đồng để trở thành một "đức ông", với giọng nói khàn khàn theo kiểu phụ nữ giả giọng đàn ông (chứ không phải giọng đàn ông như mọi người vẫn truyền tụng). Cô xưng là "ông", gọi liệt sĩ là "chú" và đóng vai người trung gian để liệt sĩ nói chuyện với người thân. Cô ghi chép thông tin về liệt sĩ trên một tờ giấy nhỏ màu vàng bằng tiếng Việt và bằng một thứ chữ loằng ngoằng như chữ Hán. Cuối tờ giấy cô vẽ sơ đồ ngôi mộ, có chia thành các vùng đánh số kèm lời ghi chú như rừng, ruộng nước, nhà cửa... Cô tung mấy đồng xu để xác định hài cốt đang nằm ở vùng số mấy. Trước khi tung cô khấn liệt sĩ, đại loại kiểu: "Hãy chỉ cho con chú biết chú đang nằm ở đâu nhé". Tung lần đầu chưa được thì cô tung lần 2, lần 3... cho đến khi được mới thôi.

Tôi hỏi mấy người xem "ông" là ai, mọi người đều lắc đầu không biết. Căn cứ vào thái độ của mọi người đối với "ông", tôi thấy hầu như không ai tin rằng, cô Năm đang "nhập hồn lãnh tụ", theo lời cô tuyên bố.

Những trường hợp ly kỳ

Trường hợp 1: Một anh thanh niên ngoài 30 tìm được mộ cha khá dễ dàng khi anh biết rõ cha anh hy sinh trong một trận đánh và tất cả hài cốt trong trận đó đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. "Ông" chỉ anh vào nghĩa trang, tới dãy bên trái rồi tìm ngôi mộ thứ ba. Đó chính là mộ cha anh, với đặc điểm bên cạnh có khóm hoa màu vàng hay đỏ gì đó (tôi không nhớ chính xác). Theo lời những người theo dõi và tổng kết thì đây là trường hợp hết sức may mắn vì ít khi quá trình tìm kiếm lại dễ dàng đến thế!

Trường hợp 2: Một chị phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi đi tìm mộ cha là liệt sĩ chống Pháp. Đọc lời khai cha chị mất ở Bình Thuận, "ông" kêu ngay: "Rộng thế này thì tìm làm sao được!". Nhưng rồi "ông" cũng cố giúp gọi hồn cha về bên chị. Vừa cắm cúi vẽ sơ đồ, "ông" vừa nói: "Ngày xưa các chú đi đánh giặc anh dũng, sao bây giờ lại mềm yếu thế. Chú cứ khóc như thế thì cha con nói chuyện với nhau thế nào được!". Chị phụ nữ nức nở, mọi người chứng kiến đều xúc động. "Ông" cũng nói thêm, bên cạnh hài cốt cụ thể còn "mấy cái cúc áo". Cuối cùng, "ông" cũng tìm được nơi chôn cất hài cốt. Đáng tiếc là nó lại nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận, nên không cách nào lấy lên được. Trước nỗi đau khổ của người con, "ông" đưa ra giải pháp lưỡng toàn: "Coi như đã biết nơi cất hài cốt, còn hồn của chú ấy thì đã ở đây. Vậy ngày rằm tới con mang bát hương tới đón về thờ cúng. Thế là vừa biết hài cốt ở đâu, vừa thờ được hồn cha". Làm sao mà có một giải pháp tối ưu hơn thế được nữa cơ chứ?!

Trường hợp 3: Một chị phụ nữ trung niên đi tìm mộ anh là liệt sĩ chống Mỹ. Trường hợp này không có gì đặc biệt cho lắm. Khi biết cốt còn ở trong rừng (lời khai của thân nhân), "ông" nói: "Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi". Chị phụ nữ liền nói: "Bây giờ là ruộng sắn". "Ông" nói ngay: "Thì ông cũng bảo thế". Mọi người ồ lên thán phục khả năng thấu thị phi thường của "ông".

Đây là trường hợp đã tìm mấy lần nhưng chưa thấy. Khi mấy cựu chiến binh vẫn hợp tác với cô Năm Nghĩa vào thưa với "ông" rằng, họ đã đến tận nơi chôn cất, nhưng do địa hình thay đổi nên không thể xác định được cốt nằm ở đâu. "Ông" nói ngay: "Cứ đào đi, nếu chỗ này không thấy thì đào chỗ khác. Không đào thì sao mà biết được".

Sau khoảng 5-6 trường hợp, "ông" phán: "Thôi cô Năm đã mệt, hãy để cô nghỉ một lát". Thế là sự phân thân tạm dừng, cô Năm lại trở thành cô Năm với giọng Bắc quen thuộc với mọi người. Trong số báo tới, tôi sẽ phản bác các thông tin này bằng việc sử dụng tâm lý, tâm thần học, cụ thể là nhân cách phân ly và đa nhân cách, và vì sao chúng ta lại có thể dễ dàng tin như vậy.

***********Kỳ 12: Bản chất hiện tượng phân thân qua lên đồng

Giới đồng cốt thường tuyên bố họ lên đồng là để tiếp xúc với "người cõi âm", nói chuyện với người chết, giúp người sống tìm gặp "vong" người thân đã mất... Và sự phân thân của cô đồng (đóng vai một người hoàn toàn khác: tên tuổi khác, giới tính khác, gia cảnh khác, phương ngữ khác...) thường được coi là dấu hiệu "ma nhập", khi "hồn" của người chết nhập vào cô. Dưới ánh sáng khoa học, cụ thể là môn tâm lý và tâm thần học, sự phân thân qua lên đồng chỉ được giải thích đơn giản bằng các rối loạn tâm thần nhân cách phân ly hay đa nhân cách.

Cô đồng J.Z. Knight nổi tiếng nước Mỹ những năm 1980 - 1990

Phân ly nhân cách là hiện tượng đóng vai người khác, thường hay gặp ở người lúc nhỏ bị ngược đãi. Thực ra đó là một cơ chế bảo vệ, khi người ta tìm cách thoát ly về mặt tinh thần ra khỏi một thực trạng khó khăn. Chẳng hạn một phụ nữ Mỹ khăng khăng khẳng định mình là Đức đồng trinh, mà nguyên nhân chỉ là vì người chồng mới đi xa về nên hoạt động tính dục hơi thái quá. Còn theo GS tâm lý Robert Baker tại ĐH Kentucky, cô đồng J.Z. Knight nổi tiếng nước Mỹ những năm 1980 - 1990 từng nhập vai một người da đỏ tên là Ramtha sống từ 35 ngàn năm trước! Nói chung, đó là những trường hợp đóng vai một cách vô thức. Còn trong trường hợp cô Năm thì không hoàn toàn như vậy, vì cô luôn "hiệu chỉnh" cách phát ngôn sao cho đẹp lòng người!

Cách ứng xử

Muốn hiểu bản chất của quá trình tìm mộ, cần lý giải cách ứng xử của "đức ông" khi giải quyết những trường hợp cụ thể. Và với cái nhìn mang tính phê phán khoa học, có thể tìm ra sự thật ẩn giấu dưới bức màn thần bí.

* Trường hợp 1: Anh thanh niên tìm được mộ cha khá dễ dàng vì anh khai rõ là cha anh hy sinh trong một trận đánh cụ thể. Tất cả hài cốt liệt sĩ trong trận đó đều đã được quy tập về một nghĩa trang liệt sĩ. Chắc chắn chị Năm đã biết điều đó. Và có thể chị cũng đã đến thăm nghĩa trang. Tại đó, sơ đồ và đặc điểm một số ngôi mộ đã được ghi nhớ một cách vô thức vào trí nhớ của chị. Đó là hiện tượng ký ức ẩn giấu rất quen thuộc với giới tâm lý học. Trong hiện tượng đó, ta nhìn thấy, nghe được, đọc ra, thu nhận một số thông tin mà không biết là ta đã biết chúng. Vì ta không biết nên chúng ẩn giấu trong vô thức (hoặc vì ẩn giấu nên ta không biết). Khi chúng bất chợt hiện ra ở ý thức, ta rất ngạc nhiên không hiểu từ đâu và vì sao ta lại biết chúng.

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đang tìm mộ liệt sĩ bên hồ Đắk Lốp (Ảnh: Caxahoc.vn)

Cần nhấn mạnh thêm rằng, trong lĩnh vực dị thường, rất nhiều hiện tượng lạ có thể giải thích bằng hiện tượng này. Chẳng hạn một nhóm du khảo dừng chân nghỉ trưa tại một gốc cây to. Bỗng trong đầu người trưởng nhóm vang lên mệnh lệnh: Hãy đi chỗ khác ngay! Mệnh lệnh cứ lặp đi lặp lại mãi cho đến khi cả nhóm vội vàng rời khỏi gốc cây. Giây lát sau, một cành cây to rơi xuống. Tai họa chắc chắn xảy ra nếu nhóm trưởng không tuân theo mệnh lệnh "siêu hình". Đó là sự tiên tri hay thần linh mách bảo? Câu trả lời là ký ức ẩn giấu. Vừa dừng chân nghỉ, nhóm trưởng vô tình nhìn thấy cành cây trên cao đang lắc lư (cảm nhận một cách vô thức). Cần lưu ý là trường nhìn của chúng ta khá rộng, nhưng về mặt ý thức, ta chỉ cảm nhận được những gì ta chăm chú nhìn thôi; phần còn lại thuộc về vô thức. Và chính vô thức người trưởng nhóm đã cứu nhóm du khảo.

Ở đây cũng vậy, khi được yêu cầu, chị Năm qua "đức ông" vô hình, đã tùy tiện gán một ngôi mộ cho anh thanh niên, với niềm tin tưởng rằng, hành động đó sẽ được hoan nghênh từ nhiều phía. Có ai đi tìm mộ mà lại hy vọng không tìm được mộ!

* Trường hợp 2: Đây là trường hợp khá điển hình minh họa cho thủ thuật quen thuộc của giới đồng cốt: tìm mọi cách đánh vào tình cảm con người. Khi tình cảm dâng cao thì lý trí xuống thấp; và người ta dễ dàng chấp nhận mọi phán quyết của cô đồng. Khi chị phụ nữ nức nở vì thấy "ông" bảo hồn cha chị đang khóc lóc thảm thiết, nói gì mà chị chẳng tin! Thông tin về "mấy cái cúc áo" thì là kết quả của kinh nghiệm, vì áo trấn thủ thời chống Pháp rất bền.

Khi người viết kể với một phóng viên báo An ninh thế giới, anh liền cho biết, nói hài cốt nằm dưới chân móng hội trường tỉnh ủy Bình Thuận là không đúng vì tòa nhà này có từ thời Pháp thuộc. Còn việc mang bát hương tới đón "hồn" về thờ hoàn toàn thuộc về tín ngưỡng, nên khoa học không cần phải giải thích.

*Trường hợp 3: Trường hợp này là minh họa rõ ràng cho một thủ thuật khác của giới lên đồng: nói dựa theo phản ứng của người cầu hồn trước những lời thăm dò nước đôi mà cô đồng khéo léo đưa ra đúng lúc. Câu nói của "ông": "Ngày xưa đó là rừng, nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi" là mồi câu. Người tìm mộ đã mắc câu khi mách: "Bây giờ là ruộng sắn". Và "ông" chỉ việc phán: "Thì ông cũng bảo thế" là ung dung giật được con cá mong ước: sự thán phục và tin tưởng của mọi người. Sau đó "ông" nói gì người ta cũng tin!

Rồi những lời phán của "ông", rằng cứ phải đào tìm hài cốt, chỗ này không thấy thì đào chỗ khác, không đào thì thấy làm sao được (!) là những điều quá hiển nhiên, theo kiểu "mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông", ấy vậy mà chẳng ai phản đối cả. Tôi thấy chị phụ nữ cũng thất vọng, nhưng chị tế nhị không nói ra. Trường hợp này còn thú vị ở chỗ, vừa vào là "ông" trách ngay: "Hồn anh cô trách cô sao bây giờ mới đi tìm". Chị phụ nữ phản ứng: "Vì gặp nhiều khó khăn nên nay mới đi tìm được, sao không thông cảm mà lại trách". Thế là "ông" vội hòa giải: "Người ta đã hy sinh vì dân vì nước, nay trách móc chút ít cũng được chứ sao". Sao mà "ông" khéo thế!

Thế hóa ra cô Năm không có một chút công trạng gì hay sao? Có lẽ không phải như vậy, vì theo lời đồn thì hình như cô có khả năng cảm xạ.

***************8Kỳ 13: Ngoại cảm của một trường hợp điển hình

Như đã trình bày ở hai kỳ trước, việc tiếp xúc với "vong" hay nói chuyện với "linh hồn" liệt sĩ hoàn toàn chỉ là cuộc tự nói chuyện do giới đồng cốt bịa đặt, như một thủ thuật tạo niềm tin, qua đó họ có thể thu lượm được một số thông tin có ích từ thân nhân người chết. Báo chí có lần nói tới khả năng dùng cảm xạ để phát hiện hài cốt dưới lòng đất?

Cảm xạ là gì?

Thuật ngữ cảm xạ (dowsing) được dùng lần đầu tiên vào năm 1540 trong tác phẩm về khai mỏ mang tên De re Metallica của Georgius Agricola, được ấn hành tại Basel, Thụy Sĩ, như một kỹ thuật tìm khoáng sản hay đồ vật bị chôn giấu.

Trong khi đó cuốn Phục hồi Pluton của Nam tước phu nhân Beausoleil năm 1640 khuyến khích cách dùng gậy để "cảm xạ" các nguồn nước ngầm; kỹ thuật này phổ biến khắp châu Âu. Ngược với cái tên nghe lạ tai, kỹ thuật cảm xạ thực ra rất đơn giản. Muốn tìm nguồn nước, đồ vật chôn giấu... nhà cảm xạ cầm một đoạn cây nhỏ hình chữ Y hay một con lắc trên hai tay và đi lại trên vùng đất nghi ngờ. Bình thường cây gậy nằm ngang ở vị trí cân bằng, còn con lắc dao động bình thường theo chiều ngang. Khi cây gậy mất thăng bằng hay con lắc dao động bất thường, nhà cảm xạ dừng lại và đánh dấu trên mặt đất. Theo họ, dưới vị trí đánh dấu có nguồn nước ngầm hay hài cốt người chết, và chúng tác dụng lên cây gậy hay con lắc qua một tương tác bí ẩn nào đó.

Cần nói thêm là giới khoa học chính thống nghi ngờ khả năng thực tế của cảm xạ, vì họ chưa tìm được lời giải thích hợp lý. Một trong nhiều giả thuyết được nêu ra là, đồ vật chôn dưới đất làm biến động từ trường trái đất, và một số người có khả năng đo được sự thay đổi đó.

Cảm xạ trong tìm mộ?

Như đã trình bày, khi lên đồng, cô Năm nhập vai một "đức ông" có khả năng vẽ sơ đồ nơi chôn cất mộ. Bằng cách tung đồng xu, "ông" sẽ xác định hài cốt đang nằm tại khu vực được đánh số nào đó, chẳng hạn khu vực số 2. Nhưng khu vực số 2 là khu vực nào? Khi người đi tìm mộ hỏi như vậy, "ông" trả lời ngay: "Phải đi hỏi chứ. Đi hỏi đồng đội, hỏi chính quyền, hỏi huyện đội, tỉnh đội xem hài cốt nằm ở đâu. Và khi đã hỏi được thì về báo ngay để cô Năm đến tìm".

Học cảm xạ (Ảnh: camxahoc.vn)

Tóm lại, ở trường hợp cô Năm, quá trình tìm mộ chỉ thực sự bắt đầu khi người nhà đến báo cho cô vị trí nơi chôn cất, chẳng hạn tại một ruộng ngô hay nương sắn nào đó. Toàn bộ chuỗi lên đồng, vẽ sơ đồ, nói chuyện với người chết, xác định vị trí hài cốt trên sơ đồ... chỉ là động tác giả. Quá trình tìm mộ thật chỉ bắt đầu khi cô Năm theo chân người nhà đến tận nơi từng chôn cất người đã khuất. Vì khu vực có thể rộng, địa hình biến đổi theo tháng năm, nên người nhà và đồng đội có thể đã đào nhiều nơi nhưng chưa thấy hài cốt. Cô Năm nói có thể giúp họ tìm lời giải, bằng cách đi lại nhiều lần trên khu đất đó.

Một câu hỏi mang tính quyết định cần trả lời là, khả năng cảm xạ của cô Năm có đáng tin cậy hay không? Người viết cho rằng thật khó trả lời khi chưa được tận mắt theo dõi quá trình cảm xạ trên thực địa. Liệu lời kể khi nào thấy bỏng rát bàn chân thì dừng lại của cô có đáng tin hay không, khi trước đó cô đã dùng hàng loạt thủ thuật "lừa gạt vô thức" (thuật ngữ chuyên môn chỉ hành động lừa gạt không chủ ý ở trạng thái vô thức) để gặt hái niềm tin của mọi người? Hay lúc đó cô không thấy bàn chân bỏng rát, mà chỉ thấy một số dấu hiệu gợi ý rằng ở dưới mặt đất có thể có hài cốt?

Chỉ cô Năm mới trả lời được câu hỏi này, mà cô thì nhất định không chịu tiết lộ. Đây chính là khó khăn cơ bản của việc nghiên cứu khả năng tìm mộ nói riêng, các khả năng dị thường khác nói chung.

Kinh nghiệm khảo sát khả năng cảm xạ tìm nước ngầm trên thế giới cho thấy, khi được thử nghiệm tại hiện trường (như trường hợp cô Năm tìm mộ), các nhà cảm xạ đạt tỷ lệ thành công rất cao, nhưng khi các ám hiệu địa chất được loại trừ, tỷ lệ đó giảm xuống đáng kể. Cần nói thêm là tỷ lệ thành công của cảm xạ tuy cao nhưng không hơn khả năng của một nhà địa chất có kinh nghiệm. Điều đó cho thấy dường như giới cảm xạ chỉ dùng các dấu hiệu địa chất để tìm nước ngầm (như vị trí các mô đất, khe lạch; cây cối xanh tốt hơn...).

Ở trường hợp cô Năm, không loại trừ các dấu hiệu mang tính chỉ dẫn như vậy. Chẳng hạn trên vùng đất khô cằn mà lại thấy bụi cây tươi tốt hơn thì nhiều khả năng bên dưới có điều khác thường, chẳng hạn một hài cốt. Đào lên thấy hài cốt thì tốt, nếu không thì một chút đất đen mủn cũng được xem là dấu hiệu của hài cốt! Vai trò quyết định ở đây thuộc về gia đình, bạn bè và chính quyền. Vì thế lúc tỉnh lại sau khi lên đồng, cô Năm nói với nữ phóng viên đi cùng tôi (đại ý): Công của cô Năm chỉ 1% thôi, còn 99% thuộc về gia đình, đồng đội và chính quyền. Về điểm này thì tôi hoàn toàn đồng ý với cô: 1% đó thuộc về công khuyến khích mọi người cố gắng; càng cố gắng thì khả năng tìm thấy hài cốt càng cao.

Và như thế con số hàng ngàn bộ hài cốt đã được cô Năm tìm thấy chỉ là một con số chưa được kiểm chứng và không đáng tin cậy mà thôi. Đó cũng là tình trạng chung bất cứ một nhà ngoại cảm tìm mộ nào khác.

************Kỳ 14: Trị liệu tâm linh

Trị liệu tâm linh là bất cứ phương pháp điều trị nào không dùng các tác nhân vật chất. Nó có nhiều tên gọi khác nhau: trị liệu tâm linh, trị liệu tinh thần, trị liệu niềm tin, trị liệu dị thường, trị liệu (đặt) bàn tay... Khí công, nhân điện, yoga, khí công Bùi Long Thành, dưỡng sinh tâm thể, chữa bệnh qua truyền hình của Kaspirovski hay liệu pháp Dzhuna (Liên Xô) đều có thể xếp vào loại hình này.

Bác sĩ Hungari George Egly, người không vượt qua được James Randi để nhận giải thưởng 1 triệu USD

Đầu tiên cần nhấn mạnh vai trò của tinh thần người bệnh. Ai không tin thì hầu như không giảm bệnh khi dùng các trị liệu tâm linh. Vì thế đặt tên trị liệu niềm tin là rất chính xác. Và đó là lí do người ít hiểu biết dễ giảm hay khỏi bệnh hơn một nhà khoa học nhiều kiến thức.

Căn nguyên giảm bệnh

Hiệu ứng mẹ Tereza: Nhà tâm lý McClelland tại Harvard phát hiện, sau khi xem phim về vị nữ tu đoạt giải Nobel hòa bình, thấy glubolin miễn dịch trong nước bọt ở hầu hết sinh viên đều tăng, kể cả người không thích bộ phim và nhân vật. Charnetski, ĐH Wilkis (Mỹ) cũng thấy sau 30 phút nghe nhạc Mozart, glubolin miễn dịch tăng 14%.

Điều đó chứng tỏ, câu chuyện về lòng tốt, bản nhạc hay, bức tranh đẹp, sự xúc động, tự hào... đều có thể tăng sức đề kháng của cơ thể, tức làm cho con người khỏe mạnh hơn cả về thể chất và tâm hồn.

Tác dụng placebo: Trong tiếng Latin, placebo là "tôi sẽ hài lòng". Đó là giả dược, có tác dụng trên 40% bệnh nhân do tác động tâm lý lên niềm tin người bệnh. Nhiều yếu tố làm tăng tác dụng của placebo, như môi trường chữa bệnh thân thiện, sự ân cần của thầy thuốc, sự lạc quan của người bệnh...

Vai trò vô thức: Nhiều trị liệu tâm linh chỉ đơn giản là kỹ thuật dùng vô thức tác động lên sự tự chữa bệnh của cơ thể. Đó là lý do tại sao một trị liệu lại có thể tác động ở mức độ nào đó lên nhiều mặt bệnh có cơ chế bệnh sinh ra trái ngược nhau. Nếu không hiểu điều đó, rất dễ nghĩ tới một tác động vạn năng, như "trường sinh học" hay "năng lượng vũ trụ".

Các trường vật lý từ cơ thể: Như một bộ máy điện hóa phức tạp, cơ thể luôn phát ra nhiều điện từ trường ở nhiều dải tần. Nghiên cứu tại Trung Quốc, Nhật, Mỹ hay Hồng Kông thấy rằng, khi phát công, khí công phát các bức xạ vùng hồng ngoại gần và vùng tần số cực thấp. Các tín hiệu này có thể tác động cơ thể người bệnh, gây tác dụng chữa bệnh.

Về một số trị liệu

Thôi miên, thôi miên tập thể, ám thị và tự kỉ ám thị: Chúng đều dùng vô thức để chữa bệnh. Phương pháp Kaspirovski thuộc loại này, khi ông chữa bệnh trĩ bằng cách khuyên người bệnh áp chỗ bị bệnh vào màn hình! Sau khi phát triển rầm rộ đầu những năm 1990, liệu pháp này đã bị cấm, vì như bất cứ một phương pháp nào khác, nó có chỉ định và phản chỉ định cụ thể, nên không thể dùng đại trà cho tất cả các loại bệnh như thế được.

Trị liệu (đặt) bàn tay: Khi áp bàn tay lên vùng bệnh lí, nhà trị liệu phát trường điện từ (phát công) để chữa bệnh. Khí công hay nhân điện là như vậy. Và kết quả điều trị là tổng hợp của điện từ trường sinh học và tâm lý liệu pháp.

Phẫu thuật tâm linh bằng tay không tại Philippines

chỉ là trò ảo thuật dễ thực hiện

Khí công Bùi Long Thành: Từng lên truyền hình những năm 1990, đây là phương pháp điển hình cho sự dùng vô thức một cách cực này dễ bị tâm thần (tẩu hỏa nhập ma), vì vô thức là trạng thái cách ly cảm giác, mà nếu lạm dụng, hoạt động tinh thần sẽ bị rối loạn. Đó là lý do "tuyệt tích giang hồ" của trường phái này.

Một số phương pháp khác: Những môn như dưỡng sinh tâm thể của bà Nguyễn Thị Hương (báo chí nửa cuối những năm 1990 gọi là má Hai Bình Định) và nhiều người khác chủ yếu dựa trên hiệu ứng mẹ Teresa. Khi người bệnh tĩnh tâm, được khuyên tu tâm dưỡng tính, chăm làm việc thiện... hệ miễn dịch của họ được tăng cường, dẫn tới sự tự chữa bệnh.

Có thể còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, nhưng nhìn chung các trị liệu tâm linh đều chủ yếu dựa trên khả năng tự chữa bệnh của cơ thể. Nói cách khác, khi đó người bệnh tự chữa bệnh hơn là được chữa bệnh, với kĩ thuật điều trị đóng vai trò chất xúc tác. Vì thế theo Howard Gordon trong cuốn Con người kì diệu, chính bệnh nhân, chứ không phải nhà trị liệu, đã thực hiện điều kì diệu; và trong trường hợp tốt nhất thì nhà trị liệu cũng chỉ đóng vai trò tạo thuận lợi cho những gì sẵn có trong cơ thể người bệnh mà thôi.

Cuối cùng cần phải nhấn mạnh rằng, đa số các trị liệu tâm linh dùng các kĩ thuật hướng tới vô thức để chữa bệnh. Đó là con dao hai lưỡi nếu không kiểm soát được mặt trái của vấn đề, như môn khí công Bùi Long Thành đã chứng tỏ. Ngoài ra, việc lạm dụng các trị liệu này do thiếu hiểu biết hay do mê tín có thể khiến bệnh nhân mất cơ hội nhanh chóng tiếp cận các cơ sở y tế có thẩm quyền để được chẩn trị kịp thời và đúng đắn. Đó là một nguy cơ cần được cảnh báo rộng rãi.

*************Kỳ 15: Ma nhập

Theo dân gian, ma nhập là hiện tượng "hồn" của một người nhập vào người khác. Kết quả người bị nhập tự xưng là một người hoàn toàn khác: giới tính và nhân thân khác, tính cách và học vấn khác, thói quen và phương ngữ khác...

Trường hợp mắt thấy tai nghe

Năm 1999, lần đầu tiên tôi chứng kiến "ma nhập" tại nhà hàng xóm. Nhà có 4 người, gồm cha mẹ và 2 chị em gái, chị học lớp 11, em học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1, TP.HCM. Do xinh và học giỏi, nên cô em được cưng chiều hơn hẳn, khiến cô chị thấy mình như bị bỏ rơi. Một ngày, cô chị bị "ma nhập", khi hồn một thanh niên nhập vào cô. Cô ngồi vắt chân chữ ngũ, hút thuốc lá và thở khói thành từng vòng tròn, và bằng giọng con gái giả thanh niên khàn khàn mắng mỏ cô em và lũ trẻ hàng xóm thường vẫn bắt nạt cô. Lời mắng thường có ý bênh vực "thân chủ", kiểu: "Nếu bọn bay còn bắt nạt con X (tên cô chị), tao sẽ vật chết!". Không chỉ cô em và lũ trẻ sợ rúm ró, mà bố mẹ cô và hàng xóm cũng rụng rời chân tay.

Để xua đuổi tà ma, gia đình tổ chức cúng lễ mấy ngày mà "hồn ma" cứ lưu luyến mãi không chịu "thăng". Mọi người nói tâm cô bé không đủ mạnh để đuổi hồn ma. Sau khoảng một tuần, cô dần trở lại bình thường và vị thế của cô trong gia đình cải thiện rõ rệt.

"Ma nhập" như sự phân ly

Phần lớn nhà khoa học xem hiện tượng phân ly nhân cách trong tâm thần học là lời giải thích phù hợp nhất cho "ma nhập", đó là sự phá vỡ sự đồng bộ của các hoạt động tinh thần có mức độ tích hợp cao. Khi bình thường, ký ức, tri giác, tư duy, cảm xúc cùng mọi hoạt động tinh thần và thể chất khác hoạt động nhịp nhàng với nhau tạo nên một thể thống nhất giúp ta cảm nhận bản thân và xung quanh. Một cú sốc thể chất hay tâm lý có thể làm một số bộ phận phân ly khỏi thể thống nhất chung, khiến bản chất tích hợp của ý thức bị rối loạn nghiêm trọng. Kết quả là hoạt động sinh lý và nhận thức sẽ trở nên bất thường: người bị "ma nhập" đã phân ly thành một người khác.

Thực ra sự phân ly như thế là một cơ chế bảo vệ đối với một chấn thương thể chất hay tâm lý bất ngờ hay trường diễn. Người bị lạm dụng đòn roi lúc bé, bị lạm dụng tình dục hay bị đối xử không công bằng (theo một nghĩa nào đó, như trường hợp cô chị nói trên) thường hay phân ly như một cách thoát ra khỏi thực tế đáng buồn.

Rối loạn đa nhân cách

Mark Peterson bị một phụ nữ đa nhân cách 26 tuổi tố cáo quan hệ với một nhân cách khác là trẻ vị thành niên.

Rối loạn đa nhân cách là hiện tượng tâm lý bất thường, khi một người có nhiều nhân cách, mỗi nhân cách đều có nhân thân riêng. Lịch sử pháp đình Mỹ từng ghi nhận trường hợp có tới 16 nhân cách, trong đó có "tính cách" của một con chó! Những trường hợp đó gây nhiều rắc rối tại chốn pháp đình, như Mark Peterson, nhân viên bách hóa tại Oshkosh, bang Wisconsin, Mỹ. Anh phải ra tòa vì hẹn hò với Sarah, người phụ nữ đa nhân cách 26 tuổi. Một trong các nhân cách là Emily mới 6 tuổi buộc tội Peterson quan hệ với trẻ vị thành niên. Peterson được tuyên vô tội vì bên nguyên không cho bác sĩ tâm thần kiểm tra Sarah trước phiên tòa.

Giới tâm lý không thống nhất về nguyên nhân của bệnh lý. Freud, ông tổ phân tâm học, xem đó là bằng chứng của cái tôi đã trở nên độc lập (phân tâm học xem nhân cách gồm cái tôi, cái siêu tôi và cái ấy, trong đó cái tôi không có vai trò quyết định). Một số người tin rằng, đơn giản là người bệnh đóng kịch, giống như trong thôi miên. Nói cách khác, cô chị nêu trên chỉ đóng thế vai người khác mà thôi.

"Ma nhập" và bệnh tâm thần

Từ thời La Mã, động kinh được xem là bệnh quỷ, khi người bệnh bị "quỷ nhập hồn". Một số dấu hiệu lâm sàng của động kinh rất giống với các hành vị bị "nhập". Một bệnh khác là tâm thần phân liệt cũng có biểu hiện giống với "ma nhập".

Kết luận

Cho dù cảm giác và hành vi của nạn nhân giống như bị "ma nhập", những thành tựu khoa học mới đã bác bỏ các quan niệm thần bí truyền thống. Nghiên cứu về bộ não và tâm trí thì nhân cách là một hệ thống tích hợp của các tiểu thành phần bán tự động. Dưới một tác động thể chất và tinh thần nào đó, các tiểu thành phần có thể mất tính đồng bộ và hành động độc lập, thậm chí trái ngược nhau. Đó là lý do một phụ nữ lại tự xưng là một "đức ông" để "nói chuyện với người đã mất". Kết quả là nạn nhân thấy mình như bị một thế lực vô hình mạnh mẽ xâm chiếm và điều khiển mọi hành động hay lời nói.

Với trường hợp người viết trực tiếp chứng kiến, vấn đề rất rõ ràng và đơn giản. Cô gái tự nguyện bị nhập và "mượn hồn" một thanh niên để cảnh cáo mọi người về thân phận của cô. Và cuối cùng cô đã đạt mục đích.

****************Kỳ 16: Kinh nghiệm cận kề cái chết

Kinh nghiệm cận kề cái chết được quan tâm vì nó hàm ý khả năng tồn tại sau cái chết. Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ, đó thực sự là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay chỉ đơn giản là trải nghiệm của bộ não đang chết. Thuyết "sau cái chết" cho rằng, kinh nghiệm không thể phù hợp với các lý thuyết phân tích và do đó cần phải xem nó là bằng chứng của một cái gì thoát ly thế giới vật chất. Giả thuyết "bộ não đang chết" thì xem mọi yếu tố cận kề cái chết chỉ liên quan với một bộ não đang hấp hối mà thôi.

Tính phổ biến

Theo thăm dò của Gallup, 15% dân số có kinh nghiệm cận kề cái chết, trong khi một số nghiên cứu khác đưa ra tỉ lệ thấp hơn, từ 1 tới 10%. Trong số bệnh nhân gần chết, hơn 40% có kinh nghiệm này. Còn trong số 81 người sống sót sau trận động đất 1976 tại Trung Quốc, 32 người trải qua kinh nghiệm. Nói chung không thấy sự phụ thuộc vào tuổi, giới tính, học vấn, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, niềm tin tôn giáo... Sai khác duy nhất là người nhập vai tốt, như giới nghệ sĩ, dễ trải qua kinh nghiệm hơn. Cũng cần lưu ý rằng, không cần phải gần chết thực sự để có trải nghiệm đặc biệt này.

Đặc trưng của hiện tượng

Nhà nghiên cứu Moody đưa ra 15 tiêu chí của kinh nghiệm, bao gồm: không thể diễn tả lại, nghe được tin tức mới, cảm giác bình yên, tiếng ồn, đường hầm âm u, thoát xác, gặp người khác, tổng kết cuộc đời, thấy ranh giới sống - chết, quay về dương gian, kể cho người khác nghe, tác động lên cuộc sống sau đó, thay đổi quan niệm về cái chết và khẳng định niềm tin.

Trong lúc đó, Ring lại nhấn mạnh 5 đặc điểm: cảm giác bình an, thoát xác, đi vào hầm tối, nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm và gia nhập vùng sáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thỏa mãn mọi tiêu chí, khi tới 60% có cảm giác bình an, nhưng chỉ 10% thấy ánh sáng.

Nhà nghiên cứu Twemlow chia người cận kề cái chết thành 5 loại. Nhiều nhất là nhóm "ít bị tress", với đặc tính phản ứng trầm tĩnh với trải nghiệm. Người dùng chất gây nghiện hay rượu thì trải qua những căng thẳng cảm xúc mạnh sau trải nghiệm. Người dùng thuốc gây mê thường gặp kinh nghiệm giống giấc mơ. Bệnh nhân tim mạch thì có cảm giác giống như thiền, thấy mình bay lượn trên không. Đường hầm và ánh sáng chói lòa là đặc trưng chung của nhóm dùng thuốc gây mê và bị bệnh tim. Người bị tai nạn thường thấy cảm giác vui sướng và ít muốn nhập lại xác.

Kinh nghiệm thường gặp

Đường hầm: Người trải nghiệm thường thấy mình bò trong một đường hầm hẹp và tối với ánh sáng phía cuối. Khi bò tới nơi, họ chìm trong ánh sáng chói lòa với cảm giác bay bổng. Đường hầm là một trong bốn đặc trưng của các ảo giác xuất hiện do thuốc gây ảo giác, cảm sốt, đau nửa đầu, sự cách ly cảm giác, động kinh và thôi miên.

Một số người xem đường hầm là con đường để "hồn" bay tới một chiều kích không gian khác, nhưng giới khoa học Hội nghị về kinh nghiệm cận kề cái chết tại Chicago, Mỹ. chỉ xem đó là một trạng thái ý thức biến đổi.

Tổng kết cuộc đời: Khoảng 30% người cận kề cái chết do ốm hay tai nạn thấy cảnh "tổng kết cuộc đời". Người gần chết đuối có tỉ lệ 47%, còn ở nạn nhân bị ngã là 16%. Cảnh tổng kết thường diễn tả chính xác cuộc đời người cận kế cái chết, hoặc hướng dẫn họ hiểu và tự phán quyết. Sự phán quyết thường nặng tính tha thứ và yêu thương. Vì thế khi sống lại, họ sống trách nhiệm và có ích hơn.

Morphin nội sinh: Bên cạnh các chức năng khác, morphin nội sinh điều chỉnh sự thưởng phạt và khoái cảm, giảm đau, tạo cảm giác bình an và tĩnh lặng. Nghiên cứu cho thấy morphin nội sinh luôn được giải phóng lúc gần chết; và nhiều người xem đó là nguyên nhân tạo ra hiệu ứng ánh sáng cuối đường hầm.

Thoát xác: Xuất hồn hay thoát xác là dấu hiệu phổ biến của hiện tượng, với tỉ lệ 37%. Vì thế nhiều người cận kề cái chết thấy "hồn" mình bay lên cao quan sát thân xác và môi trường xung quanh. Kết luận Cũng như xuất hồn, cận kề cái chết là một hiện tượng tuy lạ thường nhưng khá phổ biến và có hệ quả lâu dài với những ai đã từng trải nghiệm, cả theo hướng tích cực và tiêu cực. Một số người xem đó là dấu hiệu của khả năng tồn tại sau cái chết hay "linh hồn bất tử". Tuy nhiên, đa số giới khoa học cho rằng, đó chỉ là một trạng thái biến đổi của ý thức, hệ quả của một bộ não đang chết. Điều đó cho phép loại trừ các quan niệm siêu hình về hiện tượng, giúp ta phân biệt ranh giới giữa khoa học và chủ nghĩa thần bí mới mượn danh khoa học.

*************Kỳ 17: Bí ẩn của vật thể bay không xác định

Vật thể bay không xác định UFO (Unidentified Flyings Object) xuất hiện từ lâu trong thư tịch. Từ năm 214 trước CN, người La Mã đã kể về những vật thể như "ngôi sao trên bầu trời", hay "những chùm sáng nhấp nháy". St Gregory, mục sư thành Tours, Pháp, thế kỷ thứ 6, mô tả "những chùm sáng rực rỡ chuyển động cắt ngang và va chạm nhau trên bầu trời".

Tam giác đen tại Bỉ 1989 - 1990 theo ấn tượng của nghệ sĩ qua lời kể của các nhân chứng.

Theo định nghĩa, UFO là bất cứ vật thể bay hay hiện tượng nào không xác định được nhờ quan sát. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hầu hết UFO trở thành IFO (vật thể bay xác định) sau quá trình khảo sát. Vì thế theo các nhà khoa học, UFO chỉ được dùng cho các đối tượng vẫn không xác định sau một quá trình khảo sát thích đáng. Thống kê cho thấy, tỷ lệ UFO so với IFO thay đổi trong khoảng từ 5% tới 30%, tùy từng trường hợp.

UFO thời hiện đại

UFO thời hiện đại bắt nguồn từ báo cáo của viên phi công tư nhân Kenneth Arnold năm 1947. Kể từ đó, hàng trăm ngàn báo cáo về UFO đã được đưa ra công luận.

Kenneth Arnold và hình vẽ UFO ông nhìn thấy năm 1947.

Ngày 24/6/1947, khi đang bay trên chiếc máy bay riêng gần núi Rainier thuộc tiểu bang Washington, Mỹ, thì Arnold nhìn thấy chín vật thể sáng chói bay từ dãy Rainier hướng về dãy Adams gần đó với "tốc độ không thể tưởng tượng". Căn cứ vào thời gian bay giữa hai dãy núi, Arnold đưa ra con số 1.200 dặm/giờ, quá ấn tượng đối với kỹ nghệ máy bay đương thời. Một phóng viên địa phương tên là Bill Besquette đã đưa ra thuật ngữ đĩa bay khi nghe Arnold kể rằng, các vật thể lạ bay "giống như cái đĩa liệng trên mặt nước".

Kể từ đó, UFO gây một cơn bão trong dư luận thế giới, cả ở hai phía ủng hộ và phản đối. Trong các hiện tượng lạ, UFO gây tranh cãi nhiều nhất, vì sự phức tạp của vấn đề và vì sự tham gia của nhiều chính phủ, nhất là trong giai đoạn chiến tranh lạnh. Người ủng hộ cho rằng, đó là bằng chứng cho thấy UFO đúng là sản phẩm của người ngoài hành tinh; trong khi thực ra các chính phủ chỉ quan tâm tới sự phát triển kỹ thuật hàng không của quốc gia thù địch.

Bằng chứng của UFO

Theo những người ủng hộ, bằng chứng của UFO rất phong phú, được chia thành các nhóm chính như sau:

- Dấu vết radar; điển hình là các tam giác đen lớn, bay chậm lặng lẽ thời điểm 1989- 1990 ở Bỉ.

- Ảnh chụp, phim, video, gồm cả ảnh hồng ngoại. - Nhiễu loạn trọng lực và từ trường (hiếm gặp).

- Dấu vết hạ cánh như vết in trên đất, vệt cháy, mảnh vỡ, mức phóng xạ tăng, mảnh kim loại...

- Tác động sinh lý trên người và động vật như liệt tạm thời, bỏng, cháy lúa mỳ, các hội chứng như bị nhiễm phóng xạ.

- Làm què hay cắt xẻo động vật, nhất là cừu.

- Tác dụng lên thực vật như kích thích hay kìm hãm tăng trưởng cây trồng, làm nẩy mầm hạt, hay dấu vết như các vòng tròn trên cánh đồng nước Anh.

- Nhiễu loạn điện từ như làm hỏng xe, tắt máy, nhiễu sóng tivi/radio, làm lệch kim la bàn, nhiễu loạn trong điều khiển hàng không, cả dân sự và quân sự.

Giả thuyết về UFO

Cả hai phía ủng hộ và nghi ngờ đều đưa ra nhiều giả thuyết về bản chất UFO. Những người ủng hộ giả định UFO là tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh; vật thể đến từ chiều không gian khác; bộ máy thời gian được chế tạo trong tương lai bay ngược về hiện tại; sinh vật chưa biết trong khí quyển trái đất hay các hành tinh khác; máy bay bí mật của Nga hay Mỹ.

Đĩa bay trong trí tượng tượng của con người

Giới nghi ngờ xem UFO là sản phẩm của tâm lý - xã hội; các hiện tượng tự nhiên chưa giải thích được, chẳng hạn sét hòn; các hiện tượng thời tiết như cháy khí tự nhiên trong khí quyển; ánh sáng lúc động đất hay sóng kiến tạo địa chất; hiệu ứng tự di động của một điểm sáng trong môi trường tối và không có điểm qui chiếu (ảo giác thường thấy ở phi công bay đêm); côn trùng thân nhẵn bóng; và lừa gạt.

Các giả thuyết ủng hộ nổi tiếng nhất

- Tàu vũ trụ ngoài hành tinh: Đây là giả thuyết được ưa thích nhất, vì nhiều người mong muốn nền văn minh của chúng ta không đơn độc trong vũ trụ, với hy vọng trái đất sẽ được trợ giúp sau các cuộc tiếp xúc. Tuy nhiên trong hệ mặt trời không thể có nền văn minh khác ngoài chúng ta; còn ngôi sao gần nhất cũng nằm cách ta bốn năm ánh sáng. Với tốc độ như ta thấy trong phim hay video, UFO phải mất hàng chục ngàn năm để vượt qua khoảng cách này.

Với những ngôi sao xa hơn, các cuộc viếng thăm là không thể cả về kỹ thuật và thời gian. Theo Jared Diamond, tác giả của các bộ sách nổi tiếng về nguồn gốc và bản chất loài người, sự hình thành và suy sụp của các nền văn minh, thì đó là một may mắn đối với chúng ta. Lịch sử tiếp xúc giữa các nền văn minh trên Trái đất cho thấy, đó là sự kiện rất đáng buồn đối với các xã hội kém phát triển hơn: diệt chủng, dịch bệnh, bị xua đuổi, đồng hóa... Không có gì đảm bảo loài người sẽ thoát khỏi thảm kịch đó nếu UFO đúng là sản phẩm của một nền văn minh siêu việt xa xôi.

- Vật thể xuất hiện từ chiều không gian khác: Theo lý thuyết dây, lý thuyết vật lý mới nhất, vũ trụ có thể có 7 chiều không gian nữa, ngoài 3 chiều quen thuộc. Nên giới ủng hộ cho rằng, UFO có thể đến từ các chiều không gian dư đó. Đó là lý do chúng thoắt ẩn thoắt hiện ngay trước mắt ta.

Tuy nhiên lập luận khoa học không ủng hộ giả thuyết này. Sự sống như ta biết chỉ có thể tồn tại trong không gian ba chiều quen thuộc, vì không gian hai chiều không cho phép tồn tại các sinh vật phức tạp, còn không gian lớn hơn ba chiều có tương tác hấp dẫn giữa các hành tinh không ổn định. Nên quỹ đạo các hành tinh cũng không ổn định để sự sống có thể hình thành và phát triển. Thêm nữa, lý thuyết dây cũng cho rằng, ngoài ba chiều được trải rộng ra, bảy chiều không gian dư bị cuộn lại trong các thể tích nhỏ hơn hạt nhân nguyên tử hàng tỷ tỷ lần. Vì thế UFO không thể chui qua các chiều đó để đến với chúng ta.

- Bộ máy thời gian đến từ tương lai: Trong cuộc sống hàng ngày, chỉ thấy thời gian trôi từ quá khứ qua hiện tại để tới tương lai. Đó là vấn đề nan giải mà khoa học chưa hiểu được. Vì thế tiểu thuyết viễn tưởng vẫn mơ ước các cỗ máy thời gian có thể giúp chúng ta quay ngược về quá khứ để tìm hiểu xem cha ông ta đã sống như thế nào. Và UFO chính là cỗ máy thời gian đang từ tương lai quay ngược về hiện tại. Tuy nhiên nghịch lý ông nội có thể xóa tan niềm mơ ước đó. Quay về quá khứ, có thể ta lỡ tay giết chết ông nội lúc ông chưa sinh ra cha. Không có cha thì sao lại có ta để mà du hành ngược thời gian về quá khứ?

- Máy bay bí mật của Mỹ và Nga: Đây là giả thuyết đáng tin cậy nhất của những người ủng hộ UFO. Và đây cũng là lý do nhiều chính phủ tổ chức nghiên cứu UFO khá cẩn trọng.

************Kỳ 18: Bí ẩn của vật thể bay không xác định

Các giả thuyết nghi ngờ phổ biến nhất

*Giả thuyết tâm lý - xã hội: Giả thuyết này xem một số báo cáo UFO là kết quả của các yếu tố tâm lý hay xã hội. Vì thế nó tập trung vào các hành vi con người như ước muốn (xưa tin thánh thần, nay tin người ngoài hành tinh, đó đều là những đối tượng siêu việt nằm ngoài tầm với của nhận thức đương đại), ảo giác, lừa gạt, nhìn nhầm đối tượng khó nhìn nhận, hysteria tập thể trong làn sóng săn UFO... Nó là đối trọng của giả thuyết người ngoài hành tinh, vì nó được khoa học hiện hành ủng hộ.

Hình ảnh về người ngoài hành tinh trong các bộ phim

Cần lưu ý là không nên xem thường niềm tin của con người. Các hiện tượng bệnh tưởng (như phụ nữ mong có con quá có thể có các triệu chứng như mang thai thật) hay dấu Chúa (trên cơ thể tín đồ Cơ Đốc có thể xuất hiện các vết thương như ở Chúa Jesus, và chúng cũng rỉ máu vào thứ Sáu hay các ngày lễ) cho thấy, niềm tin mãnh liệt có thể tạo ra những thay đổi sinh học trên cơ thể con người. Điều đó góp phần giải thích tại sao lại có những vết thương do "người ngoài hành tinh" gây ra trên cơ thể một số người mê đắm UFO.

*Hiện tượng tự nhiên chưa biết: Quan điểm này xem UFO là một hiện tượng tự nhiên mà ta chưa biết, chẳng hạn sét hòn. Với các đặc điểm khá phù hợp như từ trên mây xà xuống đất, cháy sáng, phát tiếng ro ro... nên nếu sét hòn bị nhận nhầm là UFO thì cũng không lạ. Cho đến nay khoa học vẫn chưa biết bản chất của sét hòn và chưa tạo được nó trong phòng thí nghiệm.

*Giả thuyết sóng kiến tạo: Michael Persinger, nhà thần kinh học nổi tiếng người Canada, cho rằng các biến động địa vật lý có liên quan với UFO. Ông giả định các sóng kiến tạo địa chất dưới bề mặt trái đất cung cấp điện tích hay điện từ trường mạnh. Chúng tạo ra hiệu ứng ánh sáng trên bầu trời giống như các hình ảnh về UFO. Đồng thời chúng tác động lên não người quan sát, tạo ra ảo giác tại các vùng não lưu giữ các hình ảnh văn hóa dân gian (thánh thần, ma quỉ, quái thu...). Tùy thuộc vào "cơ sở dữ liệu" văn hóa cá thể mà một người có thể quan niệm các vầng sáng đó là UFO huyền diệu hay chỉ là hiện tượng tự nhiên.

Giáo sư Persinger đang tạo ảo giác cho người tình nguyện

bằng điện từ trường mạnh

Đáng chú ý là Persinger đã tiến hành nhiều thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết ảo giác nói trên. Dùng thiết bị tạo điện từ trường mạnh tác động lên thùy thái dương của vỏ não, ông tạo được nhiều loại ảo giác trên người tình nguyện, tùy theo kinh nghiệm và phông văn hóa riêng của mỗi người.

*Hiệu ứng tự di động: Đây là hiện tượng ta thấy vật sáng cố định trên một nền tối hay không có các điểm tham chiếu dường như di động. Đó là vì chuyển động hay đứng yên là một trạng thái tương đối, khi nó cần được so sánh với một hệ qui chiếu nào đó. Trong một nền tối và không có điểm tham chiếu, một hệ qui chiếu như thế không hiện hữu, khi đó do vận động tự phát của các cơ quanh mắt mà ta thấy điểm sáng đó dường như đang di chuyển. Nhiều UFO được giải thích bằng hiệu ứng tự di động của các ngôi sao gần đường chân trời trong bầu trời đêm.

* Lừa gạt: Đây là nguyên nhân chủ yếu của các báo cáo không chỉ về UFO, mà còn về nhiều hiện tượng dị thường khác. Chẳng hạn bức ảnh do một bác sĩ phẫu thuật chụp năm 1934 đến nay vẫn được xem là bằng chứng đáng tin cậy nhất của quái vật hồ Loch Ness; trong khi đó chỉ là ảnh chụp phần ghép đầu và đuôi của một chiếc tàu ngầm đồ chơi.

Nổi tiếng nhất trong các vụ lừa gạt UFO là đoạn phim video mô tả cuộc phẫu tích người ngoài hành tinh được xem là chết trong vụ va chạm ngày 7/7/1947 tại Roswell, bang New Mexico, Mỹ. Bộ phim do Ray Santilli, một người buôn bán băng video ở London, giới thiệu năm 1995 đã tạo nên sự hào hứng tột cùng trong cộng đồng UFO. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhanh chóng chỉ ra rằng, bộ phim là sản phẩm giả mạo. Santilli chống chế, ông tạo bộ phim này từ một bộ phim khác đã xem nhưng bị thất lạc. Sau đó Santilli lại tuyên bố, một số đoạn phim là sự thật nhưng không nhớ cụ thể đó là đoạn nào.

Cần lưu ý rằng, bản thân sự kiện Roswell có thể đã là sự lừa gạt. Mặc dù bị phản bác, năm 2006, bộ phim được dựng lại, với Santilli và Gary Shoefield (đồng tác giả bộ phim video ban đầu) điều hành sản xuất. Chưa hết, tháng 3/2008, một bộ phim khác không rõ nguồn gốc được tung lên mạng và phổ biến nhanh chóng trong cộng đồng UFO! Ta chỉ có thể nhắc lại định luật Blackmore thứ nhất mà thôi, theo đó "ước vọng muốn tin các hiện tượng dị thường của con người lớn hơn mọi chứng cớ phản bác". Định luật này được nhà nữ tâm lý đưa ra sau hơn 30 năm nghiên cứu về xuất hồn, thoát xác, kinh nghiệm cận kề cái chết và một số hiện tượng lạ khác.

Ngoài các giả thuyết cụ thể nêu trên, giới khoa học nghi ngờ còn nêu hai lập luận mang tính tổng quát chống lại UFO như sau:

Hầu hết các vụ chứng kiến UFO đều mang tính tức thời và bất ngờ, nên thiếu tính lặp lại như các phương pháp nghiên cứu khoa học đòi hỏi.

*Lưỡi dao Occam: Đó là châm ngôn mang tính dẫn đường đối với khoa học phương Tây của hầu tước William of Occam người Anh (khoảng 1285-1349). Theo Occam, thực tại không phát triển quá mức cần thiết. Vì thế nếu có hai cách giải thích, và một cách đơn giản hơn, thì ta phải chọn cách giải thích đơn giản. Khoa học phương Tây phát triển được như ngày nay là nhờ nguyên lý tiết kiệm này, cùng một số nguyên lý dẫn đường khác.

Áp dụng nguyên lý nhận thức này cho bài toán UFO, ta cần loại bỏ các giả thuyết phức tạp như người ngoài hành tinh hay bộ máy thời gian để chọn các giả thuyết đơn giản như sóng kiến tạo hay sự lừa gạt.

Tạm thời kết luận

Khoa học không phải là cuộc phổ thông đầu phiếu, vì thế ý kiến của các chuyên gia mang tính quyết định. Trong khi khoảng một nửa dân chúng được hỏi tin rằng UFO là sản phẩm ngoài hành tinh, thì trong số các nhà khoa học thuộc Hội Khoa học hành tinh, chỉ 9% tin như vậy, theo một kết quả thăm dò đầu thế kỉ 21. Hai năm sau, tỷ lệ giảm xuống còn 6%.

Cùng với sự chấm dứt chiến tranh lạnh, mối lo sợ về kỹ nghệ hàng không tiên tiến của kẻ thủ giảm đi rõ rệt. Vì thế các chính phủ lần lượt đóng các chương trình nghiên cứu UFO và dần dần công khai hóa nguồn tư liệu thu thập được. Có thể bí ẩn UFO sẽ được giải quyết trong một tương lai rất gần.

Khi đó điều gì sẽ xảy ra? Theo Bách khoa thư các hiện tượng dị thường ấn hành tại Mỹ năm 1996, sẽ đến lúc người ta không quan tâm tới UFO nữa; và khi đó các nhà dị thường học sẽ hướng sự chú ý của công chúng tới các hiện tượng mới có sức hấp dẫn lớn hơn.

************Kỳ 19: Bí mật của thôi miên

Thôi miên do bác sĩ Anton Mesmer người Áo phát hiện trong thế kỷ 18. Đó là "trạng thái thăng thiền giống giấc ngủ, tạo ra do những ám thị của nhà thôi miên được đối tượng chấp nhận". Năm 1842, bác sĩ James Braid người Scotland đưa ra thuật ngữ "thôi miên", tiếng Hy Lạp có nghĩa là giấc ngủ.

Bản chất của thôi miên

Về thực chất, thôi miên là gì? Thật lạ lùng là sau gần hai thế kỷ khảo sát, giới khoa học vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong vấn đề căn bản đó.

Khả năng ám thị và sự tưởng tượng: Có mối quan hệ trực tiếp giữa sự tưởng tượng và khả năng bạn bị một nhà thôi miên ám thị. Vì thế có người xem thôi miên chỉ là sự đóng kịch. Hơn nữa đáp ứng đối với thôi miên phụ thuộc vào hành vi thời niên thiếu của người chịu ám thị. Nếu lúc nhỏ thường bị phát nặng, khi lớn lên nhiều khả năng bạn sẽ dễ dàng tuân theo những ám thị từ một nhà thôi miên.

Quay ngược thời gian: Thôi miên có thể giúp ta nhớ lại những sự kiện quá khứ đã bị lãng quên. Khi nhập định sâu, người thôi miên có thể làm sống lại các ký ức tuổi thơ. Chẳng hạn khi được yêu cầu quay về sinh nhật lần thứ năm, một phụ nữ kể được từng người dự tiệc và từng món quà, cũng như nội dung những giấc mơ đẹp cô nằm mơ tối hôm đó. Nhiều người đi xa hơn, khi kể chi tiết những gì cha mẹ họ đã nói khi đang mang thai họ; còn một số người kể về các tiền kiếp, thậm chí từ 35.000 năm trước! Vì thế có người quan niệm sai lầm rằng, ký ức tái hiện nhờ thôi miên chính là bằng chứng của sự luân hồi.

Thôi miên và trí nhớ: Một số cơ quan cảnh sát thường dùng thôi miên để điều tra tội phạm. Cảnh sát Mỹ từng thôi miên nhân chứng để họ nhớ lại các tình tiết bị quên trong một số vụ án. Tuy nhiên phần lớn nhà tâm lý không đồng ý như vậy. Chẳng hạn theo Martin Orne, nguyên chủ tịch Hội thôi miên quốc tế, ký ức dưới thôi miên thường không chính xác, vì nhà thôi miên dễ dàng cài các ký ức sai, còn đối tượng bị thôi miên cũng rất dễ chấp nhận chúng.

Thôi miên và chứng đau: Khá lạ là đối tượng bị thôi miên vừa thấy giảm đau vừa không, như một thí nghiệm kinh điển của nhà tâm lý Hilgard, ĐH Stanford, Mỹ, chuyên gia về thôi miên, đã chứng tỏ. Điều đó càng khẳng định, thôi miên vừa là trạng thái thăng thiền vừa là trạng thái đóng thế vai.

GS Charcot đang thôi miên một nữ bệnh nhân hysteria tại Paris, khoảng giữa thế kỷ 19

Người quan sát giấu mặt: Hilgard tin thôi miên là một trạng thái ý thức biến đổi, trong đó ý thức bị phân ly. Khi đó một phần tâm trí bạn hoạt động theo cách bị thôi miên và không cảm thấy đau nếu nhà thôi miên yêu cầu bạn như vậy. Nhưng một phần khác, là phần vẫn có thể giao tiếp với mọi người bằng động tác, thì không bị thôi miên, nên vẫn cảm nhận được cơn đau mà ý thức bạn đang cố nén đi. Hilgard gọi đó là "người quan sát giấu mặt". Phần tâm trí này rất giống với sự phân ly nhân cách vẫn xảy ra với bệnh nhân tâm thần. Vì thế người đa nhân cách hết sức nhạy cảm và dễ dàng đáp ứng đối với thôi miên.

Lợi ích của thôi miên

Kiểm soát đau: Dưới thôi miên, bệnh nhân đau mãn tính được ám thị rằng, cơn đau giảm hay biến mất. Sự phân ly nhân cách dưới thôi miên như thế là một phương thức "đánh lạc hướng" các trung khu cảm nhận và giải đoán đau trong não, nên có tác dụng giảm đau tốt. Thôi miên rất có ích trong giảm đau khi sinh nở và khi chữa răng.

Cai nghiện thuốc lá: Dù không thành công trong nghiện rượu và ma túy, thi thoảng thôi miên giúp cai nghiện thuốc lá. Người đang dưới thôi miên được ám thị rằng, mùi vị thuốc rất khó chịu. Cách khác là người nghiện tự thôi miên để từ bỏ thèm muốn hay tự ám thị rằng họ có cách bảo vệ bản thân khỏi sự độc hại của khói thuốc.

Điều trị một số rối loạn tâm lý: Thôi miên thường dùng để tạo thư giãn, giảm lo âu hay sửa chữa các ý nghĩ tự hủy hoại ở một số rối loạn tâm thần.

Điều tra tội phạm: Thôi miên được dùng để nhớ lại các tình tiết vụ án mà nhân chứng đã quên. Tuy nhiên thông tin thu được thường chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không có tính pháp lý.

Cải thiện thành tích thể thao: Thỉnh thoảng giới vận động viên chuyên nghiệp dùng thôi miên để cải thiện thành tích. Chẳng hạn võ sĩ vô địch thế giới Ken Norton thường thôi miên trước lúc thượng đài, còn ngôi sao bóng rổ nhà nghề Mỹ Rod Carew dùng thôi miên để tăng sự tập trung trong thi đấu.

Kết luận

Thôi miên có thể có tiềm năng ứng dụng mạnh mẽ; tuy nhiên lợi ích thực sự phụ thuộc vào từng cá thể. Với những ai nhạy cảm và tin tưởng vào thôi miên, nó có thể mang lại nhiều lợi ích. Còn với đa số mọi người chưa từng biết đến thôi miên, dường như nó chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu mà thôi.

**********Kỳ 20: Hé mở bí mật khí công

Một trong những di sản của văn hóa phương Đông là khí công đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khi các nhà khoa học bắt đầu vén bức màn bí ẩn bao phủ lên nó đã hàng ngàn năm. Nghiên cứu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hong Kong, Mỹ... cho thấy, nó có một phần sự thật.

Bản chất dòng khí

Quan niệm cơ bản của khí công là dòng khí trong cơ thể con người có thể được điều chỉnh nhờ các kỹ thuật khác nhau. Và khí công sư cũng có thể phát công để chữa trị cho người khác.

Vậy bản chất dòng khí đó là gì? Trong bốn tương tác vật lý chi phối cả vũ trụ (hấp dẫn, điện từ, yếu và mạnh), chỉ điện từ là có vai trò khả dĩ thích hợp. Có lẽ các nhà khoa học ĐH Vũ Hán, Trung Quốc, đã lập luận như vậy khi dùng kỹ thuật cộng hưởng từ hạt nhân NMR để nghiên cứu tác động của khí công trên hóa chất O-N-propyl-O-allylthiophosphoramide. Loại hóa chất này được chọn vì hai lý do: nó có phổ NMR được biết rõ và rất nhạy cảm với điện từ trường. Đúng như mong đợi, khi khí công sư phát công để tác động lên hóa chất đựng trong một hộp thủy tinh, phổ NMR của nó thay đổi. Tác động càng nhiều lần thì sự thay đổi càng lớn. Điều đó chứng tỏ trường điện từ đã được phát ra khi khí công sư phát công; và chính nó làm thay đổi phổ cộng hưởng từ của hóa chất.

Cường độ và tần số điện từ trường

Các nhà khoa học tại Hội Khí công Nhật Bản và Khoa Sinh lý, ĐH Showa, Tokyo, đã tiến hành xác định cường độ và tần số của điện từ trường do khí công sư tạo ra khi phát công. Trong số 37 người tình nguyện thuộc các nhóm vẫn luyện tập khí công, yoga và thiền, chỉ 3 người phát tín hiệu điện từ đủ lớn, với cường độ từ trường cỡ miliGauss, tức lớn hơn của người bình thường khoảng 1.000 lần. Tần số của các tín hiệu đó nằm trong dải cực thấp, từ 4 tới 10 Hz.

Công phu phái Khí công Lâm Sơn Động

Nghiên cứu hệ thống của Khuyết Xảo Căn (Trung Quốc) cho thấy, ngoài các tín hiệu nằm trong dải tần cực thấp như trên, khí công sư còn phát các bức xạ hồng ngoại gần (bước sóng 1.06 micromét) và hồng ngoại xa (bước sóng 9.3 micromét). Chúng được phát hiện nhờ tác dụng lên phim cảm quang có bước sóng hấp thụ chọn lọc.

Tác dụng của bức xạ hồng ngoại sinh học

Một đặc trưng của bức xạ hồng ngoại là tác dụng nhiệt. Đo đạc cho thấy, khi đắc khí, nhiệt độ bàn tay và ngón tay khí công sư tăng 4- 60C, đủ để ta cảm nhận được từ bên ngoài mà không cần dùng các kĩ thuật ghi nhiệt.

Khí công Lâm Sơn Động

Thực nghiệm tiếp theo ở nhiều nơi tại Trung Quốc cho những kết quả rất thú vị. Khí phát công mượn đường qua lưng hai nhà khí công khác, nhiệt độ bàn tay người thụ công cũng tăng 40C. Ngoài ra, các khí công sư cũng có thể phát công thành công qua các vật cản như gỗ, nhôm và chì.

Khi phát công qua tấm gỗ dày 0.5cm đặt trên lưng người thụ công, sau 20 phút, nhiệt độ bàn tay người thụ công cũng tăng 20C. Thay gỗ bằng tấm nhôm dày tương đương, tác dụng tuy giảm nhưng không hề bị triệt tiêu. Đặc biệt, khi thay gỗ hay nhôm bằng tấm chì dày 0.5cm, tác dụng tuy giảm rất nhiều nhưng vẫn không mất hẳn. Điều đó cho thấy, có thể cơ thể đã dùng một hiệu ứng vật lý đặc biệt là ngưng tụ Bose-Einstein để ghi nhận các tín hiệu điện từ đã suy giảm rất nhiều khi truyền qua vật chắn. Điều đó giúp loại bỏ các quan niệm sai lầm như "trường sinh học" có thể lan truyền không suy giảm qua khoảng cách.

"Khí công sư điện tử"

Khuyết Xảo Căn đã chế tạo thành công các thiết bị tần phổ phát tín hiệu hồng ngoại gần mô phỏng "dòng khí" của khí công sư. Khi bức chiếu cho người tình nguyện, "khí công sư điện tử" này tạo ra được những phản ứng thụ công điển hình (cảm giác nóng hay lạnh, tê, thư giãn...) như một khí công sư thực thụ!

Đặc biệt, khi bức chiếu cho người đang luyện tập khí công, thiết bị tạo cảm giác khí và cải thiện sự đắc khí rõ rệt. Nó cũng có tác dụng tốt trên nhiều nhóm bệnh vẫn đáp ứng với khí công trị liệu. Với giá bán khá rẻ, chỉ hơn một triệu đồng Việt Nam, thiết bị tần phổ đã có mặt tại nước ta từ 10 năm trước.

Khi phát minh ra khí công, do hiểu biết còn hạn chế, nên người xưa xem dòng khí là một loại tương tác hay năng lượng bí ẩn. Nghiên cứu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc, cho thấy đó có thể chỉ là các biểu hiện đặc biệt của tương tác điện từ, loại tương tác chi phối sự sống. Và như vậy, bức màn bí ẩn bao phủ môn khí công đã hàng ngàn năm đang dần dần được hé mở.

**********Kỳ 21: Bí mật của xuất hồn - thoát xác

Xuất hồn hay thoát xác là hiện tượng khá phổ biến trong hầu hết các nền văn hóa. Người ta tin rằng, khi đó "hồn" bay khỏi "xác", bồng bềnh giữa không trung, quan sát thể xác và thế giới xung quanh. Nhiều người xem đó là bằng chứng của "linh hồn" và "thế giới tâm linh".

Theo nữ tâm lý gia Susan Blackmore, người đã nghiên cứu hiện tượng này hơn 40 năm, xuất hồn là "kinh nghiệm mà dường như một người cảm nhận được thế giới từ một vị trí ngoài cơ thể vật chất". Còn theo Irwin, đó là kinh nghiệm mà "trung tâm ý thức dường như chia tách với cơ thể". Các nhà tâm lý cho rằng, xuất hồn không phải là hiện tượng "tâm linh", mà là một trạng thái ý thức biến đổi. Nó có thể liên quan với psi (đã giải thích trong các kỳ trước), nhưng không phải là psi.

Bằng chứng thống kê

Theo Blackmore, khoảng 15-20% dân chúng thi thoảng xuất hồn. Đa phần chỉ một vài lần trong đời, nhưng một số xuất hồn khá thường xuyên, còn một số ít thì luyện tập đến mức xuất hồn lúc nào cũng được!

Xuất hồn thường xảy ra lúc nghỉ ngơi, trước khi ngủ hay đang thiền. Đặc trưng chung của trạng thái là thư giãn, giảm hay mất cảm giác bản thể và kích thích cảm giác. Nó xảy ra trong thời gian ngắn, thường bắt đầu với cảm giác đi vào đường hầm tối đen với ánh sáng rực rỡ phía cuối, giống trạng thái cận kề cái chết. Có người thấy "hồn" xuất rồi lại nhập vào xác.

Hành trình của linh hồn trong sự tưởng tượng của các họa sĩ

Xuất hồn độc lập với tuổi, giới tính, học vấn hay tôn giáo, mà phụ thuộc chủ yếu vào khả năng bị thôi miên và sự nhập vai. Vì thế giới nghệ sĩ dễ xuất hồn. Nhiều kỹ thuật có thể tạo xuất hồn, phần lớn xem thư giãn và tưởng tượng là yếu tố cơ bản. Thôi miên là kỹ thuật được ưa thích. Một số thuốc hướng thần cũng gây xuất hồn, như thuốc gây ảo giác, thuốc mê... nên có người thấy xuất hồn khi được phẫu thuật.

Để lý giải xuất hồn, hiện có ba giả thuyết chính: một cái gì đó ("hồn") rời khỏi xác, ảo giác kết hợp với ngoại cảm và các lý thuyết tâm lý.

Thoát xác

Đa số người xuất hồn thấy thoát xác, dẫn tới giả định về sự tồn tại của "linh hồn", độc lập với thể xác và có thể tồn tại sau cái chết của thể xác. Đây là một quan điểm sai lầm vì chia tách con người thành thể xác và linh hồn và xem chúng khác nhau. Vậy chúng tương tác với nhau như thế nào? Khi chết hồn bay đi đâu? Ở người chết đi sống lại, hồn thoát rồi nhập xác ra sao? Đó là những câu hỏi chưa bao giờ được trả lời.

Ảo giác và ngoại cảm

Tyrrell là người đầu tiên giả định xuất hồn là những ảo giác mang thông tin thu được nhờ ngoại cảm. Nói cách khác, do đọc ý nghĩ từ xa trong lúc ảo giác mà người xuất hồn cảm thấy hồn như bay lên quan sát các sự kiện, thậm chí từ xa. Điểm yếu của lý thuyết là giả định về ngoại cảm, vì bản thân ngoại cảm cũng là chủ đề chưa được làm rõ. Không thể giải thích một hiện tượng chưa biết bằng một hiện tượng chưa biết khác!

Các lý thuyết tâm lý

Nhóm lý thuyết này quan tâm tới các yếu tố nội tại của xuất hồn như ảo giác, ước vọng, các quá trình tâm lý và sự tưởng tượng. Chúng không loại trừ nhưng cũng không lưu tâm đặc biệt tới ngoại cảm.

Ảo giác là lý thuyết đầu tiên, sau đó là các lý thuyết phân tâm học. Từ những năm 1970, các lý thuyết chính thống hơn được phát triển. Palmer xem xuất hồn là sự giảm hay mất cảm giác bản thể. Irin hay Blackmore nhấn mạnh sự thay đổi tri giác, nhất là sự cách ly cảm giác (thí nghiệm tại ĐH McGill, Canada, 1951, cho thấy, khi bị cách ly cảm giác, người tình nguyện thấy "hồn" bay lơ lửng giữa khoảng không để quan sát xác). Trên thực tế, khi xuất hồn, các hình ảnh bản thể và thế giới bị phá vỡ nên tâm trí phải tái cấu trúc một hiện thực ảo để thay thế, trên cơ sở ký ức và tưởng tượng cá nhân, nên người xuất hồn như "thấy" bản thân từ bên ngoài cơ thể.

Khả năng dị thường khi xuất hồn

Các thành viên Hội nghiên cứu tâm linh Mỹ tổ chức một số thí nghiệm có kiểm soát để kiểm tra khả năng ngoại cảm khi xuất hồn. Chẳng hạn năm 1971, Osis nghiên cứu một đối tượng là Swann bằng cách đặt đồ vật trên giá cao 3m và yêu cầu Swann gửi "hồn" lên để đọc. Osis tuyên bố kết quả khả quan, nhưng nghiên cứu tiếp theo không lặp lại được kết quả.

Hiện tượng xuất hồn cũng là dấu hiệu đặc trưng của kinh nghiệm cận kề cái chết. Nhiều bệnh nhân được cứu sống hay tỉnh lại sau phẫu thuật tuyên bố họ cảm nhận được các biến cố xung quanh "thể xác đang chết" của họ, một tuyên bố không được thực tế khẳng định. Cho đến nay nhiều người vẫn xem xuất hồn là bằng chứng của linh hồn bất tử. Tuy nhiên thành tựu mới trong các khoa học tâm trí không ủng hộ quan điểm này. Thực tế xuất hồn chỉ là những ảo giác xuất hiện khi hệ cảm giác bản thể của cơ thể bị rối loạn.

************Kỳ 22: Thực chất của viễn di sinh học

Viễn di sinh học (psychokinesis/telekinesis) là khả năng dùng tâm trí tác động lên thế giới vật chất mà không dùng đến các tương tác vật lý đã biết. Ví dụ điển hình của viễn di sinh học là dùng ý nghĩ làm cong thìa hay tác động lên bộ phát số ngẫu nhiên. Uri Geller người Israel mà TT&VH đã viết hay Nina Kalugina (1926-1990) người Nga là những nhà tâm linh nổi tiếng nhất trong lĩnh vực này.

Uri Geller người Israel

Nina Kalugina

Được xem là người có nhiều khả năng tâm linh, nhất là viễn di sinh học, Nina Kalugina được nghiên cứu tại Liên Xô trong một thời gian dài. Trong chiến tranh lạnh, một bộ phim đen trắng về khả năng làm di chuyển đồ vật bằng "sức mạnh tâm trí" của bà đã được phổ biến trên toàn thế giới, đem lại nỗi hào hứng ghê gớm cho những người ủng hộ, nhất là khi họ biết bộ phim được làm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Thí nghiệm nổi tiếng nhất được Kalugina thực hiện tại một phòng thí nghiệm tại Leningrad ngày 10/3/1970. Đã nghiên cứu khả năng di chuyển đồ vật, nay người ta yêu cầu bà dùng ý chí tác động lên tim ếch trong dung dịch nuôi. Nhà y khoa nổi tiếng Sergeyev là một trong số những nhà khoa học chứng kiến thí nghiệm. Ông nói Kalugina có thể điều khiển tim ếch đập nhanh hoặc chậm, thậm chí ngừng đập.

Nhiều cá nhân và tổ chức nghi ngờ đã phê phán thí nghiệm, như Quỹ giáo dục James Randi (nhà ảo thuật lặp lại mọi trò lừa giả danh tâm linh của Uri Geller, người đặt ra giải thưởng một triệu USD cho bất cứ ai thực hiện được một khả năng tâm linh dưới sự kiểm soát của ông năm 1999. Hiện tiền được gửi tại một ngân hàng New York và thời gian thử nghiệm kéo dài tới 2010) hay Ủy ban điều tra các tuyên bố dị thường Ý. Họ cho rằng thời gian chuẩn bị lâu và thí nghiệm thực hiện tại khách sạn giúp Kalugina dễ dàng lừa gạt. Việc không có giới ảo thuật tham gia thí nghiệm càng khiến sự nghi ngờ tỏ ra có lý. Ngoài ra là ước vọng chiến thắng trong cuộc "chiến tranh tâm linh", giống như thắng trong chiến tranh vũ trụ hay trong chạy đua vũ trang.

Tác động lên bộ phát ngẫu nhiên

Đáp lại những chỉ trích như trên, giới tâm linh tổ chức các thử nghiệm có kiểm soát, như tác động lên bộ phát số hay sự kiện ngẫu nhiên. Điển hình nhất là nhà vật lí Helmut Schmidt, mà sự trung thực và sáng tạo trong tổ chức thí nghiệm được cả các đối thủ kính trọng. Một nhà nghiên cứu khác là Robert Jahn và phòng thí nghiệm tại ĐH Princeton. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của hai ông đều không thỏa mãn cả người ủng hộ lẫn người phản đối.

Qua hàng triệu lần ấn nút bộ phát số với nhiều nhà tâm linh, Schmidt thu được khác biệt tuy tin cậy về mặt thống kê, nhưng cực kì nhỏ, chỉ là 50.5% so với 50% của xác suất ngẫu nhiên. Còn trong phòng thí nghiệm của Jahn, sau 114 triệu lần thử nghiệm, chỉ thu được tỉ lệ 50.2%. Sai khác tuy nhỏ, nhưng tin cậy về mặt thống kê, nên Schmidt và Jahn tuyên bố viễn di sinh học là sự thật, tuy khá hiếm thấy.

Giới nghi ngờ không đồng ý như vậy, vì hai ông chưa tính tới các sự biến tự phát. Chẳng hạn trong một sô diễn truyền hình, nhà tâm linh nói sẽ dùng sức mạnh tâm trí làm đồng hồ của khán giả ngừng chạy. Vài chục phút sau, hàng chục người gọi điện thông báo, quả thật đồng hồ họ đã hỏng. Đó là "tâm linh"? Hoàn toàn không, đó chỉ là các sự biến tự phát: trong hàng triệu người xem ti vi, nhất định nhiều người sẽ hỏng đồng hồ, một kết quả chỉ mang tính thống kê thuần túy.

Các nhà khoa học còn phát hiện nhiều khiếm khuyết trong cách tổ chức thí nghiệm của Schmidt, Jahn và nhiều nhà nghiên cứu khác. Đây là vấn đề rất khó tránh, vì tổ chức một thí nghiệm đứng trên mọi chỉ trích hầu như là không thể trong lĩnh vực dị thường. Đó là một trong những lí do mà khoa học chưa thu được một bằng chứng không thể bác bỏ về các hiện tượng lạ.

Kết luận

Là một trong những đối tượng của bộ môn cận tâm lý, cùng ngoại cảm, viễn di sinh học là mối quan tâm hàng đầu của giới nghiên cứu chuyên ngành. Trong các "thử nghiệm tại thực địa" thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, thường thu được kết quả rất ấn tượng nhưng không được các nhà khoa học chấp nhận. Còn trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm, kết quả chưa vượt qua được xác suất ngẫu nhiên hay các sự biến tự phát. Vì thế giới khoa học có thẩm quyền chưa chấp nhận tính hiện thực của viễn di sinh học.

***************Kỳ 23: Người tự cháy

Người tự cháy là một niềm tin tồn tại đã nhiều thế kỉ, khi những người ủng hộ tin rằng, trong một số trường hợp đặt biệt, cơ thể người có thể cháy mà không cần nguồn nhiệt khởi phát. Trong khi đó những người nghi ngờ cho rằng, quá trình đó không thể xảy ra theo các tiêu chí khoa học.

Lịch sử hiện tượng

Là niềm tin xuyên thời gian, không lạ khi một nhà văn như Charles Dickens để một nhân vật của mình, ông Krook nghiện ngập trong tiểu thuyết Ngôi nhà lạnh lẽo (1852) chết trong một vụ cháy tự phát. Với sự nổi tiếng của mình, Dickens đã đổ thêm dầu vào niềm tin của những người ủng hộ hiện tượng dị thường này.

Helen Conway ở Pennsylvania bị chết cháy năm 1964

Nổi tiếng nhất thời hiện đại là trường hợp Helen Conway, một phụ nữ nghiện thuốc lá nặng. Bà bị cháy năm 1964 khi đang ngồi trên ghế tựa trong phòng ngủ, với rất nhiều mẩu thuốc lá xung quanh. Tại sao đó là hiện tượng tự cháy? Vì viên sĩ quan chữa cháy nói ông tin như vậy. Ông cũng cho rằng, Comway cháy trong 21 phút. Milton, một nhà khoa học ủng hộ, dùng nhiều suy đoán để đưa ra con số 6 phút, hoàn toàn phù hợp với các giả thuyết dị thường (khoa học cho rằng, sự tự cháy, nếu có, phải kéo dài nhiều giờ).

Các giả thuyết dị thường

Những người ủng hộ đưa ra nhiều giả thuyết về người tự cháy. Larry Arnold cho rằng một loại hạt chưa biết là pyrotron gây ra phản ứng hạt nhân trong cơ thể, từ đó tạo nên sự tự cháy. Các giả thuyết khác bao gồm tạo maser (tức sự khuếch đại vi sóng nhờ phát xạ tự phát), biến động địa từ trường hay kundalini (một dạng tạo nhiệt bí ẩn của môn yoga). Cũng có người cho rằng, sự căng thẳng thần kinh có thể khởi phát quá trình cơ thể tự cháy.

Quan điểm khoa học

Giới khoa học không đồng ý với các giả thuyết nêu trên. Họ nhấn mạnh, sự cháy của cơ thể chỉ có thể trải qua các giai đoạn như sau: 1) Nạn nhân đột tử (do đột quị tim chẳng hạn), mất ý thức hay không thể cử động do quá nặng; 2) Điếu thuốc đang cháy hay một nguồn lửa nào đó làm cháy quần áo nạn nhân, có thể đang thấm rượu bia nên rất dễ bắt lửa. Ngọn lửa giết chết nạn nhân, nếu đến lúc đó họ vẫn chưa chết; 3) Hiệu ứng bấc đèn xuất hiện, hoàn thiện bức tranh về hiện tượng.

Bác sĩ Bentley ở bang Pennsylvania bị cháy thành tro

trong nhà vệ sinh chỉ còn lại cẳng chân

Vai trò quyết định thuộc về hiệu ứng bấc đèn, khi quần áo nạn nhân có vai trò như sợi bấc đèn, cháy do lượng mỡ từ cơ thể nạn nhân chảy ra, càng cháy mỡ chảy càng nhiều. Cần lưu ý là ban đầu quần áo cháy làm chảy mỡ, sau đó thì mỡ chảy làm quần áo cháy tiếp như sợi bấc đèn, một quá trình tự duy trì cho tới khi hết nhiên liệu. Vì thế chỉ các phần cơ thể nhiều mỡ mới cháy hết, và quá trình cháy kéo dài hàng giờ. Đó là lí do chân Helen Conway không cháy và vật dụng trong phòng cũng vậy.

Như vậy điểm khác biệt giữa hai phía ủng hộ và phản đối hiện tượng người tự cháy nằm ở chỗ, người ủng hộ cho rằng đó là quá trình tự phát, còn khoa học thì đòi hỏi một mồi lửa khởi phát ban đầu, trước khi hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Vì thế thời gian cháy cũng là chủ đề tranh cãi. Các giả thuyết tự cháy cho rằng thời gian cháy chỉ trong vòng vài chục phút; trong khi theo khoa học, nó dài hơn hàng chục lần. Vậy thực nghiệm ủng hộ giả thuyết nào?

Thí nghiệm của BBC

Năm 1998, BBC tài trợ một nghiên cứu về hiện tượng, với việc sử dụng lợn chết. Xác lợn được quấn trong chăn và đặt trong một căn phòng mô hình. Một lượng xăng nhỏ được tẩm vào chăn và được châm lửa để khởi phát hiện tượng. Sau khi da bị cháy, mỡ bắt đầu chảy, giúp hiệu ứng bấc đèn xuất hiện. Tủy xương nhiều mỡ cũng góp phần vào sự cháy. Đồ vật xung quanh không cháy, kể cả ti vi vỏ nhựa đặt trên cao. Lửa được dập bằng tay sau bảy giờ. Hầu hết lợn cháy thành tro, trừ phần không quấn chăn (nên không xuất hiện hiệu ứng bấc đèn).

Thí nghiệm của BBC - Phần lợn không quấn chăn

không hề bị cháy

Những người tổ chức thí nghiệm kết luận: 1) Ngọn lửa có tính định xứ rất cao, nên không cháy lan sang vật dụng trong phòng. Ngọn lửa chỉ bốc cao 50cm; 2) Thân lợn cháy đen, trừ phần không quấn chăn, và ngọn lửa cháy rất lâu, cho thấy hiệu ứng bấc đèn đúng là yếu tố quyết định; 3) Lửa cháy lâu tạo dòng đối lưu khí nóng, làm chảy vỏ nhựa chiếc ti vi.

Kết luận

Theo các qui luật vật lý, hóa học và sinh học, không thể có hiện tượng người tự cháy như suy luận của những người ưa thích chuyện lạ. Cơ thể người chỉ có thể cháy khi có mồi lửa khởi phát cho hiệu ứng bấc đèn, yếu tố quyết định bức tranh toàn cảnh về hiện tượng tuy khá lạ thường này nhưng hoàn toàn không khó hiểu.

*************Kỳ 24: Bí ẩn các nhà du hành vũ trụ cổ

Các nhà du hành vũ trụ cổ là một giả thuyết cho rằng, người ngoài hành tinh đã nhiều lần tới thăm và tác động lên sự tiến hóa sinh học và văn hóa trên Trái đất. Xuất phát từ thế kỉ 19, nhưng giả thuyết này chỉ được phổ biến toàn thế giới sau các cố gắng tuyên truyền của những người như Charles Fort hay Erich von Daniken.

Erich von Daniken

Erich von Daniken sinh ngày 14/4/1935 tại Zofingen, Aargau, Thụy Sĩ, là tác giả 26 cuốn sách về người ngoài hành tinh tới thăm Trái đất. Mặc dù giới khoa học chưa bao giờ xem các tác phẩm này là nghiêm túc, chúng vẫn được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, với hơn 60 triệu bản. Ngày 23/5/2003, von Daniken thành lập Công viên Bí mật về Khảo cổ, Du hành vũ trụ và Tìm kiếm các nền văn minh ngoài Trái đất. Đến 19/11/2006, nó đóng cửa vì vắng người xem. Theo tác giả thì Kim tự tháp Ai Cập, Hàng rào đá tại Anh, Đường vạch Nazca... chỉ có thể do người ngoài hành tinh xây dựng, vì người nguyên thủy không đủ kĩ năng.

Tranh trên vách đá Val Camonica, Ý, hơn 10.000 năm trước CN

Muốn biết von Daniken đúng hay sai, ta cần đi theo những lập luận chính của ông về nắp đậy phần mộ vua Pacal người Maya, bản đồ Piri Re năm 1513, tượng đá đảo Phục sinh hay Kim tự tháp Ai Cập, ngoài một số lập luận khác.

Mộ vua Pacal người Maya

Khu mộ nằm ở Yucatan, từng là thành phố cổ Palenque. Von Daniken cho rằng, vật trang trí bằng đá trên nắp mộ vẽ nhà du hành và tàu vũ trụ, tay nhà du hành đang thao tác điều khiển, mặt mang mặt nạ dưỡng khí. Xung quanh là ngọn lửa nhỏ, giống khí thải động cơ.

Mộ vua Pacal

Giới khảo cổ cho rằng, hình vẽ mang đậm dấu ấn văn hóa Maya. "Nhà du hành" là vị vua, "mặt nạ" là mẫu vật trang trí. Vòng trang trí là các lá ngô, ngọn lửa là rễ ngô. Đó là một mô típ tôn giáo điển hình ca ngợi ngô, nguồn lương thực nuôi sống người Maya.

Bản đồ Piri Re 1513

Theo von Daniken, tấm bản đồ cho biết chính xác các địa danh mà sau này loài người mới biết. Ông tuyên bố Nam Cực cũng được vẽ với đường nét lục địa hoàn hảo, mà chỉ với máy bay sau này người ta mới vẽ được. Đó là bằng chứng của tàu vũ trụ ngoài hành tinh? Tuy nhiên ông cố tình không nhắc đến những khiếm khuyết nghiêm trọng của tấm bản đồ. Chẳng hạn Nam Cực lệch 6000km, sông Amazon biến thành hai, bờ biển Nam Mỹ hụt 1350km và không có Địa Trung Hải. Những khiếm khuyết đó hoàn toàn phù hợp với trình độ bản đồ thế kỉ 16 của loài người.

Tượng đá đảo Phục sinh

Các pho tượng khổng lồ trên đảo Phục sinh nằm giữa Thái Bình Dương gây sửng sốt cho người lần đầu tiên chiêm ngưỡng. Theo von Daniken, số dân vài ngàn người trên đảo không đủ khả năng chế tác, di chuyển và dựng chúng lên, nếu không nhờ các nhà du hành vũ trụ ngoài hành tinh.

Tượng khổng lồ trên đảo Phục sinh

Nhưng các hậu duệ của cư dân xưa vẫn còn sống và họ thực hiện thành công quá trình tạo dựng các pho tượng, một quá trình tuy tốn thời gian nhưng cần khá ít người. Theo Thor Heyerdahl, 7 người với công cụ đá có thể tạo một mẫu tượng trong 3 ngày. Hai nhóm thợ, mỗi nhóm 6 người cần một năm để hoàn chỉnh pho tượng. Để di chuyển tượng trên cát, cần khoảng 180 người; còn trên nền đất cứng, chỉ cần 90 người. Để dựng tượng, cần 20 người. Họ dùng đòn bẩy gỗ nâng đầu tượng một chút rồi chêm đá phía dưới. Dần dần pho tượng được dựng thẳng đứng.

Kim tự tháp Ai Cập

Von Daniken xem người Ai Cập không thể xây dựng Kim tự tháp. Ông cho rằng đó là nền văn minh tức thời chứ không có thời tiền sử. Đó là giả định hoàn toàn sai. Các Kim tự tháp tiến hóa với thời gian, ban đầu chỉ là cấu trúc đắp bùn, rồi mới được xây bằng gạch đá. Ban đầu chúng có dạng bậc thanh, dần dần các bậc được phủ đầy để thành các cấu trúc như ta thấy ngày nay.

Kim tự tháp là công trình của người ngoài hành tinh?

Chính người Ai Cập đã xây dựng Kim tự tháp. Các con lăn khổng lồ bằng gỗ được nhập từ Libăng và nhiều nơi khác. Các khối đá lớn được chở theo đường thủy tới khu vực xây dựng. Xe trượt bằng gỗ được dùng để chuyển đá trên mặt đất. Bậc thềm đất được dùng để nâng đá lên cao. Tính toán của tạp chí Người Mỹ khoa học cuối TK 20 cho thấy, lúc đông nhất trên công trình cũng không quá 8000 người. Cái mà những người Ai Cập giầu tính sáng tạo là thời gian chứ không phải là các nhà du hành đến từ vũ trụ. Vì thế có khi họ mất đến 20 năm để hoàn thành một công trình.

Kết luận

Ngược với kì vọng chung của mọi người, giả thuyết về các cuộc hạ cánh của người ngoài hành tinh trong quá khứ là một trong rất nhiều giả thuyết không được thực tiễn ủng hộ trong lĩnh vực dị thường học. Tuy nhiên nó có thể giúp những tác giả như Erich von Daniken làm giầu và nổi danh thiên hạ!

*************Kỳ 25: Lợi ích của Thiền

Khi môn đồ của một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên trái đất là Phật giáo Thiền tông muốn đạt tới một trạng thái tinh thần cao hơn, họ thường dùng một kỹ thuật đã có từ hơn 5.000 năm trước để biến đổi các trạng thái của ý thức. Đó là thiền định.

Thiền là gì?

Theo định nghĩa, thiền là một thực hành để tập trung sự chú ý nhằm đạt tới các trạng thái ý thức biến đổi. Nó cũng có thể giúp đạt tới các mục đích khác như tăng tính sáng tạo và sự tự nhận thức, hay đơn giản là thư giãn và tĩnh tâm.

Tượng thần Shiva đang thiền được đặt tại Bangalore - Ấn Độ

Thiền xuất hiện trong hầu hết các tôn giáo. Nó cũng được dùng rộng rãi ngoài phạm vi tín ngưỡng. Hiện nay các kỹ thuật thiền phương Đông được dùng rất phổ biến ở phương Tây, với một số chỉnh lý để phù hợp với tập quán văn hóa xã hội địa phương. Hiện ở Mỹ, nhiều người tập thiền theo phương pháp của Maharishi Mahesh, một nhà Yoga nổi tiếng. Kỹ thuật của ông khá đơn giản. Đó là lặp đi lặp lại một mantra - một âm thanh, một từ hay một vần.

Ở các phương pháp khác, sự chú ý được tập trung vào một bức tranh, ngọn nến hay một bộ phận cơ thể nào đó. Cho dù dùng phương pháp nào thì chìa khóa thành công cũng là tập trung tinh thần cho đến khi quên hết các yếu tố kích thích xung quanh để đạt tới một trạng thái khác của ý thức. Nói cách khác, đó là xóa bỏ tạp niệm và làm trống bộ não.

Kiểm soát cảm xúc

Người thực hành thiền ngày hai lần, mỗi lần 20 phút thấy tinh thần thư giãn, đôi khi đạt tới trạng thái nhìn thấy bản thân và các vấn đề vướng mắc dưới một góc nhìn khác. Kiên trì tập thiền có thể cải thiện sức khỏe rõ rệt. Năm 1989, nhà thần kinh học Alexander thấy người già tập thiền hơn ba năm sẽ có tuổi thọ cao hơn người không tập.

Hội thảo về thiền tại New Zealand năm 1979

Số các nghiên cứu thiền trong lâm sàng ngày càng tăng. Richard Davidson, giáo sư tâm lý và tâm thần học tại ĐH Wisconsin, là một trong những người đầu tiên ghi sóng điện não của các thầy tăng Tây Tạng khi họ đang thiền. Kết quả cho thấy, trong trạng thái thiền định, hoạt tính sóng gamma của thầy tăng tăng gấp hai lần so với bình thường, cho thấy họ làm chủ các cảm xúc tích cực và kiểm soát các cảm xúc tiêu cực tốt hơn. Trên nhóm người tình nguyện mới được dạy cách thiền định, sóng gamma tăng không đáng kể. Giới nghiên cứu tin rằng, những thay đổi đó có lợi cho cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất, vì trong cơ thể con người, tinh thần và thể chất không bao giờ chia tách nhau.

Thay đổi thực thể

Qua hệ thần kinh, thiền tạo ra một số thay đổi sinh lý có lợi cho sức khỏe, như giảm mức độ tiêu thụ ô-xy (đến 20%), giảm nhịp thở, giảm nhịp tim và hạ huyết áp, hạ mức thán khí và lactate trong máu. Tuy nhiên những thay đổi như thế cũng xuất hiện trong các kỹ thuật thư giãn khác, cho thấy chúng là các tiêu chí còn tương đối thô trong việc lượng giá một hoạt động tinh tế như thiền.

Ứng dụng thực tế

Như một kỹ thuật thư giãn, thiền được dùng giảm stress trong các cơ sở y tế cho bệnh mãn tính hay bệnh giai đoạn cuối để giảm các biến chứng liên quan với stress, bao gồm suy giảm miễn dịch. Trong cuốn sách mở đường Thiền và bộ não do nhà xuất bản ĐH Cambridge ấn hành năm 1999, bác sĩ James Austin kết luận thiền giúp tái kết nối các mạch thần kinh trong não, một kết luận dựa trên các hình ảnh cộng hưởng từ chức năng.

Năm 1993, nhà tâm lý Herbert Benson của Viện Y học tâm thể chứng tỏ, có thể thực hành thiền định qua một kỹ thuật rất đơn giản là ngồi nhắm mắt trong phòng kín, thở sâu theo nhịp, đếm đi đếm lại 1 - 2 - 3 - 4 hay lặp đi lặp lại mãi một từ. Sau 20 phút thực hành, đa số người tập đều thấy thư giãn rõ rệt. Tập ngày hai lần, kỹ thuật Benson đạt hiệu quả tương đương các phương pháp thiền định truyền thống trong việc thư giãn tâm hồn và cơ thể.

Nói chung thiền là một biện pháp hiệu quả để thư giãn và hạ thấp các ngưỡng sinh lý. Đặc trưng điện não thay đổi cho thấy, ngưỡng kích thích vỏ não thay đổi, phản ánh sự giảm mức độ của các hoạt động tinh thần. Thiền cũng giúp giảm lo âu, căng thẳng, hệ quả của nền văn minh, và tăng cường sự tự tin cho người tập luyện. Một số nhà tâm lý còn dùng thiền để cải thiện thành tích vận động viên, chí ít cũng giúp họ trấn tĩnh trước các sự kiện thể thao quan trọng. Thậm chí qua thiền, vận động viên có thể thư giãn hoặc kích thích từng nhóm cơ thích hợp để phát lộ được hết những năng lực còn đang tiềm ẩn. Hoàn toàn không quá lời khi có người cho rằng, thiền có thể giúp chúng ta sống khỏe mạnh và yên bình hơn.

Kỳ 26: Bí ẩn những giấc mơ tiên tri

Giấc mơ là những hình ảnh, ý nghĩ và cảm giác trải nghiệm khi đang ngủ, liên quan chặt chẽ với giấc ngủ cử động mắt nhanh. Nội dung và ý nghĩa sinh học của giấc mơ chưa được biết đầy đủ, mặc dù là đối tượng quan tâm và suy đoán suốt tiến trình lịch sử nhân loại. Giấc mơ tiên tri là giấc mơ mà người nằm mơ thấy trước các sự biến tương lai.

Các giấc mơ tiên tri nổi tiếng

- Năm 1865, tổng thống Mỹ Abraham Lincoln kể cho bạn bè về một giấc mơ mà trong đó, ông nghe thấy những tiếng động của đám tang từ căn phòng phía tây trong Nhà trắng. Trong đó có một cái xác quấn vải niệm, với nhiều lính gác đứng xung quanh. Vì khuôn mặt cũng bị che kín nên khi được ông hỏi, một lính gác trả lời "Tổng thống". Lincoln bị ám ảnh vì giấc mơ và một tuần sau ông bị ám sát.

Tác phẩm "Giấc mơ hiệp sĩ" của Antonio de Pereda

- Năm 1912, một số người thoát chết trong thảm kịch Titanic nổi tiếng, khi họ kể nằm mơ thấy tàu sẽ chìm. Tình thế tương tự cũng xẩy ra trong tai nạn ở Aberfan, xứ Wales, vương quốc Anh (mưa gây trượt than đá làm chết 116 trẻ em và 28 người lớn tại Trường tiểu học Pantglas). Ít nhất 22 người Anh đã mơ thấy thảm kịch từ trước.

- Ngày 28/5/1968, tâm linh gia Alan Vaughan gửi thư tới chuyên gia về giấc mơ Stanley Krippner, thông báo ông mơ thấy một người da đỏ bắn chết Robert Kennedy, ứng cử viên tổng thống Mỹ. Rồi Vaughan mơ thấy cách bảo vệ nạn nhân; tuy nhiên trước khi nhận được lời cảnh báo, ngày 5/6 Kennedy bị ám sát.

Ý nghĩa của giấc mơ

Nhiều giả thuyết đã được nêu về ý nghĩa và mục đích sinh học của giấc mơ. Được thừa nhận rộng rãi là các lý thuyết sau:

Giấc mơ Jacob về chiếc thang của thiên thần

- Mơ là biểu hiện của ước vọng vô thức: Cha đẻ của phân tâm học Freud cho rằng, giấc mơ là "con đường vương giả" dẫn đến vô thức, thành tố quyết định bản chất con người. Theo đó, bay trong mơ thể hiện sự khát dục; đào, táo, nho biểu tượng đôi nhũ hoa; súng, lửa, đạn, gậy, rắn biểu tượng bộ phận sinh dục nam, còn bếp lò, chai, lọ ứng với cơ quan sinh dục nữ. Thực tiễn không ủng hộ các suy đoán quá chủ quan này. Thống kê trên sinh viên năm 1958 cho thấy, thường gặp nhất trong mơ là bị rơi (84%) và bị săn đuổi (80%). Lẽ nào bị rơi và bị săn đuổi lại là ước vọng vô thức của con người? Mơ thấy đi mãi mà không tới phòng thi không phải là ước vọng vô thức, mà chính là dấu hiệu của sự chưa thuộc bài!

-Mơ để làm sạch bộ não: Crick (nhà vật lý đoạt giải Nobel vì cấu trúc ADN) và Mitchison, 1983, giả định mơ giúp loại bỏ thông tin vô ích, làm "vệ sinh" bộ não và dành ô nhớ cho thông tin có ích.

- Mơ để sinh tồn: Theo Pavlides và Winson, 1989, mơ để truy xuất và xử lý lại thông tin cần thiết cho sự sinh tồn. Theo đó, mơ giúp xử lý tin 24/24 giờ. Vì thế ngủ trong căn phòng bị phun nước thường mơ thấy nước.

- Mơ như quá trình hoạt hóa - tổng hợp: Theo Hopson và McCarley, 1977, bộ não sinh điện năng trong giấc ngủ REM để kích thích ngẫu nhiên các bộ nhớ khác nhau trong não. Và não sắp xếp các kí ức ngẫu nhiên đó thành mạch truyện có logic và bổ sung chi tiết cần để tạo nên bức tranh toàn cảnh hợp lý. Như vậy giấc mơ là một trò chơi tự tổ chức của bộ não hơn là một hiện tượng tâm lý có mục đích tự thân.

Giải mã giấc mơ tiên tri

Dù nhớ hay không thì hàng đêm ta vẫn mơ hàng chục giấc mơ. Và người sống đến 70 tuổi sẽ có 150 ngàn giấc mơ trong cả cuộc đời. Với hàng trăm tỷ người từng sống trên trái đất, tổng các giấc mơ của loài người đạt tới con số 15 triệu tỷ! Trong đó các giấc mơ tiên tri chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng nhỏ, cho thấy chúng chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã từng mơ về cái chết trước khi bị ám sát

Trong trường hợp Lincohn, ông có nhiều kẻ không ưa và luôn trong tình trạng đe dọa ám sát. Vì thế giấc mơ của ông phản ánh tâm trạng đầy âu lo về tình thế bất ổn vây quanh ông (phù hợp với giả thuyết mơ để sinh tồn). Trong thảm họa Titanic, phần lớn linh cảm được thông báo sau sự kiện nên không đáng tin cậy. Trong tai nạn Aberfan, cư dân trong vùng nhiều lần cảnh báo mối nguy hiểm chết người nhưng nhà chức trách không quan tâm đúng mức. Trong trường hợp thượng nghị sĩ Robert Kennedy, nên nhớ rằng anh của ông, tổng thống John Kennedy bị ám sát chỉ vài năm trước và mối nguy hiểm không lúc nào rời Robert khi ông ra tranh cử. Vì thế nếu có người mơ thấy ông bị bắn thì cũng không có gì lạ.

Trên khía cạnh khoa học, nguyên lý bất định Heisenberg và tính ngẫu nhiên của các sự biến vũ trụ không cho phép tiên tri có thể xẩy ra trong vũ trụ của chúng ta. Muốn có tiên tri, cần một vũ trụ khác, với thời gian trôi ngược từ tương lai về hiện tại. Thật đáng tiếc là chúng ta không thể sống trong một vũ trụ như thế!

Kỳ 27: Thực chất của "Gọi vong người chết"

Thời gian qua, tại nước ta nổi lên hiện tượng "gọi vong" hay "nói chuyện với người chết". Qua đó cô đồng hay nhà ngoại cảm (chính xác hơn là nhà tâm linh) dường như thu được một số thông tin chưa ai biết, góp phần giúp thân nhân tìm thấy hài cốt người đã khuất. Đó là hiện tượng cầu hồn hay "gọi vong".

Nhà văn Conan Doyle, cha đẻ thám tử Sherlock Holmes lừng danh, là người rất mê cầu hồn

Cầu hồn xuất phát từ tâm linh luận (spiritualism), một quan niệm tôn giáo - triết học về sự tồn tại sau cái chết. Theo đó thì ta có thể tiếp xúc với người chết qua giới đồng cốt, những người được cho là có khả năng "gọi vong" hay "cầu hồn".

Trong khi triết học duy vật và khoa học bác bỏ khái niệm linh hồn bất tử (cặp phạm trù cấu trúc - chức năng của sinh học nói rằng, một chức năng cụ thể chỉ được thực hiện nhờ một cấu trúc vật chất đặc trưng. Chỉ tim mới bơm máu, chỉ não mới tư duy. Linh hồn với tư cách một chức năng - tư duy, tình cảm, nhận thức - mà không cần bộ não với tư cách cấu trúc vật chất là không thể về mặt sinh học), nhiều người đã dẫn kết quả của một số cô đồng hay nhà ngoại cảm để biện minh. Vậy tại sao giới đồng cốt có thể đưa ra một số thông tin được công nhận là chính xác?

Các kỹ thuật lấy tin

Thầy bói, cô đồng hay "nhà ngoại cảm" có thể thu được một số thông tin về người chết nhờ các kỹ thuật sau:

* Đọc nóng (hot reading): Đây là cách lấy tin trước khi thực hiện cầu hồn hay bói toán. Khi được đề nghị, thầy bói có thể kêu mệt vì bói cho nhiều người và đề nghị người xem bói tuần sau quay lại. Rồi thầy cho người bám theo và dò hỏi những thông tin cần thiết (đơn giản là ở bà bán nước đầu ngõ!). Khi quay lại, ta có thể choáng váng khi thầy nói vanh vách về tên tuổi, nghề nghiệp, gia cảnh của mình! Sau đó thầy nói gì ta cũng sẽ tin. Đây là kĩ thuật mà cô đồng Ph. ở miền Trung thường áp dụng, khi mọi người phải chầu chực mãi mới được nói chuyện với "vong", để đội ngũ cò mồi của cô moi tin.

Pháp sư người Uranina, được cho là có khả năng "nói chuyện với người chết"

* Đọc ấm (warm reading): Đây là sự áp dụng các nguyên tắc tâm lý chung cho một trường hợp cụ thể. Khi thấy vết đeo nhẫn, thầy bói sẽ nói thân chủ gặp rắc rối trong hôn nhân. Các cô gái trẻ thường được thông cảm về trở ngại trong tình yêu hay thi cử; đàn ông trung niên thường được khuyên nhủ về công danh hay tiền bạc; phụ nữ có tuổi ăn mặc sang trọng thường được chia sẻ chuyện chồng có bồ nhí. Thời gian qua, khi thị trường chứng khoán và địa ốc trầm lắng, người giầu có, năng động thường được phán là mắc vào chứng khoán hay đất đai...

Giới đồng cốt Mỹ thường kể, người chết cảm thấy đau đầu hay đau ngực. Tuyên bố này dễ được thân nhân người chết đồng tình vì đột quị não và nhồi máu cơ tim là hai nguyên nhân tử vong hàng đầu. Giới đồng cốt nước ta thường nói bên cạnh hài cốt liệt sĩ thời chống Pháp có "vài cúc áo", xuất phát từ thực tế cúc áo thời đó khó phân hủy hơn. Đó là kết quả của những chiêm nghiệm xuất phát từ thực tế, chứ không phải do "nói chuyện với người chết" hay do thấu thị, "nhìn xuyên đất đá". Nói chung kĩ thuật này rất đa dạng, nên chỉ có thể nhận ra thực chất nó khi khảo sát từng trường hợp cụ thể mà thôi.

* Đọc nguội (cold reading): Đây là kĩ thuật tinh xảo nhất mà giới đồng cốt hay bói toán có thể sử dụng. Trong bài "Thuyết phục người lạ rằng bạn biết tất cả về họ như thế nào" trên tạp chí Người yêu cầu nghi ngờ của Ủy ban điều tra khoa học các tuyên bố về hiện tượng dị thường Mỹ, tập 1, số 2, năm 1977, nhà tâm lý Hyman đã phát hiện kỹ thuật này. Đó là cách moi tin từ chính thân chủ bằng nhiều phương cách như nói lấp lửng nước đôi, đọc ngôn ngữ cơ thể... (thầy bói hay cô đồng thường nói tràng giang đại hải, khi gặp thông tin khớp, ta thường nhướn mày, chớp mắt, rung cơ, thở nhanh... nên cô đồng nắm được. Đó là hiệu ứng Hans thông minh quen thuộc trong lĩnh vực dị thường học).

Cô đồng Ph. ở trên thường nắm tay thân chủ chính là để phát hiện sự rung cơ như vậy. Đó cũng là lí do không một cô đồng, thầy bói hay nhà ngoại cảm nào nói ít. Xin nhấn mạnh, đây là kĩ thuật tinh vi nhất của giới đồng cốt và bói toán. Với một "nhà ngoại cảm" thành thạo cả ba kĩ thuật, ta không tin mới là chuyện lạ! Có lẽ ở ta chưa có ai giỏi như vậy, nhưng giới đồng cốt hay "ngoại cảm" vẫn được tin tưởng, chủ yếu do chúng ta muốn tin, như đã trình bày trong các bài trước.

Trùng hợp ngẫu nhiên

Vẫn còn một khả năng nữa là trùng hợp nhẫu nhiên. Trên thực tế, nhiều nhận định có xác suất thành công cao, như sinh trai hay gái, thắng hay thua (tỷ lệ đúng 50%). Cần bao nhiêu người để hai trong số đó có ngày tháng sinh trùng nhau? Xin chớ ngạc nhiên, khi biết chỉ cần 23 người là đạt tỷ lệ trên 50%, chứ không phải 183 người (365 ngày chia hai) như ta thường nghĩ. Bạn đang nghĩ về người bạn đã lâu không gặp, thì nhận được tin nhắn của chính người đó? Đó không phải là "tâm linh", mà là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhà thơ T.Đ.K. từng kể với người viết rằng, cô đồng nói được một chi tiết mà gia đình nhà thơ phải đi hỏi mãi mới biết là đúng. Đó chỉ là trường hợp ăn may, "chó ngáp phải ruồi" mà thôi.

Ta cần làm gì?

Nếu ngồi đối diện một cô đồng đủ nhạy cảm, rất khó tránh sự đọc nguội. Trong hoàn cảnh nào thì cô đồng cũng có thể bắt một ngôn ngữ cơ thể, như ngựa Hans từng chứng tỏ. Còn nếu ta bất hợp tác (ngồi im, nhắm mắt, bịt tai để không phát lộ ngôn ngữ cơ thể), giới đồng cốt vẫn có một lối thoát vạn năng là tuyên bố "hồn thăng", do thân chủ không thành tâm! Vì thế nên dùng tên và nhân thân giả để kiểm tra, như một số phóng viên từng khôn khéo thực hiện. Và bạn sẽ thấy thực chất của "gọi vong" hầu như ngay lập tức.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#hthanh90