Cân Đẩu Vân

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


_GIẢI NGHĨA NGỘ KHÔNG F6_

_Cân Đẩu Vân_

_Lửng Mật Tự Luận _

Cân Đẩu Vân của Ngộ Không là phép đi mây về gió, nằm ngoài 72 biến, còn gọi là Đằng Vân Giá Vũ.

- Cân : Gót chân

- Đẩu : Cao, trên cao, tầm cao.

- Vân : Mây, gió.

- Cân Đẩu Vân : Gót chân trên tầng mây cao ( sang chảnh thực sự ).

===

█ Nhất Niệm Thành Ma - Nhất Niệm Thành Phật

Trong Tây Du Ký, quãng đường từ Đông thổ Đại Đường đến Đại Lôi Âm Tự là 10 vạn 8 nghìn dặm. Phép Cân Đẩu Vân của ngộ Không, lộn một vòng, cũng vừa đúng 10 vạn 8 nghìn dặm. Vừa vặn với câu : Nhất niệm thành Ma, nhất niệm thành Phật.

Tôn Ngộ Không là lý trí, là trí tuệ, cũng là ý chí của Đường Tăng. Xa tận chân trời gần ngay trước mắt, Ngộ Không lăn một cái đã đến Lôi Âm Tự, đây là tiềm năng, cũng là Phật Tâm có sẵn trong Đường Tăng, cũng như trong mỗi sinh linh. Thế nhưng vì còn có bản ngã, có chấp nhất, có quá nhiều lưu luyến, quá nhiều suy tư lo nghĩ, nên Đường Tăng mới phải mất 14 năm đi thỉnh kinh. Ta có thể thấy rõ qua dấu hiệu như sau :

- Ngộ Không không thể dùng Cân Đẩu Vân chở Đường Tăng đi được, vì Đường Tăng rất nặng. Thật sự rất nặng. Cái nặng này là cái mà khiến cho thần tiên ai cũng e sợ, cái nặng của Nghiệp. Thần thánh, trừ yêu diệt ma, cỡ nào cũng xông pha, nhưng lại sợ nhất là phải phò trợ cho người phàm. Đừng nói đến nghiệp, chỉ riêng hơi thở của con người, đối với họ đã là rất nặng nhọc rồi. Chính vì thế mà Ngộ Không luôn được chư thần nể phục.

.

█ Cân Đẩu Vân không thể vượt qua bàn tay của Phật Tổ Như Lai.

Trước tiên, ta nói đến Phật Tổ Như Lai. Như Lai là bậc giác ngộ, cũng là điểm cuối cùng, tận cùng của trí tuệ. Ở đây, ta dùng từ " tận cùng " làm phương tiện đong đếm, thực chất, Giác Ngộ của Như Lai, không thể dùng ngôn ngữ, hình ảnh, hay bất cứ phương tiện nào diễn tả được. Bởi vạn Pháp chỉ đơn giản là Pháp, cuối cùng vẫn là Không. Như thế, dựa vào đây ta chia ý nghĩa bàn tay của Như Lai ra làm hai phần :

- 1/. Ngộ Không khi thách đấu với Như Lai, lúc nhảy trong lòng bàn tay của người, sở dĩ không thể vượt ra khỏi bàn tay ấy, là vì Ngộ Không Không đủ Trí Tuệ để làm được điều đó. Trí Tuệ và sức mạnh của Ngộ Không, đối với Vũ Trụ mà nói, chỉ là một phần nhỏ nằm trong đó, đã là một phần nhỏ, thì mãi mãi chỉ có thể loanh quanh trong đó, làm sao thoát ra được ?

- 2/. Như Lai đã là bậc Giác Ngộ, Trí Tuệ của người chính là bản thân của Vũ Trụ, là đại diện của các Pháp. Vốn dĩ chẳng có gì để vượt qua cả. Còn muốn vượt qua, nghĩa là con nằm trong đó. Đã đạt Giác Ngộ, thì tự thấy không có gì để vượt qua.

.

█ Cân Đẩu Vân là tốc độ của suy nghĩ.

Nếu bạn ở Trung Quốc, cần bao lâu để bạn nghĩ đến Ấn Độ ? Một giây ? Nửa giây ? Hay một Sát Na ? Thật sự nhanh kinh khủng.

Chúng ta ngồi một chỗ, ăn, uống, nằm, ngồi, làm việc, tán gẫu, bất cứ việc gì, suy diễn của chúng ta lúc đó có thật yên vị một chỗ ? Không, là điên đảo thần hồn, thoắt biến thắt hiện, ở khắp mọi nơi, từ phương Đông chạy sang phương Tây, từ Thiên Đường chạy xuống Địa Ngục, đang ở trong nhà cũng có thể bay ra ngoài chợ.

Một ngày, chúng ta đi bao nhiêu nơi ? Từ đâu, tại sao chúng ta lại đi khắp nơi như thế ?

Đó là biểu hiện của Trí, là Động. Trí của chúng ta luôn động, đi đến khắp nơi, để suy nghĩ, để phân tích, để quan sát, để chuẩn bị, để hồi tưởng, để sáng tạo. Để làm rất nhiều việc. Cái gọi là Cân Đẩu Vân, vốn là cái mà ai cũng có. Chúng ta chỉ thua Ngộ Không ở chỗ là không thể điều khiển đám mây này, để mặc nó lôi đi trong vô thức. Do không quan sát, nên chẳng thể không chế.

.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro