Mùa hè đỏ lửa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm.

Người đàn ông lớn tuổi mang quân phục người lính hơi cũ, trên vai đeo đầy những huân chương đứng bần thần nơi Thành cổ Quảng Trị. Thành cổ, giờ đã trở thành địa điểm tham quan di tích lịch sử, vẻ hoang tàn do bom đạn đã không còn, chiến tranh đã lui vào quá khứ 51 năm nhưng với ông tất cả chỉ như mới ngày hôm qua vậy.

Tháng 9 năm 1971, chàng sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội Đặng Văn Lâm cùng hơn 10000 sinh viên các trường Đại học trên khắp Hà Nội viết đơn tình nguyện tham gia kháng chiến chống Mỹ, họ sẵn sàng xếp bút nghiên khoác lên màu áo lính để giành lại độc lập cho đất nước. Lâm là anh chàng nhạy cảm với tâm hồn lãng mạn bay bổng, anh thường hay ôm cây đàn guitar của mình mà hát, hát về tình yêu tuổi học trò, hát về như những năm tháng sinh viên đầy mơ mộng. Trước ngày lên đường nhập ngũ, Lâm bước vào lớp học quen thuộc mà giờ đây đã vắng lặng, giảng đường trước kia rộn ràng huyên náo giờ đây cũng im ắng lạ thường, đến nỗi anh có thể nghe được tiếng lá kêu xào xạc. Chàng sinh viên chạm tay lên chiếc bàn gỗ cũ, tấm bảng đen đã phủ một lớp bụi mờ, đây là nơi mà anh đã gắn bó suốt 2 năm sinh viên, giờ đây phải lìa xa thật sự có chút nuối tiếc, chuyến đi lần này không biết đến bao giờ anh mới có thể được quay lại giảng đường thân quen này nữa. Lâm bước lên bục giảng, tay miết nhẹ lên tấm bảng đen đã phủ một bụi mờ, anh cầm lấy viên phấn trắng nắn nót viết từng dòng:

Tháng 9 năm 1971. Tạm biệt giảng đường, tôi đi!

Đặng Văn Lâm

....

Buổi sáng ở ga Hàng Cỏ đông nghịt người, hàng trăm chàng trai trẻ tuổi tạm biệt giảng đường, tạm biệt gia đình vì Miền Nam ruột thịt. Lâm lúc ấy chỉ kịp mỉm cười ôm mẹ như trấn an:

- Mẹ ở lại mạnh khỏe nhé, thống nhất con sẽ về

Sau nhanh chóng nhảy lên tàu rồi vội vàng lau đi giọt nước mắt, một chàng trai 19 tuổi như Lâm từ nhỏ đến lớn chưa phải xa gia đình lần nào, giờ đây lại phải đi một chuyến lâu đến như vậy, hơn nữa lại còn là chuyến đi không rõ ngày về, làm sao mà anh không cảm thấy sợ, cảm thấy buồn cơ chứ? Bên tai Lâm vẫn văng vẳng những lời chào, lời hứa hẹn, tàu bắt đầu lăn bánh, tiếng gọi, tiếng tạm biệt của những người bên ngoài cũng xa dần rồi mất hẳn.

Những ngày đầu khi huấn luyện trở thành người lính, Lâm phải trải qua những đợt huấn luyện khắc nghiệt, anh phải hành quân trên những chặng đường dài, phải tập bắn bằng những khẩu AK nặng trĩu nhưng nghĩ đến đất nước chưa thống nhất, nghĩ đến kẻ thù đã hại đất nước mình Lâm lại vững tâm. Trong đơn vị anh làm quen được rất nhiều người bạn, họ cũng giống như anh, đều là những anh chàng sinh viên tạm biệt giảng đường ra trận, đến mãi sau này Lâm vẫn nhớ mãi những người đó, những chàng trai tuổi chỉ mười tám, đôi mươi với những nụ cười hồn nhiên vui tươi, có cậu lúc nào cũng bày trò chọc phá mọi người và thủ trưởng báo hại cả đội bị phạt, có người thì suốt ngày thích giả gái hát chèo, có cậu lại ngồi khóc như đứa trẻ vì nhớ mẹ, khi đó anh lại ấn tượng nhất với Ngọc Hải. Ngọc Hải bằng tuổi anh, là một chàng trai cá tính, ít khi cười, cậu có một chiếc răng khểnh rất duyên, đôi lúc Lâm tự hỏi nếu cậu mà cười thì sẽ đẹp thế nào.

Lâm và Hải rất nhanh đã thân với nhau, trong suốt thời gian tập luyện hai người đã nói với nhau rất nhiều chuyện. Anh nhớ mãi khi ấy buổi đêm, hai người trốn ra ngoài nói chuyện:

- Hải này, mai này thống nhất cậu sẽ làm gì

- Tớ á, tớ sẽ tiếp tục đi học rồi trở thành một kỹ sư, tôi sẽ giúp đất nước mình phát triển. Còn cậu?

- Tớ cũng sẽ trở lại giảng đường, rồi sau này tớ sẽ thành thầy giáo dạy văn

Hai chàng trai trẻ khi đó chỉ nói về như những khát vọng, hoài bão, trong mắt họ khi đó chính là một tương lai tươi sáng. Chợt Hải quay ra hỏi Lâm:

- Này Lâm, sau này trở về Hà Nội chúng ta có thể gặp lại nhau không nhỉ

- Chắc chắn là có rồi, sau này thống nhất chúng ta sẽ gặp lại nhau.

- Khi ấy chúng ta sẽ cùng nhau đi dạo hồ Gươm, cùng đi ăn kem Tràng Tiền

Khi ấy cả hai đã bị chỉ huy bắt gặp và mắng cho một trận vì tội đêm không ngủ trốn ra ngoài

Tháng 6 năm 1972, đơn vị của Lâm chuyển quân vào trong Nam bắt đầu những trận chiến khốc liệt nhất. Cả cuộc đời Lâm không bao giờ quên được những ngày tháng ấy, khi cả đơn vị đang hành quân về phía Quảng Trị thì một đợt không kích của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa bất ngờ dội xuống nhằm ngăn chặn họ tiến vào Miền Nam, khi cả đội vượt sông Thạch Hãn, pháo kích càng trở nên ác liệt hơn, có người bị trúng bom thân xác không còn nguyên vẹn, có nhiều người còn chưa kịp nhìn thấy người đứng đầu quân đội Mỹ đã hi sinh. Qua được sông, đợt pháo kích kết thúc thúc, đơn vị có 107 người sau khi qua sông chỉ còn lại 47 người, những chiến sĩ khiêng thi thể đồng đội qua sông cũng bị trúng bom mà hi sinh, máu nhuộm đỏ cả một khúc sông, xung quanh anh những người đồng đội vừa mới đây còn ngồi nói chuyện với anh giờ chỉ còn là những mảnh thân thể rời rạc, những cái xác lạnh lẽo, lần đầu tiên anh thấy sợ hãi như vậy, anh sợ cái chết, sợ bom đạn, sợ không thể quay về bên mẹ được nữa, anh quỵ xuống ôm đầu khóc, chợt có một bàn tay ấm áp đặt lên vai anh, là Hải, Hải nhẹ nhàng an ủi anh:

- Lâm, mạnh mẽ lên. Chúng ta phải quyết tâm trả thù cho những người đồng đã hi sinh. Cậu là lính, cậu không được gục ngã, cậu còn nhớ lý do chúng ta viết đơn tình nguyện không. Cậu còn nhớ lời hứa giữa chúng ta không?

Phải rồi, anh phải mạnh mẽ lên, anh không được gục ngã, Lâm đứng dậy lau nước mắt. Đêm hôm ấy, anh cùng mọi người mang thi thể đồng đội đi chôn cất, những nấm mộ vừa xây lên thì : ĐOÀNG. Một đợt pháo kích nữa, những nấm mộ vừa xây lên lại bị bom xới tung.

Rồi đơn vị của anh được giao nhiệm vụ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đây là một cứ điểm đặc biệt quan trọng quyết định bên phía Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ giành được lợi thế trên bàn đàm phán Hiệp định Paris. Bên phía Mỹ cũng như quân lực Việt Nam Cộng Hòa không chấp nhận bị mất Quảng Trị nên ra sức tấn công chiếm cho bằng được Thành cổ Quảng Trị. Trận chiến ấy chính là nỗi ám ảnh đối với biết bao người lính, biết bao chiến sĩ hi sinh, nơi hầm hào không biết bao nhiêu thi thể, có những người bị bom đánh đến thi thể mỗi nơi một mảnh, có những người máu thịt hòa lẫn với đất đá nơi Thành cổ. Khi ấy bản thân Lâm cũng bị thương đến không thể gượng dậy nổi, anh chỉ có thể nằm lại ở hào mà chịu đau, xung quanh vẫn là cảnh bom đạn ác liệt. Trận chiến này thực sự quá tàn khốc, càng về cuối trận đánh quân địch càng tấn công ác liệt muốn dồn ta vào thế yếu, lương thực, nhân lực cũng đang dần cạn kiệt, phía hậu cần cũng không kịp tiếp viện. Bom đạn dần lắng xuống, mọi người hi sinh gần hết, Lâm cố gượng dậy khỏi hào chợt anh nhìn thấy một tên lính bên phía Việt Nam Cộng Hòa mang theo lá cờ ba sọc định cắm vào phía Thành cổ, Hải ở bên cạnh anh định lên nòng súng bắn về phía tên lính nhưng súng hết đạn, bị dồn vào đường cùng Hải lao ra giương lưỡi lê đâm vào ngực tên lính Cộng Hòa, bất ngờ một viên đạn bắn ra ghim vào ngực Hải, cả hai cùng ngã xuống. Lâm nhìn về phía Hải, anh đau đớn đến không thể hết lên được, không còn gì nữa cả, người bạn của anh, đồng đội của anh, không còn ước mơ sẽ trở lại giảng đường, không còn lời hứa đi chơi hồ Gươm ăn kem Tràng Tiền. Cậu trai khuôn mặt điềm đạm với nụ cười duyên ấy giờ đây chỉ còn là cái xác không hồn, mưa bắt đầu trút xuống tầm tã, Lâm cố gắng đến gần người bạn của mình đắp lên người cậu tấm vải nilon, không hiểu sao khi ấy anh lại đặt lên trán cậu một nụ hôn

  ...

Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã thành ký ức, Thành Quảng Trị là cối giã thịt người, những xác còn nguyên vẹn không nhiều, những xác được đưa sang sông cũng không nhiều. Đi cùng Lâm năm ấy không biết bao nhiêu đồng đội đã nằm lại Thành cổ, chỉ còn lại Lâm vẫn tiến về phía trước, tiếp tục thực hiện hoài bão của biết bao thanh niên lên đường năm ấy. Tháng 3 năm 1973, hơn hai tháng sau khi Việt Nam giành chiến thắng trên bàn đàm phán trên hiệp định Paris quân đội Mỹ đã hoàn toàn rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt hơn 8 năm can thiệp và trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam. Tháng 4 năm 1975, phía Việt Nam Cộng Hòa đã mất gần hết các vị trí then chốt trong trong tuyến phòng thủ từ xa tại Sài Gòn, cùng lúc đó chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập, theo mệnh lệnh của Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Thần tốc, thần tốc hơn nữa.
Táo bạo, táo bạo hơn nữa.
Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng.

Cùng với sự giúp sức của quần chúng nhân dân tại Miền Nam Việt Nam, quân đội Giải Phóng đã dần tiến vào Sài Gòn, đúng 9h30p ngày 30/4 năm 1975, xe tăng T-59 húc đổ cổng dinh Độc Lập, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng như Bộ Tổng Tham mưu Ngụy Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện, lá cờ ba sọc chính thức bị hạ, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, chiến dịch Hồ Chí Minh

  ...

Người lính già bị kéo về thực sự tại, ông đi quanh Thành cổ như muốn tìm lại hình ảnh của người bạn trân quý đã hi sinh năm ấy, người lính ngước lên bầu trời cố nén dòng nước mắt:

- Hải, cậu có thấy không? Đất nước ta ngày hôm nay thật đẹp, một phần là nhờ cậu cùng mọi người đấy.

Ông lại đi ra phía sông Thạch Hãn, mọi người đang thả hoa tưởng nhớ đến những người lính đã hi sinh năm ấy. Trước mắt ông hiện ra hình ảnh những chàng lính sinh viên hồn nhiên tinh nghịch năm ấy, bên tai ông là tiếng ve kêu râm ran, dòng sông bình lặng kia dường như vẫn đang nhuộm đỏ

Mười tám hai mươi sắc như cỏ
Dày như cỏ
Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ
Cơn gió lạ một chiều không rõ rệt
Hoa chuẩn bị âm thầm trong đất
Nơi đó nhất định mùa xuân sẽ bùng lên
Hơn một điều bất chợt

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...

       (Khúc bảy - Thanh Thảo)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro