Giai quyet tranh chap trong tmqt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ VÀ YÊU CẦU CẢI CÁCH HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN TÀI PHÁN - THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI

Điều khoản giải quyết tranh chấp bao giờ cũng là một phần của bất cứ hợp đồng thương mại quốc tế nào. Thông thường, các bên hay chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài nước ngoài hơn là Tòà án Việt Nam hay trọng tài Việt Nam. Tại sao vậy? Trước khi ban hành Pháp lệnh Trọng tài, chúng ta có thể giải đáp những thắc mắc trên là do cơ chế trọng tài cũ còn nặng nề những qui định từ thời kỳ bao cấp của trọng tài kinh tế. Song từ khi Pháp lệnh Trọng tài ra đời,1 các giải pháp được đề ra trong Pháp lệnh rất tương đồng với các thủ tục trọng tài của Trung tâm Luật Thương mại Quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) hay của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC). Như vậy tại sao thủ tục trọng tài tại Việt Nam vẫn chưa được tín nhiệm. Báo cáo này xin đề cập đến vấn đề giải quyết tranh chấp thông qua con đường trọng tài tại Việt Nam, và những vướng mắc chưa giải quyết.

Về các vướng mắc, bài viết sẽ tập trung đi vào hai vấn đề mấu chốt: chọn trọng tài viên và thời gian giải quyết tranh chấp. Đó là vì khi soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp, vấn đề các bên quan tâm sẽ là "khi tranh chấp xảy xa, tôi có được xử công bằng và nhanh chóng không?" Liên quan đến câu hỏi trên sẽ là hai câu hỏi: "ai sẽ xử vụ tranh chấp của chúng tôi?", và "tốn bao nhiêu thời gian để có được kết quả?".

1. Chọn trọng tài viên

Khoản 3 Điều 49 có qui định: "Trọng tài viên do các bên chọn hoặc do Tòa án chỉ định có thể là Trọng tài viên có tên trong danh sách hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của các Trung tâm Trọng tài của Việt Nam hoặc là Trọng tài viên nước ngoài theo quy định của pháp luật về trọng tài nước đó". Tuy nhiên, qui định tại Điều 49 không nói rõ bên nước ngoài có quyền chọn trọng tài viên theo "pháp luật về trọng tài nước đó" không, nếu hợp đồng qui định sẽ giải quyết tranh chấp theo luật Việt Nam và pháp luật trọng tài của Việt Nam. Để cho rõ, theo tôi, câu "theo quy định của pháp luật về trọng tài nước đó" có thể được lược bỏ.

Vấn đề chọn trọng tài viên nước ngoài là một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay của Pháp lệnh. Mặc dù có qui định tại Điều 49, Điều 25 Pháp lệnh Trọng tài lại qui định rằng trọng tài viên sẽ được chọn trong danh sách trọng tài viên của Trung tâm trọng tài. Một thực tế xảy ra là phần lớn các Trung tâm trọng tài ở Việt Nam chỉ có người Việt Nam là thành viên. Đây là điều sẽ làm cho bên nước ngoài e ngại. Họ không thể chọn người nước ngoài làm trọng tài viên vì không có tên trọng danh sách. Nếu họ phải chọn một trọng tài viên là người Việt Nam, các nghi vấn tiếp theo sẽ là: "tôi có thể tin trọng tài viên đó không? Trọng tài viên đó có vô tư không? Trọng tài đó có đủ khả năng giải quyết vấn đề phức tạp của tôi không?". Nếu họ không chắc những vấn đề đó, sẽ rất khó thuyết phục các bên chọn một Trung tâm trọng tài Việt Nam để giải quyết tranh chấp. Ngoài ra, việc một số trung tâm vẫn qui định tiếng Việt là ngôn ngữ của trọng tài (trong khi Pháp lệnh cho phép các bên lựa chọn) cũng là một lý do tại sao các bên nước ngoài ngại lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam.

Một số trung tâm trọng tài cho rằng nếu cho phép các bên chọn trọng tài ngoài danh sách thì trung tâm không thể nào chịu trách nhiệm về chất lượng cũng như tư cách đạo đức của trọng tài viên. Các lo ngại này không phải không có cơ sở. Tuy nhiên họ có thể tránh chịu trách nhiệm bằng qui định "trung tâm sẽ không chịu trách nhiệm về hành vi của trọng tài viên trong trường hợp trọng tài viên đó do một bên chọn ngoài danh sách của trung tâm". Đây cũng là cách mà Quy tắc Trọng tài ICC đã chọn (Điều 34).

Thiết nghĩ, để cho nhất quán với Điều 49, thì Điều 25 của Pháp lệnh Trọng tài nên qui định rằng các bên có quyền chọn trọng tài viên ngoài danh sách. Đi xa hơn nữa, các trung tâm trọng tài trong nước có thể mời các chuyên gia nước ngoài vào danh sách các trọng tài viên của mình.

2. Thời gian tố tụng

Trong Pháp lệnh vẫn còn các bẫy về thời gian khiến thủ tục trọng tài theo luật Việt Nam có thể bị kéo dài một cách không cần thiết và không dự đoán được. Các bẫy đó nằm ở ba điểm: vắng mặt trong phiên xử, thẩm quyền trọng tài và thời gian xét xử.

Đối với vấn đề thứ nhất, các bên có thể vắng mặt trong phiên xử nếu có "lý do chính đáng" (Điều 40), và không định nghĩa thế nào là lý do chính đáng cũng như thời hạn thông báo. Như vậy, các bên có thể liên tục vắng mặt với "lý do chính đáng". Trong khi đó, Qui tắc UNCITRAL qui định các bên chỉ được phép vắng mặt nếu thông báo cho Hội đồng trọng tài trước phiên xử ít nhất 15 ngày. Qui tắc ICC cũng qui định tương tự (Điều 20-21).

Đối với vấn đề thứ hai, Pháp lệnh cho phép các bên phản đối thẩm quyền trọng tài cũng như tư cách của trọng tài viên trong bất cứ thời gian nào trước khi quyết định trọng tài được đưa ra. Như vậy, mọi cố gắng giải quyết tranh chấp có thể uổng phí nếu sau đó bị đơn nại rằng hội đồng trọng tài không có thẩm quyền hay có một trọng tài viên không vô tư khi làm nhiệm vụ. Trong khi đó, Qui tắc UNCITRAL qui định bị đơn chỉ được phép phản đối thẩm quyền của trọng tài không muộn hơn khi nộp bản tự bảo vệ. Qui tắc ICC còn qui định việc không nộp bản tự bảo vệ có nghĩa là bị đơn đã từ bỏ quyền phản đối đơn kiện. Pháp lệnh không có qui định như vậy, khiến cho bị đơn có thể phản đối đơn kiện kể cả khi không có bản tự bảo vệ.

Đối với vấn đề thứ ba (thời gian xét xử), Pháp lệnh không có qui định cụ thể khi nào thì phải kết thúc xét xử và ra quyết định, trong khi đó Qui tắc UNCITRAL qui định phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ kết thúc khi các bên không đưa ra thêm được bằng chứng gì. Qui tắc ICC, tại Điều 22 cũng qui định phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ kết thúc khi các bên đã có cơ hội trình bày về vụ việc và không được phép mở lại trừ trường hợp Hội đồng cho phép. Điều này khiến cho thủ tục giải quyết tranh chấp được tiến hành nhanh hơn, tránh tình trạng các bên cố tình tạo ra chứng cứ mới và yêu cầu mở lại phiên họp để trì hoãn việc ra quyết định.

3. Các vấn đề khác

Ngoài vấn đề chỉ định trọng tài và thời gian giải quyết tranh chấp, Pháp lệnh còn có một số điểm sau đây sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết tranh chấp.

- Đối chứng giám định: Đối với những vấn đề kỹ thuật, hoặc các qui định liên quan đến pháp luật nước ngoài, đôi khi hội đồng trọng tài không đủ kiến thức để giải quyết. Khi đó, các bên có thể mời giám định (Điều 32 Pháp lệnh Trọng tài). Tuy nhiên khác với Qui tắc UNCITRAL, Pháp lệnh không qui định về việc đối chứng giữa các giám định viên nếu giám định viên mỗi bên nói mỗi khác (expert interrogation).

- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp: Pháp lệnh tuy qui định các trình tự tố tụng trọng tài, song không qui định rõ trọng tài viên sẽ xem xét vụ việc dựa trên tiêu chí nào, cũng không nêu bật được nguyên tắc giải quyết tranh chấp. Trong khi đó Qui tắc UNCITRAL qui định trọng tài viên có thể tiến hành giải quyết theo bất cứ phương thức nào, tuy nhiên nội dung của phán quyết phải đảm bảo tính công bằng cho các bên, và phải cho các bên cơ hội để trình bày quan điểm của mình. Qui tắc ICC cũng qui định như vậy (Điều 15). Thiết nghĩ, một điều khoản về nguyên tắc giải quyết trọng tài sẽ hạn chế rủi ro khi phán quyết sai về mặt nội dung do không nhìn nhận đúng vấn đề, do áp dụng luật sai hay do luật không qui định rõ ràng. Điều này chưa hẳn là do trọng tài viên không vô tư, khách quan (khoản 2 Điều 13 Pháp lệnh), vì thế nên không thể hủy phán quyết trong những trường hợp như vậy. Trong Pháp lệnh, Tòa án chỉ có thể hủy phán quyết trọng tài nếu có vi phạm về tố tụng (Điều 54). Nếu các đối tác nước ngoài không tin tưởng về trình độ trọng tài viên Việt Nam và luật áp dụng là luật Việt Nam, thì họ cũng không đủ can đảm để thỏa thuận rằng phán quyết của trọng tài là chung cuộc và bắt buộc phải thi hành. Vì vậy, xác định một tiêu chuẩn giải quyết tranh chấp trọng tài về mặt nội dung là rất cần thiết.

- Quyết định trọng tài từng phần hay tạm thời: Các qui định tại Qui tắc UNCITRAL cho phép hội đồng trọng tài ra các quyết định từng phần và tạm thời (interim, interlocutory, partial awards) song vẫn được coi là quyết định sau cùng ràng buộc đối với các bên. Thí dụ, trong tranh chấp có ba điểm, song chỉ có hai điểm rõ ràng và một điểm còn chưa rõ. Hội đồng trọng tài có thể ra phán quyết tạm thời hay từng phần đối với những phần đã rõ. Trong Pháp lệnh hiện chưa có qui định như vậy.

- Chi phí: Chi phí trọng tài hiện nay tại các Trung tâm trọng tài Việt Nam còn tương đối thấp và không qui định rõ các bên có thể phải trả thêm chi phí đi lại, lưu trú của trọng tài viên nếu mời trọng tài viên từ địa phương khác hay từ nước ngoài hay không. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến khả năng lựa chọn những người có trình độ nhất để giải quyết tranh chấp, nếu họ không cư trú gần nơi giải quyết tranh chấp.

Tóm lại, doanh nghiệp chọn hình thức trọng tài để giải quyết tranh chấp vì trình độ chuyên môn cao của trọng tài viên và vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Nếu Pháp lệnh không giải quyết được hai vấn đề này - thông qua việc cho phép chọn trọng tài viên nước ngoài một cách đơn giản hay rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp bằng cách qui định rõ các thời hạn; thì sẽ rất khó để các bên có thể chọn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam. Ngoài ra, một số vấn đề khác như nguyên tắc giải quyết tranh chấp hay khả năng ban hành quyết định tạm thời hay từng phần cũng nên được đề cập đến, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa thủ tục trọng tài Việt Nam và trọng tài quốc tế, đồng thời tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi làm ăn tại Việt Nam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tmqt